Trang chủ    Diễn đàn    Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong trường phổ thông hiện nay
Thứ sáu, 27 Tháng 12 2013 09:28
6734 Lượt xem

Nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức trong trường phổ thông hiện nay

(LLCT) - Đạo đức là gốc, là nền tảng của sự phát triển nhân cách con người. Ở mọi thời đại, mọi quốc gia, vấn đề đạo đức và giáo dục đạo đức là công việc quan trọng luôn được quan tâm và tạo mọi điều kiện. Trên thực tế, cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường đã có nhận thức khá cao về vai trò và tầm quan trọng của công tác giáo dục đạo đức, tích cực thực hiện các biện pháp nhằm giáo dục học sinh phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Đại đa số học sinh nhà trường có nhận thức tốt về vai trò và tầm quan trọng của của rèn luyện đạo đức. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh còn thờ ơ, xem thường kỷ cương nề nếp nhà trường. Công tác quản lý hoạt động giáo dục đạo đức cho học sinh còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, công tác giáo dục đạo đức là một bộ phận quan trọng có tính chất nền tảng của giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, “Dạy cũng như học phải biết chú trọng cả đức lẫn tài. Đức là đạo đức cách mạng. Đó là cái gốc, rất quan trọng”(1). Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn, một trong những tư tưởng đổi mới giáo dục và đào tạo được thể hiện trong nghị quyết của Đảng, Luật Giáo dục là tăng cường giáo dục đạo đức, phát triển nguồn lực con người toàn diện cả đức và tài. Luật Giáo dục khẳng định: “Mục tiêu của giáo dục phổ thông là giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân;...”.       

1. Thực trạng đạo đức học sinh phổ thông

Qua hơn 25 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn về mọi mặt, bên cạnh đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc: một bộ phận thanh thiếu niên sa sút nghiêm trọng về đạo đức, nhu cầu cá nhân lệch lạc, có lối sống thực dụng, thiếu ý thức cộng đồng, thiếu niềm tin, ước mơ và hoài bão, dễ bị kích động, lôi cuốn vào những hành động xấu. Số học sinh vi phạm đạo đức có chiều hướng gia tăng, tình trạng học sinh kết thành băng nhóm bạo hành trong trường học đáng báo động.            

Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là một số cán bộ quản lý, giáo viên chưa thật sự là tấm gương sáng cho học sinh; tập trung vào việc dạy tri thức khoa học, nặng về dạy chữ hơn là dạy người, xem nhẹ giáo dục nhân cách, lối sống, tình cảm, đạo đức. Mặt khác, chương trình và sách giáo khoa còn nhiều bất cập; nhiều nhà trường còn chưa chú trọng môn giáo dục công dân, mỹ thuật, âm nhạc; những tiêu cực trong dạy thêm, học thêm làm cho tình cảm thầy - trò bị tổn thương, truyền thống tôn sư trọng đạo dần mai một.      

Bên cạnh đó, cơ chế thị trường, sự du nhập văn hoá phẩm đồi truỵ, phim ảnh, thông tin không lành mạnh trên internet... ảnh hưởng đến những quan niệm về tình bạn, tình yêu, tình dục trong lứa tuổi thanh thiếu niên học sinh, trong khi các em chưa được trang bị và thiếu kiến thức về những vấn đề này nên thiếu sức đề kháng, nên những tệ nạn xã hội thâm nhập vào các nhà. Những điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác giáo dục đạo đức của nhà trường.           

Thanh niên học sinh là độ tuổi có sự thay đổi về sinh lý, tâm lý, đặc biệt sự phát triển về “con người sinh lý” lại nhanh hơn “con người xã hội”, nên nếu không được giáo dục đúng cách sẽ dẫn đến có những hành vi tự phát thiếu văn hoá, đạo đức, do ý thức không kiềm chế được bản năng.       

 Gia đình, nhà trường và xã hội luôn được coi là “tam giác” giáo dục đối với mỗi học sinh. Tầm quan trọng của mỗi lực lượng cũng như mối quan hệ giữa chúng ai cũng biết nhưng trên thực tế, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường trong việc giáo dục học sinh không còn chặt chẽ như trước. Sự lỏng lẻo này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, do cả phía giáo viên và phụ huynh.       

Về phía nhà trường, một số cán bộ quản lý, giáo viên thường sử dụng các biện pháp hành chính thái quá, không tôn trọng nhu cầu, nguyện vọng và các yêu cầu chính đáng của học sinh; thiếu gương mẫu trong mô phạm giáo dục; thiếu hiểu biết, thiếu tình thương, thờ ơ và thiếu sự cảm thông đối với học sinh khó bảo. Trong đánh giá kết quả, khen thưởng, kỷ luật học sinh còn có tiêu cực, thiếu khách quan và không công bằng, không tôn trọng sự cố gắng của học sinh... Các nguyên nhân trên đan xen, chồng chéo lẫn nhau.       

2. Một số giải pháp          

Một là, tăng cường quản lý hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường.       

Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường là tổng hợp các cách thức tác động đến giáo viên, nhằm thực hiện nhiệm vụ giáo dục nhân cách cho học sinh. Những tác động của chủ thể quản lý nhà trường đến tập thể giáo viên, nhân viên, các tổ chức chính trị, xã hội, đặc biệt là học sinh để đạt được mục tiêu của hoạt động giáo dục đạo đức. Quản lý hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường bao gồm toàn bộ việc xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo và kiểm tra.      

Trong xây dựng kế hoạch cần tìm hiểu thực trạng đạo đức học sinh, so sánh với chuẩn mực đạo đức, đánh giá các yếu tố môi trường bên trong và bên ngoài tác động đến đạo đức học sinh, chỉ ra mục tiêu, dự kiến nguồn lực và đề xuất các biện pháp thực hiện mục tiêu.          

Tổ chức hoạt động giáo dục đạo đức: phân công trách nhiệm, phân bổ nguồn lực cho hoạt động giáo dục đạo đức, phối hợp với các đoàn thể trong nhà trường, đặc biệt là Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên. Chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát, động viên, khuyến khích và uốn nắn các sai lệch trong giáo dục đạo đức.       

Kiểm tra hoạt động giáo dục đạo đức, gồm thu thập thông tin, đánh giá và đưa ra các quyết định điều chỉnh hoạt động giáo dục đạo đức trong nhà trường       

Thực chất của các phương pháp quản lý giáo dục đạo đức cho học sinh là tổng hợp các tác động có ý thức, có kế hoạch đến nhận thức, tình cảm, hành vi của đối tượng, nhằm thúc đẩy, kích thích họ thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Nếu có những biện pháp quản lý hợp lý, có chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức thực hiện tốt, kiểm tra đánh giá chính xác thì sẽ khắc phục được các tồn tại và nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức cho học sinh.  

Nhìn chung, công tác quản lý giáo dục đạo đức của các trường còn những tồn tại như: Việc  xây dựng kế hoạch giáo dục đạo đức chưa cụ thể, phù hợp  với đặc điểm tình hình mà thường xây dựng chung với kế hoạch chuyên môn; nội dung các hoạt động giáo dục đạo đức thực hiện còn mức độ; các phương pháp giáo dục đạo đức chưa hiệu quả, chưa tác động có hiệu quả tới việc rèn luyện của học sinh; vai trò các lực lượng giáo dục chưa có sự phối hợp nhịp nhàng, thống nhất và đồng bộ; việc kiểm tra đánh giá nhiều lúc còn chiếu lệ, qua loa, chưa mang tính động viên, khuyến khích, răn đe kịp thời; giáo viên chủ nhiệm ít quan tâm và đầu tư công sức vào công  tác chủ nhiệm. Như vậy, cần phải tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh.         

Hiệu quả của công tác quản lý giáo dục đạo đức học sinh được xét trên quy chế đánh giá, xếp loại học sinh và các chuẩn mực đạo đức của xã hội. Thước đo của hiệu quả chính là những học sinh tốt nghiệp có đầy đủ các phẩm chất, năng lực theo mục tiêu giáo dục Luật giáo dục đã quy định.    

Hai là, tổ chức tốt việc phối hợp giữa nhà trường, gia đình và các lực lượng xã hội trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh.Cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội và các tổ chức đoàn thể trong việc giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống cho học sinh. Sự phối hợp này phải thể hiện bằng những việc làm cụ thể và thiết thực; nhà trường phải đóng vai trò chủ động trong sự phối hợp này, thống nhất với các lực lượng giáo dục về mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục. Nhà trường - gia đình và xã hội phải thấy rõ trách nhiệm xây dựng môi trường giáo dục tốt, rộng lớn là xã hội và nhà trường; nhỏ là gia đình và lớp học. Ngăn chặn kịp thời các hành vi, thói quen vi phạm, ảnh hưởng xấu từ bên ngoài vào nhà trường.  

Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên trong tuyên truyền, giáo dục học sinh về tư tưởng chính trị, hành vi, lối sống. Tổ chức các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu, hiến máu nhân đạo, từ thiện...; các hội thi cắm trại, thanh lịch, cắm hoa, làm đồ dùng học tập,... Giúp học sinh duy trì tốt nề nếp và thực hiện các nội quy, quy định của nhà trường.      

Tham mưu với địa phương đưa kết quả xếp loại đạo đức học sinh làm một tiêu chuẩn để xét chọn gia đình văn hóa. Thông báo về địa phương những học sinh cá biệt vi phạm đạo đức, phối hợp với địa phương, gia đình cùng giáo dục. Phối hợp với công an ngăn chặn những hành vi vi phạm đạo đức và pháp luật của học sinh. Bàn giao học sinh về sinh hoạt hè, sinh hoạt tối thứ bảy tại các địa bàn dân cư do Đoàn Thanh niên địa phương phụ trách, nhà trường cử giáo viên phối hợp thực hiện. Mời đại diện hội cha mẹ học sinh tham gia hội đồng khen thưởng, kỷ luật của nhà trường. Phát huy vai trò tự quản của tập thể và tự rèn luyện của học sinh. Biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục để các em tự thể hiện, tự đánh giá và điều chỉnh trong rèn luyện đạo đức.      

Ba là, về mối quan hệ giáo dục đạo đức với các hoạt động giáo dục khác.        

Đức dục luôn khó hơn trí dục vì đức dục không có giáo án sẵn; không độc lập mà được lồng ghép vào từng bài giảng, giáo dục hằng ngày. Trách nhiệm giáo dục đạo đức học
sinh trong nhà trường thuộc về tất cả cán bộ, giáo viên.

Cần tiến hành sâu rộng Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” gắn với Cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Qua đó, xây dựng môi trường sư phạm mẫu mực trong nhà trường. Xây dựng môi trường “tự nhiên” và  môi trường “xã  hội” tốt trong trường học để giáo dục đạo đức, hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh. Lập kế hoạch tuyên truyền cho cán bộ, giáo viên, học sinh xây dựng và giữ gìn cảnh quan sư phạm, môi trường giáo dục xanh - sạch - đẹp, thân thiện. Xây dựng và củng cố tập thể sư phạm, bồi dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức, lòng nhân ái, tình thương yêu con người, thương yêu học sinh, tinh thần trách nhiệm, tôn trọng, sẵn sàng giúp đỡ học sinh.  

Cần tăng cường giáo dục công dân, giáo dục tư tưởng đạo đức, lòng yêu nước, tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá, thể thao phù hợp với lứa tuổi và với yêu cầu giáo dục toàn diện.   

Bốn là, đa dạng hoá các hình thức hoạt động giáo dục đạo đức, xác định rõ tiêu chí đánh giá đạo đức học sinh.Giáo dục thông qua giờ chào cờ, trong các giờ học, qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, nhằm giáo dục cho học sinh truyền thống yêu nước, tôn sư trọng đạo, có phẩm chất, năng lực, tư duy sáng tạo; biết vận dụng kiến thức đã học vào thực tế cuộc sống, điều chỉnh các hành vi đạo đức, lối sống.     

Xác định các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xếp loại đạo đức để học sinh thực hiện. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt rõ mục tiêu đánh giá xếp loại giáo dục đạo đức cho các thành viên của nhà trường. Xây dựng các tiêu chí đánh giá cụ thể rõ ràng làm cơ sở cho học sinh phấn đấu rèn luyện. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời tuyên dương, khen thưởng, phê bình, nhắc nhở những tập thể, cá nhân thực hiện tốt và chưa tốt. Tìm ra các nguyên nhân, kinh nghiệm     

__________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2013

(1)   Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.329.   

Phạm Nguyên Nhung

Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Thanh Trì

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền