Trang chủ    Diễn đàn    Thực hiện chủ trương thí điểm kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân
Thứ ba, 12 Tháng 11 2013 15:10
4279 Lượt xem

Thực hiện chủ trương thí điểm kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân

(LLCT) - Phát triển kinh tế tư nhân trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN nói chung, kết nạp chủ doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân vào Đảng nói riêng đang là một trong những vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cấp bách.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng, do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đọc tại phiên khai mạc Đại hội XI ngày 12-1-2011 khẳng định:"Tiếp tục thực hiện chủ trương đảng viên làm kinh tế tư nhân, thực hiện thí điểm việc kết nạp những người là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng". Đây là chủ trương đúng, hiện thực hóa tư tưởng của V.I.Lênin: những người cộng sản phải có “bản lĩnh của một thương nhân thông minh và có học”(1).

Một trong những mục đích cốt lõi của doanh nghiệp, doanh nhân là tìm kiếm lợi nhuận. Trong những năm gần đây, cùng với việc theo đuổi mục đích này, doanh nhân Việt Nam đã và đang cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm xã hội. Đa số doanh nhân (đặc biệt là chủ doanh nghiệp tư nhân) khẳng định rằng, họ luôn hướng về lợi ích của dân tộc, tuy nhiên, cái còn thiếu là “chính danh” để họ thực hiện lý tưởng đó. Việc đứng trong hàng ngũ của Đảng sẽ tạo thêm điều kiện cho doanh nhân gắn kết chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất kinh doanh với hoạt động chính trị - xã hội.

Chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng thể hiện sự thống nhất giữa chính trị và kinh tế, làm tăng giá trị thực tiễn trong nghị quyết cũng như hoạt động lãnh đạo của Đảng, mở rộng phạm vi ảnh hưởng tích cực của Đảng tới mọi tầng lớp nhân dân lao động, tạo nên cái nhìn tích cực hơn của bạn bè thế giới về con đường hội nhập của Việt Nam.

Ở nước ta hiện nay, đại đa số đại biểu tham gia trực tiếp vào các hoạt động chính trị quan trọng của đất nước đều là đảng viên. Vài năm gần đây, số lượng chủ doanh nghiệp tư nhân trúng cử đại biểu Quốc hội ngày càng nhiều, thể hiện tinh thần cũng như sự nhìn nhận cởi mở hơn của xã hội đối với lực lượng xã hội này. Tuy nhiên, tiếng nói cũng như tầm ảnh hưởng của chủ doanh nghiệp tư nhân ở nước ta chưa thật sự có trọng lượng trong các hoạt động chính trị trọng đại của đất nước. Điều này có phần trái ngược với vai trò ngày càng to lớn của họ trong nền kinh tế quốc dân. Gia nhập hàng ngũ của Đảng là một trong những điều kiện cần để nguyện vọng chính đáng của doanh nhân được lắng nghe và giải quyết thấu đáo.

Chủ trương của Đảng là luôn tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, vẫn có những vướng mắc nhất định. Nếu như bộ phận doanh nhân khu vực nhà nước gần như đương nhiên đứng trong hàng ngũ của Đảng và được hưởng không ít sự đãi ngộ và ưu thế, thì bộ phận doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân nhìn chung chưa được hưởng những “đặc quyền” đó.

Xét hiệu quả hoạt động kinh tế, những năm gần đây, nếu như bộ phận doanh nhân trong khu vực kinh tế nhà nước ngày càng thể hiện sự trì trệ, yếu kém trên nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng điểm của nền kinh tế, thì bộ phận doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân lại cho thấy sự năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Chỉ trong vòng hai năm, khi cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới nổ ra từ năm 2008 đến nay, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, vốn lớn tới hàng trăm tỷ đôla cũng phải chấp nhận quỵ ngã. Ở Việt Nam, không ít tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước lao đao, nhiều đơn vị đứng trước bờ vực phá sản. Theo các chuyên gia kinh tế thì trong khủng hoảng, tỷ lệ doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ lại được chiếm tới trên 90%, và đây cũng là tỷ lệ phổ biến ở các nước đang phát triển.

Cho đến nay ở nước ta, đã có trên 500 nghìn doanh nghiệp được thành lập, trong số ấy có tới 97% doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu là doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng 50,1% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cả nước. Nếu tính cả 133 nghìn hợp tác xã, trang trại và các hộ kinh doanh cá thể thì khu vực này đóng góp vào tăng trưởng tới 60% GDP. Sự phát triển của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian qua là hết sức nhanh chóng. Từ những mô hình kinh tế nhỏ đến nay các doanh nghiệp tư nhân đã từng bước xác lập được vị thế quan trọng của mình trong sự phát triển nền kinh tế nước nhà.

Các doanh nghiệp vừa ở Việt Nam có số vốn trong khoảng từ 20-100 tỷ đồng (khoảng 1-5 triệu USD) và hệ số sử dụng lao động cao nhất khoảng 300 lao động. Với doanh nghiệp nhỏ, vốn nhiều nhất cũng chỉ đạt ở mức khoảng 20 tỷ đồng, và sử dụng nhiều nhất là 200 lao động. Tuy vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt ở khu vực tư nhân lại có hiệu quả đầu tư cao hơn rất nhiều so với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: để tạo 1 đơn vị giá trị GDP, khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần 3,74 đơn vị đầu tư, trong khi khu vực nhà nước cần tới 8,28 đơn vị và khu vực FDI cần 4,99 đơn vị. Doanh thu trên tổng số tài sản khu vực tư nhân cũng cao hơn các khu vực khác. Với 1 tỷ đồng tài sản, doanh nghiệp tư nhân sẽ tạo ra được 1,18 tỷ đồng doanh thu, còn khu vực doanh nghiệp nhà nước chỉ tạo ra được 0,8 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tạo ra 0,89 tỷ đồng(2).

Ở nước ta hiện nay đang có 3 loại ý kiến khác nhau về chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng. Loại ý kiến thứ nhất chiếm đa số là đồng ý thí điểm kết nạp những chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng. Loại ý kiến thứ hai thì đề nghị thực hiện ngay việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, với lập luận là đã có một số tổ chức đảng cơ sở kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân, và những người này hoàn toàn xứng đáng với tiêu chuẩn đảng viên. Loại ý kiến thứ ba thì ngược lại, đề nghị không kết nạp, bởi cho rằng kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng sẽ ảnh hưởng đến bản chất của Đảng.

Điều lệ của Đảng thông qua tại Đại hội XI đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam”(3). Với diễn đạt như vậy thì Đảng phải kết nạp những người tiên phong, ưu tú nhất không chỉ trong giai cấp công nhân, nông dân mà cả trong các thành phần giai tầng khác của kết cấu xã hội - giai cấp. Từ khi ra đời đến nay, Đảng đã kết nạp những đại biểu tiên tiến ở nhiều giai tầng xã hội chứ không chỉ trong giai cấp công nhân. Ngay cả đối với những trường hợp nhạy cảm như những người theo tôn giáo, Đảng ta cũng đã có chủ trương kết nạp vào Đảng.

Khi có thêm bộ phận đảng viên hoạt động sản xuất kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân, cũng có nghĩa là Đảng thu hút thêm được những người có điều kiện và năng lực hoạt động kinh tế, góp phần phát triển đất nước; mặt khác còn làm phong phú hơn kết cấu thành phần trong Đảng. Nếu chủ doanh nghiệp tư nhân có đủ tiêu chuẩn của người đảng viên, chấp hành đầy đủ điều lệ, các quy định của Đảng cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội khác... thì việc kết nạp họ vào hàng ngũ của Đảng là hợp lý và không có gì trái với bản chất của Đảng. Trên thực tế, không ít đảng viên dù không có tư cách pháp nhân trong thành lập doanh nghiệp, nhưng họ lại chính là những cổ đông của doanh nghiệp, thậm chí là cổ đông lớn và trực tiếp điều hành mọi hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Một bộ phận đảng viên khác thì đã xin ra khỏi Đảng để có đủ “điều kiện” thành lập doanh nghiệp... Điều đáng nói là, không ít doanh nghiệp như thế lại hoạt động rất hiệu quả, sản phẩm cũng như thương hiệu của họ được xã hội thừa nhận, tôn vinh. Như vậy, việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân cũng như chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng còn là sự hợp lý hóa những điều vẫn đang tồn tại và được công nhận trên thực tế.

Xã hội cần tạo điều kiện cho doanh nhân được kết nạp vào Đảng để có thêm điều kiện đóng góp ý kiến của mình thông qua các hoạt động chính trị - xã hội, góp phần xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách cho sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, việc gia nhập vào đội ngũ của Đảng, xét đến cùng vẫn phải xuất phát từ nhu cầu, tinh thần tự nguyện, tiêu chuẩn và phẩm chất chính trị, đạo đức của bản thân chủ doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo cơ chế để các chủ doanh nghiệp tư nhân nhận thấy vào Đảng là để khẳng định vai trò, vị trí, trách nhiệm của mình trong đời sống xã hội, để có thêm điều kiện cống hiến, xây dựng đất nước...

Vấn đề đặt ra là, một bộ phận chủ doanh nghiệp tư nhân chưa có nhu cầu vào Đảng, bởi họ ngại rằng sẽ bị ràng buộc chặt chẽ hơn về mặt chính trị. Cũng có thể họ chưa thấy rõ vai trò của Đảng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh... Mặt khác, không ít chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò và trách nhiệm của đảng viên trong sản xuất, kinh doanh, nên cũng chưa “mặn mà” với chuyện vào Đảng cũng như chưa sẵn sàng tạo điều kiện để công nhân trong doanh nghiệp của mình phấn đấu trở thành đảng viên. Về tổ chức, đa số doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân ở nước ta hiện nay chưa có chi bộ...

Kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng sẽ thúc đẩy nhanh việc thành lập tổ chức đảng ở doanh nghiệp, từ đó, công tác phát triển Đảng cũng sẽ được quan tâm hơn, sẽ có nhiều công nhân trong doanh nghiệp phấn đấu (và được tạo điều kiện để phấn đấu) vào Đảng.  

Như vậy, việc kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng sẽ là một trong những biện pháp góp phần củng cố, tăng cường thành phần công nhân trong Đảng theo hướng tích cực.

Thực tế ở Trung Quốc những năm gần đây cho thấy, chủ trương này đã được thực hiện mà chưa hề vấp phải một rào cản lớn nào, trái lại, được sự đồng thuận của toàn xã hội, sức mạnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc được nâng lên.

Những tư tưởng mới được thống nhất trong Đại hội XI của Đảng vừa qua có tính chất lịch sử đối với sự phát triển đất nước, trong đó mở ra cơ hội mới cho khu vực kinh tế tư nhân. Chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng đang và sẽ là luồng gió mới làm tăng uy tín, củng cố bản chất, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các đảng viên có thể phát huy vai trò của mình trong lĩnh vực trung tâm của đất nước thời gian tới là xây dựng kinh tế.q

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 4-2012

(1)V.I.Lênin:Toàn tập, t.45, NXB Tiến Bộ, Mátxcơva, 1978, tr.425.

(2)Nguồn số liệu: VCCI, 26-10-2010.

(3) ĐCSVN: Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.4.

(4)Nguồn số liệu: Ban Tổ chức Trung ương, 2010.

TS Vũ Tiến Dũng

Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội.

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền