Trang chủ    Diễn đàn    Xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay
Thứ hai, 05 Tháng 9 2022 10:09
1539 Lượt xem

Xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay

(LLCT) - Đại hội XIII của Đảng đã đề ra một chủ trương đột phá, đó là đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại. Để thực hiện chủ trương này, cần quan tâm giải quyết nhiều mối quan hệ, nhiều vấn đề, trong đó bao gồm việc xây dựng và phát huy đầy đủ vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách (think tank) trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn có liên quan, bài viết đề xuất giải pháp nhằm xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách trong quản trị quốc gia nói chung và trong quá trình hoạch định chủ trương, chính sách nói riêng.

Sứ mệnh quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách chính là thông qua hoạt động của mình để góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị của đảng cầm quyền cũng như chính sách công của nhà nước - Ảnh: vnanet.vn

1. Tổ chức tư vấn chính sách: khái niệm và phân loại

Quản trị quốc gia hiện đại không chỉ đòi hỏi tính hiện đại về tư duy, quan niệm quản trị mà còn đòi hỏi tính hiện đại về thể chế (theo nghĩa hẹp), công cụ, phương thức và phương pháp quản trị. Dân chủ và pháp quyền là đặc trưng cốt lõi của quản trị quốc gia hiện đại; đồng thời, tư vấn chính sách được xem là một trong những cơ chế không thể thiếu của quản trị quốc gia hiện đại(1). Vì vậy, trên thế giới hiện nay, các nước tuy có sự khác nhau về chế độ chính trị và trình độ phát triển, nhưng đều coi trọng việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn trong quản trị quốc gia, nhất là trong hoạch định chính sách công.

Thực chất của tư vấn chính sách chính là trong quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách, đảng cầm quyền cũng như nhà nước coi trọng việc tiếp nhận và thu thập một cách rộng rãi các loại thông tin và tri thức của cá nhân, tập thể và tổ chức bên ngoài đảng cầm quyền và nhà nước; đồng thời coi đây là cơ sở để đánh giá và lựa chọn chính sách, từ đó có thể tránh được sự sai lầm về chính sách cũng như góp phần nâng cao chất lượng chính sách.

Tư vấn chính sách tập trung ở hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách, cũng như mối quan hệ tương tác chặt chẽ, hiệu quả giữa các tổ chức tư vấn chính sách với đảng cầm quyền và nhà nước trong quá trình hoạch định đường lối, chính sách. Tổ chức tư vấn chính sách là tổ chức nghiên cứu, tư vấn có tính phi lợi nhuận lấy những vấn đề chiến lược và chính sách công làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu, lấy việc phục vụ quyết sách khoa học, dân chủ và theo pháp luật của đảng cầm quyền và nhà nước làm tôn chỉ.

Sứ mệnh quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách chính là thông qua hoạt động của mình để góp phần nâng cao chất lượng các quyết sách chính trị của đảng cầm quyền cũng như chính sách công của nhà nước.

Các tổ chức tư vấn chính sách thường khá đa dạng, có tổ chức tư vấn chính sách thuộc đảng cầm quyền, có tổ chức tư vấn chính sách thuộc nhà nước, có tổ chức tư vấn chính sách thuộc trường đại học và có tổ chức tư vấn chính sách do xã hội (các đoàn thể xã hội và doanh nghiệp) thành lập. Bên cạnh đó, các ủy ban hay hội đồng tư vấn được thành lập và hoạt động mang tính liên tục hoặc tạm thời cũng là những bộ phận cấu thành của thể chế tư vấn chính sách.

2. Sự cần thiết của việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay

Việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay xuất phát từ những lý do chủ yếu sau:

Thứ nhất, xuất phát từ vai trò, chức năng của các tổ chức tư vấn chính sách trong chu trình chính sách công cũng như trong việc góp phần nâng cao chất lượng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Trong quá trình hoạch định, thực thi và đánh giá chính sách công cũng như trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, các tổ chức tư vấn chính sách có nhiều vai trò khác nhau, trong đó chủ yếu là: (i) Góp phần phát triển lý luận cũng như thúc đẩy đổi mới lý luận chính trị; (ii) Nêu sáng kiến chính sách và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân; (iii) Tham gia xây dựng dự thảo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (iv) Cung cấp và tư vấn phương án chính sách cho Đảng và Nhà nước; (v) Giám định và phản biện đối với dự thảo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; (vi) Đánh giá, tổng kết việc thực hiện chủ trương, chính sách; (vii) Truyền thông chính trị và định hướng dư luận xã hội; (viii) Tham gia đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý và cung cấp nhân tài cho hệ thống chính trị và xã hội; (ix) Phối hợp với các chủ thể khác thực hiện chính sách ngoại giao(2).

Trong các vai trò trên, phát triển lý luận, nhất là đổi mới và phát triển lý luận chính trị và tư vấn chính sách là những vai trò quan trọng nhất của tổ chức tư vấn chính sách. Vì vậy, việc xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn có ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần phát triển lý luận chính trị, cũng như góp phần nâng cao chất lượng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Thứ hai, xuất phát từ yêu cầu năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước với phương châm “lấy nhân dân làm trung tâm”.

Năng lực lãnh đạo của Đảng thể hiện trên ba phương diện cơ bản đó là năng lực hoạch định chủ trương, đường lối phát triển; năng lực lãnh đạo việc tổ chức thực hiện; năng lực kiểm tra, giám sát và đánh giá, tổng kết việc thực hiện. Trong ba phương diện nói trên, năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng có vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Đảng ta khẳng định: “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”; “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo, cũng như năng lực hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, đòi hỏi cần nhiều yếu tố, trong đó xây dựng tổ chức đảng theo mô hình đảng “mở”  là một yêu cầu không thể thiếu(3). Xây dựng tổ chức đảng theo mô hình đảng “mở” thực chất là tổ chức đảng cần coi trọng phát huy dân chủ trong quá trình lãnh đạo, nhất là phát huy đầy đủ vai trò tư vấn, giám định và phản biện xã hội của các đoàn thể nhân dân cũng như các tổ chức tư vấn chính sách trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối.

Đổi mới hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan hành chính nhà nước theo phương châm “lấy nhân dân làm trung tâm” là một định hướng cốt lõi, quan trọng ở nước ta hiện nay. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu” (4).

“Lấy nhân dân làm trung tâm” trong hoạt động của các cơ quan nhà nước có nội hàm phong phú, trong đó cốt lõi là việc hoạch định mọi chính sách và tất cả công việc của các cơ quan nhà nước đều phải đến từ nhân dân, đều vì lợi ích của nhân dân; toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân; thực hiện tốt, duy trì tốt, phát triển tốt lợi ích căn bản nhất của nhân dân, lấy việc nhân dân ủng hộ hay không ủng hộ, tán thành hay không tán thành, đồng ý hay không đồng ý, hài lòng hay không hài lòng làm tiêu chuẩn cơ bản để đánh giá tất cả các công việc.

Để thực hiện tốt phương châm “lấy nhân dân làm trung tâm”, đòi hỏi cần phải bảo đảm tính dân chủ trong tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước, nhất là bảo đảm tính “mở” của quá trình hoạch định chính sách cũng như phát huy vai trò tham gia của nhân dân, xã hội và các tổ chức tư vấn trong quản trị quốc gia.

Thứ ba, xuất phát từ thực trạng tổ chức, hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách, cũng như một số hạn chế, bất cập về thể chế phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay.

Trước tiên, cần khẳng định, tuy Đảng và Nhà nước ít khi sử dụng thuật ngữ “tổ chức tư vấn chính sách” hay “think tank”, nhưng vấn đề xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức tư vấn chính sách trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tư vấn chính sách đã được đề cập trong nhiều văn bản khác nhau liên quan đến phát triển khoa học công nghệ, tổ chức khoa học công nghệ, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, vấn đề phát huy vai trò giám định, tư vấn và phản biện xã hội của các tổ chức khoa học công nghệ...

Văn kiện Đại hội XII của Đảng khẳng định: “Thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, tư vấn, phản biện của các nhà khoa học”; “coi trọng vai trò tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các cơ quan nghiên cứu khoa học trong việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội”(5).

Dưới sự tác động tích cực của nhiều nhân tố, nhất là chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng và phát huy vai trò của các tổ chức khoa học công nghệ trong lĩnh vực chính sách công, thời gian qua, các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta phát triển khá nhanh và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước, nhất là trong lĩnh vực phát triển lý luận và tư vấn chính sách.

Đến nay, chúng ta đã xây dựng, hình thành được mạng lưới các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện chức năng tư vấn chính sách dưới các tên gọi khác nhau như học viện, viện, trung tâm nghiên cứu... thuộc cơ quan đảng, nhà nước, trường đại học, các đoàn thể nhân dân, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập.

Với cơ chế hiện có, các tổ chức tư vấn chính sách (nhất là các tổ chức tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước) đã có đóng góp quan trọng vào quá trình hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, tổ chức và hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách cũng như cơ chế phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách vẫn còn không ít hạn chế, bất cập, cụ thể là:

(i) Có sự mất cân bằng giữa các loại hình tổ chức tư vấn. Cụ thể là, các tổ chức tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước số lượng nhiều, trong khi đó các tổ chức tư vấn chính sách ngoài công lập còn ít, chưa có điều kiện đầy đủ để tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện chính sách.

(ii) Tính tự chủ và năng lực hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách công lập còn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới, phát triển lý luận, cũng như yêu cầu đổi mới và hoàn thiện thể chế trong bối cảnh mới; các tổ chức tư vấn chính sách của Đảng và Nhà nước còn thiếu đội ngũ chuyên gia giỏi, chuyên gia đầu ngành; chất lượng nghiên cứu của các tổ chức tư vấn thuộc cơ quan Đảng và Nhà nước còn thấp, có biểu hiện hành chính hóa, thiên về “thuyết minh chủ trương, chính sách”; việc nghiên cứu, cung cấp luận cứ, luận chứng phục vụ việc hoạch định các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

(iii) Môi trường cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách ngoài công lập còn khó khăn, chưa tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa tổ chức vấn chính sách công lập và tổ chức tư vấn chính sách ngoài công lập.

(iv) Một số cơ quan lãnh đạo, quản lý chưa coi trọng đúng mức việc phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách. “Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý chỉ chú trọng đến vốn tiền, vật chất mà chưa coi trọng nguồn nhân lực có trình độ cao. Vẫn còn hiện tượng ngại tiếp xúc, đối thoại, không thực sự lắng nghe, thậm chí quy chụp, nhất là khi trí thức phản biện những chủ trương, chính sách, những đề án, dự án do các cơ quan lãnh đạo và quản lý đưa ra”(6).

Các cơ quan hoạch định chính sách chưa đa dạng hóa các hình thức để tương tác và tranh thủ sự “trợ giúp” từ các tổ chức tư vấn trong quá trình xây dựng và ban hành các chủ trương, chính sách; chưa có sự tách bạch giữa tư vấn chính sách và ban hành chính sách, hiện tượng cơ quan hoạch định chính sách tự nghiên cứu, khởi thảo, thẩm định và quyết định chính sách đã tạo ra một vòng khép kín, thiếu cơ chế độc lập từ bên ngoài tham gia vào quá trình tư vấn, phản biện chính sách(7).

Việc tập hợp các chuyên gia giỏi ở các lĩnh vực khác nhau vào các hội đồng, ủy ban tư vấn chính sách cũng như việc tham vấn, lắng nghe ý kiến của các tổ chức tư vấn chưa được các bộ, ngành và địa phương coi trọng đúng mức. Việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình hoạch định chính sách, cũng như việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình đấu thầu thực hiện một số dự án nghiên cứu còn chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Ngoài ra, kinh phí hoạt động của các tổ chức tư vấn ngoài công lập còn nhiều khó khăn do các tổ chức này chưa có cơ hội bình đẳng như các tổ chức tư vấn công lập trong tham gia thực hiện các đề tài, dự án cũng như các hoạt động liên quan đến tư vấn chính sách.

3. Một số giải pháp nhằm xây dựng, phát huy tốt vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách ở nước ta hiện nay

Để phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn chính sách trong quá trình hoạch định chính sách công nói riêng và trong quản trị quốc gia nói chung cần quan tâm thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách trong chu trình chính sách công và trong quản trị quốc gia để có chủ trương, chính sách cụ thể nhằm tăng cường xây dựng, phát triển các tổ chức tư vấn chính sách.

Tầm quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách thể hiện ở 3 điểm chủ yếu: (i) Tổ chức tư vấn chính sách là kênh tham khảo quan trọng để Đảng và Nhà nước đề ra được quyết sách khoa học, dân chủ và bảo đảm nguyên tắc pháp quyền; (ii) Tổ chức tư vấn chính sách là bộ phận không thể thiếu của hệ thống quản trị quốc gia hiện đại, là sự thể hiện năng lực quản trị quốc gia; (iii) Tổ chức tư vấn chính sách có vai trò quan trọng trong việc thực hiện chính sách đối ngoại, đấu tranh bảo vệ chủ quyền, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của các tổ chức tư vấn chính sách, Đảng và Nhà nước cần ban hành chủ trương và chính sách cụ thể nhằm phát triển các tổ chức tư vấn chính sách trong bối cảnh mới. Theo đó, trên cơ sở mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045, cần đề ra mục tiêu cụ thể trong xây dựng, phát triển các tổ chức tư vấn chính sách. Đồng thời, có chủ trương, chính sách cụ thể nhằm phát triển một cách cân bằng, hài hòa các loại hình tổ chức tư vấn chính sách, tức coi trọng phát triển cân bằng các tổ chức tư vấn của Đảng, Nhà nước, các tổ chức tư vấn của trường đại học, các tổ chức tư vấn của doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn chính sách của xã hội (do các hiệp hội, các tổ chức xã hội thành lập).

Bên cạnh việc thúc đẩy sự phát triển và đổi mới hoạt động của các tổ chức tư vấn của Đảng và Nhà nước, như Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh,Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam... cần có chủ trương cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức tư vấn ở các trường đại học; ủng hộ và tạo điều kiện phát triển các tổ chức tư vấn của doanh nghiệp và các tổ chức xã hội.

Cần khẳng định rõ những định hướng phát triển các tổ chức tư vấn của xã hội, cũng như bảo đảm để các tổ chức tư vấn của xã hội tham gia cung ứng dịch vụ tư vấn chính sách; mở rộng các phương thức để các tổ chức này tham gia tư vấn chính sách có hiệu quả; tạo lập cơ chế để bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức tư vấn của xã hội. Ngoài ra, cần có chủ trương về quy hoạch phát triển các tổ chức tư vấn chính sách và lựa chọn một số tổ chức tư vấn để đầu tư, phát triển trở thành các tổ chức tư vấn có chất lượng cao ở Việt Nam và khu vực.

Thứ hai, đổi mới quản lý nhà nước đối với các tổ chức tư vấn chính sách. Theo đó, việc đổi mới quản lý của Nhà nước đối với các tổ chức tư vấn chính sách cần được thực hiện theo hướng:

(i) Đổi mới thể chế và cơ chế quản lý nhà nước đối với từng loại hình tổ chức tư vấn.

(ii) Tăng cường trách nhiệm quản lý vĩ mô của Nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách thông qua quy hoạch phát triển, chính sách phát triển và điều tiết sự phát triển hài hòa, đồng bộ của các loại hình tổ chức tư vấn.

(iii) Hình thành cơ chế quản lý phù hợp đối với các tổ chức tư vấn theo hướng vừa bảo đảm để các tổ chức tư vấn hoạt động đúng phương hướng, vừa có lợi cho việc nâng cao tính tự chủ của các tổ chức tư vấn.

(iv) Đổi mới thể chế liên quan đến hoạt động nghiên cứu theo hướng khích lệ các tổ chức tư vấn chính sách hợp tác nghiên cứu với các cơ quan, tổ chức; nâng cao tính hiệu quả và tính thiết thực trong công tác nghiên cứu; hoàn thiện thể chế đấu thầu thực hiện dự án nghiên cứu, đề tài khoa học.

(v) Coi trọng nghiên cứu lý luận, chính sách và khoa học liên ngành, thúc đẩy đổi mới phương pháp nghiên cứu, công cụ phân tích chính sách; xây dựng kho dữ liệu thông tin dùng chung và liên thông để hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu và tư vấn chính sách.

(vi) Đổi mới quản lý kinh phí theo hướng thiết lập cơ chế quản lý kinh phí hiệu quả, công khai, minh bạch cũng như tăng cường giám sát hoạt động dự toán và sử dụng kinh phí nghiên cứu khoa học của các tổ chức tư vấn chính sách.

(vii) Đổi mới cơ chế đánh giá thành quả nghiên cứu và ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu theo hướng lấy mức độ đổi mới của nghiên cứu, chất lượng nghiên cứu và cống hiến thực tế làm định hướng cơ bản.

(viii) Đổi mới cơ chế nhằm tạo thuận lợi cho các tổ chức tư vấn chính sách tiếp nhận các chuyên gia giỏi ở nước ngoài đến làm việc, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức tư vấn và đội ngũ chuyên gia tham gia các hoạt động giao lưu với bên ngoài.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế nhằm tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tư vấn chính sách theo hướng:

(i) Khuyến khích các chuyên gia và các tổ chức tư vấn thông qua cổng thông tin điện tử, hội thảo khoa học, hội nghị tư vấn, báo chí và truyền thông đại chúng... để thể hiện công khai ý kiến, chính kiến của mình đối với những vấn đề quan trọng (trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia), cũng như có ứng xử phù hợp đối với những chuyên gia và các tổ chức tư vấn có ý kiến khác.

(ii) Nhấn mạnh trách nhiệm cung cấp thông tin cho xã hội của các cơ quan hoạch định chính sách; mở rộng kênh công khai thông tin của các cơ quan nhà nước cũng như các cơ quan hoạch định chính sách. Đặc biệt, cần nhấn mạnh việc thực hiện công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, hoạch định các chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm tốt sự tham gia và giám sát của xã hội, cũng như của các tổ chức tư vấn chính sách.

(iii) Coi trọng đúng mức việc trưng cầu và lấy ý kiến của các tổ chức tư vấn chính sách đối với các chính sách, quyết sách quan trọng. Theo đó, đối với những chủ trương, chính sách quan trọng, liên quan đến lợi ích công và lợi ích của nhân dân, cần phải thông qua các hình thức như hội nghị tham vấn, tọa đàm, hội nghị phản biện... để lắng nghe và tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các tổ chức tư vấn; tăng cường trách nhiệm phản hồi của cơ quan hoạch định chính sách đối với các ý kiến tư vấn của tổ chức tư vấn; cần có hướng dẫn cụ thể để cơ quan đảng và chính quyền cấp tỉnh kiện toàn các tổ chức tư vấn, cũng như thành lập hội đồng, ủy ban tư vấn phục vụ cho quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của tổ chức Đảng và chính quyền.

(iv) Thiết lập cơ chế đánh giá chính sách và cơ chế mua sắm dịch vụ tư vấn chính sách. Theo đó, cần có quy định trước khi quyết định phương án chính sách lớn, dự án lớn và quan trọng phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện về tính khả thi, cũng như đánh giá mức độ rủi ro trên các khía cạnh khác nhau, coi trọng sử dụng đồng thời kết quả đánh giá, tư vấn, phản biện của các tổ chức tư vấn khác nhau; coi trọng đánh giá thực thi chính sách, hiệu quả thực thi chính sách và ảnh hưởng xã hội của việc thực thi chính sách; thiết lập cơ chế phản hồi, công khai, vận dụng ý kiến đánh giá của tổ chức tư vấn chính sách; thực hiện mô hình đánh giá chính sách theo hướng tăng cường sự tham gia đánh giá của nhiều bên.

Báo cáo tư vấn, dữ liệu điều tra, khảo sát của các tổ chức tư vấn chính sách cần phải đưa vào phạm vi và danh mục mua sắm dịch vụ của các cơ quan nhà nước; thực hiện công khai, cạnh tranh trong đấu thầu mua sắm dịch vụ tư vấn.

Thứ tư, tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý đối với việc xây dựng các tổ chức tư vấn chính sách

Trên cơ sở ý thức được vị trí, vai trò và tầm quan trọng của tổ chức tư vấn chính sách, các cấp ủy đảng, chính quyền phải coi trọng việc xây dựng tổ chức tư vấn chính sách, coi công tác xây dựng tổ chức tư vấn chính sách là một nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo, quản lý và nằm ở vị trí ưu tiên trong chương trình nghị sự của tổ chức đảng và chính quyền. Tăng cường đầu tư ngân sách nhà nước cho hoạt động của các tổ chức tư vấn thông qua Quỹ phát triển tổ chức tư vấn chính sách, cũng như mở rộng hạn mức tài trợ, đóng góp của xã hội cho hoạt động của tổ chức tư vấn chính sách; thông qua chính sách ưu đãi, miễn thuế để khích lệ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cũng như cá nhân tham gia đóng góp, quyên góp tài chính cho hoạt động của các tổ chức tư vấn.

Coi trọng đúng mức việc quy hoạch, quy tụ, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, trọng dụng và sử dụng nhân tài trong các tổ chức tư vấn chính sách, cũng như định hướng các tổ chức tư vấn chính sách đổi mới thể chế quản trị nội bộ.

_________________

Ngày nhận bài: 8-1-2022; Ngày bình duyệt: 19-1-2022; Ngày duyệt đăng: 17-5-2022

 

(1) Nguyễn Trọng Bình: Quản trị công trên thế giới và ở Việt Nam: lý luận và thực tiễn, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2021, tr.11-28.

(2) Nguyễn Trọng Bình: “Vai trò của think tank trong đời sống chính trị - xã hội ở Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc, số 12-2020.

(3) Phạm Ngọc Quang: Cơ sở đánh giá năng lực của Đảng Cộng sản cầm quyền, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 6-3-2014.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.27.

(5) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.161-162.

(6) ĐCSVN: Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hà Nội, 2008.

 

(7) Nguyễn Trọng Bình: Phát huy vai trò của tổ chức nghiên cứu, tư vấn chính sách trong lĩnh vực chính sách công, Tạp chí Lý luận chính trị, số 4-2016.

TS NGUYỄN TRỌNG BÌNH

Học viện Chính trị khu vực IV

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền