Trang chủ    Diễn đàn     Mối liên hệ giữa văn hóa và khoa học xã hội nhân văn trong thời đại ngày nay
Thứ ba, 10 Tháng 9 2013 15:46
7738 Lượt xem

Mối liên hệ giữa văn hóa và khoa học xã hội nhân văn trong thời đại ngày nay

(LLCT) - Văn hóa là linh hồn của nhân loại trong quá trình tồn tại và phát triển, là hệ giá trị tư tưởng, động lực tinh thần thúc đẩy xã hội không ngừng tiến bộ, đồng thời là mục tiêu của sự phát triển kinh tế - xã hội. Xã hội càng phát triển, vai trò của văn hóa càng trở nên nổi bật. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ, việc có được nền văn hóa tiên tiến hay không, và nền văn hóa ấy có thực sự thúc đẩy sự phát triển xã hội hay không sẽ liên quan đến sự tồn vong của một quốc gia, một dân tộc và một chính đảng. Trong khi đó khoa học xã hội và nhân văn là bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong chiến lược phát triển đất nước và sự nghiệp CNH, HĐH.

1. Nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và vai trò của văn hóa trong phát triển

Trong cấu trúc chỉnh thể của một hình thái xã hội, bốn phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội luôn gắn bó, ảnh hưởng, tác động lẫn nhau không thể tách rời. Trong chỉnh thể hữu cơ này, kinh tế là cơ sở vật chất của chính trị, và văn hóa, chính trị là thể hiện tập trung và bảo đảm căn bản của kinh tế, văn hóa là sản phẩm tất yếu và là động lực tinh thần của kinh tế và chính trị.

Trong kết cấu xã hội, văn hóa chủ yếu thuộc về kiến trúc thượng tầng. Theo quan điểm cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, văn hóa một mặt là sự phản ánh của kinh tế, chính trị, xã hội, mặt khác có tác động trở lại to lớn đối với kinh tế, chính trị và xã hội. Nền văn hóa tiên tiến là sự phản ánh cơ bản của kinh tế, chính trị, xã hội tiên tiến, phù hợp với lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân, nhất trí với phương hướng phát triển xã hội, có tác dụng thúc đẩy tích cực cho phát triển kinh tế, tiến bộ chính trị của xã hội. Ngược lại, văn hóa lạc hậu là sự phản ánh cơ bản của kinh tế, chính trị xã hội lạc hậu, đi ngược lại lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân, ngược lại với phương hướng phát triển xã hội, cản trở sự phát triển kinh tế, tiến bộ chính trị xã hội. Vì thế, có thể nói, quá trình phát triển của văn hóa loài người chính là quá trình đấu tranh của văn hóa tiên tiến với văn hóa lạc hậu.

Nhìn một cách tổng quát, tác dụng của văn hóa trong phát triển xã hội loài người chủ yếu biểu hiện ở bốn mặt: một là ghi chép, lưu giữ, gia công và truyền nối, kế thừa tin tức; hai là ảnh hưởng, ràng buộc hoạt động nhận thức và kết quả nhận thức của mọi người; ba là điều hòa, kiểm soát thực tiễn xã hội và quan hệ giữa người với người; bốn là vượt lên tính hạn chế của hiện thực, sáng tạo ra thế giới quan niệm và thế giới lý tưởng mới. Loài người tại sao có thể nhận thức và hiểu biết về quá trình phát triển cũng như thay đổi của lịch sử? Tại sao có thể không ngừng tích lũy và mở rộng các loại tri thức về tự nhiên, xã hội và bản thân con người, đồng thời tiến vào các lĩnh vực mới, chưa hề biết? Tại sao có thể không ngừng điều tiết quan hệ lẫn nhau giữa con người với tự nhiên, giữa con người với xã hội và giữa con người với con người, tránh được sự bị hủy diệt từ nhiều phía khác nhau? Tại sao có thể không những căn cứ vào tiêu chuẩn của tự nhiên mà còn biết căn cứ vào tiêu chuẩn của con người để thay đổi thế giới, sáng tạo ra một thế giới mới mẻ chưa từng có trong lịch sử? Tất cả đều gắn liền với văn hóa, nhất là văn hóa tiên tiến. Điều đó cũng có thể thấy rất rõ trong lịch sử văn hóa dân tộc ta. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng khẳng định, chúng ta chiến thắng những kẻ thù hùng mạnh không phải vì chúng ta hơn kẻ thù về súng đạn, về khoa học kỹ thuật mà chiến thắng của chúng ta là chiến thắng của văn hóa. Ý thức được sức mạnh của văn hóa, ngay từ Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã khẳng định nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, XHCN với phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng. Đây cũng là cơ sở vững chắc cho phương châm xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong đường lối văn hóa của Đảng ta sau này.

Bước vào thời kỳ đổi mới, trên cơ sở phân tích và dự báo khoa học về sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật hiện đại, vận dụng linh hoạt luận điểm của Mác: “Khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất”, Đảng ta đã đề ra chủ trương “giáo dục là quốc sách”, khẳng định mục tiêu quan trọng của giáo dục là hướng tới CNH, HĐH. Khẳng định xây dựng nền  văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, lấy đào tạo công dân có lý tưởng, có đạo đức, có văn hóa, có kỷ luật làm mục tiêu phát triển văn hóa XHCN, dân tộc, khoa học, đại chúng, hướng tới hiện đại hóa, hướng ra thế giới. Theo tinh thần ấy, văn hóa là sức mạnh quan trọng, tụ hội và khích lệ toàn dân, là tiêu chí quan trọng hợp thành sức mạnh tổng hợp đất nước. Quan điểm văn hóa vừa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển kinh tế - xã hội đã được Đảng ta nhiều lần khẳng định. Văn kiện Đại hội X của Đảng nhấn mạnh: “Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, lạc hậu. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân”(1).

Trong thời đại kinh tế toàn cầu hóa, chính trị đa cực hóa và kinh tế tri thức đang trên đà phát triển, văn hóa đã trở thành tài nguyên chiến lược quan trọng và quý báu đối với sự sinh tồn, phát triển của một quốc gia, một dân tộc và một chính đảng, trở thành nhân tố căn bản nâng cao toàn bộ tố chất dân tộc, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia. Điều đó đòi hỏi hơn lúc nào hết, chúng ta phải biết xuất phát từ mục tiêu xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để nhận thức đầy đủ tầm quan trọng và tính cấp bách của việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam hùng mạnh.

2. Coi trọng tầm quan trọng của khoa học xã hội nhân văn trong phát triển

Khoa học xã hội nhân văn là bộ phận hợp thành quan trọng của văn hóa loài người. Mác đã từng dự đoán: “Khoa học tự nhiên và khoa học xã hội sẽ thâm nhập vào nhau. Đó sẽ là một khoa học - khoa học về con người”. Trong thời đại kinh tế tri thức, một xu hướng hết sức nổi bật là xu hướng nghiên cứu khoa học có tính chất liên ngành. Xu hướng này cho thấy sự thâm nhập lẫn nhau giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề liên quan đến con người và xã hội hiện đại. Khoa học xã hội nhân văn cần phải áp dụng những công cụ, phương pháp thực chứng và biện pháp kỹ thuật của khoa học tự nhiên; khoa học kỹ thuật, khoa học tự nhiên cần phải có tinh thần nhân văn, môi trường nhân văn và sử dụng cả những thành quả của khoa học xã hội nhân văn.

Đã có thời kỳ, chúng ta thiên lệch, chỉ coi trọng khoa học tự nhiên mà chưa chú ý đúng mức đến khoa học xã hội, nặng về phát triển kỹ thuật, coi nhẹ tinh thần nhân văn. Đến nay, chúng ta đã có điều chỉnh quan trọng trong nhận thức: tiến bộ toàn diện xã hội chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở phát triển cân đối nhịp nhàng giữa văn minh vật chất và văn minh tinh thần, hiện đại hóa của xã hội là hiện đại hóa cả kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa. Không tăng cường xây dựng văn minh tinh thần, thì văn minh vật chất sẽ nhanh chóng bị phá hỏng. Trong thực tế thời gian trước đây, một trong những sai lầm lớn nhất của chúng ta là coi nhẹ giáo dục chính trị tư tưởng tiến bộ và nhân văn.

Con người sống trong hai môi trường cơ bản, môi trường tự nhiên và môi trường xã hội, đối mặt với hai loại mâu thuẫn chính: con người với tự nhiên và con người với xã hội, con người với con người. Trong quá trình giải quyết những mâu thuẫn này, dần dần hình thành khoa học tự nhiên lấy các loại vật chất và hiện tượng của giới tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu; khoa học xã hội nhân văn lấy các hiện tượng xã hội và hoạt động tinh thần làm đối tượng nghiên cứu. Dẫu có khác nhau về các lĩnh vực và phương pháp nghiên cứu, nhưng cả khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên đều phải bảo đảm tính khách quan và đều vì lợi ích chung của con người. Vì thế, mặc dù không thể thay thế được nhau, nhưng chúng có khả năng bổ sung và hợp tác chặt chẽ, hiệu quả. Quan niệm nhấn mạnh loại khoa học này và coi nhẹ loại khoa học khác, tự nó đã cho thấy sự phiến diện trong nhận thức, không phù hợp với trào lưu phát triển của văn hóa trong thời đại kinh tế tri thức.

Trong thời đại ngày nay, dường như không còn sự tách bạch quá rạch ròi giữa cái gọi là tự nhiên, xã hội mà trước mắt chúng ta là một hệ thống thực tiễn tự nhiên - xã hội phức tạp. Xu thế nổi bật của khoa học hiện đại là tính chỉnh thể, tính tổng hợp và tính hợp tác, thể hiện sự thẩm thấu và hòa nhập giữa khoa học tự nhiên với khoa học xã hội nhân văn. Việc khoa học tự nhiên chỉ biết lấy quy luật tự nhiên làm đối tượng nghiên cứu độc lập, hay khoa học xã hội nhân văn lấy quy luật xã hội loài người làm đối tượng nghiên cứu chuyên biệt xem ra đều không thể đảm nhiệm đầy đủ nhiệm vụ nhận thức thế giới khách quan, không đủ sức giải quyết được hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn quan trọng gặp phải trong quá trình phát triển tự do của con người và tiến bộ toàn diện của xã hội. Ở đây ta chứng kiến có sự thẩm thấu nhiều cấp độ: sự thẩm thấu, tương tác giữa nội bộ các bộ môn nghiên cứu trong từng ngành khoa học và ở mức độ lớn hơn, giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Anh xtanhtừng nói: “Khoa học dù vĩ đại, nhưng nó chỉ có thể trả lời vấn đề “thế giới là gì”, còn mục tiêu giá trị “phải như thế nào lại ở ngoài phạm vi tầm nhìn và chức năng của nó”. Bởi vậy, khi quan niệm “khoa học kỹ thuật là sức sản xuất thứ nhất” cũng có nghĩa là phải coi “khoa học” đương nhiên phải bao gồm khoa học xã hội. Nói khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn vừa có tính độc lập tương đối, vừa gắn bó, kết hợp không thể chia cắt là vì thế.

Xu thế giao thoa, thẩm thấu và hòa nhập của khoa học tự nhiên với khoa học xã hội nhân văn không phải là ngẫu nhiên. Chẳng hạn nếu nói khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật đã phát huy tác dụng ra sao về mặt cải tiến công cụ lao động, mở rộng đối tượng lao động, nâng cao kỹ năng của người lao động, thì khi đề cập tới các vấn đề như cân đối và bố trí hợp lý yếu tố sản xuất, nâng cao năng suất lao động, phân phối hợp lý kết quả sản xuất,... chúng ta đã bước sang địa hạt của khoa học xã hội nhân văn. Hơn nữa, cùng với sự xuất hiện của thời đại kinh tế tri thức với số hóa, mạng hóa... là đặc trưng chủ yếu, chúng ta đang chuyển từ coi trọng phần cứng sang coi trọng phần mềm, theo đó, công năng sản xuất của khoa học xã hội nhân văn cũng được đặt ra. Vì khoa học xã hội nhân văn liên quan đến hàng loạt vấn đề: làm rõ sự phải trái, đúng sai trong quan niệm, cung cấp định hướng giá trị, đánh giá quy hoạch chính sách, giảm thiểu tính không xác định và quy phạm hành vi xã hội của con người... Tại nhiều quốc gia, khoa học xã hội nhân văn đã được vận dụng rộng rãi vào công tác quy hoạch chiến lược về phát triển kỹ thuật, kinh tế, xã hội và định ra chính sách của chính phủ, trở thành cơ sở trí lực không thể thiếu được của chỉ đạo khoa học hóa quản lý xã hội.

 Trong công cuộc xây dựng CNXH, khoa học xã hội nhân văn đóng vai trò rất quan trọng. Xa rời khoa học xã hội nhân văn sẽ rất khó nắm được quy luật phát triển của xã hội. Việc xây dựng hiện đại hóa đất nước gắn liền với một hệ thống cực kỳ phức tạp, đề cập tới nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật, kinh tế, chính trị và xã hội... Chỉ có tiến hành nghiên cứu tổng hợp, bao quát được khối lượng tư liệu lớn, tìm ra quy luật phát triển, chúng ta mới đề ra được chiến lược phát triển phù hợp. Thực tiễn hơn 25 năm đổi mới đất nước đã chứng minh khoa học xã hội nhân văn góp nhiều thành tựu trong việc đề xuất lý luận phát triển và tư vấn chính sách nhằm tháo gỡ, giải quyết nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình hiện đại hóa, như xây dựng kinh tế thị trường thế nào là phù hợp, thực hiện chế độ cổ phần ra sao, chiến lược khoa học giáo dục đất nước theo hướng nào là hiệu quả, triết lý xây dựng đất nước ra sao để không đi chệch mục tiêu XHCN... Vì thế, trong thành tựu chung của đất nước thời kỳ đổi mới, cần đánh giá đúng những cống hiến của ngành khoa học xã hội và ngành khoa học tự nhiên, nhìn thấy được sức mạnh gắn kết và thẩm thấu của hai bộ phận này. Thiết nghĩ, chính sự kết hợp và thẩm thấu giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn là sự biểu thị đầy đủ nhất cho nội hàm khái niệm “khoa học” trong thời đại kinh tế tri thức.

 3. Thúc đẩy mạnh mẽ phát triển khoa học xã hội nhân văn trong thời kỳ mới

 Từ cuối thế kỷ XX, có một sự thật là nhiều nước phát triển đã lợi dụng ưu thế của họ trong tiến trình toàn cầu hóa để không chỉ khống chế về kinh tế, mà còn sử dụng các phương thức xuất khẩu văn hóa và quan niệm giá trị của họ nhằm áp chế các nước đang phát triển. Vấn đề đặt ra với chúng ta là phải biết lựa chọn, sàng lọc lấy những tinh hoa văn hóa nhân loại, để từ đó thúc đẩy khoa học xã hội nhân văn phát triển mạnh mẽ, đáp ứng tốt yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng.

 Thứ nhất, phải kiên trì chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là nền tảng tư tưởng để xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, là gốc rễ để xây dựng nền khoa học xã hội nhân văn nước ta thực sự hiệu quả. Tư tưởng Hồ Chí Minh là sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam đương đại, là cốt lõi và linh hồn của văn hóa dân tộc trong thời đại ngày nay. Trong bối cảnh quốc tế có nhiều phức tạp, nhiều tư tưởng độc hại du nhập vào nước ta bằng nhiều hình thức khác nhau. Do vậy phải ngăn chặn, đấu tranh để giữ gìn và xây dựng nền văn hóa lành mạnh, giàu tinh thần nhân văn, đó cũng là nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng, toàn dân. Trong phát triển văn hóa, phải coi trọng ý nghĩa kiểm định chân lý của thực tiễn, mà thực tiễn quan trọng nhất trong phát triển là phải gắn bó, xuất phát và phù hợp với quyền lợi, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với lợi ích phát triển của dân tộc.

Thứ hai,văn học nghệ thuật phải kiên trì phương hướng vì nhân dân phục vụ, vì lý tưởng mà Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn. Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị đã nêu lên yêu cầu phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam trong tình hình mới, trong đó nhấn mạnh, chúng ta phải xây dựng một nền văn học nghệ thuật đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tinh thần phong phú của nhân dân. Đây cũng là phương hướng phát triển khoa học xã hội nhân văn ở nước ta hiện nay. Một mặt, khoa học xã hội nhân văn phải thể hiện được những định hướng về tư tưởng chính trị của Đảng, mặt khác, phải tăng cường hơn nữa tính khoa học, đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước theo hướng văn minh, hiện đại. Kiên trì phương châm đa dạng hóa trong sáng tác văn học nghệ thuật, tạo dựng môi trường sáng tạo rộng thoáng, hài hòa cho văn nghệ sĩ, cho phép tồn tại nhiều trường phái khoa học và bảo đảm tự do về học thuật là yêu cầu hết sức quan trọng. Những vấn đề đúng sai, phải trái trong nghệ thuật, khoa học, phải được thông qua sự tìm tòi thảo luận của giới nghiên cứu và thông qua thực tiễn của nghệ thuật và khoa học để giải quyết.

Thứ ba,phải hướng tới hiện đại hóa, hòa nhập sâu hơn nữa với thế giới, hấp thụ và học tập đầy đủ thành quả văn hóa tiên tiến nhân loại. Sự phát triển của văn hóa nước ta không thể tách rời thành quả chung của văn minh nhân loại. Văn hóa Việt Nam đương đại là nền văn hóa hướng ra thế giới, giao lưu và hấp thụ những tư tưởng và thành quả văn hóa ưu tú của nhân loại để làm giàu có hơn văn hóa của dân tộc, tạo động lực cho văn hóa dân tộc phát triển mạnh mẽ. Mặc dù thu được nhiều thành tựu to lớn trong 25 năm đổi mới, nhưng phải thừa nhận, về nhiều phương diện, khoa học xã hội nhân văn nước ta vẫn còn tồn tại khoảng cách khá lớn so với nhiều nước phát triển. Vì thế, thông qua giao lưu và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học xã hội, tiếp thu những phương pháp nghiên cứu mới, những tri thức khoa học hiện đại trên cơ sở phát huy những truyền thống quý báu của một dân tộc hiếu học và sáng tạo, đã và đang trở thành đòi hỏi gắt gao đối với tất cả đội ngũ nghiên cứu khoa học xã hội nhân văn ở nước ta.

Thứ tư, phải kiên trì tư tưởng đổi mới, đổi mới triệt để và toàn diện, không ngừng đổi mới về nhận thức lý luận để hoàn chỉnh triết lý và chiến lược phát triển sát hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thế giới đương đại. Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nếu chỉ kế thừa và học tập di sản văn hóa ưu tú của dân tộc và nhân loại thì chưa đầy đủ. Phải biết xuất phát từ thực tiễn đất nước, kết hợp lý luận với thực tiễn đổi mới đất nước để quá trình đổi mới diễn ra liên tục, khiến cho văn hóa không ngừng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Cần phải kiên trì đổi mới, mạnh dạn tìm kiếm những lý luận mới trên cơ sở nắm vững phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xuất phát từ thực tiễn, dám phá bỏ những định luận không thích ứng với sự phát triển của thực tiễn mới. Đây cũng là định hướng quan trọng để khoa học xã hội nhân văn nước ta không ngừng phát triển.

Thứ năm, phải không ngừng nâng cao tố chất đạo đức tư tưởng và tố chất văn hóa khoa học của toàn dân tộc, chú trọng việc giáo dục “tinh thần nhân văn” song song với việc giáo dục “tinh thần khoa học”.  Sự khác biệt của khoa học xã hội nhân văn so với khoa học tự nhiên là ở chỗ nó không những là một hệ thống tri thức, hệ thống khoa học, hệ thống văn hóa có thể thực chứng được mà còn là một hệ thống tư tưởng, lý tưởng, hệ thống giá trị, hệ thống đạo đức phi vật thể hóa. Nếu nói về sức sản xuất thì khoa học kỹ thuật có nhiệm vụ xây dựng văn minh vật chất XHCN, còn văn hóa tiên tiến có nhiệm vụ xây dựng văn minh tinh thần XHCN. Để làm tốt điều đó, phải không ngừng nâng cao tố chất đạo đức tư tưởng toàn dân tộc, phải đi sâu nghiên cứu những vấn đề mới của đời sống xã hội, nghiên cứu đặc điểm mới trong hoạt động tư tưởng con người, nhạy bén nắm bắt xu thế phát triển của thời đại, tạo lập thế giới quan và nhân sinh quan lành mạnh, xây dựng hệ giá trị tiến bộ, hình thành hệ thống đạo đức nhân văn phù hợp với nền kinh tế thị trường XHCN, chống lại những tư tưởng phi nhân, xa lạ với sự phát triển lành mạnh của xã hội ta.

Thứ sáu, phải coi trọng thực tiễn mới và phát triển mới, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn phát triển. Hiện nay, chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp: làm thế nào hoàn thiện hơn nữa thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thực hành nền dân chủ XHCN ra sao để đạt hiệu quả thực sự, hoàn thiện thể chế văn hóa mới sao cho hiệu quả, làm thế nào để phát triển kinh tế không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, làm sao để chống lại thói vô cảm, giải quyết những vấn đề toàn cầu sao cho phù hợp với lợi ích quốc tế và lợi ích dân tộc...Tất cả những vấn đề trên đây đòi hỏi sự nghiên cứu và tư vấn chính sách hiệu quả của ngành khoa học xã hội ở nước ta. Chỉ một khi chú ý giải quyết chính xác những vấn đề đang nảy sinh trong thực tiễn đổi mới bằng tầm nhìn thế kỷ và thiên niên kỷ, lúc đó, chúng ta mới bảo đảm cho sự phát triển thực sự bền vững, lâu dài của đất nước.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -2011

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.213.

TS Mai Hải Oanh

Tạp chí Cộng sản

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền