Trang chủ    Diễn đàn    Nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục và đào tạo
Thứ năm, 06 Tháng 4 2023 15:47
13416 Lượt xem

Nâng cao hiệu quả học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong ngành giáo dục và đào tạo

(LLCT) - Đảng ta xác định, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Trong công cuộc đổi mới, tư tưởng Hồ Chí Minh đã được Đảng ta vận dụng và phát triển sáng tạo, trở thành nguồn sức mạnh to lớn để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy nội lực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày 15-5-2016, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. Ngành giáo dục và đào tạo đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để việc học tập và làm theo Bác lan tỏa sâu rộng trong toàn ngành.

Bác Hồ thăm lớp học vỡ lòng ở Hàng Than, Hà Nội  - Ảnh tư liệu TTXVN

Chủ trương học tập và làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được triển khai từ rất sớm ở nước ta, đã góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Tại Đại hội II (năm 1951), Đảng ta đã khẳng định: “Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh, và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn"(1). Thực hiện Nghị quyết Đại hội II, toàn Đảng, toàn dân ta ra sức học tập tư tưởng, đạo đức của Người, xây dựng khối đoàn kết dân tộc, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.

Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời để lại niềm tiếc thương vô hạn cho toàn Đảng, toàn dân. Trong Chỉ thị số 173-CT/TW ngày 29-9-1969, Bộ Chính trị khẳng định: “HỒ CHỦ TỊCH qua đời, nhưng Người đã để lại cho chúng ta một di sản quý báu. Đó là sự nghiệp vĩ đại, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Người”(2). Theo đó, Đảng ta đã mở đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo Di chúc của Hồ Chủ tịch” để thấy rõ hơn công lao to lớn của Người với dân tộc, là động lực cho nhân dân ta tiếp tục sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước hiện nay, Đảng ta tiếp tục triển khai chủ trương học tập và làm theo Bác và đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà đầu tiên là trong Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 7-11-2006 của Bộ Chính trị khóa X, sau đó là Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị khóa XI.

Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” sau 5 năm thực hiện đã đạt được kết quả quan trọng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy những kết quả đã được, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW với mục đích làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong Đảng, hệ thống chính trị và nhân dân. “Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền(3). Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tiếp tục “Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”(4).

Bộ Chính trị yêu cầu, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức sinh động, phong phú các nội dung chủ yếu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để cán bộ, đảng viên, nhân dân học tập và làm theo. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, tổ chức chính trị - xã hội, các cấp, các ngành cần lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo phương châm “trên trước, dưới sau”, “trong trước, ngoài sau”, “học đi đôi với làm theo”. Người đứng đầu phải gương mẫu xây dựng kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Về nội dung, Chỉ thị phân tích cụ thể các nội dung cần học tập đó là: hệ thống quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng, an ninh nhân dân… Chỉ thị cũng nêu rõ các phẩm chất đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh cần được học tập và làm theo bao gồm: tuyệt đối trung thành, kiên định lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết;   Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trở thành một nội dung quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tiếp tục “Làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống xã hội, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

hết lòng phục sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tận trung với nước, tận hiếu với dân; hết lòng yêu thương đồng bào, đồng chí, yêu thương con người; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư…

Phong cách Hồ Chí Minh là nội dung mới được đề cập trong Chỉ thị 05-CT/TW. Trước đó, ở Chỉ thị 06-CT/TW và Chỉ thị 03-CT/TW mới chỉ đề cập tới “tư tưởng”, “đạo đức” Hồ Chí Minh. Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người và được thể hiện sinh động, tự nhiên trong hoạt động, ứng xử hàng ngày: đó là phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, đầy tính nhân văn; phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, gắn chặt lý luận với thực tiễn; phong cách nói đi đôi với làm; phong cách sống thanh tao, giản dị, gần gũi…

Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần nhận thức rõ sự thống nhất của ba bộ phận này trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh. Bởi vậy, khi triển khai học tập theo Bác, cần có nội dung toàn diện, đồng bộ cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, không phải một lần mà phải thường xuyên, liên tục, lâu dài.

Ngành giáo dục và đào tạo đã tích cực triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của ngành giáo dục và công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, sinh viên.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh” bắt đầu từ năm học 2013-2014 đến nay, mỗi năm thu hút hàng triệu học sinh, sinh viên tham gia.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tổ chức cuộc thi Olympic các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mang tên “Ánh sáng soi đường” ở các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thu hút đông đảo sinh viên tham gia. Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp, chỉ đạo, xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình các môn lý luận chính trị dùng chung cho sinh viên hệ đào tạo trình độ đại học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các nhà trường và cơ sở giáo dục từ bậc mầm non đến trung học phổ thông thực hiện tích hợp giảng dạy học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong các môn khoa học xã hội; hoàn thành và đưa vào giảng dạy bộ sách “Bác Hồ và những bài học về đạo đức, lối sống” dành cho học sinh từ lớp 2 đến lớp 12, sử dụng từ năm học 2016-2017, qua đó học sinh không chỉ học được những bài học về đạo đức, lối sống của Bác mà còn biết vận dụng, thực hành bài học đó vào cuộc sống. Từ đó, các cơ sở giáo dục đã triển khai sâu rộng các chuyên đề dạy học, các buổi thảo luận, tọa đàm phù hợp với tâm lý lứa tuổi về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho nội dung dạy học về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không giáo điều, xa rời thực tế, lý thuyết suông.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai hệ thống văn bản chỉ đạo tới các cơ sở giáo dục về công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh, sinh viên. Đến nay, hầu hết các cơ sở giáo dục đã cụ thể hóa các quy định, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho học sinh, sinh viên theo từng năm học. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện nhà trường và địa phương. Việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên được đẩy mạnh, có sự phối hợp hiệu quả với các bộ, ban ngành Trung ương và địa phương.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định thống nhất việc treo khẩu hiệu trong nhà trường như Năm điều Bác Hồ dạy, khẩu hiệu “Tôn sư trọng đạo”, “Học, học nữa, học mãi”, “Thi đua dạy tốt, học tốt”… Thực hiện việc treo khẩu hiệu trong các nhà trường đã góp phần thúc đẩy tinh thần, ý thức học tập, đồng thời định hướng các giá trị đạo đức cho học sinh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã triển khai Đề án tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên “nhằm tạo chuyển biến căn bản về đạo đức, lối sống phát triển toàn diện; yêu gia đình, có đạo đức trong sáng, lối sống văn hóa; yêu nước, tự hào dân tộc, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội…”(5) đạt nhiều kết quả.

Tuy vậy, trong ngành giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn còn tồn tại những bất cập, hạn chế trong việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.

Một số cán bộ ngành giáo dục vi phạm pháp luật, đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về giáo dục và đào tạo; nguy cơ gây thất thoát, lãng phí lớn tiền, tài sản của Nhà nước, nguồn lực của xã hội; gây bức xúc trong nhân dân; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, ngành giáo dục.

Ở một số địa phương và cơ sở giáo dục, tình trạng vi phạm đạo đức, pháp luật, bạo lực học đường vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục và gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội.

Công tác nắm bắt thông tin, định hướng tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn cho học sinh, sinh viên qua môi trường mạng gặp nhiều khó khăn, chưa sâu sát, chưa phát hiện kịp thời và ngăn chặn các âm mưu kích động, lôi kéo học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật. Sự phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho học sinh, sinh viên còn hạn chế.

Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên nhận thức về chuẩn nghề nghiệp còn hạn chế “chưa thực sự có ý thức giữ gìn đạo đức nhà giáo, thiếu phương pháp sư phạm, thiếu kinh nghiệm ứng xử trong khi áp lực công việc ngày càng lớn đã dẫn tới có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo”(6). Để khắc phục những hạn chế đó, ngành giáo dục và đào tạo cần nhận sức sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để xây dựng toàn ngành trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để nâng cao hiệu quả việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị trong ngành giáo dục và đào tạo, cần tập trung thực hiện các giải pháp:

Một là, đề cao việc phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu mà trước hết là Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí lãnh đạo bộ, các vụ, viện, trung tâm trực thuộc bộ; lãnh đạo thuộc sở giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các cơ sở giáo dục. Việc tự giác nêu gương khẳng định vai trò lãnh đạo, tính tiên phong, gương mẫu của lãnh đạo. “Lãnh đạo chủ chốt các cấp phải thể hiện tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân”(7). Nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là giống nhau nhưng liên hệ và việc làm cụ thể phải gắn với nhiệm vụ của từng người.

Hai là, Ban Cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục biên soạn chương trình, giáo trình về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, giảng dạy ở các học viện, trường chính trị, trường đào tạo - bồi dưỡng cán bộ các cấp trong hệ thống chính trị.

Ba là, tiếp tục kết hợp chặt chẽ giữa học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, gắn với các cuộc vận động lớn như “Phong trào thi đua Hai tốt”, “Mỗi thầy cô là một tấm gương đạo đức tự học, tự sáng tạo”, “Đổi mới sáng tạo trong dạy học”… Các cấp ủy đảng trong các cơ sở giáo dục cần đưa việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thành một nội dung quan trọng trong chương trình, kế hoạch hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức ngành giáo dục cần xây dựng kế hoạch của cá nhân trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, có báo cáo kết quả với cấp ủy hoặc chi bộ, cơ quan nơi đang công tác.

Bốn là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng, đạo đức phong cách của Người thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của đời sống chính trị, xã hội nói chung và toàn ngành giáo dục nói riêng. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, giảng viên, giáo viên người lao động và học sinh, sinh viên, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao tính hiệu quả của công tác tuyên truyền.

Lồng ghép các nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào các môn học đạo đức, giáo dục công dân, giáo dục lý luận chính trị theo hướng phát triển năng lực người học; tăng cường các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục đạo đức, lối sống cho phù hợp với từng cấp học, bậc học và trình độ đào tạo. Tạo môi trường, điều kiện để phát huy sự sáng tạo của cán bộ, giáo viên, giảng viên, học sinh, sinh viên trong hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Năm là, tổ chức các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, tiến hành tổng kết và nhân rộng những điển hình tiên tiến trong các cơ quan, đơn vị của ngành giáo dục về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kết hợp chặt chẽ giữa “xây” đi đôi với “chống”. Tổ chức nhiều hình thức để tuyên truyền, tôn vinh, nêu gương “người tốt, việc tốt”, các tập thể, cá nhân điển hình để lan tỏa những giá trị cao đẹp của học tập và làm theo Bác. Kịp thời nhắc nhở, phê bình, uốn nắn những nhận thức lệch lạc, thiếu chuẩn mực, nói không đi đôi với làm, bệnh hình thức; đấu tranh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, phản bác các thông tin độc hại, những quan điểm sai trái, xuyên tạc về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáu là, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ ở từng cơ quan, đơn vị với phương châm sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Xây dựng hình ảnh đẹp về “người giáo viên nhân dân” với những phẩm chất: yêu trường, yêu nghề, hết lòng yêu thương, chăm sóc, quan tâm đến học sinh, không ngừng bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Thực hiện đúng trọng trách vai trò của nhà giáo như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Trách nhiệm nặng nề và vẻ vang của người thầy dạy là: chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người lao động tốt, người chiến sĩ tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”(8).

_________________

Ngày nhận bài: 27-3-2023; Ngày bình duyệt: 2-4-2023; Ngày duyệt đăng: 5-4-2023.

 

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr 9.

(2) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.30, Sđd, tr. 283-284.

(3) (4) Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

(5), (6) Ban Tuyên giáo Trung ương: Công tác tuyên giáo trong thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2020, tr.89, 231.

(7) Ban Chấp hành Trung ương: Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Hà Nội, 2021.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 448.

HỨA THANH MAI

NCS Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền