Trang chủ    Diễn đàn    Từ chủ nghĩa hiến pháp đến hiến pháp
Thứ ba, 12 Tháng 11 2013 15:19
4395 Lượt xem

Từ chủ nghĩa hiến pháp đến hiến pháp

(LLCT) - Chủ nghĩa hiến pháp trong tiếng Anh là Constitutionalism. Có người dịch là chủ nghĩa hợp hiến, có người dịch là chủ nghĩa hiến pháp hoặc là chủ nghĩa lập hiến. Theo quan điểm của tôi, dịch là “chủ nghĩa hiến pháp” đúng hơn, bao quát hơn. Nội hàm của khái niệm “chủ nghĩa hiến pháp” đang là một trong những vấn đề lớn trong lý luận của khoa học pháp lý hiện nay ở Việt Nam. Từ điển Chính quyền và Chính trị Hoa Kỳ của Jay M. Shafritz ghi: “Chủ nghĩa hiến pháp là sự phát triển của những tư tưởng hợp hiến qua nhiều thời đại”.(1)

Trong khi lý luận cổ điển về hiến pháp thường phải quay về với những tư tưởng của Aristotle, thì chủ nghĩa hiến pháp (CNHP) lại xuất phát từ những tư tưởng về khế ước xã hội ở thế kỷ XVII, XVIII. Những biểu hiện đặc trưng của chủ nghĩa hiến pháp là khái niệm về một Chính phủ hữu hạn mà thẩm quyền tối hậu của nó luôn luôn phải tuân thủ sự đồng ý của những người bị cai trị. Quyền lực của người cầm quyền và các cơ quan Chính phủ bị giới hạn thông qua những quy trình định sẵn. Hiến pháp quy định một chính quyền hợp pháp, quyền lực bị hạn chế, có trách nhiệm bảo vệ lợi ích của toàn thể cộng đồng và bảo vệ quyền của từng cá nhân.

CNHP thể hiện từ những ý tưởng chính trị tự do ở Tây Âu, nhằm bảo vệ quyền cá nhân về sinh mạng và tài sản, tự do tôn giáo và ngôn luận... Những đại biểu điển hình của tư tưởng này là nhà thơ John Milton, luật gia Edward Coke và William Blackstone, các chính khách như Thomas Jefferson và James Madison, và những triết gia như Thomas Hobbes, John Locke, Adam Smith, Baron de Montesquieu, John Stuart Mill... Khi soạn thảo Hiến pháp, họ nhấn mạnh sự kiểm soát đối với mỗi nhánh quyền lực trong bộ máy nhà nước, sự bình đẳng trước pháp luật, tòa án công bằng và tách biệt nhà thờ khỏi nhà nước.

Đi đầu ở châu Âu, những điều khoản của Dự luật về các Quyền năm 1689 của nước Anh cho thấy, Cách mạng Anh không chỉ nhằm bảo vệ quyền về tài sản (theo nghĩa hẹp) mà còn thiết lập những quyền tự do mà những người theo chủ nghĩa tự do tin là rất cần thiết đối với nhân phẩm và giá trị đạo lý của con người. "Những quyền của con người" được nêu ra trong Dự luật về các Quyền dần ảnh hưởng ra bên ngoài nước Anh, đặc biệt thể hiện trong Tuyên ngôn Ðộc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền của Pháp năm 1789. Thế kỷ XVIII đã chứng kiến sự xuất hiện của Chính phủ hợp hiến ở Hoa Kỳ và Pháp, và cuối thế kỷ XIX chứng kiến sự mở rộng của nó với mức độ thành công khác nhau ở Ðức, Italia và những nước phương Tây khác. Ở Mỹ, trật tự hợp hiến của xã hội Hoa Kỳ được xây dựng trên nền tảng sự nhất trí của công dân tự do và có lý trí, thể hiện trong biểu tượng "khế ước xã hội" làm cơ sở để đạt được những mục đích nhất định. Thuyết "khế ước xã hội" cực thịnh ở châu Âu thế kỷ XVII và XVIII, gắn liền với tên tuổi nhà triết học Anh Thomas Hobbes, John Locke và nhà triết học Pháp Jean-Jacques Rousseau. Những nhà tư tưởng này đã giải thích nghĩa vụ chính trị của các cá nhân đối với cộng đồng trên cơ sở lợi ích và lý trí và họ cũng nhận thức rõ những lợi thế của xã hội dân sự, nơi mà cá nhân có cả quyền và nghĩa vụ so với những bất lợi của "nhà nước tự nhiên", như một giả định về sự vắng mặt hoàn toàn của quyền lực Chính phủ. Ý tưởng "khế ước xã hội" phản ánh nhận thức cơ bản rằng, một cộng đồng chứ không chỉ là một Chính phủ khả thi phải được thiết lập nếu có một Chính phủ tự do và nếu con người được bảo vệ chống lại sự tấn công của những ham muốn đồng nghĩa với tình trạng hỗn loạn, bạo ngược và nổi loạn chống lại trật tự hợp lý sẵn có. Trong tạp chí “Người theo chủ nghĩa liên bang” số 2, John Jay lập luận rằng, cá nhân có thể từ bỏ một số quyền tự nhiên cho xã hội nếu Chính phủ được trao quyền lực cần thiết để bảo vệ lợi ích chung. Kết quả là sự tham gia của công dân vào nền dân chủ hợp hiến đi kèm với trách nhiệm tuân thủ luật pháp và các quyết định của cộng đồng trong các vấn đề chung, thậm chí khi cá nhân bất đồng gay gắt. Aristotle và Spinoza đều cho rằng, cả "kẻ súc sinh" tức là tội phạm vô chính phủ, và "kẻ bề trên" tức kẻ sẽ trở thành nhà độc tài, đều sẽ sử dụng luật pháp theo ý mình, do đó đều không được chấp nhận trong xã hội. Hobbes, Locke và những nhà sáng lập nước Mỹ đều đồng ý như vậy. Ðây là điều kiện của xã hội dân sự. Luật pháp và chính sách của Chính phủ hợp hiến không chỉ bị giới hạn về phạm vi mà còn dựa trên sự nhất trí nhằm phục vụ lợi ích của nhân dân nói chung, và từng cá nhân nói riêng trong xã hội. Những nhà cách mạng và soạn thảo Hiến pháp Mỹ đều đã nâng những tư tưởng này thành CNHP và thực tế nó đã là di sản của lịch sử nước Mỹ gắn liền với Tuyên ngôn Ðộc lập năm 1776, Ðiều khoản Liên bang năm 1781, Hiến pháp năm 1787 và Dự luật về các quyền năm 1791.

Nhìn lại học thuyết của CNHP thấy các yếu tố cấu thành của nó bao gồm các luận điểm:

- Chính quyền phù hợp với Hiến pháp

- Phân quyền

- Chủ quyền thuộc về nhân dân,

- Tư pháp độc lập và có tòa án Hiến pháp

- Luật dân quyền/quyền con người

- Kiểm soát cảnh sát

- Quân đội nằm dưới điều khiển của dân sự

- Không một thế lực nào có quyền đình chỉ một phần hoặc toàn thể hiến pháp(2).

Những yếu tố đó chứa đựng hai vấn đề căn bản, không thể thiếu, quy định nội dung của các Hiến pháp: Thứ nhất là khẳng định Nhân quyền. Nội dung này có thể quy định ngay trong phần chính văn, hoặc quy định trong một văn bản riêng. Thực tiễn hiện nay là hiến pháp phải bảo vệ nhân quyền và tòa án hiến pháp phải đóng vai trò chính trong việc bảo vệ đó. Lời Nói đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ đề cập đến một trật tự chính trị mới ở Hoa Kỳ dựa trên những nguyên tắc sau: thiết lập một liên minh hoàn hảo hơn, cung cấp sự bảo vệ chung, thiết lập công lý, đảm bảo quyền tự do cho thế hệ hiện nay và mai sau. Trước đó, Tuyên ngôn Độc lập cũng đã nói đến "quyền bất khả nhân nhượng" như là quyền tự nhiên của con người và Chính phủ không thể tước đoạt những quyền đó. Tuy nhiên, trong quá trình sơ thảo và trình cho các bang thông qua, Hiến pháp không nói đến quyền con người vì các nhà soạn thảo lập luận rằng, quyền lực của Chính phủ quốc gia mới thành lập bị giới hạn cẩn thận đến mức các quyền cá nhân không cần có biện pháp bảo vệ, hơn nữa việc liệt kê thêm các quyền sẽ kéo theo thêm trách nhiệm pháp lý, tức là những quyền được coi là cơ bản nhưng chưa định rõ sẽ dễ bị Chính phủ xâm phạm. Trước sự đấu tranh của những người bảo vệ quyền con người, năm 1789 Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua 10 tu chính Hiến pháp đầu tiên về quyền con người và được các bang thông qua năm 1791.

Thứ hailà phân quyền. Có thể là phân quyền mềm dẻo tạo nên chế độ đại nghị, có thể là phân quyền cứng rắn như chế độ tổng thống; hoặc sự phối kết hợp giữa hai loại phân quyền nói trên tạo thành chính thể hỗn hợp, mềm dẻo hơn, song tựu chung là có thể kiểm soát lẫn nhau. Các nhà nước có chế độ quân chủ đại nghị: có nhà Vua là Nguyên thủ quốc gia, Quốc hội do dân bầu ra và có quyền thành lập ra Chính phủ, Chính phủ này chỉ hoạt động khi và chỉ khi còn sự tín nhiệm của Quốc hội. Các quốc gia có chế độ tổng thống: Tổng thống nguyên thủ quốc gia kiêm người đứng đầu chính phủ - hành pháp do dân bầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp; Quốc hội lập pháp cũng do dân bầu, với phương thức và nhiệm kỳ khác với Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ cùng chịu trách nhiệm trước nhân dân. Các nhà nước theo mô hình XHCN: Hiến pháp quy định đảng Cộng sản là lực lượng duy nhất lãnh đạo nhà nước và xã hội.

CNHPquy định nội dung của Hiến pháp. Nếu ở đâu hiến pháp không có những nội dung cấu thành của CNHP như trên, không có tư pháp độc lập và nhất là hiến pháp đó không được tổ chức thực thi trong thực tế, thì ở những nơi đó có Hiến pháp nhưng không có CNHP. Ngược lại, như ở nước Anh mặc dù không có hiến pháp thành văn, nhưng trên thực tế với sự tôn trọng thực tế, và những gì ăn sâu vào tiềm thức hành vi của người Anh từ trong quá khứ bắt nguồn từ Habeas Corpus Act 1640, The Bill of Rights 1689... thì đó vẫn là tinh thần của CNHP.

Từ sự mơ hồ trong thuật ngữ hiến pháp lẫn thực tế là không phải quốc gia nào có hiến pháp cũng đều tuân theo chế độ hợp hiến cho phép khẳng định rằng một số văn bản hiến pháp chỉ là hiến pháp danh nghĩa, giả mạo, hư cấu hay bề ngoài. Theo lối nói này, một hiến pháp được gọi là danh nghĩa khi lời văn của nó mô tả chính xác, nhưng không hạn chế hành vi của chính phủ. Nói cách khác, hiến pháp danh nghĩa là một hiến pháp thành văn, nhưng không tuân theo các nguyên tắc của chế độ hợp hiến của CNHP.

Giữa CNHP và lý thuyết về nhà nước pháp quyền có mối quan hệ rất mật thiết với nhau. Hầu hết những đòi hỏi của nhà nước pháp quyền đều là những đòi hỏi của CNHP. Đó là những đặc điểm mọi chủ thể mang quyền lực nhà nước đều phải đứng dưới hiến pháp là pháp luật, tổ chức quyền lực nhà nước phải tuân theo nguyên tắc phân quyền. Sự giới hạn và kiểm soát quyền lực nhà nước đặt nhà nước dưới sự điều chỉnh của pháp luật. Mọi hoạt động của nhà nước phải dựa trên pháp luật, không được tùy tiện... Chính vì lẽ đó không ít tác giả cho rằng CNHP là một phần cơ bản của nhà nước pháp quyền, trong khi đó cũng không ít tác giả lại cho rằng CNHP là tương đương với nhà nước pháp quyền. Không thể tượng tượng được rằng trong xã hội của Việt Nam chúng ta có nhà nước pháp quyền mà lại không có CNHP.

Mặc dù, chúng ta có thể khẳng định nhà nước pháp quyền và CNHP đồng hành với nhau, nhưng giữa chúng vẫn có sự khác nhau nhất định tạo nên sắc thái của hai học thuyết, hai luận thuyết chính trị. Nếu như ở CNHP nhấn mạnh nguồn gốc quyền lực nhà nước phải thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là do nhân dân trao cho, có giới hạn và phải chịu sự kiểm soát thì ở nhà nước pháp quyền là sự gắn bó chặt chẽ với xã hội công dân.

Việt Nam đã có 4 bản Hiến pháp, tuy có những sắc thái khác nhau (3 bản ra đời sau chiến thắng của dân tộc trước các đế quốc xâm lược, 1 bản ra đời sau sự đổ vỡ của CNXH ở Đông Âu) song có điểm chung là yếu tố duy ý chí rất mạnh mẽ. Nhìn lại lịch sử gần 70 năm của Nhà nước ta, với Hiến pháp thành văn, những tư tưởng về nhà nước pháp quyền được khẳng định, đã nói lên trong thực tế chúng ta theo chủ nghĩa hiến pháp song do chưa đủ những yếu tố cần thiết, nên chúng ta vẫn “còn ít chủ nghĩa hiến pháp”. Trong các văn kiện của Đảng, nhưng năm gần đây thuật ngữ “nhà nước pháp quyền” được nhắc đi, nhắc lại rất nhiều lần, nhưng thuật ngữ CNHP chưa xuất hiện. Yêu cầu về sự kiểm soát quyền lực nhà nước chưa được thể hiện rõ rệt trong Hiến pháp. Quyền của Quốc hội đối với Chính phủ và Tòa án còn hạn chế, ngược lại vai trò của Chính phủ và Tòa án đối với quyền của Quốc hội hầu như không có. Trong tư tưởng và thực tiễn thực thi Hiến pháp, các chủ thể vi phạm Hiến pháp chưa được xác định một cách rõ ràng, do đó hiện nay khi đề xuất cơ chế Bảo Hiến gặp nhiều lúng túng. Vấn đề thẩm quyền giám sát thi hành Hiến pháp và trách nhiệm thực hiện Hiến pháp cũng chưa được làm rõ. Từ cách diễn đạt của Hiến pháp dẫn đến cách hiểu là trách nhiệm thực thi Hiến pháp thuộc về các cơ quan nhà nước, thực thi đến đâu, người dân được đến đó, còn sức nặng của việc tuân thủ các quy định của Hiến pháp thuộc về người dân. “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp, pháp luật, tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, giữ gìn bí mật quốc gia, chấp hành các quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 79) (tôi nhấn mạnh - NĐD).

Theo chiều ngược lại chức năng giám sát việc tuân thủ Hiến pháp được Hiến pháp giao cho tất cả các cơ quan nhà nước, từ ủy ban nhân dân cấp xã cho đến Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, càng cao ba nhiêu càng có nhiều quyền giám sát việc thi hành Hiến pháp bấy nhiêu. Điều 83 Hiến pháp hiện hành quy định: Quốc hội “Thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp...” (tôi nhấn mạnh - NĐD).

Với những điều còn hạn chế, bất cập (do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan) như vậy, hiện nay, bên cạnh việc nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp với từng điều khoản của nó, một điều cần thiết theo tôi là phải có nhận thức về CNHP, về ý nghĩa, tầm quan trọng cũng những yếu tố cấu thành của nó, nhất là những quan niệm có liên quan đến việc sửa đổi các quy định Hiến pháp và cả bản thân Hiến pháp, để chúng ta sẽ có một bản Hiến pháp thực sự theo tinh thần của CNHP, cơ sở đầu tiên cho việc thực thi nghiêm túc và có hiệu lực Hiến pháp sau này. Chúng ta cần cả hai thứ: Hiến pháp như là sản phẩm cụ thể và CNHP như nền tảng lý luận pháp lý của nó. Có như vậy thì việc sửa đổi Hiến pháp mới mang ý nghĩa lâu bền.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2 -1013

(1) Xem: Từ điển Chính quyền và Chính trị Hoa Kỳ của Jay M.Shafritz.

(2) Henkin (2000) Elements of ConsittutionalismUnpublished Manuscript, p.203.

 

GS,TS Nguyễn Đăng Dung

Đại học Quốc gia Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền