Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    V.I.Lênin và vấn đề sự thật trong hoạt động chính trị
Thứ hai, 30 Tháng 11 2015 17:05
3560 Lượt xem

V.I.Lênin và vấn đề sự thật trong hoạt động chính trị

(LLCT) - Những quan điểm, nhận thức của Lênin về vấn đề sự thật trong hoạt động chính trị nêu trên có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với nước ta hiện nay. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ luôn được dựa trên cơ sở sự thật - tức sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động chính trị của Đảng và Nhà nước. 

Đặc trưng nổi bật mang tính bản chất trong hoạt động chính trị của Lênin chính là vấn đề coi trọng sự thật. Sự thật được coi là sức mạnh trong hoạt động chính trị mà Lênin đã biết sử dụng nó để làm nên những thắng lợi vĩ đại. Để có cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga (1917) thành công, chính Lênin đã cho ra đời, đồng thời làm chủ bút tờ báo Sự thậttrước đó bảy năm. Trên báo Sự thậtđược xuất bản lần đầu tiên vào tháng 4-1912, Lênin đã phơi bày những sự thật xấu xa của chủ nghĩa đế quốc như xâm lược, xâu xé, ăn bám vào các thuộc địa; cách bóc lột thậm tệ của giai cấp tư sản đối với những người lao động trên thế giới và ở nước Nga lúc bấy giờ. Nhờ đó, đã lôi kéo được đông đảo quần chúng công nông ủng hộ, đi theo Đảng Cộng sản (b) Nga thực hiện cuộc Cách mạng Tháng Mười - một bước ngoặt của trào lưu xã hội xã hội chủ nghĩa suốt một thế kỷ qua. Lênin đã tổng kết sự ủng hộ của giai cấp công nông đối với tờ báoSự thật lúc bấy giờ như sau: “Năm 1900, khi tờ “Tia lửa” cũ được sáng lập, thì chỉ có chừng một chục nhà cách mạng tham gia tờ báo đó... Hồi 1912 -1913, khi tờ Sự thậthợp pháp của đảng bônsêvích ra đời, nó được sự ủng hộ của hàng chục và hàng trăm ngàn công nhân...”(1).

Nói, viết đúng sự thật trong hoạt động chính trị được Lênin coi là tiêu chí hàng đầu tạo nên sức mạnh, tức lôi kéo được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng công nông đối với Đảng Cộng sản (b) Nga. Sự thật còn được Lênin coi là điều cốt lõi mang tính bản chất nhất của chính trị. Nói đến chính trị tức là phải nói đến sự thật. Nói và hành động đúng sự thật thì các nhà chính trị hay đảng chính trị của giai cấp công nhân mới có sức mạnh, tức được quần chúng công nông ủng hộ, đi theo làm cách mạng. Lênin đã khẳng định rằng: “Thái độ thành thực về chính trị là kết quả của sức mạnh, thái độ giả dối về chính trị là kết quả của sự hèn yếu”(2); rằng: “sự thành thực có nghĩa là lời nói và việc làm đi đôi với nhau”(3).

Sự thật luôn đối lập với sự giả dối trong hoạt động chính trị. Tôn trọng sự thật trong chính trị tức là chủ thể hoạt động chính trị có văn hóa hay có văn hóa chính trị. Lênin đã từng khẳng định: “mục đích của văn hóa chính trị, của nền giáo dục chính trị là đào tạo nên những người cộng sản chân chính, có khả năng thắng được sự dối trá... Không như thế, thì sẽ không thu được một thành tựu kỹ thuật nào của chủ nghĩa cộng sản, và mọi ước mơ về những thành tựu đó sẽ chỉ là viển vông”(4). Điều đó đã khẳng định rằng, tầm cao của văn hóa chính trị tức là nghệ thuật chính trị. Bởi nghệ thuật chính trị là đối lập với thủ đoạn chính trị - sự giả dối trong hoạt động chính trị. Một trong các đặc trưng bản chất của nghệ thuật hoạt động chính trị là tính khoa học. Lênin nhìn nhận hoạt động chính trị vừa “là một khoa học”, đồng thời vừa là “một nghệ thuật”(5). Tính khoa học trong hoạt động chính trị tức là các quan điểm về chính trị, các thể chế chính trị phải được nhận thức, xây dựng trên cơ sở khoa học, tức phải biết tôn trọng sự thật, tuân thủ quy luật khách quan, không có sự áp đặt theo ý chí chủ quan thiếu căn cứ khoa học của chủ thể chính trị.

Tôn trọng sự thật trong hoạt động chính trị có vai trò cực kỳ quan trọng. Bởi nó làm cho chủ thể chính trị, như đảng chính trị cầm quyền có thể trở nên vững mạnh, tạo được niềm tin của quần chúng nhân dân với đảng chính trị đó. Ngược lại, nếu không nói và làm đúng sự thật, các nhà chính trị và các đảng chính trị cầm quyền sẽ đánh mất niềm tin của quần chúng nhân dân. Điều này được thể hiện ở hai vấn đề cốt lõi sau đây:

Thứ nhất, vấn đề đạo đức của các nhà chính trị, những đảng viên của đảng chính trị cầm quyền và đông đảo những người tham gia chính trị

Hồ Chí Minh từng khẳng định “Chính trị là đức”(6). Hoạt động chính trị mà không có đạo đức, nói một đằng, làm một nẻo, miệng nói chống tham nhũng nhưng bản thân lại tham nhũng sẽ hủy hoại “linh hồn” của bản thân chủ thể chính trị, tức làm mất “niềm tin” của nhân dân đối với chủ thể cầm quyền. Sinh thời, Lênin cho rằng, Đảng Cộng sản (b) Nga là một chủ thể chính trị - Đảng chính trị giữ vai trò cầm quyền. Nếu Đảng mà suy thoái về phẩm chất đạo đức như diễn ra tình trạng tham ô, nạn hối lộ trong bộ máy thì không thể tiếp tục giữ vững được vai trò lãnh đạo, từ đó khó có thể giữ được vị thế là Đảng cầm quyền. Để cảnh báo về thực trạng đó, Lênin chỉ rõ: “nếu còn có một hiện tượng như nạn hối lộ, nếu còn có thể hối lộ được, thì cũng không thể nói đến chính trị được”(7).

Lênin đã chỉ ra căn bệnh “kiêu ngạo”, “huênh hoang” như là một trong ba loại kẻ thù nguy hiểm ở nước Nga Xô viết sau Cách mạng Tháng Mười. Lênin đã nhìn nhận và xác định rất rõ ba loại kẻ thù đó: “kẻ thù thứ nhất - tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; kẻ thù thứ hai - nạn mù chữ, kẻ thù thứ ba - nạn hối lộ”(8).

Theo Lênin, căn bệnh kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa thường hay bắt nguồn từ sự “ấu trĩ”, thiếu tư duy khoa học cũng như thiếu trình độ nhận thức về các vấn đề chính trị, và do đó không thể nhận thức đúng, tôn trọng sự thật. Các điều này dẫn đến sự giả dối, bệnh “kiêu căng”, và đó là nguyên nhân dẫn đến những sai lầm trong nhận thức và hành động trong lãnh đạo chính trị. Chẳng hạn, sau Cách mạng Tháng Mười, có những người lãnh đạo của Đảng đã treo lên một loại biểu ngữ tuyên truyền “lạ lùng” rằng: “Sự thống trị của công nông sẽ tồn tại đời đời”(9). Lênin cho rằng, cách tuyên truyền đó là biểu hiện của tính “kiêu ngạo”, “tự cao tự đại”, thể hiện sự mâu thuẫn ngay giữa phương pháp tuyên truyền của chủ thể trong thực hiện mục tiêu với chính mục tiêu mà chủ thể đó muốn đạt được. Lênin đã phê phán gay gắt: “nếu sự thống trị của công nhân và nông dân mà tồn tại đời đời, thì như thế nghĩa là sẽ không bao giờ có chủ nghĩa xã hội, vì chủ nghĩa xã hội là thủ tiêu các giai cấp; chừng nào còn có công nhân và nông dân, thì sẽ còn có những giai cấp khác nhau, và bởi vậy, sẽ không có chủ nghĩa xã hội toàn vẹn”(10).

Thứ hai, vấn đề chuyên môn - sự tài giỏi của các nhà chính trị, những đảng viên của đảng chính trị cầm quyền và đông đảo những người tham gia chính trị

Chuyên môn tài giỏi trong lãnh đạo chính trị tức là phải có “tài” trong lãnh đạo, “biết lãnh đạo”, đặc biệt là biết dự báo, biết ứng phó linh hoạt, mềm dẻo hay “khéo” xử lý các tình huống, các quá trình chính trị... Lênin đã từng cảnh báo đối với những người cộng sản ở nước Nga Xô viết trước đây là “chưa hiểu rõ nhiệm vụ lãnh đạo thực sự của mình là như thế nào”(11). Lênin phê phán nghiêm khắc nhiều đảng viên của Đảng Cộng sản (b) Nga đã không biết cách lãnh đạo, bởi khi thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, họ thường ra các “chỉ thị”, “mệnh lệnh”..., tức là đã sử dụng công cụ mang tính “quyền lực” của hoạt động quản lý, điều hành (dùng luật pháp và công cụ hỗ trợ, sắc lệnh, quy chế, quy định...). Theo Lênin, với tư cách là một chủ thể thực hiện chức năng lãnh đạo thì chủ thể đó không được “ra những chỉ thị và sắc lệnh”(12). Với cách nhận thức của Lênin, các chủ thể lãnh đạo (Đảng lãnh đạo, người đảng viên Đảng Cộng sản, người lãnh đạo...) có thể được ví như những cục “nam châm” có sức hút lớn mạnh, còn nhân dân được ví như những “cục sắt” nhỏ luôn bị hút theo các chủ thể lãnh đạo. Không phải ngẫu nhiên, Lênin đã từng phê phán các chủ thể cầm quyền rằng, nếu không hiểu biết về lãnh đạo thì có khi chính mình lại trở thành các chủ thể “bị lãnh đạo”(13), thành những chủ thể “không đủ khả năng lãnh đạo”(14). Cũng theo Lênin, với nghĩa là một động từ, lãnh đạo (không bao hàm quản lý, điều hành...) là một khái niệm chỉ sự hoạt động, nhưng hoạt động đó không sử dụng tới công cụ quyền lực. Hoạt động lãnh đạo chủ yếu mang tính thuyết phục, sự làm “gương” để thuyết phục, “lôi kéo” được người dân đi theo chủ thể lãnh đạo. Lãnh đạo còn là công việc vạch ra các cương lĩnh, đường lối, chính sách đúng đắn, tức được sự đồng thuận của nhân dân để họ ủng hộ và thực hiện đường lối, chính sách đó. Lênin từng khẳng định rõ: “Nhiệm vụ thứ nhất của bất cứ một chính đảng nào có trọng trách đối với tương lai là thuyết phục cho đa số nhân dân thấy được sự đúng đắn của cương lĩnh và sách lược của mình”(15). Khi phê phán quan điểm sai lầm về lãnh đạo của một số đảng viên cộng sản đối với các tổ chức công đoàn và quần chúng nhân dân trong những năm đầu giành được chính quyền, Lênin nêu rõ: “Dù thế nào đi nữa thì trước hết chúng ta cũng phải thuyết phục... Chúng ta đã không biết thuyết phục quảng đại quần chúng và chúng ta đã phá rối mối quan hệ đúng đắn giữa đội tiền phong và quần chúng”(16).

Đạo đức và chuyên môn (đức và tài) là hai vấn đề gắn bó khăng khít với nhau. Thiếu đạo đức hoặc thiếu chuyên môn có thể được nhìn nhận như một người đi mà thiếu mất một chân, như Hồ Chí Minh đã từng nói. Chủ thể lãnh đạo mà như vậy tức chủ thể đó đã không biết tôn trọng sự thật là phải có “hai chân” thì mới đi nhanh, bền vững được. Việc thiếu chuyên môn có thể được coi là căn nguyên gốc rễ dẫn đến bệnh giáo điều, áp dụng máy móc chủ nghĩa Mác trong công tác tư tưởng lý luận. Lênin đã từng phê phán những người làm công tác tư tưởng lý luận của Đảng rằng, “chính họ đã học tập và đã dạy phép biện chứng mácxít cho những kẻ khác”(17) nhưng lại không biết vận dụng một cách biện chứng khi áp dụng vào thực tiễn. Theo Lênin, các căn bệnh này cuối cùng lại dẫn tới các căn bệnh “kiêu căng”, “tự cao, tự đại” - căn bệnh có thể làm suy yếu Đảng Cộng sản (b) Nga. Lênin đã chỉ ra bài học cho những người cộng sản rằng: “Tất cả những đảng cách mạng đã bị tiêu vong cho tới nay, đều bị tiêu vong vì tự cao tự đại, vì không biết nhìn rõ cái gì tạo nên sức mạnh của mình, và vì sợ sệt không dám nói lên những nhược điểm của mình”(18).

Sự thật có vai trò vô cùng quan trọng đối với các chủ thể lãnh đạo - đảng chính trị cầm quyền như Đảng Cộng sản (b) Nga. Do đó, Lênin đã không chỉ duy trì tờ báo Sự thậtsau Cách mạng Tháng Mười, mà sau khi cầm quyền được ba năm, những sự thật bất cập trong lãnh đạo của Đảng Cộng sản (b) Nga cũng đã được Lênin thẳng thắn thừa nhận và tìm mọi cách sửa chữa. Lênin đã viết ra cả một chuyên mục riêng với tiêu đề “Sai lầm của chúng ta”(19) trong một bản báo cáo về công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị vào thời kỳ đầu thực hiện Chính sách kinh tế mới (1921). Sai lầm lớn nhất của Đảng và Nhà nước Nga lúc bấy giờ là đã áp dụng máy móc cách xây dựng xã hội XHCN theo kiểu “tiến thẳng” lên xã hội đó trong khi điều kiện “vật chất” cần thiết để thực hiện điều đó chưa thể đáp ứng. Để khắc phục các sai lầm trong tư duy, đường lối chính trị đó, Lênin đã nhấn mạnh đến tiêu chí “chân thực” trong việc truyền tải các thông tin lý luận chính trị. Lênin đã nêu rõ: “... về mặt lý luận và chính trị, chúng ta đã đi xa hơn mức cần thiết, đó là một sự thật không còn nghi ngờ nữa, mà trong khi cổ động và tuyên truyền chúng ta không nên che giấu”(20). Còn để khắc phục các sai lầm trong cách xây dựng tổ chức để thực hiện các đường lối, chính sách, đặc biệt trong xây dựng bộ máy nhà nước lúc bấy giờ, Lênin cũng đã không giấu diếm, không sợ nói lên những sự thật sai lầm đó: “Bộ máy của chúng ta có rất nhiều khuyết điểm, bộ máy ấy đã phình ra gấp quá hai lần, bộ máy ấy rất thường không phục vụ chúng ta mà chạy ngược lại chúng ta (không nên sợ nói lên sự thật đó, ngay cả nói ở diễn đàn của bộ máy lập pháp tối cao của nước cộng hòa chúng ta)”(21). Theo Lênin, chính việc không che giấu thông tin mới có thể giúp cho Đảng và Nhà nước Xô viết vượt qua khỏi những khó khăn, thách thức trong quá trình xây dựng CNXH, để có thể “đuổi kịp các nước khác”. Lênin đã lập luận vấn đề đó như sau: “Phải tính đến một sự thật là so với tất cả các nước,... thì chúng ta ít văn hóa hơn hết, lực lượng sản xuất của chúng ta ít phát triển hơn hết và chúng ta lao động tồi nhất. Tất nhiên, phải thừa nhận như thế là rất khó chịu. Nhưng tôi nghĩ rằng chính vì chúng ta không giấu diếm những điều đó bằng những câu tốt đẹp bề ngoài, bằng sự hoan hỷ trên các công văn... nên chúng ta sẽ đuổi kịp các nước khác một cách nhanh chóng”(22).

Những quan điểm, nhận thức của Lênin về vấn đề sự thật trong hoạt động chính trị nêu trên có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với nước ta hiện nay. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ luôn được dựa trên cơ sở sự thật - tức sự minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi hoạt động chính trị của Đảng và Nhà nước. Chính việc “nhìn thẳng vào sự thật”, dám “nói thẳng, nói thật” như Đảng đã khẳng định tại Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thu được những thắng lợi bước đầu trong ba mươi năm đổi mới vừa qua. Tiếp tục “dám nhìn thẳng vào sự thật”, “nói đúng sự thật” - đó chính là giải pháp của mọi giải pháp để Đảng ta giữ vững vai trò lãnh đạo, giữ vững vị thế cầm quyền, đoàn kết toàn dân muôn người như một tiếp tục chèo lái con thuyền Việt Nam tới bến bờ vinh quang, thực hiện từng bước mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh của Đảng và Hiến pháp năm 2013 đã xác định.

___________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 3-2015

(1), (12), (13), (14), (18), (21), (22) V.I. Lênin: Toàn tập, t.45, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.207, 114-115, 114, 115, 141, 292, 288.

(2) Sđd, t.20, tr.248.

(3) Sđd, t.32, tr.329.

(4), (5), (17) Sđd, t.41, tr. 479, 80-81, 110.

(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.492.

(7), (8), (19) V.I.Lênin, Sđd, t.44, tr.218, 217, 196.

(9), (10), (11), (16), (20) Sđd, t.43, tr.154, 154, 293, 65, 75-76.

(15) Sđd, t.36, tr.208.

 

PGS, TS Nguyễn Hữu Đổng

Viện Chính trị học

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền