Trang chủ    Diễn đàn    Giáo dục Việt Nam: từ bình đẳng giới ở trình độ thấp đến bình đẳng giới ở trình độ cao
Thứ sáu, 18 Tháng 10 2013 10:48
2844 Lượt xem

Giáo dục Việt Nam: từ bình đẳng giới ở trình độ thấp đến bình đẳng giới ở trình độ cao

(LLCT) - Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng cần phải tiến tới bình đẳng giới ở trình độ cao bằng cách mở rộng các cơ hội đến trường trung học phổ thông, trường cao đẳng và đại học. Nếu tỷ lệ nhập học trung học phổ thông đạt từ 90% trở lên và tỷ lệ nhập học đại học từ 50% trở lên thì lúc đó có thể nói là đạt được “bình đẳng giới ở trình độ cao” của sự phát triển giáo dục nói riêng và phát triển của cả xã hội nói chung.

 

Khái niệm “bình đẳng giới ở trình độ thấp” và “bình đẳng giới ở trình độ cao”

Trong lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới ở trình độ thấp có nghĩa là nam và nữ đạt được sự bình đẳng về cơ hội giáo dục nhưng chủ yếu ở trình độ thấp của giáo dục như mới ở trình độ biết đọc, biết viết, cấp học thấp như tiểu học và trung học cơ sở. “Bình đẳng giới ở trình độ thấp” cũng có nghĩa là mới đạt được sự bình đẳng về cơ hội ít ỏi ở cấp học cao hơn như trung học phổ thông và nhất là ở đại học. Bảng số liệu dưới đây có thể cho biết rõ nội dung khái niệm này. Năm 2009: ở cấp học thấp là tiểu học, tỷ lệ đi học của nam và nữ gần như bình đẳng tuyệt đối với 95,5% nam và 95,4%. Ở cấp trung học cơ sở tỷ lệ nữ nhập học đúng tuổi còn cao hơn cả tỷ lệ nam (83,9% nữ so với 81,4% nam). Có thể nói bình đẳng giới đã đạt được trên hai cấp học thấp này trong hệ thống năm cấp học của Việt Nam. Tỷ lệ nhập học đúng tuổi đại học mặc dù chỉ đạt mức rất thấp là 9,6% (bảng 1), nhưng vẫn đạt được sự bình đẳng giới rất cao đến mức vượt trội với tỷ lệ nữ nhiều hơn tỷ lệ nam.Bình đẳng giới ở trình độ cao có nghĩa là nam và nữ đều bình đẳng về nhiều cơ hội nhập học bậc cao từ trung học phổ thông đến cao đẳng, đại học và sau đại học. Giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục đại học (GDĐH) nói riêng cần phải tiến tới bình đẳng giới ở trình độ cao bằng cách mở rộng các cơ hội đến trường trung học phổ thông, trường cao đẳng và đại học. Nếu tỷ lệ nhập học trung học phổ thông đạt từ 90% trở lên và tỷ lệ nhập học đại học từ 50% trở lên thì lúc đó có thể nói là đạt được “bình đẳng giới ở trình độ cao” của sự phát triển giáo dục nói riêng và phát triển của cả xã hội nói chung.

 

Bảng 1: Tỷ lệ nhập học đúng tuổi các cấp học 

chia theo nam và nữ, năm 2009

Đvt: %

 

Tiểu học

Trung học cơ sở

Trung học phổ thông

Cao đẳng

Đại học

Chung

Nam

Nữ

95,5

95,5

95,4

82,6

81,4

83,9

56,7

53,1

60,6

6,7

6,0

7,4

9,6

9,1

10,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Giáo dục ở Việt Nam: phân tích các chỉ số chủ yếu, Hà Nội, 2011, bảng 4.2, tr.36.

 

Thực trạng vấn đề bất bình đẳng giới và sự cần thiết phải tiến đến bình đẳng giới ở trình độ cao

Có quan niệm rất phổ biến hiện nay trong lĩnh vực hoạch định chính sách và quản lý giáo dục là Việt Nam đang “thừa thày, thiếu thợ”. Khoảng 80-90% cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp ở các tỉnh, thành phố trong cả nước được hỏi về vấn đề này đều tỏ ra đồng ý với nhận định như vậy và đều cho rằng cần phải ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục chứ không phải mở rộng quy mô giáo dục.

Do vậy, việc đặt ra mục tiêu bình đẳng giới ở trình độ cao liên quan trực tiếp tới vấn đề Việt Nam có thực sự “thừa thày, thiếu thợ” hay không? Để giải đáp những câu hỏi như vậy cần phải xem xét giáo dục nói chung và nhất là GDĐH trong mối quan hệ với các lĩnh vực khác nhất là kinh tế của cả nước và thậm chí cả so sánh với những quốc gia xung quanh. Nói cách khác yêu cầu về bình đẳng giới ở trình độ cao gắn liền với yêu cầu về mở rộng quy mô GDĐH bắt nguồn từ các yêu cầu thực tiễn ở ngoài hệ thống giáo dục, đúng hơn là bắt nguồn từ yêu cầu của sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước ta trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới và toàn cầu hóa hiện nay.

Cần nói rõ một điều nữa là: nếu chỉ xem xét những vấn đề nội bộ của hệ thống giáo dục thì khó có thể phát hiện thấy các yêu cầu khách quan, trong đó có yêu cầu phải tiến đến “bình đẳng giới ở trình độ cao” đối với GDĐH của Việt Nam. Nếu chỉ xem xét những vấn đề nội bộ liên quan đến mục tiêu, nội dung, chương trình giáo dục và các khách thể, chủ thể, đối tượng trong nội bộ hệ thống giáo dục thì nhiều lắm các nhà làm luật, hoạch định chính sách giáo dục và cả nhà nghiên cứu giáo dục thuần túy cũng chỉ làm cho “ngôi nhà giáo dục” được sạch đẹp và chất lượng cao, nhưng chưa chắc đã giúp được gì nhiều cho sự phát triển chung của cả xã hội.

Có thể thấy rằng vấn đề tiến tới bình đẳng giới ở trình độ cao là phải mở rộng các cơ hội đến trường ở các cấp học cao từ trung học phổ thông trở lên và nhất là đại học. Nói cách khác, vấn đề là mở rộng cơ hội vào đại học, là mở rộng quy mô GDĐH. Để làm rõ sự cần thiết phải tiến tới bình đẳng giới ở trình độ cao bằng cách mở rộng quy mô GDĐH, cần xem xét một số bằng chứng từ số liệu thống kê hiện có về trình độ lực lượng lao động của Việt Nam.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, một bộ phận của lực lượng lao động chất lượng cao (nhân lực chất lượng cao) của Việt Nam làm việc trong hai nhóm “nghề nghiệp chất lượng cao” sau đây: một là nhóm nghề “lãnh đạo, quản lý” gồm 410.291 ngườichiếm 0,9% và hai là nhóm nghề “có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao” gồm 2.112.304 người chiếm 4,4% trong tổng số 47.682.334 ngườilao động có việc làm của cả nước. Như vậy, “lực lượng lao động chất lượng cao” đang có việc làm ở hai nhóm nghề nghiệp chất lượng cao (nghề lãnh đạo, quản lý và nghề có trình độ chuyên môn bậc cao) nêu trên bao gồm 2.522.595 người chiếm 5,3% tổng số lao động có việc làm năm 2009 (bảng 2).

Mặc dù trong số các “nhà lãnh đạo, quản lý”, phụ nữ chỉ chiếm 23% còn nam giới chiếm tới 77%, chứng tỏ có vấn đề bất bình đẳng giới rất lớn, nhưng nghề nghiệp này mới chỉ chiếm 0,9% lực lượng lao động. Nghề nghiệp “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” có tỷ lệ lao động nam và nữ chênh lệch nhau không nhiều, chứng tỏ đã tiến rất gần đến bình đẳng giới. Tính chung cho cả hai nhóm nghề nghiệp chất lượng cao này có thể thấy tỷ lệ nữ đạt trên 45% tức là đạt mức bình đẳng giới khá cao nhưng ở trình độ thấp của sự phát triển nghề nghiệp khi tỷ trọng của cả hai nghề nghiệp này mới đạt ở mức thấp là 5,3% (bảng 2 và 3).

Chỉ cần so sánh tỷ trọng nghề nghiệp chất lượng cao là 5,3% (gồm nghề lãnh đạo và nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao) với tỷ trọng hơn 40% lao động Việt Nam làm “nghề giản đơn” cũng đủ để thấy trình độ còn rất thấp của cấu trúc chất lượng nghề nghiệp ở Việt Nam hiện nay (bảng 3). Cũng cần chú ý rằng các nghề nghiệp giản đơn và nghề nghiệp có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc thấp thường đem lại thu nhập thấp, địa vị xã hội thấp trong điều kiện lao động bấp bênh, không ổn định, thiếu an toàn và thiếu vệ sinh lao động. Thu nhập bình quân của người làm nghề nghiệp có trình độ chuyên môn bậc cao bằng 160% mức thu nhập trung bình của người lao động, trong khi đó thu nhập của người làm nghề nghiệp “giản đơn” chỉ bằng 60% mức thu nhập trung bình.

Lực lượng lao động chất lượng cao làm việc trong nghề nghiệp chất lượng cao chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ bé như vậy là do trình độ chuyên môn kỹ thuật đạt được còn rất thấp kém của lực lượng lao động Việt Nam. Điều này thể hiện rõ ở cấu trúc trình độ chuyên môn kỹ thuật đã đạt được của dân số Việt Nam từ 15 tuổi trở lên. Việt Nam mới chỉ có 13,3% dân số từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo chuyên môn kỹ thuật từ trình độ “sơ cấp” đến trình độ “trên đại học” và 86,7% chưa được đào tạo. Trong dân số từ 15 tuổi trở lên đã được đào tạo, mới chỉ có 6% đạt trình độ chất lượng cao tức là đạt trình độ “cao đẳng, đại học, trên đại học”, trong đó tỷ lệ nam là 6,5% và tỷ lệ nữ là 5,4%. Với tỷ lệ như vậy có thể nói Việt Nam có bình đẳng giới nhưng ở trình độ thấp của sự phát triển nguồn nhân lực cho xã hội.

Bảng 2: Số lượng và tỷ lệ phần trăm lao động làm nghề nghiệp “lãnh đạo” và “chuyên môn kỹ thuật bậc cao” chia theo nam và nữ, năm 2009

Nghề nghiệp

Chung

Nam

Nữ

Tổng số

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

Tổng số

47.682.334

100

24.768.904

51,95

22.913.430

48,05

1. Lãnh đạo

410.291

100

316.006

77,02

94.285

22,98

2. CMKT bậc cao

2.112.304

100

1.069.390

50,63

1.042.914

49,37

1 + 2

2.522.595

100

1.385.396

54,9

1.137.199

45,1

Tỷ trọng (1+2)/tổng số

5,29

 

5,59

 

4,96

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra dân số và nhà ở Việt Nam năm 2009: Các kết quả chủ yếu, biểu 8.6, tr.107.

 

Bảng 3: Cấu trúc xã hội nghề nghiệp của lao động có việc làm chia theo nam và nữ,năm 2009

                                                                                                                                                                  Đvt: %

Nghề nghiệp

Tổng số

Nam

Nữ

% nữ

Tổng số

100

100

100

48,1

1.  Nhà lãnh đạo

0,9

1,3

0,4

23,0

2. Chuyên môn kỹ thuật bậc cao

4,4

4,3

4,6

49,4

3. Chuyên môn kỹ thuật bậc trung

3,6

3,0

4,1

55,8

4. Nhân viên

1,3

1,3

1,3

47,4

5. Dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng

12,4

8,7

16,4

63,6

6. Nghề trong nông, lâm, ngư nghiệp

18,5

20,2

16,7

43,2

7. Thợ thủ công và các thợ khác có liên quan

11.6

16.1

6.7

27.7

8. Thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị

7.0

8.2

5.7

39.3

9. Nghề giản đơn

40.3

36.8

44.1

52.6

Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương: Các kết quả chủ yếu, Hà Nội, 2010, biểu 8.6, tr.107.

                         

  Bảng 4: Trình độ chuyên môn kỹ thuật đã đạt được của dân số từ 15 tuổi trở lên chia theo nam nữ, năm 2009

                                                                                                                                                     Đvt: %

 

Sơ cấp

Trung cấp

Cao đẳng

Đại học

Trên đại học

Chung

2,6

4,7

1,6

4,2

0,2

Nam

3,7

5,5

1,4

4,8

0,3

Nữ

1,5

4,0

1,8

3,5

0,1

Nguồn: Tổng cục Thống kê, Giáo dục Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu, Hà Nội, 2011, bảng 6.1, tr.53.

Có thể nêu một vài số liệu so sánh quốc tế để có thể hình dung rõ hơn nữa về yêu cầu đặt ra đối với việc phải tiến tới bình đẳng giới ở trình độ cao bằng cách mở rộng quy mô GDĐH nhằm tăng tỷ lệ lao động có trình độ đại học, có chất lượng cao. Tỷ lệ dân số từ 25 tuổi trở lên có trình độ giáo dục bậc cao (cao đẳng, đại học) của Việt Nam mới đạt 5,4%, là rất thấp kém so với: Malaixia với 8,0%, Philipin với 8,4%, Xingapo - 19,6%, Hàn Quốc - 23,4%, Nhật Bản - 30% và Hoa Kỳ - 36,2%(1).

Rõ ràng là trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, toàn cầu hóa với mức độ cạnh tranh rất quyết liệt như hiện nay, một yêu cầu cấp thiết là phải nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo mà trực tiếp là nâng cao tỷ lệ được đào tạo đại học của lực lượng lao động Việt Nam. Đây là một hướng phát triển đúng đắn phù hợp với quy luật “lượng đổi, chất đổi” của cả thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Giáo dục Việt Nam nói chung và GDĐH nói riêng cần phải mở rộng quy mô đào tạo để mở rộng các cơ hội đến trường ở tất cả các cấp, bậc học nhất là GDĐH. Có như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu về nâng cao tỷ lệ người có trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao làmđộng lực đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong bối cảnh đổi mới hiện nay. Đồng thời, việc mở rộng quy mô GDĐH mới giải tỏa được những ách tắc, “thắt cổ chai” ở trung học phổ thông, bậc học này mới tạo cơ hội cho 57% dân số từ 15-17 tuổi đến trường và vẫn còn đến 43% nam nữ trong độ tuổi này không đến trường trung học phổ thông. 

Trước yêu cầu thực tiễn của sự phát triển xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, giáo dục nói chung và GDĐH nói riêng của Việt Nam, pháp luật và chính sách GDĐH một mặt phải nâng cao chất lượng, mặt khác vẫn cần phải bảo đảm yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả GDĐH. Lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong GDĐH là biện pháp trực tiếp góp phần thực hiện yêu cầu như vậy, vấn đề đặt ra là cần phải mở rộng quy mô đào tạo, mở rộng các cơ hội đến trường để ngày càng có nhiều nam và nữ đến trường ở các cấp học, nhất là đại học, qua đó đóng góp tích cực, có hiệu quả vào việc thực hiện bình đẳng xã hội trong đó có bình đẳng giới ở trình độ cao của sự phát triển đất nước.

______________________

(1) Tổng cục Thống kê, Giáo dục Việt Nam: Phân tích các chỉ số chủ yếu, Hà Nội, 2011, biểu 7.4, tr.67.

GS, TS Lê Ngọc Hùng

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền