Trang chủ    Diễn đàn    Tầm quan trọng, cơ hội và thách thức đối với đổi mới sáng tạo trong khu vực công
Thứ hai, 29 Tháng 5 2023 14:41
3331 Lượt xem

Tầm quan trọng, cơ hội và thách thức đối với đổi mới sáng tạo trong khu vực công

(LLCT) - Đổi mới khu vực công là tìm kiếm các phương tiện mới và tốt hơn để đạt được các mục đích công. Đổi mới sáng tạo trong khu vực công không chỉ tạo ra sự đổi mới bên trong mà còn góp phần, tạo điều kiện để đổi mới bên ngoài khu vực công hay toàn xã hội. Bài viết khái quát một số vấn đề lý luận về đổi mới sáng tạo trong khu vực công, đồng thời chỉ ra các cơ hội và thách thức đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam.

Trưng bày, giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý các cơ quan công vụ tại thành phố Hồ Chí Minh - Ảnh: nhandan.vn

Trong nhiều thập kỷ, đổi mới sáng tạo (ĐMST) thường được gắn với khu vực tư, khu vực doanh nghiệp hơn là khu vực công. Tuy nhiên, trước thách thức xã hội ngày càng tăng, từ yêu cầu của người dân đối với chất lượng dịch vụ công ngày càng cao hơn, trong khi ngân sách hạn hẹp, buộc các chính phủ phải tìm đến những phương án và cách làm mang tính đổi mới sáng tạo, hiệu quả cao hơn với chi phí thấp. Bên cạnh đó, khu vực công cũng đóng vai trò kinh tế chủ chốt với tư cách là cơ quan quản lý, cung cấp dịch vụ và sử dụng lao động. Vì vậy, thúc đẩy ĐMST trong khu vực công vừa góp phần cung cấp dịch vụ thỏa mãn nhu cầu của người dân, vừa hỗ trợ tốt hơn cho khu vực tư nhân, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế.

1. Khái niệm đổi mới sáng tạo trong khu vực công

- Đổi mới sáng tạo

Thuật ngữ Innovation (đổi mới sáng tạo) trong tiếng Anh bắt nguồn từ danh từ innovatus trong tiếng Latinh và xuất hiện trên báo in từ thế kỷ XV, được phát triển bởi nhà kinh tế học nổi tiếng Joseph Schumpeter và các bài viết của ông vào những năm 1930(1). Năm 1934, Schumpeter bổ sung định nghĩa “đổi mới” hay “phát triển” là “sự kết hợp mới” của kiến thức, nguồn lực, thiết bị mới hoặc hiện có và các yếu tố khác. Ông chỉ ra rằng đổi mới cần được phân biệt với phát minh (innvention). Lý do Schumpeter nhấn mạnh sự khác biệt này là vì ông coi đổi mới là một hoạt động xã hội cụ thể, được thực hiện trong lĩnh vực kinh tế và với mục đích thương mại, trong khi các phát minh, về nguyên tắc, có thể được thực hiện ở mọi nơi và không có bất kỳ ý định thương mại hóa nào. Do đó, đối với Schumpeter, đổi mới là sự kết hợp mới lạ giữa kiến thức, tài nguyên... Về cơ bản, đó là quá trình qua đó các ý tưởng mới được tạo ra và đưa vào thực tiễn thương mại. Theo Schumpeter, đây là chìa khóa cho sự đổi mới và thay đổi kinh tế dài hạn.

Khái niệm đổi mới sáng tạo sau này được mở rộng bởi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế OECD(2): “Đổi mới sáng tạo là việc thực hiện một sản phẩm cải tiến tốt hoặc dịch vụ hoặc quy trình, một phương pháp tiếp thị mới hoặc một tổ chức mới phương pháp trong thực tiễn kinh doanh, tổ chức công việc, hoặc trong quan hệ với bên ngoài”. Năm 2005, OECD phân chia ĐMST thành 4 loại dựa theo 4 yếu tố cấu thành với mục đích cụ thể hóa hoạt động ĐMST, bao gồm: ĐMST sản phẩm, ĐMST quy trình, ĐMST maketing và ĐMST về mặt tổ chức. Từ năm 2018, đã sắp xếp lại chỉ còn ĐMST sản phẩm và quy trình.

Tại Việt Nam, Luật Khoa học và công nghệ năm 2018 định nghĩa: “Đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng các thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”(3).

Về cơ bản, có thể hiểu “Đổi mới sáng tạo là việc/quá trình chuyển ý tưởng, tri thức thành một kết quả cụ thể như sản phẩm, dịch vụ, quy trình... mang lại lợi ích gia tăng cho kinh tế - xã hội”(4). Như vậy, một ý tưởng hay tri thức, dù có hấp dẫn và tiềm năng đến đâu, nếu chưa được chuyển thành các kết quả cụ thể để mang lại giá trị thì chưa được coi là ĐMST. Chức năng của ĐMST chính là đưa sự sáng tạo và tính mới thâm nhập vào hệ thống kinh tế - xã hội nhằm tạo ra các giá trị mới. Nếu không có ĐMST, nền kinh tế sẽ rơi vào trạng thái “tĩnh” và không tạo ra được giá trị mới cho phát triển. Do đó, ĐMST đóng vai trò thiết yếu đối với tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển xã hội.

- Đổi mới sáng tạo trong khu vực công

OECD quan niệm đổi mới sáng tạo trong khu vực công là “Đổi mới là một sản phẩm hoặc quy trình mới hoặc cải tiến (hoặc sự kết hợp của chúng) khác biệt đáng kể với các sản phẩm hoặc quy trình trước đây của đơn vị và đã được cung cấp cho người dùng tiềm năng (sản phẩm) hoặc được đơn vị (quy trình) đưa vào sử dụng”(5). Thuật ngữ “đơn vị” dùng để chỉ tổ chức đổi mới, có thể là một cơ quan chính phủ, thành phố, một doanh nghiệp công v.v.. Theo OECD (năm 2016), đổi mới khu vực công liên quan đến việc “tìm kiếm các phương tiện mới và tốt hơn để đạt được mục đích công”(6).

Tuy nhiên, ĐMST trong khu vực công không phải đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong xử lý công việc (đây là cấp độ đầu tiên, động lực cho các đổi mới lớn hơn) mà ở việc phát triển các dịch vụ mới hoặc cách thiết kế, tổ chức lại các dịch vụ hiện có (thí dụ: các dịch vụ công trực tuyến, đào tạo từ xa, khám bệnh từ xa). Các tổ chức tạo ra hoặc áp dụng những đổi mới này có thể đạt được sự cải thiện rõ rệt về hiệu suất so với các tổ chức khác trong lĩnh vực của họ, có thể có các phương thức làm việc khác nhau đáng kể và có thể thay đổi kỳ vọng của khách hàng và người dùng. Các nhà nghiên cứu gọi đây là cấp độ 2 của đổi mới. Cấp độ cao hơn là đổi mới mang tính hệ thống được thúc đẩy bởi những thay đổi trong tư duy hoặc các chính sách mới. Đổi mới mang tính hệ thống đòi hỏi việc xây dựng các mối quan hệ khác nhau giữa người dùng và dịch vụ, các tổ chức mới và mối quan hệ giữa các tổ chức, cơ chế tài chính, những thay đổi lớn trong quản trị và trách nhiệm giải trình, sự phân bổ quyền và trách nhiệm giữa các bên(7).

OECD (năm 2022) cũng phát triển khung phân tích ĐMST trong khu vực công, xem xét các yếu tố có thể khuyến khích hay cản trở sự đổi mới. Đầu tiên, khung này xác định bốn cấp độ phải xem xét khi đề cập đến ĐMST trong khu vực công, bao gồm: (1) cá nhân đổi mới, (2) tổ chức mà cá nhân đó làm việc, (3) toàn bộ khu vực công và (4) xã hội. Ngoài ra, khung còn xem xét các nhóm yếu tố tác động đến các cấp độ này như (1) kiến thức và học tập, (2) văn hóa tổ chức, (3) quy tắc và quy trình, (4) bộ máy tổ chức(8).

- Phân biệt ĐMST trong khu vực công và tư nhân

Khu vực công hoạt động theo chức năng chính trị - xã hội và tiến hành các hoạt động dựa vào ngân sách (thuế) nhằm tạo ra hàng hóa công được xác định về mặt chính trị hoặc phục vụ nhu cầu của người dân. Các động lực chính của ĐMST trong khu vực công là sự lan tỏa phi lợi nhuận của đổi mới, cộng tác, ra quyết định chính trị, sáng kiến của nhân viên và nhu cầu của người dân... ĐMST trong khu vực công nhằm giải quyết một thách thức về chính sách công(9). Theo đó, ĐMST trong khu vực công liên quan đến những cải tiến trong các dịch vụ, sản phẩm mà chính phủ chịu trách nhiệm cung cấp cho người dân (bao gồm cả các dịch vụ do bên thứ ba cung cấp).

Trong khi đó, khu vực tư hoạt động theo cơ chế thị trường, vì vậy ĐMST trong khu vực tư nhằm cải tiến, tạo ra sản phẩm, dịch vụ khác biệt, nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh trên thị trường và đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.

2. Tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với khu vực công

Một là, bắt kịp với tốc độ thay đổi

Đổi mới ngày càng có tầm quan trọng đối với các chính phủ trên toàn cầu. Sự thay đổi của xã hội, chính trị, môi trường và công nghệ diễn ra từng ngày, khiến cho khu vực công không thể không thay đổi. Các vấn đề xã hội ngày càng trở nên phức tạp hơn, liên quan đến nhiều yếu tố, đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên, như vấn đề biến đổi khí hậu hay đại dịch toàn cầu. Xã hội cũng đang thay đổi theo những cách khác trước đây. Toàn cầu hóa đang thúc đẩy di cư trên toàn thế giới, dẫn đến dân số thế giới đang dịch chuyển và thay đổi. Ở Tây Âu hay Đông Á, dân số đang già đi, tác động đến các dịch vụ của chính phủ, chi phí chăm sóc sức khỏe tăng lên... Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dữ liệu và công nghệ theo cấp số nhân cũng đã thay đổi mọi khía cạnh trong cuộc sống.

Những yếu tố nêu trên tạo sức ép lớn đối với chính phủ trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ công. Nếu chính phủ không đổi mới để đón đầu những thay đổi này, thì chính phủ không chỉ bỏ lỡ cơ hội mà cuối cùng sẽ phải đối mặt với những rủi ro và thách thức lớn hơn. Những cách thức giải quyết các vấn đề hiện tại sẽ không đủ đáp ứng những thách thức mới trong tương lai. Trên thực tế, đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu toàn cầu đã chứng minh các chính phủ đã không thể tự mình hay theo cách truyền thống để giải quyết các vấn đề phức tạp. Nói một cách khác, sự đổi mới sáng tạo giúp cho khu vực công bắt kịp với tốc độ thay đổi và đặc biệt là dự đoán được sự thay đổi, phản ứng nhanh hơn với sự thay đổi và thậm chí là đi trước.

Hai là, đáp ứng kỳ vọng và xây dựng niềm tin

Niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị - xã hội có ý nghĩa sống còn, góp phần vào sự ổn định kinh tế, xã hội. Niềm tin của người dân vào chính quyền dựa trên cơ sở sự đáp ứng của chính quyền đối với các kỳ vọng của họ. Tuy nhiên, nhu cầu của người dân ngày càng cao và luôn mong đợi chính quyền cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tốt hơn, cá nhân hóa nhu cầu. Hơn thế nữa, người dân mong đợi chính phủ lắng nghe và cộng tác cùng người dân. Do đó, khu vực công phải đổi mới nếu họ muốn đáp ứng kỳ vọng và cuối cùng là để xây dựng lòng tin đối với những người mà họ đang phục vụ.

Ba là, giữ chân và thu hút nhân tài

Con người là trọng tâm của sự đổi mới và khu vực công buộc phải ĐMST khi muốn thu hút những nhân tài. Những người sáng tạo, đổi mới luôn muốn làm việc trong các tổ chức nơi họ có cơ hội để thể hiện, phát huy điều này. Nếu các tổ chức trong khu vực công không xây dựng môi trường làm việc khuyến khích những cái mới, họ sẽ không giữ chân được hay không thu hút được những người có năng lực phát triển sáng tạo. Chỉ có thể thông qua xây dựng môi trường khuyến khích, đầu tư cho ĐMST, khu vực công mới có thể giữ chân và thu hút những người tài giỏi.

Bốn là, tiết kiệm chi phí và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thúc đẩy ĐMST trong khu vực công sẽ giúp cho các tổ chức nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, cải tiến quy trình và cải thiện điều kiện làm việc. Từ đó tiết kiệm ngân sách, đồng thời vẫn đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, gia tăng niềm tin của công chúng đối với các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị cung cấp dịch vụ công.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra, ĐMST trong khu vực công đóng góp tỷ trọng lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Ủy ban châu Âu chứng minh, khu vực công đóng vai trò kinh tế chủ chốt với tư cách là cơ quan quản lý, cung cấp dịch vụ và sử dụng lao động. Khu vực này chiếm hơn 25% tổng số việc làm và một tỷ trọng đáng kể trong hoạt động kinh tế ở các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU)(10). K. Melissa Kennedy đã chỉ ra, ĐMST trong khu vực công đóng góp 95% đối với khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, 91% đối với kinh tế xanh, 87% đối với việc mang lại giá trị cho toàn xã hội, góp phần thay đổi cuộc sống người dân trong tương lai 10 năm, bao gồm các hoạt động liên lạc, chăm sóc sức khỏe, thị trường lao động, chất lượng môi trường...(11)

3. Cơ hội và thách thức đổi mới sáng tạo trong khu vực công tại Việt Nam

Cơ hội

Từ năm 1986, nội hàm của ĐMST đã được thể hiện trong Văn kiện Đại hội VI của Đảng: “đổi mới cơ chế quản lý kinh tế nhằm tạo ra động lực thúc đẩy các đơn vị kinh tế và quần chúng lao động hăng hái phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế”, “đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước, trước hết là tư duy kinh tế... đổi mới phong cách làm việc”.

Nhận thức của Đảng ta về ĐMST qua các kỳ Đại hội ngày càng hoàn thiện. Tại Đại hội XIII, lần đầu tiên thuật ngữ ĐMST đã được chính thức đưa vào văn kiện, được nhấn mạnh nhiều lần và được xác định là nội dung quan trọng trong ba đột phá chiến lược giai đoạn 2021-2025: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển... thúc đẩy đổi mới sáng tạo”, “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao... phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Đồng thời, nội hàm của ĐMST cũng thể hiện trong các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển đất nước trên các lĩnh vực.

Trước đó, ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52- NQ/TW, xác định rõ vai trò của ĐMST, cũng như khẳng định doanh nghiệp là trọng tâm trong hệ sinh thái ĐMST quốc gia. Xây dựng và phát triển các trung tâm ĐMST quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với Trung tâm ĐMST quốc gia(13). Ngày 22-9-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Kết luận 14 là căn cứ, cơ sở chính trị để cụ thể hóa cơ chế khuyến khích, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, đảng viên.

Từ chủ trương đó, khung luật pháp, chính sách thúc đẩy ĐMST trong khu vực công được xây dựng và ngày càng hoàn thiện, điển hình như Luật Đầu tư năm 2020, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11-3-2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 2889/QĐ-TTg ngày 31-12-2020 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11-5- 2022 ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST đến năm 2030; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03-6-2020 của Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 844/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”...

Ngoài ra, Việt Nam đang được coi là thị trường khởi nghiệp sáng tạo (startup) năng động, hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á, với nhiều tài năng công nghệ. Bên cạnh đó, dư địa chuyển đổi số khu vực công của Việt Nam còn rất lớn. Nhiều bài toán lớn của khu vực công như chống thất thu thuế, tắc đường, dịch vụ công trực tuyến... sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển giải pháp ĐMST, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội.

Thách thức

Thứ nhất, thách thức đến từ vấn đề thể chế. Luật pháp, chính sách thúc đẩy, khuyến khích, tạo động lực ĐMST ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa tạo động lực thúc đẩy ĐMST từ cấp độ cá nhân đến tổ chức. Điển hình như luật pháp, chính sách về lương, thưởng, điều kiện làm việc... trong khu vực công chưa đủ sức thu hút, giữ chân người tài và để công chức phát huy tính sáng tạo. Ngoài ra, luật pháp, chính sách về đầu tư công, huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động ĐMST khu vực công còn nhiều bất cập trong khi chi ngân sách cho ĐMST tại Việt Nam còn rất khiêm tốn.

Thứ hai, thách thức đến từ cơ chế chia sẻ, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước. ĐMST là chìa khóa để giải quyết các thách thức của xã hội. Do đó, cần có sự chia sẻ, hợp tác giữa các tổ chức công đặc biệt trong vấn đề chia sẻ dữ liệu, thông tin, cơ sở hạ tầng hỗ trợ ĐMST. Tuy nhiên, sự chia sẻ, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước ở Việt Nam còn rất hạn chế. Thí dụ, triển khai chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước còn rời rạc, thiếu sự kết nối, sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả. Do đó, nhiều nơi, nhiều dịch vụ vẫn ở trạng thái “nửa vời”.

Thứ ba, thách thức xuất phát từ nhận thức và trình độ của công chức. Nhận thức và trình độ của công chức trong các đơn vị hành chính công vẫn còn hạn chế. Thực tiễn cho thấy, nhiều cơ quan, cán bộ có tâm lý e ngại đổi mới, sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, cản trở việc triển khai các chủ trương của cấp trên. Bên cạnh đó, kỹ năng chuyển đổi số của công chức hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), kỹ năng số giúp mọi người tạo và chia sẻ nội dung kỹ thuật số, giao tiếp và cộng tác cũng như giải quyết các vấn đề theo mong đợi của bản thân một cách hiệu quả và sáng tạo trong cuộc sống, học tập, công việc và các hoạt động xã hội nói chung(14).

Tuy nhiên, kỹ năng số của nguồn nhân lực Việt Nam còn ở vị trí thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực cả về điểm số và thứ hạng(15). Theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) năm 2022 của WIPO, Việt Nam xếp thứ hạng 48/132 nền kinh tế, tụt 5 bậc so với năm 2021 (xếp hạng 43/132); trong đó, các chỉ số liên quan đến nguồn nhân lực và nghiên cứu phát triển xếp hạng 79, sản phẩm tri thức, sản phẩm sáng tạo hạng 43(16).

Hoạt động ĐMST vốn được xem là hoạt động ngoại vi đối với khu vực công. Tuy nhiên, trước sức ép về yêu cầu ngày càng cao của người dân, sự hạn chế về ngân sách cùng với sự tiến bộ của khoa học và công nghệ, các chính phủ buộc phải thay đổi. ĐMST là con đường duy nhất giúp các chính phủ bắt kịp tốc độ phát triển chung, thu thút được nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng phức tạp và hơn thế nữa, đáp ứng được sự kỳ vọng và xây dựng niềm tin của người dân. Tại Việt Nam, cơ hội cho ĐMST trong khu vực công là rất lớn khi Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức đặt ra về mặt thể chế, tài chính, chất lượng nguồn nhân lực... để thúc đẩy đổi mới sáng tạo khu vực công tại Việt Nam.

_________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 541 (tháng 3-2023)

Ngày nhận: 16-02-2023; Ngày bình duyệt: 19-3-2023; Ngày duyệt đăng: 22-3-2023.

 

(1) Schumpeter, J., Backhaus, U.: The Theory of Economic Development. In: Backhaus, J. (eds) Joseph Alois Schumpeter. The European Heritage in Economics and the Social Sciences, vol 1. Springer, Boston, MA. https://doi.org/10.1007/0-306-48082-4_3, 2003.

(2) Oslo Manual: Guidelines for collecting and interpreting innovation data (3rd Ed.). OECD Publishing, 2005.

(3) Luật Khoa học và Công nghệ, Luật số 28/2018/QH14 ngày 15-6-2018.

(4) Trần Ngọc Ca: Đổi mới sáng tạo: Một số vấn đề cần quan tâm, truy cập ngày 22-5-2021, https://vjst.vn/vn/tin-tuc/4442/doi-moi-sang-tao-mot-so-van-de-can-quan-tam-ky-1.aspx.

(5) OECD: Embracing innovation in government 2018.

(6) OECD: Public sector innovation, in OECD

Science, Technology and Innovation Outlook 2016, OECD Publishing, Paris.

(7) Geoff Mulgan and David Albury: Innovation in the public sector, Ver 1.9, 2003.

(8) OECD: Innovative Capacity of Governments: A Systemic Framework, 2022.

(9) OECD: Innovating the Public Sector: from Ideas to Impact, OECD Conference Centre, Paris, 2014.

(10) EC: Public Administration charateristics and performance in EU28: Introduction, p.3, 2018.

(11) K. Melissa Kennedy: Infographic: What is the impact of innovation? What drives innovation? http://www.48innovate.com/.

(12) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.II, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.337-338.

(13) Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

(14) UNESCO: Aglobalframeworkofreference on digital literacy, UNESCO Institute for Statistics, 2018.

(15) World Bank: Educate to grow, 2022.

(16) WIPO: GII 2022 at a glance The Global Innovation Index 2022 captures the innovation system performance of 132 economies and tracks the most recent global innovations trends.

ThS BÙI THỊ HỒNG HÀ

Viện Lãnh đạo học và chính sách công,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền