Trang chủ    Diễn đàn    Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ
Thứ hai, 14 Tháng 11 2022 17:00
1643 Lượt xem

Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

(LLCT) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Công tác tổ chức-cán bộ hiện nay đang đòi hỏi cấp bách những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực, góp phần quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

1. Kiểm soát quyền lực và vai trò của kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Quyền lực là yếu tố không thể thiếu để duy trì trật tự xã hội nhằm bảo đảm lợi ích chung. Nói đến quyền lực là nói đến khả năng, năng lực của một tổ chức hay cá nhân tác động đến hành động, hành vi của những chủ thể khác, buộc họ phải chấp hành theo ý chí của chủ thể có quyền lực. 

Trong công tác cán bộ, quyền lực được hiểu là “thẩm quyền của tổ chức, cá nhân trong việc tuyển dụng, bố trí, quản lý, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ”(1).

Quyền lực luôn có tính hai mặt, nếu quyền lực được trao đúng người có đạo đức, tài năng, tâm huyết thì sẽ phát huy tác dụng, mang lại giá trị tốt đẹp, tích cực, hạnh phúc cho cá nhân, sự hưng thịnh cho tổ chức, quốc gia, dân tộc. Ngược lại, nếu quyền lực bị trao nhầm, hoặc bị chiếm đoạt bởi những người thiếu tài, đức, không xứng tầm thì sẽ bị tha hóa, bị sử dụng để phục vụ cho lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”, gây ra nhiều hệ lụy cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng, xã hội và đất nước. Thậm chí, có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ. 

Trong công tác cán bộ, quyền lực có sự cám dỗ rất lớn và luôn đứng trước nguy cơ tha hóa, lạm quyền, lộng quyền. Vì thế, cần phải có cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền, không thực hiện đúng đắn, đầy đủ các quyền lực được giao.

Như vậy, kiểm soát quyền lực là kiểm soát con người, kiểm soát hành vi sử dụng quyền lực của chủ thể, bảo đảm cho quyền lực được sử dụng và thực hiện theo đúng quy định, đạt được mục đích và hiệu quả.

2. Thực trạng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ 

Nhận thức rõ sự tha hóa quyền lực là mối nguy hại đối với đội ngũ cán bộ, trong quá trình lãnh đạo, quản lý đất nước, Đảng ta đặc biệt chú trọng kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ. Qua các thời kỳ, chủ trương, chính sách, pháp luật về kiểm soát quyền lực từng bước được hoàn thiện, với quyết tâm “nhốt quyền lực trong lồng thể chế”.

Hiến pháp năm 2013, tại khoản 3 Điều 2 quy định nguyên tắc “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. 

Đại hội XII của Đảng nêu rõ: “Hoàn thiện và thực hiện nghiêm cơ chế kiểm soát quyền lực, ngăn ngừa sự lạm quyền, vi phạm kỷ luật, kỷ cương”(2). Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền, trong đó nội dung cốt lõi là “sử dụng cơ chế, biện pháp nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về công tác cán bộ; phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước, nhất là các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền hoặc không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và những việc phải làm trên cương vị được giao trong công tác cán bộ”. 

Ðại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vấn đề kiểm soát quyền lực. Cụm từ “kiểm soát quyền lực” được nhắc đến hơn 20 lần. Đại hội XIII chủ trương “Tăng cường công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát quyền lực gắn với siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của Nhà nước và của cán bộ, công chức, viên chức”(3); “Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, gắn với kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền”(4). Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành nhiều chỉ thị, quy định, kết luận nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực trong Đảng: Quy định số 22-QĐ/TW ngày 28-7-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 41-QĐ/TW ngày 3-11-2021 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ;… Những Văn kiện này nhằm nâng cao tính giáo dục, đề cao lòng tự trọng, xây dựng văn hóa công minh, chính trực trong công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình trong công tác cán bộ. 

Việc xây dựng, hoàn thiệncơ chế nhằm góp phần bảo đảm công tác cán bộ thực sự dân chủ, minh bạch, ngăn chặn, đấu tranh, phòng ngừa, đẩy lùi tình trạng lạm quyền, lộng quyền, tránh tình trạng buông lỏng quyền lực trong công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Những quy định của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ được các cấp ủy đảng, chính quyền quán triệt sâu rộng, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, góp phần chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác cán bộ, khắc phục tình trạng lạm quyền, tham nhũng, thao túng, chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ liêm chính, có ý thức giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống, nỗ lực thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Thời gian qua, các cán bộ được tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, điều động, đề bạt, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử, xếp loại thi đua, khen thưởng, nâng ngạch,... cơ bản được thực hiện đúng quy trình, dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn quy định đã nhận được sự ủng hộ và tạo được niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân; tình trạng đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ có chiều hướng thuyên giảm. 

Nhiều cán bộ lạm quyền, thoái hóa, biến chất, tham ô, tham nhũng bị phát hiện và xử lý kiên quyết, nghiêm minh. Trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, toàn Đảng đã xử lý kỷ luật hàng trăm tổ chức đảng, trong đó, có một số tập thể ban thường vụ tỉnh ủy, huyện ủy và tương đương đã xem xét kỷ luật.

Bên cạnh đó, quyền lực trong công tác cán bộ ở nước ta trong thời gian qua cũng có lúc, có nơi chưa được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chưa được kiểm soát hoặc được dung túng, bao che. Ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị, việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực chưa quyết liệt, hiệu quả; chưa thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ. Việc lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực trong chính sách cán bộ, tham nhũng, lợi ích nhóm có diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Vẫn còn biểu hiện lạm dụng quyền lực trong việc bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, có nơi còn bao che, bổ nhiệm chưa bảo đảm đúng quy trình, tiêu chuẩn, điều kiện, cá biệt có nơi bố trí người nhà, người thân chưa đủ uy tín. Việc phân công, phân cấp, phân quyền chưa gắn với ràng buộc trách nhiệm của người đứng đầu. 

Đảng thẳng thắn chỉ rõ: “Việc thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương của Đảng về một số nội dung trong công tác cán bộ còn chậm, có nội dung chưa thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng”(5). Việc điều tra, phát hiện, xử lý những vụ án tham nhũng “vẫn còn hạn chế, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng, lãng phí trong nội bộ cơ quan, đơn vị còn yếu”(6). Việc công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình còn hạn chế. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu trong tình hình mới, chất lượng, hiệu quả chưa đồng đều ở các cấp. Việc kiểm tra, giám sát thực hiện một số nghị quyết của Đảng chưa thường xuyên. Công tác kiểm tra ở một số nơi thiếu trọng tâm, trọng điểm; việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm của nhiều cấp ủy, tổ chức đảng vẫn là khâu yếu. 

Thực trạng đó cho thấy kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là công việc hệ trọng, cấp bách, cần được thực hiện với quyết tâm chính trị cao và bằng những giải pháp thiết thực, hữu hiệu.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ

Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, trong việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

Một là, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, đảng viên và xã hội về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, phòng, chống “chạy chức, chạy quyền”. Nâng cao ý thức tận tâm, tận lực phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Công tác tuyên truyền, phổ biến cần thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, qua đó tạo sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và toàn xã hội trong việc phản ánh, đấu tranh và ngăn chặn những dấu hiệu tha hóa quyền lực. 

Hai là, đẩy nhanh việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, quy định trong kiểm soát quyền lực công tác tổ chức cán bộ, theo nguyên tắc quyền lực được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, chính sách, pháp luật; quyền lực phải được ràng buộc chặt chẽ bằng nghĩa vụ, trách nhiệm với quy định cụ thể trong cơ chế, chính sách, pháp luật. Cơ chế kiểm soát quyền lực phải theo hướng đa chiều, đa diện, được tiến hành thường xuyên, đồng bộ, chặt chẽ. Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ phải song song với nhiệm vụ sắp xếp, đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và thực hiện chiến lược cán bộ. 

Ba là, cần thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ. Công tác bầu cử, bổ nhiệm, tuyển dụng, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật, cán bộ ở các cấp, các ngành, từ bộ máy đảng đến bộ máy chính quyền phải được công khai, minh bạch về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và hồ sơ nhân sự. 

Việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, cất nhắc cán bộ có thể tiến hành khoa học, dân chủ để trao quyền lực đúng người, đúng chỗ.

Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan truyền thông, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền lực trong công tác cán bộ. 

Năm là, cần khen thưởng, xử phạt kịp thời, có cơ chế bảo vệ những người phản ánh, tố cáo đúng các hành vi lạm dụng quyền lực, chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền, hành vi tham nhũng, lãng phí. Cần xử lý kịp thời, nghiêm minh những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ. 

Đất nước ta đang đứng trước nhiều thời cơ, vận hội và cả những thách thức. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ những định hướng cơ bản: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng… Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng và kiểm soát chặt chẽ quyền lực”(7). Muôn việc thành công hay thất bại xét cho cùng đều do công tác cán bộ, vì vậy, để “gốc của công việc” được tốt thì vấn đề kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc trọng yếu, cần kíp của Đảng và toàn hệ thống chính trị.

_________________

Ngày nhận bài: 24-10-2022; Ngày bình duyệt: 26-10-2022; Ngày duyệt đăng: 14-11-2022.

 

(1) Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 của Bộ Chính trị “về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền”.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 47.

(3), (4) (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 118, 190, 91, 92-93.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 229 -230.

TS TRẦN THỊ KIỀU NGA 

Vụ Tổ chức - Cán bộ,

                                      Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền