Trang chủ    Diễn đàn    Giải pháp cho vấn đề “đạo lạ” ở Tây Nguyên
Thứ tư, 10 Tháng 11 2021 09:51
4680 Lượt xem

Giải pháp cho vấn đề “đạo lạ” ở Tây Nguyên

(LLCT) - Ở nước ta, sự xuất hiện của các “đạo lạ”, hay “hiện tượng tôn giáo mới” đã thu hút hàng chục nghìn người tin theo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội. Qua khảo sát các “đạo lạ” ở khu vực Tây Nguyên, bài viết phân tích những ảnh hưởng tiêu cực của nó đến đời sống kinh tế, sức khỏe, tâm lý người tin theo, quan hệ cộng đồng, khối đại đoàn kết dân tộc và an ninh chính trị tại các tỉnh này; đồng thời đề xuất một số giải pháp công tác đối với “đạo lạ” trong thời gian tới.

Ảnh: Hội nghị Sơ kết công tác đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn” tại huyện Mang Yang, UBND tỉnh Gia Lai.

Nguồn: Truyền hình Gia Lai

Hiện cả nước có khoảng 70 hiện tượng tôn giáo mới, hay còn gọi là “đạo lạ” và một số hiện tượng liên quan đến tín ngưỡng, tâm linh, với 34.904 người theo. Tại Tây Nguyên, từ những năm 1990 đến nay,đã có khoảng 20 “đạo lạ” (hoặc “hội”, “nhóm” lạ có tính tôn giáo, mà trong bài viết này gọi chung là “đạo lạ”) xuất hiện. Trong số các “đạo lạ” ở Tây Nguyên, có hiện tượng chỉ thu hút được một vài người tin theo trong thời gian đầu, sau đó tàn lụi hẳn, nhưng cũng có những hiện tượng phát triển rộng ra nhiều tỉnh, số lượng người tin theo lên đến nghìn người và gây ảnh hưởng tiêu cực về an ninh chính trị.

1. Một số ít các hiện tượng “đạo lạ” đáp ứng nhu cầu tinh thần, tâm linh của một bộ phận quần chúng dưới hình thức cầu nguyện, hộ niệm, còn hầu hết là những tổ chức, nhóm, phái lợi dụng tôn giáo gây những tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh chính trị. Cụ thể là:

- Ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế, sức khỏe, tâm lý của người tin theo

Một số “đạo lạ” tuyên truyền rằng, tin theo “đạo”, thành tâm cầu nguyện thì dù không làm cũng được hưởng sung sướng, như “đạo lạ” của bà Y Gyin(1) tuyên truyền:người nào đi theo bước chân của Đức Mẹ hiện hình thì không phải lao động vẫn sung sướng, ốm đau không chữa cũng khỏi bệnh, vay vốn ngân hàng sẽ được xóa nợ. Nhóm Canh Tân Đặc Sủng của Võ Quốc Khánh yêu cầu người tin theo phải đóng góp bằng tiền riêng có được của cá nhân và tiền 10% từ những khoản thu nhập lớn của gia đình. Với những người nào không nộp hoặc nộp không đầyđủ sẽ bị hăm doạ có sự trừng phạt của Chúa. Nhóm Hoàng Thiên Long yêu cầu người mới vào “đạo”phải đóng từ 200đến 500nghìn đồngđể nộp về “điện thờ” của bà Nguyễn Thị Điền ở thôn Bài Lâm Hạ, xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội.

Các “đạo lạ” với hình thức đọc kinh cầu nguyện nhiều giờ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, thời gian lao động sản xuất của những người tin theo. Như “đạo lạ” của bà Y Gyin yêu cầu người tin theo tăng dần tần suất đọc kinh, từ định kỳ vào ngày 20 hàng tháng chuyển sang đọc kinh hàng ngày, mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 90 phút, sau đó lại tăng lên mỗi ngày đọc kinh 3 lần. Với Cây thập giá Chúa Giêsu Christ do Siu Thái đứng đầu yêu cầu người tin theo phải kéo dài thời gian cầu nguyện vào ngày thứ Ba từ 15 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau, ngày Chủ nhật từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều.

Nhiều “đạo lạ” thực hành cách chữa bệnh rất phản khoa học, như nhóm Canh Tân Đặc Sủng chữa bệnh, kể cả những căn bệnh nan y như ung thư, bại liệt, điên loạn, hoặc phụ nữ hiếm muộn con bằng cách chỉ cần xoa hoặc cho uống vài giọt dầu ăn có nhãn hiệu Tường An bán trên thị trường và cầu nguyện bằng tiếng lạ. Nhóm Hoàng Thiên Long tuyên truyền phương pháp chữa bệnh bằng cách, hàng ngày vào buổi sáng và tối, người bệnh lấy 3 chén nước lã đặt lên bàn thờ, đọc kinh, sau đó uống để chữa trị. Có nơi phương pháp chữa bệnh còn kỳ quái hơn như cho người bệnh viết sớ để trình bày tình trạng bệnh tật, sau đó đặt vào mâm lễ gồm kim châm cứu, cồn 900, lá trầu, vôi, muối, cháo trắng và một số hoa quả, sau đó thắp nhang cầu khấn bề trên để xin cho khỏi bệnh. Những người tin theo Pháp môn Diệu Âm và Amí Sara (hay còn gọi là “Hệ Phục Hưng”), Bơ Khắp Brâu cũng được tuyên truyền nếu ai tin theo và ngồi thiền hoặc cầu nguyện thì ốm đau bệnh tật sẽ được hết bệnh. “Đạo lạ” của bà Y Gyin còn tuyên truyền hù dọa,trái đất sẽ có ngày tận thế, ai tâm niệm Đức Mẹ thì linh hồn được cứu rỗi, nếu không sẽ bị đày xuống địa ngục chịu hình phạt, khiến nhiều người lo sợ phải tin theo và ép người thân cũng phải tin theo.

- Ảnh hưởng đến quan hệ cộng đồng và khối đại đoàn kết dân tộc

Đời sống của những người tin theo “đạo lạ” thường khép kín, chỉ tổ chức nhóm sinh hoạt và làm ăn riêng. Những người tin theo Amí Sarakhi ra đường phải bịt mặt, cúi đầu không nhìn, không nói chuyện, không tiết lộ hoạt động của Amí Sara cho bất cứ ai ngoài số “đồng đạo”. Những người tin theo “đạo lạ” cũng không còn tìm đến hỏi ý kiến của già làng, trưởng thôn mà tìm đến số “cốt cán” của các “đạo lạ”. Một số “đạo lạ” chủ trương người tin theo không thực hiện các quy ước, phong tục, tập quán và tín ngưỡng truyền thống của dân tộc mình, không tham gia các lễ hội và sinh hoạt văn hóa chung của cộng đồng. Ngay cả trong gia đình cũng xảy ra mâu thuẫn do người tin theo ép buộc người thân của mình phải tin theo, nếu không có thể dẫn đến tách ra làm ăn riêng, thậm chí dẫn đến vợ chồng ly dị.

Nhiều “đạo lạ” biến tướng từ tôn giáo truyền thống đã thực sự tác động, ảnh hưởng đến tín lý và tổ chức của tôn giáo truyền thống do “đạo lạ” phê phán chính tôn giáo gốc của mình, dẫn đến mâu thuẫn giữa “cốt cán” của “đạo lạ” với các chức sắc, chức việc của tôn giáo truyền thống, giữa người theo “đạo lạ” với người theo tôn giáo truyền thống.

Việc xuất hiện các “đạo lạ” chỉ riêng cho người dân tộc thiểu số còn ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữa các dân tộc thiểu số tại chỗ với dân tộc Kinh, có xu hướng hình thành nên những cộng đồng dân tộc - “tôn giáo mới” cho người dân tộc thiểu số tại chỗ. Thídụ,“đạo lạ” của bà Y Gyin tuyên truyền “Người Kinh có Đức mẹ La Vang thì người dân tộc thiểu số có Đức Mẹ Hà Mòn”; với trường hợp Ban Cầu nguyện Phong trào Phục hưng Tin lành xuất hiện ở tỉnh Đăk Lăk vào khoảng giữa năm 2009 trong bối cảnh Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) đang có dấu hiệu phân hóa, mâu thuẫn, một số chi hội, điểm nhóm Tin lành của người dân tộc thiểu số tại chỗ kêu gọi bầu Ban Chấp sự vùng, lập “Hội thánh Tin Lành người dân tộc thiểu số Tây Nguyên” tách ra khỏi các Hội thánh của người Kinh. Mục sư Y Nham Niê Trei người dân tộc Ê Đê, quản nhiệm Chi hội Tin lành Buôn Phê (xã Ea Phê, huyện Krông Pach, tỉnh Đăk Lăk nhân đó tuyên truyền vận động thành lập “Ban cầu nguyện Phục hưng Tin lành” để tách ra sinh hoạt riêng.

- Ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự,an toàn xã hội

Hoạt động của “đạo lạ” đã ảnh hưởng lớn đến việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây khó khăn cho công tác quản lý an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nhiều nơi, các “cốt cán” của “đạo lạ” lôi kéo, kích động những người tin theo thực hiện “5 không”, bất hợp tác với chính quyền: không biết, không nghe, không nói, không làm theo chính quyền, không nhận tất cả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương. Một số đối tượng cầm đầu không chỉ kích động tín đồ biểu tình mà còn nhắn tin đe dọa, thách thức cán bộ cơ sở. Số “cốt cán” thường đi khỏi nơi cư trú, không báo cáo với chính quyền, có nơi còn đưa người vượt biên trái phép sang Campuchia tham dự các khóa hướng dẫn phương pháp “tu học”, gây phức tạp cho công tác quản lý hành chính. Một số đối tượng cầm đầu nhóm Tin lành Đấng Christ tiếp xúc với số đối tượng FULRO, tổ chức phản động mang tên “Tin lành Đêga”, tù tha, cơ hội chính trị nhằm thu thập tài liệu gửi ra bên ngoài vu cáo Nhà nước Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền.

“Đạo lạ” của bà Y Gyin lúc đầu xuất hiện chỉ ý đồ chống lại chủ trương di dân làm công trình thủy điện Plei Krông, nhưng khi FULRO lợi dụng đã chuyển sang kích động biểu tình đòi thành lập nhà nước của người dân tộc thiểu số với luận điệu: “Theo Đức Mẹ Pluk ở Hà Mòn để đấu tranh đòi Nhà nước Việt Nam công nhận là tôn giáo riêng của người dân tộc, nhờ quốc tế can thiệp thành lập nhà nước riêng ở Tây Nguyên do Ksor Kơk đứng đầu”.

Có nơi “đạo lạ”này hình thành khung tổ chức, vô hiệu hóa chính quyền ở buôn làng, khống chế quần chúng; khi cơ quan chức năng tổ chức đấu tranh, nhiều đối tượng có hành vi chống trả quyết liệt. Cây Thập giá Chúa Giêsu Christ tuyên truyền người dân tộc thiểu số phải thường xuyên cầu nguyện cho “Nhà nước Đêga”, cho những người bị “Nhà nước Kinh” bắt ở tù; phải luôn yêu Chúa và chỉ có tin theo “Tin lành Đêga” mới giải phóng được cho người Đêga; cầu nguyện để được quốc tế can thiệp cho người dân tộc thiểu số.

Thanh Hải Vô Thượng Sư của Đặng Thị Trinh thuyết giảng qua băng hình nói rõ ý đồ chống chế độ XHCNở Việt Nam, tự nhận mình là chiến sĩ chống cộng.

2. Trong những năm tới, tình hình “đạo lạ” tại Tây Nguyên vẫn còn diễn biến phức tạp; có xu hướng gia tăng về tính chất, mức độ, phạm vi hoạt động và số đối tượng tham gia; một số sẽ hoạt động dưới những hình thức mới, một số biến tướng, tách ra thành lập các nhóm, phái mới - không chỉ từ những vùng miền khác đến mà cả những hiện tượng nảy sinh ngay tại Tây Nguyên. Chính vì vậy, cần phải tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác đối với “đạo lạ” ở các tỉnh TâyNguyên:

Một là, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị đối với hiện tượng “đạo lạ”

Thực tế thời gian qua cho thấy,vấn đề nhận thức của hệ thống chính trị ở Tây Nguyên về hiện tượng “đạo lạ” còn nhiều bất cập. Không ít địa phương,cấp ủy, chính quyền còn đánh đồng giữa “đạo lạ”, “hiện tượng tôn giáo mới” với tà giáo dẫn đến nặng về xử lý, đấu tranh loại bỏ,làm cho những người tin theo lo sợ, càng lén lút hoạt động, hoặc quay lại phản ứng với chính quyền khiến cho tình hình càng thêm phức tạp.

Do đó,cần nhận thức đúng đắn về “đạo lạ”,“hiện tượng tôn giáo mới”. Việc tin theo các “đạo lạ” từ nơi khác đến hoặc xuất hiện ngay tại địa phương cho thấy nhu cầu tôn giáo của người dân, là một trạng thái chung về chuyển biến niềm tin tôn giáo đang diễn ra không chỉ ở Tây Nguyên hay ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới. Nó đã là một thực thể xã hội nên cần phải nhìn nhận và ứng xử đúng đắn đối với từng trường hợp cụ thể, bởi “lạ” chỉ là chưa “quen”chứ không có nghĩa là “tà”, vì “tà” là không “chính”, là mờ ám, mang nghĩa tiêu cực, và “mới” là để phân biệt với cũ chứ mới không phải là tà, là xấu.

Trong thái độ ứng xử đối với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cần quán triệt quan điểm của Đảng về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân và cơ sở pháp lý về quyền này đã được khẳng định ở Điều 24 Chương II Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào”; Điều 16 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung cho tín đồ của tổ chức tôn giáo tại những nơi chưa đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc; cho những người thuộc tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo vànhững người theo tôn giáo nhưng chưa có tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo hoặc công nhận tổ chức tôn giáo.

Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về những tác động của “đạo lạ”, bởi một thực tế là thời gian qua, cấp ủy, chính quyền cơ sở một số nơi ở Tây Nguyên còn xem nhẹ, chưa nhận thức, đánh giá hết tính chất, mức độ phức tạp và những tác hại của “đạo lạ” nên thiếu sự quan tâm giải quyết, để cho các hoạt động vi phạm pháp luật của nó kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội, các thế lực thù địch lợi dụng đểchống phá Đảng, Nhà nước ta.

Công tác đối với “đạo lạ” vừa phải tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, nhu cầu tôn giáo của người dân, vừa tuyên truyền vận động, đấu tranh, xóa bỏ những ảnh hưởng tiêu cực đối với đời sống xã hội. Việc giải quyết những ảnh hưởng tiêu cực của “đạo lạ” cần căn cứ vào Điều 5 của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo quy định về các hành vi bị nghiêm cấm để tuyên truyền, giải thích cho quần chúng tin theo không vi phạm và cũng căn cứ để xử lý những sai phạm.

Hai là, đẩy mạnh công tác dân vận đối với người dân tin theo “đạo lạ”

Thời gian qua, công tác dân vận đối với quần chúng tin theo “đạo lạ” đã được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nhiều địa phương thực hiện khá tốt, vận động được nhiều người dân không tin theo những tuyên truyền mê tín, những sinh hoạt đạo và những hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có nơi, có lúc chưa làm tốt công tác này, nặng dùng mệnh lệnh hành chính theo kiểu “không quản lý được thì cấm”, làm cho tình hình càng thêm phức tạp.

Thời gian tới, cần phải đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chính sách, pháp luật nói chung, về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, để người dân hiểu rằng Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, mỗi người dân có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo,thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; v.v., miễn là việc tin theo và sinh hoạt đó theo đúng pháp luật. Từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật và ý thức tuân thủ pháp luật cho nhân dân, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

Mặt khác, cần tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu, phân biệt đâu là “đạo lạ” phục vụ nhu cầu tâm linh, tôn giáo, đâu là tuyên truyền mê tín, trục lợi, đâu là “đạo lạ” đã bị lợi dụng vào mục đích chính trị phản động, chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Một khi đã nhận thức được như vậy,người dân sẽ biết mình cần và phải làm gì để thực hiện đời sống tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh.

Trong công tác đối với những “đạo lạ” có nguồn gốc từ một tôn giáo truyền thống được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân, tách ra, hình thành “hội”, “nhóm” hay tự xưng là một “tôn giáo” mới, với nội dung tuyên truyền xuyên tạc tôn giáo truyền thống hoặc có những hành vi cực đoan, phản văn hóa, phản khoa học, có mục đích trục lợi hay nhằm hoạt động chính trị, hoặc bị các thế lực thù địch lợi dụng vào mục đích chính trị phản động,chống phá nhà nước Việt Nam thì phương châm “dĩ đạo giải đạo”, vận động các tổ chức tôn giáo, các chức sắc, chức việc của các tôn giáo “gốc” đã được Nhà nước công nhận tham gia giải quyết vấn đề này cần được xem là một mặt công tác quan trọng.

Ba là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tínngưỡng, tôn giáo

Chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn; quan tâm, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của giáo hội và quy định của pháp luật để người dân được thỏa mãn nhu cầu tôn giáo chính đáng. Mặt khác, cần kịp thời phát hiện, theo dõi về “nhân sự”, cơ cấu tổ chức và nội dung hoạt động của các “đạo lạ” trên địa bàn dân cư. Trên cơ sở đó tiến hành phân loại và căn cứ vào cơ sở pháp lý để có đối sách, biện pháp phù hợp.

Đối với những “đạo lạ”, “nhóm”, “hội” có yếu tố chính trị phản động phải kiên quyết ngăn chặn, xử lý triệt để ngay từ khi mới phát sinh. Đối với hoạt động của các “đạo lạ”có yếu tố mê tín dị đoan, hoạt động trái phép, cần tăng cường các biện pháp hành chính để quản lý, kết hợp thuyết phục,giáo dục nhằm đấu tranh ngăn chặn các hành vi sai trái. Đối với các nhóm chỉ thuần túy niềm tin đạo, có tính hướng thiện, cần định hướng cho người tin theo thể hiện niềm tin một cách đúng đắn, hoặc khi đã hội đủ những điều kiện theo quy định của pháp luật thì hướng dẫn người đại diện làm thủ tục đăng ký sinh hoạt tôn giáo. Kiên quyết xử lý những hoạt động, hành vi sinh hoạt tôn giáo sai trái nhưng phải thận trọng, tránh đẩy quần chúng tin theo“đạo lạ” trở nên cực đoan, chống đối chính quyền,tạo cớ cho các tổ chức phản động kích động, vu khống chính quyền.

Bốn là, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho nhân dân

Quần chúng tham gia các “đạo lạ” tại Tây Nguyên phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có nhóm Canh Tân Đặc Sủng cósố người tin theo là dân tộc Kinh. Họ là những người có đời sống kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp. Thí dụ, làng H’Ra và Lơ Pang thuộc huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai có khoảng 100 người tin theo “đạo lạ” của bà Y Gyin, năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 60%; phong tục tập quán, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đang dần bị mai một, nhà rông tại các làng đã xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân. Tại làng Kon Mar Hah và Kon Nát thuộc xã Hà Đông,huyện Đăk Đoa có đến 90% hộ theo “đạo lạ” của bà Y Gyin thuộc diện đói nghèo, sống khép kín, trẻ em trong độ tuổi đến trường không được đi học hoặc phải bỏ học để theo cha mẹ đi làm rẫy. Cấp ủy, chính quyền địa phương không nắm chắc tình hình “đạo lạ”, không có khả năng lãnh đạo, chỉ đạo xử lý những vấn đề phát sinh phức tạp ngay từ đầu. Thậm chí còn có cả đảng viên tham gia “đạo lạ”, như trường hợp hai xã H’Ra và Pơ Lang có tới 22 cán bộ, đảng viên liên quan đến hoạt động “đạo lạ” của bà Y Gyin, hoặc có thân nhân liên quan đến “đạo lạ” này. Điều đó cho thấy, trong công tác đối với “đạo lạ”, phải nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở gắn với phát triển kinh tế - xã hội và quan tâm giải quyết nhu cầu tinh thần cho nhân dân; bảo đảm vừa tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, vừa hướng hoạt động tôn giáo của người dân theo hướng lành mạnh, đúng pháp luật, kịp thời ngănchặn những ảnh hưởng tiêu cực từ hoạt động của tôn giáo và “đạo lạ” gây ra.

__________________

(1) Về tên gọi của “đạo lạ” này, những người Công giáo gọi là “đạo Hà Mòn” vì phát sinh tại xã Hà Mòn, huyện Đắc Hà, tỉnh Kon Tum, còn chính quyền gọi là “Tà đạo Hà Mòn”. Chúng tôi đề xuất nên gọi là “đạo lạ” của bà Y Gyin – gắn với tên người tự tung tin Đức Mẹ hiện hình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW của ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác tôn giáo trong tình hình mới, ngày 10-1-2018.

2. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Báo cáo một số vấn đề về “Tin lành Đêga” và công tác đấu tranh xóa bỏ “Tin lành Đêga” ở Tây Nguyên (dự thảo), tháng 1-2009.

3. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Bản tin tuần, số 275 (từ ngày 4-6 đến ngày 11-6-2011).

4. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên: Báo cáo sơ kết 03 năm thực hiện Thông báo số 06-TB/BCĐTN ngày 22-6-2011 về giải quyết tà đạo, đạo lạ trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước, ngày 17-7-2014.

5. Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 25-NQ/TW - Đoàn khảo sát số 3 (2017): Báo cáo kết quả khảo sát Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo tại các tỉnh Đăk Lăk, Gia Lai và Kon Tum, ngày 3-3-2017 (dự thảo).

6. Ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai: Báo cáo tình hình hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ”, ngày 6-11-2017.

7. Ban Dân vận Trung ương: Hỏi đáp một số vấn đề về đạo lạ ở nước ta hiện nay, Nxb Tôn giáo, 2007.

8. Ban Dân vận Trung ương: Báo cáo kết quả khảo sát tình hình đạo lạ, tà đạo trên địa bàn Tây Nguyên, ngày 5-9-2011.

9. Ban Tôn giáo Chính phủ: Báo cáo tổng kết tình hình, công tác năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, ngày14-12-2020.

10. Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Đăk Lăk: Báo cáo tình hình thực trạng hoạt động của các loại: “tà đạo”, “đạo lạ”, những khó khăn thuận lợi, dự báo tình hình và giải pháp trong thời gian tới (dự thảo), tháng 6-2014.

11. Ban Tôn giáo tỉnh Kon Tum: Báo cáo một số vấn đề về tà đạo “Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh Kon Tum hiện nay, tháng 11-2006.

12. Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tạiĐà Nẵng: Báo cáo kết quả khảo sát tình hình “đạo lạ” tại các tỉnh Tây Nguyên, từ ngày 1-7 đến 9-7-2014.

13. Huyện ủy Đăk Mil: Báo cáo sơ kết công tác vận động, đấu tranh xóa bỏ tà đạo trên địa bàn huyện Đăk Mil (từ 27-11-2013 đến 28-2-2015), tháng 3-2015.

14. Lời khuyên nhủ tại nơi Đức Mẹ hiện ra (Tài liệu tuyên truyền của nhóm “đạo lạ” của bà Y Gyin) vào lúc 7 giờ ngày 30-8-2007 tại xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum.

15. Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng: Báo cáo về việc sơ kết Thông báo số 06-TB/BCĐTN của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên về giải quyết “tà đạo”, “đạo lạ”, ngày 4-6-2014.

16. Thông tin Lý luận Chính trị: Hiện tượng tôn giáo mới trên thế giới và Việt Nam hiện nay. Số 6-2015.

17. Tỉnh ủy Đăk Lăk: Báo cáo chuyên đề tình hình liên quan đến “tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, ngày 9-5-2012.

18. UBND tỉnh Gia Lai: Báo cáo sơ kết 02 năm đấu tranh xóa bỏ “Tà đạo Hà Mòn” trên địa bàn tỉnh, ngày 26-4-2014.

19. UBND tỉnh Đăk Nông: Báo cáo kết quả đấu tranh phòng, chống tà đạo trên địa bàn tỉnh, ngày 13-6-2014.

20. Viện Khoa học xã hội Việt Nam - Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo: Về tôn giáo và tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2014.

PGS, TS NGÔ VĂN MINH

Học viện Chính trị khu vực III

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền