Trang chủ    Diễn đàn    Phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ ba, 31 Tháng 1 2023 09:39
2571 Lượt xem

Phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng là hai nhiệm vụ có mối quan hệ chặt chẽ, đặt ra thường xuyên trong hoạt động xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam. Bài viết góp phần nhận diện một số ý kiến phiến diện, lệch lạc và đề xuất các luận cứ lý luận và thực tiễn nhằm đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng ta hiện nay.

Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ thăm nhà máy Samsung tại Thái Nguyên - Ảnh: VGP

1. Nhận diện các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Một là, đồng nhất Đảng của GCCN với toàn bộ GCCN, từ đó đồng nhất bản chất GCCN của Đảng với bản chất của GCCN; cho rằng Đảng Cộng sản là Đảng của GCCN, từ đó đồng nhất bản chất GCCN của Đảng với bản chất của GCCN.

Hai là, ngược lại với quan điểm trên, một số người lại viện dẫn diễn đạt về Đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam từ Đại hội X của Đảng đến nay: “Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”(1) và cho rằng Đảng đã không còn là Đảng của GCCN nữa mà là “Đảng của dân tộc”, “Đảng toàn dân”.

Ba là, cho rằng trong nền kinh tế hiện nay, vai trò, sứ mệnh lịch sử của GCCN, đã kết thúc, thay vào đó là vai trò của trí thức. Quan điểm này cho rằng: GCCN hiện nay đã hoàn toàn khác với GCCN mà lý luận của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin đã chỉ ra, quan hệ bóc lột giữa chủ tư bản đối với công nhân đã thay đổi, thay vào đó là quan hệ bình đẳng, cùng có lợi thông qua hình thức hợp đồng, thương lượng, thỏa hiệp tự nguyện giữa người chủ và người lao động; trong nền kinh tế tri thức, quan hệ giữa nhà tư bản và người công nhân rất khó xác định, do đó cũng khó xác định quan hệ bóc lột, thậm chí không có và không còn bóc lột, mà hình thành nên một phương thức vận hành kinh tế mới: nền kinh tế chia sẻ (Sharing economy); trong nền kinh tế tri thức, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng rộng rãi và phổ biến, sẽ dẫn đến sự mờ nhạt vai trò của công nhân trong sản xuất, thay vào đó là vai trò lãnh đạo, điều hành, quản lý của trí thức; sự điều chỉnh và thích nghi của chủ nghĩa tư bản hiện nay cho phép công nhân sở hữu cổ phần, cổ phiếu, trái phiếu…, tức là công nhân đã được làm chủ, không còn và không cần đấu tranh giai cấp giữa vô sản và tư sản nữa, thay thế cho học thuyết đấu tranh giai cấp là lý thuyết điều chỉnh, thích nghi và phát triển tiệm tiến của xã hội để đi tới CNXH;… Tất cả những luận điệu trên dẫn đến việc phủ nhận sứ mệnh lịch sử của GCCN, phủ nhận vai trò của đảng cộng sản và bản chất GCCN của đảng cộng sản.

Bốn là, viện dẫn thực tế tỷ lệ đảng viên là công nhân trong Đảng không cao và việc Đảng Cộng sản Việt Nam thực hiện chủ trương kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng, một số người cho rằng bản chất GCCN của Đảng sẽ thay đổi, Đảng Cộng sản sẽ dần thành đảng cải lương, đảng tư sản.

2. Luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, xuyên tạc về bản chất giai cấp công nhân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Thứ nhất, đây là những ý kiến phiến diện, thể hiện sự nhận thức lệch lạc lý luận về đảng chính trị, về bản chất của đảng chính trị nói chung, bản chất GCCN của Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng.

Bản chất GCCN của Đảng Cộng sản là tổng hợp các yếu tố thuộc tính, những mối liên hệ tất yếu bên trong quy định sự vận động, phát triển của Đảng, được biểu hiện ra thông qua các tính chất, cách tổ chức và hoạt động của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam đầu thế kỷ XX. Không được lẫn lộn Đảng với toàn bộ giai cấp, đồng thời không được lẫn lộn Đảng với toàn thể nhân dân và dân tộc. V.I.Lênin từng khẳng định: “không được lẫn lộn đảng, tức là đội tiền phong của giai cấp công nhân, với toàn bộ giai cấp”(2). Bản thân GCCN không xây dựng được hệ tư tưởng riêng, nếu chỉ có phong trào công nhân không thôi thì GCCN chỉ đi đến chủ nghĩa công liên. Đảng cộng sản được tổ chức chặt chẽ, khác tổ chức của công nhân, “tổ chức của những người cách mạng phải bao gồm trước hết và chủ yếu những người lấy hoạt động cách mạng làm nghề nghiệp”(3).

Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tại Đại hội II của Đảng (tháng 02-1951) Đảng ta đã khẳng định: “Đảng lao động Việt Nam là đội tiền phong và bộ tham mưu của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Nhưng về thực chất, nó vẫn là một chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam. Vì nó có đủ những điều kiện cốt yếu của một Đảng như thế:

1. Lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng.

2. Lấy dân chủ tập trung làm nguyên tắc tổ chức.

3. Lấy phê bình và tự phê bình làm quy luật phát triển, v.v..

Một Đảng có những điều kiện cốt yếu về nền tảng tư tưởng, nguyên tắc tổ chức và quy luật phát triển như trên, thì thực tế là chính đảng cách mạng kiểu mới của giai cấp công nhân”(4). Đó là những chỉ dẫn lý luận và những luận cứ cơ bản để đấu tranh với những nhận thức lệch lạc, sai trái về bản chất GCCN của Đảng trong giai đoạn hiện nay.

Thứ hai, quan hệ giữa bản chất GCCN của Đảng và vấn đề dân tộc đã được Đảng ta giải thích.

Văn kiện Đại hội VII của Đảng (năm 1991) viết: “Khẳng định bản chất giai cấp công nhân của Đảng, chúng ta không tách rời Đảng và giai cấp với các tầng lớp nhân dân lao động khác, với toàn thể dân tộc. Ngay từ khi mới thành lập, Đảng đã mang trong mình tính thống nhất giữa yếu tố giai cấp và yếu tố dân tộc. Chính lập trường và lợi ích giai cấp công nhân đòi hỏi trước hết phải giải phóng dân tộc. Đảng tìm thấy nguồn sức mạnh không chỉ ở giai cấp công nhân mà còn ở các tầng lớp nhân dân lao động, ở cả dân tộc. Cũng từ đó nhân dân lao động và cả dân tộc đã thừa nhận Đảng ta là người lãnh đạo, người đại biểu chân chính cho quyền lợi cơ bản và thiết thân của mình”(5). Do đó, từ Đại hội X của Đảng (năm 2006) đến nay, cách diễn đạt bản chất của Đảng đã được bổ sung đầy đủ, sâu sắc hơn về Đảng Cộng sản Việt Nam nói chung và về bản chất GCCN của Đảng nói riêng.

Diễn đạt với về Đảng hoàn toàn không hạ thấp bản chất GCCN của Đảng, cũng không chuyển sang quan điểm "Đảng toàn dân", mà là hiểu bản chất giai cấp của Đảng một cách sâu sắc hơn. Cách diễn đạt đó phản ánh sự thống nhất về lợi ích của các giai cấp, tầng lớp nhân dân và toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, diễn đạt này hoàn toàn không trái với học thuyết Mác - Lênin về Đảng Cộng sản, bởi ngay trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ dẫn: “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc” (Trong bản tiếng Anh xuất bản năm 1888 thay cho những chữ "tự vươn lên thành giai cấp dân tộc" là những chữ "tự vươn lên thành giai cấp chủ đạo trong dân tộc"(6). Khi đã có chính quyền, GCCN và nhân dân lao động đã là đại diện của dân tộc, là chủ nhân của dân tộc, thì Đảng - đội tiên phong của GCCN đương nhiên - là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc.

Thứ ba, kinh tế tri thức như hiện nay đã được C. Mác và Ph. Ăngghen dự báo như một xu thế phát triển tất yếu, trong đó khoa học kỹ thuật sẽ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp và bản thân nền sản xuất công nghiệp hiện đại sẽ hình thành GCCN hiện đại, đó là công nhân trí thức.

Trong nền công nghiệp hiện đại, đội ngũ trí thức thâm nhập vào GCCN ngày càng đông; trình độ chuyên môn, tính tổ chức, tính kỷ luật và giác ngộ cách mạng của GCCN sẽ ngày càng được nâng lên và GCCN hiện tại được trí thức hóa có sứ mệnh lịch sử lật đổ chủ nghĩa tư bản. C.Mác và Ph.Ăngghen viết: “Sự tiến bộ của công nghiệp - mà giai cấp tư sản là người đại diện mặc nhiên của nó và không đủ sức chống lại nó - đem sự đoàn kết cách mạng của công nhân do liên hiệp lại mà có, thay cho sự chia rẽ của công nhân do sự cạnh tranh giữa họ gây nên. Như vậy, cùng với sự phát triển của đại công nghiệp, chính cái nền tảng trên đó giai cấp tư sản đã sản xuất và chiếm hữu sản phẩm của nó, đã bị phá sập dưới chân giai cấp tư sản. Trước hết, giai cấp tư sản sản sinh ra những người đạo huyệt chôn chính nó. Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và sự thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(7)

Thứ tư, vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng được đặt ra và Đảng ta đã có chủ trương giải quyết mối quan hệ này.

Một Đảng hình thành và phát triển ở một nước nông nghiệp lạc hậu, thuộc địa nửa phong kiến, công nhân còn nhỏ bé, giai cấp nông dân và các giai cấp, tầng lớp xã hội khác chiếm phần lớn trong dân cư thì đảng viên xuất thân là GCCN sẽ chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số đảng viên của Đảng. Tại Đại hội IV của Đảng (năm 1976) đã chỉ rõ: “Thành phần xã hội xuất thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên tuy không phải là yếu tố duy nhất hoặc là yếu tố chủ yếu, nhưng rất quan trọng, vì nó góp phần bảo đảm tính chất giai cấp công nhân của Đảng, có ảnh hưởng không nhỏ đến sức chiến đấu, đến sự trong sạch về tư tưởng và tổ chức của Đảng. Không có ý thức đầy đủ và biện pháp mạnh mẽ tăng cường thành phần cơ bản, nhất là thành phần công nhân trong đội ngũ cán bộ, đảng viên là một thiên hướng sai lầm, thường đi liền với những lệch lạc hữu khuynh khác trong công tác xây dựng Đảng. Ngược lại, cường điệu quá mức ý nghĩa của thành phần xã hội xuất thân, cho rằng đường lối giai cấp trong công tác tổ chức, công tác cán bộ chủ yếu là phương hướng lựa chọn cán bộ, đảng viên về mặt thành phần xã hội, coi nhẹ cải tạo của việc giáo dục chính trị, tư tưởng và rèn luyện cán bộ, đảng viên qua phong trào quần chúng cũng là một thiên hướng sai lầm dẫn đến biệt phái, hẹp hòi”(8)Tính đến ngày 30-9-2020, Đảng ta đã kết nạp 6.652 chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng(9). Hầu hết những đảng viên này đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách thuế và trách nhiệm tạo việc làm, chăm lo đời sống công nhân và các hoạt động xã hội khác. Đây là sự bổ sung, phát triển sáng tạo, phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam về vấn đề thành phần giai cấp trong Đảng.

Sinh thời, C.Mác chưa có điều kiện thực tiễn để tổng kết vấn đề này. Tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản (năm 1921), V.I.Lênin đưa ra các tiêu chí đặc biệt quan trọng để xem xét, đánh giá một đảng có thực sự là đảng của GCCN, mang bản chất GCCN, một đảng mácxít chân chính hay không: “Dĩ nhiên, đại bộ phận Công đảng là công nhân. Nhưng nó có thực sự là một chính đảng của công nhân hay không, điều đó không phải chỉ phụ thuộc vào chỗ đảng đó có bao gồm công nhân hay không, mà cũng còn phụ thuộc vào chỗ ai lãnh đạo nó, và ở tính chất của hành động và của sách lược chính trị của đảng đó ra sao nữa. Chỉ có những yếu tố nói sau mới làm cho chúng ta thấy là đảng đó có phải là một chính đảng thực sự của giai cấp vô sản hay không”(10).

Như vậy, số lượng đảng viên công nhân là rất quan trọng đối với bản chất GCCN của Đảng, song tiêu chí này không quyết định bản chất GCCN của Đảng, tiêu chí quyết định là: ai là người lãnh đạo của Đảng; chất lượng của đội ngũ cán bộ chiến lược của Đảng ra sao; đường lối của Đảng có đúng đắn không và đặc biệt là hành động của Đảng.

Trong thực tế, tính đa dạng về thành phần giai cấp trong đội ngũ đảng viên của Đảng ta hiện nay là tất yếu nhằm phát huy tất cả nguồn lực con người, tăng cường nhân tài cho Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH. Việc phát triển đội ngũ đảng viên đa dạng về thành phần giai cấp, tầng lớp trong xã hội, không hẹp hòi, định kiến, nhưng phải thận trọng, chắc chắn, coi trọng chất lượng, không chạy theo số lượng, bảo đảm chặt chẽ về điều kiện, nguyên tắc và thủ tục nhằm ngăn chặn những kẻ cơ hội, nhất là cơ hội chính trị, tìm cách trà trộn các tổ chức Đảng. Đồng thời, phải thường xuyên chú trọng giáo dục, rèn luyện, giác ngộ về sứ mệnh lịch sử và bản chất của GCCN cho đội ngũ đảng viên, chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu và danh dự của người đảng viên cộng sản trong tình hình mới.

_________________

Ngày nhận bài: 18-10-2022; Ngày bình duyệt: 25-10-2022; Ngày duyệt đăng: 31-01-2023

 

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.65, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.223.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.289.

(3) V.I.Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.143.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.159-160.

(5) ĐCSVN:Văn kiện Đảng toàn tập, t.51, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.30.

(6), (7) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.623-624, 612-613.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.37, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2004, tr.780-781.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.IINxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.189.

(10) V.I. Lênin: Toàn tập, t. 41, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.312-313.

ThS BÙI VĂN HẢI

 Viện Xây dựng Đảng,

Học viện Chính  trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền