Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Quan điểm của Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và quốc tế trong cách mạng Việt Nam
Thứ năm, 08 Tháng 10 2015 14:13
3730 Lượt xem

Quan điểm của Hồ Chí Minh về giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và quốc tế trong cách mạng Việt Nam

(LLCT) – Trong thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và quốc tế. Trước yêu cầu mới, chúng ta cần nhận thức, vận dụng một cách sáng tạo quan điểm của Người để thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế.

Từ đầu thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã nhận rõ tính tất yếu của sự tác động qua lại giữa các yếu tố dân tộc và quốc tế. Người nhận ra rằng, ngày nay, sự thống trị và bóc lột của chủ nghĩa đế quốc đã mang tính toàn cầu: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi”(1). Vì vậy, “thế giới sẽ chỉ có nền hoà bình cuối cùng khi tất cả các dân tộc tự mình thoả thuận với nhau cùng tiêu diệt con quái vật đế quốc chủ nghĩa ở khắp mọi nơi mà họ gặp nó”(2). Thực tế đó đã giúp Hồ Chí Minh nhận ra mối liên hệ và tác động lẫn nhau giữa cách mạng giải phóng dân tộc với cách mạng xã hội chủ nghĩa, giữa phong trào cách mạng của một dân tộc với phong trào cách mạng thế giới. Vì vậy,  đối với Người, sự kết hợp các yếu tố dân tộc và quốc tế trong cách mạng của mỗi dân tộc là một tất yếu lịch sử. Mối quan hệ đó, theo Người, được thể hiện trên những phương diện sau:

Thứ nhất, yếu tố dân tộc mang tính quyết định đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam.

Hồ Chí Minh nhìn nhận dân tộc như là những yếu tố nội sinh, có vai trò quyết định đối với sự phát triển, thắng lợi của cách mạng. Theo Người, ở các nước đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, thực dân, vì độc lập dân tộc như Việt Nam thì đấu tranh dân tộc là một động lực lớn của lịch sử. Người khẳng định: “…người ta sẽ không thể làm gì được cho người An Nam nếu không dựa trên các động lực vĩ đại và duy nhất của đời sống xã hội của họ”(3), tức chủ nghĩa dân tộc bản xứ. Người đặt vấn đề phải khai thác triệt để yếu tố dân tộc, sức mạnh của tinh thần dân tộc trong cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa. Từ đó, Hồ Chí Minh đi tới một kiến nghị có tính cương lĩnh hành động đối với Quốc tế Cộng sản và những nguời cộng sản là phải biết chủ động nắm lấy, phát huy và “phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế Cộng sản”(4). Làm được điều đó, những người cộng sản sẽ thực hiện được “một chính sách mang tính hiện thực tuyệt vời”. Và, “khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi… nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”(5).

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mặc dù, Hồ Chí Minh luôn nêu cao chủ nghĩa quốc tế và đoàn kết quốc tế, nhưng Người cũng luôn khẳng định tính quyết định của yếu tố nội sinh, đề cao lợi ích dân tộc. Người nhấn mạnh: phải có tinh thần dân tộc vững chắc, muốn làm gì cũng cần vì lợi ích dân tộc mà làm, và phải luôn luôn vì lợi ích của dân tộc mà phục vụ.Hồ Chí Minh khẳng định: “Cũng như trong thời kỳ kháng chiến, phương châm của ta hiện nay là: Tự lực cánh sinh là chính, việc các nước bạn giúp ta là phụ”(6). Những thành tựu của cách mạng Việt Nam 85 năm qua ta càng thấy rõ giá trị quan điểm đó của Hồ Chí Minh.

Thứ hai, các yếu tố quốc tế có tầm quan trọng đặc biệt đối với cách mạng Việt Nam.

Khi nhấn mạnh yếu tố dân tộc, Hồ Chí Minh không xem nhẹ sự giúp đỡ quốc tế. Người đã đánh giá hết sức đúng đắn và chủ động tiếp nhận sự giúp đỡ của quốc tế đối với cách mạng Việt Nam. Trong điều kiện mà “cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận khăng khít của cách mạng vô sản trong phạm vi toàn thế giới”(7) thì “thắng lợi của cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của các dân tộc gắn liền với sự ủng hộ và giúp đỡ tích cực của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào công nhân ở các nước tư bản chủ nghĩa”(8). Chính vì vậy, Hồ Chí Minh đã tích cực, chủ động “kết hợp phong trào cách mạng nước ta với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế và của các dân tộc bị áp bức”(9).

Từ khi tham gia Đảng Xã hội Pháp, nhiều lần Hồ Chí Minh đặt vấn đề với các đồng chí của mình: “Nếu các đồng chí không lên án chủ nghĩa thực dân, nếu các đồng chí không đoàn kết với các dân tộc thuộc địa, thì các đồng chí làm thứ cách mạng gì?”(10). Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã tận dụng được sự giúp đỡ của quốc tế, của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, đặc biệt là sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa đối với cách mạng Việt Nam.

Với Hồ Chí Minh, những kinh nghiệm cách mạng, những giá trị văn hóa quốc tế cũng là những yếu tố có ý nghĩa quan trọng. Người đánh giá cao kinh nghiệm du kích ở Liên Xô. Năm 1951, trong lời tựa cho cuốn “Tỉnh uỷ bí mật”, Người khẳng định: “Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta, và chúng ta nhất định thành công trong việc đẩy mạnh phong trào du kích”(11), Người luôn nhắc đến: “những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em”, “học tập những gương tốt của các nước anh em”.

Sự tiếp nhận các yếu tố quốc tế được Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa. Là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Đảng Cộng sản, Hồ Chí Minh nhận thức ý nghĩa phổ quát và sức mạnh vô địch của chủ nghĩa Mác - Lênin. Truyền bá vào Việt Nam, vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, Hồ Chí Minh đã tạo ra một kiểu mẫu về sự kết hợp dân tộc và quốc tế. Người viết “Chúng tôi giành được thắng lợi đó là do nhiều nhân tố, nhưng cần phải nhấn mạnh rằng…trước hết là nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”(12).

Thứ ba, đặc điểm dân tộc - điều kiện để tiếp nhận các yếu tố quốc tế

Các yếu tố quốc tế, mặc dù có ý nghĩa phổ biến nhưng trên thực tế, chúng được sản sinh ra trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định, chúng có hình thức biểu hiện đặc thù trong những thời đại và những xã hội cụ thể nhất định. Vì vậy, để có thể tiếp nhận các yếu tố quốc tế, cần phải tính đến tương quan giữa các yếu tố quốc tế với các yếu tố dân tộc cụ thể là “đặc điểm dân tộc”:“Không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em, là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều”(13). Như vậy, đặc điểm dân tộc là điều kiện để tiếp nhận các yếu tố quốc tế, để kết hợp một cách hợp lý các yếu tố dân tộc và quốc tế nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển. Nhờ đó, Hồ Chí Minh đã xác định được chính xác những nhiệm vụ của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta cũng như ở những nước thuộc địa và nửa thuộc địa. 

Trong thực tiễn công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực còn nhiều biến động, việc vận dụng và phát triển sáng tạo quan điểm của Hồ Chí Minh về mối quan hệ biện chứng giữa vấn đề dân tộc và quốc tế luôn có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết. Trên cơ sở kế thừa tư tưởng của Người, cần phải thực hiện tốt những vấn đề sau đây:

Một là, nhận thức đúng đắn việc giải quyết mối quan hệ giữa yếu tố dân tộc và quốc tế đối với sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở đó, nhận diện được xu thế thời đại, tăng sức mạnh của cách mạng nước ta. Chúng ta không chỉ tìm đồng minh ở các nước lớn và các nước bạn bè mà còn phải dựa vào xu thế lớn của thời đại. Đây cũng là cơ sở để trước những thời điểm mang tính bước ngoặt của cách mạng, chúng ta có đường lối, chủ trương đúng đắn, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước.

Hai là, phát triển đất nước phải gắn liền với xu thế chung của thế giới và thời đại. Trong quá trình phát triển của đất nước, nắm vững xu thế phát triển của thế giới và quan hệ quốc tế, gắn kết mục tiêu cách mạng của nhân dân ta với các quốc gia, các dân tộc là nền tảng của sự thành công. Qua đó, tạo được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng cách mạng và tiến bộ, đoàn kết các quốc gia, dân tộc trong cuộc đấu tranh vì hoà bình, độc lập và tiến bộ.

Ba là, kết hợp hài hòa giữa yếu tố dân tộc với quốc tế, trong đó lấy dân tộc là nền tảng. Việc mở rộng không ngừng quan hệ quốc tế vì mục tiêu hòa bình, độc lập và phát triển phải coi yếu tố dân tộc là nền tảng. Giữ vững độc lập, tự chủ, bản sắc, truyền thống tốt đẹp của dân tộc trở thành yêu cầu quan trọng của hội nhập. Do đó, tiếp nhận yếu tố quốc tế trên nền tảng dân tộc là cách đi đúng hướng và hiệu quả. Hội nhập sao cho vừa gắn kết được Việt Nam với thế giới, dân tộc với thời đại mà vẫn giữ được tính độc lập, tự chủ, vẫn duy trì và phát huy được bản sắc riêng của mình.

__________________

(1), (2), (3), (4), (5), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.1, tr.320, 17, 513, 513, 512,

(6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, tập 10, tr.56

(7), (8), (10), (12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t15, tr.392, 392, 585, 589-590

(9) Sđd, tập 12, tr.417

(11) Sđd, tập 7, tr.237

 (13) Sđd, tập 11, tr.97

 

                                                                            ThS. Nguyễn Tùng Lâm

Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền