Trang chủ    Diễn đàn    Phê phán các luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam của Tổ chức Phóng viên không biên giới
Thứ năm, 25 Tháng 11 2021 14:24
1926 Lượt xem

Phê phán các luận điệu xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam của Tổ chức Phóng viên không biên giới

 

(LLCT) - Thời gian qua, một số cá nhân và tổ chức phản động đã cố tình quy chụp, xuyên tạc tình hình tự do báo chí ở Việt Nam. Chiêu bài “tự do báo chí”, “tự do ngôn luận” cùng với vấn đề “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” là chiêu bài thâm độc của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng, Nhà nước ta. Báo cáo về tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng viên không biên giới lại tiếp tục xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia có chỉ số tự do báo chí thấp. Vậy, thực chất của những luận điệu xuyên tạc, bóp méo tình hình tự do báo chí ở Việt Nam là gì?, bài viết góp phần làm rõ những vấn đề trên, đồng thời khẳng định, ở Việt Nam, tự do báo chí, tự do ngôn luận được Nhà nước bảo đảm, thể hiện rõ trên cả khía cạnh pháp lý và thực tiễn.

 

Chiều 23-4-2020, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Ngô Toàn Thắng đã lên tiếng về việc Tổ chức Phóng viên Không biên giới xếp hạng Việt Nam đứng thứ 176/180 nước về tự do báo chí. Ảnh: TTXVN

1. Luận điểm sai trái, thù địch trong Báo cáo về tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng viên không biên giới

Phóng viên không biên giới (Reporters sans frontières - RSF) là một tổ chức phi chính phủ hoạt động toàn cầu, lấy Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền của Liên hợp quốc làm cơ sở để hành động, với mục đích bảo vệ tự do báo chí trên thế giới, chống kiểm duyệt và tạo áp lực, giúp đỡ những nhà báo đang bị giam giữ. Hằng năm, vào ngày Nhân quyền thế giới, Tổ chức này thường đưa ra bảng xếp hạng về tự do báo chí của 180 quốc gia, bằng cách tổng hợp các câu trả lời vào một bảng câu hỏi của RSF. Các tiêu chí được sử dụng trong bảng hỏi là tính đa nguyên, tính độc lập của phương tiện truyền thông, môi trường truyền thông và khả năng tự kiểm duyệt, khuôn khổ pháp luật, tính minh bạch và chất lượng của cơ sở hạ tầng hỗ trợ việc sản xuất tin tức và thông tin.

Nhìn vào mục đích trên, nhiều người nghĩ rằng RSF là một tổ chức chân chính, hoạt động vì sự tiến bộ, thúc đẩy tự do và văn minh của thế giới. Nhưng trái ngược với chủ trương của Liên hợp quốc, nhiều năm nay tổ chức này thường xuyên có những luận điệu sai trái, xuyên tạc tình hình tự do báo chí, tự do ngôn luận của một số nước, trong đó có Việt Nam. Trong bảng xếp hạng năm 2020, một lần nữa, RSF xếp Việt Nam đứng thứ 175/180 nước về tự do báo chí với lý do chủ yếu được đưa ra là Nhà nước ta “đàn áp các blogger” - những người họ cho rằng có “tư tưởng dân chủ tiến bộ, đề cao phát ngôn tự do” mà thực chất đây là những kẻ lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để vu cáo, xuyên tạc tình hình Việt Nam. Trên thực tế, mức độ xác thực của tổ chức RSF và bảng xếp hạng thường niên này như thế nào?

Thứ nhất, RSF không đưa ra khái niệm về “tự do báo chí”, tức là tổ chức này đã không hình thành được một định nghĩa và cách hiểu cơ bản về tự do báo chí. Một tổ chức tự cho là bảo vệ nền báo chí thế giới theo phương thức khoa học nhưng cách thức tiếp cận lại không dựa trên nền tảng hiểu biết chung!

Thứ hai, những yếu tố được tổ chức này sử dụng để đánh giá tự do của một nền báo chí  không cân nhắc đến các yếu tố văn hóa, xã hội, nhận thức của từng quốc gia riêng biệt. Phương pháp đánh giá chưa đủ tính khách quan, thiếu minh bạch. Nếu như hiểu theo cách đánh giá mà tổ chức này đưa ra năm 2015 rằng “tự do truyền thông tương quan thuận với tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người, sự ổn định và phát triển kinh tế” thì đây rõ ràng là một góc nhìn thiên vị cho các nước tư bản và các nền kinh tế lớn. Không một mô hình dân chủ nào ủng hộ mối tương quan như vậy với báo chí(1). Khi theo dõi phần trình bày về lý do cho bảng xếp hạng này, có rất ít bằng chứng, minh chứng cụ thể, xác thực cho những cáo buộc của tổ chức này với Chính phủ Việt Nam. Phần lớn những thông tin được đưa ra là vô căn cứ, hoặc được phóng đại.

Giáo sư Cherian George (Xinhgapo) là tác giả cuốn “Freedom From The Press”, từng chỉ trích bảng xếp hạng của RSF là “thiếu độ tin cậy”. Tác giả chỉ ra một lỗ hổng cơ bản: “Khi biên soạn một chỉ số là tập hợp các chỉ số khác nhau, phần khó khăn là gắn sự quan trọng nào vào từng chỉ số riêng biệt”. RSF bỏ qua vấn đề cơ bản này và không khai báo trọng số tương đối của các chỉ số khác nhau trong chỉ mục của nó(2). Chưa kể, không thể có sự khách quan từ những đối tượng cơ hội chính trị, thù địch với Đảng, Nhà nước và chế độ ta mà tổ chức này tiến hành khảo sát. Trong khi, báo chí, truyền thông và một số tổ chức phương Tây thiếu thiện chí luôn đóng khung những quan điểm tiêu cực về Đảng, Nhà nước và chế độ chính trị ở Việt Nam bằng việc sử dụng các luận điệu xuyên tạc của những đối tượng nêu trên. Sự thiếu minh bạch của RSF liên quan đến cả dữ liệu chính và phương pháp tạo thành điểm số, khiến cho tổ chức này tùy tiện trong việc xếp thứ hạng các quốc gia.

Không những thế, RSF bị cáo buộc là nhận tài trợ từ Chính phủ Pháp và Chính phủ Mỹ... nên luôn xếp thứ hạng cao cho những nước này(3). RSF bác bỏ các cáo buộc về một chương trình nghị sự chính trị, nhưng xác nhận đã nhận tài trợ từ Quỹ Quốc gia vì Dân chủ, thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ(4). Xếp hạng của RSF luôn dựa vào “danh sách đen” của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó nổi lên các nước như Iran, Xyri, Triều Tiên, Việt Nam, Cuba, Trung Quốc. RSF cũng né tránh, không đưa ra bất kỳ báo cáo nào về hoạt động chống lại nhà báo của Mỹ và các đồng minh. Giáo sư Salim Lamrani của Đại học La Réunion (Pháp) chỉ rõ “RSF không phải là một tổ chức bảo vệ quyền tự do báo chí, nhưng là một thực thể ít người biết đến với một chương trình nghị sự chính trị được ủy quyền để làm mất uy tín các nước nằm trong danh sách đen của Hoa Kỳ”(5).

2. Không có tự do báo chí tuyệt đối, không điều kiện

Trong tiến trình phát triển của nhân loại, chưa bao giờ có “tự do báo chí tuyệt đối” hay “tự do báo chí không giới hạn”. Nếu ai đó tin rằng có tự do báo chí tuyệt đối, tự do báo chí cho mọi người thì hoặc là họ ngây thơ về chính trị, hoặc cố tình phủ nhận sự thật. Ở những nước có nền truyền thông phát triển hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh thì tự do báo chí cũng đều phải tuân theo những nguyên tắc, chuẩn mực và luật lệ nhất định của nước đó. 

Trên thực tế, các công ước quốc tế cũng như luật pháp của các nước đều coi tự do báo chí là một quyền cơ bản, nhưng đó không phải là sự tự do tuyệt đối mà phải có giới hạn nhất định. Tại khoản 3, Điều 19, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện những quyền quy định tại khoản 2 điều này kèm theo những nghĩa vụ và trách nhiệm đặc biệt. Do đó, việc này có thể phải chịu một số hạn chế nhất định, tuy nhiên, những hạn chế này phải được quy định trong pháp luật và là cần thiết để: a) Tôn trọng các quyền hoặc uy tín của người khác, b) Bảo vệ an ninh quốc gia hoặc trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của xã hội”. Việc thực hiện tự do báo chí ở mỗi quốc gia phải phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử, văn hóa, trình độ dân trí, thể chế chính trị của mỗi nước và không được phép lợi dụng quyền cơ bản này để xâm hại lợi ích quốc gia-dân tộc, làm phương hại danh dự, nhân phẩm người khác, ảnh hưởng tiêu cực đến đạo đức cộng đồng, trật tự xã hội.

Báo chí bao giờ cũng mang tính giai cấp. Báo chí là công cụ, vũ khí của giai cấp nhằm bảo vệ quyền lợi và vai trò của giai cấp thống trị. Vì vậy, tự do ngôn luận, tự do báo chí trong chế độ chính trị xã hội khác nhau thì mang nội hàm khác nhau. Khi hỏi: “Tự do báo chí nào? Để làm gì? Cho giai cấp nào?”, V.I. Lênin đã thẳng thắn bày tỏ: “Chúng tôi không tin vào những cái tuyệt đối. “Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Không thể bàn luận về đạo đức và quyền hạn nếu không bàn tới vấn đề về khả năng chịu trách nhiệm của con người, về mối quan hệ giữa tất yếu và tự do...”(6). Từ đó suy ra, con người có tự do là con người nhận thức được tính tất yếu và tự do phải gắn liền với trách nhiệm. Vì vậy, tự do ngôn luận, tự do báo chí chỉ có thể đạt được khi giai cấp cầm quyền lấy việc phục vụ lợi ích số đông nhân dân lao động là mục tiêu tối thượng của chính mình. 

Trong xã hội tư sản, không có một tờ báo, đài phát thanh, truyền hình nào lại có quan điểm khác với ông chủ tư sản sở hữu. Do nắm quyền về kinh tế nên các ông chủ đó dễ dàng điều hành và chi phối luồng ngôn luận và nguồn thông tin trên báo chí. Hiện tượng xuất hiện những quan điểm, ý kiến trái chiều trên báo chí tư sản thực chất là sự phản ánh cuộc đấu tranh của những nhóm quyền lực có lợi ích khác nhau trong giai cấp có sức chi phối các lợi ích xã hội.

Việc áp đặt những quan điểm, khái niệm về tự do báo chí của các nền dân chủ phương Tây làm tiêu chuẩn cho tất cả quốc gia là một cách tiếp cận sai lầm và vô lý. Sự áp đặt đó là nhằm làm giảm vị thế của các quốc gia khác, kéo dài sự phụ thuộc và mở rộng ảnh hưởng của các nước tư bản phương Tây. Trên thực tế, việc tuyên truyền những giá trị tự do, phát huy dân chủ như lý thuyết về “dòng chảy tự do của thông tin”, cho phép tự do truyền bá thông tin đến bất cứ đâu và vào bất cứ thời điểm nào theo mong muốn của nguồn phát, là một phương thức nhằm đạt được cả mục đích chính trị và kinh tế của các tập đoàn truyền thông tư bản. Báo chí trở thành công cụ đắc lực phục vụ quyền lợi của các nhà tư bản, bảo vệ lợi ích của những nhóm thiểu số. Vì thế, cần phải tuyệt đối cẩn trọng trong việc tiếp nhận các ý kiến, quan điểm tuyên truyền về tự do, dân chủ, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin, báo chí.

Như vậy, dù trong bất kỳ xã hội nào thì tự do báo chí chỉ mang tính tương đối, bởi tự do báo chí phải được thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật và phù hợp với điều kiện lịch sử cụ thể ở mỗi thời kỳ nhất định. Phấn đấu xây dựng một nền báo chí tự do, trong đó nhà báo được tự do hành nghề, tự do cống hiến sức sáng tạo để phục vụ công chúng theo đúng lương tâm và trách nhiệm của người làm báo chân chính không đồng nghĩa với việc tùy tiện viết bài với mưu đồ xấu, bất chấp cả pháp luật và đạo lý. Người làm báo ngoài sự chế định của pháp luật còn có sự chi phối của lương tâm, trách nhiệm và sự giác ngộ chính trị. Tự do sáng tạo trong báo chí phải đi liền với việc cung cấp thông tin trung thực, chính xác, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, vì lợi ích của đại đa số nhân dân. Điều cần nhấn mạnh là, ngoài các quy định của pháp luật, mỗi phóng viên, biên tập viên khi thao tác nghề nghiệp, đều cần cân nhắc kỹ lưỡng khi xử lý một thông tin, một sự kiện: Nên hay không nên, hoặc chưa nên thông tin, bình luận nếu sự kiện đó làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc.

3. Tự do báo chí ở Việt Nam

Tự do báo chí ở Việt Nam đã hội tụ đủ những điều kiện của nó, từ phương diện lịch sử và pháp luật. Quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin của công dân Việt Nam đã được Nhà nước ta không ngừng hoàn thiện, quy định khá đầy đủ, với những nội dung cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, dễ thực hiện trong cuộc sống.

Phương diện lịch sử của tự do báo chí thể hiện ở trình độ nhận thức được tất yếu lịch sử, nhận thức được những quy luật vận động và phát triển của xã hội. Trong mỗi giai đoạn phát triển của lịch sử, tự do báo chí thuộc về giai cấp, lực lượng tiến bộ, các hoạt động báo chí phục vụ cho những mục tiêu đúng đắn, phù hợp với những quy luật khách quan, với tiến bộ xã hội.

Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động, luôn khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền cơ bản của con người và được xem là một thuộc tính, một bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa. Đây luôn là yêu cầu, mục tiêu nhất quán trong suốt tiến trình cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phê phán kịch liệt tình trạng mất tự do báo chí và kiên quyết đấu tranh để có tự do báo chí. Người coi báo chí là vũ khí lợi hại trong cuộc đấu tranh giành chính quyền và xây dựng cuộc sống mới của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động, của giai cấp công nhân. Tự do báo chí gắn với pháp luật, với trách nhiệm và nghĩa vụ của các công dân trong xã hội(7).

Là quốc gia thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, Việt Nam đã sớm tham gia vào các điều ước quốc tế về bảo đảm các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Trên phương diện pháp lý, tất cả các bản Hiến pháp của nước ta (1946, 1959, 1980, 1992, 2013) đều có những quy định về tự do ngôn luận, tự do báo chí và khẳng định đây là một trong những quyền cơ bản nhất của con người, của mọi công dân. Ở mỗi bản Hiến pháp, nội dung này được kế thừa, phát triển phù hợp từng điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của nước ta.

Điều 10, Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân được quy định một cách khái quát là: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”.

Hiến pháp năm 1959 quy định cụ thể hơn về quyền tự do báo chí, một mặt, khẳng định quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí của công dân; mặt khác xác định rõ vai trò của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện các quyền đó. Điều 25 xác nhận: “Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội và biểu tình. Nhà nước bảo đảm những điều kiện vật chất cần thiết để công dân được hưởng các quyền đó”.

Hiến pháp năm 1980 đánh dấu bước phát triển rõ hơn về nhận thức tự do báo chí ở nước ta. Điều 67 vừa xác nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, vừa chỉ rõ trách nhiệm của người sử dụng quyền tự do đó: “Công dân có các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do biểu tình, phù hợp với lợi ích của chủ nghĩa xã hội và của nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện vật chất cần thiết để công dân sử dụng các quyền đó. Không ai được lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích của Nhà nước và của nhân dân”.

Hiến pháp năm 1992 quy định một cách đầy đủ hơn về hoạt động báo chí và quyền tự do báo chí của công dân. Điều 33 quy định: “Nhà nước phát triển công tác thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình, điện ảnh, xuất bản, thư viện và các phương tiện thông tin đại chúng khác. Nghiêm cấm những hoạt động văn hóa, thông tin làm tổn hại lợi ích quốc gia, phá hoại nhân cách, đạo đức và lối sống tốt đẹp của người Việt Nam”. Điều 69 quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.

Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam và tiếp tục được khẳng định tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung và quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí nói riêng.

Như vậy, qua các lần sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Nhà nước ta luôn khẳng định, tôn trọng và có quy định bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí chân chính của nhân dân. Nội hàm của quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tiếp tục được thể hiện trong các Điều 10 và Điều 11 Luật Báo chí năm 2016. Điều 10 giải thích cụ thể công dân có các quyền tự do báo chí sau: 1. Sáng tạo tác phẩm báo chí; 2. Cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Phản hồi thông tin trên báo chí; 4. Tiếp cận thông tin báo chí; 5. Liên kết với cơ quan báo chí thực hiện sản phẩm báo chí; 6. In, phát hành báo in. Điều 11, Luật Báo chí năm 2016 cũng quy định cụ thể quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Theo đó, công dân có quyền phát biểu ý kiến về tình hình đất nước và thế giới; tham gia ý kiến xây dựng và thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; góp ý kiến, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức của Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác. Điều 13 ghi rõ: “Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng”.

Tính đến ngày 31-12-2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí, trong đó có 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74; 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92; có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 tạp chí điện tử). Cả nước có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình với 2 đài quốc gia (Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam), 1 Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội) với tổng số 87 kênh phát thanh và 193 kênh truyền hình(8).

Báo chí Việt Nam đã thực sự trở thành diễn đàn ngôn luận và công cụ để bảo vệ tự do và lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo... đều có quyền phát biểu, đề đạt nguyện vọng và đóng góp ý kiến cho các cấp chính quyền thông qua báo chí. Nhờ bám sát, đưa thông tin nhanh nhạy, đúng bản chất sự kiện, phân tích trúng vấn đề trọng điểm và định hướng dư luận rõ ràng mà báo chí đã làm tốt vai trò phản biện, mang lại hiệu quả xã hội rõ rệt.

Và nếu hiểu phản biện xã hội là sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong việc đóng góp ý kiến cho các chủ trương, quyết sách của Đảng và Nhà nước trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội thì đây là một công việc được thực hiện thường xuyên trên báo chí Việt Nam. Qua nhiều vụ việc như: Dự án khách sạn trong khuôn viên Công viên Thống nhất, Trung tâm thương mại 19-12, thành phố hai bên bờ sông Hồng, đường sắt cao tốc, bôxít Tây Nguyên, sự cố thủy điện Sông Tranh 2 (Quảng Nam), được - mất khi xây dựng thủy điện Đông Nai 6 và 6A, vụ thu hồi đất đai tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên)... sức mạnh của báo chí, niềm tin của công chúng đối với báo chí được nâng lên rõ rệt.

Như vậy, Báo cáo về tự do báo chí năm 2020 của Tổ chức Phóng viên không biên giới đã cố tình võ đoán, quy chụp, xuyên tạc để “bẻ cong” tình hình báo chí Việt Nam. Không khó để nhận ra đây chỉ là một trong nhiều chiêu bài nhằm chống phá Việt Nam, kích động sự chia rẽ... luôn song hành với các chiêu bài “nhân quyền”, “dân tộc”, “tự do tôn giáo” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” của những kẻ luôn nuôi tham vọng thay đổi chế độ ở Việt Nam. Việc phản ánh sai lệch, thiếu trung thực về tự do báo chí và phủ nhận những kết quả, nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong tạo điều kiện cho báo giới hoạt động và bảo đảm quyền biểu đạt, tự do thông tin của người dân là xuyên tạc sự thật khách quan. Điều này từ lâu đã lạc lõng khi tự do ngôn luận, tự do báo chí được Nhà nước tôn trọng và bảo vệ trên cơ sở từng người dân, từng nhà báo thực hiện đúng pháp luật, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì một Việt Nam dân chủ, thịnh vượng và văn minh.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 8-2021

(1) Giannone, Diego & de Frutos García, Ruth. (2016). Measuring Freedom of Information: Issues and Opportunities from an Expert Survey. International Journal of Communication. 10. 589-619, https://www.researchgate.net/publication/292308172_Measuring_Freedom_of_Information_Issues_and_Opportunities_from_an_Expert_Survey.

(2) https://www.theonlinecitizen.com/2009/11/02/why-rsfs-press-freedom-index-is-flawed-and-why-it-works/.

(3) https://www.worldpoliticsreview.com/articles/1312/the-reporters-without-borders-press-freedom-index-independent-assessment-or-eu-propaganda-part-i.

(4) https://www.theguardian.com/media/2005/may/19/pressandpublishing.usnews.

(5) http://axisoflogic.com/artman/publish/Article_56162.shtml.

(6) Dương Xuân Sơn, Đinh Văn Hường, Trần Quang: Cơ sở lý luận báo chí truyền thông, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.149.

(7) https://tcnn.vn/news/detail/19767/Quan_diem_cua_Chu_tich_Ho_Chi_Minh_ve_bao_chiall.html.

(8) https://www.sggp.org.vn/nam-2020-ca-nuoc-giam-71-co-quan-bao-chi-706158.html.

PGS, TS NGUYỄN THỊ TRƯỜNG GIANG

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền