Trang chủ    Diễn đàn    Giáo dục gia đình với quản lý phát triển xã hội
Thứ năm, 17 Tháng 11 2022 10:58
1476 Lượt xem

Giáo dục gia đình với quản lý phát triển xã hội

(LLCT) - Nghiên cứu sự phát triển của xã hội hiện đại cho thấy các vấn đề xã hội, các rủi ro xã hội rất phức tạp, khó lường. Thực tế ấy đòi hỏi cần tìm cách nâng cao hiệu quả công tác quản lý phát triển xã hội. Từ lý luận về quản lý phát triển xã hội, bài viết phân tích vai trò của giáo dục gia đình đối với quản lý phát triển xã hội, đồng thời đề xuất một số giải pháp tăng cường hiệu quả giáo dục gia đình góp phần nâng cao hiệu quả quản lý phát triển xã hội hài hòa, bền vững.

Giáo dục gia đình được thực hiện tốt sẽ góp phần kiến tạo nên xã hội hài hòa và bền vững - Ảnh: giaoduc.net.vn

Phát triển xã hội là quá trình chuyển xã hội từ trạng thái này sang trạng thái khác tốt hơn, mà ở đó, các vấn đề về quyền con người, tự do, dân chủ, công bằng, bình đẳng được bảo đảm; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về vật chất, tinh thần cho mọi thành viên sống trong xã hội, con người có điều kiện phát triển toàn diện.

Quản lý phát triển xã hội là sự tác động có định hướng, có tổ chức của các chủ thể nhà nước và xã hội đến các lĩnh vực đời sống xã hội nhằm mục tiêu phát triển xã hội hài hòa và bền vững(1). Bản chất của quản lý phát triển xã hội là sự tác động đồng thời của các nhóm chủ thể quản lý tới nhiều khách thể quản lý theo các quy định pháp luật, chuẩn mực đạo đức và giá trị xã hội nhằm mục tiêu phát triển xã hội văn minh, tiến bộ.

Chủ thể quản lý phát triển xã hội bao gồm nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức cộng đồng,... Trong đó, nhà nước là chủ thể quan trọng nhất, có trách nhiệm đề ra chiến lược, xây dựng kế hoạch cho phát triển xã hội; bảo đảm cho mọi thành viên xã hội bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực và phát huy cao nhất năng lực của mình; điều tiết các mất cân đối do thị trường tạo ra; trực tiếp chăm lo và dẫn dắt ở những khâu mà thị trường không làm(2); xây dựng và thực thi các chính sách xã hội hỗ trợ các đối tượng, cộng đồng, vùng, miền còn nhiều hạn chế trong cơ hội phát triển. Các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp và tổ chức cộng đồng đa dạng khác là chủ thể nòng cốt của quản lý phát triển xã hội, trong đó, gia đình đóng vai trò quan trọng. 

Trong ba môi trường cơ bản của quá trình xã hội hóa cá nhân, gồm: gia đình - nhà trường - xã hội, gia đình luôn là môi trường quan trọng nhất. “Gia đình là nhân tố đầu tiên và ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình trưởng thành, nhận thức và hành vi của mỗi cá nhân. Con người được sinh ra và lớn lên trong mái ấm của gia đình, được chăm sóc, nuôi dưỡng và quan trọng hơn là được học những bài học đầu tiên về xã hội từ cuộc sống gia đình”(3). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định phải: “Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ”(4). Đảng đề ra nhiệm vụ: “quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, nghiêm minh, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; xây dựng môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; …”(5). Như vậy, giữa quản lý phát triển xã hội và giáo dục gia đình có mối quan hệ chặt chẽ. Một trong những phương cách quản lý phát triển xã hội nhất nhằm hướng đến một xã hội mà mọi thành viên luôn hành động theo vị thế, vai trò hợp chuẩn thì không thể tách rời giáo dục gia đình.

Giáo dục gia đình được thực hiện tốt, có nội dung và phương pháp phù hợp với nhu cầu phát triển xã hội thì sẽ góp phần kiểm soát hành vi lệch chuẩn của cá nhân, góp phần kiến tạo nên xã hội hài hòa và bền vững. Ngược lại, nếu chức năng giáo dục của gia đình không được thực thi hiệu quả và đúng cách, sẽ khó có thể tạo ra cho xã hội những nhân cách hợp chuẩn để xây dựng và phát triển một xã hội hài hòa, bền vững.

Tuy nhiên, thực tế đã và đang diễn ra ở nước ta cho thấy, xã hội càng hiện đại cùng với xu thế hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường sâu rộng thì việc thực hiện chức năng giáo dục hành vi cá nhân tuân theo chuẩn mực, giá trị xã hội đang là vấn đề thách thức rất lớn cho cả gia đình và quản lý phát triển xã hội.

Trong xã hội truyền thống, hệ giá trị xã hội Việt Nam luôn gắn với những giá trị đạo đức theo chuẩn mực của lễ giáo phong kiến. Nội dung giáo dục của gia đình chú trọng đề cao yếu tố đạo đức, lễ nghĩa. Giáo dục con người theo mô hình “trung với vua”, “đạo hiếu với cha mẹ”, “tuân phục cộng đồng” một cách tuyệt đối được cả gia đình và xã hội đề cao. Phương pháp thực hiện chủ yếu sử dụng quyền uy theo nguyên lý: sai khiến - phục tùng (bề trên sai khiến - bề dưới phục tùng).

Trong thời kỳ bao cấp (từ sau năm 1945 đến năm 1986), chuẩn mực, giá trị thuần nhất là lý tưởng đấu tranh cho độc lập dân tộc và xây dựng CNXH. Vì vậy, nhà nhà chú trọng nuôi dưỡng con cái theo tinh thần cống hiến, đức hy sinh cao cả vì sự nghiệp chung. Lý tưởng sống là để cống hiến, phụng sự cho giai cấp, cho CNXH của con người rất rõ ràng. Cả một thời gian dài chúng ta chú trọng nhấn mạnh đến con người xã hội - con người công dân, con người theo lý tưởng giai cấp mà có phần ít chú ý đúng mức đến con người đời thường cùng với những nhu cầu thiết yếu và chính đáng của họ.

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, phát triển theo nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng, việc xác định chuẩn mực, giá trị xã hội chính thống để định hướng, định dạng nội dung và phương pháp giáo dục gia đình là điều rất khó khăn. Nhiều gia đình lúng túng trong giáo dục con cái theo chiều hướng nào. Tiếp tục đề cao các giá trị truyền thống, tức là chú trọng giáo dục, đào tạo con người về mặt đạo đức, lễ nghĩa, theo nguyên lý “giấy rách thì giữ lấy lề”, “tôn sư, trọng đạo”, cá nhân phải luôn luôn tuân phục cộng đồng một cách tuyệt đối; hay chỉ chú trọng đề cao các giá trị mới như tính năng động, sáng tạo, quyết đoán, khát vọng làm giàu…? Nhiều lúc, nhiều nơi để xảy ra tình trạng “một bộ phận gia đình đã không còn thật sự là “tổ ấm” để trao truyền yêu thương, chăm lo, dạy dỗ, giáo dục và nuôi dưỡng con trẻ. Ở đó, cấu trúc gia đình lỏng lẻo, liên kết giữa các thành viên gia đình yếu, cha mẹ thiếu gương mẫu, thường xuyên mâu thuẫn, xung đột, dẫn đến bạo lực gia đình; trong đó, bạo lực của người chồng đối với người vợ và bạo lực của cha mẹ đối với con cái xảy ra nghiêm trọng”(6).

Tình trạng tham nhũng, lãng phí, cờ bạc, ma túy, trộm cắp, cướp giật, những hành vi gây rối trật tự, vô văn hóa trong ứng xử, vô cảm và thiếu trách nhiệm trước đồng loại v.v.. diễn ra ở nhiều nơi với quy mô và tần suất ngày càng nhiều. Văn kiện Đại hội X của Đảng (năm 2006) đánh giá: “Tình trạng suy thoái, xuống cấp về đạo đức, lối sống, sự gia tăng tệ nạn xã hội và tội phạm đáng lo ngại, nhất là trong lớp trẻ”(7). Văn kiện Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) nhận định: “Quản lý phát triển xã hội và giải quyết một số vấn đề xã hội chưa được quan tâm đúng mức (…) tình trạng gia tăng tội phạm, tệ nạn, tiêu cực, mâu thuẫn, xung đột xã hội… ở một số nơi chậm được khắc phục, gây bức xúc trong dư luận nhân dân”(8). “Đạo đức, lối sống trong gia đình, học đường, xã hội có mặt xuống cấp đáng lo ngại, gây bức xúc cho xã hội”(9).

Từ thực tế nói trên, để góp phần quản lý phát triển xã hội tốt hơn, cần kịp thời xây dựng hệ thống chuẩn mực, giá trị chung của toàn xã hội để định hướng giáo dục cho mọi người, mọi nhà. Hệ giá trị này phải kết nối được lợi ích và trở thành niềm tự hào của cả gia đình và xã hội, cá nhân và tập thể.

Đại hội XIII của Đảng đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 -2030) trong đó nhấn mạnh: “Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, hiện đại. Xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”(10). Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là phương hướng, nhiệm vụ để quản lý phát triển xã hội hiệu quả, hài hòa, bền vững.

Giáo dục gia đình được thực hiện tốt sẽ giúp thế hệ trẻ duy trì, phát huy những giá trị chân, thiện, mỹ từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; đồng thời, khơi dậy ở họ những ý tưởng sáng tạo, hình thành lối sống lành mạnh, góp phần vào quá trình giáo dục, hình thành và phát triển nhân cách con người. Giáo dục gia đình tạo ra nền nếp, kỷ cương để mọi người cùng thực hiện và đó cũng chính là nền tảng tạo ra thiết chế xã hội ổn định và phát triển bền vững, góp phần vào việc quản lý phát triển xã hội hiệu quả nhất.

Để góp phần quản lý phát triển xã hội hướng đến mục tiêu hài hòa, bền vững, từ góc nhìn giáo dục gia đình, cần chú ý đến nguyên tắc và các giải pháp sau.

Về nguyên tắc, giáo dục gia đình phải kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam gắn với xây dựng những giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển(11). Trước hết phải bảo tồn và phát huy được những giá trị cốt lõi của gia đình Việt Nam truyền thống như: tình nghĩa thủy chung, tinh thần trách nhiệm, sống có trật tự kỷ cương, lòng vị tha, đức hiếu kính và sự biết ơn của con cháu đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên; nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước… Tiếp theo cần tiếp thu những giá trị, chuẩn mực mới của gia đình hiện đại như: năng động, sáng tạo; dân chủ, bình đẳng trong quan hệ; công bằng trong trách nhiệm và thụ hưởng; không phân biệt đối xử nam, nữ; tôn trọng tự do cá nhân, tôn trọng sự lựa chọn cá nhân; ý thức thượng tôn pháp luật… Trên cơ sở nguyên tắc cơ bản đó, mỗi gia đình cần quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp sau:

Một là, cha mẹ thường xuyên quan tâm đến con cái. Việc thiết lập mối quan hệ tương tác với con cái là cách giúp cha mẹ và con cái hiểu nhau hơn, nắm bắt được những biểu hiện trong đời sống thường ngày. Cha mẹ phải tạo sự gần gũi, thân mật, tin tưởng ở con cái, để chúng dễ dàng chia sẻ tâm tư, tình cảm, tâm lý; qua đó ông bà, cha mẹ có thể hiểu được các mối quan hệ, cảm xúc, suy nghĩ, khát vọng, mong muốn, sở thích, niềm vui, nỗi buồn hay sự lo lắng của con cái, từ đó kịp thời góp ý, định hướng cho con cái, giúp chúng biết điều chỉnh, hoàn thiện mình. 

Hai là, người lớn trong gia đình phải là gương sáng cho trẻ nhỏ noi theo. Đã có nhiều kết quả nghiên cứu trên phương diện lý luận và thực nghiệm cho thấy, có tỷ lệ rất lớn trẻ nhỏ sống thiếu chuẩn mực, nhân cách thấp kém khi xuất thân trong những gia đình có người lớn (ông bà, cha mẹ hay anh, chị) vi phạm pháp luật, lối sống thô tục, đạo đức hỗn loạn… Vì vậy, trong giáo dục gia đình, rất cần người lớn phải nêu gương cho trẻ nhỏ học tập, làm theo những điều tốt đẹp, có giá trị văn hóa, đạo đức cao quý.

Ba là, thiết lập môi trường giáo dục gia đình có tính dân chủ, bình đẳng. Trong giáo dục, việc tạo điều kiện để trẻ nhỏ được nêu chính kiến, quan điểm thậm chí phản biện lại một vấn đề nào đó là rất cần thiết, bởi đây là năng lực, bản lĩnh cần thiết của mỗi con người được giáo dục hiện đại khuyến khích, góp phần quan trọng vào việc hình thành và phát triển nhân cách của con người từ khi còn nhỏ(12).

Bốn là, các bậc cha mẹ cần không ngừng học hỏi, tích lũy thêm kiến thức, kỹ năng về nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái theo mô hình nhân cách theo định hướng cá nhân là công dân xã hội toàn cầu.

Chỉ thị số 49 CT/TW ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư về “Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” và “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030” xác định vị thế, vai trò quan trọng của gia đình trong quá trình phát triển hiện nay; đồng thời đề ra những nội dung và phương pháp giáo dục gia đình đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời đại mới. Theo đó, vấn đề đặt ra là các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội cần năng động, sáng tạo tìm kiếm những cách thức, những mô hình thông tin, bồi dưỡng phù hợp để giúp thành viên các gia đình có thêm kiến thức và kỹ năng sống; chủ động phòng, chống các tệ nạn xã hội xâm nhập vào trong gia đình; phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu những tinh hoa văn hóa, khoa học - kỹ thuật có giá trị mới của nhân loại vào quá trình giáo dục các thế hệ tương lai của đất nước.

Năm là, thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường và các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi môi trường gia đình - nhà trường - xã hội đều có vai trò, đặc trưng, ưu thế; cũng như có nội dung, phương pháp giáo dục khác nhau. Các môi trường này không thể thay thế cho nhau, nhưng cũng không thể loại trừ lẫn nhau mà chỉ có thể bổ sung cho nhau nhằm hướng tới mục tiêu là tạo ra những con người phát triển toàn diện trên các mặt: sức khỏe, tư tưởng, tình cảm, đạo đức và trí tuệ. Vì vậy, rất cần duy trì sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các môi trường này, góp phần tạo nhiều thuận lợi cho quá trình hình thành và phát triển nhân cách ưu việt cho mọi thành viên trong xã hội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”(13). Như vậy, càng có nhiều gia đình quan tâm tới việc thực hiện chức năng giáo dục gia đình theo hệ giá trị, chuẩn mực xã hội, thì càng góp phần vào quá trình quản lý phát triển xã hội hiệu quả hơn.

_________________

Ngày nhận bài: 12-9-2022; Ngày bình duyệt: 11-10-2022; Ngày duyệt đăng: 17-11-2022.

                                        

(1), (2) Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Giáo trình xã hội học trong lãnh đạoquản lý, Nxb Lý luận chính trị, 2021, tr.211, 212.

(3) Đặng Cảnh Khanh: “Coi trọng vai trò giáo dục của gia đình trong xã hội hiện đại”https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/coi-trong-vai-tro-giao-duc-cua-gia-dinh-trong-xa-hoi-hien-dai-663701.

(4), (8), (10) ĐCSVN: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.144, 85, 236.

(5), (9) ĐCSVN: Văn Kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.330, 72.

(6) Văn Thị Thanh Mai  - Đinh Quang Thành: Giáo dục gia đình góp phần quan trọng hình thành và phát triển nhân cách con người;https://tuyengiao.vn/dua-nghi-quyet-cua-dang-vao-cuoc-song/giao-duc-gia-dinh-gop-phan-quan-trong-hinh-thanh-va-phat-trien-nhan-cach-con-nguoi-127016.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.172-173.

(11) Ban Bí Thư: Chỉ thị số 49 CT/TW ngày 21-2-2005 về Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

(12) Nguyễn Linh Khiếu:  “Gia đình với chức năng giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóahttp://tapchicongsan.org.vn/Home/Viet-nam-tren-duong-doi-moi/2011/580/Gia-dinh-Viet-Nam-voi-chuc-nang-giao-duc-trong-boi-canh.aspx

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.300.  

TS TRẦN VĂN THẠCH

Học viện Chính trị khu vực III

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền