Trang chủ    Diễn đàn    Sự tham gia của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tại Việt Nam trong xây dựng pháp luật
Thứ tư, 25 Tháng 5 2022 15:17
1462 Lượt xem

Sự tham gia của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tại Việt Nam trong xây dựng pháp luật

(LLCT) - Sự tham gia trong xây dựng pháp luật là cách thức mà các tổ chức thành viên Liên hợp quốc lồng ghép đưa các nội dung và chuẩn mực quốc tế vào trong hệ thống pháp luật quốc gia. Qua đó, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, đồng thời bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên. Bài viết phân tích sự tham gia trong xây dựng pháp luật của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tại Việt Nam, qua đó cho thấy những mặt tích cực của hoạt động này trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay.

Các tổ chức thành viên Liên hợp quốc đã và đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các mối quan hệ pháp lý quốc tế tại Việt Nam - Ảnh: vnanet.vn

1. Sự tham gia, tác động, gây ảnh hưởng đối với việc xây dựng pháp luật

Tham gia, tác động, gây ảnh hưởng đối với xây dựng pháp luật được gọi là “vận động hành lang” (lobbying), một hoạt động chính trị tất yếu trên thế giới, là một phần không thể thiếu trong các hoạt động nghị trường của nghị viện. Về khái niệm vận động hành lang, hiện nay có rất nhiều quan điểm và cách hiểu khác nhau, vừa mang tính tích cực vừa mang tính tiêu cực. Xét về bản chất, khái niệm này đã xuất hiện ngay từ thời có khái niệm “đại biểu dân chủ”. Quyền để yêu cầu cải chính lại các mối bất hòa của người dân đối với chính quyền đã được quy định trong Bản Đại hiến chương các Quyền Tự do (Magna Carta Libertatum) ở Anh năm 1215 và sau này là trong bản tuyên ngôn về các quyền của Vương quốc Anh(1). Chính vì vậy, nhiều tài liệu khoa học đã đề cập Vương quốc Anh được coi là “cái nôi” của vận động hành lang với vai trò hành lang trung tâm của Điện Westminster - nơi mà trong thời gian nghỉ giải lao, các nghị sĩ thường trao đổi, thảo luận về vấn đề sắp sửa được quyết định tại Nghị viện. Song, vị trí đứng đầu thế giới về sự chuyên nghiệp và phát triển sôi nổi của hoạt động vận động hành lang phải kể đến Hoa Kỳ.

Hoạt động vận động hành lang ở Hoa Kỳ cấp tiểu bang và địa phương được đầu tư rất mạnh mẽ và trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng tỷ đô la(2). Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên xây dựng và phát triển hệ thống pháp luật về vận động hành lang minh bạch và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - chính trị tại đây.

Trên thế giới, tùy theo nền chính trị, văn hóa khác nhau mà mỗi nước có một cách thức riêng để ban hành các chính sách pháp luật phù hợp. Nhưng tựu chung lại, những quốc gia nào đã hình thành khung pháp lý cho vấn đề vận động hành lang thì hoạt động này sẽ được thực hiện theo một quy trình có nguyên tắc và cụ thể trên cơ sở bảo đảm tính minh bạch và hiệu quả, giúp ngăn chặn những hoạt động vận động hành lang bất hợp pháp. Mặc dù vậy, vận động hành lang cũng có thể đem lại những tác động tiêu cực đến hệ thống pháp luật, bởi theo lý thuyết thâu tóm lập pháp (capture regulatory theory), các văn bản pháp luật có thể ảnh hưởng bởi các nhóm lợi ích do tác động đến các chính sách mà đi ngược lại với lợi ích công(3).

Ở Việt Nam, “vận động hành lang” chưa được chính thức thừa nhận và không có các quy định pháp luật cụ thể đối với hoạt động này. Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và hội nhập quốc tế, hoạt động “vận động hành lang” trong xây dựng pháp luật đang được thực hiện bởi các tổ chức khác nhau theo cả hai kênh chính thức và phi chính thức. Thí dụ, hoạt động nêu ý kiến tại các cuộc thảo luận của Quốc hội; chủ trì soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật; đối thoại chính sách tại các phiên chất vấn của Quốc hội; sử dụng các hình thức truyền thông, quan hệ công chúng để tác động chính sách đến dư luận; xuất bản các ấn phẩm khoa học thể hiện quan điểm chính sách có lợi cho nhóm lợi ích; tài trợ cho các cuộc vận động tranh cử để điều động nhân sự có lợi cho nhóm lợi ích... Đây là những hoạt động “vận động hành lang” thường thấy với mục đích gây ảnh hưởng đến quá trình ra quyết định của cơ quan lập pháp, hành pháp, của các quan chức trong bộ máy nhà nước để họ ủng hộ hoặc không ủng hộ một chính sách, dự thảo luật, chương trình, kế hoạch vì lợi ích công cộng, lợi ích nhóm hoặc lợi ích cá nhân.

Các chính sách, pháp luật đó thường được thể hiện thông qua các hình thức văn bản như: văn bản quy phạm pháp luật (luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ; thông tư của bộ, nghị quyết của hội đồng nhân dân; quyết định của ủy ban nhân dân...).

Như vậy, nhìn từ góc độ xây dựng pháp luật của một xã hội dân chủ, “vận động hành lang” được hiểu là hoạt động được tiến hành bởi một cá nhân hay tổ chức nhằm thuyết phục các cơ quan xây dựng pháp luật và chính sách về sự cần thiết ban hành hay sửa đổi một văn bản pháp luật hoặc chính sách nào đó vì lợi ích của bản thân họ hoặc vì cộng đồng, xã hội.

2. Nhóm lợi ích các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tại Việt Nam “vận động hành lang”

Thực tế, các chính sách và pháp luật có thể không bảo đảm được sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích của người dân, của nhà nước, của các tập đoàn kinh tế, các tổ chức và các tầng lớp xã hội khác nhau. Bởi vì sự không đồng nhất về địa vị kinh tế - chính trị cũng như những khác biệt về giới tính, vùng miền, tôn giáo... nên không phải tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi như nhau từ tất cả các văn bản chính sách hay pháp luật được ban hành. Do đó, các lợi ích giống nhau hoặc tương tự nhau thường liên kết lại với nhau để hình thành “nhóm lợi ích” (interest group) hoạt động với mục đích bảo vệ và đấu tranh cho nhu cầu và quyền lợi của họ trong quá trình nhà nước xây dựng chính sách hoặc pháp luật. Theo C. Mác: “Nhưng vì nhu cầu của mỗi cá nhân riêng biệt, không có một ý nghĩa hiển nhiên nào đối với một cá nhân vị kỷ khác có tư liệu thoả mãn nhu cầu đó; nghĩa là không có quan hệ trực tiếp nào với sự thỏa mãn nhu cầu, nên mỗi cá nhân đều buộc phải xây dựng mối quan hệ đó bằng cách đến lượt mình lại làm kẻ môi giới giữa nhu cầu của người khác với đối tượng của nhu cầu đó. Như vậy, chính tính tất yếu tự nhiên, chính đặc tính của con người, mặc dù chúng biểu hiện thành hình thức tha hóa như thế nào đi nữa, chính lợi ích là cái liên kết các thành viên của xã hội thị dân lại với nhau”(4).

Xét về bản chất, nhóm lợi ích không phải là xa lạ ở Việt Nam bởi sự ra đời rất sớm của các hiệp hội như Liên đoàn Lao động (thành lập năm 1929), Hội Nông dân Việt Nam (thành lập năm 1937) và các hội nghề nghiệp là một dạng biểu hiện của các nhóm lợi ích cho người lao động, nông dân và những người làm việc trong lĩnh vực đó(5). Ngày nay, nhóm lợi ích để chỉ các hội đoàn có quan hệ và sức mạnh tài chính đủ để ảnh hưởng đến công chúng, và thông qua các quan hệ vận động với cơ quan lập pháp, hành pháp tác động tới quy trình xây dựng chính sách và pháp luật(6).

Nhóm lợi ích được chia thành nhiều loại, như nhóm lợi ích liên quan đến chính trị gồm các đảng phái chính trị, đại diện cho những hệ tư tưởng khác nhau; các nhóm lợi ích về kinh tế gồm các hiệp hội đại diện cho các công ty, doanh nghiệp, giới doanh nhân, các tổ chức nghề nghiệp cho người lao động; nhóm lợi ích liên quan đến dịch vụ công cộng gồm các hiệp hội bảo vệ môi trường, bảo vệ nhóm dễ bị tổn thương, bảo vệ di sản văn hóa; nhóm lợi ích liên quan đến nghề nghiệp gồm hội nhà báo, hội luật gia, hội nghệ sĩ, hội nhà văn... Có những nhóm lợi ích không thuộc cơ quan nhà nước nhưng tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng pháp luật, đó là các hiệp hội kinh tế, các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tổ chức quốc tế liên chính phủ. Trong đó, các tổ chức quốc tế liên chính phủ, hiệp hội quốc tế có vai trò cầu nối giữa pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế, đưa pháp luật và chính sách của quốc gia đến gần hơn với mục tiêu của các điều ước quốc tế mà các quốc gia thành viên đã ký kết.

Trong công cuộc phát triển đất nước, Việt Nam đẩy mạnh quá trình hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới, đặc biệt đối ngoại đa phương ở nước ta đóng vai trò ngày càng to lớn, góp phần quan trọng làm nên thành công của nền ngoại giao nước nhà nói riêng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Từ khi đổi mới, mở cửa, đã có rất nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, khuyến khích tôn trọng quyền con người, cải thiện đời sống của nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em, người dân tộc thiểu số...). Trong đó, các tổ chức quốc tế mang tính chất liên chính phủ như Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn: Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Quỹ Nhi đồng (UNICEF), Quỹ Dân số (UNFPA)... đã và đang tham gia ngày càng sâu rộng vào các mối quan hệ pháp lý quốc tế tại Việt Nam.

Các tổ chức thành viên của Liên hợp quốc đã giúp Việt Nam nâng cao năng lực thực thi các công ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, thông qua việc hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia, trong đó “vận động hành lang” là một phương tiện hiệu quả.

Những cách thức “vận động hành lang” phổ biến của các tổ chức này bao gồm thực hiện các đánh giá chính sách và pháp luật hiện hành của Việt Nam nhằm đề xuất sáng kiến và khuyến nghị sửa đổi, hoàn thiện pháp luật; nâng cao năng lực cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật trong cơ quan nhà nước về các vấn đề chính sách và pháp luật; tư vấn các vấn đề cần giải quyết ở cấp độ chính sách, chiến lược một cách khách quan, độc lập. Nhờ đó, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc có thể “can thiệp” và tác động tới các cơ quan nhà nước nhằm đưa những đóng góp, kiến nghị có lợi cho nhóm lợi ích trong quá trình xây dựng, ban hành chính sách và pháp luật.

3. Vai trò của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tham gia việc xây dựng pháp luật       

Các tổ chức thành viên Liên hợp quốc là nhóm lợi ích rất đặc biệt trong các chủ thể của hoạt động “vận động hành lang”, bởi:

Thứ nhất, hoạt động “vận động hành lang” của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc trong xây dựng pháp luật thể hiện chức năng đối ngoại của Nhà nước

Pháp luật quốc gia là phương tiện thực hiện chính sách đối ngoại của Nhà nước trên trường quốc tế(7). Khi xây dựng pháp luật, Nhà nước phải bảo đảm nội dung pháp luật trong nước không trái với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, cũng không được dựa vào pháp luật quốc gia để từ chối thực hiện các nghĩa vụ theo pháp luật quốc tế; đồng thời, khi tham gia xây dựng và ban hành pháp luật quốc tế, phải thực sự đứng trên lập trường của pháp luật quốc gia, từ đó có thể thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ quốc tế trong pháp luật quốc gia.

Với tư cách là thành viên của Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế từ năm 2001, Việt Nam cam kết sẽ thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ phát sinh từ các điều ước quốc tế này như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, phê duyệt kế hoạch thực hiện, quyết định biện pháp chỉ đạo, điều hành hoặc biện pháp khác để thực hiện điều ước quốc tế (Khoản 1, Điều 76, Luật Điều ước quốc tế 2016). Theo đó, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chủ trì, phối hợp với cơ quan đề xuất thực hiện điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên (Khoản 1, Điều 80 Luật Điều ước quốc tế 2016).

Thực tế chỉ ra rằng, để bổ sung, sửa đổi quy định pháp luật trong nước phù hợp với các điều ước quốc tế đã ký kết không hề dễ dàng, bởi có những vấn đề rất khó khăn mà mỗi một quốc gia không thể tự giải quyết được và cần có sự hỗ trợ từ phía nước ngoài, như vấn đề bảo vệ môi trường, chống tội phạm quốc tế, thúc đẩy quyền con người... Chính vì thế, mỗi quốc gia luôn cho phép các tổ chức quốc tế tham gia góp ý các chính sách, pháp luật trong nước sao cho bảo đảm quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên trong việc thực thi điều ước quốc tế, trong đó “vận động hành lang” là “con đường” thuận lợi giúp các tổ chức thành viên Liên hợp quốc tiếp cận dễ dàng hơn với chính phủ và các chính sách của quốc gia, bảo vệ tối đa quyền lợi cho nhóm lợi ích của họ.

Thứ hai, hoạt động “vận động hành lang” của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc trong xây dựng pháp luật mang lợi ích tích cực

Các tổ chức thành viên Liên hợp quốc là các tổ chức tự quản, độc lập và minh bạch, không bị phụ thuộc vào ngân sách nhà nước và các nhóm lợi ích khác; đồng thời, đây là tổ chức đa phương toàn cầu lớn nhất thế giới nên rất dễ dàng huy động và kết nối mạng lưới các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực khác nhau tại nhiều quốc gia tham gia xây dựng pháp luật.

So với các chủ thể “vận động hành lang” khác, như nhóm lợi ích chính trị (đại biểu Quốc hội, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị), nhóm lợi ích kinh tế (tập đoàn kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp, công ty kinh doanh), nhóm lợi ích hoạt động vì cộng đồng (tổ chức phi chính phủ - NGOs, nhóm từ thiện...), thì tổ chức Liên hợp quốc đại diện cho quốc tế đưa các giải pháp hỗ trợ Việt Nam hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người. Chính vì vậy, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc thường đại diện cho nhóm lợi ích thiểu số trong xã hội như phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật thông qua các tổ chức như UNDP, UN Women, UNICEF, UNFPA, UNODC, ILO... cho nên, “vận động hành lang” của các tổ chức thành viên Liên hợp quốc mang lại sự công bằng, bình đẳng, tăng tiếng nói cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Thứ ba, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc là nhóm có tiềm lực tài chính lớn

Vận động hành lang thường rất tốn kém vì phải chi trả cho hoạt động điều tra, thu thập thông tin và các hoạt động gây ảnh hưởng. Như ở Hoa Kỳ, chi phí vận động hành lang chính quyền bang Niu Yoóc trung bình hằng năm lên tới 200 triệu USD(8). Trong số các cá nhân, tổ chức đăng ký vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ, có khoảng 72% là đại diện cho các tổ chức hiệp hội kinh tế, 8% đại diện cho các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, 5% đại diện cho các nhóm bảo vệ quyền dân sự, phúc lợi xã hội, 2% đại diện cho người nghèo và 1% đại diện cho những nhóm yếu thế trong xã hội như người già, người khuyết tật(9). Rõ ràng, với số lượng áp đảo, những người đại diện cho quyền lợi của các tổ chức làm kinh tế sẽ dễ dàng đạt được kết quả có lợi cho họ trong quá trình vận động hành lang - hay còn gọi là nhóm lợi ích thân hữu (state capture). Ở Canađa, giới doanh nhân nước này cũng đã dành thời gian và tiền bạc rất lớn cho việc vận động thông qua các chính sách có lợi cho mình(10).

Ở Việt Nam, trong những năm gần đây, một số nhóm lợi ích cũng phải chi trả một mức tài chính lớn để hoạt động “vận động hành lang” được hiệu quả như Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEF) đã phải tiêu tốn khoảng 260.000 USD cho hoạt động vận động hành lang trong vụ kiện bán phá giá về tôm(11). Như vậy, chủ thể vận động hành lang phải có đủ năng lực tài chính thì mới có thể gây ảnh hưởng đến chính sách pháp luật, cho nên nhóm lợi ích kinh tế như các hiệp hội đại diện cho liên minh giữa các công ty, doanh nghiệp, giới doanh nhân sẽ thường có vị thế “chiến thắng” hơn so với các nhóm lợi ích khác. Khác với các tổ chức kinh tế, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc có tiềm lực tài chính lớn không kém gì nhóm có lợi ích kinh tế bởi nguồn đóng góp, tài trợ từ các quốc gia thành viên, các quỹ lớn trên thế giới.

UNDP cùng Ngân hàng Thế giới đã cam kết chi 8,7 tỷ USD giúp Chính phủ Việt Nam tổ chức 4 hội nghị các nhà tài trợ từ năm 1993 đến năm 1996 để thực hiện các hội nghị quốc tế về các vấn đề dân số, sự tiến bộ của phụ nữ, các vấn đề đô thị và nhà ở(12). Đây là một cách thức “vận động hành lang” hiệu quả nhằm xây dựng hệ thống pháp luật nghiêng về quyền lợi cho nhóm lợi ích mà các tổ chức thành viên đại diện.

Trong khuôn khổ sáng kiến Một Liên hợp quốc được khởi động từ năm 2006 và Kế hoạch chung hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc, 3 tổ chức UNDP, UNICEF, UNFPA cùng Chính phủ Việt Nam đã thống nhất xây dựng Chương trình Quốc gia chung (CCPD) cho giai đoạn 2012-2016 với tổng ngân sách chung là 253,51 triệu USD, trong đó 84,715 triệu USD từ nguồn vốn thường xuyên và 168,795 triệu từ nguồn vận động. Ngân sách của Chương trình do UNDP thực hiện là 140,36 triệu USD, trong đó 44,165 triệu USD từ nguồn vốn thường xuyên và 96,195 triệu từ nguồn vận động. Với chương trình này, UNDP hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực ưu tiên như giảm nghèo, thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG), ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững; an sinh xã hội và bình đẳng giới; quản trị dân chủ(13). Đối với lĩnh vực kinh tế, tổng giá trị viện trợ của UNDP cho việc thực hiện dự án “Hỗ trợ Tổ công tác thi hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp” của Chính phủ Việt Nam là 830.000 USD(14)...

Với nguồn lực tài chính đáng kể, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc có nhiều điều kiện để vận động hành lang và thuyết phục các cơ quan công quyền xây dựng pháp luật theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích của họ. Tuy nhiên, “vận động hành lang” của nhóm chủ thể này cũng bị chỉ trích làm phân tán quyền lực nhà nước, và đôi khi lợi ích quốc gia bị yếu tố nước ngoài làm ảnh hưởng.

Như vậy, các tổ chức thành viên Liên hợp quốc là chủ thể rất đặc biệt của hoạt động “vận động hành lang”, có nhiều ưu thế nhưng cũng khó cạnh tranh với các chủ thể vận động hành lang khác vì tính chất “quốc tế” của nó. Mặc dù “vận động hành lang” vẫn còn là một vấn đề khá mới mẻ và chưa hình thành một lý thuyết chung nhưng bản chất hoạt động này đã len lỏi vào đời sống chính trị - xã hội hằng ngày và được diễn ra thường xuyên ở các nghị trường. Do đó, hoạt động “vận động hành lang” cần được chính thức luật hóa để phát huy điểm tích cực cũng như hạn chế điểm tiêu cực đến quá trình xây dựng pháp luật ở Việt Nam.

__________________

(1) Xem thêm Lionel Zetter: Lobbying: The Art of Political persuasion, Harriman House, (2008), p.8.

(2), (8) Xem thêm Richard Briffault: The Anxiety of Influence: The Evolving Regulation of Lobbying, 13 Election Law Journal, 2014, p.160, 161, 162.

(3) Daniel Carpenter and David A. Moss: Preventing Regulatory Capture: Special Interest Influence and How to Limit It, Cambridge University Press, 2014, p.10.

(4) C.Mác - Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.183.

(5) Xem thêm Hoàng Văn Luân: “Lợi ích nhóm và vấn đề nhóm lợi ích ở Việt Nam hiện nay”, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học xã hội và nhân văn, tập 30, số 1-2014, tr.3.

(6) Xem thêm Phạm Duy Nghĩa: “Vận động hành lang: Vai trò của các hiệp hội kinh tế trong hoạt động lập pháp”, trong Vận động chính sách công - Lý luận và thực tiễn, Nxb Lao động, Hà Nội, 2015, tr.123.

(7) Xem thêm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2021, tr.22.

(9) Xem thêm Baumgartner and Leech: The Importance of Interest Groups in Politics and Political Sciences, Princeton University Press, 1998, p.96.

(10) Pier Dunchesne and Rusell Ducasse: “Must Lobbying be regulated?”, Canadan Parliamentary Review, 1984 Vol. 7 No4.

(11) Xem thêm “Vận động hành lang: Một nghề mới”, https://anninhthudo.vn/van-dong-hanh-lang-mot-nghe-moi-post2272.antd, truy cập ngày 29-6-2021.

(12) Xem thêm Lê Hoài Trung: “Đối ngoại đa phương Việt Nam trong thời kỳ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế”, Nxb Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội, 2017, tr. 73-74.

(13) Xem thêm Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao: “Các Tổ chức quốc tế và Việt Nam”, Nxb Chính trị quốc gia, 2014, tr.74.

(14) Bộ Ngoại giao Việt Nam, “UNDP hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực thi luật”, https://www.mofahcm.gov.vn/mofa/nr040807104143/nr040807105001/ns070828081242?b_start:int=385, truy cập ngày 30/6/2021.

TS PHAN THỊ LAN HƯƠNG

Đại học Luật Hà Nội

ĐẶNG THỊ NGỌC HUYỀN

Viện Nhà nước và Pháp luật,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền