Trang chủ    Giới thiệu    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức
Thứ năm, 21 Tháng 4 2022 11:55
8619 Lượt xem

Xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức

(LLCT) - Bài viết phân tích, làm sáng tỏ yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu trong bài phát biểu chỉ đạo Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng in trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24-11-2021 - Ảnh: vov.vn 

1. Yêu cầu xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức

Trong bài phát biểu in trong cuốn sách, khi nêu một số nhiệm vụ trọng tâm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Trước hết, yêu cầu xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức(1) xuất phát từ vai trò, sứ mệnh của Đảng trong lãnh đạo sự nghiệp cách mạng và sức mạnh văn hóa trong Đảng. Theo Hồ Chí Minh, Đảng có vững cách mạng mới thành công. Đảng ta khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng.

Nhận thức Đảng có vững cách mạng mới thành công được Hồ Chí Minh nói tới từ những năm hai mươi của thế kỷ trước và được thể hiện nhất quán, xuyên suốt đến tận hôm nay. Tuy nhiên, những yếu tố nào làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh và lãnh đạo đúng đắn thì không phải ngay một lúc đã nhận thức đầy đủ, nhất là yếu tố văn hóa, đạo đức trong Đảng.

Đảng là một khía cạnh trong phạm trù chính trị tập trung ở tư tưởng, lý luận, chủ trương, đường lối, lập trường, cán bộ, dân chủ nhằm giành, giữ chính quyền, xây dựng chế độ dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa, đem lại quyền lợi cho dân tộc và Tổ quốc. Chính trị theo cách trình bày ngắn gọn của Hồ Chí Minh là: “1. Đoàn kết. 2. Thanh khiết từ to đến nhỏ”(2). Đoàn kết và thanh khiết vừa là tư tưởng chính trị vừa là đạo đức gắn liền với văn hóa. Mà đạo đức đòi hỏi văn hóa và văn hóa lên đỉnh cao là đạo đức.

Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa ra mục tiêu văn hóa, đạo đức trong Đảng để Đảng trong sạch, vững mạnh đủ sức lãnh đạo cách mạng. Bằng những cách diễn đạt khác nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp, Người đề cập tới đạo đức, văn hóa, văn minh trong Đảng, như vừa là mục tiêu vừa là động lực của Đảng. 

Ngay bài giảng đầu tiên khai tâm, khai trí, khai đức cho lớp thanh niên yêu nước Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc, Nguyễn Ái Quốc đã đặt tư cách của một người cách mạng lên hàng đầu. Điều đó cho thấy, Người ý thức rất rõ sức mạnh của Đảng ở nhân cách của người cách mạng. Tư cách của một người cách mạng thực nhất là nhân cách văn hóa hàm chứa trong đó những giá trị cốt lõi như “cần kiệm, hòa mà không tư, cả quyết sửa lỗi mình, vị công vong tư, không hiếu danh, không kiêu ngạo, nói thì phải làm, giữ chủ nghĩa cho vững, hy sinh, ít lòng tham muốn về vật chất” v.v..

Hồ Chí Minh nói nhiều đến tư cách của một Đảng chân chính cách mạng mà phẩm chất đầu tiên là “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”(3)

Tổng kết “pho lịch sử bằng vàng” của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh/ Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no”(4). Đúc kết của Hồ Chí Minh cho thấy nói đến Đảng, Người đặt đạo đức lên hàng đầu, vừa toát lên bản chất của Đảng vừa khẳng định mục đích của Đảng. Đạo đức đẹp nhất của Đảng thể hiện ở sứ mệnh phục vụ nhân dân, làm đày tớ cho dân và đem lại lợi ích cho Tổ quốc và nhân dân. Đó cũng hệ giá trị văn hóa Đảng.

Khi bàn về văn hóa, Hồ Chí Minh chú trọng đến văn hóa trong Đảng. Người xác định cùng với ngôn ngữ, chữ viết, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật thì đạo đức là một thành tố quan trọng của văn hóa, giúp cho dân tộc đáp ứng mục đích cuộc sống, thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn. Bàn về chấn hưng nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh nói đến xây dựng tâm lý với nội dung tinh thần độc lập, tự cường; xây dựng luân lý với nội dung biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; xây dựng xã hội với nội dung mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; xây dựng chính trị với nội dung dân quyền.

Tuy chưa đề cập trực tiếp vấn đề văn hóa, đạo đức trong Đảng hay xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức, nhưng khi bàn về văn hóa Việt Nam, cùng với những khía cạnh chung nhất tạo nên nền văn hóa dân tộc, Hồ Chí Minh rất quan tâm tới mối liên hệ mật thiết giữa văn hóa với chính trị, trong đó chứa đựng tinh thần đạo đức và văn hóa trong Đảng. 

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc ngày 24-11-1946 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khéo léo nói tới ý nghĩa của đạo đức, văn hóa trong Đảng một cách sâu sắc, thấm thía. Người chỉ rõ phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, để sửa đổi tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ. Văn hóa phải làm cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do; làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình. Văn hóa phải làm thế nào cho mỗi người dân Việt Nam hiểu nhiệm vụ của mình và biết hưởng hạnh phúc của mình nên được hưởng. Người đúc kết một cách ngắn gọn, súc tích mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại trong bài phát biểu của mình là “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”.

Nhận thức được sức mạnh của đạo đức và văn hóa trong Đảng, Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng, vũ trang cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân những giá trị đạo đức, văn hóa, đưa lịch sử sang một trang mới, thúc đẩy đất nước tiến lên một trình độ văn minh hiện đại. Bằng sức mạnh văn hóa của chữ “đồng” với lòng dân, sức dân, trí dân, chúng ta đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, biến người nô lệ thành người tự do, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do. Trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, Đảng đã phát huy sức mạnh của mặt trận văn hóa, tư tưởng, tiến hành kháng chiến bằng văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ!”, “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Cuối cùng chúng ta đã chiến thắng, đó là “văn minh chiến thắng bạo tàn”(5).

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, trong triển khai nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng ta đề cập đến nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong Đảng. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức Đảng và Nhà nước. Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất về đạo đức ra khỏi tổ chức đảng và cơ quan nhà nước. 

Một trong những giải pháp lớn Nghị quyết nêu lên là “phải xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước như Bác Hồ đã dạy “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Phải đặt mạnh việc giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Văn hóa đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong mọi tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên”(6).

Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước nêu nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân; có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương.

Ngăn chặn đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên. Nghị quyết nhấn mạnh lại giải pháp quan trọng là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn hóa, đạo đức và lối sống lành mạnh phải được thể hiện trước hết trong tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể, trong cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, trong từng đảng viên, hội viên.

Đại hội XII của Đảng bàn về xây dựng văn hóa, con người, chỉ ra nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong chính trị, nhấn mạnh “chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”(7). Đại hội Đảng XII và XIII nêu điểm mới xây dựng Đảng về đạo đức, coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng để cho Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

Như vậy, suốt trong chiều dài lịch sử Đảng, cùng với việc chú trọng xây dựng nền văn hóa có tính chất “dân tộc, khoa học, đại chúng”; “nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, tuy chưa có nghị quyết riêng xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức hay xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã quan tâm tới nội dung này. Trong nhiều bài viết của Hồ Chí Minh hay nghị quyết của Đảng về xây dựng văn hóa, xây dựng Đảng, đều dành một phần để bàn về xây dựng văn hóa trong Đảng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có nhân cách văn hóa. 

Hồ Chí Minh quan tâm hàng đầu, nhất quán vấn đề đạo đức. Bắt đầu sự nghiệp cách mạng, Người bắt đầu giáo dục lý tưởng cách mạng và đạo đức cách mạng cho thanh niên, quần chúng nhân dân, chủ yếu là cho cán bộ và đảng viên. Người coi đạo đức như nguồn của sông, gốc của cây, bốn mùa của thiên nhiên, thiếu một đức thì không thành người. Cán bộ, đảng viên lại càng cần đạo đức, vì “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân”(8). Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”(9)

Các nghị quyết của Đảng, đặc biệt người đứng đầu Đảng ta nhiều lần khẳng định cán bộ, đảng viên nếu không tránh xa mọi cám dỗ về danh lợi, vật chất, tiền tài thì rất dễ rơi vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tệ hại. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đảng ta đặt trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa với chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đề cao sự nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. 

Có thể khẳng định, trong sự nghiệp đổi mới, sự bổ sung, phát triển của Đảng ta về văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng đã tạo ra một tiền đề cơ bản để chúng ta quán triệt và tổ chức triển khai trong thực tế việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức, coi đạo đức và văn hóa là những mục tiêu quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhờ chú trọng xây dựng văn hóa, đạo đức trong Đảng mà qua hơn 35 năm đổi mới - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh, được ghi trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thứ hai, yêu cầu xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức còn do thực tế văn hóa và đạo đức trong Đảng những năm qua - bên cạnh những thành tựu như đã nêu - còn nhiều hạn chế, khuyết điểm đáng quan ngại. Qua hơn 35 năm đổi mới, chưa bao giờ Đảng và nhân dân ta bị tổn thất lớn về đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp chiến lược ở vị trí Ủy viên Bộ Chính trị, các tướng lĩnh trong Quân đội và Công an nhân dân như những năm qua. Sự xuống cấp về văn hóa và đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Các Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII và XIII đều chỉ ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước.

Dưới góc độ văn hóa đạo đức, văn hóa bổn phận, văn hóa tự phê bình và phê bình và nhân cách văn hóa, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII nhấn mạnh nguy hại nhất là một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi, hám danh, hám quyền lực, tham nhũng, tiêu cực; bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, quan liêu, xa dân, vô cảm trước những bức xúc của nhân dân... Những biểu hiện đó không còn dừng lại ở tham nhũng, không chỉ là vấn đề kinh tế mà là sự tha hóa về văn hóa, vô văn hóa, phản văn hóa như nhấn mạnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Có thể nói, những năm qua chúng ta chưa thật sự chú ý, hoặc có chú ý nhưng chưa được xác định đúng tầm vai trò của văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng ta chưa có một nghị quyết riêng xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức. Những bất cập đó chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, cả cán bộ cấp chiến lược, lãnh đạo, quản lý đứng đầu, gây hệ lụy tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa, đặc biệt làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ, mà “để mất niềm tin là mất tất cả”(10).

2. Nhiệm vụ, giải pháp xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức

Trước hết, tiếp tục giáo dục và tự giáo dục để nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa và đạo đức trong xây dựng Đảng. Thông qua nhiều cách thức, hình thức, biện pháp khác nhau, Đảng phải tăng cường giáo dục cán bộ, đảng viên hiểu thấu ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hóa nói chung, văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng nói riêng. Nhiệm vụ, giải pháp này gắn liền với quá trình thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng Đảng. Tuy nhiên, phải làm rõ góc độ văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng, đặc biệt xây dựng nhân cách người cán bộ, đảng viên. Đảng phải giáo dục cho mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện để đề ra các giải pháp phù hợp đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về văn hóa, đạo đức trong Đảng. 

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục, nâng cao ý thức trách nhiệm công bộc, phục vụ Tổ quốc và nhân dân. Nói về văn hóa, yếu tố tự giác là cực kỳ quan trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người lãnh đạo chủ chốt, đứng đầu phải tự nhận thấy mình cần phải làm gì, tự mình phải tu thân, chính tâm, không chờ tổ chức, chờ Đảng thúc giục. 

Cách mạng là hành động tự giác. Con người không tự giác, không chính tâm, không tự tu dưỡng, rèn luyện, sớm muộn sẽ sa vào chủ nghĩa cá nhân, làm những việc xấu xa, ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi như chạy chức, bán quyền, tham nhũng, xu nịnh a dua, thấy xôi nói xôi ngọt, thấy thịt nói thịt bùi. Tự giáo dục phải làm thường xuyên như chuyện rửa mặt hằng ngày, vì một ngày không tự soi tự sửa rất dễ đi tới cái ác, làm bậy, hư hỏng.

Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Thứ hai, xét lại những văn kiện, nghị quyết liên quan đến xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức. Phải làm theo lời chỉ dẫn của Hồ Chí Minh: “Đảng phải luôn luôn xét lại những nghị quyết và những chỉ thị của mình đã thi hành thế nào. Nếu không vậy thì những chỉ thị và nghị quyết đó sẽ hóa ra lời nói suông mà còn hại đến lòng tin cậy của nhân dân đối với Đảng”(11). Đảng chưa có nghị quyết riêng về văn hóa, đạo đức trong xây dựng Đảng, nhưng các nghị quyết, chỉ thị về văn hóa, đặc biệt là các nghị quyết trung ương về xây dựng Đảng, ở các mức độ khác nhau đều đề cập đến văn hóa và đạo đức. Mỗi một lần ra nghị quyết Đảng phải có thái độ nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, kiên quyết bằng mọi cách tìm ra nguyên nhân bệnh để ngăn ngừa, chữa trị tận gốc sự tha hóa về văn hóa, đạo đức.

Thực tế cho thấy nhiều bất cập, khuyết điểm, yếu kém nói đi nói lại nhiều lần trong nghị quyết; nhiều căn bệnh tái đi tái lại; các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước có đủ; nhiều giải pháp nhắc đi nhắc lại và đã kiên quyết thực hiện như cách nói hình ảnh là “đốt lò” mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Tại sao? Câu trả lời nằm ở nhiều chỗ nhưng chắc chắn hai chữ “tận gốc” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tới vẫn chưa tìm được. Đảng ta và Tổng Bí thư nhiều lần nói phải xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách nhưng xem ra vấn đề này vẫn chưa thật sự đi vào thực tế, chủ yếu vẫn nằm trong nghị quyết.

Xét lại chỉ thị, nghị quyết là để tìm gốc mà chữa trị, vì “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Tổng Bí thư nhiều lần nói một cách hình ảnh để quyền lực không bị tha hóa thì phải “nhốt quyền lực vào trong lồng cơ chế”. Cơ chế mà người đứng đầu Đảng ta nói tới ở đây là các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Cơ chế này hiện nay - nếu không nói là nhiều - thì cũng đủ, không thiếu, để “nhốt quyền lực”. Thế nhưng quyền lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên biến chất vẫn “nhảy múa” trước “lưỡi kiếm” của pháp luật. Không những thế, họ còn gieo virút độc hại vào xã hội, lây ngấm vào cơ thể Đảng. Vì vậy, cùng với lồng cơ chế về quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, rất cần lồng cơ chế dân chủ. Cùng với xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu, phải xây dựng một nền dân chủ thật sự trong Đảng, trong nhân dân với văn hóa phản biện dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì mới hy vọng ngăn ngừa và chữa trị được tận gốc.

Tổng Bí thư nói phát huy vai trò chủ thể sáng tạo văn hóa là nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng chính là trở lại đích thực với quan điểm Hồ Chí Minh về văn hóa dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, một loại hình văn hóa góp phần to lớn, quan trọng tiêu diệt mầm bệnh phi văn hóa, phản văn hóa, vô văn hóa trong Đảng. Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”(12).

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Phải biết dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại cái gì Nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm”(13).

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực; chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nguồn gốc của mọi sự tha hóa, biến chất, hủ bại, hủ hóa của cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, cần có một nghị quyết chuyên đề xây dựng Đảng về văn hóa, đạo đức. Câu nói sâu sắc, ngắn gọn của Hồ Chí Minh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa lãnh đạo quốc dân” mà Tổng Bí thư nhắc lại hàm chứa nhiều nội dung, ý nghĩa, nhưng quan trọng nhất là nói tới văn hóa chính trị, văn hóa Đảng, xây dựng Đảng về đạo đức, văn hóa. 

Văn hóa chính trị, văn hóa Đảng có sứ mệnh soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân không thể chỉ đề cập ngắn gọn trong nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người nói chung, trong các nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng mà cần có một nghị quyết riêng. Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mà nếu thực hiện được chắc chắn sẽ góp phần to lớn vào nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao tầm lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng.

__________________

(1) Liên quan đến cụm từ “xây dựng Đảng về văn hóa, về đạo đức”, trong các tài liệu, văn kiện của Đảng còn có những cách dùng khác nhau như: “Xây dựng văn hóa từ trong Đảng” (Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII); “Xây dựng văn hóa trong Đảng” (Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa XI); “Xây dựng văn hóa trong Đảng”, “Văn hóa trong lãnh đạo, quản lý” (Văn kiện Đại hội XII); “Văn hóa trong chính trị” (Văn kiện Đại hội XIII). Đại hội XII và XIII bàn tới xây dựng Đảng về đạo đức. Có tài liệu nói trực tiếp “xây dựng văn hóa Đảng”.

(2), (3), (8), (9), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.75, 289, 122, 292-293, 290.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.403.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.664.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr.81.

(7) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.128.

(10), (13) Nguyễn Phú Trọng: Quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.80, 116-117.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.419.

PGS, TS BÙI ĐÌNH PHONG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền