Trang chủ    Diễn đàn    Phê phán sự phê phán mácxít trong cuốn sách “đạo đức trong kinh tế”
Thứ hai, 14 Tháng 10 2013 14:18
6516 Lượt xem

Phê phán sự phê phán mácxít trong cuốn sách “đạo đức trong kinh tế”

(LLCT) - Trong cuốn sách Đạo đức trong kinh tế của tác giả Francisco Vergara do Nhà xuất bản Tri thức xuất bản năm 2010, người đọc có thể tìm thấy những tư tưởng cơ bản của các học thuyết tự do trong xã hội phương Tây cùng với sự phê phán đối với các học thuyết ấy. Ở Chương V: “Phê phán chủ nghĩa tự do”, ngoài những phê phán của các học giả phương Tây, tác giả còn nêu lên sự phê phán mácxít đối với các học thuyết ấy.

Phải nói rằng tác giả cuốn sách rất am hiểu các học thuyết tự do. Song, đối với học thuyết Mác thì dường như tác giả nghiên cứu chưa thực thấu đáo, chưa thấy được bản chất của học thuyết. Tác giả viết: “Luận đề marxist là chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất khiến cho, khi đến một giai đoạn nhất định, không thể tổ chức các lực lượng này nữa giống như trong quá khứ, trên mô hình tự do (bằng thị trường), nhưng (có lẽ dịch là “nên” thì đúng hơn) lực lượng này phải được cộng đồng điều khiển một cách có ý thức”(1). Và “ý tưởng marxist là “kế hoạch hóa khoa học” có thể cho phép thực hiện tăng trưởng tiềm năng này và do đó kế hoạch hóa này phải thay thế thị trường”(2). Và tác giả bác bỏ “ý tưởng” này thông qua ý kiến của người khác hoặc gián tiếp bác bỏ khi nói lên quan điểm của tác giả về cải cách các luật và thể chế ở phần kết luận của cuốn sách.

Thực ra, ý tưởng kế hoạch hóa tập trung và thủ tiêu thị trường là tiên đoán của Mác về một xã hội tương lai khi trình độ phát triển của lực lượng sản xuất đạt rất cao và quan hệ sản xuất TBCN không còn phù hợp. Nói khác đi, đó là nấc thang mới trên con đường phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại khi CNTB đã phát huy hết tiềm năng của nó và không còn động lực phát triển nữa. Xã hội tương lai ấy được Mác hình dung dựa trên những suy luận khoa học mà chính tác giả cuốn sách Đạo đức trong kinh tế cũng đã nêu lên những căn cứ này: “Vào cuối thế kỷ XVIII, nước được hàng trăm người xách nước mang đến tận nhà trên những chiếc xe kéo tay hay do ngựa kéo... Cùng với tiến bộ kỹ thuật, những hệ thống mới về phân phối nước sạch xuất hiện. Có vẻ là hình thái tổ chức tự do không còn phù hợp với mức phát triển của lực lượng sản xuất. Do đó, phải tìm một hình thái tổ chức cho hệ thống này của nền kinh tế và hình thái hình như phù hợp là để cho xã hội (thị xã chẳng hạn) điều hành tập trung việc phân phối nước”(3). Hoặc thí dụ về ngành công nghiệp thép châu Âu, do tự do cạnh tranh gây quá nhiều lãng phí, nên nó không còn là cách thỏa đáng để tổ chức sản xuất.

Dẫu sao tiên đoán vẫn là tiên đoán. Việc chỉ lấy tiên đoán của Mác về một xã hội tương lai để phân biệt học thuyết Mác với các học thuyết tự do trong xã hội tư bản là chưa thỏa đáng, bởi sự phê phán mácxít đối với các học thuyết này đâu chỉ có thế. Hơn nữa, trước đây một số đảng cộng sản sau khi nắm được chính quyền, do nóng vội và cũng nghĩ kế hoạch hóa tập trung là nét đặc trưng của CNXH để phân biệt với thị trường của CNTB, nên đã áp dụng mô hình tiên đoán của Mác vào thực tiễn khi mà trình độ phát triển của lực lượng sản xuất còn thấp kém, khiến cho quan hệ sản xuất vượt quá xa trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Đó là sai lầm mà các đảng cộng sản sau này đã thừa nhận. Lấy sai lầm này để bác bỏ học thuyết Mác là không đúng, bởi đây là sai lầm của các đảng cộng sản chứ không phải sai lầm của học thuyết Mác. Vì vậy, việc xuất bản cuốn sách này mà không có lời nhà xuất bản để nhắc nhở thì người đọc rất dễ có cái nhìn lệch lạc, nếu như chưa nghiên cứu kỹ học thuyết Mác. Để bảo vệ học thuyết Mác tôi muốn làm rõ vấn đề này.

Như đã biết, các học thuyết tự do trong xã hội tư bản đều coi quyền sở hữu là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có nghĩa là họ đi tìm tự do trong cái thế giới bất công truyền kiếp, từ đời này sang đời khác đang ngự trị thế giới. Họ bảo vệ quyền sở hữu nói chung, được coi là một quyền tự nhiên của con người để hàm chứa sự bảo vệ quyền sở hữu chi phối lao động của người khác, trong khi Mác bác bỏ quyền sở hữu này. Và đây mới chính là điểm khác biệt về bản chất giữa học thuyết Mác và các học thuyết tự do mà tác giả cuốn sách nói trên chưa hiểu được, hoặc giả lờ đi.

Sở hữu có hai loại hình. Một là, sở hữu tư liệu sinh hoạt. Đây là sở hữu cá nhân, một phạm trù vĩnh viễn và được coi là quyền tự nhiên của con người. Thí dụ: quần áo tôi mặc, cơm tôi ăn, ngôi nhà tôi ở, ... đó là những thứ của riêng tôi và quyền sở hữu này không gây hại gì cho ai cả. Hai là, sở hữu tư liệu sản xuất. Nếu một ai đó sở hữu một công cụ sản xuất, thí dụ như người thợ thủ công, tự mình sử dụng nó để sản xuất ra một sản phẩm nào đó nhằm thỏa mãn nhu cầu cá nhân hay để trao đổi lấy sản phẩm khác mà anh ta cần thì quyền sở hữu này hoàn toàn chính đáng và cũng được coi là quyền tự nhiên của con người. Theo tiêu chí tối thượng của học thuyết Công lợi thì đây là việc tốt vì nó đem lại lợi ích, hạnh phúc chung cho cộng đồng xã hội. Quyền sở hữu này không chỉ các học thuyết tự do, mà học thuyết Mác cũng coi là chính đáng. Song, nếu một nhà tư bản sở hữu một nhà máy và thuê công nhân làm việc thì vấn đề hoàn toàn khác. Theo các nhà Công lợi hay Pháp quyền tự nhiên thì đây là một hành động có ảnh hưởng đến người khác, nên nó thuộc quyền chi phối, kiểm soát của xã hội. Song, họ lại bảo vệ tự do kinh tế, bởi họ cho rằng, “tự do sản sinh ra kết quả được tìm kiếm tốt hơn là sự cưỡng chế”(4). Có nghĩa, theo họ, đây là hành động tốt, nếu như các nhà tư bản bảo đảm mức lương tối thiểu. Mác thì đánh giá ngược lại. Khi nghiên cứu giá trị thặng dư, Mác đã giả định nhà tư bản trả đúng giá trị sức lao động, không những bảo đảm nuôi sống bản thân người công nhân mà còn nuôi sống cả gia đình họ, nghĩa là nuôi dưỡng cả thế hệ công nhân tương lai cho nhà tư bản. Tuy vậy, Mác đã chứng minh rõ ràng rằng nhà tư bản vẫn bóc lột công nhân. Đó là hành động xấu. Vì vậy bảo vệ quyền sở hữu chi phối lao động của người khác tức sở hữu tư nhân TBCN, là bảo vệ sự bất công, sự áp bức, dù rằng nó có thể đem lại lợi ích, hạnh phúc cho cộng đồng nói chung như tiêu chí tối thượng mà học thuyết Công lợi đưa ra, tức là tổng lợi ích, hạnh phúc cho xã hội lớn hơn tổng thiệt hại gây ra cho công nhân bị bóc lột. Họ cho rằng, không có sự bóc lột ấy để tích lũy tái sản xuất mở rộng thì nhân loại không được như ngày nay. Tuy nhiên, cũng phải thấy được tác dụng tích cực của các học thuyết tự do trong xã hội tư bản. Nhờ có chúng mà đời sống của giai cấp công nhân nói riêng và toàn thể người lao động nói chung dần dần được cải thiện, chẳng hạn như: buộc nhà nước tư sản phải thể chế hóa ngày làm việc 8 giờ, mức lương tối thiểu, không được sử dụng lao động trẻ em và ban hành các chính sách an sinh xã hội, v.v..  Song, bảo vệ CNTB lại là một sai lầm của các học thuyết tự do. Bởi vì, do không thấy được bản chất bóc lột của CNTB, các học thuyết tự do đã bảo vệ cái xấu, tức là tự họ phản bội lại chính họ, dù họ có dựa vào tính công bằng để bảo vệ CNTB.

Như đã biết, con người sinh ra thường có khả năng không đồng đều, người thì thông minh, sắc sảo, khỏe mạnh, kẻ thì yếu ớt, kém thông minh, có khi còn bị khuyết tật. Những người không may mắn là những người rất dễ bị tổn thương, rất khó cạnh tranh với lớp người thông minh, năng động. Ngoài ra, những người có sức khỏe bình thường, hoặc có của cải sung túc cũng có thể rơi vào tình trạng khó khăn, bi đát khi chẳng may bị tai nạn, ốm đau, bệnh tật, thua lỗ trong làm ăn... Đó là những nguyên nhân dẫn đến sự phân hóa giàu, nghèo trong xã hội, và một cách tự nhiên dẫn đến quyền sở hữu chi phối lao động của người khác. Để tồn tại, những người gặp khó khăn phải tự nguyện đi làm thuê, làm mướn cho những người giàu có. Tưởng rằng như thế là không ai ép buộc ai, là hoàn toàn tự do và công bằng, nhưng thực ra đó là sự công bằng máy móc, lạnh lùng, không tình người. Mác gọi đó là công bằng tư sản. Theo Mác, ở giai đoạn thấp của CNCS, tức CNXH, vẫn phải thực thi loại công bằng này, khi mà “của cải chưa tuôn ra dào dạt”, nghĩa là vẫn phải thực hiện nguyên tắc: “làm theo năng lực hưởng theo lao động”. Thí dụ, có hai kỹ sư có năng lực như nhau, cống hiến như nhau, do đó được hưởng lương như nhau. Đó là công bằng. Nhưng một anh vì sống độc thân nên cuộc sống đầy đủ, sung túc, còn một anh vì có cha mẹ già yếu và có vợ con nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Các nhà tự do cho rằng, một người đã hy sinh hạnh phúc gia đình để đánh đổi lấy sự sung túc, giàu có, còn một người đã hy sinh sự sung túc để đổi lấy hạnh phúc gia đình, như vậy là công bằng. Được cái nọ thì phải mất cái kia, không thể tham lam được. Thế nhưng, việc xây dựng gia đình là nghĩa vụ bảo tồn nòi giống, không ai khuyến khích sống độc thân và việc phụng dưỡng cha mẹ già là nghĩa vụ của con cái, không thể chối bỏ. Đó là đạo đức. Vì vậy, học thuyết Mác không ủng hộ công bằng tư sản và muốn chỉnh sửa nó bằng nguyên tắc: “Làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” ở giai đoạn cao của CNCS. Nguyên tắc này có thể phải nghiên cứu thêm và còn quá sớm. Song, điều chính yếu là nó nói lên tính nhân đạo của học thuyết Mác so với các học thuyết tự do và hiện nay nó đã và đang gợi mở hướng giải quyết tình trạng này là: trợ giúp những người gặp khó khăn và đánh thuế lũy tiến đối với những người giàu có.

Khi nghiên cứu nguyên nhân vì sao năng suất lao động xã hội của Mỹ bị sụt giảm, các nhà khoa học lúc đầu cho rằng đó là do lao động sáng tạo không được khuyến khích. Vì thế, họ đưa ra phương án lập các tổ năng suất, chất lượng, nhưng chỉ được một thời gian năng suất lại bị sụt giảm. Tiếp tục nghiên cứu, cuối cùng các nhà khoa học Mỹ rút ra kết luận: do lợi ích mà người lao động sáng tạo ra phần lớn đều thuộc về giới chủ nên họ không còn thiết tha với lao động sáng tạo nữa. Để khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học đề nghị phải cổ phần hóa doanh nghiệp cho công nhân để biến họ từ vai trò làm thuê, làm thợ, thành những người đồng sở hữu. Chương trình ESHOP của Mỹ ra đời, đã có những xí nghiệp do tập thể công nhân quản lý rất tốt. Nhưng do lợi ích bị đụng chạm, giai cấp tư sản không ủng hộ, nên việc thực hiện chương trình này chỉ được một thời gian rồi lắng xuống. Dẫu sao, chương trình ESHOP cũng là lời phê phán thỏa đáng đối với các học thuyết tự do. Đáng tiếc là các tác giả của nó không đấu tranh đến cùng cho chân lý.

Muốn thủ tiêu quan hệ bóc lột, thủ tiêu quyền sở hữu chi phối lao động của người khác để người lao động quan tâm thiết thân đến sản xuất, nâng cao năng suất lao động xã hội thì chỉ có cách duy nhất là phải hữu sản hóa người lao động, biến họ thành các cổ đông, đồng chủ sở hữu các doanh nghiệp. Khi đó, họ vừa là chủ của chính mình là thợ, vừa là thợ cho chính mình là chủ. Quan hệ chủ - thợ, quan hệ bóc lột không còn nữa, mà chỉ còn quan hệ quản lý. Lúc này, tính hữu ích, tự do, hạnh phúc của cộng đồng xã hội chính là chỉ tiêu tối thượng cho mọi hành động, vì nó được thực hiện trong môi trường tương đối công bằng, nơi không còn là quyền sở hữu chi phối lao động của người khác. Nói tương đối, vì chẳng có gì là tuyệt đối cả, đặc biệt là đối với một cộng đồng người vô cùng phức tạp. Nhưng, điều chính yếu là người lao động đã có sở hữu, dù rằng không đồng đều. Chỉ khi nào người lao động làm chủ về kinh tế thì mới có thể làm chủ về chính trị, văn hóa, xã hội. Đó là chân lý, không thể phủ nhận.

Công ty cổ phần, xí nghiệp công nhân, hợp tác xã, kinh tế tri thức,... là những nhân tố mới nảy sinh trong lòng CNTB. Phát triển đến một giai đoạn nhất định chúng sẽ phủ định CNTB theo hướng thủ tiêu quyền sở hữu chi phối lao động của người khác, tức là sở hữu tư nhân TBCN mà những nhân tố nói trên là cơ sở để khẳng định. Đó chính là nấc thang mới, một phương thức sản xuất mới, một hình thái kinh tế - xã hội mới trên con đường phát triển lịch sử tự nhiên của nhân loại.

_____________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2011

(1),(2),(3),(4) Francisco Vergara: Đạo đức trong kinh tế, NXB Tri thức, Hà Nội, 2010, tr.235-236, 237, 236, 113.

 

TS  Đỗ Trọng Bá

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền