Trang chủ    Diễn đàn    Tiêu chí và một số đề xuất để thực hiện chính sách trọng dụng nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay
Thứ ba, 31 Tháng 5 2022 05:56
2482 Lượt xem

Tiêu chí và một số đề xuất để thực hiện chính sách trọng dụng nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay

(LLCT) - Nhân lực chất lượng cao là vấn đề quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tiêu chí nhân lực chất lượng cao được tiếp cận ở các góc độ khác nhau, trong đó có 4 tiêu chí cơ bản. Để trọng dụng nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi các giải pháp đồng bộ từ xây dựng, đổi mới cơ chế, chính sách đãi ngộ; nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; xây dựng môi trường văn hóa tổ chức và đánh giá, sử dụng, đãi ngộ.

Phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế - Ảnh: vietnamplus.vn

1. Hiện nay, nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao, là nhân tố quyết định đối với sự phát triển bền vững của các tổ chức và các quốc gia. Nhận thức được điều đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc phát triển nguồn nhân lực. Đảng ta xác định, cùng với xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược để thực hiện thành công sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài”(1).

Nguồn nhân lực là nguồn lực về con người, bao gồm tất cả những tiềm năng của những người trong độ tuổi có khả năng lao động, thể hiện ở thể lực, trí lực, nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống, vị thế xã hội và sự kết hợp giữa các yếu tố đó, có thể được sử dụng vào quá trình phát triển của tổ chức và xã hội.

Hiện nay, khi nói đến nhân lực chất lượng cao có các thuật ngữ liên quan, nhiều khi là sự cụ thể hóa, như: nhân tài, hiền tài, người tài đức, đội ngũ trí thức tiêu biểu, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược…

Theo quan điểm chung nhất, nguồn nhân lực chất lượng cao là những người lao động có kỹ năng, các nhà kinh doanh năng động và tài ba, các nhà quản lý giỏi, các nhà khoa học - công nghệ xuất sắc, các nhà lãnh đạo chính trị có tầm nhìn chiến lược và tư duy đổi mới vượt trội(2).

Nhân lực chất lượng cao nhìn theo mối quan hệ khả năng và hiện thực, tồn tại dưới 2 dạng: tiềm năng (qua quá trình rèn luyện, đào tạo); năng lực thực tế thể hiện qua kết quả, sản phẩm được làm ra. Dạng một sẽ chuyển hóa sang dạng hai, tức khả năng thành hiện thực và hai mặt này gắn bó mật thiết với nhau. Phân loại theo từng bộ phận, lĩnh vực, nhân lực chất lượng cao gồm: một là, nhân lực khoa học và công nghệ; hai là, công nhân lành nghề, tay nghề cao; ba là, các nhà lãnh đạo, quản lý, đội ngũ doanh nhân; bốn là, nhân lực văn hóa, xã hội, chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Về tiêu chí nhân lực chất lượng cao, hiện cũng có nhiều quan điểm, cách tiếp cận:

Theo quan điểm của Khổng Tử (551 TCN - 479 TCN): “Người ta có thể phân thành 5 phẩm chất, có người bình thường; kẻ sĩ; quân tử; hiền nhân và thánh nhân”(3). Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nhân tài, người tài đức phải hội đủ cả “đức” và “tài”, trong đó đức là gốc, tài là quan trọng.

GS, TS Hoàng Chí Bảo chỉ ra các đặc điểm của nhân tài (nhân lực chất lượng cao) là: một, trí thức tiêu biểu trên các lĩnh vực, có thực học, thực lực và thực tài; hai, có bản lĩnh độc lập, cá tính mạnh mẽ, trọng đạo lý và chân lý, khát vọng tự do; ba, có đức tính khiêm tốn và trung thực, cương trực và niềm tin vào sự nghiệp theo đuổi, lao động cần cù và sáng tạo, đổi mới và nhạy bén, luôn có tinh thần hợp tác, liên kết; bốn, luôn gắn bó và hướng đến phục vụ nhân dân, trách nhiệm với đất nước, dân tộc(4).

Theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đội ngũ cán bộ cấp chiến lược là nhân lực chất lượng cao của đất nước. Nghị quyết 26-NQ/TW đã đưa ra 4 tiêu chuẩn chung cho đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị là: phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đồng thời, trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, Nghị quyết cũng chỉ ra các yêu cầu, tiêu chí cho đội ngũ cán bộ.

Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02-01-2020 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đã quy định cụ thể đối với bộ phận quan trọng của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, trong đó, quy định tiêu chuẩn chung: về chính trị, tư tưởng; về đạo đức, lối sống; về trình độ; về năng lực và uy tín; sức khoẻ, độ tuổi và kinh nghiệm; đồng thời quy định tiêu chuẩn cụ thể gắn với từng chức danh.

Theo kết quả điều tra của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh về tiêu chí đánh giá chất lượng lao động trên góc độ của nhà tuyển dụng, có 3 tiêu chí để đánh giá nguồn nhân lực chất lượng cao là: một là, có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường lao động và với tiến bộ khoa học - công nghệ mới; hai là, có tác phong kỷ luật và đạo đức trong công việc; ba là, khả năng tư duy đột phá trong công việc, hay còn gọi là tính sáng tạo. Hai tiêu chí đầu tiên là điều kiện cần để đánh giá chất lượng lao động, còn điều kiện đủ là tiêu chí thứ ba(5).

Dưới góc độ quản trị nhân sự trong kỷ nguyên Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đánh giá năng lực không thể đơn thuần là những quyết định mang tính chủ quan và một chiều từ phía nhà lãnh đạo, quản lý mà phải theo các tiêu chí rõ ràng. Mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp (ASK) là một trong những mô hình được sử dụng phổ biến nhất hiện nay(6). Mô hình này đánh giá năng lực nhân sự theo 3 nhóm chính:

Knowledge (kiến thức): đánh giá năng lực tư duy, là hiểu biết mà cá nhân có được sau khi trải qua quá trình giáo dục - đào tạo, đọc hiểu, phân tích và ứng dụng. Thí dụ: kiến thức chuyên môn, trình độ ngoại ngữ...

Skill (kỹ năng): đánh giá kỹ năng thao tác, là khả năng biến kiến thức có được thành hành vi thực tế trong quá trình làm việc của cá nhân. Thí dụ: kỹ năng tạo ảnh hưởng, kỹ năng quản trị rủi ro...

Attitude (phẩm chất/thái độ): đánh giá cách cá nhân tiếp nhận và phản ứng lại với thực tế, đồng thời thể hiện thái độ và động cơ với công việc. Thí dụ: trung thực, dám nghĩ, dám làm, tinh thần khởi nghiệp...

Các nghiên cứu quốc tế đã chỉ ra rằng, năng lực của con người giống như một tảng băng trôi, bao gồm 2 phần: phần nổi và phần chìm. Phần nổi chiếm 10-20%, đây là nền tảng được giáo dục, đào tào, kinh nghiệm, kỹ năng, cảm xúc…; phần có thể nhìn thấy được thông qua các hình thức đánh giá, phỏng vấn, quan sát, theo dõi sổ sách… Phần chìm chiếm tới 80-90%, là phong cách tư duy (thinking style), đặc tính hành vi (behavioral traits), sở thích nghề nghiệp (occupational interests), sự phù hợp với công việc (job fit)…; đây chính là phần tiềm ẩn khi mới gia nhập mà tổ chức cần phát hiện, phát huy và phát triển(7).

Dưới góc độ chung nhất, các tiêu chí cơ bản đánh giá nhân lực chất lượng cao là:

Một là, có năng lực thực tế hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách xuất sắc nhất và có đóng góp thực sự hữu ích cho công việc của xã hội, của nghề nghiệp và nơi họ làm việc; không phải ở dạng tiềm năng, không phụ thuộc nhiều vào bằng cấp, học vị. Khía cạnh này đề cập nhiều đến “tài” và “tầm” của nhân lực chất lượng cao.

Hai là, có phẩm chất đạo đức, ý chí, khát vọng phục vụ lợi ích chung. Những phẩm chất nhân cách của con người mới là yếu tố cơ bản bảo đảm chất lượng nhân lực. Sự phát triển nhân lực chất lượng cao tùy thuộc vào trình độ phát triển nhân cách với những bộ phận hợp thành cấu trúc nhân lực.

Ba là, có trí tuệ, tư duy độc lập, khả năng đổi mới sáng tạo và hợp tác làm việc.

Bốn là, có năng lực nghề nghiệp vượt trội, tiêu biểu trong các lĩnh vực làm việc (có tay nghề cao,…).

2. Trọng dụng nhân tài luôn là vấn đề quan trọng đối với các tổ chức, quốc gia ở mọi thời đại. Trong lịch sử, cha ông ta đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm: “Đất nước thịnh vượng tất cả ở việc cử hiền. Người làm vua thiên hạ phải lo việc đó trước tiên” (Lê Lợi); “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” (Thân Nhân Trung); “Phi trí bất hưng” (Lê Quý Đôn).

Lịch sử thế giới hiện đại đã cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phát triển thần kỳ của các “con rồng châu Á” cuối thế kỷ XX là yếu tố con người, trong đó chú trọng đến nhân lực chất lượng cao.

Hiện nay, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vấn đề nhân tài, nhân lực chất lượng cao càng trở nên cấp thiết. Nhiều học giả, nhà lãnh đạo đã nhận định rằng, hiện nay việc cạnh tranh nhân tài là cuộc cạnh tranh lớn nhất, lãng phí nhân tài là lãng phí lớn nhất.

Đất nước ta đang bước vào giai đoạn phát triển mới với “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, vấn đề trọng dụng nhân lực chất lượng cao là một trong những vấn đề then chốt để đạt mục tiêu phát triển đất nước trong tương lai. Để làm tốt chính sách này, cần:

Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược

Vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ các cấp của hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, là rất quan trọng, quyết định đến sự phát triển nói chung, trong đó có vấn đề khai thác, phát huy và trọng dụng nhân lực chất lượng cao. Chính sách trọng dụng nhân lực chất lượng cao đối với các đối tượng trên là tiền đề, điều kiện quan trọng để đổi mới nhận thức và hoàn thiện cơ chế, chính sách trọng dụng nhân lực chất lượng cao. Mặt khác, chính những người lãnh đạo, quản lý trong các tổ chức của hệ thống chính trị có trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, bồi dưỡng và trọng dụng người tài trong lĩnh vực, tổ chức của mình. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với toàn hệ thống chính trị, tạo nên động lực, sự hiệu quả, hiệu lực của chính sách trọng dụng nhân lực chất lượng cao của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Hai là, đổi mới nhận thức và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tuyển chọn, đào tạo và sử dụng nhân lực chất lượng cao

Nhân lực chất lượng cao không thể tự nhiên mà có, nó là quá trình hình thành, phát triển với sự tác động của nhiều yếu tố; đòi hỏi Đảng, Nhà nước, cũng như những người lãnh đạo, quản lý phải hết sức chú trọng, quan tâm tuyển chọn, đào tạo và bồi dưỡng, sử dụng. Các cơ chế, chính sách phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ và có sự đột phá để thực sự tạo nên chuyển biến trong thu hút, sử dụng nhân tài. Đó là yếu tố quan trọng để có được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ba là, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; thực hiện quan điểm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ là quốc sách hàng đầu

Đây là vấn đề có tính chiến lược, lâu dài. Không kịp thời đổi mới giáo dục - đào tạo, dẫn tới lạc hậu và tụt hậu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ không thể đạt được mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Để thực sự tạo nên đột phá trong vấn đề này, cần đầu tư có trọng điểm, hiệu quả cho giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trong đó, chú trọng đầu tư cho nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực này.

Bốn là, chú trọng xây dựng văn hóa tổ chức trong các cơ quan, đơn vị, hướng đến việc tạo lập giá trị và sứ mệnh tôn trọng, trọng dụng nhân lực chất lượng cao

Điều này sẽ thúc đẩy người lao động tích cực rèn luyện, phấn đấu, phát triển bản thân, gắn bó với tổ chức. Từ đó, tạo nên các phong trào, truyền thống có sức lan tỏa toàn xã hội. Trên bình diện xã hội, cần khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống về trọng dụng hiền tài.

Năm là, đổi mới đánh giá cán bộ, nhân lực trong tổ chức, hướng đến các tiêu chí định lượng, chú trọng kết quả thực tế làm cơ sở quan trọng để sàng lọc đội ngũ, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.115.

(2) Xem Tô Huy Rứa: Một số vấn đề về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta hiện nay, Tạp chí Xây dựng Đảng, số 12-2014, tr.5.

(3) Long Tử Dân: Bí quyết nhận biết người tài, Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.388.

(4) Xem GS, TS Hoàng Chí Bảo: Nhân tài với phát triển bền vững, trong Kỷ yếu Hội thảo “Phát triển nhân lực - nhân tài Việt Nam” của Hội khoa học phát triển nguồn nhân lực - nhân tài Việt Nam, Hà Nội, tháng 9-2011.

(5) http://www.khoahocphothong.com.vn/news/detail/10733/khung-hoang-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao, truy cập ngày 29-6-2021.

(6) https://resources.base.vn/productivity/mo-hinh-ask-la-gi-mo-hinh-danh-gia-nang-luc-nhan-su-chuan-quoc-te-350, truy cập ngày 29-6-2021.

(7) https://eduviet.vn/tin-tuc/nang-luc-con-nguoi-theo-mo-hinh-ask.html, truy cập ngày 30-6-2021.

TS LÊ ANH THỰC

Học viện Chính trị Công an nhân dân, Bộ Công an

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền