Trang chủ    Diễn đàn    Cần hiểu đúng luận điểm “đấu tranh chống tôn giáo” và “làm cho tôn giáo đi đến chỗ tiêu vong thực sự” của Chủ nghĩa Mác - Lênin
Thứ sáu, 20 Tháng 11 2020 14:02
9598 Lượt xem

Cần hiểu đúng luận điểm “đấu tranh chống tôn giáo” và “làm cho tôn giáo đi đến chỗ tiêu vong thực sự” của Chủ nghĩa Mác - Lênin

(LLCT) - Khi bàn về tôn giáo, chủ nghĩa Mác - Lênin đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhiều học giả từ các lập trường tư tưởng, ý thức hệ, lĩnh vực khác nhau trên toàn thế giới. Bên cạnh số học giả ủng hộ, đồng tình và làm rõ thêm các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo thì cũng có khá nhiều học giả, đảng phái, lực lượng phủ nhận một phần hoặc toàn bộ quan điểm về tôn giáo của chủ nghĩa Mác - Lênin. Một trong số những luận điểm phủ nhận, phê phán cho rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin chủ trương tuyên chiến với tôn giáo và thủ tiêu tôn giáo. Quan điểm “tôn giáo tiêu vong” đã lạc hậu, lỗi thời và sai lầm ngay trong chính thời đại của C.Mác, V.I.Lênin. Bài viết dưới đây sẽ phân tích, làm rõ luận điểm “đấu tranh chống tôn giáo” và “tôn giáo tiêu vong” để hiểu đúng chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo, chống lại các luận điệu xuyên tạc, chia rẽ người cộng sản và người tôn giáo.

Từ khóa: chủ nghĩa Mác - Lênin, tôn giáo tiêu vong, chống tôn giáo.

1. Đấu tranh chống tôn giáo không phải là để xóa bỏ tôn giáo, thiết lập một xã hội không có chỗ cho tôn giáo mà là để giải phóng triệt để quần chúng nhân dân lao động

Trong các tác phẩm kinh điển chủ nghĩa Mác - Lênin như: Tình cảnh nước Anh; Tomat Caclailơ, quá khứ và hiện tại; Chiến tranh nông dân ở Đức; Lútvích Phoiơbắc và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức; Chống Đuy Rinh; B.Bauơ và bản chất đạo Kitô giáo nguyên thủy; Gia đình thần thánh; Hệ tư tưởng Đức; Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo; Về thái độ của Đảng Công nhân đối với tôn giáo; Thái độ của các giai cấp và của các đảng phái đối với tôn giáo và giáo hội; Những nhà triết học duy tâm; Các đảng phái trong triết học và các nhà triết học không đầu não; Giới tu hành và chính trị; Bệnh ấu trĩ tả khuynh và tính tiểu tư sản,... Các nhà kinh điển đã đặt vấn đề, xét cho đến cùng mọi lý luận hay phong trào cách mạng đều phải đi đến đích cuối cùng là giải phóng triệt để nhân dân lao động khỏi ách áp bức về giai cấp, về kinh tế, về chính trị và cả ách áp bức về tinh thần mà tôn giáo là một nguyên nhân. Vì sao?

Trong lịch sử, tôn giáo đã từng “xóa sổ” nền triết học, chính trị, luật học cổ đại để bắt đầu một nền văn minh Kitô giáo độc quyền trí dục và một nền giáo dục cũng mang một tính chất thuần túy thần học, “Trong tay bọn giáo sĩ, chính trị và luật học, cũng như tất cả những khoa học khác, vẫn chỉ là những ngành của khoa thần học, và những nguyên lý thống trị trong thần học cũng được áp dụng cho chính trị và luật học. Những giáo lý của giáo hội đồng thời cũng là những định lý chính trị, và những đoạn kinh thánh cũng có hiệu lực trước mọi tòa án như là luật pháp,... Và sự thống trị tối cao ấy của thần học trong tất cả các lĩnh vực hoạt động tinh thần đồng thời cũng là hậu quả tất yếu của cái vị trí mà giáo hội đã chiếm với tính cách là sự tổng hợp chung nhất và sự phê chuẩn chung nhất của chế độ phong kiến hiện tồn”(1). Thời của C.Mác, nhà nước Đức, đứng đầu là vua Phổ đã lợi dụng triệt để tôn giáo để chống lại những xu hướng chính trị tiến bộ, lấy tôn giáo làm liều thuốc ru ngủ người dân trong ảo tưởng và nhẫn nhục về ách áp bức để họ quên đi đấu tranh, quên đi những điều họ có quyền đòi hỏi để được sống một cuộc đời xứng đáng là một con người. Ở nước Nga, đạo Chính thống giữ vị trí quốc giáo, nhà nước Nga Sa hoàng đã sử dụng tôn giáo để củng cố quyền uy. Các đảng phái ở Nga khi đó đang cố gắng tuyên truyền cho tôn giáo, nâng nhu cầu tôn giáo của người dân lên để kéo quần chúng ra khỏi cuộc đấu tranh cách mạng, chú ý về phía tôn giáo mà quên đi các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội lúc bấy giờ. Chứng kiến ở châu Âu, lãnh tụ tôn giáo đã trở thành một bộ phận quan trọng trong hệ thống chính trị của giai cấp tư sản thống trị nhân dân lao động bằng sự thể chế hóa tôn giáo. Một thời gian dài, giáo hội thực thi quyền “thống trị tất cả chỉ thuộc về Thiên chúa” để phán xử những ai không cùng quan điểm với mình, kể cả vương triều và vương quốc chính trị cũng có thể bị giáo hội xử “tuyệt thống”. Các nhà nước Tây Âu nằm dưới sự thống trị và chịu sự chi phối hoàn toàn bởi Giáo hội La Mã, hoàng đế phải nhận sắc phong của giáo hoàng mới có chính danh để cai quản, thống trị ở vùng đất của mình. Và do vậy, hoàng đế phải ủng hộ giáo hoàng không chỉ bằng niềm tin mà còn bằng cả sức mạnh kinh tế và quân sự. Nhờ đó, giáo hoàng được coi là “vua của các vị vua” ở Tây Âu, giáo hoàng không chỉ có quyền lực thần quyền mà có cả thế quyền. Các nhà lập pháp trong giáo hội đã đặt đức tin của mình lên trên tất thảy để đưa ra những luật lệ thách thức các quyền dân sự khác, nhiều quyết định của giáo hội đã ảnh hưởng quá mức tới thiết chế nhà nước, phản đối các quyết định chính trị mà nhà nước buộc phải chấp hành.

Với hiện trạng đó, các nhà kinh điển mác xít đã ví tôn giáo như thứ “gông cùm” trói buộc tinh thần con người trong một vòng hào quang thần thánh khiến họ đang bị gông cùm vẫn tự cảm thấy mình được tự do, đang bất hạnh nhưng vẫn cảm thấy mình hạnh phúc, đang bất bình đẳng vẫn cảm thấy mình được bình đẳng, nhưng đó chỉ là thứ hạnh phúc (hay thứ tự do) trên “thiên đường tưởng tượng” mà thôi. Sự bình đẳng (dù chỉ là trước Chúa) cũng chẳng tồn tại bao lâu, khi giáo hội xác lập sự đối lập giữa giáo sĩ và tín đồ thì tư tưởng bình đẳng phôi thai ban đầu của tôn giáo cũng chấm dứt. Nói chung, tôn giáo đã xoa dịu, an ủi con người bằng cách tạo ra một “vương quốc thiên đàng toàn mỹ” mà ở đó “người tín đồ luôn luôn gặp lại - dưới một dạng cải biến - những cái đã làm cho cuộc sống của họ ở trên cõi trần này được ngọt ngào hơn”(2).

Như vậy, chủ nghĩa duy linh là kẻ thù của chủ nghĩa nhân đạo cần phải bóc trần và phê phán. Như C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Nhất thiết không để cho người Đức có một phút tự dối mình và khuất phục. Cần phải làm cho ách áp bức hiện thực càng nặng nề hơn nữa bằng cách gắn vào nó cái ý thức về sự áp bức, cần phải làm cho sự nhục nhã càng nhục nhã hơn nữa, bằng cách công bố sự nhục nhã ấy... Cần phải bắt nhân dân khiếp sợ bản thân mình để tiêm dũng khí vào cho họ”(3).

Trong tình hình như vậy, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin đã đặt vấn đề phải đấu tranh “chống tôn giáo”, nhưng chống tôn giáo ở đây phải được hiểu là:

(i) Chống cái xã hội trần tục, chống cái nhà nước đã sản sinh ra tôn giáo và lợi dụng tôn giáo, biến nó thành công cụ tinh thần để nô dịch quần chúng trong vòng ngu muội và cam chịu, chứ “không phải lao vào những cuộc phiêu lưu đấu tranh chính trị chống tôn giáo”(4).

Chống tôn giáo là để giải phóng quần chúng khỏi tình trạng bị nô dịch, bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính họ làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi. Chống tôn giáo là để giải phóng con người khỏi sự sợ hãi bởi “bóng ma” tôn giáo bằng cách tạo nên một cảnh “cực lạc” ngay trên trái đất này để con người tự giải phóng mình khỏi sự trông chờ vào cuộc sống cực lạc ở thế giới bên kia. “Nhiệm vụ của lịch sử sau khi cái chân lý của thế giới bên kia đã mất đi - là xác lập chân lý của thế giới bên này. Sau khi cái hình tượng thần thánh của sự tự tha hóa của con người đã bị bóc trần thì nhiệm vụ cấp thiết của cái triết học đang phục vụ lịch sử là bóc trần sự tự tha hóa trong những hình tượng không thần thánh của nó. Như vậy, phê phán thượng giới biến thành phê phán cõi trần, phê phán tôn giáo biến thành phê phán pháp quyền, phê phán thần học biến thành phê phán chính trị”(5). Xóa bỏ tôn giáo là xóa bỏ những tình cảnh đang cần có “ảo tưởng”, là yêu cầu từ bỏ những ảo tưởng, vứt bỏ khỏi xiềng xích các bông hoa giả trang điểm cho chúng, giơ tay hái lấy bông hoa thật. Việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải, để con người suy nghĩ, hành động, xây dựng tính hiện thực của mình.

(ii) Chống tôn giáo không phải là tấn công trực diện vào tôn giáo, xóa bỏ tôn giáo bằng sắc lệnh, để thiết lập một xã hội không có chỗ cho tôn giáo và cấm tất cả mọi sinh hoạt tôn giáo. Chủ nghĩa xã hội vẫn tôn trọng quyền tự do theo tôn giáo và không theo tôn giáo của quần chúng. “Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào”(6). Người theo hay không theo tôn giáo đều bình đẳng về quyền lợi, “Mọi sự phân biệt quyền lợi giữa những công dân có tín ngưỡng tôn giáo khác nhau đều hoàn toàn không thể dung thứ được”(7). Thậm chí, “Trong các văn kiện chính thức tuyệt đối phải vứt bỏ thậm chí mọi sự nhắc đến tôn giáo nào đó của công dân”(8).

Ph.Ăngghen đã từng phê phán “Ông Đuyrinh không thể chờ đợi cho đến khi tôn giáo chết cái chết tự nhiên của nó. Ông ta làm một cách căn bản hơn. Ông ta tỏ ra là Bi-xmác hơn cả Bi-xmác; ông ta ra những đạo luật tháng Năm còn nghiêm ngặt hơn, không chỉ chống đạo Thiên chúa, mà còn chống cả mọi tôn giáo nói chung nữa; ông ta tung bọn hiến binh tương lai của ông ta ra truy kích tôn giáo, và do đó, ông ta giúp cho tôn giáo đạt tới chỗ thực hiện tinh thần tử vì đạo và kéo dài thêm sự tồn tại của nó”(9).

Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng không cổ vũ cho quan điểm thủ tiêu tôn giáo bằng cách chế giễu hay sỉ vả nó. Không chống tôn giáo một cách nông cạn, thô thiển, V.I.Lênin coi sai lầm lớn nhất và tệ hại nhất của người mác xít là lầm tưởng rằng chỉ cần giáo dục chủ nghĩa Mác là có thể làm cho quần chúng bừng tỉnh khỏi giấc mê tôn giáo. Chủ nghĩa Mác - Lênin cũng không đồng tình với quan điểm xã hội xã hội chủ nghĩa phải phế bỏ mọi trang bị của sự mê hoặc tinh thần hay phế bỏ tất cả những yếu tố của sự thờ cúng và cũng không nên cấm đoán tôn giáo “thành lập những nhà trường riêng của họ bằng những phương tiện riêng của họ và dạy ở đó những điều”(10) mà họ cho là chân lý dù “chân lý” đó có thể là sự nhận thức sai lầm hay hư ảo.

 (iii) Chống tôn giáo là chống “đám mây mù tôn giáo” để bảo vệ thế giới quan duy vật khoa học, “giai cấp vô sản hiện đại đứng về phía chủ nghĩa xã hội, là chủ nghĩa đưa khoa học vào cuộc đấu tranh chống các đám mây mù tôn giáo và làm cho công nhân khỏi tin vào một cuộc đời ở thế giới bên kia, bằng cách đoàn kết họ lại vì cuộc đấu tranh thực sự nhằm giành lấy một cuộc đời tốt đẹp hơn trên trần thế”(11). Chống tôn giáo là chống cách tôn giáo dùng bạo lực và lừa mị, ép buộc người dân theo tôn giáo, V.I.Lênin nhấn mạnh “Những người dân chủ - xã hội không tán thành những quan điểm của Cơ đốc giáo... Nhưng trong khi tuyên bố như thế, tôi thấy có nhiệm vụ phải tức khắc nói rõ ràng, minh bạch rằng, Đảng dân chủ - xã hội đấu tranh đòi được hoàn toàn tự do tín ngưỡng và chúng tôi rất kính trọng mọi sự tin tưởng thành thật trong lĩnh vực tín ngưỡng, chừng nào mà người ta không dùng bạo lực và lừa bịp để truyền bá lòng tin tưởng đó”(12).

(iv) Chống tôn giáo cũng là vì tôn giáo trở thành công cụ ngụy trang tư tưởng cho sự thống trị giai cấp, trở thành vật sở hữu độc quyền của các giai cấp thống trị. Trừ các tôn giáo trong thời kỳ cộng sản nguyên thủy, những tôn giáo về sau đều ít nhiều bị các lực lượng chính trị lợi dụng, làm méo mó, biến dạng để phục vụ cho ý đồ, mục đích riêng. Nói chung, một khi tôn giáo đã biến thành tôn giáo nhà nước, thì nó “quên” đi những tín điều “ngây thơ” của nó lúc sơ khai với một tinh thần dân chủ và cách mạng. V.I.Lênin lưu ý “Tất cả những giai cấp áp bức đều cần đến hai chức năng xã hội, để giữ gìn nền thống trị của mình: chức năng đao phủ và chức năng giáo sĩ. Đao phủ phải dẹp tan sự phản kháng và sự căm phẫn của những người bị áp bức. Giáo sĩ phải an ủi những người bị áp bức, vạch ra cho họ thấy triển vọng”(13). Nên, người cộng sản phải vạch trần sự liên kết giữa tổ chức tôn giáo với những thế lực phản động, dùng tôn giáo để bảo vệ chế độ bóc lột và đầu độc giai cấp công nhân, giam hãm người dân trong vòng ngu muội, khổ ải mà vẫn tưởng mình được sung sướng, hạnh phúc.

Tóm lại, luận điểm “đấu tranh chống tôn giáo” của chủ nghĩa Mác - Lênin là hết sức rõ ràng, nhưng những người chỉ trích chủ nghĩa Mác - Lênin đã lấy sự đối lập ý thức hệ giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tôn giáo để xuyên tạc luận điểm của các ông, để quy kết chủ nghĩa Mác - Lênin có cái nhìn cực đoan về tôn giáo, chỉ thấy những mặt hạn chế và tiêu cực của tôn giáo mà không thấy những điểm tích cực của nó, chủ trương truy kích tôn giáo. Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo như vậy là một định kiến chính trị nông cạn, một thái độ ấu trĩ tả khuynh, một khuynh hướng tư tưởng “không đầu não”.

2. Tôn giáo chỉ tiêu vong thực sự khi xóa bỏ được hết các nền tảng quan hệ xã hội, các thể chế xã hội, các hiện tượng tạo ra sự “tha hóa” cần đến tôn giáo của con người

Chủ nghĩa Mác - Lênin đã đặt vấn đề, dù tôn giáo đã và đang tồn tại trong xã hội, dù “tiếng đàn” tôn giáo đã rung lên, thức tỉnh hàng triệu trái tim, bắt đế chế La Mã phục tùng hay phần lớn nhân loại đang tôn thờ ngưỡng mộ thì nó vẫn là một phạm trù lịch sử, là một hiện tượng xã hội, ra đời trên những cơ sở trần tục nhất định thì cũng sẽ mất đi khi những cơ sở đó không còn nữa. Chủ nghĩa Mác - Lênin dự báo về thời điểm tôn giáo sẽ tiêu vong khi:

(i) Quan hệ giữa người - người, người - giới tự nhiên hết sức rõ ràng, hợp lý. “Nói chung, sự phản ánh có tính chất tôn giáo của thế giới thực tại chỉ có thể mất đi khi nào mà những quan hệ trong đời sống thực tiễn hàng ngày của con người được biểu hiện bằng những mối liên hệ rõ ràng và hợp lý giữa người ta với nhau và với thiên nhiên”(14).

(ii) Xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và thực hiện chế độ sở hữu (chiếm hữu xã hội về tư liệu sản xuất). Khi xã hội sử dụng tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch. Và khi con người ta không chỉ mưu sự mà thành sự cũng tại nhân, thì tôn giáo hay thánh thần sẽ chui xuống cái hầm “trú ẩn” của nó, con người không còn cần phải viện đến thánh thần để cầu xin những gì mà họ bất lực trong thế giới thực tại này, tôn giáo sẽ chết cái chết tự nhiên của nó. Ph.Ăngghen viết: “Khi nào thông qua việc nắm toàn bộ các tư liệu sản xuất và sử dụng những tư liệu ấy một cách có kế hoạch, xã hội tự giải phóng mình và giải phóng tất cả mọi thành viên trong xã hội khỏi tình trạng bị nô dịch, trong đó hiện nay họ đang bị giam cầm bởi những tư liệu sản xuất do chính tay họ đã làm ra nhưng lại đối lập với họ như một sức mạnh xa lạ không sao khắc phục nổi; do đó khi nào con người không chỉ mưu sự mà lại còn làm cho thành sự nữa, thì chỉ khi đó cái sức mạnh xa lạ cuối cùng hiện nay vẫn còn đang phản ánh vào tôn giáo sẽ mất đi, và cùng với nó bản thân sự phản ánh có tính chất tôn giáo cũng sẽ mất đi, vì khi đó sẽ không có gì để phản ánh nữa”(15).

(iii) Với mỗi bước ngoặt lớn của lịch sử, của trật tự xã hội sẽ kéo theo mọi sự biến đổi và chuyển biến lớn trong tôn giáo. Trong tương lai, cuộc biến chuyển lớn hiện nay khác hẳn với tất cả những cuộc chuyển biến trước đây chính là ở chỗ con người, cuối cùng, đã giải đáp được điều bí ẩn của quá trình lịch sử và bởi vậy, lẽ ra họ lại thần thánh hóa các quá trình thực tiễn “bên ngoài” này dưới hình thức “siêu nghiệm” của thứ tôn giáo mới, thì nay họ sẽ vứt bỏ mọi thứ tôn giáo đi, “Một khi các cơ sở của các tôn giáo ấy bị phá vỡ, những hình thái xã hội kế thừa cái thiết chế chính trị và nền độc lập dân tộc bị phá vỡ thì tất nhiên là tôn giáo tương ứng với chúng cũng bị sụp đổ theo”(16). Trong mỗi dân tộc, đều có một vị thần bảo hộ, bảo vệ cho dân tộc ấy, “lĩnh vực chi phối của các vị thần đó không vượt quá biên giới của lãnh thổ dân tộc mà các vị thần ấy phải bảo vệ và ngoài biên giới đó thì do các vị thần khác tiến hành một sự thống trị không ai tranh giành được. Tất cả các vị thần ấy chỉ có thể tiếp tục tồn tại trong trí tưởng tượng chừng nào dân tộc tạo ra các vị thần ấy còn tồn tại, khi dân tộc đó tiêu vong thì các vị thần ấy tiêu vong theo”(17) và “Một khi các dân tộc không thể bảo vệ được nền độc lập, tự chủ của dân tộc mình nữa thì bản thân các vị thần ấy cũng tự bẻ gẫy cổ mình”(18).

(iv) Tôn giáo sẽ tiêu vong khi lịch sử nhân loại đạt đến chủ nghĩa cộng sản, khi cơ sở kinh tế (chế độ tư hữu và bóc lột) cần thiết tạo ra tôn giáo bị thủ tiêu hoàn toàn.

Tuy nhiên, chủ nghĩa Mác - Lênin cũng đã dự báo tôn giáo có thể tồn tại lâu dài bởi những lý do sau:

 (i) Tư hữu không phải là lực lượng “tha hóa” duy nhất cho sự ra đời và tồn tại của tôn giáo. Dù đã cải tạo chế độ tư hữu thành sở hữu xã hội/ sở hữu công cộng, nhưng xã hội vẫn chưa thể sử dụng tư liệu sản xuất một cách có kế hoạch, chưa hoàn toàn nắm được quy luật khách quan và phát triển sức sản xuất tới trình độ cao, chưa xóa bỏ tất cả những lực lượng “tha hóa” khác chi phối cuộc sống hàng ngày của con người, chưa xây dựng được một chế độ xã hội tự quản và đặt dưới sự kiểm soát tự giác và có kế hoạch của chính mình, chưa làm chủ được tự nhiên, chưa làm chủ được xã hội và làm chủ cuộc đời mình, dư âm của tôn giáo truyền thống vẫn còn sâu đậm thì những nguồn gốc sản sinh ra tôn giáo vẫn còn tồn tại và như thế tôn giáo vẫn còn tiếp tục tồn tại.

(ii) Những điều kiện để tôn giáo tiêu vong không tự xuất hiện hoặc xuất hiện một cách dễ dàng, kể cả khi đã xóa bỏ thiết chế tư bản chủ nghĩa và chế độ tư hữu. Để có được kết quả đó là một quá trình tự nhiên, phát triển lâu dài và gian khổ.

(iii) Tôn giáo vẫn có thể tiếp tục tồn tại với tư cách là một hình thức trực tiếp, hình thức cảm xúc trong quan hệ của con người đối với các lực lượng tự nhiên, xã hội “xa lạ” và đang “đè nặng” lên họ mà chưa biết làm cách nào để thoát ra được. Không những thế, tôn giáo còn có tính thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh, trong thời kỳ cổ đại, “đạo Cơ đốc toàn thế giới mà đế chế La mã vừa mới thừa nhận và phù hợp với tình trạng kinh tế, chính trị, tinh thần của nó”(19), đến thời kỳ Trung cổ, “đạo Cơ đốc cũng phát triển theo sự phát triển của chế độ phong kiến mà trở thành tôn giáo phù hợp với chế độ ấy, và có một tôn ti phong kiến tương ứng. Và khi tầng lớp thị dân ra đời thì dị giáo Tin Lành đối lập với đạo Thiên chúa phong kiến”(20). Hơn thế, “các tôn giáo mà bắt đế chế La Mã thế giới phải phục tùng và đã thống trị một phần hết sức to lớn loài người văn minh trong suốt 1800 năm thì người ta không thể nào thanh toán được nếu chỉ tuyên bố một cách giản đơn nó là cái vô nghĩa do những kẻ lừa dối tạo ra”(21).

(iv) Tôn giáo vừa là sự phản ánh đời sống hiện thực, do đời sống hiện thực sản sinh ra, vừa tác động trở lại hiện thực, phản kháng chống lại tình trạng khốn cùng của đời sống hiện thực. Chính ý thức hệ Kitô giáo nguyên thủy là sự phản ánh thất bại lịch sử của những người nô lệ khởi nghĩa chống lại đế quốc La Mã, đặc biệt là sau thất bại thảm hại của cuộc khởi nghĩa Spataquyt, khi ấy đạo Kitô ra đời, nó phán ánh những khát vọng giải phóng mà con người ta không đạt được trong thế giới hiện thực này thì họ sẽ tìm ra sự “giải phóng” trong thế giới thần linh của họ. Đồng thời, tôn giáo còn là động lực tinh thần thúc đẩy sự hình thành thiết chế tư bản chủ nghĩa ở châu Âu, đặc biệt sau cuộc cải cách Tin Lành Calvan (Pháp).

Tóm lại, chủ nghĩa Mác - Lênin không chủ trương chống tôn giáo hay tiêu diệt tôn giáo. Việc C.Mác mô tả tôn giáo như là “trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần”(22), việc tuyên bố “đối với nước Đức việc phê phán tôn giáo đã kết thúc”, “Việc phê phán tôn giáo là hình thức manh nha của sự phê phán cuộc sống khổ ải mà tôn giáo là vòng hào quang thần thánh của nó”(23) đã cho thấy rõ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin không chủ trương tiêu diệt tôn giáo, chỉ chống các hành động xã hội của tôn giáo đi ngược lại lợi ích con người và tiến bộ xã hội. Xóa bỏ tôn giáo cũng chỉ là xóa bỏ đi các nền tảng quan hệ xã hội, các thể chế xã hội, các hiện tượng tạo ra sự tha hóa cần đến tôn giáo của con người, nhằm nỗ lực thay đổi thế giới. Việc phán xét, phê phán các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo mà không gắn với bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội cụ thể thời của các ông, không gắn với văn mạch và hoàn cảnh của tác phẩm để hiểu thì đó là một sự phê phán phi nguyên tắc, hời hợt không có giá trị khoa học, một sự thành kiến chính trị ngu dốt. 

Quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về tôn giáo khi áp dụng vào cách thức mà các tôn giáo đang hiện diện và hoạt động hiện nay vẫn đúng. Xét cho đến cùng, tôn giáo đã đưa ra một mục tiêu lý tưởng và cách thức để cải thiện cuộc sống con người là có được một vị trí trên “thiên đường”, nhưng con người vẫn lựa chọn một vị trí thích hợp trong xã hội “trần thế” để từ đó họ có thể nâng cao đời sống bản thân mình và xã hội. Nên, chủ nghĩa duy linh đáng ra phải biết ơn chủ nghĩa Mác - Lênin vì chủ nghĩa Mác - Lênin đã đưa thần linh xuống “mặt đất” và nâng nhân loại lên mức độ “thần thánh” khiến tôn giáo có cơ hội để tồn tại lâu dài.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2020

(1) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995,  tr.476. (2), (9), (15) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.20, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.436, 439, 438-439.

(3), (5), (22), (23) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.574, 571, 570, 570.

(4) V.I.Lênin: Toàn tập, t. 17, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.512.

(6), (7), (8), (11) V.I Lênin: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.171, 171, 171, 170.

(10) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.22, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 350.

(12) V.I.Lênin: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.183.

(13) V.I.Lênin: Toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.293.

(14) C.Mác và Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.23, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr.126.

(16), (18), (21) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.444, 444, 436.

(17), (19), (20) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.21, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.457, 418, 446.

PGS, TS Đỗ Lan Hiền

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền