(LLCT) - Thực hiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, các loại hình doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đã phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất phát từ vai trò và sự cần thiết thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, bài viết nêu thực trạng và gợi mở một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Tăng cường xây dựng các tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp góp phần bảo đảm quyền của người lao động - Ảnh: dangcongsan.vn
1. Vai trò của tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp
V.I.Lênin đã nhắc nhở những người cộng sản cần đi sâu vào các doanh nghiệp, tổ chức công đoàn, các hiệp hội để vận động, tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp quần chúng theo cách mạng: “nhất thiết phải công tác ở bất cứ nơi nào có quần chúng. Phải biết tự nguyện chịu mọi hy sinh, vượt những trở ngại lớn nhất, để tiến hành một công tác tuyên truyền và cổ động có hệ thống, bền bỉ, dẻo dai và nhẫn nại chính ngay trong các cơ quan, các hội, các tổ chức - thậm chí phản động nhất - nghĩa là bất cứ ở chỗ nào có quần chúng vô sản hay nửa vô sản”(1).
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò của giới công thương trong công cuộc kháng chiến, kiến thiết đất nước. Ngay sau khi giành được chính quyền, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong Thư gửi giới công thương Việt Nam ngày 13-10-1945, Người viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới Công - Thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công - Thương trong công cuộc kiến thiết này”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, những hoạt động có ích cho đất nước, có lợi cho nhân dân, bảo đảm các bên cùng có lợi, đều được Chính phủ ủng hộ.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn về vai trò quan trọng của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, Đại hội VI của Đảng với tinh thần đổi mới tư duy, đã tạo điều kiện cho tổ chức và cá nhân phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư, kinh doanh trong các lĩnh vực, ngành, nghề phục vụ quốc kế, dân sinh. Đến Đại hội VIII (năm 1996), Đảng ta nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách này, khuyến khích mọi doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước khai thác các tiềm năng, ra sức đầu tư phát triển, yên tâm làm ăn lâu dài, hợp pháp, có lợi cho quốc kế dân sinh; đối xử bình đẳng với mọi thành phần kinh tế trước pháp luật, không phân biệt sở hữu và hình thức tổ chức kinh doanh”(3). Đảng, Nhà nước khuyến khích tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế phát triển.
Đại hội IX của Đảng khẳng định tạo mọi điều kiện để: “Kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, tiểu chủ, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều phát triển mạnh và lâu dài”(4). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp... Tiếp tục phát triển mạnh thị trường dịch vụ pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp”(5).
Thực hiện đường lối đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại, các loại hình doanh nghiệp ngày càng đa dạng và các thành phần kinh tế phát triển mạnh mẽ, góp phần to lớn vào đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH đất nước, tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, thực hiện các chính sách xã hội.
“Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”(6), trong giai đoạn hiện nay, việc tăng cường xây dựng các tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, xã hội trong doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở doanh nghiệp; phát triển kinh tế, xã hội và bảo đảm quyền của người lao động.
2. Thực trạng thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp
Xác định rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 07-CT/TW ngày 23-11-1996 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”; Kết luận số 80-KL/TW ngày 29-7-2010 của Ban Bí thư về tăng cường công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân. Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế... Gần đây, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 18-3-2019 về tăng cường xây dựng tổ chức đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Như vậy, việc xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp là vấn đề quan trọng được Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Thời gian qua, các cấp ủy, tổ chức đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực về công tác xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Nhận thức của các cấp, các ngành ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn, ý thức trách nhiệm về nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp được nâng lên. Các cấp ủy đã lãnh đạo, tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp trên địa bàn chấp hành tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào yêu nước, đóng góp tích cực vào sự phát triển của doanh nghiệp, đơn vị, địa phương.
Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp đã thể hiện được vai trò của mình, góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân vào cuộc sống. Ngày càng có nhiều chủ doanh nghiệp đã trở thành đảng viên.
Công tác phát triển đảng trong doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế tư nhân đã được quan tâm thực hiện và đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Văn kiện Đại hội XIII đã khái quát: “Việc thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng đạt được một số kết quả bước đầu. Tính đến ngày 30/9/2020, đã có 6.652 đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân”(7). Tính đến ngày 31-12-2020, toàn Đảng có 5.600 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp có vốn nhà nước; 3.346 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tổng số 51.988 tổ chức cơ sở đảng. Tổng số đảng viên là 5.224.156 đảng viên, tăng 1.443.574 đảng viên (38,1%)(8) so với thời điểm năm 2010. Số tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân và số lượng đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp.
Tổ chức đảng và đảng viên, đoàn thể trong doanh nghiệp đóng góp xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt nội quy, quy định, đề cao tuân thủ pháp luật trong thực hiện các hoạt động, xây dựng các chuẩn mực đạo đức trong kinh doanh, cũng như nêu cao tính tiền phong, gương mẫu trong thực hiện trách nhiệm xã hội...
Những khó khăn, hạn chế trong xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp:
Một số cấp ủy, tổ chức đảng địa phương chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc quan điểm, chủ trương về phát triển đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Công tác xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân còn hạn chế, số doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, hội viên thấp. Hoạt động của tổ chức đảng chậm đổi mới. Nội dung chưa hấp dẫn và phương thức hoạt động còn máy móc, hình thức; chất lượng sinh hoạt đảng, đoàn thể còn hạn chế, mang tính hình thức, chưa thể hiện rõ vai trò hạt nhân chính trị trong doanh nghiệp. Năng lực, trình độ của một số cán bộ phụ trách công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu. Việc kết nạp công nhân và chủ doanh nghiệp vào Đảng, các đoàn thể còn hạn chế. Số lượng tổ chức đảng, đoàn thể được thành lập còn ít, thậm chí có địa phương nhiều năm không phát triển được tổ chức đảng hoặc tổ chức đoàn thể. Nhiều doanh nghiệp chưa có tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trong doanh nghiệp.
Nhiều chủ doanh nghiệp còn chưa nhận thức rõ ý nghĩa của việc người lao động vào Ðảng và tham gia sinh hoạt đảng, thậm chí còn cho rằng sẽ mất thời gian và ảnh hưởng đến lao động sản xuất. Dẫn đến, nhiều chủ doanh nghiệp vẫn thể hiện quan điểm không ủng hộ việc thành lập, hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Do đó, còn ít doanh nghiệp thành lập được tổ chức đảng, đoàn thể; số lượng kết nạp đảng viên trong doanh nghiệp vẫn thấp; nhiều tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên trong doanh nghiệp hoạt động chưa hiệu quả. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Công tác xây dựng tổ chức đảng trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước còn lúng túng, hạn chế. Tính đến ngày 30/9/2020, tỷ lệ tổ chức đảng chỉ chiếm 0,54% trong tổng số doanh nghiệp tư nhân; tỷ lệ đảng viên chỉ chiếm 1,2% tổng số lao động trong doanh nghiệp tư nhân”(9).
Không ít công nhân không có nguyện vọng, thậm chí không quan tâm đến việc trở thành đảng viên. Một mặt là do nhận thức chưa đầy đủ; mặt khác là do gánh nặng cuộc sống, thu nhập, lo ngại ảnh hưởng đến thời gian lao động, cũng như gặp trở ngại từ phía chủ doanh nghiệp. Nếu sinh hoạt đảng ngoài giờ hành chính thì càng khó, vì hết giờ lao động, phải lo toan công việc gia đình. Một vấn đề nữa là, nhiều lao động thường xuyên phải thay đổi công việc, chỗ ở, điều kiện làm việc, đi lại khó khăn nên công tác bồi dưỡng, kết nạp đảng, sinh hoạt chi bộ gặp nhiều trở ngại. Nhiều người vừa được tham gia bồi dưỡng nhận thức về Đảng, chưa kịp kết nạp đã chuyển đi nơi khác làm việc... Vì những lý do trên dẫn đến việc khó kết nạp được đảng viên, hội viên mới trong doanh nghiệp, thậm chí phần lớn doanh nghiệp còn trong tình trạng “trắng” tổ chức đảng, đoàn thể.
Chất lượng tổ chức đảng, đoàn thể còn bất cập, chưa thể hiện được vai trò và chưa theo kịp được yêu cầu của tình hình. Phương thức hoạt động còn nghèo nàn, đơn điệu về hình thức, phương pháp; chất lượng sinh hoạt đảng, đoàn thể còn chưa thiết thực, hiệu quả. Không ít đảng viên, hội viên chưa thực sự phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, “đảng viên đi trước”, chưa gây dấu ấn, gây dựng niềm tin cho chủ doanh nghiệp và lôi cuốn công nhân noi theo, phấn đấu được trở thành đảng viên. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên chưa được quan tâm đúng mức; việc rà soát, sàng lọc đảng viên chưa thường xuyên, thiếu cương quyết. Tính tiên phong, gương mẫu và phẩm chất đạo đức của một bộ phận đảng viên giảm sút; số đảng viên bỏ sinh hoạt đảng phải xóa tên có xu hướng tăng”(10).
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do:
Một là, việc xây dựng và hoạt động tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp tư nhân là vấn đề mới và khó, nên phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm; nhiều cấp ủy còn lúng túng trong triển khai thực hiện hoặc thiếu quyết tâm chính trị cao, nên chưa có cách làm hiệu quả. Công tác tổng kết, sơ kết, rút kinh nghiệm về công tác này chưa được chú ý thực hiện. Đội ngũ cán bộ chuyên trách làm công tác đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp tư nhân chủ yếu là kiêm nhiệm. Cơ sở vật chất công nghệ phục vụ công tác đảng, đoàn thể còn hạn chế. Thậm chí, nhiều đơn vị không có địa điểm để phục vụ sinh hoạt và kinh phí để hoạt động đảng, đoàn thể...
Hai là, nhận thức về vị trí, vai trò của việc phát triển đảng viên, hội viên trong doanh nghiệp của các cấp ủy, tổ chức đảng, đoàn thể chưa thống nhất. Nhiều tổ chức đảng, đoàn thể còn nhận thức phiến diện, chưa đúng khi cho rằng phát triển đảng viên, hội viên trong doanh nghiệp là không cấp thiết vì công nhân, người lao động không có cơ hội phát triển; bản thân phần lớn công nhân không có nguyện vọng phấn đấu vào Đảng, đoàn thể. Thêm vào đó là sự coi nhẹ lãnh đạo, chỉ đạo hời hợt, hình thức của các cấp ủy cấp trên, khi không có nội dung, hình thức, biện pháp cụ thể, hướng dẫn thực hiện sâu sát, hiệu quả.
Ba là, nhiều chủ doanh nghiệp có tâm lý e ngại vào Đảng, thành lập tổ chức đảng trong doanh nghiệp sẽ phải ràng buộc về mặt chính trị, tổ chức. Hơn nữa, chủ doanh nghiệp còn e ngại việc tham gia hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể sẽ ảnh hưởng đến thời gian, lao động sản xuất, kinh doanh. Do đó, chưa tạo điều kiện cho việc thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp.
Bốn là, các quy định, quy chế hướng dẫn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa phù hợp với đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp.
3. Một số giải pháp đẩy mạnh công tác phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp
Một là, nâng cao nhận thức và gắn trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng với việc phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp. Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo sự thống nhất trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và chủ doanh nghiệp, người lao động về công tác xây dựng tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động về thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, bám sát và thực hiện đúng nội dung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP ngày 24-10-2014 quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Tăng cường phối hợp, đối thoại với chủ doanh nghiệp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức đảng, đoàn thể tại doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, hỗ trợ chủ doanh nghiệp trong việc quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn. Từ đó, chủ doanh nghiệp thấy được lợi ích của việc tổ chức đảng, đoàn thể; tạo điều kiện để tổ chức đảng, đoàn thể thành lập và hoạt động.
Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục để các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; nâng cao nhận thức của chủ doanh nghiệp về Đảng và tự giác phấn đấu vào Đảng, đoàn thể.
Quan tâm bồi dưỡng, kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng, đoàn thể. Đổi mới hoạt động của tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp theo hướng thiết thực, hiệu quả, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Hai là, quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy trong doanh nghiệp. Bí thư cấp ủy trong doanh nghiệp là người có tâm, có tầm. Quan tâm làm tốt công tác phát triển đảng viên, hội viên và nâng cao chất lượng đảng viên, hội viên, đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt, linh hoạt, phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Hướng dẫn cụ thể nội dung Nghị định số 98/2014/NĐ-CP của Chính phủ ngày 24-10-2014 về quy định việc thành lập tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Ba là, củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, đoàn thể nhân dân trong các đơn vị kinh tế tư nhân, nhất là cấp huyện theo tinh thần Chỉ thị 33-CT/TW ngày 18-3-2019 của Ban Bí thư về tăng cường xây dựng tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Chú trọng nghiên cứu, xây dựng khung quy chế làm việc của cấp ủy, xác định rõ mối quan hệ công tác giữa cấp ủy, Công đoàn, với chủ doanh nghiệp nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của đơn vị với sự phát triển của tổ chức đảng và quyền của đảng viên trong doanh nghiệp.
Bốn là, tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức đảng, các đoàn thể; xem xét, bố trí lại mô hình tổ chức đảng trong doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước. Đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể trong các đơn vị kinh tế tư nhân các cấp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên ban chỉ đạo trong việc tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thành lập tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp; quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm, kịp thời biểu dương những tổ chức, cá nhân tiêu biểu để nhân rộng mô hình, điển hình tốt. Đơn giản hóa các khâu, các bước trong hồ sơ, thủ tục để kết nạp đảng viên, hội viên.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong việc thực hiện các văn bản của Trung ương về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.
Tăng cường sơ kết, tổng kết để kịp thời rút kinh nghiệm từ những mô hình hay, cách làm sáng tạo, những điển hình tiên tiến, hiệu quả và nhân rộng. Tổ chức gặp gỡ, động viên, biểu dương những doanh nghiệp thực hiện hiệu quả công tác phát triển đảng, đoàn thể; đồng thời, xây dựng chính sách khuyến khích đối với doanh nghiệp có tổ chức đảng, đoàn thể hoạt động hiệu quả.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, định kỳ sơ kết, tổng kết để kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc giúp cho việc tổ chức thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, hội viên trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đạt kết quả cao hơn trong thời gian tới.
_________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 537 (tháng 11-2022)
Ngày nhận: 28-10-2022; Ngày bình duyệt: 21-11-2022; Ngày duyệt đăng: 25-11-2022.
(1) V.I.Lênin: Toàn tập, t.41, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.45-46.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.53.
(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.24.
(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.161.
(5), (6), (8), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.98, 99, 188-189, 189, 190.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.113.
PGS, TS PHẠM TẤT THẮNG
TS NGUYỄN NGỌC ÁNH
Viện Xây dựng Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh