Trang chủ    Diễn đàn    Bàn về việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay
Thứ tư, 20 Tháng 4 2022 15:38
4893 Lượt xem

Bàn về việc phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Tại Đại hội XIII, Đảng ta lần đầu tiên chính thức khẳng định việc phát huy các nguồn lực tôn giáo. Bàn về việc phát huy “nguồn lực tôn giáo” là đề cập đến công năng xã hội của tôn giáo, đóng góp cho sự phát triển của xã hội và của nhân loại. Tôn giáo tham gia vào công tác xã hội được các chính phủ khuyến khích, nhưng tham gia đến đâu lại là vấn đề của mỗi quốc gia. Nguồn lực của tôn giáo được khai thác, phát huy thế nào phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh, điều kiện khách quan của xã hội và ý muốn chủ quan của nhà cầm quyền. Bài viết bàn về việc phát huy các nguồn lực tôn giáo và những vấn đề đặt ra khi khai thác, phát huy nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội Đại biểu những người Công giáo yêu Tổ quốc, yêu hòa bình, tháng 3-1955. Ảnh tư liệu: TTXVN

1. Lý luận chung về nguồn lực tôn giáo 

Trước đây, tôn giáo thường được nhìn nhận là một phạm trù tinh thần, thuộc hình thái ý thức xã hội, với chức năng “thuốc phiện”, tôn giáo chỉ là một sự bù đắp tinh thần cho con người. Tuy nhiên, ngay cả khi tôn giáo bị xem là “thuốc phiện” thì vẫn có những đóng góp nhất định đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, nghệ thuật và cả khoa học. 

Khi mới ra đời, tôn giáo từng có khát vọng giải phóng con người khỏi sự nghèo đói, ách áp bức, bất công và phân biệt chủng tộc. Tôn giáo cũng đã rất nỗ lực trong việc cải thiện các định chế xã hội. Sau các cuộc cải cách tôn giáo ở châu Âu thế kỷ XVI, với tính chất tư sản hóa, cộng hòa hóa, dân chủ hóa giáo hội, đạo Tin lành ra đời đã tạo ra một động lực thúc đẩy sự hình thành thiết chế tư bản chủ nghĩa ở châu Âu(1).

Tôn giáo cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo các tác phẩm bất hủ trong kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thi ca. Nền thần học Kitô giáo và triết học Phật giáo đã từng chi phối đến sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn ở cả phương Đông và phương Tây. Đạo đức, luân lý tôn giáo được ghi nhận là có tác dụng giáo hóa con người, hướng họ đến sự hoàn thiện nhân cách. 

Thời nay, tôn giáo cũng đã tỏ rõ thái độ, nghĩa vụ và trách nhiệm trước các vấn nạn của xã hội hiện đại, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh, khủng bố. Điều đó một lần nữa cho thấy, chức năng xã hội của tôn giáo không chỉ hướng con người đến mục tiêu lý tưởng là có được “một vị trí trên thiên đường” mà còn hướng con người đạt được “một vị trí thích hợp trong xã hội trần thế này” bằng cách giúp họ nâng cao đời sống của bản thân với những hoạt động rất thiết thực của tôn giáo, như giáo dục, dạy nghề, chữa bệnh, hỗ trợ việc làm, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường.

Do đó, phạm trù “nguồn lực tôn giáo” xuất hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây và chính thức được khẳng định trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(2) không phải là một phát hiện mới về công năng xã hội của tôn giáo, mà đó chỉ là tái khẳng định, tôn giáo là một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển của nhân loại. 

Ở Việt Nam hiện nay, không cần phải bàn xem tôn giáo có phải là một nguồn lực hay không, mà phải bàn đến việc phát huy nguồn lực của tôn giáo như thế nào? những tiềm năng nào, nguồn lực nào của tôn giáo đang là thế mạnh cần ưu tiên khai thác, phát huy. 

Nguồn lực là “tổng thể các lực lượng vật chất và tinh thần được sử dụng hoặc có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia”(3). Theo đó, nguồn lực tôn giáo sẽ là tổng thể các lực lượng vật chất, tinh thần của tôn giáo có khả năng sử dụng để phục vụ cho sự phát triển trước hết là của chính bản thân tôn giáo, sau đó là đến phát triển cộng đồng xã hội.

Song, cũng có khá nhiều quan điểm đồng tình rằng, nói đến tôn giáo là nói đến những giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức, do đó, sử dụng nguồn lực tôn giáo cũng chỉ nên khai thác những giá trị tinh thần, văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo mà thôi. Những giá trị tinh thần, văn hóa hay đạo đức của tôn giáo là trừu tượng khó đo lường, định lượng, nhưng lại không thể phủ nhận. Nhận định này được minh chứng trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam khi Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo là ba tôn giáo đã được tích hợp vào hệ thống kiến trúc thượng tầng. 

Tôn giáo không tách rời khỏi chính trị, nhiều bậc danh tăng, tu sĩ được đào tạo thành những hiền tài, nguyên khí quốc gia, các bậc nhân tài của đất nước. Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo đã góp phần tạo nên diện mạo một thời đại, một dân tộc, một nền văn hóa và con người Việt Nam giàu bản sắc. Tạo nên một đường lối chính trị lấy dân làm gốc (ảnh hưởng từ Nho giáo), một chính sách khoan thư sức dân (ảnh hưởng từ Nho giáo, Phật giáo); một nếp sống tôn ti trật tự từ trong gia đình đến ngoài xã hội (ảnh hưởng từ Nho giáo, Phật giáo); một phong cách kiến trúc, hội họa, thi ca, âm nhạc đậm chất tôn giáo (ảnh hưởng từ Phật giáo). 

Các tôn giáo đến muộn sau này như Công giáo (thế kỷ XVI), Tin lành (thế kỷ XX) đã mang theo nền văn hóa, văn minh, kỹ thuật của phương Tây, như một luồng gió mới thổi vào xã hội đương thời và ít nhiều đã gây nên những xáo trộn, thay đổi từ lối tư duy (nếp nghĩ) đến hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội và cả chính trị của Việt Nam.

Khi nói đến nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam (từ trước cho đến nay) thường là các hoạt động hết sức thiết thực, cụ thể của tôn giáo như hoạt động từ thiện nhân đạo, hoạt động cứu trợ, hoạt động chăm sóc người yếu thế, hoạt động chữa bệnh và cả các hoạt động giáo dục - đào tạo. Những hoạt động này của tôn giáo, chúng ta có thể thống kê bằng các con số cụ thể để minh chứng tôn giáo là một nguồn lực đóng góp cho sự phát triển xã hội(4).

Tuy nhiên, với một quốc gia, khi đề cập đến nguồn lực, chúng ta mới có thể rạch ròi phân biệt đâu là nguồn lực mang tính vật chất hay kinh tế (như vị trí địa lý, đất đai, sông ngòi, biển đảo, nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thống tài sản quốc gia, nguồn nhân ực, vốn - tiền tệ và thị trường, kỹ thuật - công nghệ...); nguồn lực tinh thần (cơ chế, chính sách, pháp luật, văn hóa, tư tưởng, khoa học, niềm tin, vốn xã hội...), còn với tôn giáo, chúng ta lại khó có thể phân định giữa nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. 

Những giá trị vật chất, kinh tế mà tôn giáo đóng góp cho xã hội, ngoài ý nghĩa về vật chất, kinh tế, còn mang ý nghĩa, giá trị tinh thần và đấy mới là mục đích chính của các hoạt động hướng đích xã hội của tôn giáo. Vì vậy, khi xem xét đến nguồn lực tôn giáo, chúng ta không chỉ nhìn vào những hoạt động xã hội, hoạt động vật chất, hoạt động kinh tế của tôn giáo để phê phán rằng tôn giáo đang xa rời mục đích tôn chỉ của mình với tư cách là một tôn giáo thuần túy. 

Xét cho đến cùng, những hoạt động hướng đến xã hội của tôn giáo cũng là để phục vụ cho sự phát triển trước hết là của chính bản thân tôn giáo, sau đó là vì cộng đồng, vì sự phát triển xã hội. Nhận thức điều đó, khi chúng ta khai thác nguồn lực tôn giáo, không đòi hỏi nó phải như các tổ chức xã hội dân sự khác trong việc phục vụ xã hội. Dù chúng ta mong muốn những nguồn lực của tôn giáo phục vụ xã hội ngày càng quy mô hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, thì hãy luôn nhớ “giữ tôn giáo ở đúng vị trí của nó”. Tôn giáo tham gia vào công tác xã hội, cụ thể là cung cấp các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh xã hội được khuyến khích, nhưng tham gia đến đâu là câu chuyện còn cần phải bàn sâu thêm nữa. 

2. Một số vấn đề đặt ra khi khai thác, phát huy nguồn lực tôn giáo 

Tôn giáo tham gia vào mọi hoạt động xã hội sẽ đặt ra nhiều vấn đề đối với cộng đồng xã hội, đối với tổ chức tôn giáo, đối với nhà nước.

Tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam là hợp pháp và cũng là hiện thực hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH 14 đã xuất hiện cụm từ “được phép” thay cho cụm từ “khuyến khích” (như các văn bản pháp luật trước đó)(5) đối với các hoạt động y tế, giáo dục, đào tạo, từ thiện, an sinh xã hội của tôn giáo. Như vậy, các tổ chức tôn giáo đã có đủ cơ sở pháp lý để tham gia vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên, đây chính là lúc chúng ta cần bàn xem, tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội sẽ đem lại những lợi ích và hạn chế gì đối với người dân (cộng đồng xã hội), đối với chính trị và với chính bản thân tôn giáo?

Về phía người dân                     

Khi tôn giáo tham gia vào các hoạt động xã hội ngoài phạm vi hoạt động tôn giáo của mình, tôn giáo đã tạo ra một hệ thống các dịch vụ xã hội để người dân có thể thể lựa chọn, đặc biệt là nhóm người yếu thế (người nghèo đói, người thất nghiệp, ốm đau, tai nạn, người mất sức lao động, trẻ em bị tổn thương, người già không có sự trợ giúp của gia đình v.v..) có thể dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng và góp phần giảm gánh nặng cho Chính phủ trong công tác an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khi tôn giáo tham gia mọi hoạt động xã hội và cung cấp các dịch vụ công, chúng ta thường liên tưởng ngay đến việc tôn giáo chỉ “cho đi” mà không “nhận lại” vì tôn giáo, dưới góc nhìn của pháp luật Việt Nam, là một pháp nhân “phi thương mại”(6). Pháp nhân phi thương mại, theo định nghĩa của Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13(7), là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. Mọi hoạt động kinh doanh chỉ nhằm thực hiện các mục tiêu mang tính xã hội, lợi nhuận thu được chỉ được sử dụng để tái đầu tư hoặc phục vụ cho cộng đồng, thay vì lợi nhuận chia cho cổ đông hoặc chủ sở hữu. 

Như vậy, vô hình trung, mọi dịch vụ xã hội của tôn giáo mang lại cho người dân đã biến họ (đặc biệt là nhóm người yếu thế) trở thành chủ thể thụ hưởng thụ động, ngồi chờ cộng đồng mang đến. Lâu dần, họ mất đi khả năng tự nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng, thì như vậy, gánh nặng xã hội, gánh nặng của chính phủ không giảm đi, thậm chí là tăng lên.

Mặt khác, làm dịch vụ xã hội theo cách của tôn giáo, có thể khiến cho người dân biết đến tôn giáo (thông qua các dịch vụ xã hội) như một tổ chức mang lại cho họ những “lợi lộc trần thế” do đó, nhận thức về tôn giáo hoặc tiếp nhận đức tin tôn giáo của người dân trở nên thực dụng. Lúc này, mục đích (xa xôi) của hoạt động xã hội mà tôn giáo mong muốn là hướng đến một cộng đồng phi tôn giáo để thu hút, củng cố đức tin ở họ cũng sẽ khó đạt được.

Về phía tôn giáo

Xét cho đến cùng, tôn giáo tham gia hoạt động xã hội cũng là để tiếp cận nhóm cộng đồng phi tôn giáo, để truyền giáo, để lôi kéo, níu giữ, củng cố đức tin và thực hành tôn giáo của họ. Tôn giáo cung cấp các dịch vụ xã hội, lấy đó là phương tiện đề gần gũi giáo chúng, là phương tiện để truyền giáo, để giáo hóa, giác ngộ chúng sinh. Tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, cung cấp các dịch vụ xã hội sẽ có nhiều triển vọng để phát triển vì tôn giáo trở nên “hấp dẫn” hơn, “lôi cuốn” hơn, “thuyết phục” người dân đi theo tôn giáo bằng chính “hoạt động xã hội” đó của mình. 

Thứ đến, tôn giáo khi tham gia hoạt động xã hội có thể tạo nên một mạng lưới giao tiếp xã hội rộng lớn và uy tín, có thể kết nối cộng đồng và huy động nguồn nhân lực, tài chính cho mọi hoạt động xã hội của mình. Điều này càng làm cho nguồn lực của tôn giáo phục vụ cho công tác xã hội ngày càng lớn mạnh và uy tín hơn trước cộng đồng. Trong thực tế, người dân ưa thích lựa chọn các tổ chức thiện nguyện dựa trên đức tin (faith-based organization/FBO) để ủng hộ tiền bạc, công sức hoặc trở thành tình nguyện viên thiện nguyện có xu hướng ngày càng tăng. 

Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy nhóm đối tượng tích cực tham gia đóng góp tiền bạc, của cải vật chất hoặc tham gia các hoạt động an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo cũng chủ yếu là tín đồ các tôn giáo hoặc những người chịu ảnh hưởng nhiều từ tôn giáo. Nói chung, “hoạt động xã hội” là một thực tiễn tiềm năng mạnh mẽ, một “phương tiện khéo léo” để tôn giáo phát triển.

Thêm nữa, hoạt động hướng đến xã hội của tôn giáo là hợp lý. Tôn giáo có một mạng lưới giao tiếp rộng lớn ở những vùng xa xôi mà chính quyền tiếp cận còn hạn chế. Tại nhiều khu vực, tôn giáo là một phần hoặc thực sự là trung tâm của cộng đồng địa phương. Do đó, tôn giáo cũng phải có trách nhiệm đối với các cá nhân trong cộng đồng của họ. Ngoài công việc phục vụ tôn giáo của mình, tôn giáo tham gia vào các loại hình dịch vụ cộng đồng, dịch vụ thương mại nhất định để có thể duy trì “sinh kế” của mình và cũng là để có điều kiện giúp đỡ cộng đồng. Tôn giáo có thể điều hành một nhà tế bần, một trung tâm cai nghiện, một trường học, một trung tâm y tế, một trung tâm thông tin và tư vấn các vấn đề của cá nhân và xã hội, hỗ trợ (và có thể đi đầu) trong các phong trào dân sinh, dân kế của địa phương. Khi đó, cộng đồng tôn giáo sẽ lan tỏa, thu hút sức mạnh từ dịch vụ của mình đến với cộng đồng tín đồ và xã hội, mở ra nhiều cơ hội mới để tôn giáo được biết đến rộng rãi hơn. Người dân và xã hội biết đến tôn giáo không chỉ là một cộng đồng tâm linh, mà còn là một cộng đồng sinh kế, một cộng đồng công cộng. Tôn giáo sẽ trở nên mạnh mẽ hơn. Đây cũng chính là cách thức đề tôn giáo lan tỏa và phát triển. Những hành động cụ thể của tôn giáo trong hoạt động xã hội cũng sẽ là “cú hích” mạnh mẽ đối với những tổ chức xã hội khác trong “cạnh tranh” cung cấp các dịch vụ công, để người dân được thụ hưởng các dịch vụ có chất lượng, có tính cạnh tranh trong bối cảnh của nền kinh tế hàng hóa mang tính thị trường. 

Đặc thù của đức tin là hướng tới nhóm người nghèo, người yếu thế, người có hoàn cảnh khó khăn, nên tôn giáo có cái nhìn sâu sắc về thực tế đời sống của nhóm người này. Vì vậy, khi các tổ chức tôn giáo hoạt động xã hội, họ sẽ có thể chia sẻ, cảm thông với những nhóm người yếu thế, tìm những giải pháp khả thi, phù hợp nhất để khắc phục, hỗ trợ họ.

Các tổ chức tôn giáo không bị giới hạn bởi các ranh giới quốc gia, đặc thù của đức tin là vượt qua ranh giới địa - chính trị, nên tôn giáo có ưu thế trong việc kêu gọi các nguồn tài trợ từ bên ngoài, trong việc thực hiện các hoạt động xã hội, cung cấp các dịch vụ công. Một số tổ chức quốc tế như Tầm nhìn Thế giới (World Vision), Tổ chức Cứu trợ Lutheran Thế giới (World Lutheran Relief) hoặc tổ chức dịch vụ xã hội dựa trên đức tin (Faith-based organizations serve/FBOs), các tổ chức phi Chính phủ dựa trên đức tin (Non-governmental organizations/ NGOs) đã và đang liên kết, hỗ trợ với các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam trong việc cung cấp dịch vụ như chăm sóc sức khỏe, giáo dục mầm non, từ thiện nhân đạo, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo cho trẻ mồ côi, trẻ em khuyết tật, người già không nơi nương tựa, người nhiễm HIV/ AIDS... Ngoài việc cung cấp các dịch vụ, các tổ chức này còn có khả năng huy động một nguồn lực xã hội đáng kể (do có một uy tín đạo đức riêng biệt), huy động nguồn tài chính lớn, sử dụng đội quân tình nguyện viên hùng hậu (điều mà khó có tổ chức xã hội dân sự nào có thể tự hào hơn họ).

Song, mặt trái của việc tôn giáo tham gia hoạt động xã hội là gì? 

Khi tôn giáo hoạt động xã hội một cách tích cực, nó sẽ làm “tiêu hao” một “năng lượng” lớn của giới tu sĩ và của cả tổ chức tôn giáo. Hoạt động xã hội sẽ mang lại một sự hấp dẫn mới, sẽ lôi cuốn họ vào cuộc sống “trần tục” dẫn đến xao nhãng “phần hồn”, khởi phát tham, sân, si. Người dân đến với tu sĩ, đến với tôn giáo chỉ cốt để được thỏa mãn nhu cầu vật chất, kinh tế, lợi ích hơn là nhu cầu tinh thần, nhu cầu tôn giáo. Các tu sĩ và các tổ chức tôn giáo ở những vùng quê nghèo, vùng miền núi xa xôi, không đủ năng lực, điều kiện để tham gia công tác xã hội thì cũng đồng thời mất đi cơ hội tiếp cận cộng đồng xã hội, cộng đồng phi tôn giáo, người dân không năng đến với tôn giáo. Do đó, tu sĩ phải học cách thu hút tín đồ bằng các việc làm tương tự, dẫn đến hoạt động xã hội không còn là mục đích tự thân của tôn giáo mà là một cách thức để cạnh tranh làm sao có được tín đồ và để phát triển tôn giáo.   

Thách thức đáng kể hơn khi tôn giáo tham gia hoạt động xã hội, đó là: (i) nhân viên làm việc trong hệ thống dịch vụ xã hội của tôn giáo chủ yếu là các tu sĩ hoặc tín đồ đều không có nền tảng đào tạo chuyên môn về các công tác xã hội(8); (ii) các hoạt động xã hội của tôn giáo thường mang tính cá nhân các tu sĩ thực hiện nên thiếu tính hệ thống, tính tổ chức. Nguồn tài trợ không ổn định nên khó có thể đáp ứng nhu cầu phục vụ số đông (dù chỉ là nhóm người yếu thế); (iii) các trung tâm hay “dịch vụ xã hội” thuộc tổ chức tôn giáo (Religion-based organizations serve/ RBOS) còn là điều mới mẻ và xa lạ với hầu hết người dân Việt Nam. Do đó, các hoạt động dịch vụ (y tế, giáo dục, tư vấn và đào tạo nghề nghiệp) do tổ chức tôn giáo thực hiện (mặc dù dễ tiếp cận hơn và giá cả phải chăng hơn) nhưng chưa trở thành phổ biến, rộng rãi để người dân dễ dàng tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ; (iv) các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam chưa có một chiến lược “chuyển dịch” mạnh mẽ từ mục đích “cữu rỗi tâm linh” sang “cứu trợ hiện thực” nên năng lực, điều kiện, tính chuyên nghiệp trong các hoạt động dịch vụ chưa thực sự đáp ứng yêu cầu. Vì vậy,  uy tín đối với xã hội và với nhà nước chưa cao.

Về phía nhà nước

Thứ nhất, ở Việt Nam hiện nay, các tổ chức tôn giáo tham gia dịch vụ xã hội thay thế các tổ chức pháp nhân nhà nước cũng bắt đầu phổ biến trong cộng đồng(9). Trong thời điểm chính phủ đang đối mặt với những thách thức lớn nhất về nguồn lực, thì việc tận dụng nguồn lực của các tổ chức tôn giáo trong công tác an sinh xã hội ở Việt Nam hiện nay là khả thi và là một lợi thế góp phần giảm gánh nặng ngân sách của chính phủ và người dân được thụ hưởng một cách rộng khắp hơn (đặc biệt ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người). 

Tuy nhiên, mục đích và mong muốn tham gia hoạt động xã hội của tổ chức tôn giáo không phải lúc nào cũng đồng nhất với ý tưởng, mục tiêu chính trị - xã hội của hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14 có hiệu lực, dù pháp luật đã cho phép các tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động dịch vụ xã hội, nhưng hiện tại, các hoạt động hướng đến xã hội của các tổ chức tôn giáo vẫn chỉ dừng lại ở mệnh đề “khuyến khích”, thiếu một “hành lang pháp lý” để được phép hoạt động có quy mô. Các dịch vụ công ở Việt Nam chủ yếu vẫn được thực hiện do các tổ chức pháp nhân Nhà nước hoặc dưới sự quản lý của Nhà nước, nên nguồn lực của tôn giáo chưa được khai thông, cũng làm cho tôn giáo khó phát huy hết mọi năng lực của mình khi tham gia vào dịch vụ xã hội như bảo hiểm, bảo trợ, giáo dục, y tế...

Thứ hai, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cũng chưa có cơ hội, bình đẳng trong việc tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ hay các tổ chức quốc tế trong việc triển khai thực hiện các hoạt động xã hội. Các tổ chức pháp nhân khác cũng chưa tiến tới và sẵn sàng hợp tác hay là đối tác với các tổ chức tôn giáo trong thực hiện các dự án kinh tế, xã hội, tạo nên một định kiến của cộng đồng từ lâu vốn đã e dè đối với các dịch vụ xã hội do tư nhân hoặc do tổ chức tôn giáo thực hiện, mặc dù tôn giáo hoạt động cần mẫn, tận tâm trong công tác dịch vụ xã hội.

Một thách thức không nhỏ đối với cộng đồng chính trị và nhà nước khi tổ chức tôn giáo tham gia công tác xã hội là trong hành trình thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, tôn giáo chắc chắn sẽ mong muốn khẳng định “vị trí quan trọng” của mình trong các vấn đề chính trị, xã hội, muốn “thay thế” các giá trị thế tục còn khiếm khuyết, muốn “chiếm giữ” quần chúng với phương châm “xã hội không làm hết nhiệm vụ với cộng đồng thiểu số thì giáo hội tiếp tay và thay thế”. Nên, trong lộ trình dấn thân vào các hoạt động thế tục, các tổ chức tôn giáo khuyến khích giáo hội địa phương tham gia vào công tác phát triển cộng đồng để người dân theo tôn giáo không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh tinh thần mà còn thỏa mãn cả lợi ích vật chất, kinh tế. Khi đó, niềm tin tôn giáo trở nên “bền chặt” hơn. Tôn giáo tạo ra một lực “hấp dẫn mới” thu hút, níu giữ tín đồ. Cộng đồng tôn giáo cũng biết sử dụng “lợi thế” khi Đảng và Nhà nước thông qua các nghị trình chính trị, diễn ngôn chính trị, qua những chương trình vận động tôn giáo góp phần xây dựng đất nước, đoàn kết dân tộc, giữ gìn bản sắc văn hóa, để gây ảnh hưởng chính trị - xã hội, vươn lên tìm kiếm quyền uy, tiếng nói và quyền lợi của mình. 

Thứ ba, trong tương lai, khi tôn giáo tham gia hoạt động xã hội thành công, tôn giáo sẽ không chỉ như một lực lượng về đức tin mà còn là một lực lượng (nguồn lực) mạnh mẽ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa. Các tổ chức tôn giáo (nhân tố phi nhà nước) này sẽ nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và tín đồ (đặc biệt là nhóm tín đồ cảm thấy bị bỏ rơi, bị quên lãng, bị tụt hậu do không được hưởng lợi nhiều từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của chính phủ). Lúc này, hệ thống chính trị có thể sẽ bị chia sẻ vai trò, quyền lực của mình với “thực thể phi nhà nước” ấy. Các thực thể phi nhà nước này còn là một thực thể “phi biên giới”, “phi quốc gia” khiến “ý thức quốc gia truyền thống” có thể bị phá vỡ, sự trung thành của người dân với chính phủ có thể sẽ bị phân tán. Điều này có thể lý giải tại sao một bộ phận nhỏ người dân lại có thể “quay lưng” lại với Tổ quốc của mình chỉ vì lý do tôn giáo? Họ lại có thể tôn thờ “thứ gì đó” lớn lao hơn chính bản thân họ và hơn cả Tổ quốc? Họ có thể đánh đổi “thượng đế” của họ với quốc gia và mảnh đất mà họ đã từng “chôn nhau, cắt rốn”. Người dân này đấu tranh với chính quyền vì lý do tôn giáo, họ không cần biết sẽ được hưởng lợi gì về quyền tự do tôn giáo, chỉ cần điều đó làm họ thỏa mãn là đã giải quyết những bức xúc lâu nay bị dồn nén của họ. 

Khi người dân tự do hơn trong việc lựa chọn tôn giáo thì vấn đề quản trị xã hội cũng sẽ trở nên phức tạp hơn, quyền tự chủ, tự quyết của các cộng đồng xã hội dân sự sẽ được đặt ra. Đặc biệt, các phong trào xã hội khi mang hình thức tôn giáo (màu sắc tôn giáo) có thể trở nên mạnh mẽ. Những lợi ích thiết thân của người dân, động lực của họ được nuôi dưỡng bằng tôn giáo, được khoác lên bộ áo tôn giáo thì họ sẵn sàng xả thân vì nó, đó là những bài học về các cuộc “cách mạng đường phố”, “cách mạng màu” đã và đang diễn ra trên thế giới và đang manh nha xuất hiện ở Việt Nam chúng ta.

_______________________

(1) Xem M.Weber: Nền đạo đức Tin lành và tinh thần Tư bản chủ nghĩa, dịch giả Bùi Văn Nam Sơn, Nguyễn Nghị, Nguyễn Tùng, Trần Hữu Quang, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2010.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171.

(3) Trương Văn Chung (2014): Tôn giáo ở Việt Nam - Một nguồn lực mới góp phần phát triển xã hội bền vững, http://css.hcmussh.edu.vn/. 

(4)Theo Báo cáo số 383/BC-MTTW-BTT ngày 18-8-2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

(5) Điều 55, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH 14 về Hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo.

(6) Điều 30, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo số 02/2016/QH14.

(7) Điều 76, Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13.

(8) Theo đánh giá của Tạp chí International Social Work.

(9) Theo Báo cáo số 383/BC-MTTW-BTT, ngày 18/8/2021 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

PGS, TS ĐỖ LAN HIỀN

Viện Tôn giáo và tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền