Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Tư tưởng Hồ chí Minh về đoàn kết tôn giáo
Thứ sáu, 30 Tháng 10 2015 17:12
11291 Lượt xem

Tư tưởng Hồ chí Minh về đoàn kết tôn giáo

(LLCT) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vấn đề đoàn kết tôn giáo, tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo gồmđoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa đồng bào trong cùng tôn giáo trong khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi sự nghiệpcách mạng…

1. Mục tiêu của đoàn kết tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Vấn đề tôn giáo và dân tộc có mối quan hệ khăng khít.Đồng bào tôn giáo cũng là công dân của đất nước, dân tộc. Vì thế đoàn kết tôn giáo cũng thống nhất và nằm trong khối đại đoàn kết dân tộc. Mục tiêu của đoàn kết tôn giáo là xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước của nhân dân ta, các thế lực thực dân, đế quốc thường lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng. Chúng không chỉ có những âm mưu, thủ đoạn để chia rẽ nhân dân các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, đồng bào kinh với đồng bào dân tộc, mà còn triệt để thực hiện chính sách chia rẽ đồng bào có tôn giáo với đồng bào không tôn giáo, giữa đồng bào các tôn giáo khác nhau, thậm chí gây chia rẽ đồng bào ngay trong nội bộ một tôn giáo. Vì thế, theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo là tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước, giải phóng con người thoát khỏi nô dịch, áp bức, bất công, đưa cả nước đi lên CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN.

Chính vì vậy, ngay sau khi nước nhà độc lập, trong Phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố: “Thực dân và phong kiến thi hành chính sách chia rẽ đồng bào Giáo và đồng bào Lương, để dễ thống trị. Tôi đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: TÍN NGƯỠNG TỰ DO và Lương Giáo đoàn kết”(1).

Người kêu gọi toàn dân, lương và giáo xóa bỏ mặc cảm, thực hiện tư tưởng: đoàn kết lương giáo, chủ trương “Lương giáo đoàn kết để kháng chiến kiến quốc thắng lợi”. Trong “Thư gửi Hội Phật tử Việt Nam”(8-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Nay đồng bào ta đại đoàn kết, hy sinh của cải xương máu, kháng chiến đến cùng, để đánh tan thực dân phản động, để cứu quốc dân ra khỏi khổ nạn, để giữ quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc. Thế là chúng ta làm theo lòng đại từ đại bi của Đức Phật Thích Ca, kháng chiến để đưa giống nòi ra khỏi cái khổ ải nô lệ”(2).

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết là một chiến lược lâu dài chứ không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời, vì thế ta phải đoàn kết rộng rãi, chân thành, nhưng trong mỗi giai đoạn cách mạng, mục tiêu cụ thể của chiến lược đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết tôn giáo có sự phát triển cho phù hợp. Năm 1955, nói chuyện tại Hội nghị Mặt trận Liên - Việt toàn quốc, Người khẳng định: “Đoàn kết của ta không những rộng rãi mà còn đoàn kết lâu dài. Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”(3).

Theo Hồ Chí Minh, chúng ta phải tạo ra được lực lượng tiến bộ trong các tôn giáo, đồng thời chống lại hoạt động phản động lợi dụng tôn giáo, cô lập bọn phản động, làm thất bại mọi hoạt động của bọn tay sai đế quốc. Chúng ta phải làm cho giáo hội Việt Nam ngày càng tiến bộ hơn, có tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu hòa bình và đoàn kết dân tộc hơn(4).

Với việc xác đinh mục tiêu rõ ràng, mà Hồ Chí Minh đã quy tụ, tập hợp được toàn dân tham gia kháng chiến và kiến quốc thắng lợi.

2. Ý nghĩa của đoàn kết tôn giáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh

Hồ Chí Minh không bàn nhiều về mặt tiêu cực và sự khác biệt của các tôn giáo, mà Người thường xuyên nhấn mạnh sự thống nhất giữa các tôn giáo với chủ nghĩa Mác, với CNXH, với cuộc sống kháng chiến của nhân dân ta về mục tiêu, khát vọng đấu tranh cho quyền lợi của những tầng lớp nhân dân và các dân tộc bị áp bức. Người nhìn nhận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với quan niệm tôn giáo là vấn đề con người, vì con người, vì thế nó mang giá trị nhân văn sâu sắc.

Người chỉ ra cái chung, cái thống nhất của các tôn giáo với mục tiêu, lý tưởng của CNXH. Hồ Chí Minh đã nhận thấy trong bản chất tôn giáo và trong cả tư tưởng của những người sáng lập ra nó chẳng có ai là không mong muốn cho cuộc sống của con người ngày càng tốt đẹp hơn, đạo đức hơn. Xét cho cùng thì tất cả các tôn giáo đều hướng tới những giá trị chung của con người là: Chân - Thiện - Mỹ.

Thế giới quan và nhân sinh quan giữa tôn giáo và CNXH có nhiều điểm khác biệt. Thế nhưng rất ít khi Hồ Chí Minh nói về sự khác nhau giữa tôn giáo với CNXH, vì nói nhiều đến sự khác nhau đó không có lợi cho sự đoàn kết dân tộc, dễ dẫn đến hiểu lầm, xa lánh giữa những người có tôn giáo với những người không theo tôn giáo. Người tìm những điểm tương đồnggiữa tôn giáo và CNXH, tìm tiếng nói chung giữa đồng bào không có tôn giáo vàđồng bào có tôn giáođể đoàn kết, tập hợp họtrong thực hiện mục tiêu chung là xây dựng CNXH.

Tầm nhìn của Hồ Chí Minh đối với các tôn giáo chính là tầm nhìn của đỉnh cao văn hóa nhân loại, tầm nhìn “của tương lai”, vượt qua những giới hạn của lịch sử, của những thiên kiến tôn giáo, giai cấp và dân tộc để thấy được giá trị đạo đức tích cực của các tôn giáo, khai thác nó phục vụ cho sự nghiệp cách mạng. Tầm nhìn đó dựa trên chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với hệ tư tưởng tiến bộ của thời đại là chủ nghĩa Mác -Lênin.

Hồ Chí Minh đã khai thác các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo trên một tầm nhìn mới và phương pháp mới nhằm phục vụ cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng chế độ xã hội mới. Người đã đưa vào các giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo những nội dung mới có ý nghĩa tiến bộ phục vụ cho sự phát triển của thời đại mới, gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Trong các bài nói, bài viết về đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh thường trích dẫn những câutrong kinh Phật, kinh Thánh hay lời của Khổng, Mạnh... Người chuyển ý cho phùhợp với thời đại, hợp với dân chúng, mà tinh thần cơ bản không thay đổi: “Kinh Thánh có câu ý dân là ý Chúa, con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng. Tôi mong các cụ phụ lão, các vị giám mục hăng hái khuyến khích tín đồ trong mọi công việc ích nước lợi dân. Lương giáo đoàn kết, cả nước một lòng...”; “Trong Công giáo có câu “Tam vị nhất thể”, nhà Phật có câu “Vạn chúng nhất tâm” nên chúng ta phải hy sinh cho nhân loại và chúng sinh”(5).

Theo Hồ Chí Minh, đoàn kết tôn giáo là một vấn đề quan trọng của chính sách đại đoàn kết dân tộc. Để thực hiện tốt việc đoàn kết tôn giáo, ngoài các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về chính trị, kinh tế, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cần phải thực hiện chính sách tự do tín ngưỡng đối với các tôn giáo.

Do hoàn cảnh lịch sử khác nhau nên giữa C.Mác,Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã có cách giải quyết khác nhau về vấn đề tôn giáo. Hồ Chí Minh nhiều lần nói đến điểm giống nhau, hay điểm tương đồng về mục đích của tôn giáo và chủ nghĩa cộngsản, trong khi C.Mác,Ph.Ăngghen, V.I.Lênin lại nhấn mạnh đến sự khác nhau, sự đối nghịch giữa tôn giáo với chủ nghĩa cộng sản. Nhấn mạnh điểm tương đồng giữa tôn giáo và CNXH là điểm đặc sắc và sáng tạo của Hồ Chí Minh qua thực tiễn cách mạng Việt Nam. Ở đây, không hề có sự mâu thuẫn quan điểm giữa chủ nghĩa Mác -Lênin với Hồ Chí Minh, mà ngược lại, thể hiệnsự sáng tạo, vậndụng chủ nghĩa Mác -Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Trong điều kiện hoàn cảnh lịch sử mới, quan điểm đoàn kết tôn giáo của Hồ Chí Minh vẫn còn có ý nghĩa lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn:

Về mặt lý luận, Hồ Chí Minh chính là người mở ra khả năng kết hợp giữa CNXH, chủ nghĩa cộng sản và tôn giáo, có thể cùng chung sống một cách hòa bình vì có những điểm chung nhất định. Những người XHCN có thể kế thừa được những giá trị tiến bộ của tôn giáo, nhất là ở khía cạnh nhân bản.

Triệt để tôn trọng tự do tín ngưỡng gắn liền với việc tăng cường tình đoàn kết và hòa hợp dân tộc là phương pháp rất hữu hiệu để giải quyết vấn đề tôn giáo, hướng mọi người vào mục tiêu chung của xã hội, đó là: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Về mặt thực tiễn,quan điểm về đoàn kết tôn giáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam để Đảng và Nhà nước ta hoạch định những chủ trương, chính sách giải quyết vấn đề tôn giáo một cách đúng đắn trong suốt quá trình cách mạng. Từ những quan điểm chỉ đạo đúng đắn của Hồ Chí Minh, chúng ta đã tiếp thu và hướng đồng bào có đạo đi theo cách mạng, không để kẻ thù lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng phục vụ tâm địa xấu xa của chúng. Qua đó làm cho đồng bào các tôn giáo tin tưởng vào chế độ xã hội mới, gắn kết được đạo với đời, lấy lý tưởng “tốt đời, đẹp đạo” làm mục tiêu hành động.

3. Vận dụng quan điểm của Hồ Chí Minh vào việc hoạch định chính sách tôn giáo hiện nay

Quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, trong suốt quá trình phát triển của cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Trong công tác tôn giáo thời kỳ đổi mới, Đảng ta xác định nhiệm vụ: Tăng cường đoàn kết lương giáo, đoàn kết toàn dân; Ra sức chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, nâng cao trình độ mọi mặt của đồng bào có đạo; Thực hiện tự do tín ngưỡng và tự do không tín ngưỡng trên cơ sở pháp luật. Đảng ta nêu rõ: Đồng bào có đạo đa số là nhân dân lao động có lòng yêu nước, đã góp phần cùng toàn dân phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo đã làm tốt việc đạo, việc đời, hướng dẫn tín đồ chấp hành đúng các chính sách của Nhà nước.

Tại Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX, Đảng ta tiếp tục chỉ rõ: “Đồng bào các tôn giáo đã có những đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nghị quyết đặc biệt nhấn mạnh yếu tố đoàn kết: “Đồng bào theo các tôn giáo khác nhau; đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và không theo tôn giáo”.Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 7 khóa IX, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nhấn mạnh: “Vấn đề đại đoàn kết dân tộc, công tác dân tộc và tôn giáo là những vấn đề chính   trị lớn, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của nước ta”(6). “Đoàn kết các dân tộc và các tôn giáo là bộ phận rất quan trọng”(7).

Đại hội VIII (1996) của Đảng chỉ rõ: “Đồng bào theo đạo và các vị chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống tốt đời, đẹp đạo”(8). Đến Đại hội IX được nhắc lại: Đồng bào theo đạo và chức sắc tôn giáo có nghĩa vụ làm tròn trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Đại hội X nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng và chính quyền là “Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống tốt đời, đẹp đạo”. Tín đồ và chức sắc các tôn giáo đều là công dân, họ có quyền lợi và nghĩa vụ như mọi công dân khác và trong họ đều mong muốn được sống “tốt đời, đẹp đạo”, “kính Chúa” gắn liền với “yêu nước” để cho “nước vinh, đạo sáng”. Đại hội XI nhấn mạnh vấn đề này: “Động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(9). Như vậy, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định rõ chủ thể của công tác tôn giáo, còn khách thể của công tác tôn giáo chủ yếu vẫn chỉ trong phạm vi là tín đồ và chức sắc tôn giáo. Còn đến Đại hội XI, Đảng ta bổ sung thêm đối tượng nữa cần động viên là “các tổ chức tôn giáo” đã được Nhà nước công nhận. Như vậy, các chủ trương, chính sách của Đảng về tôn giáo trong thời kỳ đổi mới đều là hướng tới mục tiêu cao cả và thống nhất, đó là đoàn kết đồng bào tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc, vì sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo đã được thực tiễn cách mạng Việt Nam chứng minh là đúng đắn, phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam. Nó không chỉ có ý nghĩa đương thời mà còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.

______________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 11-2014

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.9.

(2) Sđd, t.5, tr.197.

(3) Sđd, t. 7, tr.438.

(4) Dẫn theo:Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh,t.2, Viện nghiên cứu Khoa học Công an xuất bản, Hà Nội, 1993, tr.134.

(5) Hồ Chí Minh: Biên niên tiểu sử, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.116.

(6), (7) ĐCSVN: Văn kiện Hội Nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.5, 6.

(8) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.126.

(9) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.245.

 

TS Nguyễn Xuân Trung

Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền