Trang chủ    Diễn đàn    Phản bác các luận điệu xuyên tạc về giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh
Thứ hai, 11 Tháng 9 2023 16:38
18954 Lượt xem

Phản bác các luận điệu xuyên tạc về giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh

TS NGUYỄN THỊ HUYỀN TRANG
Trường Đại học Công đoàn

(LLCT) - Tìm cách bóp méo sự thật bằng những luận điệu sai trái đã và đang là thủ đoạn quen thuộc của các thế lực thù địch nhằm thao túng nhận thức, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Thủ đoạn này lại được sử dụng để cố tình xuyên tạc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam khi khẳng định giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh. Bài viết tập trung nhận diện và phản bác quan điểm sai trái trên, từ đó rút ra một số vấn đề cần làm để góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị và sức sống trường tồn cùng dân tộc.
 

Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi - Ảnh: TTXVN

 “Tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(1) là nhận định của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Văn kiện Đại hội XI (năm 2011). Đó là sự khẳng định đanh thép, hùng hồn về giá trị trường tồn, sức sống lâu bền của tư tưởng Hồ Chí Minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc từ quá khứ, hiện tại đến tương lai.
Quan điểm trên của Đảng đã và đang là chủ đề được các thế lực thù địch đặc biệt quan tâm, đào xới, cắt gọt, xuyên tạc với hai mục tiêu: vừa hạ bệ uy tín, danh dự, năng lực lãnh đạo của Đảng, vừa tạo tâm lý hoang mang, hoài nghi về giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Những âm mưu và thủ đoạn thấp hèn đó không thể phủ nhận được vai trò và năng lực lãnh đạo của Đảng, không thể làm xấu đi hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm giảm đi sự yêu mến, tôn kính của nhân dân Việt Nam dành cho Bác và càng không thể làm lung lay giá trị trường tồn, sức sống lâu dài của tư tưởng Hồ Chí Minh với dân tộc Việt Nam.
1. Nhận diện và phản bác các luận điệu xuyên tạc quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh
Đảng Cộng sản Việt Nam lần đầu tiên đưa ra khái niệm tư tưởng Hồ Chí Minh tại Đại hội VII (năm 1991), được bổ sung tại Đại hội IX (năm 2001) và được khái quát, hoàn chỉnh tại Đại hội XI (năm 2011) như sau: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam; kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”(2).
Khái niệm trên đã nêu rõ bản chất khoa học, cách mạng và nội dung cơ bản, cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt, khái niệm đã khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi.
Một sự thật hiển nhiên, một nhận định đã quá rõ ràng và được chứng minh bằng chính thực tiễn cách mạng Việt Nam thì khó có thể phủ nhận, vậy mà các tổ chức phản động như Việt Tân, Hội anh em dân chủ, các phần tử lưu vong… đã kích động các đối tượng phản động, cơ hội chính trị trong nước, lợi dụng mạng xã hội để “rêu rao”, lan truyền tin xấu, độc nhằm hạ bệ uy tín, danh dự, năng lực lãnh đạo của Đảng, cố tình phủ nhận giá trị, sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nhận diện các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Vẫn với chiêu trò không hề mới, các thế lực thù địch đã sử dụng lối suy nghĩ “câu chữ”, “tiểu tiết”, “cắt ghép sự kiện” kèm theo những câu từ, ngôn ngữ xảo trá và một thái độ hằn học, bất mãn hòng dẫn dắt dư luận đi theo lối suy nghĩ lạc nhịp của chúng. Xuyên tạc quan điểm của Đảng: “Tư tưởng Hồ Chí mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”, các thế lực thù địch đã cố tình xoáy sâu vào cụm từ “mãi mãi soi đường”. Họ còn phân tích ý nghĩa cụm từ “mãi mãi” theo một căn cứ rất đáng tin cậy là cuốn Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học. Theo đó, “mãi mãi là một cách kéo dài liên tục và không bao giờ ngừng, không bao giờ kết thúc”(3). Cách phân tích tiểu tiết câu chữ và cách lập luận có vẻ như rất khoa học, thuyết phục nhằm dẫn dắt người đọc nhận thức lệch lạc rằng: Một là, Đảng Cộng sản Việt Nam đang mắc căn bệnh chủ quan, duy ý chí trong việc xây dựng đường lối lãnh đạo, do vậy, Đảng không đủ năng lực lãnh đạo cách mạng Việt Nam; Hai là, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ có giá trị trong một giai đoạn nhất định, không thể có giá trị trường tồn, mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Các thế lực thù địch rêu rao rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng lãnh đạo, là “đại diện cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại” ấy vậy mà trong quá trình xây dựng đường lối, Đảng lại sa vào bệnh chủ quan, duy ý chí, áp đặt một chiều rằng: tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị vĩnh viễn, mãi mãi soi đường cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi, như vậy là làm sai quy luật vận động khách quan. Các thế lực xấu còn lợi dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin để lập luận rằng: ý thức là sự phản ánh năng động, sáng tạo thế giới khách quan vào đầu óc con người, là sản phẩm của quá trình phát triển của tự nhiên và lịch sử - xã hội. Vậy cớ sao Đảng Cộng sản Việt Nam lại chủ quan và áp đặt cho nhân dân Việt Nam một tư tưởng duy nhất là tư tưởng Hồ Chí Minh để soi đường đi cho dân tộc từ quá khứ đến hiện tại và tương lai? Trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng, tư tưởng cũ sẽ lỗi thời và cần phải thay thế bằng tư tưởng mới, tiến bộ, đó mới là hợp quy luật khách quan. Một chính đảng mà xây dựng đường lối lãnh đạo bằng cách áp đặt, chủ quan, không tôn trọng quy luật khách quan tức là còn yếu kém trong năng lực lãnh đạo, không xứng đáng là đảng cầm quyền.
Chúng cho rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam “thổi phồng”, “phóng đại” ý nghĩa, giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng Hồ Chí Minh ra đời ở Việt Nam đầu thế kỷ XX để phục vụ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đó là một mớ lý thuyết giáo điều, là sự sao chép máy móc từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Do vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ phù hợp và phát huy vai trò, giá trị trong giai đoạn Việt Nam tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc, còn với giai đoạn sau, khi Hồ Chí Minh đã mất, Việt Nam đi vào giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước thì tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ lỗi thời, không còn phù hợp để soi đường. Như vậy, nếu như Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn, vĩnh cửu trong thời đại ngày nay là một sự phi lý, bảo thủ, khiên cưỡng khiến Việt Nam không thể phát triển.
Phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch
Thứ nhất,
Đảng Cộng sản Việt Nam có phải là yếu kém trong năng lực lãnh đạo vì sa vào bệnh chủ quan, duy ý chí? Những lý lẽ, lập luận mà các thế lực thù địch đưa ra không đủ thuyết phục, thông tin thì không chính xác, thiếu căn cứ. Đây là lối suy nghĩ bắt bẻ câu chữ, đánh giá dựa theo nghĩa hẹp của những câu từ bị cắt gọt, bị đặt riêng lẻ chứ không đánh giá dựa trên tổng thể quá trình Đảng lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Cách đánh giá này nhìn qua đã thấy chủ đích của người viết là cố tình bẻ lái ngòi bút, đưa dư luận theo chiều hướng tiêu cực.
Thực tiễn lịch sử đã chứng minh, mùa Xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, một Đảng non trẻ đã vững tay chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt bao thác ghềnh, gặt hái nhiều thành quả vinh quang. Nếu không có năng lực lãnh đạo thì làm sao chỉ sau 15 năm thành lập, Đảng đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, chấm dứt hơn 80 năm ách đô hộ của thực dân Pháp. Nếu không có năng lực lãnh đạo thì làm sao Việt Nam giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ? Nếu không có năng lực lãnh đạo thì làm sao Việt Nam gặt hái được nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước giàu mạnh như ngày nay?... Niềm tin yêu, sự trung thành, kiên định của nhân dân với Đảng là minh chứng hùng hồn khẳng định vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo của Đảng trong lòng dân tộc. Sự lãnh đạo tài tình của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chủ quan, duy ý chí, không áp đặt một chiều khi khẳng định giá trị trường tồn, “mãi mãi soi đường” của tư tưởng Hồ Chí Minh bởi lẽ, trong suốt các chặng đường cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh là ánh sáng soi đường, là kim chỉ nam định hướng hành động cho Đảng và nhân dân Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là chỗ dựa vững chắc để Đảng vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, dẫn đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đi tới thắng lợi. Tư tưởng Hồ Chí Minh trường tồn, bất diệt cùng với sự phát triển vững mạnh của dân tộc Việt Nam. Chân lý này đã được lịch sử chứng minh, được nhân dân ghi nhận, đánh giá khách quan. Nhìn lại thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đã cho thấy bài học kinh nghiệm sâu sắc được rút ra là: nhờ sự kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã giải quyết và đáp ứng được yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới và phù hợp với quy luật phát triển của thời đại. Do vậy, Đảng khẳng định “tư tưởng Hồ Chí Minh mãi mãi soi đường” hoàn toàn không mang tính chủ quan, áp đặt như sự xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thứ hai, Đảng Cộng sản Việt Nam “thổi phồng”, “phóng đại” giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh?
Tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường cách mạng vô sản và sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam - tổ chức mà Người sáng lập, rèn luyện đã giúp cho sự nghiệp giải phóng của dân tộc Việt Nam giành được nhiều thắng lợi mang tính lịch sử, mang lại nền độc lập cho nước nhà đã khẳng định công lao to lớn và giá trị vững bền của tư tưởng Hồ Chí Minh với non sông, đất nước.
Từ khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội cho đến nay, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
Phải khẳng định, tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam là một nội dung trọng tâm trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh. Tư tưởng của Người được thể hiện qua những bài nói, bài viết về CNXH được tập hợp trong những tư liệu chính thống như bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập hay Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử… Trong di sản để lại, Hồ Chí Minh nhiều lần bàn về con đường cách mạng Việt Nam từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân phải đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1930, trong “Chánh cương vắn tắt của Đảng”, Hồ Chí Minh đã khẳng định phương hướng chiến lược của cách mạng Việt Nam là “làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”, “để đi tới xã hội cộng sản”(4). Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và kinh nghiệm xây dựng CNXH ở nước Nga Xô viết, Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống quan điểm về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Luận điệu quan điểm của Hồ Chí Minh về CNXH đã lỗi thời và không còn phù hợp là hoàn toàn sai vì góc nhận thức của họ thiển cận, tư duy hạn hẹp và cố chấp. Trong các văn kiện của Đảng thời kỳ mới luôn khẳng định: trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục kiên định mục tiêu xây dựng đất nước theo con đường XHCN. Công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH đang được thực hiện ở Việt Nam đã minh chứng cho sự tồn tại và giá trị soi đường của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng XHCN.
Nghiên cứu kỹ tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam chúng ta thấy, đó là những quan điểm toàn diện, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc: “Đó là xã hội do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và chế độ công hữu về tư liệu sản xuất chủ yếu; có trình độ phát triển cao về văn hóa và đạo đức, bảo đảm sự công bằng, hợp lý trong các quan hệ xã hội; chủ nghĩa xã hội là một công trình tập thể của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản”(5). Những kết quả mà Đảng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tiến trình xây dựng CNXH ở Việt Nam mới thấy những quan điểm của Người là tiến bộ, tích cực. Do vậy, nếu nói tư tưởng Hồ Chí Minh về CNXH và xây dựng CNXH ở Việt Nam là lỗi thời, lạc hậu, không có giá trị thực tiễn chính là thoát li thực tiễn và cố tình bóp méo sự thật.
Phải khẳng định rằng, Đảng và nhân dân Việt Nam luôn kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh từ quá khứ, hiện tại và tương lai. Chắc chắn đó không phải là sự bảo thủ mà là kết quả của quá trình nhận thức khoa học, khoa học và khách quan, được kiểm chứng trong thực tiễn cách mạng. Trải qua những biến cố to lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh đã vượt qua tư tưởng của nhiều nhà yêu nước trước đó, trở thành hệ tư tưởng duy nhất giải quyết được biến cố của lịch sử dân tộc vào đầu thế kỷ XX. Cũng dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước theo con đường CNXH đã mang lại cho Việt Nam sự phát triển toàn diện, vượt trội so với thời kỳ trước đổi mới: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(6). Từ những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng và nhân dân ta đã rút ra bài học kinh nghiệm quý báu cho “tương lai” là phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.
Tư tưởng Hồ Chí Minh có giá trị vĩnh cửu tới muôn đời sau còn là bởi mục đích, lý tưởng cao cả mà tư tưởng Hồ Chí Minh hướng tới là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người thông qua khát vọng giành độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, ấm no, hạnh phúc cho mỗi con người. Một hệ tư tưởng có tính hướng thiện, luôn hành động vì lợi ích thiết thực của con người, luôn hướng con người tới các giá trị nhân văn cao cả, với thái độ “làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”(7), hệ tư tưởng đó được lan tỏa là điều tất nhiên. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh đã tiếp nối những triết lý nhân văn mà cha ông để lại, định hướng đúng đắn cho sự phát triển của mỗi cá nhân và toàn xã hội trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một “sản phẩm văn hóa” được hình thành, phát triển trên cơ sở kế thừa, chọn lọc những tư tưởng, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, lại được nhìn nhận qua lăng kính của một con người vĩ đại có tư chất thông minh, có phẩm chất đạo đức trong sáng nên “sản phẩm văn hóa” này tất yếu sẽ được lưu truyền tới các thế hệ mai sau. Hơn thế nữa, Hồ Chí Minh được đánh giá là con người Việt Nam ưu tú nhất, Người là sự kết tinh của trí tuệ, tình cảm, nhân cách, bản lĩnh, văn hóa và khí phách của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Do vậy, khẳng định giá trị trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là sự tôn vinh, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
2. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ mãi trường tồn cùng dân tộc Việt Nam
Thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo sự thật, phủ nhận quan điểm của Đảng ta về giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh dù được lập luận logic, kín kẽ đến đâu, ngụy trang khéo léo mức nào và dù được các phần tử cơ hội, phản động hỗ trợ đắc lực để phát tán trên không gian mạng thì thật - giả, trắng - đen cũng vẫn được phơi bày, mưu đồ xấu xa của các thế lực thù địch cũng bị nhận diện. Tuy nhiên, cho dù mưu đồ đen tối bị phơi bày sẽ lại có thêm những sự xuyên tạc khác xuất hiện vì đây là biện pháp “phi vũ trang” trong chiến lược “diễn biến hòa bình” mà chúng sử dụng nhằm nhằm lật đổ chế độ chính trị ở các nước XHCN từ bên trong, tiến tới xóa bỏ CNXH trên phạm vi toàn cầu. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, để tư tưởng Hồ Chí Minh có sức sống trường tồn cùng dân tộc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phải nhất quán trong nhận thức và hành động:
Một là, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế hiện nay, thời cơ và thách thức luôn đan xen, cũng là môi trường thuận lợi để các thế lực thù địch ra sức chống phá cách mạng Việt Nam, hòng làm chệch hướng con đường xã hội chủ nghĩa của đất nước. Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần quán triệt hơn nữa mục tiêu con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, đó là nguyên tắc bất biến, không thỏa hiệp trong bất cứ điều kiện nào.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; chống lại quan điểm “tuyệt đối hóa” tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận, tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin, bởi lẽ, các thế lực thù địch đang cố gắng công kích để phân tách chủ nghĩa Mác - Lênin với tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm hạ thấp giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh, coi tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là sự sao chép máy móc từ chủ nghĩa Mác - Lênin. Mỗi nhà tư tưởng khi hình thành tư tưởng của mình thường gắn bó với một hệ tư tưởng nào đó đã có, kế thừa có chọn lọc, sáng tạo, phát triển hoặc vượt qua. “C.Mác và Ph.Ănghen ban đầu cũng tham gia phái Hêghen rồi sau mới kế thừa phủ định hệ tư tưởng duy tâm biện chứng của Hêghen và sáng lập ra chủ nghĩa duy vật biện chứng mácxít”(8). Sau này, “V.I.Lênin đã phát triển và làm giàu thêm chủ nghĩa Mác bằng một hệ thống những luận điểm sáng tạo khi chủ nghĩa tư bản từ giai đoạn tự do cạnh tranh đã chuyển sang giai đoạn tư bản độc quyền”(9). Đến Hồ Chí Minh, Người không chỉ kế thừa, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phát triển và làm phong phú tư tưởng đó trong điều kiện mới. Đảng đã nhận định: “trong khi giải quyết những vấn đề của cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin trên nhiều vấn đề quan trọng, đặc biệt là lý luận về cách mạng giải phóng dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội ở các nước thuộc địa và phụ thuộc...”(10).
Hai là, nâng cao tinh thần cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình”. Các thủ đoạn xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch ngày nay diễn ra rất phong phú, đa dạng trên nhiều mặt trận, cả về tư tưởng, lý luận, văn hóa, kinh tế, tôn giáo, quốc phòng - an ninh… Chúng lợi dụng các mạng xã hội như youtube, facebook, tiktok… để đăng tải các bài viết, clip giả, thông tin xấu độc. Đây chính là “một chiến trường không tiếng súng” nhưng vô cùng quyết liệt và cam go. Trước những thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần nêu cao cảnh giác để nhận rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là nhiệm vụ thường xuyên và trở nên đặc biệt quan trọng hiện nay, có ý nghĩa sống còn, quyết định trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ…
Ba là, nghiên cứu, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách hiệu quả nhất để đẩy nhanh quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Chúng ta kiên định bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, khẳng định sức sống bất diệt và vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh là công việc hết sức quan trọng. Đảng Cộng sản Việt Nam xác định: Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh... Đây là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”(11).
Thời đại ngày nay có những biến đổi rất nhanh chóng, sâu sắc về nhiều mặt. Chủ nghĩa xã hội thế giới không còn tồn tại như một hệ thống, toàn cầu hóa đang diễn ra vừa có mặt tích cực, vừa có mặt tiêu cực. Bối cảnh mới đòi hỏi chúng ta phải kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh phải xuất phát từ thực tiễn, từ những điều kiện và hoàn cảnh mới của đất nước hiện nay, vừa nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vừa tổng kết thực tiễn đất nước, dân tộc, thực tiễn thời đại để tìm ra những luận điểm mới, cách làm mới nhằm giải quyết thành công những vấn đề đang đặt ra.
Tư tưởng Hồ Chí Minh rất phong phú, chứa đựng trong đó những chân lý bền vững đã được kiểm nghiệm. Mỗi thế hệ, mỗi giai đoạn cách mạng, mỗi lĩnh vực cụ thể đều có thể tìm thấy trong di sản tư tưởng của Người những thông điệp cần thiết cho thế hệ mình. Điều đó nói lên hàm lượng chân lý tiềm ẩn phong phú và sức sống bất diệt của tư tưởng Hồ Chí Minh. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, mỗi chúng ta học được ở Người, làm được theo Người những điều tốt trong công việc hằng ngày, “Người ta không thể trở thành một cụ Hồ Chí Minh, nhưng ở cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều làm cho mình trở thành tốt hơn”(12).
Giá trị và sức sống trường tồn của tư tưởng Hồ Chí Minh là bất biến. Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhất quán khẳng định quan điểm trên trong các văn kiện đại hội. Đại hội XIII của Đảng xác định: Phải “kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”(13). Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm cao độ, ra sức học tập, vận dụng, phát triển sáng tạo tư tưởng của Người vào thực tiễn công cuộc xây dựng và phát triển đất nước để “tài sản tinh thần vô giá” đó “mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta giành thắng lợi”, đưa đất nước ta tiến tới tương lai tươi sáng, rạng ngời như điều Người hằng mong.

_________________

(1), (2) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

(3) Hoàng Phê: Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2003, tr.607.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đảng Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1998, tr.2.

(5) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.97-100.

(6), (11), (13) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.25, 33, 109.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.558.

(8), (9) Song Thành: Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc, Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2004, tr.25, 26.

(10) ĐCSVN: Nghị quyết số 09-NQ/HNTW Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa VII, ngày 14-11-1995.

(12) Trần Văn Giàu: Hồ Chí Minh - Vĩ đại một con người, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010. 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền