Trang chủ    Giới thiệu    Dành cho tác giả
Thứ tư, 06 Tháng 10 2021 16:06
2338 Lượt xem

Dành cho tác giả

1. Quy định chung

- Ngôn ngữ

Bài viết gửi đến Tạp chí Lý luận chính trị được viết bằng ngôn ngữ tiếng Việt, sử dụng font Unicode và hệ ký tự La tinh. Trong trường hợp trích dẫn tài liệu tham khảo bằng ngôn ngữ thuộc hệ khác thì phải phiên âm sang hệ La tinh.

- Điều kiện tác quyền và quyền sử dụng dữ liệu

Tạp chí Lý luận chính trị không nhận và sử dụng bất kỳ bài viết nào có một phần hay toàn bộ nội dung đã được xuất bản ở tạp chí, sách báo khác.

Tác giả có trách nhiệm không gửi và đăng bài viết ở các tạp chí khác khi chưa có phản hồi từ chối đăng tải của Ban Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị.

Tác giả phải chịu trách nhiệm về nội dung, tính chính xác của bài viết (bao gồm tính chính xác của các trích dẫn trong bài viết), tính hợp pháp bản quyền của bài viết. Tác giả phải có trách nhiệm trong việc xin phép sử dụng các dữ liệu từ các cá nhân và tổ chức quản lý/sở hữu dữ liệu. Các số liệu, dữ liệu sử dụng trong bài viết phải được trích dẫn nguồn cụ thể, chính xác.

- Tác giả

Nếu bài viết có nhiều hơn một tác giả thì cần ghi rõ ai là người chịu trách nhiệm liên lạc với Ban Biên tập Tạp chí trong quá trình biên tập, bình duyệt.

- Phương thức gửi bài

Tác giả chịu trách nhiệm liên lạc gửi bài viết đến Tạp chí Lý luận chính trị qua email tcllct.hcma@gmail.com

2. Trình bày văn bản

- Tiêu chuẩn kỹ thuật

Bài viết được soạn thảo bằng phần mềm Microsoft Word, cỡ chữ 14, font Times New Roman (Unicode), giãn cách 1,5 lines, lề trên 2cm, lề dưới 2cm, lề trái 3cm, lề phải 2cm.

Bài viết gửi đăng tạp chí in có độ dài 4.000-6.000 chữ (khoảng 10-14 trang A4).

- Thành phần thông tin

Bài viết gồm 2 phần  riêng biệt: (i) Thông tin tác giả và (ii) Nội dung bài viết

(i) Thông tin tác giả bao gồm:

     1. Tên bài viết

     2. Họ và tên tác giả

     3. Bút danh

     4. Học hàm, học vị

     5. Đơn vị công tác

     6. Thông tin liên lạc: địa chỉ, số điện thoại, email

     7. Số tài khoản ngân hàng, mã số thuế/CMND/CCCD

    8. Lời cam kết về bản quyền hợp pháp đối với bài viết, cam kết bài viết chưa được công bố trên bất kỳ tạp chí, sách báo nào trước đó, cam kết không gửi bài đến tạp chí, tòa soạn khác trong thời gian chờ xét duyệt.

Trong trường hợp bài viết là sản phẩm của từ hai tác giả trở lên, tác giả gửi bài phải chịu trách nhiệm về việc tất cả các tác giả đã đồng thuận với việc xuất bản bài viết trên Tạp chí Lý luận chính trị, và phải cung cấp đầy đủ thông tin của các tác giả.

(ii) Phần Nội dung bài viết phải bảo đảm các quy chuẩn của một bài báo khoa học, được quy định trong mục Thành phần bài báo cơ bản

- Thành phần bài báo cơ bản

Bài viết gửi đến Tạp chí Lý luận chính trị được trình bày dưới dạng bài báo khoa học với những thành phần cơ bản gồm:

  + Tên bài viết:

      Tạp chí in: viết hoa, in đậm, không quá 20 chữ.

      Tạp chí điện tử: viết thường, in đậm, không quá 20 chữ

  + Tóm tắt bài viết: khái quát nội dung chính và chỉ ra những kết quả, đóng góp, điểm mới của bài viết.

       Tạp chí in:  không quá 200 chữ

       Tạp chí điện tử: không quá 100 chữ

  + Từ khóa:gồm 3-5 từ khóa có nội dung liên quan trực tiếp đến bài viết

  + Đặt vấn đề/Mở đầu:Nêu lý do lựa chọn và tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu, chỉ ra nội dung chính mà bài nghiên cứu tập trung giải quyết.

  + Tổng quan nghiên cứu và/hoặc cơ sở lý thuyết/phương pháp nghiên cứu:

    Tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan, chỉ ra khoảng trống và/hoặc cơ sở lý thuyết/khung lý thuyết của bài viết

    Phương pháp nghiên cứu: nêu phương pháp nghiên cứu sử dụng trong bài

  + Kết quả nghiên cứu: Phân tích vấn đề nghiên cứu, chỉ ra các kết quả nghiên cứu.

  + Giải pháp/kiến nghị/bài học kinh nghiệm: Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, chỉ ra giải pháp khuyến nghị cho các nhà quản lý, hoạch định để giải quyết vấn đề.

 + Kết luận

+ Chú thích/tài liệu trích dẫn/ và tài liệu tham khảo: được quy định trong mục Viết tắt, viết hoa, dữ liệu, trích dẫn trong bài

- Trình bày đề mục, bảng, sơ đồ, ảnh, hình vẽ

Các đề mục lớn trong nội dung bài viết được đánh số liên tục theo hệ số Arập 1, 2, 3…, tên đề mục định dạng chữ thường, in đậm, căn lề trái. Các tiểu mục cấp 1 dùng a, b, c... có dấu ngoặc đơn phía sau để ký hiệu thứ tự . Tên tiểu mục dùng kiểu chữ thường, đậm, nghiêng.

Các bảng dữ liệu trong bài viết được định dạng bảng table trong Microsoft Word và ghi thống nhất là Bảng.

Các đồ thị, biểu đồ, sơ đồ trong bài viết được ghi thống nhất là Hình. Tác giả cần gửi kèm file excel gốc của các đồ thị, biểu đồ và file gốc của ảnh đồ họa, đối với các file ảnh định dạng JPEG, TIF yêu cầu độ phân giải lớn hon 300dpi.

Các bảng, hình trong bài viết phải được trình bày bằng ngôn ngữ tiếng Việt, và được đánh số riêng biệt, theo thứ tự liên tục. Thí dụ: Bảng 1, Bảng 2, Hình 1, Hình 2…

Tên của bảng, hình đặt ở phía trên của bảng/hình và định dạng in đậm. Nếu có đơn vị tính dùng chung cho cả bảng, hình thì đặt ở phía trên bên phải của bảng, trong dấu ngoặc đơn, thí dụ: (Đơn vị tính: triệu đồng/người/năm). Các bảng, hình cần được dẫn nguồn ở phía dưới, định dạng in nghiêng, không đậm, căn lề phải.

3. Viết tắt, viết hoa, dữ liệu, trích dẫn trong bài

- Viết tắt

Chỉ viết tắt những từ thông dụng không cần giải thích, thí dụ: CNXH, XHCN, CNCS, CNTB, TBCN, UBND, HĐND, MTTQ, CNH, HĐH, GDP, UNESCO, ASEAN, WTO, IMF, USB...

Trong một bài không sử dụng quá 2 từ viết tắt (ngoài những từ thông dụng trên). Các từ viết tắt chỉ được sử dụng sau khi được tác giả giới thiệu sau cụm từ đầy đủ ở lần xuất hiện đầu tiên trong bài báo.

Không sử dụng ký hiệu dấu = thay cho chữ “bằng”, ký hiệu & thay cho chữ “và”.

- Viết hoa

Nguyên tắc chung là viết hoa tên riêng chỉ người (cả họ, đệm và tên người Việt), chữ đầu tên tổ chức, địa danh, ngày lễ lớn... khi đó là các danh từ.

Viết hoa tên các sự kiện lịch sử, chính trị, xã hội lớn đánh dấu bước phát triển tiến bộ của một dân tộc hoặc của cả thời đại (thí dụ: Cách mạng Tháng Tám, Cách mạng Tháng Mười Nga,...).

Các chữ Đảng, Nhà nước khi được dùng với tính cách là danh từ chung và là tính từ vẫn viết thường (thí dụ: các đảng cộng sản, quản lý nhà nước, tổ chức đảng viên chức nhà nước, doanh nghiệp nhà nước...).

Tên khu vực hành chính viết hoa tất cả các chữ là danh từ riêng (thí dụ: phường Nghĩa Tân, quận Hoàn Kiếm, tỉnh Hải Dương... (những chữ “phường”, “quận”, “tỉnh”... là danh từ chung nên viết thường).

Tên cơ quan, tổ chức gồm một cụm từ thì viết hoa chữ đầu và viết hoa các danh từ làm định ngữ có chức năng định danh riêng (thí dụ: Vụ Tổ chức; Ban Kiểm tra Trung ương Đảng…)

Tên vùng đất, vùng biển viết hoa chữ có chức năng định danh riêng (thí dụ: phương Tây, miền Bắc, Bắc bộ, Nam kỳ, vịnh Bắc bộ, Thái Bình Dương...).

Tên người và tên địa lý của các dân tộc thiểu số Việt Nam viết theo tiếng Việt và ghi chú tên dân tộc trong ngoặc đơn như trong Từ điển bách khoa Việt Nam. Thí dụ: Đắc Lắc (Đăk Lăk), Bắc Cạn (Bắc Kạn).

Tên văn kiện, nghị quyết như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, v.v... có thể lược bớt và bằng chữ đứng thường là “Văn kiện Đại hội X”, “Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII”, v.v...

- Định dạng ngày tháng

Định dạng ngày tháng dùng dấu gạch ngang, thí dụ ngày 1-1-2021

- Định dạng con số

Dấu phẩy (,) được biểu trưng cho nhóm dãy số thập phân; dấu chấm (.) biểu trưng cho phân nhóm các dãy số hàng đơn vị, hàng chục, hàng tram, hàng nghìn…

- Đơn vị đo lường

 Sử dụng hệ metric, nếu tác giả sử dụng các đơn vị thuộc hệ khác thì cần quy đổi sang hệ metric. Thí dụ 1 dặm (tương đương 1,61km)

- Trích dẫn trong bài viết

Đánh số thứ tự các trích dẫnbằng số Ảrập trong ngoặc đơn ở cuối cụm từ hoặc mệnh đề, hoặc câu, đoạn, ý tưởng, tinh thần câu, đoạn trích dẫn theo từng bài, tin chứ không theo từng trang.

Có 2 cách trích dẫn trong bài viết:

(i) Trích dẫn trọn vẹn một cụm từ, một mệnh đề, một câu, hoặc một đoạn văn xuôi thì để trong ngoặc kép và chính xác từng chữ (viết hoa, viết thường, viết in, viết nghiêng, viết đậm...), từng dấu. Trường hợp lược bớt một số chữ trong câu, một hoặc nhiều câu trong đoạn trích thì thay vào đó dấu ba chấm và vẫn có mở, đóng ngoặc kép (...).

(ii) Trích dẫn ý tưởng, tinh thần, không trích nguyên văn thì không để trong ngoặc kép, khi chú thích ghi thêm chữ Xem

Chú thích tài liệu trích dẫn: để ở cuối trang, đánh số liên tục theo hệ số A-rập trong ngoặc đơn (1), (2), (3)…, ghi rõ theo thứ tự: tên tác giả, tên tác phẩm, tập, nhà xuất bản, nơi xuất bản, năm xuất bản, trang dẫn.

Thí dụ: (1) C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9.

Tài liệu tham khảo: để ở cuối trang, phía dưới tài liệu trích dẫn, đánh số liên tục theo hệ số A-rập có dấu chấm phía sau: 1. , 2. , 3. , … và ghi rõ theo thứ tự giống tài liệu trích dẫn.

Thí dụ: 1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995.

Thông tin tuyên truyền