Trang chủ    Diễn đàn    Tạp chí Lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch
Thứ năm, 23 Tháng 6 2022 10:27
1763 Lượt xem

Tạp chí Lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

(LLCT) - Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW, Tạp chí Lý luận chính trị đã đăng tải nhiều bài viết về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, được bạn đọc đặc biệt quan tâm, đánh giá cao. Bài viết làm rõ những đóng góp của Tạp chí với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Tạp chí Lý luận chính trị - Ảnh minh họa: LLCT

Tạp chí Lý luận chính trị là cơ quan nghiên cứu, ngôn luận khoa học của Học viện, thực hiện tôn chỉ, mục đích: Tuyên truyền giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Thông tin, phản ánh các thành tựu nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Đấu tranh, phê phán các quan điểm, tư tưởng sai trái với đường lối của Đảng.

Trong những năm qua, cùng với báo chí cả nước, Tạp chí Lý luận chính trị luôn bám sát đời sống chính trị của đất nước và định hướng công tác tư tưởng, lý luận của Đảng, nhiệm vụ chính trị của Học viện, đã có những đóng góp quan trọng vào việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc xây dựng, hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tham gia có hiệu quả vào công tác tư tưởng - lý luận của Đảng, góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đặc biệt, từ khi Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22-10-2018 về “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, Tạp chí Lý luận chính trị xác định đây là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, cấp thiết.

1.Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, của Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 35 (Ban Chỉ đạo 35) của Học viện, tập thể lãnh đạo Tạp chí đã sớm xác định yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng định hướng chủ đề bài viết, tuyên truyền, lan tỏa sự chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 Học viện, tổ chức đặt bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đăng trên các chuyên mục Nghiên cứu - Phát triển lý luận, Đào tạo - Bồi dưỡng cán bộ, Diễn đàn.

Từ tháng 12-2020, Tạp chí chính thức mở chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng” và duy trì ổn định chuyên mục đến nay. Trung bình mỗi số đăng tải 2-3 bài. Bên cạnh đó, tiếp đăng các bài liên quan chủ đề này trong các chuyên mục thường kỳ khác. Chuyên mục “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng”, qua gần hai năm đã trở thành chuyên mục chính yếu, là một nét mới tạo nên diện mạo mới, sắc thái mới của Tạp chí.

Ở mỗi số phát hành hàng tháng, Tạp chí Lý luận chính trị có lượng bài dồi dào, phong phú (mỗi số có khoảng 3-5 bài có nội dung liên quan trực tiếp) về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Chỉ tính riêng từ thời điểm Bộ Chính trị khóa XII ban hành Nghị quyết 35 đến nay, Tạp chí đã đăng tải gần 100 bài viết về chủ đề này. Đáng chú ý, ngày càng có nhiều bài viết có nội dung đấu tranh trực diện với những quan điểm sai trái, xuyên tạc, được bạn đọc đặc biệt quan tâm, đánh giá cao.

Các bài viết đăng tải trên Tạp chí về chủ đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch tập trung trên một số vấn đề sau:

Một là, nhận diện và đấu tranh phản bác với những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin

Tiêu biểu có các bài: Bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước trước những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận, của PGS, TS Trương Hồ Hải, số 1-2020; Phải chăng chủ nghĩa Mác - Lênin lỗi thời, không phù hợp với Việt Nam của PGS, TS Vũ Văn Phúc, số 2-2020; Cần phản bác những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp của TS Lê Thị Chiên số 3-2020; Không thể xuyên tạc những giá trị cốt lõi trong Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác của PGS, TS Nguyễn Minh Quang, số 5-2020; Phê phán việc đối lập V.I.Lênin với C.Mác trong quan điểm về điều kiện kinh tế của cách mạng vô sản của PGS, TS Đoàn Xuân Thủy, số 7-2020; Nhận diện và đấu tranh với những quan điểm phủ nhận tính khoa học và cách mạng của triết học Mác - Lênin của PGS, TS Đặng Quang Định, số 11-2021; Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của PGS, TS Hồ Trọng Hoài, số 12-2021; Phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin từ sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và các nước Đông Âu của TS Lê Thị Chiên, số 12-2021...

Các bài viết đã nhận diện, đấu tranh phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định: Đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ là vạch trần, phê phán những thông tin thù địch, sai lệch mà quan trọng phải khẳng định tính đúng đắn, giá trị bền vững và ý nghĩa thời đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, hình thành luồng dư luận đúng đắn cho đông đảo bạn đọc...

Đồng thời khẳng định, chủ nghĩa Mác - Lênin mang bản chất khoa học và cách mạng, hơn nữa, lại luôn được bổ sung, phát triển bởi những người mác xít chân chính. Chủ nghĩa Mác - Lênin không lỗi thời mà chính những người cố tình phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin mới là những người nhầm lẫn, cố tình không nhìn thấy bản chất khoa học và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin. Họ cố tình xuyên tạc chủ nghĩa Mác - Lênin, muốn xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin để bảo vệ cho chủ nghĩa tư bản và quyền lợi của một nhóm người tư bản.

Các bài viết khẳng định: cho dù mô hình CNXH hiện thực ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ; chủ nghĩa đế quốc cùng những lực lượng thù địch dùng nhiều thủ đoạn nhằm chống phá, bôi nhọ, xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, nhưng chủ nghĩa Mác - Lênin là học thuyết tiên tiến của loài người, mang bản chất cách mạng và khoa học, nó không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động, nó không phải nhất thành bất biến, vẫn tồn tại, phát triển, vẫn là thế giới quan và phương pháp luận khoa học của giai cấp vô sản và nhân loại tiến bộ. Nhiệm vụ của những người cộng sản là phải vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thời đại, điều kiện lịch sử mỗi nước, mỗi giai đoạn.

Nhiều bài viết đã phân tích, làm rõ những lập luận thiếu khoa học, vô căn cứ của các thế lực thù địch. Những ý kiến phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin; những ý kiến không nhận thức đúng bản chất, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin; thậm chí, có ý kiến quy chủ nghĩa Mác - Lênin về đấu tranh giai cấp, chuyên chính vô sản là bạo lực trấn áp; hoặc đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với lợi ích của dân tộc, hoặc đối lập với tư tưởng Hồ Chí Minh… hòng phủ nhận, bác bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin.

Hai là, nhận diện và đấu tranh phản bác sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh; đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh

Tiêu biểu có các bài: Thực chất của luận điệu Chủ nghĩa Mác - Lênin đối lập với nội dung đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh”, số 10- 2015; Tư tưởng Hồ Chí Minh - Dòng chảy tiếp nối chủ nghĩa Mác -Lênin - Điều không thể xuyên tạc của GS, TS Mạch Quang Thắng, số 7-2020; Nhận diện và đấu tranh phản bác sự xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí Minh của PGS, TS Trần Thị Minh Tuyết, số 3-2021;Công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là không thế lực nào có thể phủ nhận của Nguyễn Văn Đạo, số 4-2022....

Các bài viết góp phần nhận diện động cơ, mục đích và những âm mưu, thủ đoạn thâm độc nhằm chống phá tư tưởng Hồ Chí Minh, hòng làm lung lay nền tảng tư tưởng của Đảng và chế hộ, đi đến lật đổ chế độ, phế bỏ quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là những quan điểm sai trái của những cá nhân thù địch.Thâm độc là, chúng “tôn vinh” tư tưởng Hồ Chí Minh bằng cách so sánh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin và cho rằng, chủ nghĩa Mác Lênin đã lỗi thời, hiện chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là có giá trị; cắt xén những câu nói, câu viết của Hồ Chí Minh và tách câu nói đó ra khỏi văn cảnh để làm sai lệch tư tưởng của Người; bịa đặt về thân thế, sự nghiệp, đời tư của Người. Một thủ đoạn nữa mà chúng hay dùng là đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối của Đảng, lấy tấm gương đạo đức, cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để thóa mạ Đảng.

Các bài viết chỉ rõ, để phản bác những luận điệu xuyên tạc này, cần thực hiện tốt các giải pháp: nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân về tầm quan trọng và trách nhiệm cá nhân trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đề cao ý thức cảnh giác; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người, tuyên truyền về giá trị, tầm vóc, sức sống của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các bài viết cũng vạchtrần mánh khóe đề cao, tôn sùng sự đúng đắn của tư tưởng Hồ Chí Minh để đối lập chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXHKH với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm dễ bề lôi cuốn, thuyết phục những ai ngây thơ về chính trị hoặc cơ hội, bất mãn với chế độ; phủ nhận trực tiếp chủ nghĩa Mác - Lênin và phủ nhận gián tiếp cả tư tưởng Hồ Chí Minh.

Thực chất đó là thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo nhằm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, đồng thời tuyệt đối hóa tư tưởng Hồ Chí Minh để phủ nhận gián tiếp cả tư tưởng Hồ Chí Minh.

Từ việc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, CNXHKH và gián tiếp phủ nhận tư tưởng Hồ Chí Minh với ý đồ sâu xa là gây hoang mang, nghi ngờ, dao động đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân về định hướng XHCN ở Việt Nam hiện nay, làm lu mờ vai trò, uy tín của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng và chế độ.

Ba là, về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa”  trong cán bộ, đảng viên

Các bài viết về chủ đề này trên Tạp chí đã phản ánh và đấu tranh kịp thời những hành vi, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đặc biệt là đấu tranh với các hành vi quan liêu, tham nhũng, lãng phí, cửa quyền và các vấn đề gây bức xúc trong nhân dân.

Từ việc quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa tư tưởng chỉ đạo là kết hợp giữa “xây” và “chống”, trong đó “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, Tạp chí đã đăng tải các bài đấu tranh trực tiếp, khẳng định các luận điểm cụ thể với đầy đủ luận cứ, luận chứng, thể hiện tinh thần không khoan nhượng trước cái xấu và sự suy thoái.

Tiêu biểu là các bài: Nguyễn Hùng Hậu: “Hồ Chí Minh với vấn đề chống giặc nội xâm - suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” (11-2016); Võ Châu Thảo: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đấu tranh chống các nguy cơ đối với Đảng Cộng sản cầm quyền và ý nghĩa hiện nay” (6-2020); Lý Việt Quang: “Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên” (6-2020); Nguyễn Ngọc Ánh: “Đại hội XIII của Đảng vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực đối với cán bộ, đảng viên” (6-2021) v.v..

Bốn là, nhận diện, đấu tranh phản bác các quan điểm xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Tiêu biểu có các bài: Bản chất của “nhân quyền” trong “diễn biến hòa bình” của GS, TS Trần Hữu Tiến, số 5-2021; Phê phán quan điểm “Nhân quyền cao hơn chủ quyền” dưới góc nhìn triết học của TS Phạm Thị Mai, số 5-2021; Phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về Việt Nam trong “Phúc trình toàn cầu năm 2021” của Tổ chức Theo dõi nhân quyền của PGS, TS Tường Duy Kiên, số 7-2021; Việt Nam thực hiện pháp luật quốc tế về quyền chính trị của công dân của Âu Thị Tâm Minh, số 7-2021; Đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người của PGS, TS Nguyễn Thanh Tuấn, số 8-2021; Phê phán luận điệu xuyên tạc nhân quyền ở Việt Nam là hết sức tồi tệ” của PGS, TS Tường Duy Kiên, số 4-2022…

Các bài viết đã vạch trần các thủ đoạn tấn công phá hoại sự nghiệp cách mạng Việt Nam, thông tin sai lệch, thổi phồng, bóp méo vấn đề “dân chủ, nhân quyền” ở nước ta.

Chúng vu cáo Nhà nước ta đã vi phạm quyền con người trong Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự, Chính trị mà Việt Nam đã ký kết, hòng gây sự hoài nghi, xói mói lòng tin, từ từ làm suy yếu chế độ tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, thay thế vào đó là hệ tư tưởng tư sản. Do vậy, cần đề cao cảnh giác, kịp thời đưa ra những phương pháp thích hợp để vô hiệu hoá những hoạt động này.

Các bài viết đã phân tích, nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc, vu cáo của các thế lực phản động, thù địch về nhân quyền ở Việt Nam. Từ những thành tựu trong bảo đảm quyền con người trong hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế, các bài viết đã khẳng định, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước Việt Nam

Năm là, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam

Tiêu biểu là các bài viết: Phủ nhận con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là sai lầm của Phạm Văn Giang, số 12 -2019; Phê phán một số quan điểm sai trái,  thù địch về CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam của Nguyễn Thị Thu Huyền, số 12-2020...

Bằng thực tiễn những năm tháng Hồ Chí Minh bôn ba tìm đường cứu nước, đến với CNXH khoa học và tìm ra con đường phát triển cho dân tộc Việt Nam; từ thực tiễn lịch sử hơn 90 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, các bài viết đã góp phần làm rõ tính đúng đắn của con đường đi lên CNXH ở Việt Nam, khẳng định đi lên CNXH là sự lựa chọn đúng đắn và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và nhân dân ta; trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối của Đảng, là quy luật của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, cách mạng Việt Nam đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, đặc biệt là những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới đất nước đây là những minh chứng hùng hồn để bác bỏ những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Sáu là, đấu tranh phản bác quan điểm “quân đội phải trung lập, đứng ngoài chính trị”; “quân đội phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào”; xuyên tạc chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta

Tiêu biểu là các bài: Tư tưởng của Ph.Ăngghen về “quyền lực công cộng” - Cơ sở lý luận để chống lại âm mưu phi chính trị hóa lực lượng vũ trang của các thế lực thù địch của PGS, TS Trần Sỹ Phán, số 6-2020; Phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc chính sách quốc phòng của Đảng, Nhà nước ta của PGS, TS Phan Trọng Hào, số 2-2022...

Xét cả trên phương diện lý luận lẫn thực tiễn, quan điểm trên là vô chính trị, phản khoa học, lừa bịp nhằm vô hiệu hóa quân đội cách mạng, làm lạc hướng quân đội, phục vụ các thế lực thù địch chống CNXH. Thực tiễn tổ chức và hoạt động của quân đội trong lịch sử nhân loại đã khẳng định: Không có quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị!

Các thế lực thù địch cho rằng: "Chỉ có liên minh quân sự với một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền, bảo vệ được lợi ích quốc gia - dân tộc"; "Đảng, Nhà nước ta vẫn kiên định chính sách "bốn không" là sẽ không có bạn chí cốt nên dễ bị cô lập trước những tình huống nguy hiểm"; "Không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi"...Từ đó họ nêu những "đề xuất", "kiến nghị" đòi thay đổi chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Các tác giả đã phân tích làm rõ những luận cứ khoa học và thực tiễn để phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc đó, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong chính sách quốc phòng "bốn không" của Đảng, Nhà nước ta. Đó là, chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc là thiêng liêng và tối cao không thể phó thác hoàn toàn cho bên ngoài, dù đó là một đồng minh cường quốc; muốn bảo vệ vững chắc chủ quyền và lợi ích quốc gia - dân tộc thì phải nêu cao tính độc lập, tự chủ, không thể ảo tưởng trông chờ vào liên minh; không phải vì sức mạnh quốc phòng của ta "quá yếu" và "lạc hậu" nên phải liên minh quân sự với nước ngoài; thành công của Việt Nam trong giữ vững chủ quyền, độc lập, bảo vệ lợi ích của quốc gia - dân tộc những năm qua chính là thành công của xây dựng nền quốc phòng, an ninh độc lập, tự chủ, tự cường và thực hiện thắng lợi "đa dạng hóa, đa phương hóa" quan hệ đối ngoại.

Bên cạnh đó còn có rất nhiều bài viết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc, chia rẽ mối quan hệ Việt Nam - Campuchia; xuyên tạc sự thật lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945; phê phán những quan điểm sai trái về tự do tôn giáo ở Việt Nam; về bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân; về phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc, chống phá công cuộc phòng, chống Covid-19 ở Việt Nam; xuyên tạc tự do báo chí ở Việt Nam...

Bảy là, làm rõ về nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; làm rõ thực trạng và giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Tiêu biểu là các bài: Về một số nội dung, phương thức, hình thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của PGS, TS Nguyễn Duy Bắc, số 3-2020; Phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay của PGS, TS Phạm Huy Kỳ, số 9-2020; Một số giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội của PGS, TS Trần Thị Anh Đào, số 10 -2020; Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên mạng xã hội - Thực trạng và giải pháp...

Trước yêu cầu phải bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội hiện nay, các bài viết đã tập trung làm rõ những phương thức bảo vệ và đấu tranh ngăn chặn hiệu quả. Đó là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền từ Trung ương đến cơ sở; sự phối hợp của các tổ chức, cơ quan chức năng; tổ chức lực lượng hợp lý, chất lượng để trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và đấu tranh.

Đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội phải được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Tích cực và chủ động sử dụng không gian mạng trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng và đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái, thù địch.

Tổ chức lực lượng tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, phản bác các quan điểm sai trái trên mạng xã hội có hiệu quả. Trong đó, trước hết là lực lượng chuyên trách để chủ động nghiên cứu, xây dựng nội dung, lựa chọn phương thức phù hợp với từng loại thông tin sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Tăng cường quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng “độc hại” một cách có hiệu quả, đúng pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục ý thức trách nhiệm của công dân trong việc sử dụng mạng xã hội, nâng cao khả năng “miễn nhiễm” các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội của người sử dụng.

Đổi mới hình thức đấu tranh, đồng thời đa dạng hóa phương pháp đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội.

Từ đó, các tác giả đề xuất các giải pháp là: xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách đối với chủ thể lãnh đạo, quản lý và người sử dụng mạng xã hội; xây dựng, đổi mới nội dung, phương thức bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nòng cốt bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội; sử dụng sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội; hoàn thiện pháp luật về sử dụng internet và mạng xã hội, tăng cường ứng dụng khoa học - kỹ thuật và công nghệ trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh ngăn chặn các quan điểm sai trái, thù địch...

Tám là, các bài viết về giảng dạy lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; tích hợp vào chương trình đào tạo cao cấp lý luận chính trịnội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Tiêu biểu là các bài: Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của TS Nguyễn Đình Quỳnh, số 9-2020; Giảng dạy lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của TS Bùi Thị Kim Hậu, số 10 - 2021; Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị của PGS, TS Lê Văn Lợi, số 1-2022; Giảng dạy chính trị học trong chương trình cao cấp lý luận chính trị với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của PGS, TS Lê Minh Quân, số 1-2022; Giảng dạy Lịch sử Đảng với bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của PGS, TS Trịnh Thị Hồng Hạnh, số 4-2022...

Các bài viết khẳng định, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung quan trọng trong giảng dạy lý luận chính trị, đòi hỏi giảng viên cần nhận thức rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm từ đó xác định được phương pháp, cách thức có hiệu quả.

Trên cơ sở làm rõ sự cần thiết, thực trạng tích hợp, các tác giả đã đề xuất giải pháp tăng cường có hiệu quả việc tích hợp này trong bối cảnh hiện nay. Đó là, bám sát nội dung, chương trình đào tạo để tích hợp những nội dung liên quan trực tiếp đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống, nhất quán trong việc tích hợp; đội ngũ giảng viên cần chủ động, tích cực áp dụng các biện pháp giảng dạy hiện đại trong việc thiết kế giáo án, bài giảng, tích hợp bằng các thông tin có nội dung cập nhật, hình ảnh minh họa sinh động để thu hút sự chú ý của học viên; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong việc tổ chức triển khai tích hợp trong đào tạo cao cấp cấp lý luận chính trị; tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả việc tích hợp nội dung đối với các đơn vị giảng dạy và giảng viên; phát huy vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của, giảng viên khi tham gia giảng dạy các lớp cao cấp lý luận chính trị.

Tích hợp vào chương trình đào tạo lý luận chính trị là một nhiệm vụ rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết số 35, góp phần bồi dưỡng thế giới quan khoa học, nâng cao bản lĩnh cách mạng của học viên các lớp cao cấp lý luận chính trị.

Có thể nói, Tạp chí Lý luận chính trị đã phát huy được vai trò tiên phong trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Học viện về việc đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Nhờ đó, uy tín, vị thế của Tạp chí cũng ngày càng được nâng cao hơn.

Cùng với Tạp chí in thường kỳ, trên các số Chuyên đề, trên Tạp chí điện tử cũng có nhiều bài đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng của các cây bút trẻ tiềm năng.

Trên Tạp chí điện tử, bên cạnh việc đăng lại các bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái trên tạp chí in đã biên tập, đăng tải hàng chục bài mới về chủ đề này. Những bài viết đấu tranh trên tạp chí điện tử luôn được nhiều bạn đọc quan tâm theo dõi. Có nhiều bài đã có hàng nghìn người đọc chỉ trong thời gian ngắn đăng tải.

Không chỉ sản xuất các sản phẩm báo chí, trong thời gian qua Tạp chí luôn quan tâm lồng nghép nội dung phổ biến kỹ năng, định hướng chủ đề về đấu tranh bảo vệ nên tảng tư tưởng của Đảng trong chương trình các lớp bồi dưỡng cán bộ hệ thống tạp chí của Học viện. Lớp tập huấn năm 2020, có chuyên đề bồi dưỡng kỹ năng viên tập, xuất bản, viết bài chính luận, phản bác các quan điểm sai trái.

Trong cuộc thi viết chính luận lần thứ nhất năm 2021, đã có 15/16 cán bộ tham gia dự thi.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc xây dựng và đăng tải các tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch ở Tạp chí Lý luận chính trị còn có một số hạn chế, bất cập nhất định. Hiện nay, mặc dù Tạp chí Lý luận chính trị đã có bản điện tử nhưng nhìn chung mới chỉ chủ yếu đăng tải lại các bài trên Tạp chí in, số lượng bài mới còn khiêm tốn.

Công nghệ, giao diện tạp chí điện tử chưa được đầu tư đổi mới, chưa ứng dụng các công nghệ mới nên khả năng lan tỏa chưa cao, chưa trở thành một kênh truyền thông điện tử có độ tương tác lớn, tương xứng với vị thế Tạp chí của Học viện.

Tạp chí cũng chưa đa dạng hóa được các hình thức tuyên truyền, chủ yếu mới đăng tải các bài viết dài, chưa có các bài chắt lọc những nội dung cốt lõi, chưa có những tin bài bám sát các sự kiện chính trị - xã hội nổi bật trong nước và quốc tế nên việc tuyên truyền, lan tỏa trên không gian mạng còn hạn chế…

2. Để có nguồn bài chất lượng tốt, duy trì thường xuyên chuyên mục và các tuyến bài về chủ đề này, Tạp chí Lý luận chính trị đã thực hiện đồng thời nhiều biện pháp thiết thực

Một là, luôn thực hiện nghiêm tôn chỉ mục đích, định hướng tư tưởng của Đảng; bám sát sự chỉ đạo của Đảng ủy, Giám đốc Học viện về công tác này

Bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Ban Chỉ đạo 35 Học viện để xây dựng các tuyến bài có chất lượng, gắn trực tiếp với thực tiễn công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phải bác các quan điểm sai trái, thù địch ở từng giai đoạn nhất định. Thực tiễn luôn vận động, biến đổi không ngừng, đặt ra yêu cầu, đòi hỏi công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch cũng phải thường xuyên có cập nhật, điều chỉnh cho phù hợp.

Về nội dung, bám sát hệ thống các chủ đề của Ban Chỉ đạo 35 Học viện để đặt bài, bao gồm nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch, những nhận thức lệch lạc trong lập trường tư tưởng chính trị; những vấn đề nóng bỏng mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá; chủ động đặt bài các nhà nghiên cứu nhằm có được lượng bài phong phú, có chất lượng.

Hai là, phát huy trí tuệ của Hội đồng biên tập, Hội đồng khoa học Tạp chí, quán triệt yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt này trong Ban biên tập, tòa soạn, không ngừng quan tâm xây dựng đội ngũ công tác viên, mời các nhà khoa học có trình độ lý luận cao, giàu kinh nghiệm, kỹ năng viết bài chính luận tham gia viết bài đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái.  

Ngoài các bài tiếp nhận từ đội ngũ cộng tác viên gửi tới, Tạp chí tăng cường việc đặt bài các chuyên gia, những người có kinh nghiệm thực tiễn để có số lượng bài ổn định, theo đúng kế hoạch của Tạp chí.

Ban Biên tập phân công cán bộ biên tập, bám sát đôn đốc các nhà khoa học để bảo đảm tiến độ.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa Tạp chí và Ban Chỉ đạo 35 Học viện, tạp chí phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban Chỉ đạo để tham mưu cho Thường trực Ban Chỉ đạo 35 Học viện danh mục đặt hàng các nhà khoa học viết bài và đăng tải các bài viết được đặt hàng có chất lượng. Thực hiện nhiệm vụ phân công, các cán bộ Tạp chí Lý luận chính trị tích cực tham gia thẩm định, đánh giá chất lượng các chuyên đề đặt hàng của Ban Chỉ đạo 35 Học viện. Nhờ đó, các tuyến bài về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch của Tạp chí ngày càng phong phú, bám sát sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 35 Học viện.

Nhiều bài sau khi đăng trên Tạp chí in, được Ban Chỉ đạo 35 Học viện đăng lại hoặc chắt lọc để đăng tải trên trang Việt Nam thịnh vượng; nhiều bài đăng tải trên Tạp chí Lý luận chính trị điện tử được các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử dẫn lại, một số bài được tuyển in sách.

Bốn là, không ngừng hoàn thiện quy trình xuất bản tạp chí, trong đó tập trung ưu tiên hoàn thiện quy trình biên tập, sản xuất nội dung sản phẩm tạp chí. Thực hiện chặt chẽ các khâu, các bước của quy trình xuất bản tạp chí khoa học, thẩm định, phản biện, biên tập chặt chẽ.

Các bài viết về chủ đề này đều được sàng lọc, thẩm định kỹ lưỡng. Tham gia thẩm định, phản biện đều là những nhà khoa học có uy tín, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn từ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên các lĩnh vực cụ thể.

Do đó, chất lượng các bài viết về chuyên mục này nhìn chung đều tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 35 của Bộ Chính trị trong giai đoạn mới.

Trong thời gian tới, Tạp chí cần phối hợp với cơ quan hữu quan xây dựng phương án nhuận bút đặc biệt cho các bài viết thuộc thể loại này. Bởi xây dựng tuyến bài đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, đòi hỏi sự đầu tư công sức, trí tuệ, đặc biệt là phải nắm được nhiều nguồn tư liệu, thậm chí là tư liệu mật, không công khai; cần tranh thủ các chuyên gia trên các lĩnh vực ngoại giao, an ninh, quốc phòng, để phản biện, góp ý nâng cao chất lượng bài viết. Bởi họ là những người nắm rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; nắm trong tay các nguồn tư liệu xác thực.

NGUYỄN THẮNG LỢI

LÊ MINH PHƯƠNG

                                                                         Tạp chí Lý luận chính trị,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền