Trang chủ    Diễn đàn    Phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 10:25
1267 Lượt xem

Phản bác những luận điệu xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam

(LLCT) - Đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đến nay đã gây ra những hậu quả vô cùng thảm khốc ở khắp nơi trên thế giới. Bài viết tiếp cận dưới góc độ chính trị - xã hội về cuộc chiến chống đại dịch để rút ra một số vấn đề cơ bản, nhằm đập tan những luận điệu xuyên tạc, chống phá.

Ảnh: Tiêm vắc xin cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: thanhnien.vn

1. Trước tình hình phức tạp, ngay từ khi dịch bệnh xuất hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cả hệ thống chính trị đã khẩn trương vào cuộc với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tháng 1-2020, Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19 và hướng dẫn toàn dân thực hiện nghiêm một số biện pháp khẩn cấp. Với phương châm sức khỏe và tính mạng con người là trên hết, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 và Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31-3-2020 về thực hiện dãn cách toàn xã hội, đồng thời, tập trung mọi nguồn lực để hỗ trợ, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng, chống dịch. Chính phủ cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ người dân và các gói hỗ trợ giúp các doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất.

Ngày 30-3-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ với tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”(1), mỗi xã, phường, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch. Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cùng những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Chính phủ, kết hợp với sự vào cuộc của hệ thống chính trị các cấp, các lực lượng tuyến đầu như y tế, quân đội, công an... Việt Nam đã nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh, thậm chí, có những thời điểm đất nước được trở lại trạng thái bình thường trong khi nhiều quốc gia trên thế giới vẫn phải “vật lộn” với sự tàn phá của đại dịch. Chính vào những thời điểm này, chúng ta cảm nhận rõ giá trị và trân quý những ngày tháng đất nước được bình yên và càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, bản chất nhân văn, nhân đạo của chế độ XHCN ưu việt của hệ thống chính trị Việt Nam.

Vậy nhưng, một số thế lực phản động ở nước ngoài cùng một số phần tử phản động, bất mãn trong nước, không những không chung sức cùng dân tộc chống dịch mà lại “bẻ cong sự thật” bằng cách lợi dụng mạng xã hội để viết bài, tung hình ảnh, video clip phản ánh sai lệch về tình hình Covid-19 ở Việt Nam. Chúng cố tình lồng vào những nội dung phản động, xuyên tạc đường lối chỉ đạo phòng, chống dịch của nước ta; vu cáo Đảng, Chính phủ Việt Nam vi phạm nhân quyền, áp đặt, can thiệp sâu vào tự do cá nhân của người dân... Từ việc vẽ ra bức tranh ảm đạm, sai sự thật về tình hình dịch Covid-19, chúng cố tình gây tâm lý hoang mang, lo sợ, làm cho người dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước, làm suy giảm uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động cần phải được nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh.

Việt Nam đang phải đối đầu với làn sóng dịch thứ tư, bắt đầu từ ngày 27-4-2021 đến nay với những biến thể mới từ Anh và Ấn Độ - là những biến thể phức tạp, tốc độ lây nhiễm nhanh và khó chữa trị. Việt Nam đã chuyển từ thế “phòng ngự” sang “chủ động tấn công”, “kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, bảo đảm hiệu quả cao nhất” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống chính trị các cấp đã khẩn trương triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, hiệu quả, chủ động linh hoạt thực hiện Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 16 của Chính phủ; “bao chặt bên ngoài”, bên trong đề cao cảnh giác trước nguy cơ mầm bệnh và triển khai việc phát hiện sớm, truy vết nhanh, khoanh vùng gọn khi có ca mắc Covid-19; thực hiện nghiêm 5K kết hợp đẩy mạnh tiêm phòng vắcxin... Những biện pháp này thực chất là việc hiện thực hóa các nhiệm vụ trọng tâm của Đảng đã được Đại hội XIII thông qua: “Tập trung kiểm soát đại dịch Covid-19, tiêm chủng đại trà vắcxin Covid-19 cho cộng đồng; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...”(2).

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục bùng phát mạnh trên thế giới với tỷ lệ người nhiễm và tử vong tăng cao thì “Vắcxin + 5K” được xem là giải pháp căn cơ, hiệu quả, là chiến lược lâu dài thắp sáng niềm hy vọng đẩy lùi đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Để đạt được miễn dịch cộng đồng, Việt Nam cần ít nhất 150 triệu liều vắcxin, tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Vì vậy, ngày 26-5-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 779/QĐ-TTg về việc thành lập Quỹ Vắcxin phòng, chống Covid-19. Tại buổi lễ ra mắt Quỹ, Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ mục đích: “Quỹ được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắcxin, nghiên cứu, sản xuất vắcxin trong nước và sử dụng vắcxin phòng Covid-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp”, và “đây là quỹ của sự nhân ái, của tinh thần đoàn kết, của niềm tin, của trái tim kết nối trái tim để... vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên một Việt Nam chiến thắng...”(3).

Thế nhưng, chỉ vài giờ sau khi phát động, đã xuất hiện những luận điệu xuyên tạc cho rằng: Chính phủ không “lo cho dân”, Chính phủ gây “khó xử” đối với một số doanh nghiệp khi đóng góp cho Quỹ vắcxin, v.v.. Đây là sự trơ tráo và cố chấp. Sự thật là, chủ trương này của Chính phủ một lần nữa đã đi vào lòng dân, được nhân dân cả nước, các doanh nghiệp, kiều bào ta ở nước ngoài đón nhận, được cộng đồng quốc tế ủng hộ và tích cực đóng góp, cho thấy sự sáng tạo và tinh thần trách nhiệm hết lòng vì dân của Đảng, Chính phủ Việt Nam; đồng thời, thỏa mãn được sự mong mỏi, kỳ vọng của toàn dân, qua đó tạo động lực tiếp tục khơi dậy lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, trách nhiệm với dân tộc của mỗi người dân Việt Nam.

Những gì mà chúng ta đã làm và hiệu quả đạt được trong cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 một năm rưỡi qua lại một lần nữa minh chứng cho tính ưu việt, khả năng ứng biến linh hoạt, mau lẹ, hiệu quả của hệ thống chính trị Việt Nam, bản chất nhân văn, nhân đạo của chế độ XHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, nhất là vào những thời điểm đất nước gặp khó khăn, thử thách.

2. Cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19 còn cho thấy rõ sự đồng thuận giữa ý Đảng lòng dân; tinh thần đoàn kết gắn bó cộng đồng và nhiều giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam cả trong truyền thống và hiện đại được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Mỗi con người Việt Nam ở những vị trí, vai trò khác nhau đều một lòng nhất trí ủng hộ sự lãnh đạo của Đảng và chủ động, sáng tạo, tham gia tích cực vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc”.

Ở tuyến đầu chống dịch, các “chiến sĩ áo trắng” với tinh thần “thầy thuốc như mẹ hiền” bất chấp gian khó, hiểm nguy, sẵn sàng xông pha vào vùng dịch, chạy đua với thời gian để vừa hướng dẫn phòng, chống dịch, vừa cứu chữa, giành giật sự sống cho từng bệnh nhân. Họ đã tỏ rõ trách nhiệm với cộng đồng, với Tổ quốc và một niềm tin son sắt vào ngày đất nước bình yên. Ngoài biên giới, nơi biển khơi tiền tiêu của Tổ quốc, các chiến sĩ biên phòng, công an... ngày đêm căng mình không quản ngại gian nan tuần tra, ngăn chặn tình trạng nhập biên trái phép, nguy cơ cao đem theo mầm bệnh vào trong nước; đồng thời, tích cực tham gia hỗ trợ các địa phương, giúp đỡ người dân phòng, chống dịch hiệu quả; bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, giữ vững sự ổn định nơi biên giới.

Với tinh thần “tương thân tương ái”, “thương người như thể thương thân”, nhiều sáng kiến trong cộng đồng tỏa sáng và phát huy hiệu quả. Như mô hình cách ly “ba lớp”, tổ giám sát Covid-19 cộng đồng, cây ATM gạo, gian hàng không đồng, những bữa cơm miễn phí, những quyên góp nhu yếu phẩm cần thiết hỗ trợ cho tuyến đầu chống dịch, cho đồng bào vùng dịch... hay những hoạt động hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản cho nông dân vùng dịch... đã hình thành và trở thành mắt xích quan trọng trong “thế trận lòng dân”, là “cánh tay nối dài”, hỗ trợ đắc lực cùng các lực lượng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Từ cuộc chiến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam thời gian qua, một lần nữa, cho thấy rõ bản lĩnh, trí tuệ, sự đoàn kết, nhất trí giữa ý Đảng, lòng dân; lòng yêu nước, nghĩa đồng bào, tinh thần tương thân tương ái vốn là những giá trị vĩnh hằng của con người Việt Nam; đó còn là tinh thần vượt khó, ý chí vươn lên và khát vọng cháy bỏng vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Tự hào Việt Nam! Tất cả những giá trị đó được kết tinh, giữ gìn từ trong lịch sử, tiếp tục được bồi đắp, phát huy qua các thế hệ người Việt Nam và toả sáng khi đất nước gặp gian khó. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Cũng từ đây, một lần nữa, bài học “dựa vào dân, lấy dân làm gốc” càng được khẳng định để chúng ta có thể thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân vừa phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đến nay, dịch Covid-19 tuy đã có dấu hiệu được kiểm soát từng phần, song vẫn đang tiếp tục hoành hành khắp nơi trên thế giới. Thống kê đến 14h ngày 6-7-2021(giờ Việt Nam), thế giới có tổng cộng 182.585.616 ca mắc, 3.953.878 ca tử vong, số ca được điều trị khỏi là 167.186972 ca(4). Cũng như nhiều quốc gia, việc tiếp cận các nguồn vắcxin đối với Việt Nam cũng không phải dễ dàng do nguồn cung vắcxin trên thế giới đang thiếu nghiêm trọng, lại bị rào cản bởi chủ nghĩa thực dụng, “chủ nghĩa dân tộc vắcxin”... Đây thực sự là khó khăn mà Chính phủ đang nỗ lực tìm mọi cách vượt qua sớm nhất.

Trong khi đó, các thế lực phản động vẫn không ngừng xuyên tạc, lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết của một số người khi dùng mạng xã hội để đăng tải những thông tin hướng dẫn người dân cách tự chữa trị Covid-19 tại nhà bằng những phương pháp phản khoa học, kêu gọi tẩy chay hướng dẫn của Bộ Y tế về các biện pháp phòng và chống dịch, gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh và hoang mang trong dân chúng. Ngoài ra, một số kẻ lợi dụng mạng xã hội để lôi kéo, kêu gọi quyên góp với nội dung hỗ trợ kinh phí cho cá nhân hay tổ chức nào đó đang gặp khó khăn trong đại dịch, nhưng thực chất là lừa gạt, chiếm đoạt tài sản người dân. Không ít trường hợp ý thức kém nên trốn tránh khai báo y tế khi về từ vùng dịch, chống đối việc đi cách ly tập trung hay trốn khỏi khu vực cách ly, không tuân thủ quy định phòng, chống dịch v.v.. Tất cả những hành vi này đều phải bị vạch trần và trừng phạt nghiêm khắc. 

Trong đợt dịch thứ tư, mặc dù về cơ bản chúng ta vẫn kiểm soát được dịch bệnh, nhưng một số nơi, địa phương, một số cán bộ, người dân vẫn có biểu hiện chủ quan, mất cảnh giác; hoặc biểu hiện hoang mang, lo sợ, mất bình tĩnh, thiếu kiên trì và thiếu bản lĩnh dẫn đến xử lý cực đoan, không phù hợp, kém hiệu quả và gây xáo trộn trong cộng đồng, xã hội.

Trước tình hình đó, để thống nhất nhận thức trong toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, từ đó tiếp tục thực hiện hiệu quả cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển đất nước, cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, hệ thống chính trị các cấp, các địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị ngày 11-6-2021 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, nhất là 5 nhiệm vụ trọng tâm đã nêu trong Kết luận, có thể tóm tắt bao gồm: (i) toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng; (ii) tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội...; (iii) tập trung chỉ đạo, tháo gỡ những vướng mắc về mặt pháp lý, huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “Quỹ vắcxin” ... công khai chương trình, kế hoạch tiêm vắcxin cho người dân nhằm đạt miễn dịch cộng đồng...; (iv) tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh, đưa người về nước..., kiểm soát các tuyến biên giới, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép; (v) biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt, những cá nhân tiêu biểu trong phòng, chống dịch. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch...; thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Đảng trong sạch, xây dựng hệ thống chính trị các cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả, gần dân, trọng dân, hết lòng phục vụ nhân dân - đó là cơ sở vững chắc để không ngừng củng cố niềm tin, sự gắn bó, đồng thuận của nhân dân với Đảng, Nhà nước, và chế độ XHCN. Tiếp tục phát huy hiệu quả tinh thần đoàn kết dân tộc, khơi dậy mạnh mẽ và bồi đắp những giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam trong cuộc chiến phòng, chống Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội. Muốn vậy, chú trọng công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền địa phương, đội ngũ cán bộ các cấp, và người dân từ cơ sở thông qua việc tăng cường phát huy hiệu quả vai trò của công nghệ thông tin, của các phương tiện truyền thông.

Ba là, nhân rộng sáng kiến của các địa phương, doanh nghiệp, của các tổ chức, cá nhân và kịp thời khen thưởng những tấm gương sáng, những mô hình tiêu biểu có nhiều đóng góp cho cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, có chế tài xử phạt và kiên quyết xử lý kỷ luật đối với những trường hợp vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về phòng, chống dịch, hoặc lơ là trong công tác phòng, chống dịch để xảy ra hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với người đứng đầu của các cơ quan, địa phương, đơn vị, cũng như đối với cán bộ, đảng viên vi phạm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái, thù địch bằng các hình thức đa dạng. Xử lý nghiêm những đối tượng cố tình xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 và lợi dụng để chống phá sự lãnh đạo của Đảng, cố tình xuyên tạc sự thật, chống phá chế độ XHCN ở Việt Nam.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1) Tạp chí Cộng sản: Chung sức, đồng lòng để chiến thắng đại dịch Covid-19, trích Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài, https://tapchicongsan.org.vn/.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.200.

(3) Bộ Y tế: Tổng thuật lễ ra mắt Quỹ Vắcxin phòng chống Covid-19, https://moh.gov.vn/.

(4) Bộ Y tế: Trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, https://ncov.moh.gov.vn.

PGS, TS BÙI THỊ NGỌC LAN

Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền