Trang chủ    Diễn đàn    Quá trình điều chỉnh quan điểm lý luận của trào lưu dân chủ xã hội sau chiến tranh lạnh
Thứ hai, 14 Tháng 10 2013 14:15
5490 Lượt xem

Quá trình điều chỉnh quan điểm lý luận của trào lưu dân chủ xã hội sau chiến tranh lạnh

(LLCT) - Trào lưu dân chủ xã hội là một trong ba trào lưu lý luận chính trị - xã hội đương đại chủ yếu, có quá trình lịch sử lâu đời với nhiều giai đoạn tồn tại và phát triển phức tạp; trong mỗi giai đoạn lại có những thay đổi nhất định về quan điểm lý luận và đường lối, chính sách thực tiễn. Sau những biến động của Đông Âu và Liên Xô cuối thế kỷ XX, trào lưu dân chủ xã hội cũng lâm vào khủng hoảng về lý luận và thực tiễn, nhiều đảng dân chủ xã hội đang cầm quyền ở một số nước lần lượt bị mất chính quyền và rơi vào vị trí đảng đối lập. Trong khi đó, xu thế toàn cầu hóa phát triển mạnh mẽ và tác động sâu sắc đến các quốc gia; chủ nghĩa tự do mới nổi lên chiếm ưu thế ở hầu hết các nước tư bản phát triển..., đã ảnh hưởng lớn đến các đảng dân chủ xã hội. Trước bối cảnh đó, trào lưu dân chủ xã hội buộc phải điều chỉnh quan điểm lý luận, cũng như chiến lược, chính sách của mình để có thể giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử.

Những điều chỉnh của trào lưu dân chủ xã hội được biểu hiện quan những nội dung cơ bản sau:

1. Định vị lại tính chất, mục tiêu của dân chủ xã hội

“Chủ nghĩa dân chủ xã hội” trong lịch sử là khái niệm từng đồng nghĩa với CNXH khoa học. Trước Chiến tranh thế giới thứ nhất, những người theo chủ nghĩa xét lại của Quốc tế II bắt đầu sử dụng khái niệm “CNXH dân chủ”. Khái niệm này nhấn mạnh sự phản đối cách mạng bạo lực, chủ trương dùng biện pháp “dân chủ” để thực hiện CNXH. Trong thời gian Chiến tranh thế giới thứ hai, đảng dân chủ xã hội các nước sử dụng rộng rãi khái niệm “CNXH dân chủ” nhằm nhấn mạnh sự hoàn toàn đối lập với mô hình CNXH hiện thực của Liên Xô. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, sự đối lập đó càng gay gắt hơn. Vì thế, vào năm 1951, Quốc tế xã hội (Socialist International - SI) đã chính thức sử dụng khái niệm “CNXH dân chủ” để biểu đạt mục tiêu có tính cương lĩnh của mình.

Sau biến động ở Liên Xô - Đông Âu, trong một số đảng dân chủ xã hội đã phát sinh tranh luận có nên tiếp tục sử dụng khái niệm “CNXH dân chủ” để trình bày lý luận và chính sách của mình nữa hay không, hay là dùng khái niệm “chủ nghĩa dân chủ xã hội” để thay thế. Các bên tranh luận không có sự khác biệt về nguyên tắc, nhưng bản thân cuộc tranh luận về khái niệm đã phản ánh có sự thay đổi mang tính bản chất nào đó. Một số người, đứng đầu là Thomas Meyer (nhà lý luận về dân chủ xã hội, Phó Trưởng ban Giá trị cơ bản của Đảng Dân chủxã hội Đức), cho rằng: "CNXH dân chủ" từng là khái niệm chủ đạo của đảng dân chủ xã hội, ở những năm cuối của thế kỷ XX đã không còn phản ánh đúng ý tưởng mục tiêu cương lĩnh của bản thân nó nữa. Vì thế, họ chủ trương dùng khái niệm “chủ nghĩa dân chủ xã hội” để thay thế cho khái niệm “CNXH dân chủ”. Không chỉ có thế, từ thập kỷ 90 đến nay, hầu như tất cả các đảng cộng sản ở các nước Đông Âu đều đổi tên thành “đảng xã hội” hoặc “đảng dân chủ xã hội”. Điều đó khiến cho các đảng dân chủ xã hội ở Tây Âu cảm thấy khó xử, vì họ e ngại các thế lực cánh hữu sẽ tạo ra mối liên hệ giữa quan niệm “CNXH” của họ với quan niệm “CNXH” ở Đông Âu, trong khi tương lai của các nước Đông Âu vẫn chưa rõ ràng. Cùng với đó, đại đa số các đảng cộng sản ở các nước Tây Âu cũng thay đổi tôn chỉ, tuyên bố đoạn tuyệt với mô hình Liên Xô, thậm chí chia tay với chủ nghĩa Lênin. Trong số đó, ngoài những tổ chức bị tan rã, bị giải tán, một bộ phận đổi tên, nhanh chóng trượt sang hữu, một bộ phận khác tuy vẫn giữ tên cũ (như Đảng Cộng sản Pháp), nhưng trong cương lĩnh và chính sách đã phải xã hội hóa dân chủ thêm một bước để thích ứng với tình hình mới. Khoảng cách giữa cương lĩnh, chính sách của họ với CNXH dân chủ truyền thống ngày càng thu hẹp.

Thực tế đó đã thúc đẩy các đảng dân chủ xã hội phải xem xét lại việc xác định địa vị chính trị của mình. Do vậy, tần số sử dụng khái niệm “CNXH dân chủ” ngày càng thấp. Đa số thường thích sử dụng khái niệm "chủ nghĩa dân chủ xã hội". Tháng 9-1992, Đại hội lần thứ XIX của Quốc tế xã hội họp ở Berlin đã đưa ra luận đề chủ yếu là “Chủ nghĩa dân chủ xã hội trong thế giới đang thay đổi”. Tuyên bố và một số bài phát biểu quan trọng trong Đại hội đều thay nhau sử dụng hai từ “chủ nghĩa dân chủ xã hội” và “CNXH dân chủ” ở các mức độ khác nhau. Theo những người dân chủ xã hội, “Chủ nghĩa dân chủ xã hội” mà họ muốn nói đến ở đây là “chủ nghĩa dân chủ của xã hội”, chủ thể của nó đã trở thành “chủ nghĩa dân chủ”. Điều này chứng tỏ, đảng dân chủ xã hội cần trao cho chế độ dân chủ hiện nay nội dung “xã hội”, chứ không còn mong muốn dùng CNXH với tư cách là chế độ để thay thế CNTB nữa. Nêu ra kiến nghị này không chỉ để tránh “ảnh hưởng tiêu cực” của từ CNXH, mà chủ yếu là chứng tỏ, các đảng dân chủ xã hội đã thay đổi sự lý giải về CNXH, hoàn toàn từ bỏ mục tiêu CNXH.

2. Tiến hành điều chỉnh đường lối, chính sách theo lý luận “con đường thứ ba” mới

"Con đường thứ ba" (the third way) không phải là một khái niệm mới, những hình thái của nó đã từng xuất hiện trong lịch sử, giữa hai cuộc chiến tranh thế giới. Nhưng thông thường, khái niệm này được sử dụng là để chỉ bộ phận lý luận quan trọng nhất và những thể hiện bên ngoài của CNXH dân chủ hiện đại. Đại hội thành lập Quốc tế xã hội năm 1951 ở Frankfurt đã thông qua cương lĩnh "Mục tiêu và nhiệm vụ của CNXH dân chủ", trong đó nhấn mạnh mục tiêu của CNXH dân chủ là đi theo “con đường thứ ba”, khác với CNTB và với cả CNXH. Mô hình con đường thứ ba này có 3 điểm chính: hệ thống chính trị TBCN, do đảng dân chủ xã hội cầm quyền; hệ thống kinh tế thị trường TBCN có sự điều tiết của nhà nước; hệ thống an sinh xã hội được bảo đảm bởi một hệ thống chính sách bảo trợ xã hội rộng lớn. Do đó, mô hình này còn được gọi chung là mô hình “nhà nước phúc lợi” (the welfare state).

Những năm cuối thế kỷ XX, trước những thay đổi của tình hình thế giới và trong nội bộ mỗi nước, mỗi đảng, lãnh đạo các đảng dân chủ xã hội ở Tây Âu và cả Đảng Dân chủ Mỹ (đại diện là Bill Clinton) đã đề xướng con đường thứ ba mới. Khái niệm con đường thứ ba này đã động chạm đến một loạt vấn đề lý luận và thực tiễn trọng đại liên quan đến sự phát triển xã hội đương đại, đến việc đổi mới những khái niệm và phương thức tư duy truyền thống của trào lưu dân chủ xã hội. Nó phản ánh sự tìm tòi lý luận nhằm đạt được sự thích ứng với những đổi thay thời đại của các nhà lãnh đạo chính trị thế hệ sau chiến tranh lạnh ở các nước tư bản phát triển hiện nay, từ đó đã mở ra thời kỳ mới - thời kỳ “giải phóng lý luận” của trào lưu dân chủ xã hội châu Âu. Nó không nhằm vào ranh giới giữa cách mạng xã hội với cải lương xã hội, cũng không nhằm vào sự xung đột và đối kháng giữa hai hệ tư tưởng và chế độ chính trị CNXH và CNTB, mà nhằm vào ý thức chính trị và mô thức vận hành chính trị tả - hữu truyền thống trong nội bộ xã hội tư bản. Nó muốn tìm kiếm "một con đường trung gian giữa chủ nghĩa tự do mới (Neo-liberalism) và CNXH phúc lợi đang ngày càng suy tàn". Dưới khẩu hiệu “vượt qua tả và hữu", các đảng dân chủ xã hội định đồng thời sửa chữa những khiếm khuyết của mô thức chủ nghĩa can thiệp nhà nước của cánh tả truyền thống và mô thức thị trường tự do của chủ nghĩa tự do mới, kết hợp các mặt tích cực của chúng lại; trên cơ sở kiên trì quan niệm giá trị cơ bản của tư tưởng dân chủ xã hội truyền thống, tiếp thu những thành phần tích cực của nguyên tắc thị trường của chủ nghĩa tự do mới vừa nhằm phát triển kinh tế, vừa duy trì sự đoàn kết và ổn định của xã hội.  

Tuyên bố chung "Châu Âu: con đường thứ ba - trung dung mới" của Tony Blair và Gerdhard Schroeder công bố tháng 9-1999 đã nhấn mạnh: "Đồng thời với việc giữ lại quan niệm giá trị truyền thống, lý luận dân chủ xã hội bắt đầu dùng phương thức làm cho người ta phải tin phục để đổi mới chủ trương của mình khiến cho cương lĩnh hiện đại hóa... Nó không chỉ chủ trương công bằng xã hội, mà còn ủng hộ kiến lập nền kinh tế có sức sống, phát huy sáng tạo và năng lực làm ra cái mới". Tuy nhiên, không có một mô hình chung nào về con đường thứ ba, mà chỉ có những đường nét cơ bản của nó được xác định. Đó là: cải cách nhà nước, biến nó thành một nhà nước xã hội với nghĩa mới và tăng cường ảnh hưởng của xã hội công dân; đề xuất các hình thức kiểm soát mới của xã hội, gắn quyền với trách nhiệm; khôi phục lại các khái niệm phúc lợi xã hội và bình đẳng xã hội, xem xét lại quan điểm trợ giúp của xã hội; kết hợp chủ nghĩa cá nhân với chủ nghĩa cộng đồng; đảm bảo phát triển vững chắc và an toàn về môi sinh; tạo điều kiện để phát huy tiềm năng con người, thừa nhận tầm quan trọng của tư bản con người và tư bản xã hội v.v..(1). Mỗi một hạng mục đổi mới hoặc cải cách của trào lưu dân chủ xã hội đều sẽ tiến hành trong bối cảnh của con đường thứ ba, hoặc lấy nó làm hệ tham chiếu. Do vậy, xuất hiện nhiều mô hình về cái gọi là con đường thứ ba ở các nước. "Các mô hình này ở mức độ rất lớn chịu ảnh hưởng của các vấn đề khác nhau, cơ chế, chế độ khác nhau và chính trị văn hoá khác nhau mà các nước gặp phải, vì thế chỉ đạo thuyết dân chủ xã hội đi tới thế kỷ sau không phải là duy nhất một loại con đường thứ ba"(2). Người ta thường nói đến 5 mô hình (hoặc 5 con đường) tiêu biểu của con đường thứ ba mới. Đó là: con đường dựa vào thị trường của Công đảng Anh; con đường dựa vào thị trường và đồng thuận xã hội của Công đảng Hà Lan (mô hình Polder); con đường dựa vào nhà nước của Đảng Xã hội Pháp; con đường của nhà nước phúc lợi - cải cách của các quốc gia khu vực Scandinavia và con đường trung dung mới của Đảng Dân chủ xã hội Đức. Việc đặt tên cho các mô hình này chỉ mang ý nghĩa tương đối, chủ yếu nhấn mạnh vào khía cạnh tiêu biểu của mô hình chứ không có nghĩa một mô hình chỉ sử dụng một giải pháp nhất định nào đó. 

Tựu trung, những định hướng lớn của con đường thứ ba mới có thể được khái quát ở một số nội dung sau: 1) Thay đổi triết lý chính trị và hệ tư tưởng, mà đại đa số quần chúng thuộc các giai tầng xã hội đều thừa nhận và mục tiêu đó phải có tính hiện thực; kêu gọi thực hiện cải cách nền chính trị của các đảng dân chủ xã hội, xây dựng trung tâm chính trị mới để có thể đoàn kết được các lực lượng chính trị, các tổ chức xã hội. Đây có thể được coi là nền tảng triết học chính trị của con đường thứ ba mới(3). 2) Về mặt cương lĩnh chính trị, tuy khôi phục lại các giá trị truyền thống như tự do, bình đẳng, đoàn kết, nhưng lại nhấn mạnh “dân chủ hoá”, “đa nguyên hoá chính trị”, làm nổi bật “tự do”, “nhân quyền”; tuyên bố “tôn trọng nhân quyền là tiêu chuẩn quan trọng để đo hành vi xã hội”, coi vấn đề nhân quyền là nguyên tắc quan trọng cho quan hệ đối ngoại. 3) Về mặt cương lĩnh kinh tế, thay đổi khuynh hướng trọng phân phối, coi nhẹ sản xuất, trọng công bằng xã hội, coi nhẹ lợi ích kinh tế của CNXH dân chủ truyền thống. Con đường thứ ba mới chủ trương “kinh tế hỗn hợp kiểu mới”, trong đó nhấn mạnh: không phải là chế độ sở hữu mà là “cạnh tranh và quy tắc”, nhấn mạnh cơ chế thị trường và cơ chế cạnh tranh là không thể thiếu đối với việc phát triển kinh tế, vai trò của chính phủ cần phải giới hạn ở việc điều chỉnh những sai lệch của thị trường, xây dựng cơ chế thuế công bằng và giúp đỡ xây dựng cơ sở hạ tầng; về mặt chính sách phúc lợi, không nhấn mạnh đến chi tiêu phúc lợi xã hội, mà là giảm chi tiêu phúc lợi, không tăng đầu tư cho công trình công cộng và trợ cấp phúc lợi, mà tăng đầu tư mang tính sản xuất cho kinh tế và xã hội; không nhấn mạnh “việc làm đầy đủ” mà nhấn mạnh thông qua đào tạo nâng cao tố chất con người, tăng cường cơ hội việc làm và giảm thiểu giờ làm để giảm vấn đề thất nghiệp. Mục tiêu là cải tạo nhà nước phúc lợi truyền thống thành “nhà nước đầu tư xã hội”. 4) Về mặt hành vi cầm quyền, xây dựng tổ chức và hợp tác quốc tế, nhấn mạnh xây dựng phong cách quản lý công khai, rõ ràng, thực hiện nới lỏng quyền lực hoặc địa phương tự trị để chính phủ tiếp cận dân chúng, tăng cường tín nhiệm của dân chúng và tăng cường sức sống của xã hội công dân. Thực hiện phân quyền hóa tổ chức của đảng, địa phương hóa và phân tán hóa chức năng của chính phủ để giành thế chủ động về chính trị. Song song với việc tăng cường sức mạnh, mở rộng ảnh h­ưởng ở trong nước, họ còn liên hệ giao lưu hợp tác ở phạm vi quốc tế, không ngừng tổ chức hội nghị song phương, đa phương, mở rộng phạm vi ra thế giới, mong muốn xác lập địa vị của mình trong bố cục chính trị quốc tế mới(4).

3. Tìm kiếm chiến lược tổng thể cho thế kỷ mới

Năm 2003, Quốc tế xã hội tổ chức Đại hội lần thứ XXII tại Sao Paulo (Brazil), đã tổng kết những thành quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm của nhiều đảng, định hướng điều chỉnh lý luận, chính sách và những nhận thức về chiến lược trong thế kỷ mới, thể hiện ở các mặt sau đây:

Một là, định hướng điều chỉnh lý luận, chính sách và chiến lược. Sau chiến tranh lạnh, nhiều kỳ đại hội của Quốc tế xã hội đều chỉ nhắc lại một cách chung chung về quan niệm giá trị truyền thống của mình, đến Đại hội lần thứ XXI (Pari, 1999) lấy “đổi mới” làm quan điểm cơ bản, nhấn mạnh phải tiến hành đổi mới quan niệm, dẫn đến sự nổi lên của lý luận con đường thứ ba. Đại hội lần thứ XXII lấy việc “hồi quy chính trị; đề xướng quản lý toàn cầu công bằng, có trách nhiệm và toàn cầu hoá do nhân dân nắm”(5) làm chủ đề, tiến hành công kích mãnh liệt vào toàn cầu hoá do Mỹ chủ đạo. Việc nhấn mạnh “hồi quy chính trị” hoàn toàn trái ngược với việc nhấn mạnh “đổi mới” mà Đại hội lần thứ XXI đưa ra.

Hai là, đột phá vào khuôn khổ cũ trong tư tưởng chỉ đạo điều chỉnh chiến lược vốn có. Trong mấy kỳ đại hội trước, Quốc tế xã hội đều coi chủ nghĩa bảo thủ mới và chủ nghĩa tự do mới là đối thủ chiến lược chính của mình. Đại hội lần thứ XXII đã xác định nhiệm vụ là bên cạnh việc chống chủ nghĩa bảo thủ mới, chủ nghĩa tự do mới, cần phải đối phó với những thách thức của toàn cầu hoá, coi đó là những đối thủ chiến lược chủ yếu của mình. 

Ba là, mở rộng tầm nhìn chiến lược. Sau chiến tranh lạnh, Quốc tế xã hội chủ yếu quan tâm chú ý tới sự ảnh hưởng của toàn cầu hoá đối với các nước và đảng dân chủ xã hội. Đại hội XXII lấy việc thực hiện sự quản lý toàn cầu hoá của nhân dân, tức “quản lý toàn cầu” một cách công bằng và có trách nhiệm làm chủ đề. Tư tưởng quản lý toàn cầu một cách dân chủ bao gồm hai phương diện: 1) Nội dung quản lý: bao hàm các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, môi trường... của thế giới, mục tiêu là thông qua việc tăng cường quản lý dân chủ trong các lĩnh vực, “thiết lập một trật tự thế giới mới lấy chủ nghĩa đa phương, dân chủ, tôn trọng nhân quyền và phát triển bền vững làm nội dung chủ yếu”. 2) Cơ chế quản lý: lấy Liên hợp quốc đã được đổi mới, hiện đại hoá làm chỗ dựa, thông qua việc hoàn thiện và tăng cường hơn nữa các cơ chế liên quan đến việc giải quyết các xung đột quốc tế, cơ chế thương mại tự do công bằng, cơ chế phát triển bền vững, cơ chế quyết sách và quản lý chính phủ; nhân dân, chính đảng, nghị viện, tổ chức phi chính phủ của các nước tham gia rộng rãi vào thực hiện quản lý toàn cầu một cách dân chủ. Điều đó thể hiện bước tiến về lý luận của trào lưu dân chủ xã hội trong tình hình hiện nay, đáp ứng được một số yêu cầu của việc cải thiện dân sinh, dân chủ, toàn cầu hoá.

Bốn là, làm phong phú và phát triển thêm hệ thống lý luận của chủ nghĩa dân chủ xã hội trong tình hình mới. Đại hội XXII trước hết trình bày lại các quan niệm giá trị cơ bản của mình (bình đẳng, tự do, đoàn kết và hoà bình), nâng các giá trị bình đẳng và hoà bình lên thành nội dung chủ yếu. Trên cơ sở đó, trình bày toàn diện các nguyên tắc mới của chủ nghĩa dân chủ xã hội, cũng như những quan niệm: hoà bình mới, an ninh mới, phát triển mới và tư tưởng mới về quản lý toàn cầu. Trong ba nguyên tắc mới của chủ nghĩa dân chủ xã hội mà Đại hội đề ra (phát triển có thể duy trì lâu dài, nhân quyền và dân chủ), mỗi một nguyên tắc lại bao hàm ba nội dung chính. Cụ thể là, phát triển có thể duy trì lâu dài bao gồm: một môi trường phát triển lành mạnh, kinh tế tăng trưởng và công bằng xã hội; nhân quyền bao gồm: chỉnh hợp xã hội, văn hoá và an toàn của cá nhân; dân chủ bao gồm: quản lý tốt, trong sáng và nhân dân tham gia(6). Đây được coi là bước phát triển quan trọng của chủ nghĩa dân chủ xã hội, có ảnh hưởng lớn đến việc định ra chiến lược mới của Quốc tế xã hội trong thế kỷ XXI.

Trong bối cảnh chuyển biến phức tạp của thế giới, đặc biệt là sự tan rã của hệ thống XHCN và với đặc tính dễ thích nghi với tình hình, các đảng dân chủ xã hội ở Tây Âu đã có những điều chỉnh nhằm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng cả về tư tưởng, lý luận, đường lối, tổ chức... Các đảng dân chủ xã hội ở khu vực Bắc Âu trên thực tế vẫn là một lực lượng có nhiều sáng kiến đóng góp cho cộng đồng thế giới, đặc biệt là về xã hội và dân chủ, là những vấn đề có tính chất toàn cầu, là nguyện vọng cháy bỏng của đông đảo những người lao động trên thế giới. Mục tiêu phấn đấu của trào lưu dân chủ xã hội đã đáp ứng một phần yêu cầu bức thiết của nhiều tầng lớp lao động và trên thực tế trào lưu này cũng đã đạt được những kết quả nhất định, nhất là trong việc đấu tranh cho quyền lợi của người lao động ở nước mình và trên phạm vi khu vực, quốc tế. Tuy nhiên, cần thấy rằng CNXH dân chủ chưa bao giờ tồn tại với tư cách là một chế độ xã hội độc lập, là một hình thái kinh tế - xã hội hoàn chỉnh. Những vấn đề về chính trị được nêu trong các văn kiện của Quốc tế Xã hội còn nhiều hạn chế, một số điểm được viết theo quan điểm tư sản của những người dân chủ xã hội. Họ phê phán chế độ một đảng chính trị lãnh đạo, trong khi lại không hiểu thực chất của vấn đề, cho nên đã vội vàng quy chụp một cách thiếu cân nhắc và có phần ngộ nhận... Do các quan điểm lý luận chính trị có những hạn chế không thể khắc phục, nên các đảng dân chủ xã hội khó có thể thực hiện triệt để những chủ trương, chính sách kinh tế, xã hội và văn hóa đáp ứng lợi ích căn bản của giai cấp công nhân và các tầng lớp lao động xã hội. Họ vẫn không thể vượt qua được bản chất vốn có của mình, nhất là quan điểm cứng rắn của các lực lượng cực hữu trong hàng ngũ của chính họ, được thể hiện rõ nét trong chính sách từng bước thoả hiệp với tư tưởng tự do mới của giai cấp tư sản.

________________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10 -2011

(1)  V.G. Phêđôtôva: Con đường thứ ba, Tài liệu tham khảo nội bộ "Về con đường thứ ba", Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr.40.

(2) Vương Học Đông - Tào Quân: Con đường thứ ba với việc chuyển đổi loại hình của trường phái dân chủ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), số 3-2002, trang 16-17.

(3) Thường Hân Hân: Sự giống nhau và khác nhau trong so sánh "Con đường thứ ba" với chủ nghĩa xã hội dân chủ truyền thống,Tài liệu tham khảo nội bộ "Về con đường thứ ba", Viện Thông tin khoa học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội, 2004, tr.27.

(4) Tào Trường Thịnh:Con đường thứ ba hiện đại hóa chủ nghĩa dân chủ xã hội, Tạp chí Nghiên cứu chủ nghĩa xã hội(Trung Quốc), số 7-2000.

(5),(6) Khương Lâm: Từ Đại hội lần thứ XXII Quốc tế xã hội để xem xét sự điều chỉnh chiến lược trong thế kỷ mới, Tạp chí Thế giới đương đại với chủ nghĩa xã hội (Trung Quốc), số 3-2004.

 

TS Mai Hoài Anh

  Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền