Trang chủ    Diễn đàn    Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “Trung với nước, hiếu với dân” trong rèn luyện đạo đức người cán bộ, đảng viên
Thứ hai, 28 Tháng 11 2022 15:27
14227 Lượt xem

Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “Trung với nước, hiếu với dân” trong rèn luyện đạo đức người cán bộ, đảng viên

(LLCT) - “Trung với nước, hiếu với dân” được Hồ Chí Minh coi “là mục đích, là khẩu hiệu” của cán bộ, đảng viên. Tư tưởng đó có giá trị rất lớn, là chỉ dẫn đối với việc rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí minh đến thăm và có buổi nói chuyện thân mật với nhân dân xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa năm 1961 - Ảnh tư liệu TTXVN

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về “trung với nước, hiếu với dân”

“Trung” và “Hiếu” là chuẩn mực cơ bản của đạo đức truyền thống. Trên cơ sở phát huy giá trị truyền thống kết hợp tư tưởng đạo đức cách mạng người cộng sản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển thành chuẩn mực đạo đức cách mạng, Người chỉ dẫn: “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”(1).

Trung với nước là trung thành với lợi ích của đất nước, lợi ích của nhân dân. Lợi ích của đất nước là độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc cho nhân dân; là lợi ích chung của các giai cấp, tôn giáo, dân tộc và các thành phần trong xã hội. Hồ Chí Minh khẳng định, ai đã là người Việt Nam thì ít nhiều cũng yêu nước, nên “trung với nước” là đạo đức của tất cả các thành phần, các cá nhân trong xã hội.

Trung với Đảng nghĩa là người cán bộ, đảng viên suốt đời đi theo mục tiêu, lý tưởng của Đảng, phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng không có lợi ích nào khác”(2). Trung với Đảng chính là “chấp hành triệt để đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, hăng hái thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong mọi tình huống”(3).

Hiếu với dân là sự kính trọng nhân dân, lễ phép với dân, tin vào dân, lắng nghe ý kiến của dân, gần gũi với dân, hòa với dân thành một khối, thương dân, yêu dân, chăm lo lợi ích của nhân dân, phục vụ nhân dân hết lòng.

Theo Người, “dân” là tất cả những ai là con Lạc cháu Hồng, con Rồng cháu Tiên. “Dân” là không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, nam nữ, tôn giáo, sắc tộc, không phân biệt giữa người Việt Nam ở trong nước với người Việt Nam ở nước ngoài. Người thường dùng hai từ “đồng bào” để nói về mối quan hệ cùng dòng máu của người Việt Nam và khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”(4) và Người chỉ dẫn “hiếu với dân” chính là phải yêu thương, kính trọng, chăm lo, vun vén, bảo vệ lợi ích, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Vậy nên, Người dùng từ “Hiếu” trong mối quan hệ với dân để thấy được chiều sâu của nguồn cội dân tộc, thấy được sự kết nối từ quá khứ đến hiện tại, thấy được tình thân của giống nòi, của gia đình lớn, thấy được sự bình đẳng, không phân biệt. Chữ “Hiếu” trong tư tưởng Hồ Chí Minh được mở rộng biên độ, đối tượng nhưng cũng rất thực tế. Chữ “Hiếu” trong gia đình nhỏ được đặt cao nhất thì vị trí của chữ “hiếu” trong cộng đồng của gia đình lớn cũng tương tự như vậy.

Lịch sử Việt Nam mấy nghìn năm là lịch sử dựng nước và giữ nước. Nhiều thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Sự sống ngày hôm nay là sự tiếp nối của ngày hôm qua nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”(5). Bởi vậy “hiếu với dân” là thể hiện lòng biết ơn đối với đất nước, đối với các thế hệ cha ông.

Thầy của cụ Phan Bội Châu là cụ Nguyễn Đức Đạt đã nói về mối quan hệ gần gũi của bản thân với dân: “Yêu như yêu thân mình, kính như kính thân mình. Ôi! Dân là người bảo vệ cho thân mình, chẳng yêu sao được? Lại là người chủ tế của thân mình, chẳng kính sao được”(6). Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân”(7). Vì vậy mà phải kính dân, yêu dân, chăm lo lợi ích cho dân.

Trong mối quan hệ giữa nước và dân thì sức mạnh của nước nằm ở nơi dân, nước và dân tuy hai mà một. “Trung với nước” là thực hiện mục tiêu bao trùm lên lợi ích của toàn thể dân tộc; “hiếu với dân” là thực hành trong mối quan hệ với đối tượng cụ thể là nhân dân (giai cấp, tầng lớp, cộng đồng, tập thể, cá nhân) mà đích cuối cùng đều là thực hiện mục tiêu chung cho quốc gia, dân tộc. “Trung với nước” được thể hiện thông qua “hiếu với dân”, hiếu với dân là góp phần thực hiện “trung với nước”.

“Trung với nước, hiếu với dân” là đạo đức, là văn minh.

Khi nói “trung với nước” là hướng đến sự gắn bó với dân, với lợi ích của số đông và khắc phục được tính chủ quan, phụ thuộc vào một cá nhân như chuẩn mực đạo đức cũ là “trung với vua”. Thực hiện “trung với nước” là con người thể hiện nghĩa vụ, trách nhiệm và sự cống hiến của mình với đất nước; khẳng định vai trò, trách nhiệm trước cộng đồng. Lợi ích giữa dân tộc và giai cấp, tập thể và cá nhân là thống nhất, có mối liên hệ mật thiết. Lợi ích của các cá nhân nằm trong lợi ích của giai cấp, dân tộc. Nước mà độc lập thì dân mới có tự do, nước mà nô lệ thì dân cũng là nô lệ. Nước nghèo thì dân khổ, nước giàu thì dân được hưởng ấm no, hạnh phúc. Bởi vậy, khi thực hiện lợi ích cá nhân thì không thể tách rời với việc bảo vệ, chăm lo, phấn đấu vì lợi ích cộng đồng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(8). Dân tộc được độc lập, quốc gia được thịnh vượng, mục đích cũng là để nhân dân được ấm no, hạnh phúc. Với Người, “trung với nước, hiếu với dân” cũng chính là “yêu nước, thương dân”. Yêu nước, thương dân phải thể hiện tinh thần thái độ hăng hái, phải thông qua hành động cụ thể, phải thực hiện mục tiêu vì nước vì dân. Hồ Chí Minh cho rằng: “Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh”(9).

Đối với cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn đạt ngắn gọn mục tiêu này là: cán bộ, đảng viên phải có Đức và Tài, trong đó Người khẳng định “Đức là gốc”. Theo Người: “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”(10). Thực tế cách mạng cho thấy, đạo đức của người cán bộ, đảng viên là nhân tố quyết định nhất đến niềm tin của nhân dân với Đảng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”(11).

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh phẩm chất “trung với nước, hiếu với dân”, coi đây là chuẩn mực trung tâm, là phẩm chất cốt lõi trong những phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên. Năm 1946, trong Lễ khai trường tại trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Người phát biểu rất ngắn gọn: “Mong rằng anh em ở đây, bao giờ cũng phải làm theo hai khẩu hiệu mà nó là cái mục đích của anh em: trung với nước, hiếu với dân(12). Một lần khác, trong thư gửi cho trường Trần Quốc Tuấn nhân dịp khai giảng khóa IV, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Tôi vui lòng tặng trường 6 chữ: Trung với nước, hiếu với dân(13). Người khẳng định: “Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là: Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường. Tận trung với nước. Tận hiếu với dân(14).

2. Thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về “trung với nước, hiếu với dân” trong rèn luyện đạo đức người cán bộ, đảng viên

Trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước có nhiều biến động, tác động nhiều chiều đến tâm tư, tình cảm, niềm tin của người cán bộ, đảng viên, việc cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Trước hết, cán bộ, đảng viên thực hiện “trung với nước, hiếu với dân” với các nội dung sau:

Trung với nước phải thể hiện ở sự trung thành tuyệt đối với lợi ích của đất nước, của nhân dân, của Đảng, của tổ chức mà mình tham gia.

Trung với nước trước tiên là phải có niềm tin tuyệt đối vào lý tưởng của Đảng và phấn đấu cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Niềm tin phải từ ý chí vươn lên thoát khỏi đói nghèo, khát vọng vươn lên hạnh phúc, giàu có và thịnh vượng, khát vọng được cống hiến cho xã hội, như Đại hội XIII của Đảng đã xác định: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Người cán bộ, đảng viên cần xây dựng niềm tin vào sức mạnh của dân tộc, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào khả năng của mỗi con người để từ đó phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ của cả dân tộc. Niềm tin đó phải được bồi dưỡng thường xuyên trên cơ sở khoa học và thực tiễn để trở thành niềm tin khoa học mang tính bền vững. Niềm tin đó là cơ sở cho sự trung thành đối với đất nước, dân tộc, đối với Đảng của cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, nghiêm túc thực hiện đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, hoàn thành tốt  nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên là một mắt xích trong hệ thống chính trị, thực hiện nhiệm vụ mà tổ chức giao. Vì vậy, cán bộ, đảng viên cần ý thức về vị trí, vai trò của mình trong hệ thống để thực hiện nhiệm vụ một cách nghiêm túc, trách nhiệm, chuẩn mực, đúng luật, đúng với quy định của tổ chức.

Cán bộ, đảng viên phải luôn quan tâm, bảo vệ lợi ích của đất nước, của tổ chức mình tham gia. Bởi lợi ích chung được bảo đảm thì lợi ích của bộ phận, cá nhân mới được bảo đảm. Phải luôn đặt việc công lên trên việc tư, luôn quy chiếu lời dạy của Hồ Chí Minh: “Việc thiện thì dù nhỏ mấy cũng làm. Việc ác thì dù nhỏ mấy cũng tránh”(15). Giữa lợi ích cá nhân và lợi ích tập thể luôn phải cân bằng, bảo đảm lợi ích chung và xem xét những lợi ích cá nhân có chính đáng hay không; tránh tư thù, tư lợi, bè phái, trù dập; vì cảm tình riêng, lợi ích riêng mà gây ra bất bình đẳng, bất công trong cơ quan, đơn vị.

Hiếu với dân trong điều kiện hiện nay là tôn trọng nhân dân, chăm lo lợi ích cho nhân dân, đặc biệt là không ngừng mở rộng dân chủ nhằm phát huy sức mạnh của nhân dân.

Cán bộ, đảng viên muốn hoàn thành nhiệm vụ được giao thì phải dựa vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân. Muốn vậy, phải biết gần dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, làm lợi cho dân. Ngoài phục vụ nhân dân, cán bộ, đảng viên còn cần thể hiện thái độ khiêm tốn, thật thà đối với nhân dân.

Mở rộng dân chủ là nội dung cơ bản của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, là mục tiêu, động lực của công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước, được Đảng, Nhà nước luôn rất quan tâm. Mở rộng dân chủ là phương pháp để người dân ý thức tự nâng cao trình độ, nâng cao sự hiểu biết và tích cực, chủ động tham gia phản biện, giám sát Nhà nước. Vì vậy, càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức, đảng viên phải phục vụ người dân đúng chức trách, phải tuân thủ những chuẩn mực của đạo đức công vụ, phải tận tâm, tận lực. Mở rộng dân chủ cũng tạo điều kiện tăng cường đoàn kết toàn dân, tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Cán bộ, đảng viên cần coi mục tiêu chăm lo lợi ích cho nhân dân, làm lợi cho nhân dân là mục tiêu lớn nhất trong công việc của mình. Bởi nhân dân là nguồn lực xã hội mang lại lợi ích chung cho toàn xã hội. Là những người có kiến thức khoa học, hiểu biết pháp luật, cán bộ, đảng viên cần chủ động hướng dẫn nhân dân học tập, lao động, sản xuất, xây dựng đời sống hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.

Cán bộ, đảng viên cần đi đầu trong hoạt động đền ơn, đáp nghĩa đối với những người có công với cách mạng, với đất nước, quê hương, thể hiện sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

“Trung với nước, hiếu với dân” không chỉ là trách nhiệm mà còn là đạo lý của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức làm tròn những việc được giao, nếu không làm tốt thì phải chịu trách nhiệm về những hậu quả của việc đó. Cán bộ, đảng viên thực hành đạo đức “trung với nước, hiếu với dân” là làm đúng đường lối của Đảng, quy định của pháp luật; làm đúng với đạo lý uống nước nhớ nguồn, mang lại lợi ích cho bản thân và cộng đồng. Thực hiện “trung với nước, hiếu với dân”, cán bộ, đảng viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang “sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”(16).

_________________

Ngày nhận bài: 5-8-2022; Ngày bình duyệt: 16-8-2022; Ngày duyệt đăng: 28-11-2022.

 

(1), (8), (12)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.170, 187, 271.

(2), (4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.210, 245.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Sđd, tr.111.

(5), (10), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.9, Sđd, tr.59, 345, 354.

(6) Lâm Quốc Tuấn: Tinh thần nhân dân trong văn hóa chính trị phương Đông và Việt Nam truyền thống, http://www.lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/1733-tinh-than-than-dan-trong-van-hoa-chinh-tri-phuong-dong-va-viet-nam-truyen-thong.html, ngày truy cập 28-11-2016.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.453.

(9), (11), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.432, 16, 131.

(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Sđd, tr.542.

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Sđd, tr.435.

TS PHẠM THỊ HẰNG

Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền