Trang chủ    Diễn đàn    Việt Nam thực hiện pháp luật quốc tế về quyền chính trị của công dân
Thứ hai, 25 Tháng 10 2021 11:37
3564 Lượt xem

Việt Nam thực hiện pháp luật quốc tế về quyền chính trị của công dân

(LLCT) - Quyền chính trị là một trong những lĩnh vực quyền con người quan trọng được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia ghi nhận, bảo vệ. Thực hiện tốt quyền chính trị của công dân là góp phần bảo vệ quyền con người, thúc đẩy quản trị dân chủ, đấu tranh chống lại các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Bài viết trình bày khái lược nội dung chính của pháp luật quốc tế về những quyền chính trị cơ bản của công dân và làm rõ những nỗ lực của Việt Nam trong việc bảo đảm thực hiện những quyền này kể từ khi gia nhập Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966.

Ảnh: Cử tri đi bỏ phiếu, thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân. Nguồn:dangcongsan.vn

1. Quyền chính trị của công dân

Quyền chính trị của công dân là một trong những quyền con người cơ bản. Quyền con người bao gồm quyền cá nhân (các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa) cũng như quyền tập thể - quyền của các nhóm xã hội như trẻ em, phụ nữ, các nhóm thiểu số (về dân tộc, tôn giáo, ngôn ngữ...) và quyền của mỗi dân tộc (quyền dân tộc tự quyết, quyền đối với tài nguyên thiên nhiên, quyền phát triển...).

Có thể phân loại quyền con người theo nhiều cách: theo lĩnh vực của đời sống xã hội (quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa); theo nhóm đối tượng (phụ nữ, trẻ em, người tàn tật, người nhập cư, các nhóm thiểu số...); theo thế hệ quyền (quyền con người thế hệ thứ nhất là các quyền và tự do cá nhân mang tính cơ bản, thiết yếu trong lĩnh vực dân sự, chính trị; quyền con người thế hệ thứ hai là các quyền cá nhân trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa; quyền con người thế hệ thứ ba nhấn mạnh các quyền tập thể(1)). Tuy nhiên, bàn về quyền con người nói chung, từ cách tiếp cận phổ biến hiện nay, quyền con người gồm hai nhóm quyền lớn: nhóm các quyền dân sự - chính trị và nhóm các quyền kinh tế - xã hội - văn hóa; trong đó, quyền chính trị của công dân được xác định là một lĩnh vực quyền cơ bản. Những quyền chính trị nổi bật của công dân bao gồm: quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, quyền tham gia chính trị.

2. Pháp luật quốc tế về quyền chính trị của công dân

a. Các văn kiện quốc tế cơ bản về quyền chính trị của công dân

Là một trong những lĩnh vực quyền con người cơ bản, quyền chính trị của công dân được ghi nhận trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng, trước hết là Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền (Universal Declaration of Human Rights, viết tắt là UDHR) do Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948. Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền khẳng định quyền con người là bất di bất dịch và không thể bị xâm phạm, bảo vệ quyền con người là “nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”(2); xác định khá toàn diện nguồn gốc và các lĩnh vực của quyền con người, các nguyên tắc bảo đảm quyền con người. Tuyên ngôn có ý nghĩa pháp lý quan trọng, là tiền đề cho việc pháp điển hóa các quyền con người trong luật quốc tế.

Đặc biệt, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (International Convenant on Civil and Political Rights, viết tắt là ICCPR), được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua cùng với Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (International Convenant on Economic, Social and Cultural Rights, viết tắt là ICESCR) theo Nghị quyết số 2200A (XXI) ngày 16-12-1966 là một trong những điều ước quốc tế quan trọng nhất về quyền con người, quy định trực tiếp các quyền chính trị.

b. Nội dung quyền chính trị của công dân trong pháp luật quốc tế

Quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và tự do thông tin:

Tuyên ngôn toàn thế giới về nhân quyền năm 1948 nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào, và không có giới hạn về biên giới”(3). Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 (ICCPR) cũng khẳng định: “1. Mọi người đều có quyền giữ quan điểm của mình mà không bị ai can thiệp. 2. Mọi người có quyền tự do biểu đạt. Quyền này bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt thông tin, ý tưởng, không phân biệt lĩnh vực, hình thức tuyên truyền bằng miệng, bằng bản viết, in, hoặc dưới hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất kỳ phương tiện thông tin đại chúng nào tùy theo sự lựa chọn của họ”(4).

Tuy nhiên, tự do biểu đạt không phải quyền tuyệt đối. Khoản 3 Điều 19 ICCPR nêu rõ: “việc thực hiện quyền tự do biểu đạt có thể phải chịu một số hạn chế nhất định và những hạn chế này cần được quy định bởi pháp luật nhằm: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác; b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”(5). Trong thực tế, nhiều chính quyền thường lạm dụng việc giới hạn các quyền tự do biểu đạt và tự do thông tin. Để hạn chế sự lạm dụng tùy tiện như vậy, Liên hợp quốc và các tổ chức bảo vệ nhân quyền đã đưa ra một số nguyên tắc để làm rõ sự giới hạn đó. Chẳng hạn, “an ninh quốc gia” chỉ được viện dẫn để giới hạn một số quyền “khi chúng được thực hiện để bảo vệ sự tồn tại của quốc gia hay toàn vẹn lãnh thổ của nó hoặc độc lập chính trị chống lại việc sử dụng vũ lực hoặc đe dọa vũ lực” (Đoạn 29, Các nguyên tắc Siracusa về Giới hạn và đình chỉ các điều khoản trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1984).

Mặc dù ICCPR không đưa ra một sự cắt nghĩa cụ thể về tự do thông tin, nhưng khái niệm này thường được hiểu bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận, tiếp cận, chia sẻ, trao đổi và phổ biến thông tin. Trong thực tế, những nội dung của tự do thông tin cũng chính là những thành tố của tự do biểu đạt. Khoản 2 Điều 19 ICCPR xác định quyền tự do biểu đạt bao gồm tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền đạt mọi thông tin và ý tưởng.

Bình luận chung số 34 (2011) của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc (HRC) đặc biệt lưu ý đến quyền tiếp cận các thông tin nắm giữ bởi các cơ quan nhà nước. Điều 19 không đề cập đến thuật ngữ “tiếp cận thông tin”, HRC giải thích rằng, quyền này đã được bao hàm trong khoản 2 Điều 19; theo đó, mọi người có quyền tiếp cận thông tin mà các cơ quan công quyền nắm giữ, bao gồm các dạng hồ sơ bất kể hình thức lưu trữ, nguồn tin và ngày xác lập. Quyền tiếp cận thông tin gồm quyền của truyền thông được tiếp cận thông tin về các vấn đề công, quyền của công chúng được tiếp nhận sản phẩm truyền thông, quyền của cá nhân biết được các cơ quan công quyền, cá nhân hay tổ chức nào kiểm soát dữ liệu cá nhân của mình (đoạn 18). Như vậy, theo luật nhân quyền quốc tế, tự do biểu đạt bao gồm cả tự do ngôn luận, tự do thông tin, thông qua tự do báo chí, tự do xuất bản, tự do internet, tự do triển lãm, biểu diễn nghệ thuật... Tự do biểu đạt được thể hiện trong bất kỳ lĩnh vực nào của đời sống xã hội(6).

Quyền tự do hội họp và lập hội:

Quyền tự do hội họp và lập hội được ghi nhận tại Điều 20 Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948: “1. Mọi người đều có quyền tự do hội họp và tham gia hiệp hội một cách hòa bình. 2. Không ai bị ép buộc phải tham gia vào bất cứ hiệp hội nào”.

Điều 21 ICCPR cũng khẳng định: “Quyền hội họp hòa bình phải được công nhận”, nhưng cũng lưu ý tự do hội họp không phải là một quyền tuyệt đối. Quyền hội họp có thể bị giới hạn bởi bốn lý do: vì lợi ích an ninh quốc gia; an toàn và trật tự công cộng; bảo vệ sức khỏe và đạo đức xã hội; bảo vệ quyền và tự do của người khác.

Điều 22 ICCPR quy định rõ quyền tự do lập hội bao gồm quyền thành lập các hội mới; quyền gia nhập các hội đã có sẵn và quyền hoạt động, điều hành các hội, kể cả việc tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí. Việc thực hiện quyền lập hội không bị hạn chế, trừ trường hợp do pháp luật quy định.

Quyền tham gia chính trị:

Quyền tham gia vào đời sống chính trị lần đầu tiên được ghi nhận tại Điều 21 UDHR 1948, theo đó: (a) Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn; (b) Mọi người đều có quyền được tiếp cận các dịch vụ công cộng ở nước mình một cách bình đẳng; (c) Ý chí của nhân dân phải là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền; ý chí đó phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực, được tổ chức theo nguyên tắc phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, hoặc bằng những thủ tục bầu cử tự do tương tự.

Điều 25 ICCPR năm 1966 quy định các quyền tham gia chính trị, theo đó các chủ thể được hưởng những quyền này chỉ giới hạn ở các công dân. Điểm này không giống hầu hết các quyền khác trong ICCPR thuộc về tất cả mọi người. Điều 25 ICCPR nêu rõ: “Mọi công dân, không có bất kỳ sự phân biệt nào và không có bất kỳ sự hạn chế bất hợp lý nào, đều có quyền và cơ hội để: a) Tham gia điều hành các công việc xã hội một cách trực tiếp hoặc thông qua những đại diện do họ tự do lựa chọn; b) Bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử định kỳ chân thực, bằng phổ thông đầu phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín, nhằm bảo đảm cho cử tri được tự do bày tỏ ý nguyện của mình; c) Được tham gia các chức vụ công ở đất nước mình trên cơ sở bình đẳng”.

Theo giải thích của HRC trong Bình luận chung số 25 (năm 1996), quyền tham gia điều hành các công việc xã hội nêu tại Điều 25 (a) ICCPR là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả các khía cạnh của quản lý hành chính và việc xây dựng, thực hiện chính sách ở cấp độ quốc tế, quốc gia, khu vực và địa phương (đoạn 5). Công dân có thể trực tiếp tham gia điều hành các công việc xã hội khi thực hiện quyền lực với tư cách là thành viên của các cơ quan lập pháp hay nắm giữ các chức vụ hành pháp; thông qua việc trưng cầu dân ý hay quá trình bầu cử khác; thông qua việc tham gia vào các hội đồng dân cử có thẩm quyền quyết định các vấn đề của địa phương; hoặc tham gia vào các cơ quan được thành lập để đại diện cho công dân trong việc tham vấn với chính phủ (đoạn 6). Công dân cũng có thể tham gia gián tiếp vào hoạt động quản lý nhà nước thông qua việc tự do lựa chọn những người đại diện cho mình trong các cơ quan dân cử (đoạn 7), và tranh luận, đối thoại công khai với các đại diện do mình bầu ra hoặc thông qua các cơ chế khác do công dân tự tổ chức (đoạn 8).

Về quyền tham gia các chức vụ công tại Điều 25 (c) ICCPR, trong Bình luận chung số 25, HRC chỉ rõ: “Để bảo đảm quyền này thì tiêu chí và quá trình bổ nhiệm, thăng tiến, đình chỉ và sa thải công chức nhà nước phải khách quan và hợp lý và việc tham gia các chức vụ trong các cơ quan nhà nước phải dựa trên sự bình đẳng về cơ hội, những nguyên tắc chung về công trạng và quy định nhiệm kỳ có bảo đảm, để bảo đảm rằng những cá nhân nắm giữ chức vụ công không phải chịu những sức ép hay sự can thiệp về chính trị (đoạn 23)”(7).

3. Thực hiện pháp luật quốc tế về quyền chính trị của công dân ở Việt Nam

Trong gần 40 năm kể từ ngày gia nhập ICCPR (năm 1982), Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể nhằm bảo đảm các quyền chính trị cơ bản của công dân được tôn trọng và thực thi trong thực tiễn, thể hiện rõ nét ở việc nội luật hóa các quy định của Công ước trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam.

Về quyền tự do ngôn luận:

Tự do ngôn luận đã được xem là quyền hiến định ngay trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 (Điều 10). Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 tiếp tục khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” (Điều 25). Luật Báo chí sửa đổi năm 2016 xác định rõ quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cùng với Luật Xuất bản năm 2012 khẳng định nguyên tắc không có kiểm duyệt trước khi in, đăng, phát sóng. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 nêu rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước đối với công dân thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan, các phương tiện truyền thông, các hình thức khác và cung cấp thông tin theo yêu cầu. Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định hình phạt đối với các tội “xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” (Điều 167).

Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin ở Việt Nam cũng ngày càng được bảo đảm tốt hơn nhờ sự phát triển mạnh mẽ, đa dạng của các phương tiện thông tin đại chúng. Tính đến tháng 6-2018, cả nước có 60 nhà xuất bản, 857 cơ quan báo in, 195 cơ quan báo và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương, 01 hãng thông tấn. Người dân Việt Nam được tiếp cận với 58 kênh truyền hình nước ngoài. Tính đến tháng 12-2017, số người dùng internet ở Việt Nam là khoảng 50 triệu người, chiếm 54% dân số, với 58 triệu tài khoản Facebook(8). Các cuộc tranh luận, chất vấn, phản biện chủ trương, chính sách tại Quốc hội, các cuộc tọa đàm, các thông tin đa chiều trên phương tiện thông tin đại chúng về mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, với sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội và người dân chính là biểu hiện sinh động của tự do ngôn luận trong thực tiễn đời sống của người dân Việt Nam.

Tuy nhiên, sự bùng nổ của internet và mạng xã hội đã và đang đặt ra nhiều thách thức về xã hội và pháp lý, trong đó có vấn đề kiểm soát thông tin và đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, nhất là khi các thế lực phản động, thù địch trong và ngoài nước luôn tìm cách lợi dụng tự do ngôn luận để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước, đe dọa an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Gần đây nhất, trong khi Nhà nước nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, có những kẻ lợi dụng dịch bệnh tuyên truyền thông tin sai lệch, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhiều đối tượng tung tin sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, từ đó trục lợi bất chính. Thông tin thất thiệt đã khiến người dân lo sợ, đổ xô đi mua khẩu trang, lương thực tích trữ, dẫn đến tình trạng găm hàng, thổi giá. Các tiểu thương lợi dụng cơ hội làm giàu trên chính nỗi sợ của cộng đồng. Những hành vi như thế không thể dùng tự do ngôn luận để biện hộ.

Rõ ràng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống lạm dụng, lợi dụng tự do ngôn luận trên mạng xã hội cần tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của người sử dụng mạng; đồng thời, điều chỉnh, hoàn thiện pháp luật, chính sách giúp quản lý hiệu quả và giải quyết các vấn đề mới đặt ra. Các cơ quan chức năng cần kịp thời minh bạch thông tin, không để các thế lực thù địch lợi dụng đưa tin xấu độc, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tin giả, có các giải pháp kỹ thuật trong quản lý truyền thông mạng xã hội. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển mạng xã hội có nền tảng công nghệ trong nước; phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội từ nước ngoài như Facebook, Google, Twitter, Youtube để kịp thời ngăn chặn, xử lý, loại trừ những nguy cơ, hiểm họa.

Về quyền tự do hội họp, lập hội:

Ở Việt Nam, quyền tự do hội họp, lập hội được ghi nhận trong Hiến pháp và được cụ thể hóa trong nhiều văn bản luật và dưới luật. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định 45/2010/NĐ-CP ngày 21-4-2010 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập hội, bảo đảm quyền lập hội của công dân. Tính đến năm 2017, Việt Nam có 68.125 hội, gồm nhiều tổ chức, hiệp hội của thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, người cao tuổi, người khuyết tật, các hội từ thiện, tổ chức khoa học, nghề nghiệp, tổ chức phi chính phủ(9). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định hình phạt với tội “xâm phạm quyền hội họp, lập hội của công dân” (Điều 163). Tuy nhiên, vấn đề xây dựng và ban hành Luật về Hội vẫn đang được đặt ra nhằm bảo đảm tốt hơn quyền tự do hội họp và lập hội của người dân.

Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội, các quan hệ và lợi ích xã hội ở nước ta cũng trở nên đa chiều, phức tạp hơn, nhiều xung đột xã hội mới đã phát sinh, nổi bật là các tranh chấp liên quan đến đất đai, môi trường, dẫn đến việc biểu tình, khiếu nại đòi quyền lợi... Cần nhìn nhận biểu tình, khiếu nại đông người là thực tế khách quan của phát triển xã hội. Quyền biểu tình là một hình thức bày tỏ những nhu cầu căn bản và quan điểm của người dân, cần được tôn trọng, bảo vệ. Do đó, Nhà nước cần nghiên cứu và ban hành luật để điều chỉnh, bảo vệ quyền biểu tình. Đương nhiên, pháp luật về biểu tình không được để các thế lực thù địch và các phần tử xấu lợi dụng hòng chống phá, gây rối xã hội.

Về quyền tham gia chính trị:

Quyền của công dân về tham gia đời sống chính trị đã được ghi nhận và bảo đảm ngày càng tốt hơn bởi hệ thống pháp luật Việt Nam. Khoản 1 Điều 28 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước”. Công dân trực tiếp tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua những hình thức như: tham gia xây dựng chính quyền (thực hiện quyền bầu cử, ứng cử), tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân; hoặc gián tiếp thông qua các cơ quan đại diện (Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp), Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội mà mình là thành viên.

Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn năm 2007; Luật Khiếu nại 2011; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015, Luật Trưng cầu ý dân năm 2015; Luật Tố cáo năm 2018... là các cơ sở pháp lý quan trọng để người dân thực hiện quyền tham gia vào đời sống chính trị đất nước. Nhà nước cũng mở rộng đối thoại giữa chính quyền địa phương với người dân thông qua gặp gỡ trực tiếp hoặc trực tuyến; thực hiện chương trình “Dân hỏi Bộ trưởng trả lời”; “Dân hỏi lãnh đạo trả lời”. Đó chính là những hình thức hết sức cụ thể của quyền tham gia chính trị của công dân tại Việt Nam.

Có thể nói, những nỗ lực bảo đảm quyền chính trị của công dân ở Việt Nam những năm qua đã đạt được những bước tiến rất đáng ghi nhận. Mặc dù vậy, thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu và hiện thực hóa, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý về quyền tự do hội họp, lập hội, quyền biểu tình, thực hiện dân chủ và phát huy tính tích cực chính trị của công dân trong tham gia quản lý nhà nước và xã hội, nhất là trong bối cảnh các thế lực thù địch, phản động không ngừng lợi dụng chiêu bài dân chủ, nhân quyền để chống phá Đảng và Nhà nước ta.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2021

(1) Sơn Lâm: Thế nào là các thế hệ nhân quyền, Báo điện tử Tạp chí Thời đại, ngày 11-6-2020, https://thoidai.com.vn/the-nao-la-cac-the-he-nhan-quyen-110193.html.

(2) Lời nói đầu, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948, https://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/eng.pdf.

(3) Điều 19, Tuyên ngôn toàn thế giới về Nhân quyền năm 1948, https://www.ohchr.org/EN/UDHR/Documents/UDHR_Translations/eng.pdf.

(4), (5) Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, https://treaties.un.org/doc/publication/unts/volume%20999/volume-999-i-14668-english.pdf.

(6), (7) Lã Khánh Tùng, Vũ Công Giao: ABC về các quyền dân sự chính trị cơ bản, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, 2014, tr.50, 91, http://isee.org.vn/wp-content/uploads/2018/11/abc-ve-cac-quyen-dan-su-chinh-tri-co-ban.pdf.

(8), (9) Bộ Ngoại giao (2018), Báo cáo Quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, tr.16, 17, https://issuu.com/mofavietnam/docs/vie-_b_o_c_o_upr_chu_k__iii_c_a_v

THS ÂU THỊ TÂM MINH

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền