Trang chủ    Diễn đàn    Phát huy hiệu quả nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam
Thứ ba, 14 Tháng 6 2022 22:15
1335 Lượt xem

Phát huy hiệu quả nguồn lực tôn giáo ở Việt Nam

(LLCT) - Nguồn lực tôn giáo (NLTG) có ý nghĩa to lớn trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, việc phát huy NLTG ở Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Bài viết đề xuất các kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các địa phương và các tổ chức tôn giáo nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả NLTG ở Việt Nam.

Các đại biểu tại cuộc gặp mặt chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc năm 2019 - Ảnh: xaydungdang.org.vn

Quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là khẳng định những giá trị văn hóa, đạo đức của tôn giáo, tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo pháp luật, đóng góp cho lĩnh vực giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo. Đảng nêu rõ: “Giải quyết việc tôn giáo tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động y tế, văn hóa, xã hội, giáo dục... của Nhà nước, theo nguyên tắc: Khuyến khích các tôn giáo đã được thừa nhận tham gia phù hợp với chức năng, nguyên tắc tổ chức của mỗi tôn giáo và quy định của pháp luật. Cá nhân tín đồ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tham gia với tư cách công dân thì được khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật”(1). Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục khẳng định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”(2). Đây là quan điểm mới, có tính đột phá của Đảng về NLTG và phát huy NLTG cần được triển khai sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và xã hội, đặc biệt thể chế hóa thành chính sách, pháp luật về NLTG.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã phát huy được nhiều NLTG cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, góp phần chăm lo đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân, đặc biệt là người nghèo, trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân nặng thông qua hoạt động xã hội, giáo dục, y tế, từ thiện, nhân đạo do các tôn giáo đảm nhiệm. Tuy nhiên, việc phát huy NLTG vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của các tôn giáo. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát huy NLTG cần giải quyết một số vấn đề cụ thể sau:

1. Đối với Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Một là, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về tôn giáo, tín ngưỡng

Trong những năm qua, chính sách, pháp luật về NLTG đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn còn thiếu cụ thể, nên khó áp dụng trong phát huy NLTG. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được ban hành và thực hiện từ đầu năm 2018, nhưng không ít đồng bào tôn giáo và một số nhà quản lý, nhà khoa học vẫn nhận thấy luật còn nặng về quản lý hành chính thuần túy đối với tôn giáo, chưa thật sự coi trọng việc phát huy những giá trị tốt đẹp, tích cực của tôn giáo; một số quy định tính khả thi thấp. Cụ thể: Luật quy định tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan, song Quốc hội, Chính phủ chưa sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới một số luật, văn bản dưới luật liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng, như Luật Giáo dục, Luật Phòng chống HIV, AIDS, Luật Khám, chữa bệnh và một số quy định về bảo trợ xã hội... nên các tôn giáo chưa có đủ cơ sở pháp lý toàn diện và rộng mở cho việc phát huy nguồn lực của mình.

Về quan điểm, cần khẳng định NLTG là một nguồn lực xã hội quan trọng và khuyến khích các tổ chức tôn giáo hoạt động từ thiện, nhân đạo, kinh tế, văn hóa, xã hội như những thành phần xã hội khác. Quan điểm này thể hiện sự nhìn nhận khách quan và giúp thống nhất nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về vai trò của NLTG. Trên tinh thần huy động mọi nguồn lực cho phát triển, tôn giáo cần được khuyến khích không chỉ trong các hoạt động từ thiện, nhân đạo, mà còn trong các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội - những lĩnh vực mà tôn giáo có khả năng. Điều đó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho xã hội và các tôn giáo.

Về nội dung chính sách, pháp luật, cần khẳng định rõ hơn địa vị pháp lý của các tổ chức tôn giáo như các tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức xã hội hay doanh nghiệp xã hội. Theo đó, cần bổ sung Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các luật liên quan đến các lĩnh vực dân sự, kinh tế, đất đai, giáo dục, khám bệnh, chữa bệnh, dạy nghề, từ thiện, nhân đạo, bảo trợ xã hội, với những điều khoản cụ thể về hoạt động của các tôn giáo, trong đó quy định các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt động này với tư cách là chủ đầu tư và quản lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể hóa Điều 55 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo “Tổ chức tôn giáo được tham gia các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo theo quy định của pháp luật có liên quan” theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa đóng góp của tôn giáo cho xã hội. 

Công nhận tư cách pháp nhân đầy đủ hơn của các tổ chức tôn giáo như tổ chức xã hội để họ có thể tham gia tích cực hơn vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là hoạt động y tế, giáo dục, từ thiện, nhân đạo. Trên cơ sở đó, có chính sách hướng dẫn, giúp đỡ họ về mặt pháp lý, tài chính, thuế... theo quy định của pháp luật; xây dựng chính sách đặc thù đối với các cơ sở từ thiện, nhân đạo của các tôn giáo phù hợp với hiến chương của họ và quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức tôn giáo cử người tham gia học tập, nâng cao trình độ đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.

Hai là, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo

Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Quản lý nhà nước về văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng có mặt còn hạn chế. Có hiện tượng thương mại hóa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở một số nơi”(3). Vì vậy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo là rất cần thiết. Điều này được thể hiện qua một số hoạt động cụ thể:

Cải cách thủ tục hành chính. Một trở ngại đối với hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo của tôn giáo là các thủ tục hành chính liên quan như: giấy phép hoạt động từ thiện cho các cơ sở y tế, lớp học, cơ sở nuôi dưỡng; xét cấp giấy khai sinh, hộ khẩu, chứng minh nhân dân cho trẻ mồ côi; chứng chỉ hành nghề trong y tế, giáo dục; việc mở trường học, bệnh viện đa khoa của các tổ chức tôn giáo... Vì vậy, Chính phủ cần hướng dẫn chính quyền các cấp mạnh dạn, linh hoạt tháo gỡ những khó khăn, trở ngại về các thủ tục hành chính, pháp lý này để thuận lợi cho phát huy NLTG.

Cần phân biệt các hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo, bảo trợ xã hội, y tế, giáo dục của tôn giáo với hoạt động tôn giáo để quản lý hiệu quả. Hoạt động tôn giáo chủ yếu liên quan đến tổ chức tôn giáo, người theo đạo, chính sách, pháp luật đối với tôn giáo, tín ngưỡng và phi lợi nhuận. Trong khi đó, các hoạt động xã hội liên quan đến nhiều lực lượng xã hội, nhiều chính sách, pháp luật thuộc các lĩnh vực khác nhau và bao gồm cả những hoạt động kinh tế, có lợi nhuận, nên dễ nảy sinh những vấn đề phức tạp.

Ba là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục, vận động tín đồ, chức sắc tôn giáo tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Cần tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của các tổ chức, tín đồ và chức sắc tôn giáo về chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng đổi mới cả nội dung và phương pháp vận động theo phương châm “chân thành, tích cực, thận trọng, kiên trì, tế nhị, vững chắc” và phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”. Với trên 26 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), NLTG góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. Do đó, cần tăng cường động viên, khuyến khích đóng góp của các tín đồ, tổ chức tôn giáo đối với xã hội.

Bốn là, đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục các chương trình phối hợp trong hoạt động của tôn giáo tham gia trợ giúp xã hội, giáo dục, khám chữa bệnh miễn phí cho những người yếu thế; ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương và các tôn giáo trong các hoạt động này, góp phần cùng xã hội chăm lo đời sống nhân dân. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan định kỳ tổ chức tham quan, giao lưu giữa những cơ sở giáo dục đào tạo, khám chữa bệnh, trợ giúp xã hội điển hình do tôn giáo thành lập, điều hành; nhân rộng các mô hình; chia sẻ kinh nghiệm với các tổ chức tôn giáo trong khu vực và trên thế giới; kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tổ chức tôn giáo làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chủ trương của Đảng tại Đại hội lần thứ XIII: “Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”(4).

2. Đối với các địa phương

Một là, phát huy các di sản tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ phát triển du lịch, qua đó phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội các địa phương

Các di sản tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Đây là nguồn lực to lớn có thể khai thác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời giữ gìn, bảo tồn các di sản này. Trong thời gian qua, các tỉnh, thành phố đã chú ý phát huy giá trị của các công trình tôn giáo, tín ngưỡng trong quy hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là du lịch của địa phương và đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Các cơ sở tôn giáo như chùa Dâu, chùa Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh), chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhà thờ Đức Bà, chùa Giác Lâm, chùa Minh Hương (Thành phố Hồ Chí Minh), chùa Dơi, chùa Chén Kiểu (tỉnh Sóc Trăng)... thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, chiêm bái, đem lại giá trị kinh tế ngày càng tăng cho các địa phương. Trong khi ở nhiều tỉnh, thành phố chưa ý thức rõ về tầm quan trọng của các công trình tôn giáo đối với phát triển.

Hai là, phát huy NLTG trong xây dựng nông thôn mới

Thực tiễn cho thấy, NLTG đóng góp rất nhiều cho quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Trong những năm qua, Phật giáo Hòa Hảo đã sửa chữa và xây dựng mới trên 2.000 cây cầu ở vùng Tây Nam Bộ, góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, vừa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm (2013-2018), Công giáo Nghệ An đã hiến 99.142 m2 đất, chặt bỏ 4.380 cây các loại, tháo dỡ 12.990m tường bao, đóng góp 38,512 tỷ đồng và 71.895 ngày công xây dựng nông thôn mới(5); năm 2019 đã hiến trên 14.000 m2 đất, tháo dỡ 6.700m2 tường bao, tham gia 19.901 ngày công, đóng góp trên 20,508 tỷ đồng, xây dựng 150 km đường bê tông nông thôn(6). Tại tỉnh Đồng Nai, trong giai đoạn 2016 - 2020 đồng bào Công giáo đóng góp xây dựng nông thôn mới với số tiền 134 tỷ đồng(7). Những mô hình như vậy cần được phát huy trong thời gian tới. 

3. Đối với các tổ chức tôn giáo 

Một là, chuẩn bị nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ cho các lĩnh vực hoạt động giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo, để nâng cao tính chuyên nghiệp của các hoạt động xã hội

Hoạt động xã hội của các tôn giáo hiện nay chủ yếu dựa vào khả năng sẵn có của mỗi tôn giáo, phần lớn thiếu tính chuyên nghiệp. Một bộ phận đáng kể người lao động trong các cơ sở giáo dục, y tế, từ thiện, bảo trợ xã hội thuộc các tôn giáo chưa được đào tạo cơ bản, thiếu chuyên môn, nghiệp vụ dẫn tới khó khăn trong công việc, đồng thời các cơ sở này khó đáp ứng được những điều kiện cần thiết để tiến hành các hoạt động y tế, giáo dục. Để có thể tham gia các hoạt động xã hội quy mô lớn hơn, hiệu quả hơn, các tổ chức tôn giáo cần có sự điều chỉnh để đáp ứng được những quy định hiện hành về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đào tạo các tình nguyện viên, nhà tu hành, chức sắc để họ nắm chắc pháp luật, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, tổ chức, nghiệp vụ tài chính, y tế, giáo dục và hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, một số tổ chức tôn giáo đã chuẩn bị kế hoạch khá bài bản, dài hơi cho việc tham gia mạnh hơn vào lĩnh vực giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội thông qua quan tâm đào tạo nhân sự. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã thành lập Khoa Sư phạm mầm non thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh và liên kết với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo cử nhân sư phạm mầm non cho các ni và một số cư sĩ Phật giáo. Năm 2019 đã có 49 nhà sư tốt nghiệp chuẩn bị cho việc tham gia quản lý, giảng dạy các trường, lớp mầm non do Giáo hội thành lập. Giáo phận Công giáo Xuân Lộc đã cử các nữ tu theo học tại Khoa Mầm non của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, đến đầu năm 2019 đã chính thức khai giảng khóa đầu tiên đào tạo cử nhân sư phạm mầm non tại Trường Cao Đẳng Hòa Bình với 50 học viên tham gia (liên kết với Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh). Những hoạt động như thế cần được thúc đẩy trong thời gian tới.

Hai là, đa dạng hóa hoạt động xã hội, từ thiện, nhân đạo

Hiện nay, người cần được hỗ trợ, giúp đỡ rất đa dạng như: người nghèo, người già không nơi nương tựa, cơ nhỡ, người khuyết tật, trẻ em mồ côi, công nhân nghèo trong các khu công nghiệp, người thiếu việc làm, người bị thiên tai, dịch bệnh, người mắc bệnh hiểm nghèo, người nhập cư khó khăn... Vì vậy, hoạt động từ thiện của tôn giáo không nên chỉ dừng lại ở phương diện hỗ trợ vật chất nhất thời, mà cần có kế hoạch lâu dài để đáp ứng nhu cầu của người dân. Tôn giáo không chỉ đến với họ bằng vật chất mà cả bằng tinh thần, không chỉ đóng góp cho xã hội những gì tôn giáo có mà hướng tới đáp ứng những gì mà xã hội cần.

Ba là, nâng cao ý thức tự chủ hoạt động và tài chính

Nhìn chung, NLTG hiện thiếu ổn định do kinh phí phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện, hảo tâm, cúng dường của các tổ chức, cá nhân. Do đó, xây dựng ý thức tự chủ hoạt động, tài chính của tôn giáo là hết sức quan trọng trong điều kiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta hiện nay. Chỉ có như vậy mới làm cho các tôn giáo “đứng vững trên đôi chân của mình”, có được thực lực để ổn định, phát triển hoạt động tôn giáo và hoạt động xã hội, đồng thời tránh được những tác động tiêu cực từ xã hội. Muốn làm được như vậy, các tôn giáo cần năng động, tích cực hơn để ngày càng nâng cao ảnh hưởng, sự hiện diện, vị thế của mình và hơn nữa là chủ động nguồn kinh phí hoạt động.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.62, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.65.

(2), (4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.171, 272.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.73.

(5) Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018-2023), Hà Nội, 2018, tr.87.

(6) Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam: Báo cáo tổng kết công tác năm 2019, phương hướng, nhiệm vụ năm 2020, Hà Nội, ngày 27-12-2019, tr.6.

(7) Hồ Thảo: Công tác tôn giáo góp phần vào sự phát triển, http://www.baodongnai.com.vn/, ngày 12-10-2020.

TS NGUYỄN KHẮC ĐỨC

Viện Tôn giáo và Tín ngưỡng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền