Trang chủ    Diễn đàn    Chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam
Thứ ba, 10 Tháng 10 2023 10:34
1241 Lượt xem

Chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam

TS NGUYỄN THỊ QUỲNH ANH
 Viện Kinh tế chính trị học,
 Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

(LLCT) - Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã là một bộ phận quan trọng trong hệ thống di sản to lớn, khoa học về cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài viết khái quát một số nội dung chính trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã và sự vận dụng trong xây dựng đường lối, thể chế phát triển kinh tế tập thể và hợp tác xã ở Việt Nam hiện nay.
 

Xuất hiện nhiều mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới hiệu quả - Ảnh: dangcongsan.vn

1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về hợp tác xã

Chủ tịch Hồ Chí Minh có sự quan tâm đặc biệt đến hợp tác xã (HTX) từ rất sớm. Từ năm 1925, trong những bài giảng của Người ở lớp huấn luyện cán bộ tại Quảng Châu. Kế thừa quan điểm của V.I.Lênin về các thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH, Hồ Chí Minh thừa nhận sự tồn tại khách quan của các thành phần kinh tế, trong đó khẳng định, HTX cùng với kinh tế quốc doanh, kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế tư bản quốc gia cấu thành nên cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ xây dựng đất nước. Sự đa dạng về thành phần kinh tế là do sự đa dạng về các hình thức sở hữu tư liệu sản xuất như sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu của người lao động riêng lẻ và sở hữu của nhà tư bản. Như vậy, về bản chất, hợp tác xã được hình thành dựa trên sở hữu tập thể của nhân dân lao động.

Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm về hợp tác xã. Trong tác phẩm Đường Kách mệnh, Người cho rằng: “Hợp tác xã là “góp gạo thổi cơm chung” cho khỏi hao của, tốn công, lại có nhiều phần vui vẻ”(1). Đây là quan điểm mang tính độc lập và sáng tạo rất cao của Người.

Trong khi bàn về HTX, Người nhận thức sâu sắc vai trò của HTX đối với nông dân và nông nghiệp Việt Nam. Theo Người, nếu nông dân biết hợp tác với nhau thì năng suất lao động trong nông nghiệp sẽ tăng lên. Vì vậy, hợp tác hóa trong nông nghiệp là biện pháp quan trọng để đưa nông nghiệp phát triển và là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo XHCN ở miền Bắc.Đặc biệt,

Người còn chỉ ra cách thức để phát triển HTX nông nghiệp: “Gốc của thắng lợi là tổ chức, trước hết là tổ đổi công cho tốt rồi tiến dần lên hợp tác xã nông nghiệp(2). Theo Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng phong trào hợp tác hóa, cần tránh tư tưởng nóng vội, chủ quan duy ý chí, chú trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Phong trào hợp tác hóa phải đi từ thấp đến cao mới phát triển thuận lợi. Muốn tổ chức HTX được tốt, phải phát triển và củng cố các tổ đổi công. Để thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của HTX nói chung và HTX trong nông nghiệp nói riêng, không thể không kể đến vai trò của Nhà nước. Theo đó, Nhà nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ HTX phát triển. Đây là những quan điểm rất đúng với tiến trình hợp tác hóa nông nghiệp ở nước ta.

Ngày nay, tư tưởng về HTX của Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị, là chỉ dẫn quý báu đối với phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp.

2. Chủ trương, thể chế phát triển kinh tế tập thể

a. Chủ trương phát triển kinh tế tập thể

Nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX, Đảng ta đã xây dựng chủ trương phát triển kinh tế tập thể thời kỳ đổi mới.

Thứ nhất, khẳng định kinh tế tập thể là khu vực kinh tế tồn tại khách quan trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam.

Khi Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 05-4-1988 của Bộ Chính trị về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp được ban hành (gọi tắt là Khoán 10), Đảng ta đã xác định HTX nông nghiệp là đơn vị chủ quản, hộ gia đình xã viên là đơn vị kinh tế tự chủ, nhận khoán với HTX. HTX, tập đoàn sản xuất là tổ chức kinh tế tự nguyện của nông dân,... hoạt động theo nguyên tắc tự quản lý, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sản xuất - kinh doanh, có tư cách pháp nhân, bình đẳng trước pháp luật...(3)

Đến “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 chính thức thừa nhận kinh tế tập thể là một bộ phận của nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN, trong đó khẳng định kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và mở rộng. Quan điểm nhất quán được khẳng định trong các kỳ Đại hội tiếp theo(4).

Thứ hai, khẳng định kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể về tư liệu sản xuất.

Đại hội VIII của Đảng nêu rõ: “Kinh tế hợp tác mà nòng cốt là các hợp tác xã là hình thức liên kết tự nguyện của những người lao động nhằm kết hợp sức mạnh của từng thành viên với sức mạnh tập thể để giải quyết có hiệu quả hơn những vấn đề của sản xuất, kinh doanh và đời sống”(5).

Đại hội IX của Đảng xác định: “Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt. Các hợp tác xã dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết rộng rãi những người lao động, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không giới hạn quy mô, lĩnh vực và địa bàn”(6).

Thứ ba, vai trò, vị trí của kinh tế tập thể ngày càng được khẳng định.

Đại hội VIII nêu kinh tế hợp tác đóng vai trò nền tảng của nền kinh tế quốc dân(7) và Đại hội XI khẳng định: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Kinh tế tập thể không ngừng được củng cố và phát triển. Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(8). Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh rằng “kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển”(9).

Thứ tư, Đảng ta đưa ra những nguyên tắc quản trị quốc gia đối với kinh tế tập thể, trong đó, nhất quán vai trò của Nhà nước đối với kinh tế tập thể, như sau:

Nhà nước giữ vai trò ban hành chính sách và pháp luật, tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tạo điều kiện thuận lợi và điều chỉnh hoạt động của HTX thông qua pháp luật.

Nhà nước không can thiệp vào các hoạt động của HTX. HTX do các thành viên tự lập ra và tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Phát triển kinh tế hợp tác và HTX phải phù hợp với từng lĩnh vực kinh tế, xã hội và vùng lãnh thổ, bảo đảm tính phù hợp giữa quan hệ sản xuất và trình độ phát triển của lực lượng sản xuất.

b. Thể chế phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam

Thể chế về phát triển kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX được bổ sung, hoàn thiện trên cơ sở tuân thủ những giá trị của tư tưởng Hồ Chí Minh về HTX cũng như đường lối của Đảng về phát triển kinh tế tập thể.

Trước năm 1986, HTX được thúc đẩy phát triển rộng khắp cả nước, tuy nhiên sự phát triển thiếu nội lực do thực hiện không đầy đủ nguyên tắc tự nguyện, dân chủ. Thực hiện đường lối đổi mới, sự thay đổi từ cơ chế tập trung sang cơ chế thị trường đã tác động lớn đến sự phát triển của HTX. Vì thế, Luật Hợp tác xã năm 1996 ra đời có những tác động tích cực đến sự phát triển HTX thông qua cải thiện nguyên tắc tự chủ của HTX. Nguyên tắc này phần nào tạo ra động lực về kinh tế cho các thành viên HTX.

Năm 2002, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 về “Tiếp tục đổi mới, phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể” đã làm rõ hơn mục tiêu phát triển của kinh tế tập thể và HTX. Nghị quyết xác định cần phải mở rộng HTX với nhiều hình thức, quy mô, ngành nghề, lĩnh vực khác nhau nhằm giúp kinh tế HTX khắc phục yếu kém, nâng cao tốc độ tăng trưởng, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế vào năm 2010.

Luật Hợp tác xã năm 2003 được ban hành thay thế Luật Hợp tác xã năm 1996, có nhiều điểm tiến bộ, HTX không chỉ là tổ chức kinh tế do cá nhân, hộ gia đình có nhu cầu, có chung lợi ích tự nguyện góp vốn theo quy định của pháp luật mà còn là sự tham gia của các pháp nhân. Điều này thổi luồng gió mới vào sự phát triển của HTX do các pháp nhân thường có sức mạnh về nguồn lực tài chính, công nghệ, quản lý,...

Luật Hợp tác xã năm 2003 cũng xác định rõ các vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của HTX, quyền và nghĩa vụ của các xã viên cũng như hoạt động quản lý nhà nước đối với HTX.

Chính phủ đã ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX như Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11-5-2004 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX. Nghị định đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: chính sách đào tạo, bồi dưỡng; chính sách đất đai; chính sách thuế; chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ xúc tiến thương mại; chính sách hỗ trợ ứng dụng đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến ngư và khuyến nông.

Như vậy, Đảng và Nhà nước đã rất nỗ lực trong việc hoạch định đường lối, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho HTX.

Sau một thời gian thi hành, Luật Hợp tác xã năm 2003 bộc lộ những hạn chế cản trở sự phát triển HTX trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Hợp tác xã năm 2012 với nhiều điểm mới:

Một là, thể hiện rõ hơn bản chất và nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX. Về bản chất, khoản 1 Điều 3 Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã”.

So với Luật Hợp tác xã năm 2003, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định số lượng thành viên tối thiểu, đồng thời bổ sung các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của HTX như “tự chủ”, “tự chịu trách nhiệm”, “bình đẳng” và “dân chủ” trong quản lý.

Luật Hợp tác xã năm 2012 đồng thời cũng bỏ đi nội dung “hợp tác xã hoạt động như một loại hình doanh nghiệp” được quy định trong Luật Hợp tác xã năm 2003 để tránh sự nhầm lẫn mục tiêu hoạt động giữa doanh nghiệp và HTX và khắc phục được hạn chế của Luật Hợp tác xã năm 2003 đó là không làm rõ được địa vị pháp lý của HTX trong nền kinh tế thị trường.

Hai là, Luật Hợp tác xã năm 2012 thay đổi tên gọi người tham gia vào HTX, từ “xã viên” như trong luật cũ thành “thành viên”. Cách gọi này thể hiện nguyên tắc kết nạp rộng rãi thành viên của HTX, do đó mở rộng đối tượng thành viên tham gia, bao gồm cả người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam. Đây là điểm mới lần đầu tiên được quy định tại Luật Hợp tác xã năm 2012, giúp thu hút nguồn lực cho phát triển HTX.

Ba là, Luật Hợp tác xã năm 2012 quy định rõ hơn phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX. Trong đó, mở rộng phạm vi ưu đãi, hỗ trợ đối với HTX, liên hiệp HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, như: đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; giao đất, cho thuê đất; ưu đãi về tín dụng, vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; chế biến sản phẩm.

Bốn là, Luật Hợp tác xã năm 2012 có một số thay đổi đối với tổ chức, quản lý HTX, liên hiệp HTX. Chẳng hạn, cách gọi “đại hội xã viên, ban quản trị và ban kiểm soát, chủ nhiệm, xã viên” được thay thế bằng các khái niệm như Ban quản trị, Chủ tịch hội đồng quản trị hay Trưởng ban quản trị, giám đốc, phó giám đốc, thành viên... Cách gọi này góp phần nâng cao hơn vị thế của HTX trong bối cảnh mới.

Ngoài ra, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã tách biệt được chức năng quản lý và chức năng điều hành, đồng thời làm rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các chức danh quản lý, điều hành trong HTX.

Trên cơ sở Luật Hợp tác xã, nhiều chính sách được ban hành góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX là:

Chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực được thực hiện dựa trên Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015-2020; Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29-12-2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX, thành lập mới HTX.

Chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường. Các HTX, liên hiệp HTX được hưởng các chính sách xúc tiến thương mại thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và Thông tư số 171/2014/TT- BTC của Bộ tài chính hướng dẫn cơ chế tài chính để thực hiện chương trình.

Chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Các HTX, liên hiệp HTX được Nhà nước hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia và cấp tỉnh. Ngoài ra, các bộ, ngành phối hợp với các địa phương để hỗ trợ HTX ứng dụng khoa học, công nghệ thông qua các hoạt động khuyến nông, các chương trình khoa học công nghệ phục vụ nông thôn mới,...

Chính sách tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đưa ra những ưu đãi đối với các HTX, liên minh HTX trong tiếp cận nguồn vốn
Nhiều chính sách ưu đãi đối với HTX nông nghiệp được đưa ra, như: chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng (Quyết định số 2261/QĐ-TTg và Thông tư số 15/2016/TT- BNNPTNT ngày 10-6-2016 hướng dẫn điều kiện và tiêu chí thụ hưởng hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đối với HTX nông nghiệp,...); chính sách giao đất, cho thuê đất (Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước cùng các Nghị định sửa đổi bổ sung số 135/2016/NĐ-CP ngày 09-9-2016 và Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14-11-2017; Thông tư số 11/2018/TT-BTC ngày 30-01-2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 77/2014/TT-BTC ngày 16-6-2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định 46); chính sách ưu đãi về tín dụng (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07-9-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 55 cùng nhiều chính sách khác; Chính sách hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh (Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP, hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi).

Các chính sách này góp phần khơi thông điểm nghẽn, đặc biệt điểm nghẽn về vấn đề đất đai, tiếp cận tín dụng cho phát triển kinh tế tập thể, HTX.

3. Đánh giá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam

Chủ trương, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tập thể, HTX được triển khai, đạt những thành tựu quan trọng.

Thứ nhất, số lượng HTX gia tăng nhanh về số lượng. Đến ngày 31-12-2021, số lượng HTX đạt 27.342, tăng 2,5 lần so với năm 2001. Số lượng thành viên HTX đạt 6 triệu thành viên, tăng hơn 400.000 người (9%) so với năm 2001(10).

Thứ hai, hiệu quả hoạt động của HTX ngày càng được nâng cao, thể hiện sự gia tăng về doanh thu, lợi nhuận, thu nhập của thành viên HTX.

Năm 2021, doanh thu bình quân của HTX tăng 2,5 lần so với năm 2001, đạt gần 2,7 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân của HTX đạt hơn 200 triệu đồng, cao hơn 123 triệu đồng so với lợi nhuận bình quân của HTX năm 2001. Thu nhập bình quân của thành viên HTX được cải thiện đáng kể, theo đó, mỗi người lao động trong HTX có thu nhập là 51,67 triệu đồng/năm, tăng 6,4 lần so với năm 2001. So với các hộ không là thành viên HTX, thu nhập của hộ là thành viên HTX cao hơn khoảng 30%, riêng Thành phố Hồ Chí Minh là 35,7%. Nhờ hoạt động có tổ chức nên thành viên HTX có lợi hơn khi tham gia vào thị trường, giảm được chi phí sản xuất khoảng 25%, có sức mạnh và khả năng thương lượng giá cao hơn khoảng 10% so với các hộ không là thành viên của HTX(11).

Thứ ba, HTX đóng góp vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Các thành viên HTX nông nghiệp cải thiện đáng kể thu nhập. Các cơ chế ưu đãi từ Nhà nước giúp các thành viên HTX nông nghiệp được tiếp cận vật tư, phân bón đầu vào giá rẻ đồng thời bán được hàng hóa với giá cao hơn thị trường, góp phần cải thiện thu nhập của các hộ trong HTX nông nghiệp khoảng 14%(12).

HTX là cách thức tổ chức sản xuất hiệu quả, khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giúp nông nghiệp chuyển sang sản xuất hàng hóa lớn. HTX góp phần tập trung vốn, tập trung đất đai, từ đó dễ dàng áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất lao động, năng lực của kinh tế nông nghiệp.

HTX nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong xây dựng các mô hình sản xuất hiện đại, như sản xuất theo chuỗi giá trị hay thúc đẩy liên kết trong sản xuất. Đến năm 2021, cả nước xây dựng được 21.000 mô hình liên kết chuỗi giá trị. Nhiều HTX liên kết với các siêu thị, doanh nghiệp lớn để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh.

Bên cạnh những thành tựu, sự phát triển kinh tế tập thể, HTX của Việt Nam thời gian qua còn nhiều hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, biểu hiện ở một số khía cạnh sau:

Một là, số lượng thành viên trung bình của HTX giảm. Năm 2021, mỗi HTX trung bình có 208 thành viên, giảm gần một nửa so với năm 2001 (478 thành viên/HTX). Xu hướng này vừa phản ánh quy mô nhỏ lẻ của HTX, vừa đi ngược với xu thế phát triển HTX trên thế giới.

Hai là, năng lực nội tại của HTX còn yếu, đặc biệt về trình độ công nghệ, cơ sở vật chất, do đó khó tạo ra được sản phẩm có tính cạnh tranh cao trong điều kiện kinh tế thị trường hội nhập.

Ba là, vẫn còn tình trạng các HTX đăng ký mang tính hình thức, chưa chủ động trong việc tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, mối liên kết giữa các HTX còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ do đó sức mạnh thương lượng trên thị trường thấp. Nhiều HTX còn chưa liên kết được với các doanh nghiệp để tạo thành chuỗi giá trị. Đặc biệt, các HTX thường tham gia những khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị.

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên được nêu trong Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18-3-2002 của Ban Chỉ đạo Trung ương, như: hạn chế trong công tác tuyên truyền, phổ biến; chưa quan tâm đúng mức đến công tác tổng kết thực tiễn về xây dựng các mô hình HTX,... Từ nghiên cứu, tổng kết cho thấy, hai nguyên nhân cơ bản cản trở hiệu quả hoạt động của HTX trong thời gian qua. Nguyên nhân thứ nhất đến từ chính năng lực yếu kém của các HTX, đặc biệt là các HTX nông nghiệp. Mặc dù có nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, nhưng phần lớn các HTX chưa có tính sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ bản vẫn còn tâm lý ỷ lại sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành HTX thường ít được đào tạo bài bản về chuyên môn, thiếu ý thức, trách nhiệm trong công việc. Nguyên nhân thứ hai đến từ sự yếu kém về cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể và hợp tác xã. Luật Hợp tác xã năm 2012 đi vào thực tiễn vẫn tồn tại một số bất cập và thách thức, bao gồm hoạt động quản lý nhà nước đối với HTX; sự chồng chéo giữa Luật Hợp tác xã năm 2012 và một số văn bản pháp luật đã được bổ sung sửa đổi như Luật Đất đai năm 2013, Luật Doanh nghiệp năm 2020,... hay quy định về giải thể của Luật Hợp tác xã năm 2012 còn phức tạp; chưa có quy định về kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập HTX. Về mặt cơ chế, công tác quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, hợp tác xã còn nhiều yếu kém, buông lỏng(13).
Như vậy, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế tập thể, HTX trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó cần đặc biệt chú trọng hoàn thiện pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể, HTX; quyết liệt hơn trong nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về HTX đồng thời nâng cao năng lực nội tại của HTX về mọi mặt từ đội ngũ quản lý, điều hành đến trình độ công nghệ.
 
_________________

Ngày nhận bài: 17-5-2023; Ngày bình duyệt: 06-10-2023; Ngày duyệt đăng: 09-10-2023

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.343.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Sđd, tr.416.

(3) Bộ Chính trị: Nghị quyết 10/NQ-TW ngày 05-4-1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp.

(4) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-vii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-vii-cua-dang-17.

(5), (7) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-13.

(6) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-11.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.73-74.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.129.

(10), (11), (12) Ban Chỉ đạo Trung ương: Báo cáo tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chỉ đạo Trung ương,Hà Nội, 2021.

(13) Phạm Thị Hải Vân, Trần Việt Dũng: Một số đánh giá và góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Hợp tác xã sửa đổi, https://tapchinganhang.gov.vn/, ngày 09-3-2023.

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền