Trang chủ    Diễn đàn    Sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19 là không thể phủ nhận
Thứ năm, 14 Tháng 10 2021 17:15
4059 Lượt xem

Sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19 là không thể phủ nhận

(LLCT) - Với quan điểm nhất quán “chống dịch như chống giặc”, “quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khoẻ của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết”,  Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã có nhiều nỗ lực bảo đảm quyền con người, quyền công dân: thực hiện các cam kết quốc tế về nội luật hóa quyền con người trong  tình trạng khẩn cấp, thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, cấp bách, sáng tạo, thiết thực, tạo sức mạnh đoàn kết, đồng thuận  để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19. Sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch COVID-19 là không thể phủ nhận; là bằng chứng phủ định, phản bác quan điểm sai trái, âm mưu đen tối của các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để chống phá sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên đội ngũ y bác sĩ tại lễ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng chống COVID-19 trên toàn quốc, ngày 10/7 - Ảnh: VGP

1. Không thể phủ nhận sự nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế về nội luật hóa quyền con người trong trong tình trạng khẩn cấp của Việt Nam

Với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, thành viên của hầu hết các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế quyền con người, đã chú trọng nội luật hóa chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp. Hiến pháp Việt Nam năm 2013 ghi nhận “Mọi người có quyền sống” (Điều 19), “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khoẻ cộng đồng” (Khoản 2 Điều 14). Nguyên tắc hiến định về hạn chế quyền trong tình trạng khẩn cấp đã được cụ thể hóa trong nhiều văn bảnpháp luật, trong đó phải kể đến Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 trong các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản có liên quan. Các văn bản này đã quy định rõ về điều kiện ban bố tình trạng khẩn cấp; các quyền con người, quyền công dân bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp và các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp trong đó có tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh. Cụ thể:

Thứ nhất, về điều kiện khẩn cấp: Điều 1 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định: “Khi trong cả nước hoặc nhiều địa phương có thảm họa lớn do... có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước và tổ chức, tính mạng, sức khỏe, tài sản của nhân dân... thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Chủ tịch nước ban bố tình trạng khẩn cấp để áp dụng các biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn, hạn chế và khắc phục hậu quả xảy ra, nhanh chóng ổn định tình hình”. Theo khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễmnăm 2007, bệnh viêm đường hô hấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19)gây ra được xác định thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A (bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh). Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch được thực hiện theo quy định của Điều 38 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 02/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định điều kiện công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với trường hợp dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người.

Thứ hai, các quyền con người, quyền công dân có thể bị hạn chế trong tình trạng khẩn cấp: Điều 6, Điều 7, Điều 8 Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định những biện pháp hạn chế một số quyền con người, quyền công dân: Cấm đi lại trong khu vực nhất định và trong thời gian nhất định; đóng cửa các khu vui chơi, giải trí, sinh hoạt công cộng, giao tiếp đông người; đình chỉ hoạt động giao thông; tạm dừng việc xuất cảnh, nhập cảnh để ngăn chặn lây lan dịch bệnh.

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiềm quy địnhmột số biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân khác trong tình trạng khẩn cấp: Cách ly y tế (Điều 43); tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch (Điểm a Khoản 1 Điều 52);...

Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23-7-2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định một số hạn chế quyền con người, quyền công dân: Tạm đình chỉ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khi cần thiết (Điểm đ Khoản 1 Điều 14).

Thứ ba, các biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp: Pháp lệnh Tình trạng khẩn cấp năm 2000 quy định những biện pháp bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp:Người bị bắt hoặc bị tạm giữ theo quy định của pháp luật phải được xử lý theo thủ tục tố tụng hình sự hoặc thủ tục xử lý vi phạm hành chính (Khoản 1 Điều 14);người bị bắt và bị xử phạt hành chính do vi phạm quy định về cấm đi lại, nếu có giấy tờ tùy thân hợp lệ thì được trả tự do ngay sau khi hết thời gian cấm đi lại; trong trường hợp người bị bắt không có giấy tờ tùy thân thì bị tạm giữ cho đến khi xác minh được về nhân thân của người đó nhưng không quá bảy mươi hai giờ (Điểm c Khoản 2 Điều 14);người bị bắt, giam, giữ trái pháp luật hoặc bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật khác của người có thẩm quyền gây ra được khôi phục danh dự, quyền lợi và được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Khoản 1 Điều 19);cơ quan đã trưng dụng phương tiện, tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân… phải trả ngay phương tiện, tài sản đó cho chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp phương tiện, tài sản bị mất mát hoặc hư hỏng thì cơ quan đã trưng dụng có trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật (Khoản 2 Điều 19).

Từ phân tích trên cho thấy, Việt Nam đã quan tâm nội luật hóa tương đối đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp, tạo cơ sở pháp lý cho việc ban hành chính sách và việc làm cần thiết, phù hợp với pháp luật quốc tế về quyền con người trong tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, vì mục tiêu trên hết là bảo đảm quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người.

Thứ tư, những nỗ lực bảo đảm quyền con người của Đảng và Nhà nước ta là minh chứng phủ định sự xuyên tạc Việt Nam vi phạm quyền con người trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19

Thực tế cho thấy, tình trạng hạn chế các quyền con người trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19đã và đang diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới (bao gồm cả Hoa Kỳ và các nước phương Tây) chịu ảnh hưởng của đại dịch. Vì quy định của pháp luật quốc tế cho phép các quốc gia có thể áp dụng các biện pháp hạn chế quyền trong trường hợp khẩn cấp do dịch bệnh vì quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn không từ một thủ đoạn nào lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu khống, xuyên tạc, kích động, chia rẽ nội bộ, âm mưu thực hiện cuộc cách mạng sắc màu, chúng rêu rao rằngChính phủ Việt Nam ban hành quy định thực hiện giãn cách xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19là vi phạm quyền con người, quyền công dân.

2. Không thể phủ nhận sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhiều biện pháp cấp bách, thiết thực bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sáng suốt, tạo sức mạnh đoàn kết, đồng thuận của toàn xã hội để bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19

Sau khi xuất hiện ca bệnh Covid-19 đầu tiên ở Việt Nam, Ban Bí thư đã ban hành Công vănsố 79-CV/TW ngày 29-01-2020, của Ban Bí thư Về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút Cô-rô-na gây ra; Bộ Chính trị đã ra Thông báo số 172-TB/TW ngày 21-3-2020 về kết luận của Bộ Chính trị về công tác phòng, chống dịch Covid-19 để định hướng chỉ đạo cuộc chiến chống Covid-19vì quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người.

Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục bùng phát lần thứ 4, gây hậu qủa nặng nề,ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền con người, quyền công dân, ngày 27-4-2021, Văn phòng Trung ương Ðảng đã ban hành Điện của Thường trực Ban Bí thư gửi Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19yêu cầu các cấp ủy đảng từ Trung ương đến địa phương tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của người dân, bảo đảm an sinh xã hội, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngày 11-6-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19và phát triển kinh tế - xã hội.Kết luận nêu rõ: Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19với tinh thần "chống dịch như chống giặc”; yêu cầu lãnh đạo các cấp quan tâm bảo đảm các quyền về kinh tế, quyền giáo dục cho mọi người, quan tâm bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương bao gồm cả công nhân, người lao động, người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã hai lần ra Lời kêu gọi toàn thể dân tộc Việt Nam đoàn kết để chiến thắng đại dịch Covid-19 (ngày 30-3-2020 và ngày 29-7-2021). Lời kêu gọi của người đứng đầu Đảng và Nhà nước trong thời khắc đất nước đứng trước tình hình khẩn cấp của đại dịch Covid-19, thể hiện sự kế thừa, vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của cha ông về phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ý chí tự lực, tự cường kết hợp với sức mạnh thời đại để chiến thắng “giặc Covid-19”. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước đối với quyền con người, quyền công dân: “Với tinh thần coi sức khoẻ và tính mạng của con người là trên hết… Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh...sự đoàn kết và phối hợp hành động toàn cầu là cơ sở bảo đảm chắc chắn cho chiến thắng cuối cùng của thế giới trước đại dịch này.Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19(1). Lời hiệu triệu đã chạm trái tim mọi người, khơi dậy tình thần yêu nước, tạo nên sức mạnh phi thường của một dân tộc anh hùng để Việt Nam chiến thắng “giặc Covid-19”.

Thứ hai, sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ thể chế hóa quan điểm chỉ đạo của Đảng, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19

Ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện ở Việt Nam, Chính phủ đã ký, ban hành nhiều văn bản để thực hiện mục tiêu kép, hiện thực hóa các quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19(2).

Chính phủ, Thủ tướng Chính đã dành nhiều thời gian, bám sát tình hình, đến các địa phương là tâm dịch để trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt công tác phòng,chống dịch trên tinh thần bảo đảm quyền được sống, quyền được chăm sóc sức khoẻ của nhân dân là quan trọng nhất, là trên hết và trước hết. Chỉ tính từ tháng 1-2020 đến tháng 1-2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 56 văn bản về phòng,chống dịch, chiếm đến 40,5% tổng số văn bản ban hành trong thời gian này(3).Chính phủ đã sáng suốt nhận định tình hình để chỉ đạoquyết liệt, kịp thời chiến lược chuyển từ phòng ngự sang chủ động tấn công, đặc biệt là nỗ lực thực hiện chiến lược vắc-xin. Chính phủ ban hành Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28-9-2020 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, đồng thời, ban hành các nghị quyết rất quan trọng, được nhân dân đánh giá cao(4).

Nhằm tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 của Quốc hội khóa XV.Nghị quyết nêu rõ: tiếp tục thực hiện theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt tính mạng, sức khỏe của nhân dân lên trên hết, trước hết, chủ động xây dựng và thực hiện phương án đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm thiết yếu, tuyệt đối không để ai thiếu đói, kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân ở mọi lúc, mọi nơi.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1399/QĐ-TTg ngày 13-8-2021 thành lập Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vắc-xin do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng; Quyết định số 1447/QĐ-TTg Ngày 30-8-2021 thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng.

Trên nhiều diễn đàn, Thủ tướng đã kêu gọi cả hệ thống chính trị, toàn thể nhân dân nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra để sớm kiểm soát tình hình, đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, tạo thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; yêu cầu quyền tiếp cận bình đẳng với tất cả các loại vắc-xin, “loại vắc-xin tốt nhất là vắc-xin được cấp phép và được tiêm sớm nhất, nhanh nhất, kịp thời nhất”.

Thứ ba, không thể phủ nhận sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19

Bộ Y tế trong thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về chăm sóc sức khỏe nhân dân đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho mọi người dân, đặc biệt là tại các cơ sở cách ly tập trung, tại các cơ sở y tế, tại các khu vực phong tỏa, giãn cách xã hội, tại các khu dân cư(5).  

Cấp ủy và chính quyền của các bộ, ban ngành ban hành các văn bản để cụ thể hóa và triển khai thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần hiện thực hóa quyền con người, quyền công dân trong tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh, chẳng hạn: Bộ Tài chính có Công văn số 14246/BTC-CST báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 14247/BTC-CST xin ý kiến các Bộ ngành về việc rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhằm gia hạn thêm 06 tháng đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm tại 21 Thông tư ban hành trong năm 2020(6); đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan  tham mưu cho Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung một số điều Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợngười dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19...

Cấp ủy và chính quyền địa phương các cấp ban hành các văn bản hướng dẫn và tổ chức thực hiện đúng thẩm quyền, bảo đảm tính sáng tạo, phù hợp với điều kiện địa phương để phòng, chống dịch và bảo đảm quyền con người, quyền công dân trên địa bàn quản lý; thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh được và hoạt động hiệu quả. Nhiều mô hình "độc", "lạ" mang lại hiệu quả và lan tỏa trong cộng đồng, được Chính phủ, ban, bộ ngành và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao: Sở Y tế thành phố Đà Nẵng là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai thành công việc xét nghiệm mẫu gộp 5, trở thành kinh nghiệm cho các địa phương khác.Hay mô hình phòng, chống dịch Covid-19 với “3 lớp” của huyện Đông Anh (Hà Nội) đã “khóa cứng” nguồn lây của dịch bệnh, song không ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. 

Tòa án nhân dân tối cao, trong thẩm quyền của cơ quan bảo vệ pháp luật, thực hiện quyền xét xử các hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30-3-2020 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao Về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19; Công văn số 109/TANDTC-PC ngày 06-8-2021 của Tòa án nhân dân tối cao Về khẩn trương xét xử các vụ án liên quan đến phòng, chống Covid-19để hướng dẫn, chỉ đạo Tòa án các cấp kịp thời xét xử nghiêm minh,không có ngoại lệ các vụ án vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quyền sống, quyền chăm sóc sức khỏe của mọi người.

Từ phân tích trên cho thấy, hiện nay cả thế giới đang căng mình đối phó với tình trạng cảnh khẩn cấp do dịch bệnh Covid-19 chưa có trong tiền lệ và phảiđối diện với nguy cơ khủng hoảng tiềm lực kinh tế, y tế do phải chống chọi với diễn biến phức tạpkhó lường với hậu quả quá nghiêm trọng của đại dịch.

Việt Nam bước vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trong bối cảnh không phải là quốc gia giàu tiềm lực, có kinh nghiệm,trình độ chuyên môny tếcao nhất nhưng chúng ta có sức mạnh từ niềm tin, sự đoàn kết của cả hệ thống chính trị, sự chung tay ủng hộ của toàn quân, toàn dân là thứ "vũ khí" mạnh mẽ của người dân Việt Nam đang sở hữu. Đặc biệt, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 được đặt dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ với quan điểm nhất quán “chống dịch như chống giặc”, mọi hành động của Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là ưu tiên trên hếtvà trước hết, do đó Việt Nam đã chiến thắng “giặc Covid-19” qua 03 đợt bùng phát và nhất định chúng ta sẽ tiếp tục kiểm soát và giành chiến thắng trong đợt bùng phát thứ tư hiện nay.

Sự nỗ lực của Đảng, Nhà nước về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong bối cảnh khẩn cấp của đại dịch Covid-19 nêu trên là không thể phủ nhận; là bằng chứng phủ định, phản bác quan quan điểm sai trái đang tìm mọi cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc để đạt mục đích đen tối là chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

__________________

(1) Cổng Thông tin điện tử Bộ Y tế: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước kêu gọi đoàn kết để chiến thắng đại dịch, https://moh.gov.vn/tin-noi-bat/-/asset_publisher/3Yst7YhbkA5j/content/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-keu-goi-oan-ket-e-chien-thang-ai-dich

(2) Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 30-1-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra; ii) Quyết định số 173/QĐ-TTg ngày 01/02/2020 về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virut Corona gây ra; iii) Quyết định số 447/QĐ-TTg ngày 01-4-2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc công bố dịch Covid-19; iv) Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về quyết liệt thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19; v) Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; vi) Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới; vii)Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-01-2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19; ...

(3) Báo Thanh niên điện tử: Hết lòng, hết sức vì đất nước, vì nhân dân, https://thanhnien.vn/thoi-su/het-long-het-suc-vi-dat-nuoc-vi-nhan-dan-1418448.html.

(4) Nghị quyết số 53/NQ-CPngày 26/5/2021thông qua chủ trương thành lập Quỹ Vắc-xin phòng chống Covid-19 và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20-7-2021về phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nêu rõ, việc mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.Sáng 12-8-2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với các nhà khoa học, các đơn vị, doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 để tiếp tục tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 ở trong nước.

(5) i) Quyết định số 344/QĐ-BYT ngày 07-02-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV)"; ii) Quyết định số 904/QĐ-BYT ngày 16/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành "Sổ tay Hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch Covid-19; cùng nhiều văn bảnkhác; iii) Chỉ thị số 06/CT-BYT ngày 28-3-2020 của Bộ Y tế về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong các cơ sở y tế; iv) Quyết định số 1551/QĐ-BYT ngày 13-4-2020 của Bộ Y tế hướng dẫn tổ chức cách ly y tế tại cơ sở khám, chữa bệnh trong phòng, chống dịch Covid-19; v) Quyết định số 3088/QĐ-BYT ngày 16-7-2020 của Bộ Y tế ban hành Bộ Tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp;vi) Quyết định số 2234/QĐ-BYT ngày 29-7-2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 tại khu chung cư; …

(6) Cổng thông tin điện tử sở Tài chính tỉnh Quảng Nam, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn giảm phí, lệ phí đối với các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19,, http://stc.quangnam.gov.vn/Default.aspx?tabid=250&Group=2&NID=613&bo-tai-chinh-de-xuat-gia-han-giam-phi-le-phi-doi-voi-cac-doi-tuong-bi-anh-huong-do-dich-covid-19.

PGS,TS NGUYỄN THỊ BÁO

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền