Trang chủ    Diễn đàn    Kết quả thực tiễn là minh chứng bác bỏ các luận điệu sai trái về bình đẳng giới ở Việt Nam
Thứ tư, 06 Tháng 9 2023 16:39
839 Lượt xem

Kết quả thực tiễn là minh chứng bác bỏ các luận điệu sai trái về bình đẳng giới ở Việt Nam

TS NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN
Vụ Hợp tác quốc tế,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Những thành tựu về thúc đẩy bình đẳng giới mà Việt Nam đạt được trong những năm qua đã khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra những luận điệu xuyên tạc, không đúng sự thật. Trên cơ sở nhận diện các thông tin sai trái của các thế lực thù địch, bài viết đã nêu rõ các quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam và đưa ra những kết quả minh chứng cho việc Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để thúc đẩy bình đẳng giới.
 

Việt Nam nằm trong số những nước có chỉ số bình đẳng giới cao nhất thế giới - Ảnh: TTXVN

1. Nhận diện những luận điệu sai trái, xuyên tạc về bình đẳng giới ở Việt Nam
Mục tiêu bình đẳng giới đã được ghi rõ trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam là “xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình” và Việt Nam đang được bạn bè quốc tế ghi nhận là một trong những quốc gia hoàn thành sớm nhất Mục tiêu thiên niên kỷ về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ (1).
Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động và một số hãng truyền thông nước ngoài đã tung ra những bài viết, bài nói, bản tin, hình ảnh, video... xuyên tạc sự thật về sự thành công của Việt Nam trong thực hiện bình đẳng giới nhằm bóp méo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam.
Những kẻ mệnh danh cho các vấn đề dân chủ, nhân quyền đã lu loa rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, vi phạm nhân quyền trong bình đẳng giới, Đảng Cộng sản Việt Nam toàn đưa ra những số liệu không chính xác, những thông tin có tính chất mị dân để lừa bịp nhân dân nói chung và chị em nói riêng, còn trong thực tế phụ nữ Việt Nam bị bất bình đẳng trong tất cả các lĩnh vực và bị phân biệt đối xử đang là nỗi thống khổ của chị em dưới chế độ hiện nay; quyền của phụ nữ Việt Nam không được coi trọng. Chúng còn rêu rao rằng ở Việt Nam không có bình đẳng giới.
Bằng những thủ đoạn tinh vi và luận điệu hết sức xảo trá, các thế lực thù địch, phản động âm mưu làm cho một bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ mất niềm tin và nảy sinh hoài nghi đối với Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam về vấn đề bình đẳng giới, chia rẽ tinh thần đoàn kết của phụ nữ các vùng miền, thành phần, dân tộc khác nhau, nhất là dân tộc thiểu số. Đặc biệt, các hành động này còn hòng gây tâm lý tự ti, mặc cảm trong chị em phụ nữ và khiến cho một số chị em không ý thức đúng trách nhiệm của bản thân đối với gia đình và xã hội, giảm động lực phấn đấu, cống hiến và tinh thần bất khuất, kiên cường của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Ngoài ra, các thế lực thù địch, phản động này còn tìm cách cổ xúy việc hình thành các hội, nhóm, tổ chức mang tên: “Hội dân oan”, “Hội phụ nữ nhân quyền”, “Hội bầu bí tương thân”…; kêu gọi phụ nữ tham gia hoặc cầm đầu, vận động các tổ chức quốc tế trao “giải thưởng nhân quyền” cho các đối tượng vi phạm pháp luật là phụ nữ bị bắt, xử lý ở trong nước… để khích lệ những đối tượng này hoạt động mạnh mẽ hơn, chống lại Đảng và Nhà nước một cách quyết liệt hơn.
Với vỏ bọc “bảo vệ nhân quyền” và “phản biện xã hội”, đưa tiếng nói, ý chí, nguyện vọng của người dân Việt Nam nói chung, phụ nữ nói riêng vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; được sự hậu thuẫn, tiếp tay của các cá nhân, tổ chức người Việt lưu vong ở nước ngoài, các hội nhóm này đã chống phá Đảng và Nhà nước, có những hành động đi ngược với lợi ích quốc gia dân tộc, làm lu mờ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và tầm quan trọng của các tổ chức chính trị - xã hội(2), hướng lái dư luận trong nước và quốc tế hiểu sai lệch về bình đẳng giới ở Việt Nam.
2. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về bình đẳng giới và sự thật không thể phủ nhận
Ngay từ khi thành lập mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và vấn đề “nam nữ bình quyền” được ghi nhận trong Chánh cương vắn tắt của Đảng. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930 đã ban hành Nghị quyết về “Phụ nữ vận động”, trong đó nêu rõ: “Lực lượng cách mạng của phụ nữ là một cái lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc tranh đấu cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được”(3).
Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết số 152-NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận và chỉ rõ: Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy hết khó khăn, trở ngại của phụ nữ...(4).
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 07-6-1984, về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ đã đặt ra yêu cầu phát huy hơn nữa vị trí, vai trò của phụ nữ Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng: “Nhiều cấp ủy đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ... còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em...”.
Quan điểm bình đẳng giới của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị thời kỳ đổi mới đất nước, đáng chú ý là:
Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 12-7-1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới đã nhấn mạnh sự nghiệp giải phóng phụ nữ và công tác phụ nữ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể nhân dân, của toàn xã hội và từng gia đình. Vì vậy, “phải xem giải phóng phụ nữ là một mục tiêu và nội dung quan trọng của công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”(5).
Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới xác định: “Nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia quản lý nhà nước, tham gia quản lý kinh tế - xã hội là yêu cầu quan trọng để thực hiện quyền bình đẳng, dân chủ của phụ nữ, là điều kiện để phát huy tài năng trí tuệ và nâng cao địa vị xã hội của phụ nữ. Chống lại những biểu hiện lệch lạc, coi thường phụ nữ, khắt khe, hẹp hòi trong đánh giá cán bộ nữ”(6).
Sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW về công tác cán bộ nữ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với mục tiêu: “Phấn đấu để nước ta là một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất khu vực”. Tiếp đó, Thông báo số 196-TB/TW ngày 16-3-2015 kết luận của Ban Bí thư về Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới”.
Để giải quyết những tồn tại, bất cập trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20-01-2018 nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả, bền vững các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác phụ nữ.
Sự quan tâm của Đảng ta đối với công tác bình đẳng giới được thể hiện xuyên suốt trong tất cả các kỳ Đại hội Đảng. Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”(7).
Chủ trương quan tâm bảo đảm bình đẳng giới của Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện ở các nghị quyết, chỉ thị và đã được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước: Quốc hội ban hành Hiến pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 15 pháp lệnh; có khoảng 45 bộ luật, luật liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Chính phủ ban hành 1.413 nghị định; xem xét lồng ghép vấn đề bình đẳng giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngày 3-3-2021, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 ban hành cùng Nghị quyết số 28/NQ-CP(8).
Bộ máy thúc đẩy bình đẳng giới tương đối hoàn thiện và mang tính hệ thống từ Trung ương đến địa phương. Từ góc độ lập pháp, có Ủy ban Xã hội của Quốc hội (trước đây là Ủy ban Các vấn đề xã hội). Ủy ban Xã hội của Quốc hội làm nhiệm vụ thẩm tra việc lồng ghép giới, tham mưu cho Quốc hội và Chính phủ ban hành khung chính sách, pháp luật về bình đẳng giới. Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội là cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề bình đẳng giới. Ngoài ra, có nhiều cơ quan tham mưu về bình đẳng giới như: Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ở các bộ, các ngành và ở các địa phương; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ…
Những nỗ lực của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thực hiện bình đẳng giới, bảo đảm tốt các quyền bình đẳng giữa nam và nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ tích cực đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển bền vững đất nước.
Trong lĩnh vực chính trị, hiện nay Việt Nam đứng thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á về tỷ lệ nữ tham gia cơ quan dân cử; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính và trong công tác quản lý.
Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nhiệm kỳ 2021-2026 là 9,5% với số lượng 19 ủy viên nữ trong Ban Chấp hành Trung ương gồm 18 nữ ủy viên chính thức và 01 nữ ủy viên dự khuyết; tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh đạt 16%; 61 tỉnh có cán bộ nữ trong Ban Thường vụ; tham gia Hội đồng nhân dân: cấp tỉnh đạt 29%, cấp huyện đạt 29,2%, cấp xã đạt 28,98 %(9). Tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có 15 trên tổng số 30 bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan trực thuộc Chính phủ có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 50%, tăng 3,4% so với năm 2021.
Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV được bầu năm 2021 gồm 151 người đạt 30,26% trong số 499 đại biểu Quốc hội trúng cử và đây là lần thứ hai Việt Nam có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30% kể từ khi đạt 32,31% là Quốc hội khóa V được bầu vào năm 1975. Kết quả này không chỉ đáp ứng yêu cầu về cơ cấu đại biểu nữ trong các cơ quan dân cử mà còn bảo đảm có sự tham gia của phụ nữ trong việc hoạch định các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và các vấn đề xã hội.
Nhiều vị trí quan trọng ở Trung ương và địa phương như Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, Trưởng các Ban Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư tỉnh ủy, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh… đã được tin tưởng giao cho phụ nữ đảm nhiệm trong những năm qua.
Trong lĩnh vực kinh tế, với tỷ lệ 50,2% dân số và 47,3% lực lượng lao động, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế. Tỷ lệ nữ giới và nam giới tham gia hoạt động kinh tế tại Việt Nam tương đương nhau (nữ chiếm 83%, nam chiếm 85%). Phụ nữ Việt Nam có nhiều cơ hội để mang lại thu nhập cao hơn cho bản thân và gia đình, góp phần tích cực để thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển. Ngân hàng thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động kinh tế.
Tại châu Á, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ hai về số lượng nữ lãnh đạo cấp cao trong các doanh nghiệp với tỷ lệ 36%, đứng đầu là Philíppin (37,46%). Các nước có tỷ lệ nữ lãnh đạo doanh nghiệp cao xếp sau Việt Nam gồm: Xinhgapo (33,04%), Inđônêxia (31,85%), Hàn Quốc (29,89%), Ấn Độ (28,16%), Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (24,17%), Malaixia (22,68%), Thái Lan (19,39%), Nhật Bản (15,43%)…(10).
Những tấm gương như bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng Giám đốc của VietJet Air, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Quản trị Ngân hàng HDBank, bà Mai Kiều Liên - Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), bà Thái Hương - Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á Bank, Chủ tịch Tập đoàn TH (True milk) …được xem là những nữ doanh nhân thành đạt trên thương trường và tạo dựng được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam. Các nữ doanh nhân xuất sắc này không chỉ được đánh giá cao tại Việt Nam, trong khu vực mà trên thế giới.
Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, ngày càng có nhiều chị em có năng lực, trình độ, có học hàm, học vị, nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ sở giáo dục - đào tạo: 90% phòng giáo dục - đào tạo có nữ tham gia ban lãnh đạo; 90% cơ sở giáo dục đại học có nữ tham gia hội đồng trường, ban giám hiệu, ban giám đốc; 40% nữ tiến sĩ trên tổng số tiến sĩ đang công tác trong các cơ sở giáo dục - đào tạo(11).
Theo số liệu thống kê năm 2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 của nữ đạt 97,33% so với nam giới là 97,98%. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số biết chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt 93,6%, trong đó, tỷ lệ nữ dân tộc thiểu số biết chữ đạt 92,58%(12). Do đó, khoảng cách nhập học ở các cấp học, bậc học giữa học sinh nam và học sinh nữ hiện nay đã được thu hẹp gần như tương đương. Trong thời gian qua, số lượng nữ sinh tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế đã tăng lên đáng kể, nhiều nữ sinh đã đạt các giải cao trong các kỳ thi quốc gia và quốc tế.
Số lượng nhà khoa học nữ chiếm tỷ lệ cao và tăng dần theo thời gian, từ 41% năm 2011 lên 44,8% năm 2015. Số lượng nhà khoa học nữ làm chủ nhiệm các đề tài khoa học công nghệ cấp quốc gia ngày càng nhiều, năm 2016 có 19,2% đề tài cấp quốc gia do nhà khoa học nữ chủ trì(13). Nhiều nhà khoa học nữ đã được tôn vinh, được nhận các giải thưởng trong và ngoài nước do đạt nhiều thành công vang dội về nghiên cứu khoa học. Tính đến tháng 5-2022 đã có 21 tập thể, 50 nhà khoa học nữ xuất sắc được trao giải thưởng Kôvalépxkaia trong các lĩnh vực: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Nông nghiệp, Y học, Công nghệ thông tin…(14).
Trong lĩnh vực văn hóa thể thao, phụ nữ đã phát huy vai trò quan trọng trong xây dựng văn hóa con người và gia đình Việt Nam, xây dựng nếp sống văn minh trong các khu dân cư, phát hiện và nuôi dưỡng các tiềm năng văn hóa ở các vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, tích cực bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan, các phong tục, tập quán lạc hậu…
Ở nước ta, ngày càng có nhiều chị em phụ nữ quan tâm và tham gia vào hoạt động thể thao, không chỉ tích cực tập luyện hàng ngày để nâng cao sức khỏe mà còn hăng hái tham gia các giải đấu chuyên nghiệp. Các nữ vận động viên Việt Nam khi tham gia các giải đấu thể thao trong khu vực và trên thế giới đều được động viên, quan tâm kịp thời và đã đạt được rất nhiều thành tích xuất sắc, để lại những dấu ấn không nhỏ cho thể thao Việt Nam, đặc biệt là các môn bóng đá, cử tạ, điền kinh, nhảy cầu, Judo…
Tại SEA Games 31 năm 2021, thể thao Việt Nam giành được 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc và 116 Huy chương Đồng. Điều đặc biệt là, trong số các huy chương đó, các vận động viên nữ đã giành được 103 tấm Huy chương Vàng, 56 Huy chương Bạc và 63 Huy chương Đồng, chiếm gần một nửa (với tỷ lệ 49,7%) tổng số huy chương mà Đoàn thể thao Việt Nam đạt được. Đã có những nữ vận động viên đạt thành tích đặc biệt xuất sắc như: Nguyễn Thị Hương giành 4 Huy chương Vàng môn canoeing, Nguyễn Thị Oanh giành 3 Huy chương Vàng môn điền kinh, Dương Thúy Vi giành 2 Huy chương Vàng môn wushu…(15).
Trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe, tỷ lệ phụ nữ Việt Nam được tiếp cận các dịch vụ y tế là hơn 90%. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam tính đến năm 2022 là 73,6 tuổi, nhưng tuổi thọ khỏe mạnh của nam là 63,2 tuổi và của nữ là 70,0 tuổi(16). Tỷ lệ chị em được khám thai và chăm sóc sức khỏe sinh sản đã được chú ý hơn và tăng dần hàng năm chính là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao sức khỏe và tuổi thọ cho phụ nữ.
Trong hệ thống y tế công của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ lao động nữ đang cao hơn nam trong cơ cấu nhân lực chung. Ở khu vực y tế từ tuyến tỉnh trở xuống tuyến xã, mặc dù số lượng bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa tỷ lệ nam nhiều hơn nữ, song nhân viên điều dưỡng và hộ sinh nữ lại chiếm số lượng cao hơn nam.
Trong gia đình, vai trò và tiếng nói của phụ nữ khi quyết định các vấn đề hệ trọng được khẳng định rõ nét hơn. Đã có nhiều thay đổi tích cực trong quan niệm về người chủ gia đình, về việc sinh con trai hay con gái, về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên. Nhờ có khung chính sách pháp luật tương đối toàn diện theo xu hướng tiếp cận quyền con người và không phân biệt đối xử nên mức độ sở hữu và kiểm soát các tài sản quan trọng của phụ nữ Việt Nam hiện nay đã được pháp luật bảo vệ tốt hơn so với trước kia.
Với sự cố gắng bền bỉ trong nhiều năm qua, công tác bình đẳng giới ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, được thế giới công nhận là một trong mười quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 (trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc) về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái. Đây chính là minh chứng hùng hồn bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc về bình đẳng giới ở Việt Nam; khẳng định sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với việc thực hiện bình đẳng giới.

_________________

Ngày nhận: 22-8-2023; Ngày bình duyệt: 26-8-2023; Ngày duyệt đăng:   6 -9-2023.

(1) Trần Nhung: Phê phán những quan điểm sai trái về bình đẳng giới, thainguyen.gov.vn, ngày 04-3-2023.

(2) Không thể phủ mờ những nỗ lực trong bảo đảm bình đẳng giới ở Việt Nam, cand.vn, ngày 06-3-2023.

(3) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.188.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.28, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.10.

(5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.53, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.18, tr.364.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 169.

(8), (9) Phạm Hạnh Sâm: Việt Nam đạt nhiều thành tựu về bình đẳng giới, TTXVN, ngày 19-10-2022.

(10) N.BÌNH: Việt Nam đứng thứ hai châu Á về tỷ lệ phụ nữ làm lãnh đạo trong doanh nghiệp, 2019.

(11) Bình đẳng giới ngành Giáo dục phải thực chất, hiệu quả, tránh hình thức, https://moet.gov.vn.

(12), (13) Báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ngày 17-10-2019.

(14) https://vtv.vn/xa-hoi/trao-giai-kovalevskaia-cho-nha-khoa-hoc-nu-xuat-sac-20220516131315644.htm.

(15) Hoài Việt: Những cô gái quả cảm của thể thao Việt Nam, ngày 18-10-2022.

(16) Nhật Dương: Tuổi thọ người Việt cao nhưng không khỏe mạnh, ngày 05-12-2022. 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền