Trang chủ    Diễn đàn    Nâng cao chất lượng hoạt động mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam
Thứ sáu, 09 Tháng 6 2023 11:21
1235 Lượt xem

Nâng cao chất lượng hoạt động mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam

(LLCT) - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, mỹ thuật nước ta đã có sự phát triển, góp phần quan trọng vào việc xây dựng đời sống tinh thần và môi trường thẩm mỹ của nhân dân, hình thành lối sống, lối ứng xử văn hóa nhân văn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bài viết làm rõ những thành tựu, hạn chế, đề xuất một số giải pháp phát triển hoạt động mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Một số tác phẩm nổi tiếng của Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: wpg.com.vn

1. Thành tựu của hoạt động mỹ thuật Việt Nam trong thời kỳ đổi mới

Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, các ngành văn học - nghệ thuật nói chung, mỹ thuật nói riêng, luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, thể hiện trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Chỉ thị của Ban Bí thư tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về công tác văn học, nghệ thuật trong tình hình mới… Cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước đã ban hành những chính sách nhằm phát triển sự nghiệp văn học - nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật.

Nhằm kịp thời khen thưởng những tác phẩm xuất sắc trong năm, từ năm 1993, các Hội Văn học - Nghệ thuật ở Trung ương đã được Nhà nước cấp kinh phí giải thưởng hằng năm. Từ năm 1995, Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật nhằm tôn vinh các nghệ sĩ có những tác phẩm đặc biệt xuất sắc và xuất sắc thực hiện việc xét duyệt. Đến nay, đã có 18 họa sĩ, nhà điêu khắc của Hội Mỹ thuật Việt Nam được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và đã có 49 Giải thưởng Nhà nước ghi nhận sự cống hiến của các nghệ sĩ. Từ năm 1999, Nhà nước cấp kinh phí hỗ trợ sáng tạo văn học - nghệ thuật nhằm tạo điều kiện để các hội tổ chức cho hội viên đi thực tế, dự trại sáng tác, tài trợ sáng tác tác phẩm.

Thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục phát triển văn học - nghệ thuật trong thời kỳ mới, Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Mỹ thuật Việt Nam lần thứ IX, ngành Mỹ thuật và giới nghệ sỹ tạo hình Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, sáng tạo và đạt nhiều thành tựu.

Nhiều tác phẩm, công trình mỹ thuật có chất lượng ra đời; đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc phát triển cả về số lượng và chất lượng, là lực lượng nòng cốt để xây dựng đời sống thẩm mỹ lành mạnh, tích cực, nhân văn. Đội ngũ họa sĩ, nhà điêu khắc có nhiều sáng tạo, kế thừa và phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống và tiếp thu tinh hoa nghệ thuật của thế giới. Mỹ thuật Việt Nam đã ngày càng khẳng định vị trí, uy tín trong khu vực và thế giới. Các hoạt động chuyên môn do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và thẩm mỹ của nhân dân.

Những thành quả của quá trình sáng tạo nghệ thuật của họa sĩ đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền mỹ thuật nước nhà cũng như sự phát triển chung của văn hóa Việt Nam trong thời kỳ đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế. 

Tuy nhiên, trong những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao, vẫn còn ít những tác phẩm mỹ thuật về các sự kiện trọng đại của đất nước, các cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc, về công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, có rất ít những tác phẩm tạo được sự đột phá mới về ngôn ngữ tạo hình và sử dụng chất liệu, về thẩm mỹ và sức biểu cảm. Vẫn còn những tác phẩm chưa thoát khỏi lối mòn, thậm chí dễ dãi, mang tính minh họa và gần như khó tìm ra dấu ấn cá nhân của chủ thể sáng tạo. Trong mỹ thuật vẫn còn xu hướng thương mại hóa, chạy theo đề tài dễ bán, còn nặng tính giải trí, hạ thấp chức năng giáo dục thẩm mỹ… 

Lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng chưa phát triển tương xứng, còn ít các thiết kế sáng tạo mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, có công năng hữu ích phù hợp với đời sống, có tính thẩm mỹ cao để trở thành những sản phẩm công nghiệp văn hóa, phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. 

Công tác nghiên cứu lý luận, phê bình mỹ thuật chưa theo kịp với thực tiễn phát triển và những vấn đề mới đặt ra, còn cảm tính, dễ dãi, chưa thật sự khách quan, khoa học để đồng hành với sáng tác và định hướng thẩm mỹ cho xã hội. Một số hoạt động hội chưa thực sự thiết thực và hấp dẫn để thu hút các hội viên và tác giả trẻ tham gia.

Công tác quản lý nhà nước chưa theo kịp với thực tiễn hoạt động mỹ thuật, các văn bản luật và dưới luật chưa đồng bộ, gây khó khăn trong việc tạo hành lang pháp lý cho phát triển mỹ thuật. Cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập với thực tiễn. Công tác giáo dục mỹ thuật trong các trường phổ thông và xã hội còn nhiều yếu kém. 

Nạn sao chép tác phẩm, vi phạm bản quyền tác giả còn diễn ra ở không ít nơi gây bức xúc trong dư luận và làm giảm uy tín của mỹ thuật Việt Nam. Hiện tượng sao chép, làm tranh giả, tranh “nhái”, vi phạm nghiêm trọng Luật Bản quyền tác giả vẫn diễn ra. 

Cùng với việc làm giả tranh là việc chép lại và làm giả chính tác phẩm của mình thành nhiều phiên bản. Đây là sự “thâm canh”! nhưng không phạm luật vì nó chính là tác phẩm của một tác giả và có thay đổi chút ít”.

Tình trạng tranh giả, sao chép tranh diễn ra không chỉ trong các cửa hàng bán tranh, mà cả ngay trong môi trường sáng tác. Như vụ việc nhiều đơn vị kinh doanh tự ý sử dụng tranh của năm họa sĩ: Bùi Trọng Dư, Lâm Đức Mạnh, Ngụy Đình Hà, Nguyễn Thu Hương và Phan Linh Bảo Hạnh đưa lên áo dài dù không được phép của các tác giả. Hay như 15 bức tranh của họa sĩ Hà Hùng Dũng bị vi phạm bản quyền.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập nêu trên, trong đó có  tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, cùng với đó là sức mạnh “lăng xê” của truyền thông, sự thổi phồng quảng bá của giới buôn tranh tạo nên sự nổi tiếng, nhanh chóng biến các họa sĩ trở thành “sao” sáng trên bầu trời mỹ thuật trong điều kiện những quy định mang tính pháp lý về hoạt động quảng bá,… ở nước ta vẫn chưa được áp dụng nghiêm túc trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nói chung, trong hoạt động mỹ thuật nói riêng.

Trong cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, thu nhập của các họa sĩ về cơ bản được cải thiện đáng kể so với thời kỳ trước đổi mới. Nhưng sự nổi tiếng đi kèm với lợi ích luôn phải song hành cùng với chân giá trị của quá trình trải nghiệm và khổ luyện, chứ không dễ dàng như số đông các họa sĩ trẻ ngộ nhận. Có thể dễ dàng nhìn thấy bên cạnh những chân giá trị của nghệ thuật trong điều kiện phát triển mới, vẫn còn tồn tại những góc khuất tiêu cực làm cho lợi ích kinh tế xóa mờ thước đo giá trị nghệ thuật cũng như giá trị nhân cách của người làm nghệ thuật.

2. Giải pháp phát triển hoạt động mỹ thuật, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa và con người Việt Nam trong thời kỳ mới

Một là, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật 

Các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp như Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, các Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật ở các địa phương, cần xác định rõ hơn vai trò đại diện cho giới văn nghệ sĩ để một mặt tạo môi trường tự do sáng tạo, nhưng là tự do sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật để phát huy giá trị sáng tạo nghệ thuật, coi đây là nhiệm vụ xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. 

Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp cần theo hướng hài hòa giữa tính đặc thù nghệ thuật là tự do sáng tạo của mỗi chủ thể sáng tạo và định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, bởi văn hóa nghệ thuật không thể ở ngoài kinh tế, chính trị mà phải trong kinh tế, chính trị và mỗi nghệ sĩ, họa sĩ đều là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa.

Hai là, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, đặc biệt là Hội Mỹ thuật Việt Nam cần chú trọng công tác tuyên truyền, định hướng sáng tác cho hội viên, nhất là hội viên trẻ để hiểu rõ các giá trị của mỹ thuật, phát huy các giá trị di sản mỹ thuật truyền thống dân tộc, hoạt động sáng tạo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa. 

Hội Mỹ thuật Việt Nam cần tập trung xây dựng đội ngũ hội viên, nâng cao trình độ, bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân cho hội viên, để mỗi họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà thiết kế là một nghệ sỹ - chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa, văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp. 

Hội Mỹ thuật Việt Nam cần nghiên cứu, có các giải pháp cải thiện điều kiện hành nghề, tạo điều kiện để người nghệ sĩ tự do sáng tạo tác phẩm; khuyến khích các nghệ sĩ nổi tiếng tham gia các cuộc triển lãm để công chúng yêu nghệ thuật được tiếp cận, thưởng thức các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao; tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền tác giả và các quyền liên quan nhằm tạo nên thị trường mỹ thuật lành mạnh.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”(1)

Để thực hiện tốt nhiệm vụ này, trước hết cần tăng cường giáo dục tư tưởng cùng với giáo dục và đào tạo hướng nghiệp trong môi trường giáo dục đào tạo nghề nghiệp đặc thù văn hóa nghệ thuật, để gia tăng giá trị đạo đức cũng như nhận thức văn hóa xã hội cho giới văn nghệ sĩ. 

Việc giáo dục tư tưởng phải được chú trọng thực hiện trong môi trường giáo dục đào tạo đặc thù như các trường văn hóa nghệ thuật, đại học mỹ thuật, đại học mỹ thuật công nghiệp..., và các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp. Giáo dục tư tưởng phải có liên hệ thực tiễn và gắn liền nghĩa vụ với quyền lợi. Việc giáo dục tư tưởng sẽ hình thành nhận thức và ý thức cá nhân nghệ sĩ trên nền tảng lập trường tư tưởng vững vàng, góp phần vào sự nghiệp phát triển văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc.

Ba là, tăng cường quản lý nhà nước đối với thị trường mỹ thuật Việt Nam  

Thực tế là không phải đến khi thực hiện đổi mới hay mở cửa mới hình thành thị trường mỹ thuật Việt Nam mà ngay từ khi hình thành nền mỹ thuật hiện đại, Việt Nam đã có một thị trường mỹ thuật, nhưng hoạt động tự phát và đến nay trong kinh tế thị trường, nó đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, trong đó tính không minh bạch là yếu tố nguy hiểm nhất, bởi tính minh bạch là yếu tố hàng đầu để khẳng định vị trí và giá trị của mỹ thuật Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Việc thiết lập lại thị trường mỹ thuật dưới sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm sự vận hành của thị trường mỹ thuật theo quy luật của cơ chế thị trường, nhưng vẫn bảo đảm giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc. Thực tiễn thị trường mỹ thuật thế giới cho thấy, đầu tư tác phẩm mỹ thuật bằng các hình thức sưu tập và các hoạt động triển lãm, đấu giá là một hình thức đầu tư có lãi về kinh tế, bởi giá trị của các tác phẩm mỹ thuật theo thời gian cũng như theo uy tín nghề nghiệp của họa sĩ chỉ có tăng chứ không có giảm. 

Để thực hiện tốt giải pháp này, trước hết việc đầu tư phải được thực hiện ngay trong nước, bởi nhu cầu thẩm mỹ, cảnh quan luôn tồn tại ngay trong các cơ quan, công sở, cũng như trong các công trình công cộng. Một mặt để đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân, đưa nghệ thuật tiệm cận với đời sống xã hội nhằm kích cầu thị trường mỹ thuật trong nước, lấy đó làm cơ sở khẳng định và tôn vinh giá trị nghệ thuật mà không bị lệ thuộc vào các yếu tố bên ngoài. 

Tiếp theo là đưa hoạt động sáng tạo nghệ thuật có tính chuyên nghiệp như một nghề nghiệp. Họa sĩ hay nghệ sĩ cũng đều là một chức danh nghề nghiệp trên thị trường văn hóa nghệ thuật như mọi ngành nghề khác. Để tồn tại và phát triển, họa sĩ, văn nghệ sĩ phải khẳng định “nhân hiệu” bằng ý thức thực sự nghiêm túc trong lao động nghệ thuật.

Cần có những thiết chế mang tính thống nhất để quản lý hoạt động nghệ thuật theo đúng quy định của pháp luật, trước hết là thực hiện nghiêm  Luật Sở hữu trí tuệ để làm minh bạch thị trường mỹ thuật Việt Nam.

Đặc thù lao động nghệ thuật là tạo ra giá trị nghệ thuật trong tác phẩm, chính là tư tưởng của cá nhân chủ thể sáng tạo. Giá trị nghệ thuật đó cũng chính là giá trị nhân cách con người họa sĩ ở cả hai khía cạnh đạo đức và tài năng. Việc thực hiện nghiêm túc Luật Sở hữu trí tuệ một mặt bảo đảm tính minh bạch của thị trường mỹ thuật, khẳng định chân giá trị của tác phẩm mỹ thuật Việt Nam. Mặt khác, sẽ phát huy tác dụng răn đe, thậm chí có thể áp dụng việc đình chỉ, cấm… như đã thực hiện trong hoạt động biểu diễn, như vậy mới phát huy tốt năng lực sáng tạo mang đậm màu sắc cá nhân qua phong cách thể hiện. Đó cũng chính là để khẳng định “nhân hiệu” xây dựng “thương hiệu” họa sĩ theo đúng bản chất đặc thù của lao động nghệ thuật. Qua đó, góp phần định hướng nhận thức của cá nhân họa sĩ trong lao động nghệ thuật, cũng như định hướng nhận thức trong tư duy nghệ thuật, góp phần phát triển văn hóa nghệ thuật theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bốn là, để nâng cao hiệu quả lãnh đạo trên lĩnh vực mỹ thuật, “lấy giá trị văn hóa, con người Việt Nam làm nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”(2), Nhà nước cần tăng cường đầu tư hơn nữa các nguồn lực cho văn hóa, cho sự phát triển con người toàn diện. Chú trọng đào tạo, phát triển nguồn lực lao động nghệ thuật cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư cho phát triển mỹ thuật và thị trường mỹ thuật.

Bổ sung, hoàn thiện cơ chế pháp lý để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động mỹ thuật, bảo đảm được chân giá trị của nghệ thuật, của chủ thể sáng tạo, làm tiền đề vững chắc góp phần xây dựng và phát triển con người làm nghệ thuật thực sự trở thành những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa. 

Tăng cường nguồn nhân lực và phương tiện cho hoạt động mỹ thuật trong quản lý sáng tác và họa sĩ sáng tác. Tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho các hoạt động sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật để thu hút đông đảo nghệ sĩ, họa sĩ tham gia. Đặc biệt là quan tâm đầu tư xây dựng địa điểm trưng bày cho Triển lãm mỹ thuật Việt Nam, bảo đảm về quy mô, đáp ứng được các tiêu chuẩn của bộ môn nghệ thuật này.

Trong công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa luôn là dấu ấn tạo sự khác biệt để mỗi quốc gia khẳng định vị thế của mình trên mọi phương diện kinh tế, chính trị, xã hội trong cộng đồng quốc tế, hòa nhập chứ không hòa tan. Để phát triển văn hóa tất yếu phải xây dựng và phát triển hoàn thiện con người. Với mỹ thuật cũng như các loại hình nghệ thuật khác, phát triển con người ở đây là phát triển con người - chủ thể sáng tạo có nhân cách, ổn định về tư tưởng, phát triển về tư duy sáng tạo - một lực lượng quan trọng mang tính quyết định tới sự phát triển của văn hóa. Nói cách khác, trước khi đề cập đến phát triển bền vững phải có sự quan tâm đầu tư cho phát triển văn hóa, con người, bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và con người là nguồn lực quan trọng nhất quyết định sự phát triển của một đất nước trên mọi phương diện.

_________________

Ngày nhận bài: 4-6-2022; Ngày bình duyệt: 7-6-2023; Ngày duyệt đăng: 9-6-2023.

 

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t. I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.115 - 116, 216.

ThS HOÀNG HẢI YẾN

Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền