Trang chủ    Diễn đàn    Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Thứ ba, 04 Tháng 4 2023 10:43
2488 Lượt xem

Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

(LLCT) - Trong bối cảnh tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, hoạt động truyền thông đối ngoại được Đảng và Nhà nước ta vận dụng với vai trò là một kênh thông tin hiệu quả trong việc đưa ra các quan điểm, sáng kiến, nhằm xoa dịu tình hình tranh chấp giữa các bên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là rất cần thiết. Bài viết đề xuất các giải phápđẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, nhằm góp phần đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Đại diện Bộ Tư lệnh Hải quân Brunây đón đoàn Hải quân Việt Nam tại cảng Jetty Bravo năm 2020 - Ảnh: baohaiquanvietnam.vn

Tình hình Biển Đông diễn biến, phức tạp, đang tác động trực tiếp đến hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực, tạo ra những thách thức đến sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Trước thực tế đó, Đảng và Nhà nước ta khẳng định “Phải đổi mới tư duy triển khai công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền biển, đảo và công tác biên giới trên đất liền gắn với quan điểm, đường lối mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị Đối ngoại toàn quốc đề ra, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam và Đảng Cộng sản Việt Nam trên trường quốc tế. Phát huy tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt của các lực lượng làm các công tác này; tranh thủ cao nhất sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trong và ngoài nước, nhằm huy động được tối đa các nguồn lực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (XHCN)”(1). Trong đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.  

1. Hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở Việt Nam

Những năm gần đây, sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc trong và ngoài khu vực làm cho tình hình căng thẳng, đe dọa đến chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của nước ta.

Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Khu vực châu Á - Thái Bình Dương… là khu vực cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc, tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hoà bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột”(2). Trước bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước đã tích cực triển khai hoạt động truyền thông đối ngoại và “Xử lý kịp thời các tình huống xảy ra trong giải quyết các vấn đề về biên giới và trên biển, đề xuất kế hoạch tổng thể bảo vệ hoạt động dầu khí và kinh tế biển; kiên quyết, kiên trì đấu tranh với các hành động của nước ngoài vi phạm vùng biển, không để nước ngoài tạo cớ xảy ra xung đột, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước”(3).

Hoạt động truyền thông đối ngoại là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng, đã chủ động, tích cực, kịp thời cung cấp thông tin của Đảng, Nhà nước, các cơ quan ban, ngành đến mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước, chủ động đấu tranh có hiệu quả với những luận điệu xuyên tạc về biên giới lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo, góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực, nâng cao vị thế, uy tín và hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, hoạt động truyền thông đối ngoại nói chung, truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo nói riêng chưa theo kịp diễn biến của tình hình,nội dung chưa phong phú, thiếu sức hấp dẫn, đội ngũ báo cáo viên mỏng, địa bàn hoạt động không tập trung, sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của từng nhóm đối tượng, địa bàn, trong và ngoài nước; khai thác chưa hiệu quả lợi thế của công nghệ thông tin, internet, mạng xã hội và các phương thức truyền thông hiện đại để tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo; đầu tư cho các hoạt động truyền thông đối ngoại chưa tương xứng, số lượng ấn phẩm liên quan đến các nghiên cứu chuyên sâu, bình luận, phân tích sâu chưa nhiều, chưa tác động thường xuyên, hiệu quả ra thế giới; đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, thù địch xuyên tạc chủ quyền lãnh thổ trên biển, đảo có lúc còn thiếu chủ động… Vì vậy, cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về chủ quyền biển đảo.

2. Các giải pháp đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động truyền thông đối ngoại vbảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đây là giải pháp mang tính nguyên tắc, cơ sở nền tảng bảo đảm tính mục đích, tính hiệu quả đối với hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Đường lối, chủ trương của Đảng đúng với tình hình, định hướng hoạt động truyền thông đối ngoại tới đông đảo nhân dân trong nước và công chúng ở nước ngoài, để lan tỏa đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo là lãnh đạo xây dựng các chủ thể: Bộ Ngoại giao, cơ quan truyền thông đại chúng; các tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp; các nhà báo truyền thông đối ngoại; các chính khách, doanh nghiệp, học giả, nhà văn hóa, nhà ngoại giao, nắm chắc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có năng lực truyền thông đối ngoại về chủ quyền biển, đảo. 

Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ hoạt động truyền thông đối ngoại, nhằm tuyên truyền chính sách, pháp luật về biển, đảo của Việt Nam, thông lệ và luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Luật Biển Việt Nam; Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các văn bản quy phạm pháp luật,… góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định phát triển đất nước.

Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đây là giải pháp quan trọng nhằm tạo sự thống nhất nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị và nhân dân; đề cao trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Trên cơ sở thống nhất tư tưởng, nhận thức đúng, tạo sự đồng thuận, phát huy ý thức trách nhiệm của các chủ thể, khơi dậy tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của người Việt Namtrong và ngoài nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tư tưởng đúng thì hành động mới khỏi sai lạc và mới làm tròn nhiệm vụ cách mạng được”(4). Quán triệt quan điểm đó, Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các cấp, các ngành, của mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đối với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc”(5). Mục đích nhằm củng cố niềm tin và tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong hệ thống chính trị và nhân dân, tham gia các hoạt động truyền thông về biển, đảo, gắn với các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong tình hình mới.

Giáo dục bản lĩnh chính trị, nâng cao ý thức, trách nhiệm, bồi dưỡng năng lực truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo cho các chủ thể và toàn xã hội. Giáo dục về vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo, truyền thống đấu tranh bất khuất trong dựng nước và giữ nước, lòng yêu nước, yêu biển, đảo của nhân dân Việt Nam; chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm, tạo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan liên quan; sự tham gia chủ động, tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân nhân, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với hoạt động truyền thông về biển, đảo.

Trong tuyên truyền, giáo dục, phải bám sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, trong nước, theo đúng tinh thần Đại hội XIII: “Đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh cho cán bộ, công chức, viên chức và cho toàn dân, bảo đảm phù hợp với từng đối tượng”(6).

Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đây là giải pháp bảo đảm cho hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đạt chất lượng, hiệu quả. Nội dung, hình thức, phương pháp phải liên hệ chặt chẽ với nhau mới. Theo đó, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo đúng phương châm: chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp từng đối tượng.

Nội dung “Truyền thông chủ trương, chính sách, pháp luật về biển, hải đảo (ngay từ khi soạn thảo các dự án, dự thảo văn bản pháp luật về biển và đại dương); vị trí, vai trò của biển và đại dương đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành và địa phương; tiềm năng, lợi thế, tình hình phát triển kinh tế biển Việt Nam gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển; truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển của người Việt qua các thời kỳ lịch sử”(7); Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chủ trương, đường lối của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước; giải quyết các vấn đề biển, đảo là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển.

Cần lồng ghép nội dung truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo vào các lĩnh vực hoạt động như: phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đất nước; nghiên cứu khoa học, công nghệ biển và đại dương; kiến thức khoa học; hệ sinh thái biển; điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; quan điểm đối ngoại quốc phòng của Đảng…

Tuyên truyền làm rõ những vấn đề về lịch sử, tính pháp lý, khẳng định chủ quyền các vùng biển, đảo của nước ta, đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa theo Công ước quốc tế về Luật biển năm 1982, các văn bản pháp luật của Việt Nam; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị lợi dụng vấn đề biển, đảo hòng xuyên tạc đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chia rẽ mối quan hệ, tình hữu nghị các nước trong khu vực…

Đổi mới nội dung gắn với đổi mới hình thức, phương pháp truyền thông đối ngoại theo đúng tinh thần: Đa dạng hóa hình thức truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; truyền thông cá nhân; hệ thống thông tin cơ sở (giới thiệu sách, tranh cổ động, ảnh, khẩu hiệu…; truyền thông trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; truyền thông kết hợp quảng bá du lịch và các hoạt động kinh tế biển khác; truyền thông qua các xuất bản phẩm, phim tài liệu, tư liệu, hội thảo chuyên đề, hội nghị phổ biến, tập huấn, sự kiện, triển lãm về biển và đại dương, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới... Sưu tầm, thu thập, số hóa để xây dựng cơ sở dữ liệu về biển và đại dương, phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và truyền thông; tổ chức, khuyến khích phong trào, tìm hiểu về biển và đại dương, kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp truyền thông đối ngoại quốc phòng của lực lượng chuyên trách với các hoạt động thăm viếng, giao lưu quốc phòng; hợp tác đào tạo cán bộ; diễn tập và triển lãm quân sự; tổ chức tuần tra chung giữa Quân đội, Hải quân nhân dân Việt Nam với quân đội và hải quân các nước trên thế giới và khu vực...

Tận dụng tối đa thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vai trò của các phương tiện nghe nhìn, truyền thông đại chúng, hệ thống báo chí; các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, gắn với sử dụng hiệu quả mạng xã hội, internet, các phương tiện kỹ thuật hiện đại với sử dụng tổng hợp các loại ngôn ngữ để tuyên truyền. Đổi mới, đa dạng hóa hình thức, phương pháp truyền thông đối ngoại với công nghệ truyền thông hiện đại, đa phương tiện, đa loại hình, đa ngôn ngữ (với các cơ quan báo chí đối ngoại), tạo sự tương tác hiệu quả giữa chủ thể, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong nước, quốc tế và đối tượng được truyền thông để kịp thời thông tin, tuyên truyền đến công chúng, để công chúng hiểu đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Bốn là, đẩy mạnh hoạt động truyền thông đối ngoại và hợp tác quốc tế, đấu tranh ngoại giao, pháp lý để bảo vệ chủ quyền biển, đảo

Đây là giải pháp nhằm phát huy sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Theo đó, cần thực hiện những hoạt động sau:

Tăng cường truyền thông đối ngoại lĩnh vực quốc phòng, tham gia có hiệu quả các cơ chế hợp tác trong khuôn khổ diễn đàn ARF, ADMM, ADMM +, đối thoại cấp cao Đông Á (EAS), chú trọng hợp tác quốc phòng song phương, đa phương với các đối tác, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước bạn bè truyền thống, cộng đồng ASEAN, các nước lớn, các nước có tiềm lực kinh tế, có nền khoa học công nghiệp quốc phòng mạnh, trên tinh thần giữ vững quan điểm, đường lối, nguyên tắc chiến lược; linh hoạt, sáng tạo, mềm dẻo về sách lược, nhằm tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Tranh thủ sự ủng hộ của các nhà khoa học và các nước trong khu vực, cộng đồng ASEAN, cộng đồng quốc tế để ủng hộ Việt Nam về tính pháp lý, lịch sử của chủ quyền biển, đảo, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chống sự áp đặt của nước lớn; tích cực, chủ động trong tìm kiếm, sưu tầm tài liệu, chứng cứ pháp lý, lịch sử, hệ thống luật pháp về biển, đảo; tổ chức và tham gia các hội thảo khoa học, diễn đàn, điều tra, khảo sát khoa học chung về biển, đảo với các nước trong khu vực và quốc tế...

Tăng cường củng cố khối đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước; đẩy mạnh hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và các hoạt động từ thiện, bảo trợ, du lịch… phát huy các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: tham tán, tùy viên quân sự, quốc phòng, thương mại… và các cơ quan, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, văn hóa, khoa học - kỹ thuật nước ngoài tại Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo; tiếp tục tổ chức cho các nhà báo, lực lượng chính trị của các nước, tổ chức quốc tế đến tham quan tại Hoàng Sa, Trường Sa, giúp họ hiểu thực trạng tình hình và thiện chí hòa bình của Việt Nam, làm cơ sở đưa tin chính xác, khách quan trên diễn đàn quốc tế.

Chủ động đàm phán, ký kết hiệp định với các nước có liên quan nhằm giải quyết những vấn đề mâu thuẫn đối với vùng biển chồng lấn, tranh chấp chủ quyền, tạo cơ sở pháp lý đấu tranh, không để phát sinh các điểm nóng. Đàm phán với các nước trên tinh thần: Những vấn đề còn bất đồng, tranh chấp song phương thì đàm phán theo hướng song phương; vấn đề tranh chấp liên quan đến nhiều bên thì giải quyết đa phương (công khai, minh bạch giữa các bên liên quan), bằng cơ chế, phương thức thích hợp (trung gian, hòa giải), cơ chế tài phán quốc tế (Tòa án Công lý quốc tế, Tòa án quốc tế về Luật Biển và các tòa trọng tài).

Hoạt động truyền thông đối ngoại về bảo vệ chủ quyền biển, đảo có vai trò rất quan trọng, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị; cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực đẩy mạnh theo hướng đồng bộ, toàn diện, hiện đại, đa phương tiện, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp từng nhóm đối tượng. Từ đó, nâng cao nhận thức của toàn dân, sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế, huy động tối đa các nguồn lực để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.

_________________

Ngày nhận bài: 22-11-2022; Ngày bình duyệt: 30-11-2022; Ngày duyệt đăng: 3-4-2023.

 

(1) Ban Tuyên giáo Trung ương: Kết luận tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác thông tin đối ngoại; tuyên truyền biển, đảo; phân giới cắm mốc và quản lý biên giới năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, ngày 23-12-2021.

(2), (5) (6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.107, 161, 159.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.57.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.360.

(7) Thủ tướng Chính phủ: Quyết định Số 729/QĐ-TTg, ngày 16-6-2022 “về việc phê duyệt Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030”, tr.4.

ThS ĐÀO VĂN ĐỆ

Học viện Chính trị khu vực I

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền