Trang chủ    Diễn đàn    Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”
Thứ năm, 03 Tháng 11 2022 14:08
1403 Lượt xem

Phát huy vai trò của báo chí trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

(LLCT) - Xây dựng, chỉnh đốn để Đảng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt, thường xuyên, liên tục, trong đó, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là nội dung trọng tâm. Phát huy vai trò của báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là đóng góp vào xây dựng hệ thống chính trị đồng thời nâng cao vị thế của báo chí trong đời sống xã hội.

Phát huy vai trò của báo chí tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” - Ảnh: nhandan.vn

1. Quan điểm của Đảng về phát huy vai trò của báo chí, truyền thông trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Trong nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Đảng ta luôn nhấn mạnh vai trò giám sát và phản biện xã hội của báo chí.

Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 02-02-1999 Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đã chỉ rõ công luận (báo chí) là một trong 4 hệ thống giám sát xã hội (tổ chức đảng, nhân dân, cơ quan đại diện nhân dân, công luận): “Sử dụng đồng bộ hệ thống giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là sự giám sát của tổ chức đảng, trước hết là từ chi bộ, sự giám sát của nhân dân và các cơ quan đại diện nhân dân, sự giám sát của công luận...

Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng nêu gương "người tốt, việc tốt" giới thiệu kinh nghiệm của các điển hình tiên tiến; lên án cái xấu, cái ác, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội; chống những quan điểm sai trái, thù địch”(1).

Nghị quyết 12-NQ/TW ngày 16-01-2012 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay đã xác định báo chí vừa là lĩnh vực, là một đối tượng của chỉnh đốn Đảng, đồng thời là phương thức, giải pháp để xây dựng và chỉnh đốn Đảng: “chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền; quản lý có hiệu quả hoạt động báo chí theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước. Chú trọng làm tốt hơn việc nêu gương những người tốt, việc tốt; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sa sút về tư tưởng chính trị, vô trách nhiệm, vụ lợi cá nhân, vi phạm những chuẩn mực đạo đức, lối sống... Tập trung chấn chỉnh, quản lý thông tin trên mạng Internet, các mạng xã hội và blog cá nhân”(2).

Nghị quyết số 04/NQ-TW ngày 30-10-2016, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, trong đó cũng xác định báo chí là một lĩnh vực của công tác xây dựng Đảng: “Tăng cường quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, xuất bản, Internet, mạng xã hội. Phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động định hướng, cung cấp thông tin thường xuyên hoặc đột xuất; chú trọng tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt. Khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích; xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm quy định về thông tin, báo chí, tuyên truyền”(3).

Với vai trò quan trọng của báo chí, Ban Bí thư đã ra Kết luận số 23-KL/TW ngày 22-11-2017 về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Ban Bí thư đã nêu rõ các 11 nhiệm vụ, trong đó 3 nhiệm vụ chung và 8 nhiệm đối với từng cơ quan ban, bộ, ngành trong công tác báo chí(4)

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đầy đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, trong đó đã đề ra nhiệm vụ “kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền”, đã nêu nguyên nhân của những hạn chế trong công tác cán bộ là chưa phát huy vai trò giám sát, kiểm soát công tác cán bộ, “chưa phát huy có hiệu quả vai trò, trách nhiệm của các cơ quan truyền thông, báo chí”.    Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở từng khâu, từng bước, từng mặt công tác, ở mọi lúc mọi nơi, các cấp các ngành, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó phát huy vai trò của báo chí trên phương diện giám sát và phản biện xã hội.

Nghị quyết nêu rõ các quan điểm nhất quán trong công tác cán bộ, trong đó yêu cầu “tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm”.

Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII về “phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị”, nhấn mạnh vai trò của báo chí trong tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng,“Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm... của các cơ quan báo chí và nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch... Tiếp tục thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển, quản lý báo chí, xuất bản; tăng cường định hướng và đề cao sứ mệnh, trách nhiệm, nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí, quản lý chặt chẽ các trang tin điện tử, nhất là mạng xã hội; tăng cường định hướng thông tin, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng Internet, mạng xã hội để xuyên tạc sự thật, kích động, gây rối, chia rẽ đoàn kết nội bộ. Quản lý và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong việc lập và sử dụng mạng xã hội trên Internet”(5).Hội nghị cũng nhấn mạnh: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… của báo chí”(6). Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII xác định xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở từng khâu, từng bước, từng mặt công tác, ở mọi lúc mọi nơi, các cấp các ngành, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; cần sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó phát huy vai trò của báo chí trên phương diện giám sát và phản biện xã hội.

2. Nội dung, phương pháp của báo chí tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Báo chí tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” từ phương diện chức năng xã hội của mình, với vai trò giám sát, phản biện xã hội, đã được quy định trong Luật Báo chí năm 2106 “đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội”. Thể hiện trên các nội dung sau:

- Báo chí cách mạng là “người tuyên truyền tập thể” và là “người tổ chức tập thể”, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các đối tượng trong xã hội. Báo chí tuyên truyền các quy định của Đảng, về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, về phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội và đặc biệt là chủ nghĩa dân túy dưới mọi màu sắc, để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận diện và tham gia giám sát, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Báo chí - công luận là một bộ phận của truyền thông có chức năng nhiệm vụ trước hết là chuyển tải thông tin, thông điệp, kết nối xã hội, tạo nguồn tài nguyên thông tin chính yếu cung cấp cho xã hội. Do đó, báo chí đóng vai trò định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội. Qua đó, báo chí nâng cao trình độ, ý thức chính trị của xã hội, để mỗi người dân hiểu biết chính sách, pháp luật và tôn trọng pháp lý, đề cao pháp quyền, tuân thủ pháp luật và nâng cao ý thức trách nhiệm tham gia công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

- Báo chí trực tiếp và gián tiếp tham gia giám sát qua việc: phản ánh khách quan, sinh động công tác chỉnh đốn Đảng, việc thực thi chính sách, tuân thủ pháp luật, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và hành động nêu gương của cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức. Qua đó, báo chí, công luận lan tỏa, dẫn dắt dư luận đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Đồng thời, làm rõ những bất cập, hạn chế, thiếu khuyết trong cơ chế, chính sách, quy định của Đảng về quản lý, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên;cung cấp cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện các chính sách, quy định.

- Báo chí giới thiệu, tuyên truyền, lan tỏa những tấm gương điển hình, tích cực, gương mẫu, những cách làm sáng tạo, những kinh nghiệm trong thực thi chủ trương, chính sách, những tấm gương sáng trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

- Báo chí, đặc biệt là các tác phẩm báo chí điều tra, thông tin, phản ánh khách quan tình hình công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là phản ánh những biểu hiện vi phạm chủ trương, chính sách, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ, đảng viên và công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Qua các nhân vật, sự kiện cụ thể, công chúng báo chí đưa ra các thông điệp về tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản ánh thái độ đồng tình hay phản đối của công chúng báo chí, lời cảnh báo, răn đe của dư luận xã hội, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, sai trái đồng thời tạo nên những giá trị mới phù hợp với xu thế tích cực, tiến bộ.

Sự tham gia giám sát, phản biện xã hội của báo chí góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”,để cán bộ, đảng viên không thể, không dám và không muốn vi phạm.

3. Thực trạng báo chí tham gia xây dựng Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Nhận thức rõ vai trò của báo chí trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong thời gian qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, biện pháp, ban hành nhiều quy định để tạo điều kiện cho báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình về nội dung này.

Đảng ta đã đổi mới và tăng cường các cơ chế để báo chí thực hiện tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”:

Một là, báo chí cách mạng được xác định là một công cụ “tuyên truyền tập thể”, “tổ chức tập thể”, là phương thức của công tác tư tưởng của Đảng. Đảng luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác báo chí, thường xuyên định hướng báo chí truyền thông. Nghị quyết 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã yêu cầu mở rộng các hình thức tuyên truyền, nhân rộng những điển hình tiên tiến, những cách làm sáng tạo, hiệu quả, đồng thời “truyền đạt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; nắm chắc tình hình cơ sở; đồng thời, qua đó để nhân dân thực hiện việc giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là về đạo đức, lối sống”(7).

Các cấp, các ngành luôn quan tâm cung cấp, giải đáp kịp thời về các nội dung thông tin mà báo chí, dư luận quan tâm. Giải trình thỏa đáng các vấn đề báo chí nêu. Chỉ đạo xử lý những vấn đề xã hội bức xúc; kịp thời chấn chỉnh những thông tin không chính xác, những vi phạm quy định về bí mật nhà nước, vi phạm quy định về quyền thông tin cá nhân.

Hai là, thực hiện quy định về cung cấp thông tin báo chí. Báo chí cách mạng là một lực lượng, công cụ làm công tác tư tưởng và là một cách thức thực hiện quyền dân chủ của nhân dân. Trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị là công khai thông tin cho nhân dân và công luận để thực hiên phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”.

Phát huy vai trò của báo chí tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thời gian qua đã có nhiều quy định về công khai các nội dung của công tác cán bộ, như quy định về công khai tài sản, công khai tiêu chuẩn các chức danh, trách nhiệm, thẩm quyền của cán bộ lãnh đạo, quản lý, quy trình công tác cán bộ, công khai về bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, nhân sự, công khai các dự án về sắp xếp tổ chức - bộ máy,… để từ đó báo chí tham gia giám sát việc thực hiện.

Ba là, đã thực sự coi trọng vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí. Đã có quy định cụ thể và yêu cầu các cấp phải quan tâm lắng nghe dư luận báo chí để làm tốt công tác cán bộ, phải có sự lưu tâm, cân nhắc đối với các trường hợp báo chí nêu, không ban hành các quyết định về công tác cán bộ khi đang có dư luận mà chưa được giải trình thỏa đáng.

Bốn là, từng bước hoàn thiện thể chế, bảo đảm môi trường cho báo chí thực hiện chức năng, nhiệm vụ đúng quy định; đổi mới cơ chế, chính sách phát triển báo chí, đáp ứng nhu cầu của xã hội, thực thi quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận và nhà báo tác nghiệp thuận lợi.

Năm là, nhằm khuyến khích, động viên sự đóng góp của báo chí tham gia đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhiều giải báo chí về công tác xây dựng Đảng được tổ chức với quy mô khác nhau nhằm tôn vinh, ghi nhận cống hiến của báo giới đối với công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng chống, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Điển hình là Giải báo chí về công tác xây dựng Đảng Búa Liềm Vàng hằng năm; Giải Báo chí quốc gia; Giải thi viết chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Giải báo chí đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, Giải báo chí về Đại đoàn kết toàn dân tộc,… Trong các giải, nhiều tác phẩm báo chí chủ đề về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đoạt giải. 

Đã quan tâm xây dựng Hội Nhà báo Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của báo giới. Bên cạnh đó là nhiều hình thức tôn vinh sự đóng góp, cống hiến của báo giới đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sáu là, công tác xây dựng hệ thống các cơ quan báo chí, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí luôn được quan tâm, chú trọng. Được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, trong đó chú trọng việc nâng cao nhận thức chính trị của đội ngũ báo chí về xây dựng Đảng, về các mặt của công tác xây dựng Đảng.

4. Một số hạn chế và nguyên nhân trong phát huy vai trò của báo chí tham gia chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Vai trò của báo chí tham gia công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” còn những hạn chế, bất cập, cần quan tâm khắc phục, đó là:

Đảng ta đang tập trung lãnh đạo thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tuy nhiên, chưa có nhiều những tác phẩm báo chí và không có nhiều cơ quan báo chí tổ chức được các tác phẩm báo chí về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gây tiếng vang, có giá trị lý luận cao, có tác động xã hội lớn, cả ở thể loại chính luận, khoa học, phóng sự và điều tra.

Những tờ có tiếng là tiên phong, “xông xáo”, có ý kiến mạnh mẽ như Tuổi trẻ, Thanh niên hằng quý, cũng chỉ có một vài bài, tuyến bài điều tra trên các lĩnh vực, bài về công tác chỉnh đốn Đảng thiếu vắng.

Trong khi đó, một số báo có biểu hiện thương mại hóa, tập trung quá nhiều vào những vấn đề tiêu cực, khoét sâu vào những hạn chế yếu kém, khuyết điểm trong công tác cán bộ; đăng tải tin bài giật gân câu khách,… làm nhiễu loạn thông tin về công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm gia tăng “năng lượng tiêu cực” trong xã hội, gây tác động xấu đến tư tưởng. Thậm chí, cũng đã có không ít nhà báo vi phạm pháp luật, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, vi phạm thông tin đời tư của công dân, làm lộ lọt thông tin trong quá trình điều tra,...

Nguyên nhân thực trạng trên là: Đề tài về xây dựng Đảng, trong đó có các thể loại chính luận, phóng sự, điều tra đòi hỏi rất công phu, cẩn trọng, tỷ mỉ, tốn kém nhiều thời gian, công sức trí tuệ để điều tra, thu thập thông tin, dữ liệu. Trong khi, các ban biên tập “ngại” va chạm; năng lực của nhiều tòa soạn còn hạn chế, thiếu những phóng viên đủ năng lực thực hiện bài về công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là thể loại bài điều tra. Đây cũng là công việc thách thức, thậm chí “nguy hiểm” với bản thân và gia đình… Trong khi, chưa có cơ chế bảo vệ nhà báo “tai nạn” khi tác nghiệp; thu nhập của nhà báo chưa tương xứng.

Hiện nay, nhà báo đều có trình độ đại học trở lên ở các chuyên ngành khác nhau. Tuy vậy, một bộ phận nhà báo, nhất là nhà báo trẻ chưa được đào tạo về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, kiến thức chuyên ngành khoa học chính trị, xây dựng Đảng, kiến thức pháp luật và cả sự dày dặn từng trải, kinh nghiệm, nên thường khó khăn khi thực hiện bài về công tác xây dựng Đảng. Bên cạnh đó, một bộ phận nhà báo chưa được bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí, do vậy còn lúng túng khi thực hiện bài về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

5. Tăng cường phát huy vai trò báo chí trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Thứ nhất, Nghị quyết 26 đã nêu: “Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận và xử lý những ý kiến phản ảnh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của nhân dân, nhất là của người có uy tín trong cộng đồng dân cư gửi đến cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị và qua các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức phù hợp, hiệu quả”.

Để thực hiện tốt chủ trương này, các cấp ủy, cơ quan tham mưu cấp ủy về công tác tuyên giáo, tổ chức - cán bộ cần có quy định thống nhất về tiếp nhận thông tin trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, công luận.

Có quy định cụ thể đối với tổ chức Đảng về tiếp nhận, giải trình ý kiến giám sát, phản biện xã hội của báo chí, dư luận xã hội. Đặc biệt là công luận về công tác cán bộ, về nhận diện, đấu tranh với suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Lắng nghe nhân dân, “cán bộ lãnh đạo cũng phải xem tivi để biết xã hội đang nổi lên cái gì, dân tình đang bức xúc chuyện gì, những mô hình nào hay, chỗ nào còn tồn tại hạn chế để chỉ đạo giải quyết khắc phục”(8), lắng nghe ý kiến của nhân dân để tự hoàn thiện mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thứ hai, các cơ quan báo chí cần dành thời lượng phù hợp cho chủ đề xây dựng và chỉnh đốn Đảng, được xác định là then chốt hiện nay, trong đó, tăng cường chủ đề về công tác cán bộ, là “then chốt của then chốt”, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Quan tâm xây dựng, ban hành cơ chế thống nhất trong quản lý báo chí về lĩnh vực chính trị - thời sự - xây dựng Đảng, tạo hành lang pháp lý cho nhà báo và cơ quan báo chí hoạt động.

Để thúc đẩy tăng cường các chuyên mục về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cùng với việc chỉ đạo, định hướng của các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí và cơ quan chủ quản báo chí, các cấp, các ngành cần có nhiều hơn nữa các giải thưởng báo chí về chủ đề này để tôn vinh, động viên các nhà báo trực tiếp thực hiện chuyên mục này.

Thứ ba, cần quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ nhà báo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn và kỹ năng, nghiệp vụ. Đặc biệt, đối với đội ngũ nhà báo trực tiếp thực hiện bài về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Về phẩm chất, năng lực của đội ngũ nhà báo thực hiện bài về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị, đấu tranh, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đòi hỏi vốn kiến thức chuyên ngành chuyên sâu, bao gồm kiến thức chính trị, pháp luật, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, cùng với vốn kinh nghiệm thực tiễn và từng trải để đủ khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin liên quan.

Do vậy, cần cử đội ngũ nhà báo thực hiện bài về lĩnh vực chính trị, xây dựng Đảng được tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị. Qua đó, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện tin bài về chủ đề này, làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội đối với công tác xây dựng Đảng.  

Thứ tư, cần quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng tại Chỉ thị 01- CT/TW ngày 09-3-2021 của Bộ Chính trị “về việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, đó là: Việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là công việc thường xuyên, phải được thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản, khoa học trong suốt cả nhiệm kỳ”. Trong đó,Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các ban ngành hữu quan “tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho lãnh đạo các cơ quan báo chí, xuất bản; lãnh đạo các hội văn học, nghệ thuật, hội khoa học, kỹ thuật và các văn nghệ sĩ, trí thức; đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các học viện, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước”. Đây cũng chính là đội ngũ nhà báo, cộng tác viên báo chí và công chúng báo chí chủ lực ở nước ta.

Thứ năm, cần nghiên cứu cơ chế đặt hàng, hỗ trợ tác phẩm báo chí về lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm tạo động lực, động viên, khuyến khích và tập hợp, phát huy đội ngũ nhà báo thực hiện tin bài đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

_________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 30-31.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.36.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.38-39.

(4) Kết luận số 23-KL/TW ngày 22-11-2017 của Ban Bí thư về tăng cường chỉ đạo, quản lý, phát huy vai trò của báo chí, xuất bản trong việc ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 94-95, 105.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2018, tr.61.

(8) Văn Kiên: Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng: Đánh giá cán bộ phải thực chất, https://tienphong.vn/thuong-truc-ban-bi-thu-vo-van-thuong-danh-gia-can-bo-phai-thuc-chat-post1455622.tpo, truy cập ngày 22-7-2022.

                                                   NGUYỄN THẮNG LỢI

                                                     Tạp chí Lý luận chính trị

                                                    HOÀNG LONG

                                        Trường Chính trị Nguyễn Văn Cừ tỉnh Bắc Ninh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền