Trang chủ    Diễn đàn    Nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam
Thứ sáu, 13 Tháng 1 2023 20:23
1374 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam

(LLCT) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, đẩy mạnh hoạt động truyền thông và quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới. Tuy vậy, công tác này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện, đòi hỏi phải có các giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả. Bài viết làm rõ vai trò, thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

 

Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cốt lõi của sự phát triển bền vững - Ảnh minh họa: IT

1. Bình đẳng giới và quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bình đẳng giới hiện nay là tiêu chí đánh giá trình độ văn minh, tiến bộ của một quốc gia, dân tộc. Quyền bình đẳng nam nữ là một quyền cơ bản của con người đã được ghi nhận trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ các nước trên thế giới đã nỗ lực bằng nhiều hình thức để đem lại bình đẳng nam nữ, để nam nữ thật sự được sống trong một xã hội tiến bộ, văn minh và phát triển bền vững. 

Với tư cách là thành viên của hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới. Theo kết quả Báo cáo Phát triển con người năm 2020 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), năm 2019, Chỉ số Phát triển con người (HDI) của Việt Nam là 0,704  (tăng 1 bậc so với năm trước), xếp thứ 117/189 quốc gia và vùng lãnh thổ, ghi dấu lần đầu tiên Việt Nam lọt vào nhóm các nước có chỉ số HDI ở mức cao. Cùng với đó, bất bình đẳng về thu nhập (19,1%) và hệ số Gini (35,7) của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất trong số các quốc gia được so sánh năm 2019(1).

Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện xóa bỏ bất bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021- 2030 theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03-3-2021 của Chính phủ đã nêu rõ một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để đạt mục tiêu về bình đẳng giới là “Truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới”. Triển khai thực hiện Chiến lược, ngày 23-10-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030”. 

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới, chủ trì hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ của Chương trình; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng tài liệu, văn bản, triển khai việc cung cấp, phổ biến, cập nhật thông tin, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đến các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. 

Điều này cho thấy, Đảng và Nhà nước quan tâm vai trò của truyền thông và quản trị truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam. 

Truyền thông về bình đẳng giới là một quá trình diễn ra liên tục để truyền tải, tiếp nhận và trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm nhằm mục đích tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về bình đẳng về quyền; bình đẳng về tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực, nguồn lợi ích; bình đẳng về sự tham gia và ra quyết định; bình đẳng về thụ hưởng các thành quả và lợi ích của các giới; thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành vi và thái độ của con người về bình đẳng giới.

Quản trị truyền thông về bình đẳng giới là chuỗi các hoạt động quản lý đa dạng của chủ thể truyền thông, bao gồm hoạch định, tổ chức, triển khai, kiểm soát, đánh giá kết quả, nhằm thiết lập và duy trì truyền thông hai chiều hiệu quả về bình đẳng giới với đối tượng công chúng mục tiêu.

Quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò sau:

Thứ nhất, quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới giúp cho các hoạt động thiết lập và duy trì truyền thông thực hiện sứ mệnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới

Đảng và Nhà nước ta quan tâm xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tuy nhiên, để chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống cần truyền thông để phát huy dân chủ, tạo sự đồng thuận trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện, giám sát thực thi chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Hoạt động truyền thông có vai trò quan trọng đưa chính sách, pháp luật về bình đẳng giới đi vào cuộc sống, truyền thông để người dân biết, bàn, làm và kiểm tra.

Thứ hai, quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới giúp cho các hoạt động thiết lập và duy trì truyền thông thực hiện thay đổi định kiến giới

Vai trò của quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới xuất phát từ vai trò của truyền thông về bình đẳng giới.

Truyền thông nếu được thực hiện bài bản và có nhạy cảm về giới sẽ thúc đẩy bình đẳng giới. Ngược lại, nếu truyền thông thiếu nhạy cảm giới sẽ cũng cố các phân biệt đối xử theo giới, định kiến giới, khắc sâu thêm các bất bình đẳng giới.

Truyền thông về bình đẳng giới nhằm thay đổi định kiến giới, làm cho mỗi cá nhân cũng như toàn xã hội nhận thức đúng đắn hơn về vai trò của phụ nữ và nam giới trong sự phát triển xã hội. Truyền thông cũng có vai trò quan trọng trong việc cung cấp tri thức và những kinh nghiệm thực tiễn giúp cho người dân và cả xã hội hiểu biết rõ hơn các phương thức hành động họ phải tiến hành để nâng cao vai trò của phụ nữ trong xã hội, bảo đảm bình đẳng giới.

Thứ ba, quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới giúp cho các hoạt động thiết lập và duy trì truyền thông thực hiện sứ mệnh thay đổi định kiến đối với cộng đồng LGBTQ+

Trong bối cảnh thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng còn có phân biệt đối xử với cộng đồng LGBTQ+ (là cộng đồng của những người có xu hướng tính dục cũng như bản dạng giới khác với những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới thông thường). Vì vậy, quản trị hoạt động truyền thông sẽ có vai trò định hướng từng bước góp phần khẳng định, nâng cao vai trò, vị trí không chỉ của nam giới, nữgiới mà còn bao gồm cho cả cộng đồng LGBTQ+. Trong đó thể hiện rõ nhất là việc thiết lập và duy trì truyền thông, nâng cao vai trò và trách nhiệm tác động của báo chí, truyền thông đưa đến những thay đổi tích cực trong nhận thức và hành vi của công chúng, khách quan hơn trong nhận diện bản dạng giới và xu hướng tính dục của con người. 

2. Một số hạn chế của quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và nguyên nhân

Thứ nhất, một số hạn chế của quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới 

Mặc dù quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi tích cực, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. 

Một là, thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 -  2030, các hoạt động truyền thông đã được chú trọng thực hiện nhưng chưa mang tính thường xuyên. Các hoạt động truyền thông đang tập trung vào khoảng thời gian triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới, còn trước và sau đó thì hầu như ít được chú trọng. Truyền thông là một quá trình cần được thực hiện liên tục để ghi ấn tượng đối với công chúng mục tiêu. Nếu các hoạt động truyền thông chỉ được triển khai theo thời vụ, sự kiện thì công chúng sẽ không còn sự hứng thú quan tâm, tìm hiểu và chủ động tham gia. 

Hai là, các kênh truyền thông được sử dụng chưa thật sự hiệu quả và đa dạng. Số lượng tin bài cũng như khả năng tiếp cận công chúng chưa thật sự tốt. Các hoạt động và cách thức truyền thông còn mang nặng tính chất tuyên truyền một chiều, chưa có nhiều hoạt động mới mẻ thu hút được sự quan tâm của công chúng. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộivẫn chưa xây dựng cơ chế lắng nghe công chúng, tiếp nhận ý kiến đóng góp một cách bài bản. Hiệu quả truyền thông vẫn chỉ được đánh giá thông qua việc thu thập và phân tích số liệu, báo cáo từ các đơn vị, tổ chức, địa phương. 

Ba là, các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của BộLao động - Thương binh và Xã hộihiện đang tập trung vào truyền thông chính sách, đi sâu vào phòng,chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Phạm vi ảnh hưởng từ các hoạt động này tập trung vào giới chuyên môn nhiều hơn là các đối tượng công chúng mục tiêu. 

Bốn làcác hoạt động truyền thông về bình đẳng giới tại Việt Nam hiện nay chưa thu hút sự tham gia của nam giới. Đồng thời, nhóm đối tượng LGBTQ+ cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức trong các chiến dịch thúc đẩy bình đẳng giới. Trong khi, những năm qua, Việt Nam đã có những thay đổi về luật pháp để bảo vệ quyền của cộng đồng LGBTQ+. Xã hội đã có cái nhìn cởi mở hơn với cộng đồng người đồng tính. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, Nhà nước đã xóa bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính (Khoản 2, Điều 8)(2)

Thứ hainguyên nhân của những hạn chế trong quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Một là, nguồn lực cho quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hộichưa được phân bổ một cách hiệu quả. Các kênh truyền thông trực thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện truyền thông chưa được tận dụng một cách tối đa trong các chiến dịch. 

Về cơ bản, các kênh truyền thông hiện nay mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang sử dụng đều mang tính chất thông tin một chiều chứ chưa có tính hai chiều, khó bắt kịp xu hướng tiếp nhận và phản hồi thông tin của công chúng.

Halà, đội ngũ nhân sự của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chuyên trách về mảng truyền thông nói chung và quản trị truyền thông nói riêng còn mỏng. Do đặc thù về quy định vị trí việc làm, Vụ Bình đẳng giới hiện tại chỉ có một chuyên viên chuyên trách truyền thông. Nhân sự đảm nhận vị trí này cũng chưa được đào tạo chuyên sâu về truyền thông và bình đẳng giới. 

Vì vậy, để khắc phục các hạn chế trong quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới cần phải có các giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới ở Việt Nam của Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội 

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới của Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Thông qua việc phê duyệt và triển khai “Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030” cũng như “Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030”, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thể hiện rất rõ mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, tiến tới phát triển bền vững. Vì vậy, vai trò của truyền thông trong việc góp phần thúc đẩy bình đẳng giới ngày càng trở nên quan trọng. 

Để nâng cao hiệu quả quản trị truyền thông về bình đẳng giới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có sự phân bổ nguồn lực truyền thông một cách hiệu quả và hợp lý. Một trong những yếu tố cần ưu tiên đó là nguồn nhân lực trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông cần được điều chỉnh cân đối để bảo đảm hoàn thành mục tiêu đề ra. Để thực hiện được nội dung giải pháp về nguồn nhân lực, nhà quản trị cần:

i) Nghiên cứu xây dựng vị trí việc làm dành cho 1 - 2 cán bộ chuyên trách về truyền thông và quản trị truyền thông. Trong trường hợp thiếu hụt nhân lực chuyên trách, nhà quản trị cần lên kế hoạch tìm kiếm và hợp tác với các đối tác bên ngoài. Hiện nay có rất nhiều các doanh nghiệp tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ truyền thông theo từng hạng mục. Cần có quá trình kiểm tra, sàng lọc để chọn ra các doanh nghiệp có đội ngũ nhân viên với chuyên môn truyền thông cao, mức chi phí phù hợp với ngân sách đề ra và bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ công việc. 

ii) Kịp thời rà soát, đánh giá năng lực và phẩm chất cán bộ hằng năm thông qua các hoạt động tổng kết. Có hình thức động viên, khen thưởng đối với những cán bộ tích cực và nghiêm khắc phê bình những cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ được giao.

iii) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần xây dựng cơ chế phối hợp làm việc chặt chẽ với các ban, bộ, ngành liên quan để thực hiện quản trị truyền thông về bình đẳng giới. Có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng hệ thống lắng nghe công chúng, tiếp nhận phản hồi và ý kiến đóng góp. 

iv) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần hoạch định kế hoạch phân khúc nhóm đối tượng công chúng rõ ràng và tận dụng tối đa nguồn lực về kênh truyền thông. Không chỉ tăng tần suất sử dụng các kênh trực thuộc Bộ để đăng tải thông tin mà còn cần phải phối hợp đa kênh để tăng khả năng tiếp cận đến với nhiều đối tượng công chúng hơn nữa. Đối với mỗi nhóm đối tượng công chúng khác nhau, nhà quản trị cần xây dựng các chiến lược truyền thông riêng biệt sao cho hợp lý và tăng hiệu quả tiếp cận. 

v) Đẩy mạnh việc hợp tác truyền thông với các phương tiện thông tin đại chúng uy tín. Các phương tiện thông tin đại chúng được đánh giá có sức lan truyền rộng rãi và có tầm ảnh hưởng, tác động tới công chúng xã hội bằng nhiều cách thể hiện khác nhau như hình ảnh, âm thanh, chữ viết, hay các thông điệp dễ nhớ, dễ hiểu, dễ tiếp cận nhằm tác động cả về lý trí và tình cảm của con người giúp nhanh chóng thuyết phục và đạt hiệu quả cao. Các kênh hiệu quả có thể sử dụng như truyền hình, báo chí, bảng hiệu, tờ rơi, catalog, brochure… 

vi) Các phương tiện truyền thông xã hội với đặc tính đa chiều sẽ là một hình thức truyền thông có khả năng lan tỏa mạnh mẽ nếu được tận dụng đúng cách. Nhà quản trị có thể nghiên cứu, xây dựng chiến lược truyền thông về bình đẳng giới trên các kênh như Facebook, Instagram, Tiktok, Youtube… Các nền tảng mạng xã hội này đang dần được các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ… đầu tư khai thác và sử dụng để tăng tính kết nối với công chúng, tăng khả năng lan tỏa, truyền đạt thông tin. 

Thứ hai, tăng tính liên tục và đa dạng cho các hoạt động truyền thông

Các hoạt động truyền thông nói chung và các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới nói riêng muốn đạt được hiệu quả cần phải được thực hiện với tần suất liên tục, không ngắt quãng. Nhà quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới cần nghiêm túc xây dựng một chiến lược truyền thông với tầm nhìn dài hạn và mục tiêu nhất quán, có thể theo quý hoặc theo năm. 

Chiến lược truyền thông thường gồm hai phần chính:

Một là, chiến lược nội dung: thông điệp mà chủ thể truyền thông muốn gửi đến đối tượng truyền thông là gì? Đối với các cơ quan nhà nước đặc thù như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông điệp truyền thông sẽ gắn liền với nội dung của chiến lược quốc gia. Vì vậy, để tránh gây cảm giác cứng nhắc, gò ép, nhà quản trị cần lưu ý đến hình thức truyền tải thông điệp tới công chúng. Ví dụ như qua thiết kế sinh động, bắt mắt; qua hình ảnh, video chất lượng; qua các content trẻ trung, thu hút các phương tiện truyền thông xã hội… 

Hai là, chiến lược sử dụng các phương tiện truyền thông: sau khi đã có nội dung, thông điệp truyền thông, các nhà quản trị cần nghiên cứu về thói quen truyền thông của công chúng bằng phương pháp phân khúc đối tượng, từ đó đưa ra quyết định lựa chọn và sử dụng các phương tiện truyền thông cho phù hợp với từng nhóm đối tượng mà vẫn bảo đảm chi phí trong ngân sách dự kiến. 

Để thực hiện được phần này, các nhà quản trị truyền thông tham khảo các giai đoạn sau: i) Xác định đối tượng truyền thông mục tiêu: ai là người mà chiến dịch truyền thông nhắm đến? ii) Xây dựng mục tiêu truyền thông của chiến dịch, cần tiếp cận bao nhiêu % khán giả mục tiêu, số lần tiếp cận của khán giả là bao nhiêu lần để họ có thể nhớ và ấn tượng về thông điệp và nội dung truyền thông? iii) Nghiên cứu thói quen truyền thông của công chúng mục tiêu. Nhóm đối tượng nào quan tâm đến vấn đề gì? Họ bị thu hút bởi những dạng content như thế nào? Đăng bài vào khung giờ ra sao để bảo đảm tiếp cận được nhiều đối tượng công chúng mục tiêu…; iv) Theo dõi, kiểm tra và đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông.

Một chiến lược truyền thông thành công là một chiến lược được thiết kế đúng và được thực hiện hiệu quả. Trong và sau quá trình thực hiện chiến lược, cần có các tiêu chí phù hợp để đánh giá hiệu quả của các hoạt động truyền thông. Từ đó đúc rút ra ưu - nhược điểm, những thành công và hạn chế của chiến lược, những thách thức và cơ hội để xây dựng chiến lược tiếp theo ngày một tốt hơn. 

Sau khi đã xây dựng được một chiến lược truyền thông phù hợp, nhà quản trị cần lên kế hoạch để bảo đảm các hoạt động truyền thông được triển khai một cách liên tục và phân chia thành các giai đoạn rõ ràng. Mỗi giai đoạn có thể có đặc trưng riêng nhưng sẽ bao gồm: các định hướng chiến lược chính (mục tiêu truyền thông, insight, big idea, thông điệp xuyên suốt và phương tiện truyền thông chính); nội dung truyền thông (thông điệp, kênh); các điểm tiếp xúc, điểm chạm truyền thông; kế hoạch hành động chi tiết (KPI, ngân sách, timeline, nhân sự).  

Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực ở đây không chỉ có các chuyên viên, cán bộ chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới mà còn bao gồm những nhân sự thuộc các cơ quan báo chí, đơn vị trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tất cả các nhân sự này đều góp phần trong quá trình triển khai truyền thông. 

Vì vậy, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần hợp tác với các trường đại học, đặc biệt là trường có đào tạo cử nhân giới và phát triển để tăng cường các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần thúc đẩy mã ngành, mã nghề cho ngành Giới và Phát triển, Quản trị truyền thông, Quan hệ công chúng, Truyền thông chuyên nghiệp… để đào tạo nguồn nhân lực đóng góp cho bình đẳng giới và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn định kỳ cho đội ngũ nhân sự.

Đồng thời đội ngũ cán bộ, chuyên viên phụ trách truyền thông về bình đẳng giới cần phải có tinh thần tự học hỏi, nỗ lực tìm hiểu các kiến thức về truyền thông, cập nhật xu thế ngành truyền thông cũng như kiến thức về bình đẳng giới một cách liên tục, từ đó ứng dụng vào thực tiễn công việc. 

Thứ tư, xây dựng tiêu chí đánh giá hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và đánh giá chất lượng đội ngũ nhân sự thực hiện truyền thông về bình đẳng giới

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần lên kế hoạch và triển khai xây dựng những tiêu chí đánh giá hiệu quả quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới cũng như tiêu chí đánh giá chất lượng đội ngũ nhân sự thực hiện truyền thông về bình đẳng giới. Bước đầu thực hiện, nhà quản trị có thể tham khảo “Bộ chỉ số về Giới cho truyền thông - Bộ chỉ số đánh giá bình đẳng giới trong quản lý và nội dung truyền thông” được UNESCO xuất bản vào năm 2014, đồng thời trao đổi, làm việc với các chuyên gia trong các lĩnh vực như bình đẳng giới, truyền thông, luật… Những tiêu chí đánh giá này sẽ đóng vai trò hết sức quan trọng trong quá trình quản trị truyền thông về bình đẳng giới, giúp nhà quản trị có cơ sở để thực hiện triển khai, giám sát, thu thập và đánh giá hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới. Từ đó có thể rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng vào việc thúc đẩy, nâng cao việc quản trị hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong các giai đoạn tiếp theo. 

_________________

Ngày nhận bài: 30-12-2022; Ngày bình duyệt: 7-1-2023; Ngày duyệt đăng: 12-1-2023.

 

(1) Đỗ Thu Hương - Lê Thị Thu Trang: Bình đẳng giới nhìn lại chặng đường 10 năm nỗ lực, Tạp chí Con số và Sự kiện, Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngày 10-09-2021http://consosukien.vn/binh-dang-gioi-nhin-lai-chang-duong-10-nam-no-luc.htm truy cập ngày 05-12-2022.

(2) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: Bình đẳng giới và trách nhiệm của truyền thông, Website Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày14-01-2014, https://dangcongsan.vn/cung-ban-luan/binh-dang-gioi-va-trach-nhiem-cua-truyen-thong-226800.html

TRỊNH HỒNG THỦY

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền