Trang chủ    Diễn đàn    Nhận diện, phê phán các luận điệu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam
Thứ sáu, 18 Tháng 8 2023 15:29
1652 Lượt xem

Nhận diện, phê phán các luận điệu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam

(LLCT) - Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng. Chính vì vậy, các thế lực chống chủ nghĩa xã hội, chống phong trào cộng sản và công nhân luôn tập trung tấn công các đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng. Bài viết nhận diện và phê phán các luận điệu chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo tất yếu, khách quan của Đảng ta đối với Nhà nước và xã hội.

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ - Ảnh: IT

1. Nhận diện, phê phán các luận điệu sai trái, thù địch tấn công Đảng Cộng sản Việt Nam

Hiện nay, các thế lực thù địch sử dụng 63 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 400 báo, tạp chí, 88 nhà xuất bản và hàng nghìn website, blog để lan truyền các thông tin sai trái nhằm chống phá Đảng ta. Cùng với đó, chúng tập hợp, huấn luyện và tài trợ cho các cá nhân, tổ chức chống đối trong nước tiến hành các hoạt động phá hoại đất nước. Âm mưu của chúng là lôi kéo Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, dùng chính trị tác động đến thể chế xã hội, dùng kinh tế để chi phối sự lãnh đạo của Đảng, dùng quần chúng để làm tăng sự đối lập giữa quần chúng với Đảng, với chế độ(1). Hoạt động chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam do các thế lực phản động, thù địch tiến hành quyết liệt, trên nhiều lĩnh vực.

Thứ nhất, trên lĩnh vực tư tưởng, chúng xuyên tạc, phê phán, vu cáo, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Chúng rêu rao rằng: “chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, không có tính khoa học, không phù hợp với thời đại ngày nay”, “Việt Nam theo chủ nghĩa Mác - Lênin là sai lầm” v.v.. Bằng những lập luận sai trái, các đối tượng xấu cố tình phủ nhận tính thống nhất giữa chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Lợi dụng sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch còn hù dọa rằng “nếu Việt Nam tiếp tục theo con đường XHCN sẽ là đi vào vết xe đổ” v.v..

Sự thật là, bất chấp việc các thế lực thù địch ra sức chống phá, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn có sức sống vô cùng mãnh liệt. Chủ nghĩa Mác - Lênin đã chỉ ra quy luật vận động, phát triển của tự nhiên và xã hội; cung cấp thế giới quan khoa học và phương pháp luận biện chứng trong nhận thức và cải tạo thế giới; vạch trần bộ mặt thật của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp vô sản; đề ra con đường giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội khỏi áp bức, bóc lột v.v..

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện Việt Nam, góp phần hoàn thiện lý luận về giải quyết mối quan hệ giữa giải phóng giai cấp với giải phóng dân tộc, về xây dựng chế độ mới ở các nước sau khi giải phóng khỏi ách cai trị thuộc địa v.v..

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến lên CNXH.

Về sự sụp đổ của hệ thống các nước XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, đây chỉ là sự thất bại của một mô hình cụ thể, không phải sự “cáo chung” của CNXH. V.I.Lênin đã chỉ ra: “Chúng ta không kỳ vọng rằng Mác hay những người theo chủ nghĩa Mác đều hiểu biết mọi mặt cụ thể của con đường tiến lên CNXH. Như thế sẽ là phi lý. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó và những lực lượng giai cấp nào dẫn đến con đường đó; còn như cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao, thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ, khi họ bắt tay vào hành động”(2). Bằng những luận cứ khoa học, C. Mác đã chỉ ra: “Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu như nhau”(3).

Mặt khác, có thể thấy,nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp củasự sụp đổ đó là do những sai lầm về chính trị, tư tưởng, bởi đường lối xét lại, từ bỏ chủ nghĩa Mác - Lênin của người đứng đầu Đảng. Vì vậy, không thể lấy những thất bại trong xây dựng CNXH tại Liên Xô và Đông Âu để cho rằng đây là sự đổ vỡ của một chủ thuyết khoa học.

Thứ hai, trên lĩnh vực chính trị, các đối tượng xấu luôn tìm mọi cách để xóa bỏ vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội. Chúng đưa ra quan điểm rằng Đảng Cộng sản đang đứng trên pháp luật; mô hình một đảng lãnh đạo chỉ phù hợp trong điều kiện chiến tranh, đến nay Việt Nam hoàn toàn độc lập, tự do nên Đảng Cộng sản đã hoàn thành sứ mệnh của mình và phải tự rút lui khỏi chính trường (?!). Nhiều kẻ núp bóng dân chủ, nhân quyền để vu cáo chế độ một đảng lãnh đạo như ở Việt Nam sẽ không có được tự do, dân chủ. Từ đó, chúng đòi Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị theo hướng “đa nguyên, đa đảng”. Đặc biệt, các đối tượng xấu đã tấn công Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, phủ nhận con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH mà Việt Nam đang đi, cho rằng CNXH là sai lầm, có nhiều “khuyết tật” và đòi chúng ta phải từ bỏ mục tiêu XHCN…

Phải khẳng định rằng, suốt 93 năm qua, Đảng ta luôn đồng hành cùng dân tộc. Đảng đã gắn bó với quần chúng nhân dân và lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng. Chúng ta đã đánh thắng kẻ thù xâm lược, xóa bỏ chế độ thực dân cũ và mới, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ vững chắc nền độc lập. Tuy nhiên, độc lập dân tộc không phải là mục tiêu cuối cùng. Độc lập dân tộc phải đi liền với CNXH,trong một tiến trình cách mạng, có sự gắn bó chặt chẽ, không thể tách rời.

Đích đến cuối cùng mà nhân dân Việt Nam lựa chọn là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển toàn diện, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, cùng phát triển. Chúng ta không lựa chọn nền độc lập “giả tạo”, một nền độc lập nhưng không đi liền với giải phóng giai cấp, giải phóng con người, không mang lại bình đẳng, bác ái cho toàn xã hội. Nếu Đảng ta chấp nhận “rút lui”, từ bỏ việc lãnh đạo quần chúng nhân dân xây dựng CNXH, chấp nhận “chia sẻ quyền lực”, “đa nguyên, đa đảng” thì cũng đồng nghĩa với việc Đảng ta bội hứa với nhân dân. Đây chắc chắn không phải là điều mà Đảng ta lựa chọn. Sứ mệnh của Đảng vẫn đang tiếp tục. Đảng là đại biểu trung thành cho lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Trên cơ sở nắm vững các quy luật vận động khách quan của lịch sử, xu thế thời đại và thực tiễn của đất nước, Đảng đã đề ra Cương lĩnh chính trị, đường lối cách mạng XHCN phù hợp với nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, chẳng có lý do gì để Đảng phải “rút lui” khỏi vũ đài chính trị, thay đổi định hướng xây dựng đất nước.

Thứ ba, các đối tượng xấu liên tục công kích những nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Chúng cho rằng đã tập trung thì không thể có dân chủ, đòi hạ thấp yếu tố “tập trung”. Đồng thời, bằng nhiều thủ đoạn khác nhau, các thế lực thù địch cũng ra sức tung hô, ủng hộ những phần tử “trở cờ”, thoái hóa, biến chất trong Đảng, cổ xúy những hoạt động xét lại, cơ hội, hữu khuynh.

Thực tế, để bảo đảm vai trò lãnh đạo, cầm quyền, Đảng ta phải luôn giữ vững tính thống nhất trong ý chí và hành động. Để đạt được điều này, Đảng phải kiên định, nhất quán các nguyên tắc: tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, kỷ luật nghiêm minh, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với nhân dân, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Trong đó, tập trung dân chủ được xác định là nguyên tắc tổ chức cơ bản. Tập trung dân chủ là để phát huy năng lực, trí tuệ, tính cách mạng, sáng tạo của toàn Đảng và đồng thời tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Sự đổ vỡ của Liên Xô một phần là do nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình không được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, thường xuyên dẫn đến độc đoán, cá nhân, mất đoàn kết trong nội bộ. Đây là bài học vô cùng đắt giá mà chúng ta không bao giờ được quên. Phải thấy rõ, mọi nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng khi được đề ra đều có sự cân nhắc, đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng và được thực tiễn kiểm nghiệm. Nếu thiếu bất kỳ một nguyên tắc nào, hoạt động của Đảng cũng sẽ bị xáo trộn, ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.

Thứ tư, trong mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân, các đối tượng xấu sử dụng nhiều chiêu trò để lừa bịp, lôi kéo, hướng lái người dân không tin vào Đảng; gieo rắc những nhận thức lệch lạc, mơ hồ về xã hội phương Tây nhằm đưa người dân đứng vào thế đối lập với Đảng.

Lợi dụng việc Đảng ta đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhất là đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, những kẻ này đã triệt để lợi dụng để thổi phồng các sai phạm, đổ lỗi cho Đảng Cộng sản là nguyên nhân của tham nhũng, phải thay đổi chế độ chính trị mới có thể loại bỏ những tiêu cực trong bộ máy công quyền hiện nay. Đồng thời, các đối tượng xấu sử dụng chiêu bài dân tộc, tôn giáo để vu khống Đảng không chăm lo đời sống của nhân dân, kích động hận thù, gây mâu thuẫn trong xã hội.

Thực tế đã chứng minh, Đảng ta không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Nhân dân chính là chủ thể của lịch sử, là trung tâm và động lực của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã triển khai toàn diện, nhiều giải pháp để phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Tại Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục xác định nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, là cơ sở để củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ. Mọi chủ trương, chính sách được Đảng, Nhà nước đưa ra đều phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Về những vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên, năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra. Vì vậy, tuy nói chung, thì đảng viên phần nhiều là những phần tử tốt, nhưng vẫn có một số chưa bỏ hết những thói xấu tự tư tự lợi, kiêu ngạo, xa hoa, v.v..”(4). Vấn đề ở đây là Đảng ta đã nhìn thẳng vào sự thật và kiên quyết xử lý đối với những cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm. Chúng ta không giấu giếm, không bao che cho sai phạm. Việc cố tình thổi phồng những sai phạm trong Đảng, xuyên tạc mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân suy cho cùng chỉ là chiêu trò nhằm chia rẽ nhân dân với Đảng.

Thứ năm, trên phương diện quan hệ quốc tế, lợi dụng những trở ngại, khó khăn do cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các thế lực thù địch đã tìm cách lôi kéo, tác động, hướng lái Đảng Cộng sản Việt Nam đi vào quỹ đạo lệ thuộc, ép chúng ta phải “chọn phe” trong quan hệ quốc tế. Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái, phi thực tế. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Việt Nam sẽ giao dịch với tất cả các nướcnào trên thế giới muốn giao dịch với Việt Nam một cách thật thà”(5). Quan điểm của Đảng ta là thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Trong đó, lợi ích quốc gia - dân tộc là cao nhất. Việt Nam không “chọn bên” mà chọn chính nghĩa, chọn lẽ phải, chọn hòa bình, chọn độc lập, chọn tự do. Bởi hơn ai hết, Đảng ta hiểu rõ: “Ta có mạnh thì họ mới chịu “đếm xỉa đến”. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”(6).

2. Nguồn gốc của sự chống phá

Vì sao các thế lực xấu lại chống phá các đảng cộng sản nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng điên cuồng đến như vậy? Câu trả lời bắt nguồn từ cuộc đấu tranh giai cấp hết sức gay gắt giữa CNXH và CNTB.

Sau khi ra đời, các đảng cộng sản trên thế giới đã lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân lao động đứng lên đấu tranh chống lại áp bức, bóc lột. Cùng với việc vạch trần bản chất bóc lột, các mâu thuẫn của CNTB, các đảng cộng sản đã đề ra đường hướng, chiến lược tiến hành cách mạng XHCN nhằm giải phóng giai cấp, giải phóng con người và xây dựng xã hội mới. Phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các dân tộc bị áp bức trên khắp thế giới trong thế kỷ XX đã giáng cho CNTB những đòn hết sức nặng nề, khiến cho lợi ích của giai cấp tư bản bị lung lay.

Với tham vọng xoay ngược tiến trình vận động của các hình thái kinh tế - xã hội, duy trì “trật tự vĩnh hằng của CNTB”, các thế lực xấu đã ra sức chống phá phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới. Trong đó, chúng xác định xóa bỏcác đảng cộng sản là mục tiêu cơ bản, mang tính chất then chốt, quyết định. Bởi hơn ai hết, những kẻ này hiểu rõ đảng cộng sản là tập hợp những người tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, là hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng, là “linh hồn” của CNXH và là “bộ não” của giai cấp công nhân, chỉ khi nào xóa bỏ được các đảng cộng sản mới có thể dập tắt phong trào cộng sản và công nhân trên thế giới.

Sau sự tan rã của hệ thống các nước XHCNở Liên Xô và Đông Âu vào những năm 90 thế kỷ XX, các thế lực xấu đã tập trung công kích, chống phá các đảng cộng sản và những nước theo CNXH còn lại, trong đó có Việt Nam. Mục tiêu của những kẻ này là tới cuối thế kỷ XX sẽ loại bỏ hoàn toàn các đảng cộng sản, dập tắt phong trào công nhân.

Vậy nhưng mục tiêu này đã thất bại, phong trào cộng sản ở nhiều nơi đang phục hồi và lấy lại phong độ trước đây. Ở các quốc gia theo chế độ XHCN, đảng cộng sản đang đẩy mạnh đổi mới trong lãnh đạo, mở rộng uy tín trên trường quốc tế, khẳng định rõ vai trò đảng cầm quyền. Ở nhiều nước khác như Liên bang Nga, Nhật Bản, Bêlarút, Ấn Độ v.v., các đảng cộng sản cũng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và củng cố được vị trí trong cơ cấu quyền lực đất nước. Những điều này đang đe dọa không nhỏ đến quyền lợi của giới tư sản. Bởi vậy, hoạt động chống phá các đảng cộng sản, nhất là những đảng cầm quyền như Đảng Cộng sản Việt Nam được các thế lực xấu tiến hành quyết liệt.

Tại Việt Nam, quyền lực nhà nước là thống nhất, thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Việt Nam là quốc gia nhất nguyên về chính trị, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền. Với việc kiên trì định hướng XHCN, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân cả nước xây dựng CNXH và đạt được những kết quả to lớn. Thông qua thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tích cực nghiên cứu, góp phần hoàn thiện lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tăng cường sức sống của CNXH.

Những thành công của Việt Nam là minh chứng cho thấy CNXH không phải là “ảo vọng”, học thuyết Mác - Lênin không phải đã “lỗi thời” như những điều các đối tượng xấu đang cố tình thêu dệt. Việt Nam đã trở thành nguồn động lực, cổ vũ đối với phong trào cộng sản, công nhân quốc tế(7). Bởi vậy, các thế lực thù địch ráo riết tung ra nhiều “ngón đòn” để chống phá Đảng ta. Chừng nào hai hệ tư tưởng XHCN và TBCN vẫn cùng tồn tại, chừng nào giai cấp công nhân vẫn còn bị áp bức, bóc lột thì khi đó hoạt động chống phá các đảng cộng sản vẫn tiếp tục được các thế lực xấu thực hiện. Bản chất ở đây là cuộc đấu tranh giai cấp, mặc dù phương pháp, cách thức đấu tranh khác nhau nhưng tính gay go, quyết liệt, phức tạp thì không bao giờ suy giảm.

3. Bảo vệ vai trò lãnh đạo của Đảng

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và xã hội là hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với quy luật vận động của xã hội và tiến trình lịch sử, là nhân tố then chốt quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngoài Đảng Cộng sản thì không ai đủ tư cách lãnh đạo đất nước.

Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam là sự lựa chọn đúng đắn, khách quan của lịch sử

Xét trên phương diện lý luận, thời đại ngày nay là thời đại của quá độ lên CNXH. Trải qua quá trình phát triển, CNTB đã có những thành tựu không thể phủ nhận trong việc phát triển kinh tế và khoa học, công nghệ. Thời gian gần đây, CNTB đã có sự điều chỉnh, tăng cường phúc lợi xã hội, góp phần nâng cao đời sống của nhân dân lao động. Tuy nhiên, trong lòng CNTB vẫn tồn tại rất nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết, nhất là mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất và chế độ sở hữu tư nhân TBCN; mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và giai cấp công nhân, giữa tư bản và lao động, giữa các nước tư bản và các nước kém phát triển. Không ít quốc gia tư bản đang đẩy mạnh việc tiến hành can thiệp, tác động chi phối với các quốc gia, khu vực khác, làm phát sinh xung đột. Chính vì vậy, phong trào phản kháng đã diễn ra tại nhiều nơi. Trong bối cảnh đó, việc tiến lên CNXH là vấn đề mang tính tất yếu bởi chỉ có CNXH mới giải phóng triệt để con người khỏi áp bức, bóc lột, mang lại bình đẳng, bác ái. Điều này đã được C.Mác chỉ ra: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực phải khuôn theo. Chúng ta gọi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là do những tiền đề hiện đang tồn tại đẻ ra”(8). Để có thể xây dựng CNXH thành công, điều kiện tiên quyết là phải có đảng cộng sản lãnh đạo để tập hợp, giúp quần chúng giác ngộ lý tưởng và chèo lái con thuyền cách mạng. Và lẽ dĩ nhiên, muốn phát huy vai trò của mình, đảng phải có thực quyền, có vai trò lãnh đạo đối với nhà nước.

Về thực tiễn, Đảng ta ra đời từ chính yêu cầu của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; đã trải qua thử thách, sàng lọc nghiêm khắc của thực tiễn và được lịch sử lựa chọn. Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược (năm 1858), nhiều phong trào yêu nước đã nổ ra với mục đích giành lại độc lập, giải phóng dân tộc khỏi ách đô hộ, áp bức, bóc lột. Tuy nhiên, dù theo ý thức hệ phong kiến, phong trào nông dân hay con đường dân chủ tư sản v.v., các phong trào yêu nước đều nhanh chóng thất bại do không phù hợp với thời đại. Khi Đảng Cộng sản Việt Nam chưa ra đời, phong trào cách mạng ở nước ta đã lâm vào sự khủng hoảng trầm trọng về đường lối giải phóng dân tộc. Với sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác - Lênin cùng phong trào công nhân và phong trào yêu nước, Đảng Cộng sản ra đời đã lãnh đạo cách mạng nước ta đi đúng hướng theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với CNXH. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng đã đạt được những thắng lợi liên tiếp, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đất nước độc lập, thống nhất, đi lên CNXH.

Trước khi lựa chọn con đường một đảng duy nhất cầm quyền, đã có thời kỳ nước ta chấp nhận đa đảng. Năm 1946, sau khi chính quyền cách mạng vừa được thành lập, Việt Nam Quốc dân Đảng (Việt Quốc) và Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội (Việt Cách) với sự chống lưng của các thế lực bên ngoài đã trở thành hai đảng đối lập với Đảng Cộng sản, có được 70 ghế trong Quốc hội mà không qua bầu cử cùng 4 ghế Bộ trưởng trong Chính phủ. Tuy nhiên, hai đảng này không đại diện cho quyền lợi của quốc gia, dân tộc mà chỉ là tay sai của kẻ thù, phá hoại cách mạng. Những âm mưu và hoạt động xâm phạm lợi ích của dân tộc, gây chia rẽ, phá hoại của chúng đã bị quần chúng nhân dân vạch trần. Ngoài ra, ở nước ta còn có sự xuất hiện của Đảng Dân chủ Việt Nam (năm 1944-1988) và Đảng Xã hội Việt Nam (năm1946-1988). Hai đảng này đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam và các đoàn thể Cứu quốc lãnh đạo quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, Đảng Dân chủ Việt Nam và Đảng Xã hội Việt Nam đã tự giải tán. Từ đó đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất cầm quyền. Việc cầm quyền của Đảng Cộng sản nhận được sự đồng tình, ủng hộ của quần chúng nhân dân.

Thứ hai, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản hoàn toàn hợp hiến, hợp pháp, chính danh, đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của nhân dân

Với những thành tựu đã đạt được trong việc lãnh đạo nhân dân tiến hành cách mạng, đánh thắng thực dân, đế quốc xâm lược, xóa bỏ chế độ phong kiến, giành lại hòa bình, độc lập, tự do, đưa đất nước bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH, Đảng ta đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và được nhân dân tin tưởng trao quyền lãnh đạo đất nước. Việc trao quyền này xuất phát từ tinh thần tự nguyện, giác ngộ lý tưởng cách mạng của quần chúng chứ không phải do sự sắp xếp, sự ngộ nhận của bất cứ giai cấp, tầng lớp nào. Điều 4, Hiến pháp năm 2013 xác định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

Mặt khác, nắm vai trò cầm quyền nhưng mọi tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam đều hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Vai trò cầm quyền của Đảng được thực hiện qua cơ chế Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý - nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo nhưng không làm thay Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đang tập trung xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN trong sạch, vững mạnh, vì nhân dân phục vụ. Vì vậy, Đảng ta giữ vai trò cầm quyền là hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp và pháp luật.

Tính chính danh trong việc cầm quyền còn xuất phát từ bản chất của Đảng ta. Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Đảng ta trung thành với lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Nếu Đảng không giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền, thì quyền lực nhà nước sẽ mất thống nhất, lợi ích của toàn dân tộc bị đảo lộn, sự nghiệp xây dựng CNXH sẽ bị chệch hướng. Đây là điều mà toàn thể nhân dân Việt Nam không bao giờ chấp nhận.

Thứ ba, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực, sức chiến đấuđể đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, cầm quyền trong tình hình mới

Quán triệt lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa”(9), trong mọi thời kỳ, mọi giai đoạn cách mạng, Đảng ta luôn không ngừng củng cố, nâng cao năng lực để giữ vững sự hấp dẫn đối với quần chúng nhân dân. Trong nội bộ, Đảng đang đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, ngày càng đi vào chiều sâu, đã góp phần củng cố đoàn kết trong Đảng, nâng cao uy tín của Đảng với quần chúng nhân dân, tạo sự răn đe và từng bước kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân. Đồng thời, Đảng cũng triển khai đồng bộ các giải pháp về tổ chức cán bộ, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm v.v. để nâng cao bản lĩnh chính trị cho mỗi đảng viên và phát huy tính cách mạng, sức chiến đấu của tổ chức đảng.          

Trên phương diện đối ngoại, Đảng ta đang đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế. Tính đến cuối năm 2021, Đảng ta đã thiết lập quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia, trong đó có khoảng 90 đảng cộng sản và công nhân quốc tế, các đảng cầm quyền và tham chính có vai trò quan trọng. Đây là những yếu tố hết sức thuận lợi để Đảng ta tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên CNXH.

Thứ tư, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vững chắc, không thể phủ nhận

Giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm nên những thắng lợi vô cùng vẻ vang. Chúng ta đã hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đưa đất nước bước sang thời kỳ quá độ lên CNXH. Sau gần 40 năm tiến hành đổi mới, từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã có sự thay đổi toàn diện. Đại hội XIII của Đảng đánh giá: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay(10).

Trên lĩnh vực kinh tế, với việc ngày càng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam đã gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Năm 1986, quy mô GDP nước ta chỉ là 26,88 tỷ USD thì đến năm 2022 là 409 tỷ USD. Việt Nam là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư quốc tế. Năm 2022, các doanh nghiệp tại 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam với số vốn gần 22,4 tỷ USD(11).

Trên lĩnh vực phát triển con người, nước ta đã hoàn thành các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, trong đó các mục tiêu về giảm nghèo, y tế, giáo dục hoàn thành trước thời hạn, được thế giới công nhận, đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 70% năm 1990 xuống còn 3% năm 2020. Hệ thống giáo dục được chú trọng, trong đó, giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ em 5 tuổi, giáo dục phổ thông và giáo dục chuyên nghiệp ngày càng nâng cao chất lượng. Chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2021 đạt 0,703, đứng thứ 115/191 quốc gia(12).

Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh, chúng ta luôn giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, tạo nền tảng để phát triển đất nước. Trên lĩnh vực đối ngoại, các mối quan hệ được mở rộng và đi vào chiều sâu, tạo khung khổ quan hệ ổn định và bền vững. Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 189/193 quốc gia, là thành viên của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế lớn, như Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, WTO(13)v.v.. Tiềm lực kinh tế, tiềm lực khoa học, công nghệ, tiềm lực con người v.v. không ngừng được nâng lên. Đây là minh chứng khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định đưa đất nước phát triển.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Đảng ta cũng nhậnrõ hạn chế nhất định như việc thực hiện các nguyên tắc xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ có lúc, có nơi còn vi phạm; một số tổ chức cơ sở đảng và đảng viên chưa gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống v.v.. Đặc biệt, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.

Nhất nguyên chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền là mô hình chính trị mà nước ta đã lựa chọn. Để giữ vững sức hấp dẫn với quần chúng nhân dân, Đảng ta phải không ngừng nâng cao uy tín, sức mạnh của bản thân. Bởi hơn ai hết, Đảng ta nhận thức: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến”(14).

Thời gian tới, Đảng phải tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với CNXH; giữ vững và phát huy bản chất giai cấp công nhân của Đảng; dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, giai đoạn nào cũng phải gắn bó mật thiết với nhân dân, trung thành với lợi ích của quốc gia - dân tộc.

_________________

Ngày nhận bài: 4-3-2023; Ngày bình duyệt: 16-8-2023; Ngày duyệt đăng: 18-8-2023

(1) Vũ Văn Hiền: Tình hình mới và yêu cầu đặt ra đối với việc đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, xem https://hdll.vn/vi/.

(2) V.I.Lênin: Toàn tập, t.34, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 152-153.

(3) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.613.

(4) Hồ Chí Minh:  Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.303.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr. 46.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 244.

(7) Tại Cuộc gặp quốc tế các đảng cộng sản và công nhân lần thứ 18 diễn ra tại Hà Nội (ngày 28đến 29-10-2016), các đảng viên đảng cộng sản trên thế giới chia sẻ:

Đồng chí Shelby Richarson, Đảng Cộng sản Mỹ: “Cảm hứng! Chính những thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo cảm hứng cho các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới. Đó là minh chứng sống động về những thành quả ấn tượng, bất chấp các bạn phải vượt qua rất nhiều khó khăn”.

Đồng chí Jose Reinaldo Carvalho, Đảng Cộng sản Brazil (PCdoB): “Rất nhiều các đảng cộng sản ra đời từ thập niên 60-70 của thế kỷ trước đã coi Việt Nam là một hình mẫu để noi theo… Đảng Cộng sản Việt Nam đã đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của phong trào cộng sản và công nhân trên toàn thế giới trong lịch sử”.

Đồng chí Southone Xayachack, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: “Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh là những cụm từ mà các đảng cộng sản và công nhân quốc tế coi trọng và noi theo”. Xem tại: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/, truy cập ngày 04-3-2023.

(8) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, Sđd, t.3, tr.51.

(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr. 672.

(10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25.

(11) Thảo Nguyên: Các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” gần 28 tỷ USD vào Việt Nam, https://www.qdnd.vn/,truy cập ngày 04-3-2023.

(12) Chỉ số phát triển con người Việt Nam tăng hai bậc, Xem https://nhandan.vn/, truy cập ngày 04-3-2022.

(13) Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc,https://baochinhphu.vn/,  truy cập ngày 04-3-2023.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.6, tr.16. 

TRẦN ANH TÚ

Công an Sóc Sơn, Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền