Trang chủ    Diễn đàn    Đi lên chủ nghĩa xã hội sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta
Thứ ba, 23 Tháng 11 2021 14:54
21095 Lượt xem

Đi lên chủ nghĩa xã hội sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta

(LLCT) - Đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và nhân dân ta; trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới đất nước. Bằng thực tiễn những năm tháng Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước, đến với CNXH khoa học và tìm ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam; từ thực tiễn lịch sử hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, bài viết góp phần làm rõ tính đúng đắn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Đi lên chủ nghĩa xã hội sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán  của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta . Ảnh: ajc.hcma.vn

1. Làm rõ tính đúng đắn của con đường đi lên CNXH, bỏ qua chế độ TBCN là nội dung rất cơ bản của công tác lý luận chính trị và tư tưởng hiện nay. Vấn đề này được nhiều người nhất trí, song không phải là không có tiếng nói ngược, nhất là trong tình hình quốc tế chuyển biến nhanh chóng và phức tạp như hiện nay. Đặc biệt là từ sau sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thì những thế lực phản động và không ít kẻ “ăn theo”, “nói leo” được thể lu loa đủ điều rằng: Chủ nghĩa Mác - Lênin đã hết thời, CNXH đã chết, lý tưởng cộng sản chủ nghĩa đã cáo chung, v.v..

Ở nước ta, thời gian qua cũng xuất hiện những luận điệu tương tự. Có người cho rằng, con đường XHCN mà Hồ Chí Minh, Đảng ta đã chọn là con đường tốn xương máu của dân tộc, nếu đi con đường khác thì có thể tránh được mấy cuộc chiến tranh tàn khốc? Có kẻ rêu rao rằng, Hồ Chí Minh đem chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam quá sớm và dường như đó là nguồn gốc chậm tiến, lạc hậu của Việt Nam, nếu không thì Việt Nam đã là nước giàu mạnh! Không ít kẻ đòi Đảng ta xem xét lại con đường XHCN mà Đảng và dân tộc ta đã lựa chọn, thậm chí còn đòi bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ghi trong điều 4 Hiến pháp nước ta, v.v.. Thực chất của những luận điệu trên là muốn chúng ta từ bỏ con đường XHCN, đi theo con đường TBCN.

Quá trình Hồ Chí Minh đến với CNXH khoa học và quá trình vận động thành lập Đảng ta là quá trình chọn lựa để xác lập quyền lãnh đạo của giai cấp công nhân Việt Nam và con đường cứu nước theo phương hướng XHCN.

Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước bị đế quốc Pháp xâm lược, dân tộc bị chìm đắm trong vòng nô lệ, từ thuở thiếu thời, Hồ Chí Minh đã trực tiếp thấy sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân, đế quốc, đã sớm tiếp thu truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam và đã “có chí đuổi thực dân, giải phóng đồng bào”. Người còn chứng kiến những phong trào yêu nước chống Pháp bị đàn áp dã man, đồng thời sớm biết rút kinh nghiệm thất bại của các con đường giành độc lập theo quan điểm cũ để tìm con đường mới. Khác với các sĩ phu yêu nước lớp trước, Người quyết định đi sang phương Tây, nơi có khẩu hiệu: “Tự do, bình đẳng, bác ái” tìm con đường cứu nước theo phương hướng mới rồi “trở về giúp đồng bào”. Đây là quyết định sáng suốt, thể hiện tư duy sắc bén và đầy trách nhiệm trước vận mệnh và tương lai của dân tộc Việt Nam. Như vậy, “độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào” là điếm xuất phát, là động lực thúc đẩy Hồ Chí Minh ra đi tìm chân lý cách mạng.

Trong gần mười năm (1911-1920) bôn ba khắp các châu lục, Hồ Chí Minh thấy rõ sự thống trị vô nhân đạo của chủ nghĩa thực dân, đế quốc và cuộc sống cực khổ, lầm than của những người lao động thuộc mọi màu da. Từ đó, ở Người dần dần hình thành ý thức và lập trường giai cấp. Trong cuộc hành trình này, Người đã đến ba nước đế quốc lớn là Mỹ, Anh, Pháp, có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu kỹ cuộc Cách mạng Mỹ (1776) và cuộc Cách mạng Pháp (1789). Người rút ra nhận xét: Cách mạng Mỹ và cách mạng Pháp tuy nêu khẩu hiệu “Tự do, bình đẳng, bác ái”, nhưng không đưa lại tự do, bình đẳng, bác ái thật sự cho quần chúng lao động; tiếng là cộng hòa, dân chủ, nhưng trong thì tước đoạt công nông, ngoài thì tăng cường áp bức dân thuộc địa.

Người cho rằng, đó đều là những cuộc cách mạng “không đến nơi”. Sau đó không lâu, Người viết: “Mỹ tuy rằng cách mệnh thành công đã hơn 150 năm nay, nhưng công nông vẫn cực khổ, vẫn cứ lo tính cách mệnh lần thứ hai”(1), còn Pháp thì: “Cách mệnh đã 4 lần rồi, mà nay công nông Pháp hẵng còn mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức”(2).

 Theo Người, cách mạng giải phóng dân tộc không thể đi theo cách mạng tư sản. Nhận xét đó xuất phát từ lập trường giai cấp vô sản, thể hiện tư duy xét đoán sáng suốt của Hồ Chí Minh. Cuộc hành trình gần mười năm khắp các châu lục, lăn lộn trong cuộc sống của các dân tộc bị áp bức là cơ sở thực tiễn để Hồ Chí Minh đến với CNXH khoa học.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng mười Nga năm 1917 và việc thành lập Quốc tế Công sản năm 1919 có ảnh hưởng quan trọng đến tư tưởng và hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, đặc biệt là “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lênin đã làm bừng sáng trong tư tưởng của Người. Bởi Luận cương đã giải quyết trọn vẹn vấn đề mà Người đặc biệt quan tâm, đó là cách mạng thuộc địa được đặt trong quỹ đạo của cách mạng XHCN, chứ không phải trong quỹ đạo của cách mạng tư sản. Người tiếp thu Luận cương với niềm phấn khởi và tin tưởng. Người khẳng định: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”(3). Với trái tim nồng cháy vì độc lập, tự do và lý tưởng XHCN, Người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp, trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Sự kiện này đánh đấu sự kết hợp dân tộc và giai cấp, quốc gia và quốc tế, độc lập dân tộc và CNXH trong tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh. Đây là nhân tố có ý nghĩa quyết định để Người chuyển hẳn từ chủ nghĩa yêu nước sang CNXH khoa học.

Từ mục tiêu giành độc lập cho dân tộc đến với giai cấp công nhân và nhân dân lao động quốc tế, từ chủ nghĩa yêu nước đến với CNXH khoa học, Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cách mạng đúng đắn giành độc lập cho dân tộc Việt Nam, tiếp nối vĩ đại sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam trên cơ sở sức mạnh mới, sức mạnh của thời đại quá độ lên CNXH được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga.

Về khách quan, đó là phản ánh xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam trong thời đại mới là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Về chủ quan, đó là phát hiện khoa học của Hồ Chí Minh. Thiên tài của Người là trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc thống trị hoàn cầu, CNXH còn xa lạ với nhiều dân tộc trên thế giới và cách mạng Việt Nam đang trong tình trạng “đen tối như không có đường ra” thì Hồ Chí Minh đã nhận thức được chân lý đó.

Tìm ra con đường cứu nước theo phương hướng XHCN là công lao vĩ đại đầu tiên của Hồ Chí Minh. Kể từ đây, Người thực hiện một quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH khoa học về Việt Nam, tiến tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam để lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bởi lý luận của CNXH khoa học đã chỉ ra rằng: “Trong cuộc đấu tranh của mình chống quyền lực liên hợp của các giai cấp có của, giai cấp công nhân chỉ khi được tổ chức thành một chính đảng độc lập, đối lập với tất cả các chính đảng cũ do các giai cấp có của lập nên, thì mới có thể hành động với tư cách là một giai cấp”(4).

Những năm 20 thế kỷ XX, trong một số bài viết, Người nhiều lần đề cập đến sự cần thiết phải thành lập Đảng Cộng sản theo học thuyết CNXH khoa học để lãnh đạo quần chúng trong nước và ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản thế giới để đưa cách mạng đến thành công. Cũng vào những năm 20 thế kỷ trước, giữa lúc trên thế giới xuất hiện nhiều trào lưu cách mạng, nhiều khuynh hướng tư tưởng, Hồ Chí Minh đã khẳng định vấn đề có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng Đảng theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo CNXH khoa học. Với nhận thức lý luận đó, sinh hoạt trong Đảng Cộng sản Pháp, trực tiếp tìm hiểu Đảng Cộng sản Liên Xô, Trung Quốc và các đảng anh em khác, Người đã dẫn dắt những thanh niên Việt Nam yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với CNXH khoa học, tạo tiền đề cho việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Được học tập lý luận Mác - Lênin, học thuyết CNXH khoa học kết hợp với hoạt động thực tiễn trong phong trào yêu nước và cách mạng dưới sự hướng dẫn của Hồ Chí Minh, các thanh niên Việt Nam yêu nước đã đóng vai trò nòng cốt trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH khoa học và những tư tưởng cách mạng của Người trong những người Việt Nam yêu nước một cách sâu rộng. Cụ thể là đã phát triển tổ chức trong công nhân, nông dân ở các trung tâm công nghiệp, đô thị, hầm mỏ, nông thôn và ảnh hưởng ngày càng lan rộng, đẩy phong trào đấu tranh chống đế quốc dâng lên mạnh mẽ, có bước phát triển mới, đáp ứng yêu cầu của phong trào đấu tranh giành độc lập, tự do.

 Những năm 1924-1929 là thời kỳ chuyển biến của phong trào cách mạng Việt Nam, cũng là thời kỳ xuất hiện nhiều tổ chức và khuynh hướng chính trị khác nhau. Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập, một mặt đấu tranh chống lại luận điệu lừa bịp của thực dân Pháp và tay sai, mặt khác đấu tranh với những quan điểm sai trái của chủ nghĩa cải lương, chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi do giai cấp tư sản và tiểu tư sản đề xướng, nhằm xác lập hệ tư tưởng CNXH khoa học trong giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Qua cuộc đấu tranh, lập trường đúng đắn và cách mạng của Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đã thắng lập trường tư sản và tiểu tư sản.

Thực tiễn trên chứng tỏ chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXH khoa học và những tư tưởng cách mạng của Hồ Chí Minh thông qua những học trò của Người đã thực sự thâm nhập vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước, tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ mạnh mẽ, dẫn tới thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930.

Sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh cách mạng đúng đắn do Hồ Chí Minh soạn thảo đã kết thúc thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước của cách mạng Việt Nam. Cương lĩnh chỉ rõ: “Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, tức là tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở đường tiến lên CNXH, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là chủ trương cách mạng triệt để, là sự vận dụng sáng tạo học thuyết cách mạng không ngừng của chủ nghĩa Mác - Lênin và quan điểm độc lập dân tộc gắn liền với CNXH vào hoàn cảnh và điều kiện cụ thể của Việt Nam, một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

Cách mạng Việt Nam từ đây có người lãnh đạo đúng đắn là Đảng Cộng sản Việt Nam, được vũ trang bằng học thuyết CNXH khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin. Quá trình lựa chọn, xác định con đường đi lên CNXH của cách mạng Việt Nam là quá trình đấu tranh gian khổ, thậm chí còn bị hiểu lầm, hiểu sai đáng tiếc. Phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam phải trải qua cuộc đấu tranh trong nội bộ chống lại tư tưởng, tâm lý tiểu tư sản, tự do, đồng thời phải đấu tranh gay go, ác liệt với kẻ thù. Nhiều chiến sĩ cộng sản đã bị bắt, bị giam cầm, bị giết hại, hy sinh trước họng súng của quân thù, nhưng vẫn tin tưởng vững chắc vào mục tiêu, lý tưởng và con đường XHCN mà Đảng và Hồ Chí Minh đã lựa chọn cho dân tộc Việt Nam.

Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH là con đường đúng đắn, đúng quy luật của lịch sử nhân loại, là sự lựa chọn sáng suốt có ý nghĩa thời đại, thể hiện trí tuệ anh minh, sáng suốt, tình cảm giai cấp và dân tộc của Hồ Chí Minh. Mục tiêu và con đường XHCN được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta nhận thức và vận dụng trong từng thời kỳ lịch sử cụ thể với những nhiệm vụ, bước đi và phương pháp phù hợp. Thực tiễn cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng ta trong hơn 90 năm qua là quá trình thực hiện và hoàn thiện dần mục tiêu và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam đã chứng minh tư tưởng và sự lựa chọn đúng đắn và sáng suốt của Hồ Chí Minh về CNXH - mục tiêu của nhân loại tiến bộ trong thời đại ngày nay.

2. Đi lên CNXH ở Việt Nam là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng ta do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện. Độc lập dân tộc gắn liền với CNXH được đặt ra ngay từ đầu và trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện CNXH và CNXH là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc.

Con đường XHCN mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta lựa chọn nhất thiết phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen. Đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới. Thực chất đó là một cuộc cách mạng nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội n­ước ta.

Để xác định đúng đắn con đường đi lên CNXH, đòi hỏi không chỉ xác định đúng xu thế phát triển của lịch sử, xác định đúng mục tiêu, mà còn phải phác thảo được những đường nét cơ bản môhình hay còn gọi là đặc tr­ưng của CNXH, đồng thời phản ánh được nét đặc sắc của truyền thống dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Trên cơ sở nhận thức về xu thế phát triển của lịch sử, dựa trên nền tảng của chủ nghĩa Mác - Lênin, t­ư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn công cuộc đổi mới, Đảng ta nhận thức rõ hơn việc xác định những đặc tr­ưng của CNXH là yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công cuộc xây dựng CNXH ở n­ước ta. Vì đây là định hướng để Đảng và Nhà n­ước ta hoạch định đường lối, chủ tr­ương, chính sách nhằm hiện thực hóa mục tiêu của CNXH ở Việt Nam.

Trong C­ương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định tám đặc trưng của CNXH, đó là: "Xã hội xã hội chủ nghĩa  mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, n­ước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực l­ượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con ng­ười có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các n­ước trên thế giới"(5).

Tám đặc tr­ưng trên là thành quả của đổi mới nhận thức lý luận về CNXH phù hợp với thực tiễn Việt Nam, là thành quả kết hợp hài hòa giữa "cái phổ biến" và "cái đặc thù", thể hiện tính ư­u việt của CNXH mà nhân dân ta xây dựng, mang sắc thái riêng của mô hình CNXH Việt Nam và sẽ được từng bước hiện thực hóa trong cuộc sống.

Tuy nhiên, xây dựng thành công CNXH ở nước ta là sự nghiệp khó khăn, tất yếu phải trải qua thời kỳ quá độ lâu dài, trong đó nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn rất cơ bản được đặt ra cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và giải quyết một cách thấu đáo. Sự chuyển biến của tình hình quốc tế hiện nay và thực tiễn xây dựng CNXH ở n­ước ta trong thời gian tới sẽ cung cấp thêm những căn cứ để Đảng ta bổ sung những nhận thức mới về mô hình CNXH và con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Mục tiêu tổng quát để khi kết thúc thời kỳ quá độ ở n­ước ta là xây dựng được về cơ bản nền tảng kinh tế của CNXH với kiến trúc th­ượng tầng về chính trị, tư­ t­ưởng và văn hóa phù hợp, tạo cơ sở để n­ước ta trở thành một nước XHCN ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

Từ nay đến giữa thế kỷ XXI, toàn Đảng, toàn dân ta ra sức phấn đấu xây dựng n­ước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định h­ướng XHCN.Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, cần quán triệt các ph­ương h­ướng và nhiệm vụ cơ bản sau: đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất n­ước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên môi tr­ường; phát triển nền kinh tế thị tr­ường định hướng XHCN; xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con ng­ười, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đoàn kết toàn dân tộc, tăng c­ường, mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; xây dựng Nhà n­ước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân; xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh.

Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta lãnh đạo sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, chính là làm cho mục tiêu này thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn về CNXH, bằng những hình thức, b­ước đi và biện pháp phù hợp, tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm nhằm đạt những thành tựu to lớn và vững chắc hơn trong việc thực hiện những mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ mà Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) đã nêu.

__________________

(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.291, 296.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.563.

 (4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Tuyển tập, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1983, t.IV, tr.207.

 (5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.

                                                               ThS LÊ MINH PHƯƠNG

Tạp chí Lý luận chính trị

                                                                Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

ThS ĐỚI GIA THIÊN LINH

Trường Đại học Sư phạm II Hà Nội

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền