Trang chủ    Diễn đàn    Quản lý nhà nước đối với phương diện văn hóa của phát triển
Thứ hai, 07 Tháng 10 2013 10:31
2809 Lượt xem

Quản lý nhà nước đối với phương diện văn hóa của phát triển

(LLCT)- Trước đây, văn hoá thường được coi là giáo dục, khoa học hoặc văn học nghệ thuật. Thực ra, đó mới chỉ là những yếu tố, những bộ phận của văn hoá. Việc quy giản văn hoá chỉ về một hoặc một số yếu tố của nó, cho dù đó là yếu tố thực thể, là một nhận thức còn phiến diện về văn hoá, và cùng với điều đó, là việc không chú ý đúng mức đến sự nghiệp xây dựng văn hoá về mặt thực tiễn, không phát huy được đầy đủ vai trò của văn hoá trong phát triển.

Những năm gần đây, trong bối cảnh đổi mới tư duy nói chung, Đảng ta đã thực sự có cách nhìn nhận mới về văn hoá. Tại Hội nghị Trung ương 5 khoá VIII (1998), văn hoá được xác định theo một phạm vi phổ quát hơn, đầy đủ hơn. Theo đó, văn hoá không chỉ là giáo dục, khoa học hay văn học nghệ thuật, mà văn hoá chính là sự thể hiện và thực hiện những sức mạnh bản chất của con người trong toàn bộ các hoạt động người, là phương thức người, trình độ người của sự phát triển xã hội.

Quan niệm như vậy về văn hoá đặt ra yêu cầu xem xét lại một cách đầy đủ hơn quan hệ giữa văn hoá với các lĩnh vực hoạt động xã hội, trong đó có lĩnh vựcquản lý nhà nước.

Nói đến chức năng quản lý văn hoá của nhà nước, trước hết là nói đến chức năng của nó đối với văn hoá trong tư cách thực thể như giáo dục, khoa học, văn học nghệ thuật. Ở nước ta hiện nay, chức năng này được thực hiện thông qua bộ máy quản lý nhà nước như: Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Văn hoá thể thao và du lịch, Đài Truyền hình... Nhưng với tư cách là sự thể hiện và thực hiện những sức mạnh bản chất của con người, văn hoá không chỉ giới hạn trong tư cách thực thể, nó còn bộc lộ hoặc thăng hoa trong mọi dạng hoạt động, mọi lĩnh vực của đời sống con người và xã hội, tạo thành phương diện văn hoá của các hoạt động người, hoạt động phát triển xã hội. Bởi thế, chức năng quản lý văn hoá của Nhà nước không chỉ là phát triển hệ thống văn hoá, mà đồng thời còn phải phát triển phương diện văn hoá của mọi quá trình phát triển xã hội. Nếu quản lý nhà nước đối với hệ thống văn hoá là chức năng được biết đến từ xa xưa, thì quản lý nhà nước đối với phương diện văn hoá của phát triểnchỉ mới được hình dung một cách tương đối rõ nét từ khi UNESCO phát động Thập kỷ thế giới phát triển văn hoá (1988 - 1997). Theo UNESCO, văn hoá được coi là một phương diện, một yếu tố cấu thành của phát triển; sự thành bại của các chương trình, các dự án, các chính sách phát triển bị quy định bởi chính mức độ thể hiện và thực hiện văn hoá trong phát triển. Từ đây, chủ thể phát triển ở tầm quốc gia, tức nhà nước, có chức năng kép: quản lý sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời quản lý phương diện văn hoá của phát triển.

Văn hoá gắn liền với mọi dạng hoạt động người, nhưng không phải bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào hoạt động của con người cũng mang tính văn hoá. Những hoạt động thù địch con người, chống lại tiến bộ xã hội, tất nhiên không phải là văn hoá. Ngay cả lao động của con người trong những điều kiện bị tha hoá, bị cưỡng bức, cực nhọc... nghĩa là không xứng đáng với con người cũng không thể coi là sự thể hiện và thực hiện văn hoá một cách thực sự. Vì rằng, khi đó lao động không phải là sự tự khẳng định nhân cách, mà chỉ biểu hiện như sự đánh mất nhân cách và “bị nô dịch bởi vật thể” (C.Mác). Cũng như vậy, một sự tăng trưởng kinh tế thuần tuý mà cùng với nó kéo theo những bất bình đẳng về xã hội, sự ô nhiễm môi trường, sự xuống cấp đạo đức hoặc sự hủy hoại những giá trị truyền thống tốt đẹp... cũng không thể là sự tăng trưởng có văn hoá. Sự cạn kiệt tài nguyên, mất cân bằng sinh thái, sự đối lập quá mức giữa giàu và nghèo, nạn thất nghiệp, sự bất an xã hội, tội phạm... là sự trả giá cho việc không tính đến phương diện văn hoá của phát triển. UNESCO đã tổng kết: “nước nào tự đặt cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hoá thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về kinh tế lẫn văn hoá, và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều... xét đến cùng, các trọng tâm, mục đích và động cơ của sự phát triển phải được tìm trong văn hoá”(1).

UNESCO chủ trương đưa văn hoá vào trong phát triển, biến nó thành mục tiêu, động lực, hệ điều tiết của sự phát triển. Đó là đòi hỏi vừa cấp thiết vừa lâu dài của mọi quá trình phát triển xã hội hiện nay. Quản lý nhà nước với tư cách là sự quản lý lấy toàn bộ xã hội làm đối tượng, cũng đồng thời thực hiện chức năng văn hoá theo nghĩa là làm cho bản thân sự phát triển xã hội bao hàm và thể hiện được phương diện văn hoá một cách đầy đủ nhất.

Từ cách nhìn này, có thể thấy, tính quy định của nhân tố văn hoá đối với sự phát triển kinh tế - xã hội được thể hiện trên hai phương diện:

Một là, với tư cách chủ thể và động lực của quá trình phát triển xã hội, con người thể hiện và đối tượng hoá các năng lực bản chất của mình vào trong các kết quả của hoạt động. Một trình độ phát triển xã hội nhất định với tư cách là kết quả của hoạt động người bị quy định bởi tổng thể các năng lực hoạt động sáng tạo, tri thức, quan điểm, tình cảm, thị hiếu, niềm tin..., nghĩa là bị quy định bởi một trình độ nhân cách nhất định của những con người tham gia vào quá trình phát triển xã hội. Đồng thời, sự phát triển xã hội còn phụ thuộc vào những điều kiện vật chất và tinh thần mà trong đó các năng lực nhân cách của con người được thể hiện và thực hiện. Với phương diện này, chức năng văn hoá của Nhà nước là quản lý sự nghiệp giáo dục nhằm hình thành nhân cách con người Việt Nam đáp ứng các yêu cầu của thời đại. Đó là: “con người Việt Nam giàu lòng yêu nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ, lao động giỏi; sống có văn hoá, nghĩa tình; có tinh thần quốc tế chân chính”(2).

Xu hướng và đồng thời là đặc trưng của giáo dục trong điều kiện hiện đại là sự thống nhất ngày càng cao giữa lý luận và thực tiễn, giữa đào tạo chuyên sâu, phát hiện đón đỡ nhân tài và đào tạo mở rộng, nâng cao mặt bằng dân trí. Trí tuệ, tri thức hơn bao giờ hết đang là một trong những lợi thế cho cạnh tranh phát triển. Ngày nay, sự thâm nhập và vai trò gia tăng của tri thức trong nền kinh tế hiện đại đã tạo ra một sự biến đổi về chất, một trình độ mới của kinh tế - kinh tế tri thức. Theo đó, tri thức trở thành nguồn lực, thành tài nguyên quốc gia, một thứ tài nguyên độc đáo càng khai thác càng sinh sôi, nẩy nở (cố nhiên, sự khai thác tài nguyên tri thức là một sự khai thác đặc biệt, nó gắn liền với đầu tư giáo dục và những điều kiện đặc thù khác nữa). Trong nền kinh tế tri thức, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; trí lực của người lao động chiếm vị trí chủ đạo; công cụ sản xuất và đối tượng lao động đều gia tăng hàm lượng khoa học và công nghệ. Đồng thời, tri thức cũng gia nhập vào tư bản (vốn) để trở thành tư bản tri thức. Nhiều nhà kinh tế học, xã hội học, tương lai

học khẳng định rằng, ở thế kỷ XXI tri thức sẽ thay thế cho sức mạnh của đồng tiền và trở thành biểu trưng của quyền lực; nước nào có đội ngũ trí thức đông đảo với năng lực chuyên môn và phẩm chất nhân cách phát triển, nước đó sẽ có vị trí xứng đáng trong thế kỷ XXI. Điều đó đòi hỏi quản lý nhà nước về giáo dục phải đặc biệt chú ý đến giáo dục đại học, giáo dục bậc cao. Cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ ba đã làm cho giáo dục đại học mang một nội dung thực sự mới mẻ với sự xuất hiện của các “vườn công nghiệp khoa học”. Vườn công nghiệp khoa học là một hệ thống lấy trường đại học làm trung tâm kết hợp với các công ty nhỏ nhưng có công nghệ mới và cao để tạo thành cơ sở cho sự hình thành một thể liên hoàn giảng dạy, nghiên cứu và sản xuất. Chính sự thống nhất cao độ, sự kết hợp chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa giáo dục, nghiên cứu và ứng dụng đã làm cho các vườn công nghiệp khoa học trở thành cái nôi của những phát kiến khoa học mới, những công nghệ cao và cùng với chúng là một đội ngũ nhân tài khoa học. Ngày nay, hàng loạt các quốc gia như Anh, Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Xingapo, đã triển khai thành công nhiều vườn công nghiệp khoa học.

Xu hướng và đặc trưng của giáo dục trong điều kiện hiện đại còn biểu hiện ở sự đa dạng, sự độc đáo của các loại hình giáo dục. Đó là giáo dục chính quy, giáo dục phi chính quy, với các hình thức “mở”, “từ xa” và các hình thức đa dạng khác.

Nắm vững xu hướng và đặc trưng, tính độc đáo của giáo dục trong điều kiện hiện đại, tạo ra một cơ chế tối ưu thúc đẩy giáo dục chính là một trong những chức năng văn hoá của quản lý nhà nước. Thông qua sự thực hiện chức năng này, quản lý nhà nước thể hiện vai trò của mình đối với giáo dục nhằm nâng cao phương diện văn hoá của phát triển.

Cùng với việc giáo dục nhân cách ở tầm vĩ mô, Nhà nước còn có vai trò to lớn và quyết định trong việc tạo ra một môi trường xã hội thuận lợi cho mỗi người dân khi thực hiện các hoạt động và các quan hệ xã hội, cũng đồng thời thể hiện được sức mạnh bản chất, nghĩa là  nhân cách văn hoá của mình.

Nói đến việc tạo ra môi trường xã hội cho các hoạt động người, thực chất là nói đến việc dân chủ hoá đời sống xã hội. Trong điều kiện hiện đại, sự phát triển nhân cách và năng lực hoạt động của con người không thể tách rời dân chủ hoá xã hội. Để thực hiện dân chủ ở nước ta hiện nay, việc hoàn thiện cơ chế thị trường theo định hướng XHCN, đổi mới hệ thống chính trị, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, đẩy mạnh giáo dục ý thức làm chủ nhằm nâng cao năng lực thực hành dân chủ cho nhân dân là những giải pháp có ý nghĩa quyết định. Quản lý nhà nước với tư cách là quản lý lấy toàn bộ xã hội làm đối tượng là một yếu tố cấu thành, một phương diện hoạt động trong hệ thống chính trị của xã hội, chính là công cụ và là phương thức qua đó người dân thực hiện quyền làm chủ của mình. Vì thế, quản lý nhà nước có vai trò to lớn trong quá trình dân chủ hoá xã hội thông qua việc thực hiện chức năng tạo dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động của con người với tư cách chủ thể của phát triển.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt vai trò và chức năng đó, bản thân quản lý nhà nước đối với các hoạt động xã hội phải được thực hiện một cách dân chủ. Điều đó có nghĩa là, trong quản lý sự phát triển xã hội, Nhà nước phải tôn trọng ý chí tối cao, tức là ý chí của nhân dân, của xã hội, ý chí được đề lên thành pháp luật hiện nay của Nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Muốn vậy, phải xây dựng và vận hành được một cấu trúc thực thi quyền lực vừa bảo đảm thực quyền của Nhà nước, vừa bảo đảm được tính dân chủ. Đồng thời, phải đào tạo được những chủ thể thực thi quyền lực có năng lực thực thi quyền lực và có tinh thần làm gương tôn trọng pháp luật; phải giáo dục mọi người dân có ý thức tôn trọng pháp luật, tạo thói quen sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đây cũng là một phương diện, một yêu cầu không thể thiếu được trong chức năng của quản lý nhà nước đối với phương diện văn hoá của sự phát triển xã hội.

Hai là, con người, sự phát triển nhân cách của họ cùng các điều kiện vật chất và tinh thần bảo đảm cho sự phát triển con người chính là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời là chỉ báo quan trọng nhất đánh dấu trình độ phát triển của xã hội, đánh dấu trình độ thể hiện phương diện văn hoá của phát triển. Cả một thời gian dài, người ta đã chỉ lấy tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và GDP tính theo đầu người làm chỉ báo phát triển xã hội. Một chỉ báo như vậy không đơn giản chỉ là sự phản ánh không chính xác sự phát triển xã hội theo quan điểm văn hoá, mà nguy hiểm hơn nó đã dẫn đến sự chạy đua kinh tế một cách thuần tuý không tính đến bất kỳ một hậu quả xã hội nào. Kết quả là, xã hội hiện đại mặc dù đã đạt được những thành tựu hết sức kỳ diệu về khoa học, công nghệ, một tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc về kinh tế, nhưng tiếc rằng, như sự cảnh tỉnh của G. Đeriđa, một triết gia hậu cấu trúc nổi tiếng, “trong lịch sử trái đất và của nhân loại chưa bao giờ bạo lực, bất bình đẳng, bài ngoại, nạn đói và từ đó, áp bức về kinh tế lại gây tác hại đến một phần nhân loại đông đảo như vậy”(3). Đó là sự trả giá cho cách thức phát triển không tính đến con người, không tính đến phương diện văn hoá.

Ngày nay, một sự phát triển đích thực nghĩa là phát triển có văn hoá phải khắc phục được những nghịch lý của sự tăng trưởng kinh tế thuần tuý; hơn thế, phải làm cho sự tăng trưởng kinh tế trở thành phương tiện hữu hiệu nhằm đạt được những mục tiêu mang ý nghĩa văn hoá mà mục tiêu cao nhất là con người. Nhận thức được điều đó, Đảng ta khẳng định, đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế của lịch sử. Xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Với CNXH, con người, người dân Việt Nam sẽ có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện(4). Những nội dung trên chính là sự cụ thể hoá mục tiêu con người trong chiến lược phát triển của Việt Nam. Đó không chỉ là khát vọng của dân tộc Việt Nam, mà còn là khát vọng phổ biến của cả nhân loại và do đó, là định hướng văn hoá để phát triển xã hội đồng thời là phát triển văn hoá. Nói cách khác, đó là định hướng nhằm văn hoá hoá phát triển. Trong quá trình văn hoá hoá sự phát triển xã hội Việt Nam, việc thực hiện cơ chế thị trường, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá là tất yếu. Nhưng để khắc phục

những khiếm khuyết của cơ chế thị trường, Đảng ta chủ trương có sự điều tiết của Nhà nước theo định hướng XHCN. Vậy là, quản lý nhà nước có vai trò và do đó, có chức năng cực kỳ quan trọng trong việc thực hiện định hướng XHCN đối với sự phát triển nhằm phát huy ưu thế và khắc phục hạn chế của cơ chế thị trường, điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng lấy con người làm mục đích cao nhất. Để điều tiết sự phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đó, trong những năm qua, quản lý nhà nước ở nước ta đã nỗ lực thực hiện các chủ trương và quan điểm lớn được xác định tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI và phát triển qua các kỳ đại hội cho đến nay. Đó là: tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách phát triển; thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động và hiệu quả kinh tế, đồng thời phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh và thông qua phúc lợi; quan tâm giải quyết việc làm để phát triển nhân tố con người trong phát triển kinh tế và lành mạnh xã hội; coi giáo dục, khoa học là quốc sách hàng đầu trong nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; thực hiện đồng bộ chính sách bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân,...

Tuy nhiên, những điều kiện vật chất và tinh thần mà con người, người dân Việt Nam đang được thụ hưởng trong phát triển vẫn chưa hoàn toàn đáp ứng được những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Việc thực hiện mục tiêu văn hoá, mục tiêu con người của phát triển vẫn còn những hạn chế nhất định, chưa được như mong muốn. Điều đó cho thấy sự cần thiết phải nâng cao hơn nữa vai trò và chức năng của quản lý nhà nước trong việc tạo ra những điều kiện tối ưu cho sự phát triển con người. Tạo ra những điều kiện tối ưu cho sự phát triển con người chính là thực chất, nội dung của quản lý nhà nước đối với sự phát triển. Nhưng trong khi thực hiện những nội dung đó, Nhà nước đồng thời thực hiện chức năng văn hoá hay là chức năng phát triển phương diện văn hoá của tổng thể tiến trình phát triển xã hội. Để thực hiện chức năng kép này, bản thân văn hoá của quản lý nhà nước phải được nâng cao đáp ứng được các yêu cầu của phát triển xã hội và của phương diện văn hoá của sự phát triển xã hội.

Văn hoá của quản lý nhà nướcchính là sự thể hiện và thực hiện những sức mạnh bản chất của con người trong hoạt động quản lý nhà nước. Trong điều kiện hiện nay ở nước ta, những sức mạnh bản chất đó biểu hiện ở năng lực và do đó, ở yêu cầu quản lý sự phát triển xã hội nhằm thực hiện các mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong những năm qua, quản lý nhà nước ở nước ta đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, hiệu lực và hiệu quả của quản lý nhà nước đã được tăng cường đáng kể. “Quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ năng động, tập trung nhiều hơn vào quản lý vĩ mô và giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng”(5). Tuy vậy, “năng lực xây dựng thể chế, quản lý, điều hành, tổ chức thực thi pháp luật còn yếu... Chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”(6).

Để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, cần đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính, làm cho cải cách hành chính đi vào thực chất, nâng cao hàm lượng văn hoá của quản lý nhà nước. Yêu cầu của cải cách hành chính là phải xây dựng được một bộ máy quản lý nhà nước đủ mạnh trên các phương diện: duy trì trật tự, động viên xã hội, đổi mới chính sách; các quyết sách phải được khoa học hoá, các quá trình tổ chức, thực thi phải mang tính chuyên nghiệp, đồng bộ và có tính nghệ thuật cao,... Cùng với điều đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng đội ngũ cán bộ công chức đảm bảo đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức để vận hành có hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước đối với sự phát triển xã hội. Thực hiện được những yêu cầu đó cũng có nghĩa là gia tăng hàm lượng văn hoá cho quản lý nhà nước

Như vậy, chính những yêu cầu gia tăng phương diện văn hoá của phát triển ở nước ta hiện nay vừa đòi hỏi gia tăng hàm lượng văn hoá của quản lý nhà nước, vừa tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự thực hiện chức năng văn hoá của Nhà nước đối với phát triển.

_________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2011

(1)Mấy vấn đề văn hoá và phát triển ở Việt Nam hiện nay, Bộ Văn hoá - Thông tin và Thể thao xuất bản, Hà Nội, 1992, tr.10.

(2),(4),(5),(6) ĐCSVN:Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.76-77, 70, 160, 171-172.

(3) G. Đeriđa: Những bóng ma của Mác, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.180.

 

PGS,TS Nguyễn Văn Phúc

Viện Triết học, Viện Khoa học xã hội Việt Nam

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền