Trang chủ    Diễn đàn    Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam
Thứ sáu, 18 Tháng 12 2020 15:17
15727 Lượt xem

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam

(LLCT) - Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN. Chúng dùng nhiều luận điệu để xuyên tạc, phủ nhận đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, bằng những thành tựu thuyết phục của quá trình đổi mới đất nước đã chứng minh, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là sự lựa chọn đúng đắn của Việt Nam.

Từ khóa: kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Việt Nam.

Mục tiêu của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch là xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ XHCN. Nhất là gần đây, khi Việt Nam đang tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, chúng càng đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” một cách toàn diện.

Một trong những luận điệu mà các thế lực thù địch và những phần tử phản động cùng những “nhà dân chủ” thường sử dụng là cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là khái niệm mơ hồ. Thực chất của việc đó chính là nhằm xuyên tạc, phủ nhận đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng không thể hiện thực được CNXH tại Việt Nam bằng con đường “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Họ đã vin vào sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu để cho rằng xã hội XHCN, chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Theo họ, “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là chắp vá, không tưởng. Việt Nam hiện nay đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào. Nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường TBCN thì sẽ bị trả giá, tự giác đi theo con đường TBCN thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”. Gần đây có luận điệu xảo quyệt, thâm độc hơn như “con đường mà Việt Nam muốn đi là thứ TBCN theo định hướng XHCN, nhưng con đường này không thể thành công vì không thể nào giải quyết thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đối lập với nhau”.

Vậy về mặt lý luận và thực tiễn liệu có đúng như nhận định của các thế lực thù địch hay không?

1. Phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là phù hợp quy luật khách quan

Chưa lúc nào các thế lực thù địch, phản động, các “nhà dân chủ” không tìm cơ hội để tăng cường sự chống phá bằng mọi hình thức. Lợi dụng quyền tự do dân chủ, chúng tung lên các trang mạng xã hội hàng loạt bài viết phê phán quan điểm, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế thị trường định hướng XHCN. Bằng thủ đoạn “lập lờ đánh lận con đen”, chúng cố công biện giải rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi đưa ra khái niệm “Kinh tế thị trường định hướng XHCN”, chưa bao giờ có thể định nghĩa được nó mà không ẩn chứa sự mâu thuẫn bên trong. Những người có quan điểm đối lập với Đảng đã cố tình xuyên tạc sự phát triển tư duy lý luận của Đảng ta, đặc biệt là họ dựa vào các tiêu chí của định hướng XHCN trong phát triển nền kinh tế thị trường để cho rằng Đảng ta đã vay mượn khái niệm hay là đánh tráo khái niệm. Thậm chí, một số kẻ còn lớn tiếng khẳng định, kinh tế thị trường mang giá trị phổ quát của nhân loại thêm các đuôi định hướng XHCN sẽ tạo ra một mô hình kinh tế “quái thai”, hoặc kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử, nếu áp dụng sẽ tạo ra những lực cản kìm hãm sự phát triển của Việt Nam, tạo ra cản trở cho sản xuất, năng suất lao động, khả năng sáng tạo...

Trước Đại hội VI, chính những người cộng sản Việt Nam trước nhiều bế tắc của đất nước do đói nghèo, khủng hoảng đã nỗ lực tìm ra lối đi, thừa nhận sự tồn tại những hạt nhân hợp lý của kinh tế hàng hóa ngay trong lòng cơ chế kinh tế tập trung bao cấp. Từ những khoán hộ, “khoán chui”, đổi mới cơ chế quản lý tại các xí nghiệp và con đường tìm tòi đầy gian nan để đi đến bước ngoặt Đổi mới từ Đại hội VI, chính thức đề cập sản xuất hàng hóa và xác định “cơ chế kế hoạch hóa theo phương thức hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa” (Đại hội VI, năm 1986). Đó thực chất cũng là bước ngoặt Đảng Cộng sản Việt Nam chấp nhận kinh tế thị trường để xây dựng CNXH trong thời kỳ quá độ.

Đến Đại hội VII (năm 1991) xác định xây dựng “nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường dưới sự quản lý của Nhà nước”. Đại hội VIII (năm 1996) chủ trương xây dựng “nền kinh tế nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội IX (năm 2001), Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Như vậy, phải sau 15 năm thực hiện Đổi mới, khái niệm “kinh tế thị trường định hướng XHCN” mới chính thức được xác định từ Đại hội IX (2011) của Đảng.

Từ đó đến nay, nhận thức của Đảng ta về kinh tế thị trường định hướng XHCN ngày càng được bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Đại hội XII xác định: “Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(1).

Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành 3 Nghị quyết: “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước”, “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Đây là sự kiện quan trọng, bởi tại các Nghị quyết này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã bổ sung, phát triển nhiều nội dung mới, quan trọng về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Theo đó, định nghĩa về “Kinh tế thị trường định hướng XHCN” ở nước ta được thống nhất “là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”(2).

Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của CNXH, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

So sánh với kinh tế thị trường TBCN, kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa có những điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khác biệt về bản chất. Điểm tương đồng với kinh tế thị trường tư bản hiện đại là: dựa trên nền tảng của chế độ phân chia sở hữu và đa sở hữu; nền kinh tế vận hành chủ yếu thông qua và bằng cơ chế thị trường; có sự quản lý, điều tiết của Nhà nước; đa dạng hóa các hình thức phân phối.

Điểm khác biệt, sự sáng tạo trong triển khai kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là ở chỗ, phát triển kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội. Các chủ thể trong kinh tế thị trường cạnh tranh nhau với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Chính vì vậy, đi liền với tăng trưởng tất yếu là sự phân hóa giàu nghèo, không ít người yếu thế bị bật ra khỏi vòng quay của nền kinh tế, cũng vì vậy nảy sinh các hiện tượng tiêu cực và các tệ nạn xã hội. Trong CNTB, nhân dân lao động là người làm thuê, mục tiêu của CNTB là tăng lợi nhuận, duy trì sự thống trị của giai cấp tư sản. Để đạt tới mục tiêu đó, CNTB đã có nhiều chủ trương, giải pháp về các vấn đề xã hội, trong đó có những mặt tiến bộ như thực hiện giảm nhẹ sự bất bình đẳng trong xã hội cũng như tìm cách giảm căng thẳng trong xã hội. Tuy nhiên, những mặt tiến bộ ấy không bền vững vì mâu thuẫn cơ bản của CNTB là xã hội hóa tư liệu sản xuất và chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất vẫn còn tồn tại. Trong kinh tế thị trường định hướng XHCN, phát triển kinh tế phải đi liền với việc giải quyết tốt các vấn đề xã hội. “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, nhưng mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”(3) và “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển”(4).

Như vậy, thực hiện mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN không phải là sự gán ghép chủ quan giữa kinh tế thị trường và CNXH, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay. Bản thân kinh tế thị trường cho đến nay được xem là phương cách hiệu quả nhất trong phân bổ, khai thác các nguồn lực cho sự phát triển. CNXH là xã hội tương lai, bảo đảm các điều kiện phát triển toàn diện của con người. Do vậy, lựa chọn kinh tế thị trường là sự lựa chọn phù hợp với các quy luật phát triển và các điều kiện lịch sử cụ thể của thời đại và của những nước đi sau, cho phép các nước này rút ngắn được con đường đi của mình tới CNXH trên cơ sở sử dụng được ưu thế cũng như hạn chế những khuyết tật của thị trường.

2. Kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam - thành tựu bác bỏ mọi sự xuyên tạc

Để đạt được mục đích đen tối là làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ta, các thế lực thù địch, phản động, các “nhà dân chủ” đã dùng nhiều thủ đoạn nhằm tung “hỏa mù”, lợi dụng một số hạn chế về quản lý kinh tế đang diễn ra để gán ghép những thông tin khó kiểm chứng, làm cho người đọc khó phân biệt thật hay giả. Chúng vẽ ra những chuyện gây “sốc” như khả năng thực tế về cạnh tranh quốc tế suy yếu, tăng trưởng chậm và bất ổn kinh tế vĩ mô mà nền kinh tế Việt Nam đang phải hứng chịu là do kinh tế thị trường định hướng XHCN mang lại. Hay chính kinh tế thị trường định hướng XHCN sẽ “thải” ra hệ quả là cỗ máy tăng trưởng kinh tế bị trục trặc, nguồn lực xã hội bị sử dụng kém hiệu quả, tạo ra những thua lỗ, nợ nần. Ngoài ra, kinh tế thị trường với nền tảng “lệch lạc”, “méo mó” sẽ khiến cho nền kinh tế trở nên kém cạnh tranh, khu vực tư nhân bị chèn ép, không lớn lên được. Tất cả những yếu tố này còn gây ra nhiều hệ lụy khác như tham nhũng, lãng phí, nợ xấu... Những luận điệu này không chỉ là sự đánh tráo khái niệm, mà còn chứa đầy sự ác ý, thâm hiểm nhằm phủ nhận đường lối, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là đối với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN vốn đã được chứng minh hiệu quả trên thực tế.

Sau gần 35 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Kinh tế tăng trưởng liên tục, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năm 2019 kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vươn lên nửa trên của bảng xếp hạng thế giới, vị trí 67/141 nền kinh tế được xếp hạng (tăng 10 bậc so với năm 2018), xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư (tăng 15 bậc so với năm 2018).

Có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được cùng lúc, thông thường sẽ phải có sự đánh đổi trong tiến trình phát triển, đó là quy mô càng lớn càng khó có thể tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, điều này đã không đúng ở Việt Nam. Năm 2018, quy mô kinh tế Việt Nam đạt gần 250 tỷ USD lớn gấp 9,3 lần so với thời điểm bắt đầu đổi mới năm 1986 và gấp gần 1,3 lần so với năm 2015. Nếu như năm 2016 đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta chỉ tăng trưởng 6,21% thì năm 2019 chúng ta đạt tăng trưởng lên đến 7,02%, đưa quy mô nền kinh tế năm 2019 đạt hơn 262 tỷ USD(5).

Để cố tình chứng minh sự không đúng đắn của việc lựa chọn mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, có luận điệu cho rằng, Việt Nam đã phải chấp nhận đánh đổi giữa tăng trưởng nhanh và ổn định vĩ mô. Năm 2010, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm sau khủng hoảng, kinh tế Việt Nam đã sớm ra khỏi tình trạng suy giảm, từng bước phục hồi và tăng trưởng khá nhanh với 6,4%, lần lượt các năm tiếp theo từ 2011 đến 2019 chúng ta có tốc độ tăng trưởng là 6,2%, 5,2%, 5,4%, 6,0%, 6,7%, 6,2%, 6,8%, 7,08%, 7,02%. Năm 2019, chúng ta không chỉ đạt được tăng trưởng nhanh hàng đầu khu vực cũng như trên thế giới mà còn duy trì được nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động. Cán cân ngân sách tính đến ngày 23-12-2019 là thặng dư, tỷ lệ nợ công giảm từ hơn 64% GDP vài năm trước về còn khoảng 56% GDP. Quy mô xuất nhập khẩu hơn 517 tỷ USD, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư kỷ lục gần 10 tỷ USD, dự trữ ngoại hối gần 80 tỷ USD - những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể hình dung được.

Thành tựu đạt được nói trên không phải là sự đánh đổi giữa số lượng và chất lượng tăng trưởng, giữa tăng trưởng cao và tăng trưởng bền vững. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia tăng trưởng kinh tế cao và ổn định hàng đầu châu Á, thì chất lượng tăng trưởng của chúng ta lại có sự cải thiện rất rõ nét thể hiện qua tốc độ tăng năng suất lao động. Một số quan điểm cho rằng các nước đang phát triển ở giai đoạn tiền công nghiệp hóa, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh thường phải chấp nhận suy giảm yếu tố môi trường và xã hội. Song Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán với thông điệp không đánh đổi, hy sinh môi trường để lấy tăng trưởng, xác định công thức ba trong một của sự phát triển là Kinh tế - Xã hội và Môi trường.

Đối với quốc tế, sự phát triển của Việt Nam cũng được ghi nhận một cách khách quan, là điểm sáng về đầu tư và phát triển. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2017, Tổng thống Mỹ Donal Trump khẳng định: “Vào đầu thập niên 1990, gần một nửa người dân Việt Nam sống chỉ với một vài đô la một ngày, và cứ một trên bốn người không có điện. Ngày nay, nền kinh tế Việt Nam mở cửa là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Kinh tế tăng gấp 30 lần và học sinh Việt Nam nằm trong số những học sinh giỏi nhất thế giới, điều này rất đáng phục”(6).

Năm 2019, trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 tiếp tục hạ xuống 3,2%; tuy nhiên với Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng khoảng 6,5% năm 2019; Ngân hàng Thế giới dự báo ở mức 6,6%; Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thì lạc quan với dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,8%. Trong khi đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII 2019) mới được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới công bố cho thấy Việt Nam tiếp tục tăng 3 bậc, xếp hạng 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam được xếp thứ 8 trong số các nền kinh tế tốt nhất thế giới để đầu tư năm 2019, tăng 15 bậc so với năm 2018. Thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Việt Nam cũng được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc với số phiếu 192/193...

Quý I năm 2020, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, dẫn đến tăng trưởng kinh tế giảm sút bởi cung và cầu đều suy giảm, song theo dự báo mới nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nền tảng của kinh tế Việt Nam vẫn được duy trì. “Cho dù các hoạt động kinh tế suy giảm và các rủi ro do dịch COVID-19 vẫn còn, Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực Đông Nam Á,” Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam Eric Sidgwick cho biết. Những động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới là khu vực tư nhân phát triển mạnh mẽ, năng động, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng nhanh. Giải ngân đầu tư công được cải thiện đáng kể, tăng gần 18% trong giai đoạn tháng 1-2 năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019. Giải ngân sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2020 vì đây là một trong các biện pháp tài khóa ưu tiên để ứng phó với dịch COVID-19. Số lượng lớn các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam tham gia hứa hẹn tăng cường việc tiếp cận thị trường cho Việt Nam, đây là yếu tố thiết yếu cho sự phục hồi kinh tế sau COVID-19.

 Tính đến nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới; 71 nước đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường; nước ta cũng đã ký 14 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các nước, trong đó 11 hiệp định đã có hiệu lực. Hiện nay, Việt Nam đang cùng các nước tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Gần đây nhất, ngày 12-2-2020, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu.

Đối với các hoạt động thương mại quốc tế, Việt Nam cũng đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng xuất khẩu thô và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Năm 2018, trong điều kiện co kéo giữa xu hướng “tự do hóa thương mại” và “chủ nghĩa bảo hộ thương mại mới” giữa các cường quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó, xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2%; tiếp tục xuất siêu 6-7 tỷ USD. Năm 2019, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 517,19 tỷ USD, tăng 7,6%; trong đó  xuất khẩu đạt 264,19 tỷ USD, tăng 8,4%, nhập khẩu của Việt Nam đạt 253 tỷ USD, tăng 6,8%; thặng dư thương mại đạt mức 11,19 tỷ USD(7).

Với những chỉ số tăng trưởng cao, được thống kê đầy đủ, cụ thể như vậy sao lại cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam là “mơ hồ”? Ngược lại, đây phải chăng là sự nhận thức “mơ hồ” về nền kinh tế nước ta? Nếu không phải, rõ ràng là sự vu cáo vô căn cứ, không có cơ sở, cố tình diễn biến, phá hoại tình hình Việt Nam.

Để “gia tăng” luận điệu chống phá, còn có các ý kiến cho rằng “đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là không tưởng, đang đứng ở ngã ba đường, không biết đi theo con đường nào, nếu không hòa nhập vào thời đại, đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì sẽ bị trả giá, tự giác thì đến đích nhanh hơn, không tự giác thì tất yếu cũng phải đi theo con đường đó, nhưng đến đích đau đớn hơn, chậm chạp hơn”.

Thật hết sức nực cười, trái ngược với lời suy diễn thiếu căn cứ đó, không ai có thể phủ nhận rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển hình ảnh đất nước thanh bình, cuộc sống của nhân dân đã từng ngày được “thay da, đổi thịt”.

Nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, khu vực được cho là yếu thế, khó khăn đã được triển khai mang lại kết quả rõ rệt. Cho đến nay, các xã, cụm dân cư đã có đủ cơ sở xã hội thiết yếu, như: điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế. Tăng trưởng khu vực nông nghiệp luôn theo chiều hướng gia tăng, năm 2018 đạt 3,65%, cao nhất kể từ năm 2012. Xuất khẩu nông sản năm 2018 đạt trên 40,5 tỷ USD. Năm 2019 do ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi tăng trưởng của ngành chỉ đạt 2,2%, song nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Xuất khẩu nông sản năm 2019 đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt 10,4 tỷ USD. Xây dựng nông thôn mới đạt 54% số xã, 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới...(8)

GDP bình quân đầu người năm 2019 đạt gần 2.800 USD (nếu tính cả quy mô nền kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD), tăng hơn 700 USD so với năm 2015. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, luôn đạt và vượt mục tiêu đề ra qua các giai đoạn, hoàn thành và vượt mức mục tiêu thiên niên kỷ về giảm nghèo. Năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,2-5,7%, giảm 1-1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%).

Theo đánh giá của Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ giảm đói nghèo nhanh nhất thế giới. Kết quả đó đã thể hiện tính đúng đắn trong sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực trong quản lý của Nhà nước về mục tiêu kinh tế thị trường định hướng XHCN là phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội (đói nghèo, việc làm, thu nhập, phân hóa giàu - nghèo, công bằng xã hội), đảm bảo môi trường sinh thái... thể hiện bản chất nhân văn của chế độ xã hội XHCN.

Do vậy, luận điệu cho rằng kinh tế thị trường định hướng XHCN là “không tưởng”, “bị trả giá...” thực chất là phản động, muốn hướng lái cách mạng Việt Nam theo con đường TBCN.

Quan điểm xuyên suốt trong lãnh đạo là tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng, xây dựng hệ thống hành chính liêm chính, hành động, kiến tạo, phục vụ trong chỉ đạo của chính phủ, năm khởi nghiệp, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự nỗ lực của nhân dân; cùng với đó là tình hình chính trị ổn định, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là những nguyên nhân chính mang tính căn cốt để nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Việt Nam tiếp tục sẽ vượt qua những khó khăn sẽ có được những chỉ số tăng trưởng cao, tích cực. Đây là minh chứng, câu trả lời rõ nhất phản bác các luận điệu xuyên tạc về kinh tế thị trường định hướng XHCN của thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị trong thời gian qua.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 9-2020

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.25.

(2) Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, http://dangcongsan.vn.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr 86.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.113.

(5) Kinh tế - xã hội Việt Nam 2019, nhiều ‘nghịch lý’ đã thay đổi, http://baochinhphu.vn.

(6) Phát biểu của Tổng thống Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, https://vn.usembassy.gov.

(7) Số liệu được tác giả dẫn theo trang web của Tổng cục Hải quan.

(8) Năm 2019 nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá, https://www.mard.gov.vn.

TS Hồ Thanh Thủy

Viện Kinh tế chính trị học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

TS Nguyễn Đức Hà

Học viện An ninh nhân dân

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền