Trang chủ    Diễn đàn    Nhận thức các khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay
Thứ sáu, 27 Tháng 9 2013 14:13
20557 Lượt xem

Nhận thức các khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay

(LLCT)- Trong hệ thống chính trị của bất kỳ quốc gia nào hiện nay đều có các bộ phận cấu thành cơ bản, đó là: đảng chính trị; nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội. Đảng chính trị thực chất là các tổ chức chính trị thể hiện lợi ích của một giai cấp hay của một tầng lớp xã hội liên kết những đại diện ưu tú nhất của giai cấp để lãnh đạo giai cấp đạt tới những mục tiêu và lý tưởng nhất định. Mục tiêu của đảng chính trị nói chung trước hết là giành quyền lực nhà nước và sử dụng quyền lực đó để thực hiện các định hướng chính trị, đạt được lợi ích của đảng. Khi giành được quyền lực nhà nước, đảng đó trở thành đảng cầm quyền.

 

Ở mỗi nước có thể có một hoặc nhiều đảng chính trị khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện khách quan của chế độ chính trị, đặc điểm hình thành và phát triển của hệ thống chính trị. Đối với những nước có nhiều đảng, nói tới đảng cầm quyền tức là nói tới vị thế của đảng trong sự so sánh với các đảng chính trị khác - những đảng không cầm quyền. Ở nước ta, sau khi giành được chính quyền (1945), Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền và cũng là đảng cầm quyền duy nhất từ đó đến nay. Trong các văn bản, sách báo chúng ta ít sử dụng cụm từ đảng cầm quyền, mà chủ yếu là sử dụng cụm từ đảng lãnh đạo. Vậy nội hàm của các cụm từ này là giống nhau hay có gì khác nhau. Trong một số công trình nghiên cứu cho thấy có quan điểm đồng nhất đảng cầm quyền và đảng lãnh đạo; cho rằng, đảng cầm quyền tức là đảng lãnh đạo trong điều kiện khi đảng đã giành được chính quyền; đảng cầm quyền ở nước ta tức là đảng lãnh đạo cả xã hội; nội dung và phương thức cầm quyền, lãnh đạo của đảng là có nội hàm như nhau. Các công trình về Đảng Cộng sản cầm quyền trong thời gian gần đây đã gợi mở nhiều điều để làm sáng tỏ hơn nội hàm khái niệm đảng cầm quyền ở nước ta. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Đảng ta đã chỉ ra yếu kém trong công tác nghiên cứu về vấn đề đảng cầm quyền: “Công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn chưa làm sáng tỏ được một số vấn đề về đảng cầm quyền, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(1). Theo chúng tôi, sự phân tích một cách thấu đáo nội hàm của các khái niệm nêu trên là hết sức cần thiết để làm sáng tỏ hơn các vấn đề đó.

Đảng cầm quyềnlà khái niệm được sử dụng rộng rãi ở các nước phương Tây ngay từ khi trong xã hội bắt đầu hình thành các đảng chính trị. Đảng cầm quyền được hiểu là đảng nắm giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước để kiểm soát quá trình hoạch định và thực thi các chính sách quốc gia. Điều đó cũng có nghĩa, đảng cầm quyền là đảng điều khiển, kiểm soát người của mình trong bộ máy nhà nước thực hiện các mục tiêu phát triển của đảng thông qua các chính sách của nhà nước. Với cách hiểu như vậy, đảng cầm quyền là đảng trực tiếp có quyền lực nhà nước; các quyết định của đảng thể hiện qua danh nghĩa quyền lực nhà nước (quyền lực do người dân ủy nhiệm), thông qua các thủ tục, các quá trình đã được pháp luật quy định, chứ không phải đưa ra các quyết định nhân danh đảng(2).

Đảng lãnh đạolà một khái niệm ít được sử dụng ở các nước phương Tây. Đây là một khái niệm được các nhà kinh điển Mác - Lênin sử dụng bắt đầu vào những năm nửa cuối của thế kỷ XIX, khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản ra đời, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân, lực lượng tiên phong thực hiện sứ mệnh lịch sử lãnh đạo quần chúng nhân dân lao động thủ tiêu chế độ bóc lột, xây dựng một xã hội mới tiến bộ vì con người, không còn áp bức và bất công. Khi Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, Đảng Cộng sản (Bônsơvích) Nga trở thành đảng cầm quyền, có vai trò lãnh đạo trong xã hội Nga. V.I.Lênin đã viết: Ở nước Nga “chỉ có một đảng cầm quyền duy nhất đang lãnh đạo”(3). Khái niệm về đảng lãnh đạo đã không được Lênin nêu cụ thể. Tuy nhiên, từ những phân tích của Lênin về vai trò của Đảng Cộng sản Nga đối với quần chúng nhân dân lao động trong cách mạng vô sản có thể thấy rằng, đảng lãnh đạo được hiểu là một hình thức của cuộc đấu tranh giai cấp; là thực hiện vai trò tiên phong trong cách mạng vô sản; là sự gương mẫu, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân để làm sao lôi kéo được sự đồng tình ủng hộ một cách tự nguyện của đại đa số nhân dân lao động đối với đảng. Lênin đã viết rằng: “Tầng lớp tiên tiến của giai cấp vô sản nắm chính quyền nhà nước..., đã tự mình làm gương cho quần chúng lao động thấy một mẫu mực về lòng trung thành đối với lợi ích của những người lao động”(4); rằng: “Không có sự đồng tình và ủng hộ của đại đa số nhân dân lao động đối với đội tiên phong của mình, tức đối với giai cấp vô sản, thì cách mạng vô sản không thể thực hiện được. Nhưng sự đồng tình và ủng hộ đó không thể có ngay được và không phải do những cuộc bỏ phiếu quyết định, mà phải trải qua một cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, khó khăn, gian khổ mới giành được. Cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp vô sản để giành lấy sự đồng tình, để giành lấy sự ủng hộ của đa số nhân dân lao động không phải kết thúc khi giai cấp vô sản đã cướp được chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, cuộc đấu tranh đó vẫn tiếp tục như trước, có điều là với hình thức khác mà thôi”(5). Từ những phân tích về nội hàm đảng lãnh đạo nêu trên cho thấy, đảng giành được địa vị lãnh đạo là vô cùng khó khăn không chỉ lúc chưa giành được chính quyền mà cả sau khi đã giành được chính quyền. Thực tiễn đã cho thấy, ngay cả khi một đảng giành được vị thế cầm quyền do đảng đó chiếm đa số phiếu qua những đợt bầu cử vào quốc hội cũng có thể ngay sau đó không giữ được địa vị lãnh đạo. Một khi đã không đủ uy tín để giữ địa vị lãnh đạo, không thực hiện được vai trò tiên phong thì tất yếu sẽ dẫn đến nguy cơ đảng đó mất vị thế cầm quyền.

Như vậy, có thể thấy rằng, đảng cầm quyềnđảng lãnh đạo là hai khái niệm không đồng nhất với nhau. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã từng nêu lên khái niệm lãnh đạo. Theo Người: “lãnh đạo là làm đày tớ nhân dân”(6); “Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”(7).

Từ sự phân tích quan niệm của Lênin về đảng lãnh đạo nêu trên và với nội hàm của khái niệm lãnh đạo, đảng lãnh đạo như Hồ Chí Minh nêu ra cho thấy, lãnh đạo là một khái niệm không gắn với quyền lực (nghĩa quyền lực ở đây là quyền lực cứng với sự cưỡng chế bằng bạo lực). Khái niệm lãnh đạo chỉ sự ảnh hưởng có tính xác định đối với hành vi của một cộng đồng, tập thể hay cá nhân nhưng sự ảnh hưởng này không thông qua sự cưỡng chế, không mang tính ép buộc. Lãnh đạo là khái niệm có đặc điểm là tính định hướng, tính thuyết phục. Tính định hướng này thể hiện trước hết ở sự xác định được ý nghĩa và giá trị chung được cả cộng đồng hay tập thể chia xẻ và đồng thuận và do vậy mang tính động viên, dẫn dắt hành động cho cả cộng đồng, tập thể. Lãnh đạo như vậy chính là xác định được những mục tiêu đúng đắn; chủ thể lãnh đạo hết lòng phục vụ lợi ích của cộng đồng, tập thể, từ đó mà thuyết phục được cộng đồng, tập thể hướng tới thực hiện mục tiêu. Đảng lãnh đạo tức là đảng có vai trò tiên phong, vạch hướng, xác định mục tiêu đúng đắn, đồng thời tạo được uy tín để thuyết phục các chủ thể chính trị, cộng đồng xã hội đi theo và thực hiện các mục tiêu đó.

Nhận thức về khái niệm đảng lãnh đạo nêu trên, về sau này, được ông A.Gramsci - nguyên Tổng bí thư Đảng Cộng sản Italia - phát triển thêm thông qua khái niệm “hệ tư tưởng tiên phong”. Khái niệm này đã đặt nền móng cho cả một hướng nghiên cứu mới trong văn hóa chính trị, có ảnh hưởng sâu rộng không chỉ với những người mácxít, mà cả với các nhà tư tưởng ngoài mácxít. Theo ông, việc cầm quyền chỉ là khâu cuối của cả một quá trình xây dựng tính tiên phong của đảng: tiên phong trong lý tưởng và hệ giá trị, tiên phong trong hệ thống lý luận, và vì vậy, tiên phong trong hệ tư tưởng chỉ đạo, có sức thuyết phục đối với toàn xã hội.

Ở nước ta, khi Đảng Cộng sản chưa giành được chính quyền, để có địa vị lãnh đạo trong xã hội, tức giành được sự ủng hộ của đa số nhân dân, Đảng phải trải qua cuộc đấu tranh giai cấp lâu dài, vô cùng khó khăn và gian khổ. Khi đã trở thành đảng cầm quyền, cuộc đấu tranh đó với hình thức khác để làm sao tiếp tục giữ vững địa vị lãnh đạo trong xã hội còn khó khăn, gian khổ hơn nhiều. Nếu Đảng không thường xuyên tự chỉnh đốn, đấu tranh quyết liệt với kẻ thù “ở trong lòng” là chủ nghĩa cá nhân như Hồ Chí Minh thường căn dặn trước đây thì Đảng khó có thể được quần chúng nhân dân tin yêu, mến phục và một lòng ủng hộ, đi theo Đảng. Hồ Chí Minh đã từng nhắc nhở Đảng ta rằng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(8). Trong giai đoạn hiện nay, cuộc đấu tranh chống kẻ thù của chủ nghĩa cá nhân chính là cuộc đấu tranh lâu dài, vô cùng khó khăn và gian khổ nhất. Chỉ có chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, thực sự là người đày tớ trung thành của nhân dân thì Đảng mới được dân tin. Dân có tin thì dân mới nghe theo và một lòng theo Đảng, Đảng mới tiếp tục giữ vững được địa vị lãnh đạo trong xã hội. Và trên cơ sở giữ vững địa vị lãnh đạo trong xã hội, Đảng mới có thể tiếp tục giữ vị thế là Đảng cầm quyền. Hồ Chí Minh cũng từng chỉ rõ: “Chỉ trong đấu tranh và công tác hằng ngày, khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng, thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”(9).

Từ những điều phân tích ở trên đã cho thấy rõ hơn về khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo ở nước ta hiện nay. Nhận thức rõ được các vấn đề đó mới có thể xác định đúng hơn những nội dung và phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng. Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng tập trung ở việc cử những cán bộ ưu tú của Đảng vào giữ những vị trí chủ chốt của bộ máy nhà nước để kiểm soát, điều hành quá trình hoạch định và thực thi các quyết định, chính sách của chính quyền nhà nước các cấp trên cơ sở các định hướng, mục tiêu của Đảng; đồng thời Đảng kiểm tra, giám sát các hoạt động của những cán bộ đó nhằm đảm bảo theo đúng mục đích, tôn chỉ, nguyên tắc của Đảng. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng tập trung ở việc xác định đúng đắn đường lối, mục tiêu thể hiện trong các cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; ở việc toàn Đảng, mỗi đảng viên, đặc biệt là các đảng viên giữ vị trí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước phải luôn tự rèn luyện, nêu cao tính tiền phong gương mẫu về mọi mặt, thực sự là ngọn cờ dẫn đường, thuyết phục được nhân dân tự nguyện đi theo, ủng hộ Đảng, phấn đấu thực hiện các đường lối, mục tiêu mà Đảng đặt ra. Nhận thức đúng đắn nội dung và phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng như vậy là cơ sở để đảm bảo cho việc xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân ở nước ta hiện nay. Từ nhận thức và thực hiện theo nội dung và phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng nêu trên chúng ta mới có thể khắc phục được các tình trạng nhiều khi Đảng đã “nổi lên như một quyền lực” như nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng Trần Trọng Tân đã có lần nhận xét: “vai trò của Đảng nổi lên như một quyền lực đối với xã hội. Có không ít trường hợp đó bộc lộ cho dân nhận thấy quyền lực của Đảng vượt lên trên quyền lực của Nhà nước”(10). Cũng từ nhận thức rõ hơn về các khái niệm đảng cầm quyền, đảng lãnh đạo; nội dung và phương thức cầm quyền, lãnh đạo của Đảng ở nước ta, theo chúng tôi cần có sự chỉnh sửa cho chuẩn xác hơn một số cụm từ trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2001). Theo đó, thay cụm từ: “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội” thành cụm từ: “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là lực lượng cầm quyền, có địa vị lãnh đạo trong xã hội”.

___________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 6-2011

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.172-173.

(2) Xem: Nguyễn Văn Huyên (chủ biên): Đảng Cộng sản cầm quyền - Nội dung và phương thức cầm quyền của Đảng, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.36-38.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.45, NXB Tiến bộ, Matxcơva, 1977, tr.136.

(4),(5) Sđd, t.39, tr.268, 251. 

(6),(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.222, 557-558.

(7) Sđd, t.10, tr.323. 

(9) Sđd, t.3, tr.139. 

(10) Trần Trọng Tân: Hệ thống chính trị với vấn đề dân chủ và dân làm chủ, Tạp chí Mặt trận, Số 9-2006, tr.10. 

 

PGS,TS Nguyễn Hữu Đổng

TS Ngô Huy Đức

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền