Trang chủ    Diễn đàn    Vấn đề kiểm soát quyền lực, bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam
Thứ năm, 15 Tháng 4 2021 08:26
1790 Lượt xem

Vấn đề kiểm soát quyền lực, bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

(LLCT) - Vấn đề xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam đã được đề cập từ hơn một thập niên gần đây. Quá trình xây dựng chính phủ kiến tạo đòi hỏi phải chuẩn bị nhiều tiền đề, điều kiện và thực hiện nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm dân chủ là một trong những yêu cầu tất yếu khách quan. Bài viết góp phần luận giải về lý luận và thực tiễn của kiểm soát quyền lực, từ đó đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Từ khóa: kiểm soát quyền lực, chính phủ kiến tạo, dân chủ.

1. Sự cần thiết phải kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

“Nhà nước kiến tạo phát triển”, “Chính phủ kiến tạo” là những thuật ngữ được giới nghiên cứu bàn luận sôi nổi trong những năm gần đây ở Việt Nam. Ở khía cạnh kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm dân chủ trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo, mặc dù “không phải là yếu tố được thảo luận nhiều nhất, nhưng được các cơ quan Liên Hợp quốc đặc biệt chú ý”(1). Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, nếu không chú ý đến vấn đề dân chủ, các nhà nước kiến tạo phát triển có nguy cơ rơi vào tình trạng độc tài, độc đoán. Quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, xuất phát từ lý luận và thực tiễn trên thế giới cũng như những đặc điểm cụ thể của Việt Nam.

Thứ nhất, xuất phát từ lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển của các quốc gia trên thế giới

Nhà nước kiến tạo phát triển (developmental state) được đề cập lần đầu tiên bởi Chalmers Johnson (1982) khi ông bàn về các đặc trưng của mô hình phát triển kinh tế của Nhật Bản sau Chiến tranh thế giới thứ II. Sau đó, được nhiều học giả phát triển thêm và trở thành một thuật ngữ phổ biến được áp dụng để phân tích sự phát triển kinh tế ở nhiều nước, đặc biệt là các nước công nghiệp mới ở khu vực Đông Á. Đặc trưng cơ bản của nhà nước kiến tạo phát triển là sự tham gia chủ động và tích cực của nhà nước vào phát triển kinh tế thay vì để thị trường tự vận hành, điều tiết. Cũng theo Chalmers Johnson, Nhà nước kiến tạo phát triển, thường được hiểu là một mô hình nhà nước nằm giữa mô hình nhà nước chỉ huy tập trung và mô hình nhà nước thị trường tự do.

Một trong những đặc trưng của nhà nước kiến tạo là tính chuyên chế ở mức độ nhất định để có thể huy động các nguồn lực, tạo ra các chính sách thúc đẩy sự phát triển kinh tế, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Đặc trưng chuyên chế tương đối mạnh của nhà nước kiến tạo được nhiều nhà nghiên cứu đề cập đến. Chalmers Johnson (1985) cho rằng, để kiến tạo các chính sách phát triển, cần phải có một “chính phủ mạnh, thậm chí là chuyên chế, song nắm rõ và vận dụng tốt các quy luật thị trường”(2). Johnson thừa nhận nhà nước kiến tạo phát triển “mang tính độc tài, chuyên chế mềm”, tuy nhiên điều này là chính đáng và cần thiết để tạo ra sự tự chủ của nhà nước trước những áp lực được tạo ra từ xã hội. Phát triển tư tưởng của Johnson, Adrian Leftwith cũng cho rằng nhà nước kiến tạo phát triển thông thường “nổi lên trong một môi trường mà các tổ chức dân sự khá yếu, không có vai trò đáng kể và phụ thuộc”, “chính quyền mạnh kiểm soát chặt xã hội và hạn chế các quyền dân sự, đặc biệt là trong thời kỳ đầu”(3). Nhà nước kiến tạo phát triển xem “tăng trưởng kinh tế là mục tiêu cao nhất và không nhất thiết phải gắn với các chính sách xã hội lâu dài và phát triển bền vững”, nói cách khác, nhà nước “ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn cải cách chính trị và tính chính đáng”(4).

Trong điều kiện nhà nước can thiệp sâu vào thị trường để động viên các nguồn lực cho mục tiêu ưu tiên phát triển kinh tế, những nguy cơ đe dọa xâm phạm dân chủ và nhân quyền là vấn đề hiện hữu. Các nguy cơ đó được thể hiện ở nhiều khía cạnh, như khả năng các quyết định của nhà nước mang tính độc đoán, thiếu sự cân nhắc và tham gia thảo luận đa chiều nên không phù hợp thực tế, xâm phạm lợi ích của các thành viên trong xã hội; chủ nghĩa cá nhân, thân hữu, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm hình thành dẫn đến những bất bình đẳng lớn trong xã hội;... bên cạnh đó, “với đặc trưng cứng rắn của mình, một nhà nước kiến tạo phát triển sẽ khó dung hòa với các quy tắc của một hệ thống dân chủ mà trong đó người dân được hưởng những quyền rộng rãi, bao gồm quyền phản đối và đòi thay đổi chính quyền. Để kiên định đường lối phát triển kinh tế, nhà nước kiến tạo phát triển có thể phải hạn chế nghiêm ngặt những quyền và khả năng của người dân phản kháng những nỗ lực của nhà nước”(5).

Thực tiễn xây dựng nhà nước kiến tạo ở các quốc gia Đông Á cho thấy, mặc dù các nước này đạt được sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhưng cũng phải hứng chịu nhiều hệ lụy tiêu cực do nền quản trị độc đoán mang lại. Sự lựa chọn con đường “phát triển trước, dân chủ sau”(6) đã tạo điều kiện cho việc tăng cường “sự áp đặt của nhà nước với xã hội và sự áp chế của nhà nước với các tổ chức xã hội”(7). Thực tế cho thấy, trong số các “nhà nước kiến tạo cổ điển” như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc)... chỉ có Nhật Bản được xem là thể chế dân chủ. “Tuy nhiên, ngay cả Nhật Bản, nếu theo quan điểm của Chalmers Johnson là nhà nước kiến tạo phát triển đã bắt đầu ở nước này từ thời Minh Trị, thì cũng có nghĩa là nó đã trải qua một thời kỳ phi dân chủ khá dài”(8).

Từ đầu những năm 60 thế kỷ XX, Hàn Quốc là quốc gia khá điển hình cho mô hình nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển mang tính độc tài. Việc thực hiện công nghiệp hóa theo hướng chú trọng tăng trưởng kinh tế đã buộc Hàn Quốc phải xây dựng một nhà nước mang tính chuyên chế, xem nhẹ các giá trị dân chủ, điều này khiến nhà nước mất dần tính chính đáng và dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng vào thập niên 1990. Tổng thống Kim Dae Jung thừa nhận rằng, việc “...đàn áp các mâu thuẫn xã hội, cách cai trị độc đoán có vẻ rất hữu hiệu trong một thời gian ngắn; nhưng ẩn giấu đằng sau tốc độ tăng trưởng nhanh là các vấn đề ngày càng gia tăng về sự xuống cấp đạo đức, tình trạng quan liêu cứng nhắc và chủ nghĩa thân hữu trong chính trị… Chính những vấn đề này đã phát triển thành cuộc khủng hoảng”(9). Tương tự, Jong Keun You cũng cho rằng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khủng hoảng là sự thiếu hụt pháp quyền và cơ chế kiểm soát quyền lực, để khắc phục khủng hoảng, ông đề xuất phải “thúc đẩy pháp quyền thông qua hệ thống kiềm chế và đối trọng trong thực thi quyền lực”(10).

Việc các nhà nước kiến tạo cổ điển ở khu vực Đông Á phải trả giá đắt vì không chú trọng kiểm soát quyền lực và bảo đảm dân chủ đã đặt yêu cầu để các nhà nghiên cứu đề xuất mô hình nhà nước kiến tạo phát triển mới theo hướng dân chủ. Theo UNDP, nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ “phải có khả năng dung chứa các lợi ích và yêu cầu chính trị đa dạng” (11), nhà nước đó “không chỉ mang các thuộc tính thể chế của nhà nước kiến tạo phát triển cổ điển, tức là tính tự chủ và gắn kết, mà còn mang tính chất của nền dân chủ... Nó tạo lập những liên minh rộng rãi với xã hội và bảo đảm sự tham gia của người dân vào quá trình quản trị và chuyển đổi. Cho dù dưới hình thức liên bang hoặc đơn nhất, theo chế độ cộng hòa tổng thống hay cộng hòa đại nghị, nó cũng được định hướng bởi các mục tiêu quản trị như trách nhiệm giải trình, ổn định, đồng thuận, sự tham gia của quần chúng và không ai bị loại trừ khỏi quá trình phát triển”(12).

Lý luận và thực tiễn xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển ở các nước cho thấy sự cần thiết phải xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu để bảo đảm dân chủ và khắc phục những khiếm khuyết, bất hợp lý trong quá trình kiến tạo các chính sách của nhà nước. Việc chú trọng kiểm soát quyền lực, thực hiện dân chủ hóa cùng với phát triển kinh tế ngay từ đầu sẽ giúp cho các quốc gia không phải trả giá đắt vì tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, bởi lẽ “dân chủ và kinh tế thị trường là hai bánh của một cỗ xe ngựa”, “không có dân chủ thì không thể mong đợi sự phát triển một nền kinh tế thị trường thực thụ với các quy luật cạnh tranh rõ ràng và công bằng”(13).

Thứ hai, xuất phát từ lịch sử hình thành, thực trạng vận hành và đặc điểm của hệ thống chính trị cũng như bối cảnh lịch sử của việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển ở Việt Nam

Việt Nam thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo trong điều kiện công cuộc chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu. Dấu ấn của một thời kỳ dài duy trì mô hình nhà nước chỉ huy vẫn còn rất đậm nét trong tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội. Yêu cầu tập trung nhiều quyền lực cho Chính phủ để đủ sức kiến tạo các chính sách phát triển có thể tạo ra các điều kiện để căn bệnh quan liêu, chuyên quyền, độc đoán phát triển. Quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo có thể dẫn đến nguy cơ phục hồi mô hình nhà nước chỉ huy độc đoán nếu không chú trọng xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực có hiệu quả.

Đặc thù của hệ thống chính trị Việt Nam là duy nhất một đảng lãnh đạo, cầm quyền; thêm vào đó là tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, kém hiệu quả; “hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ,... còn chồng chéo; tính công khai, minh bạch, khả thi, ổn định còn hạn chế”(14) tiềm ẩn nguy cơ lạm quyền, xâm phạm các quyền dân chủ của công dân. Nhận thức được điều này, trong quá trình đổi mới, kiện toàn hệ thống chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chú ý đến việc xây dựng các cơ chế, phương thức khác nhau để kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, các phương thức đó mới chỉ bước đầu định hình nên hiệu quả kiểm soát quyền lực còn hạn chế. Trên thực tế, kiểm soát quyền lực nhà nước mới được ghi nhận là một nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp năm 2013, cho đến nay, vẫn “chưa chế định rõ, đồng bộ, hiệu quả cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước ở các cấp”, “trách nhiệm giải trình của các cấp chính quyền chưa được quy định rõ ràng”, “công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu đề ra; tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng”(15). Việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội còn nhiều hạn chế, “quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm”(16). Với đặc điểm hệ thống chính trị và thực trạng cơ chế kiểm soát quyền lực như đã đề cập, quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam cần gắn chặt với việc xây dựng, hoàn thiện các cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, để vừa hạn chế những tác động tiêu cực có thể nảy sinh, vừa góp phần vào việc thực hiện mục tiêu chung của cả hệ thống chính trị là “tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(17).

Yêu cầu phải xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực nhằm bảo đảm dân chủ còn xuất phát từ bối cảnh lịch sử của quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở nước ta. Đó là sự tác động của toàn cầu hóa và tự do thương mại quốc tế, sự phát triển của kinh tế tri thức và đặc biệt là xu thế dân chủ hóa đang phát triển mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Mô hình nhà nước có tính chuyên quyền, độc đoán và sự lựa chọn ưu tiên “phát triển trước, dân chủ sau” có thể phù hợp với hoàn cảnh lịch sử sau Chiến tranh thế giới thứ II, nhưng khó có thể thích ứng và tồn tại được trong thế kỷ XXI. Việc các nhà nước kiến tạo phát triển ở khu vực Đông Á đẩy mạnh thực hiện dân chủ hóa sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997) và sự ra đời của một số mô hình nhà nước kiến tạo phát triển dân chủ thế kỷ XXI (như Ethiopia và Botswana) cho thấy “ngày nay, các nước đang phát triển không thể dựa vào những chiến lược công nghiệp hóa đã từng thành công trong quá khứ”(18). Trong điều kiện lịch sử mới, việc xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam nên chăng phải là mô hình “chính phủ kiến tạo dân chủ”, chú trọng xây dựng các cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu nhằm bảo đảm dân chủ ngay trong từng bước đi và trong việc kiến tạo từng chính sách phát triển.

2. Một số định hướng nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở Việt Nam

Nhà nước kiến tạo phát triển phải là một “nhà nước mạnh”, đây là đặc trưng nổi bật. Tuy nhiên, với việc thể hiện đặc trưng này, góc độ nào đó sẽ mâu thuẫn với dân chủ xã hội. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, phương hướng chung cần xác định là tập trung xây dựng nhà nước mạnh, đủ sức áp đặt chính sách song phải phát huy dân chủ trong tất cả các khâu, quy trình hoạch định chính sách công để hạn chế tối đa việc ban hành và thực thi những chính sách tùy tiện. Từ phương hướng chung có thể xác định một số định hướng cụ thể sau:

Thứ nhất, tăng cường hoạt động giám sát của Quốc hội đối với quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo

Giám sát của Quốc hội là một trong những nội dung quan trọng của cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi quyền lực ở Việt Nam. Đối với Chính phủ, giám sát của Quốc hội hướng tới mục đích ngăn ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi lạm dụng quyền lực, có sự điều chỉnh kịp thời nhằm bảo vệ Hiến pháp, pháp luật và các quyền tự do cơ bản của công dân. Để nâng cao hiệu quả giám sát của Quốc hội, trước hết cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giám sát của Quốc hội trong điều kiện xây dựng Chính phủ kiến tạo theo hướng xác định rõ ràng nội dung, hình thức, phạm vi, thẩm quyền, hiệu lực pháp lý. Hoạt động giám sát cần được thực hiện một cách toàn diện ở tất cả các khâu, các quá trình hoạt động của Chính phủ. Trong đó, trọng tâm là tập trung giám sát khâu đề xuất xây dựng pháp luật, chính sách, chương trình, dự án… của Chính phủ, bảo đảm việc kiến tạo các chính sách vì mục tiêu phục vụ cho sự phát triển chung của toàn bộ xã hội.

Đổi mới nội dung, phương pháp, cách thức thực hiện các hoạt động giám sát của Quốc hội phù hợp với yêu cầu của quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo. Các hình thức giám sát theo quy định hiện nay như: thanh tra Quốc hội; hoạt động chất vấn Chính phủ trong các kỳ họp Quốc hội; giám sát các văn bản và các báo cáo trình Quốc hội; các đoàn giám sát của Quốc hội; bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ... cần không ngừng đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Cần mở rộng việc thực hiện chuyên đề giám sát chuyên sâu và đặc biệt là chú trọng theo dõi, đôn đốc việc tiếp thu, thực hiện các kết luận sau giám sát, bảo đảm hoạt động giám sát của Quốc hội phát huy hiệu quả. Tăng cường nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, học hỏi kinh nghiệm của các nước để không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý, cơ chế tổ chức, phương thức tiến hành và hiệu quả hoạt động giám sát.

Nâng cao chất lượng đội ngũ đại biểu chuyên trách và các Ủy ban của Quốc hội để giám sát có hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án do Chính phủ đệ trình. Có thể thành lập thêm các bộ phận giúp việc, cơ quan tư vấn ở các lĩnh vực để tư vấn cho Quốc hội khi thực hiện các hoạt động giám sát chuyên sâu. Trong điều kiện xây dựng Chính phủ kiến tạo, số lượng các chính sách, chương trình, dự án của Chính phủ có xu hướng gia tăng nhanh chóng, Quốc hội có thể thuê các tổ chức độc lập thực hiện các hoạt động phân tích, đánh giá để có cơ sở ra các quyết định phù hợp, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát.

Thứ hai, xây dựng ngành tư pháp theo hướng độc lập chỉ tuân theo pháp luật, bảo vệ công lý, hạn chế những hoạt động tùy tiện, lạm quyền của Chính phủ

Bảo đảm tính độc lập của ngành tư pháp là điều kiện tiên quyết để thực thi công lý, bảo vệ quyền con người, ngăn chặn nguy cơ chuyên quyền, lạm quyền của bộ máy quyền lực nhà nước. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, Chính phủ kiến tạo ở nước ta, xây dựng ngành tư pháp độc lập là một phương thức hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, bảo đảm dân chủ. Trước hết, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của nhánh tư pháp theo hướng phân công, phân nhiệm rõ ràng chức năng, nhiệm vụ nhằm bảo đảm sự độc lập của tư pháp với các nhánh quyền lực còn lại như lập pháp, hành pháp và chính quyền các địa phương. Tổ chức của hệ thống tư pháp nên được thiết kế theo cấp xét xử chứ không nên theo cấp hành chính - lãnh thổ nhằm hạn chế sự chi phối, ảnh hưởng của chính quyền các cấp đối với hoạt động của ngành tư pháp. Hoạt động của ngành tư pháp phải được thực hiện theo nguyên tắc tôn trọng sự thật và chỉ tuân theo pháp luật.

Mở rộng phạm vi, đối tượng xét xử của tòa án nhằm nâng cao năng lực bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước nguy cơ xâm phạm từ phía Nhà nước và thị trường. Xúc tiến thành lập Tòa án Hiến pháp nhằm thực hiện quyền bảo hiến đối với các hoạt động của Nhà nước, đồng thời, nâng cao sức mạnh của nhánh tư pháp để xét xử các hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào của Nhà nước, trong đó có Chính phủ.

Nâng cao tính độc lập, chuyên nghiệp và công tâm của thẩm phán. Đây là yếu tố rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự độc lập của nhánh tư pháp cũng như hiệu quả kiểm soát quyền lực của tư pháp đối với Chính phủ và các bộ phận còn lại của Nhà nước. Để thẩm phán thực sự là những người “có tinh thần dũng cảm và kiên quyết bảo vệ công lý”, cần chú ý tăng cường trách nhiệm của thẩm phán; bảo đảm quá trình xét xử, ra quyết định của thẩm phán không chịu sự chi phối của bất kỳ chủ thể nào ở trong và ngoài bộ máy nhà nước, đặc biệt là từ phía Chính phủ. Nghiên cứu xây dựng nhiệm kỳ lâu dài và vững chắc cho thẩm phán, có chế độ lương hợp lý và bảo đảm các điều kiện làm việc khác để thẩm phán thực sự độc lập trước mọi áp lực chính trị, tài chính, và thực sự là những người xứng đáng nắm giữ cán cân công lý.

Thứ ba, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo

Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình là những trụ cột cơ bản của quản trị nhà nước tốt, đồng thời cũng là những phương thức quan trọng để kiểm soát quyền lực trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo. Công khai, minh bạch trong hoạt động của Chính phủ có nghĩa là Chính phủ phải cung cấp thông tin đầy đủ, rõ ràng, trung thực về tổ chức và hoạt động của mình để các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân và xã hội được biết. “Trách nhiệm giải trình thực sự bao gồm hai yếu tố: khả năng giải đáp và chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra”(19). Để nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo ở nước ta, cần chú trọng thực hiện các giải pháp:

- Xây dựng, hoàn thiện các quy định của pháp luật về: i) trách nhiệm cung cấp thông tin của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước, bảo đảm các thông tin được cung cấp chính xác, trung thực, đầy đủ và kịp thời; ii) quyền được tiếp cận thông tin của công dân và xã hội, nhằm gia tăng mức độ, phạm vi hiểu biết của xã hội về hoạt động của Chính phủ, trên cơ sở đó định hướng mức độ tham gia và thực hiện quyền giám sát của người dân đối với chính quyền; iii) trách nhiệm giải trình của Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước đối với Đảng, Quốc hội, người dân và xã hội,...; iv) các phương thức tham gia của người dân, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, truyền thông đại chúng,… vào công việc của Chính phủ và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ.

- Xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, thủ tục hành chính, tư pháp,... nhằm cung cấp cho người dân những thông tin cần thiết về hoạt động của bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực. Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ mở, Chính phủ điện tử nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận thông tin, đánh giá, phản hồi về hoạt động của bộ máy nhà nước.

- Tăng cường phân công, phân nhiệm trong tổ chức và hoạt động của Chính phủ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ theo hướng ngày càng chuyên nghiệp và trách nhiệm để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, năng lực điều tiết và can thiệp có hiệu quả của Chính phủ vào nền kinh tế và kiến tạo các chính sách phát triển. Đồng thời, qua đó nâng cao ý thức, năng lực chịu trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức đối với việc thực hiện các công việc được giao.

- Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của công dân và xã hội đối với việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Bảo đảm những hoạt động này được tiến hành thường xuyên, đúng quy định và phát huy được hiệu quả thực tế nhằm góp phần ngăn chặn nguy cơ lạm quyền, chuyên quyền, độc đoán trong quá trình xây dựng Chính phủ kiến tạo.

Thứ tư, mở rộng vai trò tham gia phản biện, thực thi, giám sát của nhân dân và xã hội đối với quá trình kiến tạo các chính sách phát triển của Chính phủ

Hoàn thiện cơ chế pháp lý để nhân dân tham gia các hoạt động của Nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước. Nghiên cứu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật độc lập về kiểm soát quyền lực nhà nước của nhân dân và xã hội như: Luật Giám sát, phản biện của nhân dân, Luật Dân chủ cơ sở, Luật về hội,… Hoàn thiện các quy định của pháp luật về tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí,… để tạo ra khung khổ pháp lý rõ ràng, đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân cùng với các tổ chức đại diện của mình tham gia vào các công việc của Nhà nước, góp phần ngăn chặn nguy cơ lạm quyền, chuyên quyền, tham nhũng, hối lộ,… trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước.

Nâng cao trình độ dân trí, ý thức trách nhiệm, ý thức pháp quyền, văn hóa chính trị cho người dân. Mức độ hiểu biết, ý thức trách nhiệm, văn hóa dân chủ của nhân dân đến đâu sẽ quy định mức độ tham gia của họ vào công việc của Nhà nước đến đó. Do đó, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giáo dục, tuyên truyền, vận động để nâng cao dân trí, ý thức trách nhiệm, văn hóa dân chủ của nhân dân.

Xây dựng các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội theo hướng tăng cường tính độc lập, tự chủ để đại diện cho nhân dân tham gia vào các hoạt động kiến tạo chính sách phát triển của Chính phủ và kiểm soát quyền lực của Chính phủ. Với việc mở rộng sự tham gia từ phía xã hội, công việc của Chính phủ sẽ ngày càng có xu hướng xã hội hóa, phát huy được trí tuệ của cộng đồng, gắn kết nhà nước với xã hội thông qua việc phối hợp hành động, kết quả là các chính sách của Chính phủ ngày càng gần dân và có hiệu quả hơn.

Nâng cao vai trò của các phương tiện truyền thông đại chúng trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội đối với hoạt động của Chính phủ. Truyền thông, báo chí cần thực hiện tốt vai trò của mình, góp phần cung cấp, minh bạch hóa thông tin; tạo ra các diễn đàn để nhân dân thảo luận, bàn bạc, thể hiện chính kiến về các công việc của Chính phủ; đồng thời theo dõi, phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn những sai phạm của Chính phủ, tạo áp lực điều chỉnh để các chính sách của Chính phủ được kiến tạo vì mục đích phát triển chung của cộng đồng xã hội.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2021

(1), (5), (8) Vũ Công Giao: Những vấn đề lý luận cơ bản về nhà nước kiến tạo phát triển, trong cuốn sách Nhà nước kiến tạo phát triển: Lý luận, thực tiễn trên thế giới và ở Việt Nam, Trịnh Quốc Toàn-Vũ Công Giao chủ biên, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2017, tr.32, 33, 33-34.

(2) Chalmers Johnson, Political Institutions and Economic Performance: The Governmet-Business Relation in Japan, South Korea, and Taiwan, in eds. Robert Scalapino, Seizaburo Sato, and Jusuf Wanandi (Berkeley: Asian Economic Development: Present and Future, University of California Press, 1985).

(3) Lefwich, Adrian: Theorizing the State, in: Politics in the Developing World, (ed. By Peter Burnell), Vicky Randall and Lise Rakner (New York: OUP, 2011).

(4), (6), (12) Omano Edigheji: Constructing a democratic developmental state in South Africa: potentials and challenges, in Constructing a democratic development state in South Africa: Potentials and challenges, 2010, p.11, 28, 22.

 (7), (11) UNDP, Democratization in a Developmental State: The Case of Ethiopia - Issues, Challenges, and Prospects, 2012, p.7-8, 13.

(9), (10), (13) Farrukh Iqbal và Jong-ll You (chủ biên): Dân chủ, kinh tế thị trường và phát triển: Từ góc nhìn châu Á, Nxb Thế giới, 2002, tr.24, 214-216, 23-24.

(14), (15), (16), (17) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.173, 173-174, 168, 38.

(18) Đại học Harvard: Lựa chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho tương lai của Việt Nam, 2008, http://www.vn.undp.org

(19) S.Chiavo Campo và P.S.A.Sundaram: Phục vụ và duy trì: Cải thiện hành chính công trong một thế giới cạnh tranh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.13.

PGS, TS Hồ Xuân Quang

TS Nguyễn Tuấn Anh

Trường Đại học Quy Nhơn

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền