Trang chủ    Diễn đàn    Chính sách “hồi tỵ” với việc xây dựng văn hóa chính trị hiện nay
Thứ tư, 17 Tháng 11 2021 10:29
3199 Lượt xem

Chính sách “hồi tỵ” với việc xây dựng văn hóa chính trị hiện nay

(LLCT) - Trong kho tàng tri thức về xây dựng văn hóa chính trị Việt Nam truyền thống, chính sách “hồi tỵ” bao gồm những quy tắc trong bổ dụng quan lại và phòng chống tham nhũng của các vương triều quân chủ nước ta có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Đảng và Nhà nước ta đã vận dụng những nguyên tắc này trong việc ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật trong phòng chống tham nhũng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ…Từ nghiên cứu chính sách này, bài viết đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm phát huy giá trị tích cực của chính sách hồi tỵ trong xây dựng văn hóa chính trị hiện nay: tăng cường giáo dục,nâng cao văn hóa chính trị, thực hiện tốt công tác cán bộ, khắc phục những mặt hạn chế trong văn hóa truyền thống.

Ảnh minh họa: Vua Minh Mạng đặt ra nhiều quy định nghiêm ngặt cho chính sách hồi tỵ. Nguồn: tcnn.vn

Hồi tỵ là một từ Hán Việt, 迴避 được học giả Đào Duy Anh chú giải trong Hán Việt từ điển giản yếu như sau: “Hồi tỵ nghĩa là tránh đi. Ví như một người bổ đi làm quan đứng đầu ở một địa phương, nếu có một người bà con đã là thuộc liêu ở chỗ đó thì người ấy phải tránh đổi đi chỗ khác, thế gọi là hồi tỵ”(1). Chính sách “hồi tỵ” đã trở thành nguyên tắc quản lý quan lại quan trọng của một số vương triều quân chủ nước ta. Về cơ bản, đây là quy định về việc tránh bố trí, sử dụng người đứng đầu một địa phương hoặc một tổ chức nhà nước là người có mối quan hệ ruột thịt với những người đang sinh sống ở nơi đó, làm việc ở cơ quan đó. Mục tiêu của chính sách này là nhằm ngăn chặn những người thân thích với nhau (người trong gia đình, họ hàng; người đồng hương; thầy trò...) làm việc trong cùng một cơ quan nhà nước hoặc lợi dụng quan hệ thân tình để bao che, kéo bè kết phái, tưlợi, tham nhũng của công...

1. Chính sách “hồi tỵ” ở Việt Nam thời kỳ quân chủ

Chính sách “hồi tỵ” đã được một số triều đại quân chủ nước ta vận dụng vào việc xây dựng bộ máy chính quyền và quản lý đội ngũ quan lại địa phương, đặc biệt là dưới thời Lê Thánh Tông (triều Lê sơ) và thời Minh Mạng (triều Nguyễn) - những giai đoạn nền chuyên chế quân chủ tập quyền đạt đến đỉnh cao.

Vua Lê Thánh Tông  (tại vị 1460 -1497) là người khai mở chính sách hồi tỵ ở nước ta với nỗ lực đổi mới thể chế chính trị và quan chế thời đó. Với quan điểm “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa loạn”(2), nhà vua đã sáng suốt đặt trọng tâm của sự nghiệp cải cách hành chính vào lĩnh vực cải cách thể chế và cải cách đội ngũ quan lại.Quốc sử đã ghi chép cụ thể các sự kiện vua Lê Thánh Tông ban hành chính sách “hồi tỵ”: “Ngày 22 (tháng 5, năm 1486), cấm quan lại nhận chức ở ngoài lấy đàn bà con gái trong bộ hạt của mình”(3); “Tháng 9 (1488), xuống chiếu rằng: Từ nay, các quan phủ, huyện, châu xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, anh em con chú con bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì cho một người làm xã trưởng, không được cho cả hai cùng làm để trừ mối tệ bè phái hùa nhau”(4); “Tháng 8, ngày mồng 2 (1495), có lệnh cho châu huyện chọn đặt xã trưởng. Nếu là con cô cậu, đôi con dì với nhau và thông gia cùng gả bán cho nhau đều không được cùng làm xã trưởng trong một xã”(5); “Ngày 28 (tháng 4, năm 1497), định lệnh đổi đi nơi khác. Như các viên quản quân, quản dân ở Nghệ An, nếu người nào có quê quán ở ngay phủ, huyện mình cai trị, có nhà ở nha môn mình làm việc, thì bộ Lại điều động đi nơi khác, chọn người khác bổ thay”. Lệnh này sau đó được áp dụng trong phạm vi cả nước(6). Quy định “hồi tỵ” cũng đã được đưa vào trong hệ  thống luật pháp thời vua Lê Thánh Tông (trong bộ Quốc triều hình luật - Luật Hồng Đức, cũng có một số điều khoản mang tính “hồi tỵ”). Nhìn chung, quy định “hồi tỵ” thời Lê sơ chủ yếu áp dụng cho hệ thống quan lại địa phương ở phủ, huyện, xã.

Đến triều Nguyễn, chính sách “hồi tỵ” được thực thi một cách tích cực, triệt để bởi vua Minh Mạng (tại vị 1820 -1841). Vua Minh Mạng, với nỗi niềm nhức nhối trước thực trạng “các chức thông phán phần nhiều là người địa phương. Do đó, vì tình riêng làng nước, khó lòng khỏi sự tư túi sinh ra nhiều tệ hại”, đã đặc biệt lưu tâm đến chính sách hồi tỵ(7).

Ông đã nhiều lần ra chỉ dụ về quy định “hồi tỵ” trong thời gian tại vị, mà những nét lớn là:1) Cấm cha con, anh em ruột, anh em con chú con bác cùng làm lại dịch (nhân viên) ở nha môn các bộ ở Kinh đô và các tỉnh. Những người có quan hệ thông gia, thầy trò, người cùng quê quán… cũng không được cùng làm quan tại một địa phương, cùng làm việc tại một công sở; 2) Cấm các quan lại làm quan ở chính quán (quê hương mình), nơi trú quán (nơi đã sinh sống một thời gian lâu), ở quê vợ, quê mẹ mình, thậm chí cả nơi học tập lúc nhỏ hoặc lúc trẻ tuổi. 3) Cấm các lại mục, thông lại (nhân viên hành chính ở các phủ, huyện) làm việc ở phủ huyện là quê hương mình, không được cùng làm quan với các lại mục, thông lại cùng làng, xã; 4) Các quan từ tham biện (hay biện lý, quan làm nhiệm vụ tư vấn về một khía cạnh nào đó ở một bộ, hay ở tỉnh) trở lên khi về Kinh đô chầu được đình nghị (dự bàn các việc của triều thần), song nếu các cuộc họp đó có bàn đến các việc liên quan đến địa phương mình nhậm trị hay việc của bộ mà mình phụ trách thì phải “lui ra”.

Như vậy, chính sách hồi tỵ đến thời kỳ này có sự mở rộng đáng kể về phạm vi so với thời Lê, áp dụng cho toàn bộ hệ thống quan lại từ trung ương đến địa phương, duy chỉ có Thái y viện là viện chuyên giữ việc thuốc men, chữa bệnh cần phải “cha truyền con nối” nên không phải áp dụng quy định “hồi tỵ”.

Các vị vua sau, từ Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, chính sách “hồi tỵ”còn được bổ sung thêm một số quy định như: cấm quan đầu tỉnh lấy vợ, tậu ruộng vườn, nhà cửa trong trị hạt; cấm tư giao với đàn bà, con gái trong trị hạt. Đời vua Thành Thái, áp dụng chính sách hồi tỵ rất chặt vào việc lựa chọn khảo quan trong kỳ thi Hương: người nào có thân thích ứng thi, theo lệ phải “hồi tỵ”.

Chính sách “hồi tỵ” đã trở thành nguyên tắc trị quốc quan trọng trong một số giai đoạn của thời kỳ quân chủ và giúp ích lớn trong việc phòng tránh, hạn chế tệ nạn tham nhũng trong cơ quan công quyền cũng như hiện tượng công tư bất minh trong văn hóa ứng xử của những người thi hành công vụ.

Những quy định về “hồi tỵ” tạo cơ sở pháp lý để phát huy tính công tâm, khách quan trong việc phụng sự lợi ích nhà nước của đội ngũ quan lại. Đồng thời,là côngcụ đắc lực giúp các vị quân vươngcó thể quản lý và khống chế đội ngũ quan lại lạm quyền, bè phái, cát cứ, chống lại triều đình.

Nhờ thi hành chính sách “hồi tỵ”, đội ngũ quan lại từ trung ương đến địa phương đã được đến trị nhậm ở môi trường mới, có cơ hội tập dượt, tôi rèn bản lĩnh, tài năng và cũng công tâm, khách quan hơn trong khi thi hành công vụ. Tuy nhiên, mặt hạn chế của nguyên tắc “hồi tỵ” là không phát huy được sự hiểu biết về địa bàn của quan lại ngay khi được bổ nhiệm. Nó làm cho công việc quản lý đội ngũ quan lại của nhà nước có phần nặng nề, phức tạp hơn.

2. Vận dụng chính sách "hồi tỵtrong điều kiện hiện nay

Ý thức được tầm quan trọng của vấn đề phòng,chống tham nhũng và xây dựng nhân cách cán bộ công chức, Đảng ta đã tích cực vận dụng các quy định “hồi tỵ” trong trong thực tiễn, thể hiện trong nhiều văn kiện quantrọng như: Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 25-01-2002, của Bộ Chính trị khóa IX, về luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý, áp dụng trong khuôn khổ chính sách luân chuyển cán bộ.Kết luận số 24- KL/TW, ngày 15-12-2017 của Bộ Chính trị về nguyên tắc điều động, phân công, bố trí công tác đối với cán bộ diện Trung ương quản lý. Nghị̣ quyết số 26-NQ/TW (Hội nghị Trung ương 7 khóa XII), ngày 19-5-2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã đề ra các đột phá, trong đó “Đột phá thứ ba” là thực hiện nhất quán chủ trương bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương ở những nơi đủ điều kiện. Nghị quyết này đặt mục tiêu, lộ trình từ năm 2020 đẩy mạnh bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp tỉnh, hoàn thành ở cấp huyện, đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác, trước hết là chức danh chủ tịch ủy ban nhân dân.

Tiếp đó, Trung ương đã ban hành các văn bản như: Quy định số 105- QĐ/TW, ngày 19-12-2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định số 179-QĐ/TW, ngày 25-02-2019 của Bộ Chính trị về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; Quy định 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Đặc biệt, Chỉ thị số 35- CT/TW, ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảnglà chỉ đạo quan trọng về công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử cấp ủy. Trong đó, có quy định đáng lưu ý về cơ cấu cấp ủy: bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh không là người địa phương theo lộ trình, phù hợp với đặc điểm, tình hình cụ thể và đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Cấp ủy cấp tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch để đến năm 2025 cơ bản hoàn thành ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác. Đạihội XIII đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, thể hiện rõ qua số liệu tổng hợp kết quả bầu nhân sự đại hội các cấp nhiệm kỳ 2020-2025: Đảng bộ cấp trên cơ sở có tổng số bí thư cấp ủy bầu được là 1.141 đồng chí, trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%). Đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 31 bí thư tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ mới không phải người địa phương (55,3%), trong đó 4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ đều có Bí thư là cán bộ được luân chuyển từ Trung ương. Trong số 9 nữ bí thư tỉnh ủy, có 4 nhân sự không phải người địa phương, gồm Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Nam, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Ninh. Việc thực hiện bố trí bí thư cấp ủy tỉnh, cấp ủy huyện không phải là người địa phương sẽ tạo nhiều thuận lợi cho cán bộ trưởng thành và bảo đảm đồng bộ với hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực.

Nghiên cứu pháp luật hiện hành cho thấy, những quy tắc mang tính “hồi tỵ” đã được đặt ra và được luật hóa qua một số bộ luật quan trọng như Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Hình sự, Luật Cán bộ công chức với những quy định rất cụ thể. Chẳng hạn, tại Khoản 3, Điều 37, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007 và năm 2012) có quy định: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán - tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán vật tư, hàng hóa, ký hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị đó.

Đảng và Nhà nước ta cũngđã từng bước đưa ra các chủ trương, chính sách cụ thể mang tính “hồi tỵ” thể hiện qua một số quy định trong công tác tuyển dụng công chức, sắp xếp, bố trí cán bộ, công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công tác định kỳ chuyển đổi vị trí công tác...

Tuy nhiên, những quy định này chưa hệ thống và chưa thực sự trở thành một tư tưởng, một chính sách lớn, mang tính toàn diện trong thực tiễn. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các quy định hiện hành còn chưa thực sự quyết liệt,vì thế tính khả thi và tính hiệu quả còn hạn chế.Ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, vẫn còn duy tình, thiếu tính pháp quyền trong công tác cán bộ. Một số trường hợp, việc bổ nhiệm cán bộ dựa vào quan hệ, tình cảm cá nhân, việc “nâng đỡ không trong sáng”, không căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như năng lực, phẩm chất của người được bổ nhiệm, hay bổ nhiệm không đúng quy trình, kiểu “thần tốc”, rồi hiện tượng cả nhà làm quan trong cùng một tỉnh, huyện… từng diễn ra, gây bức xúc dư luận.

3. Giải pháp phát huy giá trị tích cực của chính sách “hồi tỵ” trong xây dựng văn hóachính trị ở nước ta hiện nay

Để xây dựng văn hóa chính trị, trước hết là xây dựng bộ máy các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan chuyên môn trong sạch, hiệu quả, cần triệt để vận dụng tinh thần của chính sách “hồi tỵ” của nhà nước quân chủ tập quyền trước đây với các giải pháp dựa trên điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam hiện tại.

Thứ nhất, tăng cường giáo dụcnâng cao nhận thức về vị trí, vai trò công tác cán bộ

Thực tế cho thấy, nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên còn chưa đúng về vị trí, vai trò, tầm quan trọngcủa công tác cán bộ cũng như về mối quan hệ giữa xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chínhvì vậy, trong thời gian tới, cầntăng cường giáo dục,nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ của Đảng.

Đồng thời, tích cực nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa tích cực của các nguyên tắc “hồi tỵ” đối với việc phòng, chống tham nhũng, xây dựng chính phủ liêm chính với đội ngũ những người nắm công quyền thanh liêm, trong sạch, thượng tôn pháp luật. Từ đó, hình thành trong nhận thức xã hội tinh thần, bản lĩnh đấu tranh với những tiêu cực, bất công, tham nhũng nhằm hạn chế và dần loại bỏ những lối tư duy, hành xử tiêu cực, cản trở sự phát triển xã hội, không phù hợp với bối cảnh của thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Thứ hai, thực hiện tốt công tác cán bộ

Để ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, lạm quyền xảy ra ở các cơ quan nhà nước, bảo đảm một bộ máy trong sạch, vững mạnh, cần tiếp tục nghiên cứuvà áp dụng, vận dụng một cách triệt để, linh hoạt các quy tắc “hồi tỵ” ở phạm vi rộng hơn trong các nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy các cấp, đặc biệt là trong công tác bố trí, sử dụng cán bộ, trong đó cần đặc biệt lưu tâm các vấn đề sau:

Một là, quy hoạch cán bộ. Bảo đảm quyền tập trung của tập thể ban thường vụ các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy, lãnh đạo các ban đảng, các cơ quan, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong việc quy hoạch cán bộ; đồng thời có cơ chế để nhân dân, mặt trận, các đoàn thể giám sát việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ.

Hai là, bố tríluân chuyển cán bộ. Trong bố trí cán bộ cần chú ý ngăn chặn mối quan hệ giữa nhiều cá nhân có quan hệ thân thiết trong nhiều cơ quan ở một địa phương. Cần có quy định và chế tài cấm cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị từ cấp huyện trở lên bố trí, sử dụng con cháu mình làm việc trong cơ quan hoặc đơn vị họ trực tiếp quản lý.

Quá trình luân chuyển cán bộ là một hình thức né tránh những ràng buộc tình thân, đồng thời khi đến trị nhậm những nơi xa lạ này, người cán bộ sẽ có cơ hội được thử thách về tâm đức, trách nhiệm với công việc và cả năng lực công tác, từ đó trưởng thành hơn, bản lĩnh hơn, xứng đáng hơn với nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Ba là, cơ chế kiểm tra, giám sát. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện các quy định pháp luật về kiểm tra, giám sát, bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch các khâu trong công tác cán bộ. Cần có các cơ chế để đưa quyền lực vào “lồng kiểm soát” bằng các quy định của Đảng, các cơ chế giám sát, để người có quyền lực không thể lạm quyền, lộng quyền.

Thứ ba, nâng cao văn hóa chính trị cho cán bộ, đảng viên

Vấn đề cốt lõi của văn hóa chính trị chính là nhận thức và hành vi của chủ thể chính trị với vấn đề quyền lực, cách sử dụng quyền lực trong hoạt động công vụ. Khi nào quyền lực được nhận thức đúng đắn, được kiểm soát tốt và đi đúng hướng, phục vụ lợi ích chung của đất nước và nhân dân, khi đó văn hóa chính trị đạt trình độ cao, văn minh, tiến bộ. Ngược lại, khi nào có hiện tượng lạm quyền, lộng quyền, tư lợi, tham nhũng thì văn hóachính trị đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, khôngđáp ứng yêu cầu của sự phát triển và tiến bộ chung của xã hội. Giữa văn hóa chính trị với vấn đề phòng chống tham nhũng rõ ràng có mối quan hệ biện chứng, và giữa văn hóachính trị của cán bộ, đảng viên với việc thực thi chính sách “hồi tỵ” rõ ràng có sự tương hỗ, hữu cơ. Chính vì vậy, muốn phát huy giá trị tích cực của nguyên tắc “hồi tỵ” vào xây dựng văn hóa chính trị hiện nay, phải chú trọng nâng cao văn hóachính trị cho các chủ thể.

Thứ tư, khắc phục mặt trái trong văn hóa truyền thống

Như đã nói ở trên, vấn đề tham nhũng, cục bộ, lợi ích nhóm không chỉ là một hiện tượng chính trị mà còn là một hiện tượng văn hóa. Văn hóa truyền thống có những mặt hạn chế và vô hình trung tạo cơ hội cho sự xuất hiện những căn bệnh trầm kha của xã hội. Chính vì vậy, để khắc chế căn bệnh này, cũng là thực thi hiệu quả chính sách “hồi tỵ”, cần phải khắc phục các mặt trái trong văn hóa.

Phải đấu tranh để xóa bỏ những tàn dư trong văn hóa truyền thống không còn phù hợp hoặc cản trở sự phát triển và tiến bộ xã hội, của văn hóa chính trị hiện nay: như tính cục bộ, bè phái, thủ cựu, duy tình, thiếu tinh thần đề cao luật pháp... Mặt khác, cần chú trọng công tác xây dựng văn hóa ứng xử, hoàn thiện nhân cách người cán bộ, đảng viên, để thực sự là những người công tâm, khách quan, gương mẫu đi đầu trong việc phụng sự lợi ích đất nướcvà nhân dân.

__________________

(1) Đào Duy Anh: Hán Việt từ điển giản yếu, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2008, tr.266.

(2) , (3), (4), (5),  (6)  Đại Việt sử kí toàn thư, t.2, Nxb Khoa học xã hội,  Hà Nội, 2004, tr 302, 530, 534, 546, 556.

(7) Khâm định Đại Nam hư minh, tiến bộ, Dẫn theo Nguyễn Đức Xuân, bài viết in trong sách “Tâm lý người ViĐức Xuân, bài viết in tro, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2000, tr.108-111.

TS NGHIÊM THỊ THU NGA

Viện Văn hóa và Phát triển,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền