Trang chủ    Giới thiệu    Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng    Thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
Thứ năm, 12 Tháng 5 2022 08:31
9397 Lượt xem

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng

(LLCT) - Đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng và là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Với đặc trưng là lao động trí óc, đội ngũ trí thức đóng góp cho sự phát triển xã hội bằng sản phẩm sáng tạo là những tri thức khoa học mới, tạo nên sự thay đổi căn bản theo chiều hướng đi lên của xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, thúc đẩy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức trở thành điều kiện cho sự phát triển của Việt Nam. Bài viết góp phần làm rõ lý luận đổi mới sáng tạo và bàn luận về điều kiện thúc đẩy sức đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.

Với vị trí lao động xã hội của mình, đội ngũ trí thức là lực lượng đóng vai trò vừa thiết kế, vừa thực thi đổi mới sáng tạo của quốc gia - Ảnh: dangcongsan.vn

1. Thuật ngữ đổi mới sáng tạo được bàn đến từ khoảng đầu thế kỷ XX trên lĩnh vực kinh tế. Đổi mới sáng tạo được hiểu là quá trình bắt đầu từ sáng chế, qua triển khai sản xuất, đưa ra thị trường và kết thúc bằng thành công thương mại. Hiện nay, khái niệm đổi mới sáng tạo được hiểu trên bình diện rộng hơn. Đổi mới sáng tạo là quá trình biến đổi một ý tưởng thành sản phẩm mới hoặc cải tiến cái hiện có để hình thành sản phẩm mới, quy trình, mô hình hay dịch vụ mới cho xã hội...

Luật Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2013 xác định: đổi mới sáng tạo là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa. Đổi mới sáng tạo có hai đặc trưng cơ bản là tính mới và tính giá trị.

Đổi mới sáng tạo biểu hiện trước hết ở những ý tưởng mới tạo nên sự thay đổi. Những ý tưởng này chưa từng tồn tại hoặc chưa từng được biết đến trong giới hạn của một hoạt động, một lĩnh vực hay một quốc gia. Tính mới của đổi mới sáng tạo thể hiện ở việc tạo nên những sản phẩm mới, quá trình mới, phương pháp mới, dịch vụ mới... hoặc cải tiến, thay đổi những cái đã có theo hướng tốt hơn, hiệu quả hơn. Trên bình diện thế giới, đổi mới sáng tạo là những thay đổi hay quá trình thay đổi chưa từng được thực hiện ở bất cứ nơi nào hay quốc gia nào. Tính mới của đổi mới sáng tạo còn thể hiện trên bình diện một ngành, một lĩnh vực cụ thể. Theo thời gian và trong nhận thức xã hội, tính mới của đổi mới sáng tạo trải qua quá trình từ cái mới, cái phổ biến và sẽ trở thành cái lỗi thời. “Tuổi thọ” của đổi mới sáng tạo có thể thay đổi, phụ thuộc vào mức độ của tính mới và của sự phát triển xã hội.

Đổi mới sáng tạo không chỉ đi đến những ý tưởng mới lạ, khác biệt mà ý tưởng ấy còn phải đem lại sự thay đổi tích cực, tiến bộ, đi lên... đem lại lợi ích căn bản cho cộng đồng người, cho xã hội. Có thể hiểu những ý tưởng mới, sản phẩm mới không nhằm đáp ứng nhu cầu và lợi ích của xã hội, đưa đến sự tiến bộ và phát triển xã hội thì không được coi là sản phẩm của hoạt động đổi mới sáng tạo. Tất nhiên, hoạt động đó không được xem là hoạt động đổi mới sáng tạo. Giá trị của đổi mới sáng tạo có thể là giá trị kinh tế (như tạo ra doanh thu, mức độ tiết kiệm chi phí, mức tăng năng suất lao động...) hoặc giá trị xã hội (như sự hài lòng, kinh nghiệm, niềm tin...).

Có thể nói, quá trình đổi mới sáng tạo là quá trình hiện thực hóa giá trị của mỗi tổ chức. Đó có thể là giá trị tăng trưởng hay giá trị phát triển. Giá trị - thuộc tính của đổi mới sáng tạo được xác định không giống nhau bởi những chủ thể và đối tượng khác nhau. Sự khác biệt này là do những yếu tố như thế giới quan, văn hóa, mục tiêu xã hội... khác nhau. Hiện thực hóa giá trị là mục tiêu và là lý do để các chủ thể (cá nhân, tổ chức) tạo ra đổi mới sáng tạo và tham gia vào quá trình đổi mới sáng tạo.

Đổi mới sáng tạo là một hoạt động mang tính chỉnh thể, là quá trình hàm chứa nhiều công đoạn, từ tích lũy kiến thức; xác định ý tưởng, vận dụng kiến thức, phương pháp, phương tiện... nhằm đạt mục tiêu là chuyển ý tưởng thành sản phẩm mới, quy trình mới hoặc dịch vụ mới tốt hơn, hoàn thiện hơn. Đổi mới sáng tạo được xem xét theo hai giai đoạn: sáng tạo trong ý tưởng và sáng tạo trong thực hiện. Đổi mới sáng tạo thực hiện trên nhiều lĩnh vực, bao gồm đổi mới sáng tạo về kỹ thuật, đổi mới sáng tạo về quản lý. Trong mỗi hoạt động, đổi mới sáng tạo được thực hiện bởi cả người lãnh đạo, quản lý và người triển khai thực hiện. Về mức độ, có đổi mới sáng tạo căn bản, đổi mới sáng tạo đột phá (hay triệt để) và đổi mới sáng tạo cải tiến (hay tuần tự). Căn cứ vào nguồn lực huy động, có đổi mới sáng tạo nội bộ và đổi mới sáng tạo hợp tác...

2. Trí thức Việt Nam là đội ngũ đông đảo những người lao động trí óc, đa dạng về nghề nghiệp, chuyên môn, lứa tuổi, dân tộc, tôn giáo và định hướng giá trị. Đội ngũ trí thức có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với các giai tầng xã hội và có vai trò tác động mạnh mẽ, qua lại với các giai tầng xã hội và tác động tổng thể tới sự phát triển xã hội. Với đặc trưng cơ bản là lao động sáng tạo, mà chủ yếu là sáng tạo tinh thần, vai trò đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức thể hiện ở các phương diện chủ yếu:

Một là, đội ngũ trí thức góp phần xây dựng đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới sáng tạo và thúc đẩy đổi mới sáng tạo; cung cấp luận cứ khoa học và tham gia tư vấn, phản biện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, các giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện đường lối, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hai là, đội ngũ trí thức Việt Nam là chủ thể trực tiếp tạo ra tri thức khoa học, công nghệ, thực hiện đổi mới sáng tạo. Là lực lượng quyết định chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất và quản lý xã hội. Đây là nhiệm vụ cơ bản của đội ngũ và việc thực hiện nhiệm vụ đó đóng góp quan trọng cho sự phát triển bền vững của quốc gia. Kết quả nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức tạo nên nền tảng vững chắc cho hoạt động đổi mới sáng tạo mọi lĩnh vực, mọi cấp độ. Có thể coi hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam đã tạo ra tiền đề, là điều kiện hoạt động đổi mới sáng tạo của xã hội.

Ba là, đội ngũ trí thức là lực lượng cơ bản tiếp thu thành tựu khoa học công nghệ thế giới, chủ động tiếp cận, tiếp nhận và chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ vào Việt Nam. Quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đang tạo cơ hội để Việt Nam bắt nhịp với trình độ phát triển khoa học - công nghệ thế giới. Cơ hội đó chỉ thành hiện thực khi đội ngũ trí thức thể hiện được vai trò chủ động, tích cực trong tiếp thu, kế thừa thành tựu của thế giới, làm chủ công nghệ mới, truyền bá, phổ biến và nhân rộng ở Việt Nam. Việc kế thừa các thành tựu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thế giới phải là sự kế thừa có chọn lọc. Quá trình này thực hiện trên cơ sở phát huy trí tuệ và trách nhiệm của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Bốn là, thông qua hoạt động phổ biến thông tin, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng... đội ngũ trí thức truyền bá tri thức khoa học, nâng cao trình độ dân trí, xây dựng đội ngũ trí thức kế cận, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài. Có thể coi hoạt động phổ biến thông tin và đào tạo bồi dưỡng của đội ngũ trí thức có vai trò kép, một mặt nhằm nâng cao nhận thức xã hội, mặt khác xác lập và bồi dưỡng, phát triển các phẩm chất và năng lực sáng tạo cho thế hệ tiếp sau. 

Năm là, đội ngũ trí thức có vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Chúng ta không thể thúc đẩy đổi mới sáng tạo nếu không coi đổi mới sáng tạo là giá trị và đặt giá trị ấy ở thang bậc cao trong bảng sắp xếp giá trị tinh thần xã hội. Đội ngũ trí thức với những phẩm chất, nhân cách của mình góp phần lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo, xây dựng định chuẩn xã hội mới, từng bước tạo lập nên một xã hội tôn vinh tinh thần sáng tạo, tích cực đổi mới và đóng góp cho một xã hội tiến bộ và phát triển.

Như vậy, với vị trí lao động xã hội của mình, đội ngũ trí thức là lực lượng đóng vai trò vừa thiết kế, vừa thực thi đổi mới sáng tạo của quốc gia. Sức đóng góp của họ thể hiện ở hầu khắp các mắt khâu, các lĩnh vực, các mức độ đổi mới sáng tạo: từ việc sáng tạo tri thức - tiền đề cho đổi mới nhận thức xã hội, đến đổi mới kỹ thuật, công nghệ - sáng tạo cách thức cải tạo thế giới; từ đổi mới sáng tạo trong quá trình tác động vào tự nhiên đến đổi mới sáng tạo trong quản lý xã hội và phát huy tiềm năng con người; từ thay đổi căn bản đến những sáng tạo mang tính đột phá; từ đổi mới sáng tạo của chính đội ngũ đến việc tạo ra năng lực đổi mới sáng tạo của mọi người trong xã hội.  

Chúng ta đã có những khởi sắc nhất định trong quá trình phát triển. Những thành tựu nổi bật về khoa học công nghệ, sản xuất - kinh doanh và nhiều lĩnh vực của đời sống. Những thành tựu này có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ trí thức. Song có thể thấy, để thúc đẩy việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đạt mục tiêu phát triển thì việc phát triển, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức Việt Nam còn nhiều vấn đề: số lượng và chất lượng đội ngũ, phẩm chất và năng lực hoạt động, yêu cầu và khả năng, những vấn đề thuộc về chính đội ngũ và những vấn đề xã hội...

3. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có nhiều thuận lợi cơ bản song cũng có những thách thức to lớn.

Một là, đội ngũ trí thức Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi trong phát triển, đổi mới sáng tạo. Cụ thể, sự xác định rõ ràng, nhất quán về chủ trương phát triên khoa học - công nghệ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các văn kiện đại hội của Đảng, coi thúc đẩy đổi mới sáng tạo (cùng với/ trên cơ sở phát triển khoa học - công nghệ) là điều kiện, tiền đề cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh đó, quan điểm về phát triển, sử dụng, phát huy nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung là đội ngũ trí thức đang tạo ra nhiều thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ này.

Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước vừa đặt ra yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức, vừa tạo động lực để đội ngũ trí thức phát huy vai trò, trách nhiệm của mình.

Các chính sách dành cho khởi nghiệp, chính sách khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chính sách kinh tế - xã hội... hiện nay đang được triển khai là điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Quá trình hội nhập diễn ra mạnh mẽ, toàn diện đang đem lại những cơ hội cho sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam cũng như điều kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ này. Sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ thế giới, thành tựu đổi mới sáng tạo của giới trí thức toàn cầu... đem lại tri thức và kinh nghiệm về phương thức đổi mới sáng tạo cho đội ngũ trí thức Việt Nam. Quá trình giao lưu, hợp tác vừa giúp chúng ta huy động được nguồn nhân lực cho sự phát triển của Việt Nam, vừa đưa đội ngũ trí thức Việt Nam hòa nhập cùng đội ngũ trí thức các nước. Đây là điều kiện không chỉ phát triển đội ngũ mà còn thúc đẩy năng lực đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam.

Đội ngũ trí thức Việt Nam có tính trách nhiệm xã hội cao. Ý thức về xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh luôn thể hiện mạnh mẽ trong giới trí thức. Lịch sử nghìn năm dựng nước đã hun đúc tinh thần tự hào dân tộc, ý chí tự lực tự cường... cho đội ngũ trí thức Việt Nam. Những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp, với ý thức trách nhiệm của đội ngũ trí thức sẽ tạo nên sức mạnh nội sinh gia tăng sự cống hiến quan trọng của đội ngũ trí thức Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước.

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản trên, quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở đội ngũ trí thức Việt Nam cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trước hết, vấn đề về yêu cầu thúc đẩy đổi mới sáng tạo phát triển đội ngũ với thực trạng đội ngũ trí thức Việt Nam nhìn chung yếu về năng lực đổi mới sáng tạo.  Sự yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do nhiều yếu tố, trong đó việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng đội ngũ là nguyên nhân căn bản.

Hai là, bên cạnh những thuận lợi cơ bản, quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế cũng là những thách thức cho quá trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay. Đó là sự cạnh tranh gay gắt về sản phẩm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong quá trình cạnh tranh đó, sự chênh lệch về trình độ, điều kiện phương tiện và kinh phí dẫn đến quá trình đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức có nhiều khó khăn, bất lợi. Đó là những yêu cầu cao về tính pháp lý của sở hữu trí tuệ, bản quyền, nhãn hiệu...

4. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nhất là hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức là yêu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay. Điều này được khẳng định là điều kiện cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam. Cụ thể:

Một là, nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức đối với quá trình phát triển Việt Nam. Việc nâng cao nhận thức của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp và nhận thức xã hội về vị trí, vai trò của đội ngũ trí thức là xuất phát điểm cho các biện pháp tác động xã hội nhằm phát huy sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ trí thức trong bối cảnh hiện nay. Hoạt động đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức được thực hiện trên nhiều lĩnh vực: nghiên cứu khoa học - công nghệ, sản xuất - kinh doanh và quản lý. Mỗi lĩnh vực hoạt động thực tiễn mà đội ngũ trí thức tham gia có những yêu cầu đặc thù, song đều có những đóng góp nền tảng và to lớn cho sự phát triển bền vững của nước ta.

Hai là, từ mối quan hệ không thể tách rời giữa nghiên cứu khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo và mối quan hệ chỉnh thể của ý tưởng đổi mới sáng tạo và thực hiện đổi mới sáng tạo trong thực tiễn, cần xác định rõ quan điểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức trong điều kiện hiện nay trên tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Phát triển khoa học - công nghệ là điều kiện của quá trình đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo phải trên cơ sở phát triển nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo là thúc đẩy sự hình thành ý tưởng đổi mới sáng tạo và thực hiện đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức.

Ba là, xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam, thúc đẩy đổi mới sáng tạo của đội ngũ này phải bắt đầu từ việc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục - đào tạo nhằm phát triển toàn diện cả số lượng và chất lượng. Triển khai đổi mới giáo dục - đào tạo trên các cấp, các ngành đào tạo, từ đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo để có được đội ngũ trí thức đủ tài, đủ tâm cho đất nước. Đây được coi là điều kiện để thúc đẩy sự phát triển hiện nay ở nước ta.

Có chính sách hợp lý trong tuyển chọn, sử dụng, đánh giá đội ngũ trí thức. Vị trí, việc làm của đội ngũ trí thức đòi hỏi những yêu cầu đặc thù. Chúng ta chỉ có thể phát huy được sức sáng tạo của đội ngũ khi tuyển chọn, sắp xếp và sử dụng theo nguyên tắc vì việc mà chọn người, sự phù hợp của năng lực với yêu cầu công việc. Trọng dụng trí thức có phẩm chất, năng lực chuyên môn, năng lực quản lý tốt. Có phương thức quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức phù hợp với đặc điểm lao động của đội ngũ này.

Công tác đánh giá trí thức khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo có tác động rất lớn đến mức độ phát huy năng lực hoạt động của đội ngũ. Việc đánh giá cán bộ khách quan sẽ tạo động lực to lớn thúc đẩy sức cống hiến của đội ngũ và ngược lại. Đánh giá lao động của đội ngũ trí thức cần bảo đảm các nguyên tắc: coi trọng cống hiến, bảo đảm tính giai đoạn và tính liên tục, đảm bảo tính toàn diện trên các khía cạnh đức và tài, thái độ và trình độ, cá nhân và tập thể, đóng góp ngắn hạn và dài hạn... Trên cơ sở đánh giá, cần có chính sách và chế độ đãi ngộ, khen thưởng thỏa đáng để tạo động lực cho sức sáng tạo và cống hiến của đội ngũ.

Bốn là, bảo đảm các điều kiện về phương tiện làm việc, thông tin tư liệu và kinh phí hoạt động nhằm thúc đẩy lao động sáng tạo của đội ngũ trí thức. Trong đó, cần tăng khả năng tiếp cận của đội ngũ đối với thông tin khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo của các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua việc phát triển hạ tầng thông tin và xây dựng hệ thống thông tin khoa học - công nghệ quốc gia thông suốt, nhanh chóng, hiệu quả trong quá trình chuyển đối số. Tăng cường các hoạt động hợp tác, trao đổi thông tin giữa đội ngũ trí thức Việt Nam với các nước.

Tập trung nguồn lực tài chính nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức theo hướng xác định đầu tư trọng tâm, trọng điểm, vừa cơ bản vừa lâu dài, bảo đảm cho sự phát triển cho các lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo để tồn tại, phát triển trong môi trường có tính toàn cầu, cạnh tranh cao.

Năm là, xây dựng môi trường xã hội nói chung, môi trường làm việc nói riêng lành mạnh, phát huy được sức sáng tạo của đội ngũ trí thức. Muốn phát huy vai trò của đội ngũ trí thức khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cần tạo lập môi trường xã hội, môi trường làm việc thuận lợi. Trong đó, các nhân tố chính trị - xã hội, văn hóa, khoa học... tác động rất mạnh mẽ đến sức cống hiến. Tinh thần dân chủ, tính minh bạch trong quản lý là yêu cầu, điều kiện của sự đổi mới sáng tạo. Tôn trọng, lắng nghe ý kiến, bao gồm cả ý kiến phản biện xã hội, đồng thời có cơ chế chắt lọc, tiếp thu hợp lý những ý kiến phản biện của đội ngũ. Trong bối cảnh hiện nay, cần hoàn thiện khung hành lang pháp lý, hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách để bảo đảm Luật Khoa học và Công nghệ được thực thi hiệu quả, bảo đảm tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo ở Việt Nam.

Sáu là, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động của đội ngũ trí thức Việt Nam cần phát huy cao nhất những nhân tố thuộc về chủ thể đổi mới sáng tạo. “Khơi dậy tinh thần và ý chí, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; dân tộc cường thịnh, trường tồn; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(1). Phát huy nhân tố chủ quan của chủ thể đổi mới sáng tạo chính là phát huy sự vươn lên, học hỏi, tu dưỡng, phấn đấu không ngừng của đội ngũ trí thức Việt Nam về tầm trí tuệ và phẩm chất đạo đức nghề nghiệp.

Đó là sự không chấp nhận trì trệ, lạc lậu trong lao động, sản xuất, quản lý. Đó là ước muốn, nhu cầu, là khát khao đổi mới sáng tạo. Hơn ai hết, đội ngũ trí thức ý thức được vai trò, trách nhiệm của mình, nỗ lực không ngừng, cống hiến không mệt mỏi cho xã hội. Những yếu tố này làm nên nội lực của chính đội ngũ.

Họ đề cao năng lực tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn của đội ngũ. Bên cạnh những tác động của xã hội. Đội ngũ trí thức cần coi việc phát triển tư duy và năng lực hoạt động thực tiễn là điều kiện để đổi mới sáng tạo. Do vậy, chính đội ngũ trí thức cần không ngừng rèn luyện tư duy logic, tư duy lý luận khoa học, năng lực quan sát, năng lực chuyên môn, quản lý, năng lực xã hội... Thường xuyên bồi dưỡng, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, mở rộng vốn kiến thức, phát triển các kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng xã hội... Đây là những nhân tố quyết định sức đổi mới sáng tạo của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay.

__________________

(1) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.46.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. TS Nguyễn Văn Sơn: Trí thức giáo dục đại học Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002.

2. Nguyễn Đắc Hưng: Trí thức Việt nam trước yêu cầu phát triển đất nước, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005.

3. Đồng Thị Thu Huyền: Đội ngũ cán bộ trẻ với đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, Nxb Đại học quốc gia, Hà Nội, 2018.

PGS, TS PHẠM MINH SƠN

TS PHAN THỊ THANH HẢI

Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền