Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Hội thảo khoa học "Giá trị tư tưởng Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay"
Thứ sáu, 27 Tháng 11 2015 16:17
2280 Lượt xem

Hội thảo khoa học "Giá trị tư tưởng Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay"

(LLCT) – Sáng 27-11-2015, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học: “Giá trị tư tưởng Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay”, kỷ niệm 195 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen (1820-2015). Tạp chí Lý luận chính trị điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn Báo cáo đề dẫn của GS, TS Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

(GS,TS Tạ Ngọc Tấn phát biểu đề dẫn)

BÁO CÁO ĐỀ DẪN HỘI THẢO KHOA HỌC

Phriđrich Ăngghen (1820 – 1895) là người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của C.C.Mác, người đã cùng với C.Mác sáng lập học thuyết C.Mác – học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới.

Ph.Ăngghen đã cống hiến rất to lớn về tư tưởng, lý luận trở thành lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và quần chúng cần lao. Những giá trị bền vững của chủ nghĩa C.Mác - Lênin gắn liền với những giá trị bền vững của tư tưởng Ph.Ăngghen bên cạnh tư tưởng của C.Mác. Những giá trị đó đã và đang có ý nghĩa soi sáng cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tuy nhiên, trong điều kiện mới, với những yêu cầu thực tiễn mới mẻ, đòi hỏi giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản, đảng công nhân phải vận dụng sáng tạo những tư tưởng của Ph.Ăngghen tiếp tục đấu tranh cho CNXH, CNCS nhằm thực hiện lý tưởng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, xóa bỏ mọi áp bức, bất công, mang lại cuộc sống hạnh phúc và sự phát triển toàn diện cho con người.

Kỷ niệm 195 năm ngày sinh của Ph.Ăngghen, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giá trị tư tưởng Ph.Ăngghen trong thời đại ngày nay” nhằm đánh giá đúng công lao, cống hiến về tư tưởng, lý luận của Ph.Ăngghen trong sáng lập, hoàn thiện chủ nghĩa C.Mác, quán triệt sâu sắc để vận dụng sáng tạo tư tưởng đó vào công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo.

Sinh thời Ph.Ăngghen rất khiêm tốn, luôn tự nhận mình là “cây vĩ cầm thứ hai bên cạnh C.Mác”, song những cống hiến to lớn về tư tưởng của Ph.Ăngghen đã được bản thân C.Mác ghi nhậnlà một khối óc sắc sảo, một pho bách khoa toàn thư. V.I.Lênin khẳng định: “Muốn đánh giá đúng đắn những quan điểm của C.Mác, tuyệt đối phải đọc những tác phẩm của người cùng tư tưởng và người cộng tác gần gũi nhất của C.Mác là Phriđrich Ăngghen. Không thể nào hiểu được chủ nghĩa C.Mác, nếu không chú ý đến toàn bộ những tác phẩm của Ăngghen”(1). Những ai nghiên cứu về chủ nghĩa C.Mác đều thừa nhận tư tưởng vĩ đại của Ph.Ăngghen bên cạnh tư tưởng của C.Mác.

Hàng loạt tác phẩm riêng và viết chung với C.Mác đã thể hiện tư tưởng của Ph.Ăngghen có giá trị bền vững với nhiều luận điểm khẳng định thế giới quan và phương pháp luận C.Mác xít giúp giai cấp công nhân, các Đảng Cộng sản, đảng công nhân có được nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

Ý nghĩa thời đại của những tư tưởng của Ph.Ăngghen luôn mang tính thời sự đòi hỏi những người cộng sản phải vận dụng sáng tạo đồng thời bổ sung phát triển những tư tưởng đó trước yêu cầu, điều kiện mới.

Giá trị soi sáng thời đại ngày nay của tư tưởng Ph.Ăngghen thể hiện tiêu biểu trên một số lĩnh vực mà chúng ta có thể nhận thấy và khẳng định:

Thứ nhất, Ph.Ăngghen đã cùng với C.Mác xây dựng, tạo lập nền tảng tư tưởng và hoàn thiện lý luận cho học thuyết cách mạng.

Từ sau cuộc gặp gỡ C.Mác năm 1844, Ph.Ăngghen đã trở thành người bạn, người đồng chí gần gũi thân thiết của C.Mác, xây đắp nên một tình bạn cảm động và vĩ đại của các lãnh tụ vĩ đại nhất của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.

Cùng với C.Mác, Ph.Ăngghen đã viết hàng loạt tác phẩm, từng bước tạo lập cơ sở lý luận cho học thuyết C.Mác xít. Các tác phẩm viết chung với C.Mác tiêu biểu như Gia đình thần thánh, Hệ tư tưởng Đức, Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, cùng với nhiều công trình riêng của Ph.Ăngghen như Tình cảnh giai cấp lao động ở Anh; Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản; Chống Đuyrinh; Nguồn gốc của gia đình của chế độ tư hữu và của nhà nước đều phản ánh tầm vóc vĩ đại của Ph.Ăngghen trong việc bảo vệ và bổ sung, hoàn thiện học thuyết C.Mác. Ph.Ăngghen đã viết Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản dưới dạng cẩm nang hỏi và đáp, tạo tiền đề để viết tác phẩm chung với C.Mác: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản – bản Cương lĩnh vĩ đại đầu tiên của giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao… Chỉ có Ph.Ăngghen mới hiểu C.Mác, xử lý phù hợp pho tư liệu to lớn và phong phú của C.Mác, tiếp tục hoàn thiện bộ Tư bản sau khi C.Mác mất.

Thứ hai, trên cả 3 bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác (triết học, kinh tế học chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học) đều in đậm dấu ấn công lao, tư tưởng của Ph. Ăngghen.

Trên lĩnh vực triết học, Ph.Ăngghen đã vận dụng tài tình phương pháp duy vật biện chứng cùng với C.Mác tạo lập chủ nghĩa duy vật lịch sử làm cho “chủ nghĩa duy vật hoàn bị” thành “công cụ nhận thức vĩ đại”. Ph.Ăngghen đã rất tài tình trong tìm hiểu nắm bắt các quy luật tự nhiên, giúp C.Mác làm sáng tỏ thêm mối liên hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên.

Trên lĩnh vực kinh tế học chính trị, Ph.Ăngghen đã thể hiện là một nhà kinh tế học, cùng với C.Mác hoàn thiện nhiều công trình lớn, đặc biệt là đã đi sâu nghiên cứu kinh tế TBCN, bóc trần bản chất bóc lột giá trị thặng dư – quy luật kinh tế cơ bản của phương thức sản xuất TBCN.

Ở lĩnh vực CNXHKH, nhiều câu hỏi được Ph.Ăngghen trả lời đã giúp hai ông hoàn thiện Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, tạo lập và hoàn thiện chủ nghĩa xã hội khoa học mà linh hồn của lý luận đó là làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân, giai cấp có khả năng tổ chức lãnh đạo xã hội thông qua Đảng Cộng sản, tiến hành cải biến xã hội từ CNTB thành CNXH trên phạm vi từng nước và trên thế giới.

Thứ ba, cùng với C.Mác, Ăngghen luôn luôn gắn lý luận và thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân vừa với tư cách nhà bác học vừa với tư cách người thầy của giai cấp công nhân thế giới.

Ph.Ăngghen đã lấy hoạt động thực tiễn để kiểm nghiệm, hoàn thiện và phát triển lý luận cách mạng. Chính cuộc đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân, phong trào công nhân ở các nước Anh, Pháp, Đức… đã giúp Ph.Ăngghen và C. C.Mác hoàn thiện hệ thống lý luận cách mạng C.Mác xít soi đường cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động cần lao.

V.I. Lênin từng nêu nhận xét: “Sau bạn ông là C. Mác, Ăngghen là nhà bác học và là người thầy lỗi lạc nhất của giai cấp vô sản hiện đại trong thế giới văn minh”(2).

Nhiều tác phẩm của Ph.Ăngghen đều phản ánh sinh động thực tiễn, minh chứng cho mối quan hệ gắn bó hữu cơ giữa lý luận C.Mác xít với thực tiễn đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân.

Thứ tư, Ph.Ăngghen luôn luôn bảo vệ, phát triển bổ sung chủ nghĩa Mác, làm cho chủ nghĩa Mác luôn luôn có giá trị khoa học và cách mạng.

Ý nghĩa thời đại lớn nhất của học thuyết Mác là giá trị khoa học và cách mạng giúp giai cấp công nhân và các Đảng Cộng sản, đảng công nhân có được thế giới quan và phương pháp luận khoa học.

Chính Ph.Ăngghen với tư tưởng lỗi lạc của mình đã luôn luôn tiên phong trong cuộc đấu tranh để bảo vệ và phát triển, bổ sung thường xuyên chủ nghĩa Mác, khẳng định chân giá trị nhiều nguyên lý lý luận soi sáng cho cách mạng thế giới, đồng thời đấu tranh không khoan nhượng chống lại những luận điểm thù địch chống đối chủ nghĩa Mác.

Thứ năm, những quan điểm có giá trị đặc biệt to lớn của Ph.Ăngghen trong khẳng định bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa xã hội khoa học, đòi hỏi phải vận dụng, phát triển sáng tạo thường xuyên để xây dựng thành công CNXH trong điều kiện cụ thể của từng quốc gia, dân tộc.

Với Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, Ph.Ăngghen đã trả lời hàng loạt vấn đề lý luận liên quan trực tiếp đến chủ nghĩa xã hội khoa học như: thế nào là giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản; quan hệ giữa giai cấp công nhân với Đảng Cộng sản; hiểu thế nào là xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất; mối quan hệ ra sao giữa giai cấp công nhân, dân tộc và quốc tế; các giải pháp cần thiết để tiến hành cách mạng XHCN,…

Chính Ph.Ăngghen là người rất khách quan, khoa học khi đánh giá những giá trị, cống hiến và hạn chế trong tư tưởng của các học giả đại diện cho chủ nghĩa xã hội – đặc biệt là chủ nghĩa xã hội không tưởng – phê phán đầu thế kỷ XIX. Ông đã luận giải rất tường minh chủ nghĩa xã hội từ không tưởng trở thành khoa học, đồng thời nêu nhiều luận điểm có giá trị thời sự với các Đảng Cộng sản, đảng công nhân: “…chủ nghĩa xã hội trở thành khoa học mà ngày nay, vấn đề trước hết là phải nghiên cứu thêm, trong mọi chi tiết và mọi mối liên hệ của nó”.

Thứ sáu, Ph.Ăngghen luôn luôn đề cao việc nắm bắt thực tiễn, tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận.

Trong rất nhiều tác phẩm, Ph.Ăngghen đều nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức, đánh giá, tổng kết thực tiễn để thường xuyên bổ sung, phát triển lý luận, nhất là lý luận về con đường hiện thực hóa CNXH, CNCS. Lý luận sẽ bị lạc hậu, sẽ bị thực tiễn sinh động phủ định nếu không nắm bắt dự báo kịp thời những biến đổi của thời đại. Một quan điểm có giá trị phương pháp luận lớn cho các Đảng Cộng sản, đảng công nhân của C.Mác và Ph.Ăngghen viết trong Lời đề tựa cho xuất bản Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản vào năm 1872 cho rằng: "… chính ngay "Tuyên ngôn" cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II"(3). Quan điểm lịch sử - cụ thể và quan điểm phát triển luôn luôn được Ph.Ăngghen quán triệt vận dụng trong nhiều nhận thức thực tiễn giải quyết mối quan hệ gắn bó giữa lý luận với thực tiễn.

Cuộc Hội thảo khoa học lần này đã thu hút nhiều nhà khoa học trong và ngoài Học viện tham gia. Nhiều chuyên luận đã đi sâu khai thác những cống hiến tư tưởng của Ph.Ăngghen trên nhiều lĩnh vực cụ thể để góp phần hoàn thiện lý luận cách mạng của giai cấp công nhân. Nhiều khía cạnh mới trong ý nghĩa thời đại và với cách mạng Việt Nam cũng đã được các nghiên cứu đề cập. Tuy nhiên theo yêu cầu mà chủ đề Hội thảo khoa học đã xác định chúng tôi đề nghị các nhà khoa học và quý vị tham gia Hội thảo cần tập trung thảo luận làm sáng tỏ thêm một số khía cạnh sau đây:

- Những quan điểm và các giá trị bền vững của Ph.Ăngghen trong việc góp phần tích cực tạo lập và hoàn thiện Học thuyết Mác.

- Phân tích chỉ ra các luận điểm của Ph.Ăngghen đã bị giới hạn lịch sử vượt qua.

- Những luận điểm của Ph.Ăngghen cần phải nhận thức lại, nhận thức cho đúng trong hệ thống lý luận thường xuyên được bổ sung, điều chỉnh của bản thân tác giả.

- Ý nghĩa thời đại và việc vận dụng sáng tạo bổ sung phát triển tư tưởng của Ph.Ăngghen trong điều kiện hiện nay, đặc biệt là những quan điểm có tính chất phương pháp luận nhận thức thực tiễn quan trọng của tổng kết thực tiễn để phát triển lý luận.

- Về đấu tranh chống các luận điểm thù địch xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, quan điểm, tư tưởng của Ph.Ăngghen nói riêng nhằm góp phần bảo vệ sự trong sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Việc vận dụng tư tưởng của Ph.Ăngghen đặc biệt là những tư tưởng về lý luận chủ nghĩa xã hội khoa học làm cơ sở lý luận và phương pháp luận để tiếp tục đổi mới nhận thức về CNXH và về con đường đi lên CNXH ở Việt Nam.

_________________

(1) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 26, Nxb Tiến bộ, M. 1980, tr. 110

(2) V.I. Lênin: Toàn tập, tập 2, Nxb Tiến bộ, M. 1978, tr. 3      

(3)C.C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, tập 18, Nxb CTQG, H.,1995, tr.128

 

 

 

 

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền