Trang chủ    Diễn đàn    Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận quyền tự do báo chí ở Việt Nam
Thứ ba, 31 Tháng 1 2023 13:34
1301 Lượt xem

Đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận quyền tự do báo chí ở Việt Nam

(LLCT) - Tự do báo chí là vấn đề phức tạp, vừa trừu tượng, vừa cụ thể và có sự độc lập tương đối với các lĩnh vực khác của đời sống. Hiện nay, các thế lực thù địch tìm đủ mọi lý lẽ mơ hồ hòng tấn công, xuyên tạc thực tế tự do báo chí, áp đặt quan niệm về tự do báo chí của các nước tư bản vào nước ta, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý của Nhà nước đối với nền báo chí cách mạng Việt Nam. Song, cả phương diện lý luận và thực tiễn đã khẳng định rõ quyền tự do báo chí trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, đã phát huy quyền tự do báo chí của nhân dân - Ảnh: tuyengiao.vn

1. Luận điệu xuyên tạc và thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch

Các thế lực thù địch tìm đủ mọi thủ đoạn để phủ nhận quyền tự do báo chí của Việt Nam

Ở nước ta, Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý mọi mặt đời sống xã hội, nhằm mang lại sự an toàn, ổn định để người dân được sống trong yên bình, hạnh phúc, tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, thù hằn với chế độ, không chấp nhận sự thật đó, dù cho đất nước đang ngày càng phát triển, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại... Chúng phủ nhận cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Chúng cho rằng chế độ một đảng sẽ dẫn đến tình trạng độc quyền, mất tự do, dân chủ; tự do báo chí vì vậy cũng không tồn tại, khi mà nhà cầm quyền “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Từ luận điệu đó, các thế lực thù địch kêu gọi, thúc giục, cổ xúy cho khuynh hướng đa nguyên, đa đảng ở nước ta, trước hết bằng việc “đòi tự do báo chí” theo quan niệm của chúng.

Chúng sử dụng chiêu bài “bảo vệ nhà báo” và “đấu tranh đòi lại quyền tự do báo chí” để gây hoang mang dư luận, chia rẽ nội bộ, giảm uy tín của Đảng và Nhà nước, đưa nước ta rơi vào tình trạng bất ổn về chính trị(1). Chúng triệt để lợi dụng một số yếu kém, sơ hở, sai lầm còn tồn tại trong công tác quản lý báo chí, thổi phồng những sai sót trong các bài phát biểu, các công trình hoa học, các vấn đề về nhân sự, dự án kinh tế, chính sách công… để kích động, tạo bất mãn trong xã hội, làm giảm uy tín của các cấp lãnh đạo, đi đến khẳng định sai lầm của chế độ(2). Chúng lợi dụng trường hợp những nhà báo, những người bị xử lý do vi phạm pháp luật, đạo đức nghề nghiệp để tuyên truyền rằng báo chí ở Việt Nam “đang bị kìm kẹp”, “nhà nước bóp nghẹt tự do ngôn luận, triệt tiêu quyền tự do báo chí”… Chúng tìm mọi cách “bẻ lái” người tiếp nhận thông tin theo hướng ủng hộ và cổ xúy cho những người mà chúng gọi là “bất đồng chính kiến”, thực chất là chống đối Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Các thế lực thù địch hướng lái báo chí nước ta đi theo kiểu tự do của báo chí tư sản, bởi cho rằng đó mới là tự do báo chí thực sự

Các thế lực thù địch sử dụng cơ sở lý luận của nền báo chí tư sản để tấn công vào nền báo chí nước ta, xem đó là nền tảng tự do chân chính cho báo chí. Chúng phê phán, xuyên tạc, hạ thấp, phủ nhận tự do báo chí cách mạng Việt Nam hòng yêu cầu báo chí nước ta phải đi theo khuynh hướng tư sản hóa, phá bỏ những cơ sở, nền tảng, định hướng và tinh thần mà Đảng và dân tộc ta đã và đang hun đúc. Chúng cho rằng CNTB là văn minh, vĩnh hằng, tán dương chế độ đó có tự do hơn, dân chủ hơn, tốt cho người dân Việt Nam hơn. Chúng bỏ qua tất cả những vấn đề tiêu cực, bất cập trong xã hội tư bản để tôn thờ nó một cách vô điều kiện.

Chúng ra sức tuyên truyền cho cái gọi là “tự do báo chí”, chúng vu cáo và ra sức “đòi lại quyền tự do” và cho rằng tự do là báo chí không mang trên mình những sự ràng buộc, “kiểm duyệt” của bất kỳ lực lượng nào cho dù đó có là chính phủ hay xã hội; báo chí được trang bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để được truyền đạt mọi ý kiến tới đông đảo quần chúng(3). Qua đó, các thế lực thù địch muốn lái nền báo chí nước ta theo mô hình dân chủ kiểu tư sản. Chúng đòi hỏi kiểu tự do mang tính tuyệt đối. Đây là “con bài” để các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lạm dụng quyền tự do báo chí nhằm kích động chống chính quyền, gây chia rẽ nội bộ, bôi nhọ, xuyên tạc, làm mất đi hình ảnh và uy tín, làm mất vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tiến tới lật đổ chính quyền.

Đồng thời, thông qua rêu rao sứ mệnh bảo vệ tự do báo chí, các thế lực thù địch thực hiện âm mưu tấn công vào hệ thống chính quyền nước ta. Chúng núp bóng “tự do ngôn luận” để tìm cách bóp méo, bịa đặt, vu khống các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên nhiều lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực mà đất nước ta đã gặt hái được nhiều thành tựu.

Sau khi đưa ra “cơ sở” tự do ngôn luận mù mờ, ấu trĩ, chúng từng bước phá hoại những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát triển, quản lý xã hội của Nhà nước theo cách “mưa dầm thấm lâu” hay “hiệu ứng cánh bướm”… để dần đạt mục đích phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng và đất nước nói chung. Những hoạt động đó không thể xem là tự do báo chí chân chính, bởi sự tự do đáng được công nhận, thúc đẩy, bảo vệ không phải là sự tự do vô lối, không vì lợi ích của đất nước, dân tộc, không có tính khoa học, khách quan mà chỉ chứa chất sự hằn học, đen tối, bịa đặt, bất chấp luật pháp, đạo đức, văn minh.

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí nói riêng và với đất nước nói chung

Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí chắc chắn không là mục tiêu cuối cùng của các thế lực phản động, cơ hội chính trị. Nhìn vào hoạt động của các thế lực thù địch, dễ dàng nhận ra điểm đến cuối cùng của các phần tử này là phá hoại con đường đi lên XHCN của đất nước ta. Do vậy, chúng tìm mọi cách thủ tiêu vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước ở từng lĩnh vực. Bên cạnh việc sử dụng chiêu bài “đòi tự do báo chí”, chúng còn ra sức xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; đòi mở rộng dân chủ trong hoạt động bầu cử và hoạt động của Quốc hội; đưa ra những luận điệu, yêu sách như: Đảng lãnh đạo Quốc hội là Đảng đứng trên Hiến pháp và pháp luật; đòi xây dựng nền kinh tế thị trường tuyệt đối, không bị ràng buộc bởi sự lãnh đạo của Đảng hay định hướng XHCN,..

Để thực hiện âm mưu trên, chúng biết đầu tiên cần làm là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, bởi báo chí là nhân tố hàng đầu trên mặt trận tư tưởng, tuyên truyền, từ đó chúng hiện thực hóa những mục tiêu khác.

Phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí là bước quan trọng để phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng trong vai trò lãnh đạo toàn xã hội, tiến tới phá bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Chúng ráo riết tìm cách xây dựng những “cơ sở” tư tưởng để đòi đa nguyên chính trị, hướng đất nước đi theo mô hình TBCN, tìm cách trực tiếp hoặc gián tiếp truyền bá lý tưởng, đạo đức, lối sống tư sản, những quan điểm xa lạ về “tự do” để gây xáo trộn về mặt tư tưởng trong xã hội, làm tha hóa lối sống, đạo đức, làm cho một bộ phận người dân và cán bộ, đảng viên rơi vào tình trạng mơ hồ, mất phương hướng chính trị, đi ngược lại lợi ích dân tộc, lịch sử, truyền thống của đất nước, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đây là những âm mưu rất thâm độc.

2. Đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, xuyên tạc về quyền tự do báo chí ở Việt Nam

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn đề cao vai trò của báo chí và tự do báo chí; thống nhất quan điểm và thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm quyền tự do báo chí

Thực tế, con người không thể có được tự do nếu môi trường xã hội của họ chưa có độc lập. Ở Việt Nam, quyền tự do báo chí có được kể từ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) khi dân tộc ta giành lại được độc lập.

Nhìn lại những ngày đầu hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đãđấu tranh cho quyền tự do báo chí, chống lại sự ràng buộc tư tưởng trongchế độ thực dân phong kiến. Năm 1920, tại Đại hội Tua, Người tố cáo chế độ thực đân: “Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, ngay cả quyền tự do hội họp và lập hội cũng không có”(4).

Sau khi đất nước độc lập, quyền tự do báo chí được hiến định, coi trọng, bảo đảm. Năm 1946, Quốc hội thông qua bản Hiếp pháp đầu tiên, Điều 10 ghi rõ: “Công dân Việt Nam có quyền: Tự do ngôn luận; tự do xuất bản; tự do tổ chức và hội họp; tự do tín ngưỡng; tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài”(5). Những quyền cơ bản này đã được hiến định xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của Việt Nam. Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”(6). Luật Báo chí năm 2016 quy định về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí: Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí; Nhà nước thực hiện việc bảo hộ đối với hoạt động của nhà báo trong khuôn khổ pháp luật và báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng(7). Các nghị định, thông tư và các văn bản dưới luật cũng được ban hành để thực thi quyền tự do báo chí của nhiều đối tượng trong từng hoàn cảnh một cách phù hợp. Xét về khía cạnh luật pháp, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin đã được thể chế hóa một cách toàn diện, đầy đủ, dễ thực hiện, đi vào thực tế cuộc sống.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, báo chí Việt Nam không ngừng lớn mạnh, đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, đã phát huy quyền tự do báo chí của nhân dân.

Kể từ năm 1945 đến nay, Đảng ta đã nghiên cứu, đề xuất, thực hiện nhiều chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn để phát triển hệ thống báo chí Việt Nam, bên cạnh chú trọng các yếu tố về số lượng, chất lượng, chủng loại, Đảng ta quan tâm đào tạo đội ngũ nhà báo, tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiến tiến, bắt kịp với thời đại… nhằm giúp cho mọi người có thể tự do tiếp nhận các thông tin dễ dàng, nhà báo có đầy đủ điều kiện để tự do lao động sáng tạo.

Tính tới đầu năm 2021, cả nước có 142 tờ báo (Trung ương 68 tờ và địa phương 74 tờ), trong đó, báo có hoạt động điện tử là 112; có 612 tạp chí và 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập; có 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh truyền hình gồm: 02 đài quốc gia, 01 đài truyền hình kỹ thuật số, 64 đài địa phương và 05 đơn vị hoạt động truyền hình. Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có 41.000 người, trong đó 21.132 người đã được cấp thẻ nhà báo và 15.768 người thuộc khối phát thanh, truyền hình(8). Số liệu trên cho thấy, nền báo chí Việt Nam đang rất phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công chúng trong tiếp nhận thông tin, tạo ra những diễn đàn bảo đảm quyền tự do ngôn luận của mọi cá nhân trong xã hội. Nếu Việt Nam không có tự do báo chí thì không thể có sự phát triển phong phú về mọi mặt của nền báo chí nước nhà hiện nay.

Vai trò của báo chí ngày càng được nâng cao, vừa là công cụ để Đảng và Nhà nước điều hành, quản lý xã hội, vừa là phương tiện để mọi người dân thỏa mãn những nhu cầu về giải trí, văn hóa, nâng cao tri thức, làm cho con người có đủ thông tin, cơ sở để thấu hiểu lẫn nhau, thực hiện đoàn kết dân tộc. Báo chí cũng trở thành vũ khí để Đảng và nhân dân lên án, chống lại, xóa bỏ những tệ nạn, tiêu cực trong xã hội, những hành vi vi phạm pháp luật, những cá nhân, tổ chức tham nhũng, thoái hóa, biến chất làm ảnh hưởng đến lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.

Đánh giá vai trò của báo chí trong công cuộc đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực trong việc định hướng dư luận xã hội, tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Sự nghiệp đổi mới của chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử”(9).

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh vai trò và nhiệm vụ quan trọng của báo chí là: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trường của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động định hướng thông tin tuyên truyền của Đảng và đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”(10).

Không có tự do báo chí tuyệt đối, kể cả ở các nước tư bản, nơi tuyên truyền nhiều về tự do báo chí

Thứ tự do báo chí tuyệt đối mà các thế lực thù địch đang rêu rao chỉ tồn tại trong tưởng tượng, bởi thứ tự do được tạo ra sau khi giải phóng khỏi mọi kiểm soát của Nhà nước là thứ tự do ở trạng thái dã man của con người. Nếu nhìn nhận ở góc độ phát triển đi lên của một xã hội dân chủ, văn minh và quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền với tiêu chí thượng tôn pháp luật thì bất kỳ nguyên tắc hoạt động nào của sự tự do thông tin đại chúng đều cần được điều tiết, kiểm soát. Điều này được thực hiện thông qua ban hành luật pháp, sẵn sàng gắn trách nhiệm sử dụng tự do ngôn luận với các phương tiện truyền thông đại chúng, tránh trường hợp lạm dụng tự do ngôn luận(11), từ đó mới định hướng cho nền báo chí có thể hoạt động một cách hiệu quả, chân chính, nhân văn.

Quan điểm cho rằng báo chí phương Tây rất tự do, không bị kiểm soát, giới hạn là sai lầm. Thực tế ở Mỹ, nền báo chí bị hạn chế bởi giới quân sự. Người dân Mỹ không được tiếp cận thông tin về tình trạng của người dân vô tội ở các nước Mỹ tấn công quân sự(12). Ở Pháp, trong bản “Tuyên ngôn về nhân quyền và dân quyền Pháp năm 1789” cũng xác nhận rằng bất kỳ công nhân nào cũng có quyền tự do nói hoặc viết theo ý mình, nhưng sẽ phải chịu trách nhiệm nếu lạm dụng quyền tự do đó theo quy định của pháp luật(13). Ở Anh, hầu hết các bài phát biểu hay bài đăng báo có nội dung công kích chủ quyền, chính phủ, Hiến pháp, kích động sự bất bình trong xã hội đều bị coi là vi phạm pháp luật.

Quan điểm nền báo chí phương Tây cho phép ai cũng có quyền mở kênh thông tin của mình là sai thực tế vì gần như chỉ có những người có tiền và quyền lực mới đủ điều kiện thực hiện hoạt động đó. Như vậy, trạng thái thông tin và những định hướng dư luận của báo chí phương Tây luôn phụ thuộc vào tầng lớp người giàu và người có quyền lực, trong khi những người này mở các kênh báo chí chủ yếu để thu lợi nhuận. Rõ ràng, báo chí phương Tây không ở trong tay người dân, không được chia đều cho tất cả cá nhân trong xã hội mà bị kìm kẹp bởi những cá nhân, tổ chức có tiềm lực về tài chính cũng như chính trị(14).

Những quan niệm về tự do báo chí tư sản cũng không phù hợp để sử dụng trong thời đại mà hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội đều có sự thay đổi nhanh chóng, phức tạp, nhiều vấn đề, hiện tượng, tình huống trong cuộc sống diễn ra theo nhiều cách không thể kiểm soát, vượt khỏi tầm suy nghĩ, tính toán, ước lượng của bất kỳ chính quyền nào.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những nhà báo có nhận định rõ về sự tự do chân chính của một nền báo chí, trong “Bài nói chuyện với lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường đại học Nhân dân Việt Nam” (năm 1956), Người chỉ dẫn: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý(15). Từ đó, Người nhấn mạnh: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”(16). Tự do mà đi ngược lại với chân lý thì đó không phải là tự do mà điều đó chỉ chứng tỏ bản thân đã bị cái xấu, các ác, cái phản chân lý lôi kéo, ràng buộc. Chân lý mà báo chí hướng đến là mang lại lợi ích cho Tổ quốc, cho nhân dân, đấu tranh chống lại những điều phản chân lý, đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của dân tộc.

Đề cao tự do báo chí, đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước

Đất nước đang trên đà phát triển về mọi mặt, vai trò của tự do báo chí càng cần được đề cao. Tự do báo chí là cơ sở quan trọng để con người chủ động tiếp cận và tích lũy tri thức, phát huy ý chí, khát vọng, khơi dậy tinh thần, trí tuệ của bản thân và cộng đồng nhằm phát triển cá nhân, đất nước. Tự do báo chí cũng là biện pháp chủ yếu để người dân sử dụng quyền lực của Nhà nước, thông qua phản ánh, giám sát, phản biện đối với những vấn đề liên quan đến lợi ích của bản thân hoặc những vấn đề về an ninh, an toàn xã hội và những vấn đề lớn, trọng đại của đất nước.

Cùng với đề cao tự do báo chí, Đảng và Nhà nước ta tăng cường quản lý, giám sát đối với các cơ quan báo chí, bảo đảm cho nền báo chí đi đúng hướng, phục vụ chân lý, lý tưởng XHCN, lợi ích của nhân dân. Chỉ khi báo chí được lãnh đạo bởi một Đảng được trang bị hệ thống lý luận cách mạng và khoa học thì hoạt động báo chí mới bảo đảm được tính cách mạng, dân chủ, khoa học, nhân văn, phục vụ đa số nhân dân, đất nước. Đảng và Nhà nước ta luôn bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận đồng thời yêu cầu thông tin chính xác, trung thực; phù hợp với mục tiêu phát triển chung của đất nước, dân tộc phù hợp với văn hóa truyền thống, lịch sử dân tộc.

3. Đấu tranh chống âm mưu phủ nhận tự do báo chí ở Việt Nam

Thứ nhất, hoàn thiện, đồng bộ hệ thống quy định pháp luật trong lĩnh vực báo chí, từ Luật Báo chí đến các nghị định, thông tư và các văn bản dưới luật. Hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, tiến bộ, phù hợp với hoàn cảnh đất nước và xu thế phát triển của thời đại, tạo cơ sở pháp lý, chỗ dựa vững chắc cho hoạt động và phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đồng thời, không để lọt những “khoảng trống” trong hệ thống pháp luật để các thế lực thù địch có thể lợi dụng.

Phát huy đầy đủ trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức có thẩm quyền quản lý và định hướng trong các cơ quan báo chí, nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí của Đảng và Nhà nước trong định hướng dư luận, dẹp bỏ những thông tin sai trái, đi ngược lại chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước…

Thứ hai, xây dựng những chuẩn mực chung cho đội ngũ nhà báo. Đội ngũ nhà báo phải được tôi luyện để trở thành những người có tâm, có tầm, có đủ năng lực để bảo vệ lý luận khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin và tiếp thu thành tựu mới mà khoa học đạt được, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thách thức, cám dỗ để gây dựng sự nghiệp, phục vụ chân lý, phục vụ nhân dân. Nhà báo luôn cần ý thức được mục tiêu của nghề là “làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, xã hội trong lành hơn” và tuyệt đối không sử dụng lợi thế nghề nghiệp để “phục vụ lợi ích cá nhân, bôi nhọ người khác, hạ thấp uy tín, xúc phạm danh dự, gây bất lợi cho các cơ quan, đoàn thể, tổ chức…”(17). Đội ngũ nhà báo phải được chú trọng bồi dưỡng nhiều hơn về chuyên môn, ngoại ngữ, công nghệ thông tin để nắm bắt xu hướng thay đổi của thời đại, của nhân loại.

Thứ ba, trong công tác quản lý hoạt động báo chí, phải kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật. Cần đánh giá đúng vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực báo chí, hạn chế tình trạng hoạt động thanh tra, kiểm tra mang tính hình thức, không thực chất. Nhanh chóng phát hiện những phần tử hoạt động trong lĩnh vực báo chí có tư tưởng sai lệnh, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm đạo đức nghề nghiệp để kịp thời xử lý.

Thứ tư, báo chí phải phản ánh đúng sự thật khách quan, bởi chỉ có sự thật mới có sức lan tỏa, tạo niềm tin trong quần chúng. Báo chí phải trở thành công cụ góp sức đưa đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước. Báo chí phải nỗ lực tạo ra diễn đàn cho nhân dân, hình thành dư luận khách quan, chuẩn mực, giúp công chúng tiếp thu đúng đắn nguồn tin khổng lồ từ khắp mọi nơi, giúp nhân dân giữ vững được lập trường, tư tưởng, tự tránh được “bẫy” tự do báo chí của các thế lực thù địch.

_________________

Ngày nhận bài: 29-11-2022; Ngày bình duyệt: 01-12-2022; Ngày duyệt đăng:

 

(1) Xem: Đào Thị Tùng: Tự do báo chí - Một trong những quyền cơ bản của con người được Nhà nước Việt Nam thừa nhận, tôn trọng và đảm bảo thực hiện, https://hcma3.hcma.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/Pages/bao-ve-nen-tang-tu-tuong.aspx?CateID=637&ItemID=49474, truy cập ngày 21-4-2020.

(2) Xem: Vũ Hiền, Trần Quang Nhiếp: Báo chí trong đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2000, tr.155.

(3), (14) Xem: Nguyễn Văn Dững: Cơ sở lý luận của báo chí, Nxb Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2018, tr. 350-351, 362.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.34-35.

(5)  Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thông qua ngày 9-11-1946).

(6) Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Hiến pháp năm 2013).

(7) Luật Báo chí 2016.  

(8) Thông tấn xã Việt Nam: Việt Nam có 779 cơ quan báo chí trên cả nước, https://www.vietnamplus.vn/infographics-viet-nam-co-779-co-quan-bao-chi-tren-ca-nuoc/687958.vnp, truy cập ngày 5-1-2021.

(9) Báo điện tử ĐCSVN: Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ X, https://dangcongsan.vn/huong-toi-ky-niem-90-nam-ngay-truyen-thong-nganh-tuyen-giao/thong-tin-tu-lieu/dai-hoi-hoi-nha-bao-viet-nam-lan-thu-x-557043.html, truy cập ngày 15-6-2020.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.216.

(11) E.P. Prôkhôrốp: Cơ sở lý luận của báo chí, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2004, tr.266-267.

(12) Đinh Thị Thúy Hằng: Báo chí thế giới - Xu hướng phát triển, Nxb Thông Tấn, Hà Nội, 2008, tr.77.

(13) Trương Quốc Chính, Nguyễn Thị Mai Anh: Tránh bẫy tự do báo chí trong thời kỳ hội nhập quốc tế, https://www.tapchicongsan.org.vn/hoat-ong-cua-lanh-ao-ang-nha-nuoc/-/2018/499827/tranh-%E2%80%9Cbay-tu-do-bao-chi%E2%80%9D-trong-thoi-ky-hoi-nhap-quoc-te.aspx, truy cập ngày 8-7-2019.

(15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, sđd, tr.378, 378.

(17) Hà Đăng: Nâng cao năng lực và phẩm chất của phóng viên báo chí trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.101.

NGÔ THỊ HẠNH

Vụ Quản lý khoa học,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền