Trang chủ    Diễn đàn    Ba giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thứ tư, 20 Tháng 11 2013 11:32
2850 Lượt xem

Ba giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

(LLCT)- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện nay là một nội dung quan trọng nhằm phát huy dân chủ, góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị của Đảng và Nhà nước.

Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả phản biện xã hội (PBXH)của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có ba giải pháp quan trọng nhất là:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động PBXH của MTTQ Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội; Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy. Chính vì thế, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận có vai trò đặc biệt quan trọng. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng chỉ rõ: “Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực và phẩm chất vào hoạt động trong các cơ quan lãnh đạo của hệ thống chính trị. Đảng lãnh đạo thông qua tổ chức đảng và đảng viên hoạt động trong các tổ chức của hệ thống chính trị, tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu”. Từ phương thức lãnh đạo đó của Đảng, vận dụng vào lãnh đạo hoạt động PBXH của Mặt trận, đòi hỏi Đảng cần quan tâm một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất,cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chức năng PBXH của Mặt trận thành quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam; và thể chế hóa thành các văn bản pháp luật nhà nước có liên quan. Tuy nhiên, trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng và các văn bản pháp luật hiện hành về chức năng giám sát và PBXH của Mặt trận còn chung chung, thiếu tính cụ thể, thiếu tính thao tác. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới tính thực chất trong hoạt động giám sát và PBXH của Mặt trận. Trong tình hình mới hiện nay, thiết nghĩ cần nhanh chóng ban hành Quy chế giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam. Trong quy chế này, cần xác định rõ mục đích, yêu cầu, nguyên tắc, nội dung, hình thức PBXH của Mặt trận, cũng như xác định những điều kiện có liên quan để Mặt trận thực hiện tốt chức năng PBXH của mình.

Thứ hai,Đảng cần đổi mới công tác cán bộ đối với Mặt trận. Lâu nay, không ít cấp ủy ở địa phương và cơ sở có biểu hiện coi nhẹ công tác cán bộ của Mặt trận, nhiều nơi còn bố trí cả cán bộ năng lực hạn chế vào công tác trong tổ chức Mặt trận các cấp. Đây là một nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ của Mặt trận nhiều nơi còn bất cập. Trước yêu cầu mới, việc tổ chức, bộ máy nhân sự của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân, một mặt nên thực hiện theo hướng Đảng giới thiệu để thành viên các tổ chức này tự quyết định theo nguyên tắc dân chủ và nguyên tắc đồng thuận; mặt khác, Đảng cử những cán bộ có trình độ, năng lực, có kinh nghiệm thực tiễn, nhạy bén, hết lòng vì nhân dân, không ngại va chạm, có bản lĩnh và dũng khí vào công tác trong Mặt trận và các tổ chức thành viên. Để Mặt trận có tiếng nói quan trọng trong các công việc của đất nước, kịp thời nêu lên những vấn đề liên quan tới PBXH, người đứng đầu tổ chức Mặt trận các cấp cần là thành viên Ban Thường vụ cấp ủy cùng cấp.

Thứ ba, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và Mặt trận trong việc quán triệt thực hiện các quy định có liên quan về PBXH của Mặt trận. Mỗi cán bộ, đảng viên công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước (chủ thể nhận sự phản biện của Mặt trận) cần thực sự mong muốn sự phản biện của Mặt trận đối với các dự thảo quyết sách do mình chuẩn bị, tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện tốt chức năng phản biện, phối hợp với Mặt trận xây dựng, hoàn thiện các quy định, quy chế có liên quan nhằm đảm bảo tính thực chất trong hoạt động PBXH của Mặt trận.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với việc quán triệt thực hiện các quy định về PBXH của Mặt trận và của các cơ quan có liên quan. Cần lấy mức độ chấp hành, thực hiện các quy định về PBXH của Mặt trận của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt trong các cơ quan có liên quan là một nội dung cấu thành năng lực lãnh đạo, năng lực quản lý của cán bộ; và cũng là một nội dung quan trọng trong công tác đánh giá cán bộ. Việc đánh giá cán bộ nói chung, đánh giá cán bộ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước do Đảng thực hiện cần có sự tham gia của Mặt trận và các đoàn thể nhân dân. Tiếp tục hoàn thiện chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Theo đó, nếu cán bộ, đảng viên là người đứng đầu các cơ quan với tư cách bên nhận sự phản biện nhưng không thực hiện tốt các quy định về PBXH của Mặt trận thì phải chịu trách nhiệm về mặt Đảng và các trách nhiệm có liên quan.

Thứ năm, cần đưa lý luận mặt trận, lý luận về giám sát và PBXH vào trong nội dung đào tạo của hệ thống trường Đảng, các trường đại học khối khoa học xã hội và nhân văn. Theo đó, trước mắt, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, trường chính trị tỉnh, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, quận, thị xã cần đưa lý luận mặt trận, bao gồm lý luận về giám sát và PBXH vào trong nội dung, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý về chức năng, vai trò của Mặt trận, cũng như tác dụng và tầm quan trọng về giám sát và PBXH của MTTQ Việt Nam hiện nay.

Thứ sáu, quan tâm lãnh đạo để xử lý một số vấn đề có thể nảy sinh trong quá trình Mặt trận thực hiện PBXH. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình thực hiện PBXH, nếu những ý kiến phản ánh, kiến nghị của Mặt trận về các vấn đề có liên quan được tổ chức đảng quan tâm, chỉ đạo thì vấn đề đó được chính quyền quan tâm, tiếp thu và chỉ đạo giải quyết. Còn nếu những ý kiến đó không được cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền giải quyết thì rất khó mang lại kết quả tích cực. Vì vậy, nếu trong quá trình phản biện, nếu xét thấy những ý kiến, kiến nghị của Mặt trận là hợp lý, chính đáng mà chính quyền chậm tiếp thu, xử lý thì cấp ủy đảng cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

2. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý cho hoạt động PBXH của MTTQ

Pháp chế hóa là yêu cầu căn bản trong chế độ dân chủ pháp quyền, vì thế việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về PBXH của Mặt trận sẽ đặt tiền đề cho việc thực hiện pháp chế hóa hoạt động PBXH của Mặt trận đối với các dự thảo quyết sách do các cơ quan nhà nước ban hành. Thực tiễn đòi hỏi cần sửa đổi, bổ sung một số văn bản pháp luật sau đây để góp phần tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động PBXH của Mặt trận: Bổ sung chức năng PBXH của Mặt trận vào Hiến pháp năm 1992 ở mục về vị trí và chức năng của Mặt trận; bổ sung và sửa đổi Luật báo chí hiện hành (bổ sung chức năng và vai trò PBXH của báo chí); bổ sung và sửa đổi một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc hiện hành (cụ thể hóa chức năng PBXH của Mặt trận); sửa đổi Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (cụ thể hóa chức năng PBXH của Mặt trận khi nói về vai trò của Mặt trận trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật). Sớm ban hành một số văn bản pháp luật như: Luật về hội; Luật về quyền được tiếp cận thông tin; Luật về công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; Luật trưng cầu ý dân.

Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, cần phải xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật chuyên điều chỉnh hoạt động PBXH của Mặt trận. Đây là vấn đề khá phức tạp, nội dung của luật này nên như thế nào cần được tiếp tục nghiên cứu, nhưng trước mắt, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần ban hành pháp lệnh về PBXH của MTTQ Việt Nam. Trên cơ sở đó, Chính phủ ban hành nghị định để cụ thể hóa pháp lệnh này. Trong văn bản pháp luật về PBXH của Mặt trận, ngoài việc xác định rõ nguyên tắc, yêu cầu về PBXH của MTTQ, cần lưu ý một số vấn đề sau:

 Thứ nhất, xác định rõ PBXH của Mặt trận đối với các dự thảo quyết sách quan trọng là một khâu không thể thiếu trong quá trình chế định các quyết sách quan trọng. Xác định rõ, cơ quan xây dựng dự thảo quyết sách trước khi trình cơ quan có thẩm quyền thông qua quyết sách này, cần có báo cáo bằng văn bản về những ý kiến phản biện của Mặt trận, đồng thời nói rõ, trong những ý kiến phản biện đó của Mặt trận, những ý kiến nào đã được tiếp thu, những ý kiến nào không tiếp thu và nói rõ lý do. 

Thứ hai, xác định rõ các hình thức PBXH của MTTQ Việt Nam. Các hình thức PBXH của Mặt trận cần được xác định rõ, nhưng việc lựa chọn hình thức nào nên để Mặt trận xem xét quyết định. Xét tư cách đại diện của Mặt trận trong hoạt động phản biện, có thể xác định các hình thức: PBXH của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ủy ban MTTQ các cấp; PBXH của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Đoàn Chủ tịch MTTQ các cấp; PBXH của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các cấp; PBXH của các Hội đồng Tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ tư vấn của Mặt trận Tổ quốc các cấp; PBXH của các tổ chức thành viên thuộc Mặt trận MTTQ. Xét về tính trực tiếp hay gián tiếp của hoạt động phản biện có thể xác định các hình thức: Phản biện trực tiếp, tức thông qua đối thoại trực tiếp giữa Mặt trận với cơ quan hoạch định quyết sách; phản biện gián tiếp là thông qua báo cáo bằng văn bản. Xét về Mặt trận là bên chủ động đề xuất phản biện hay được yêu cầu phản biện, có thể xác định thành: phản biện chủ động và phản biện theo yêu cầu.

Thứ ba, xác định rõ phạm vi PBXH của Mặt trận, tức là xác định rõ những quyết sách hành chính nào buộc phải thông qua sự PBXH của Mặt trận. Thông thường mà nói, Mặt trận chỉ thực hiện PBXH đối với những quyết sách quan trọng, chẳng hạn, đối với các quyết sách hành chính, phạm vi PBXH của Mặt trận có thể là: dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ (nghị định), Thủ tướng Chính phủ (quyết định quan trọng) và các bộ, cơ quan ngang bộ (thông tư); quyết định quan trọng của ủy ban nhân dân các cấp; chương trình nghị sự của Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp; báo cáo công tác của Chính phủ và ủy ban nhân dân các cấp; dự thảo các chiến lược phát triển; dự thảo quy hoạch phát triển các lĩnh vực, các vùng; các công trình, dự án quan trọng của đất nước và địa phương; các biện pháp hành chính liên quan trực tiếp tới quyền và lợi ích của đông đảo nhân dân như thu phí, tăng giá; dự thảo quyết định đề bạt cán bộ thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng các bộ, chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp... Đương nhiên, đối với những vấn đề liên quan tới bí mật quốc gia thì không cần đặt ra yêu cầu PBXH.

Thứ tư, quy định về quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam (chủ thể phản biện) trong quá trình phản biện. Văn bản pháp luật này cần quy định quyền và trách nhiệm của Mặt trận trong quá trình PBXH theo các nội dung như: 1) Chủ động đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xây dựng quyết sách chuyển dự thảo quyết sách (quyết sách thuộc phạm vi PBXH của Mặt trận) và các tài liệu có liên quan để Mặt trận tiến hành phản biện; tiếp nhận yêu cầu phản biện của chủ thể nhận sự phản biện. 2) Làm việc với các cơ quan có liên quan để tìm hiểu sâu các nội dung cần phản biện, tổ chức phản biện nhằm nâng cao chất lượng các quyết sách quan trọng trước khi ban hành. 3) Tổng hợp kết quả phản biện và gửi báo cáo phản biện tới cơ quan xây dựng quyết sách. 4) Quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xây dựng dự thảo quyết sách trả lời bằng văn bản về việc tiếp nhận, xử lý và tiếp thu các kiến nghị của MTTQ. 5) Chủ thể phản biện chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung phản biện của tổ chức mình. 6) Chủ thể phản biện (Mặt trận) được đảm bảo các điều kiện để thực hiện phản biện.

Thứ năm, xác định rõ quyền và trách nhiệm của chủ thể nhận sự phản biện. Cần quy định một số vấn đề như: 1) Đề nghị MTTQ Việt Nam tiến hành phản biện đối với dự thảo quyết sách của cơ quan mình. 2) Cung cấp choMTTQ dự thảo các quyết sách và các tài liệu liên quan đến nội dung được phản biện. 3) Tiếp nhận và xử lý kết quả phản biện do MTTQ Việt Namgửi đến. Trả lời MTTQ bằng văn bản về những nội dung tiếp thu, những nội dung không tiếp thu, những giải pháp cần tiếp tục hoàn thiện. Khi cần thiết, tổ chức đối thoại với lãnh đạo Ủy ban MTTQ nhằm làm sáng tỏ những nội dung phản biện. 4)Chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân về việc thực hiện những nội dung của dự thảo quyết sách khi mà quyết sách đó đã được Mặt trận có ý kiến đúng đắn, nhưng không tiếp thu hoặc tiếp thu không đầy đủ. 5) Cung cấp kinh phí từ dự án, đề án để chủ thể phản biện tiến hành PBXH.

Thứ sáu, xác định rõ một số vấn đề có liên quan khác, đó là cần quy định thời hạn về việc MTTQ Việt Nam tiến hành thẩm định các dự thảo quyết sách mà Mặt trận tiến hành phản biện để Mặt trận có thời gian tổ chức phản biện có chất lượng. Đồng thời, cũng quy định rõ thời hạn chủ thể nhận sự phản biện chuyển giao tài liệu cho chủ thể phản biện và thời hạn chủ thể phản biện chuyển báo cáo phản biện tới các cơ quan có thẩm quyền trước khi quyết sách được thông qua. Ngoài ra, cần có quy định về công khai hóa quá trình phản biện của Mặt trận đối với các dự thảo quyết sách quan trọng.

Trên cơ sở văn bản pháp luật về PBXH của MTTQ, cần cụ thể hóa thành trình tự PBXH, các quy chế phối hợp và kế hoạch về PBXH giữa Mặt trận với các cơ quan Nhà nước có liên quan.

3. Thực hiện công khai hóa trong quá trình PBXH

Để góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực PBXH của Mặt trận đối với các dự thảo quyết sách quan trọng, một giải pháp cần được áp dụng đó là thực hiện chế độ công khai hóa trong quá trình phản biện. Việc thực hiện chế độ công khai hóa trong quá trình phản biện là tiền đề cơ bản để nhân dân giám sát hành vi của chủ thể phản biện và chủ thể nhận sự phản biện. Mặt khác, việc công khai hóa quá trình phản biện có lợi cho việc hình thành bầu không khí dân chủ trong xã hội, và là cơ chế để các chủ thể nhận sự phản biện chú trọng tiếp thu ý kiến phản biện của Mặt trận. Việc thực hiện công khai hóa quá trình PBXH cần thể hiện ở một số phương diện sau:

Thứ nhất,công khai chương trình, kế hoạch phản biện. Việc công khai hóa chương trình, kế hoạch phản biện được thực hiện thông qua các hình thức khác nhau như, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, hệ thống cổng thông tin điện tử của Mặt trận và các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Thứ hai,công khai hóa trình tự phản biện và nội dung quyết sách mà Mặt trận tham gia phản biện. Trình tự phản biện sau khi đã được thống nhất thông qua, cần được công khai một cách rộng rãi cho các cơ quan có liên quan cũng như công chúng biết, theo dõi và giám sát. Quan trọng hơn là công khai hóa dự thảo quyết sách mà Mặt trận tham gia phản biện. Nội dung dự thảo quyết sách nếu chỉ có cơ quan chế định quyết sách và thường trực Mặt trận biết thì vẫn mang tính chất khép kín, điều này sẽ không có lợi cho việc tranh thủ trí tuệ của toàn xã hội vào việc hoàn thiện dự thảo quyết sách, thậm chí là vi phạm quyền được biết của công dân. Vì thế, nội dung dự thảo quyết sách phải sớm được công khai để người dân biết. Việc thực hiện công khai hóa nội dung dự thảo quyết sách trước tiên thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chế định quyết sách, tức là các cơ quan chế định quyết sách thông qua báo cáo văn bản chính thức, thông qua hệ thống truyền thông đại chúng, cổng thông tin điện tử... của mình để công khai dự thảo quyết sách do cơ quan mình chế định cho các cơ quan có liên quan và công chúng được biết. Sau khi nhận được dự thảo quyết sách do các cơ quan có liên quan gửi đến, Mặt trận cũng cần thông qua các hình thức khác nhau để thông báo dự thảo quyết sách mà Mặt trận tiến hành phản biện tới các tổ chức thành viên, các nhân sỹ trí thức, các nhà khoa học có liên quan. Khi mà nhân dân, các nhân sỹ và các nhà khoa học biết được dự thảo quyết sách mà Mặt trận phản biện cũng có nghĩa là họ có quyền thông qua báo chí và các hình thức khác công khai quan điểm, chính kiến, ý kiến của mình về dự thảo quyết sách nào đó mà Mặt trận phản biện. Đây là một hoạt động cần thiết để khơi dậy bầu không khí tranh luận trong xã hội đối với quá trình xây dựng các quyết sách quan trọng.

Thứ ba, công khai báo cáo kết luận phản biện của Mặt trận. Lâu nay, do thiếu quy định bảo đảm tính công khai trong quá trình phản biện, bao gồm cả công khai báo cáo kết luận phản biện của Mặt trận, nên nhiều khi nhân dân không biết được quan điểm, chính kiến của Mặt trận đối với một dự thảo quyết sách nào đó mà Mặt trận phản biện. Vì thế, để nhân dân biết rõ được quan điểm, chính kiến của Mặt trận đối với dự thảo quyết sách nào đó, đồng thời góp phần tạo nên dư luận ủng hộ cái đúng, cái hợp lý, phê phán cái sai, cái chưa hợp lý thì cần thiết phải công khai báo cáo kết luận phản biện của Mặt trận.

Thứ tư, công khai hóa kết quả tiếp thu, xử lý báo cáo kết luận phản biện của các cơ quan chế định quyết sách. Sau khi nhận được báo cáo kết quả phản biện của Mặt trận, với một khoảng thời gian nhất định, các cơ quan chế định quyết sách cần có báo cáo phản hồi về việc tiếp thu, xử lý ý kiến phản biện của Mặt trận. Báo cáo phản hồi này không chỉ được gửi tới Mặt trận và các tổ chức có liên quan, mà cần được công bố một cách rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để nhân dân được biết. Đối với những vấn đề quyết sách quan trọng, công chúng hết sức quan tâm, đại diện các cơ quan chế định quyết sách có thể thông qua cơ chế đối thoại để giải trình thêm về vấn đề đó.

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 7-2012

Nguyễn Trọng Bình

Học viện Chính trị - Hành chính khu vực IV

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền