Trang chủ    Nghiên cứu lý luận    Sự phát triển nhận thức của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa qua 30 năm đổi mới
Thứ hai, 21 Tháng 12 2015 10:47
5841 Lượt xem

Sự phát triển nhận thức của Đảng về dân chủ xã hội chủ nghĩa qua 30 năm đổi mới

(LLCT) - Trong tiến trình đổi mới, Đảng ta luôn xem việc xác định động lực của CNXH là vấn đề quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Xác định đúng động lực là một nhiệm vụ, nội dung cơ bản trong đường lối cách mạng và đó cũng là yếu tố cơ bản bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối ấy. Sự có mặt của dân chủ trong hệ động lực đổi mới và trở thành một trong những động lực cơ bản của CNXH là điểm mới quan trọng trong nhận thức lý luận của Đảng ta về CNXH và dân chủ XHCN.

1. Dân chủ xã hội chủ nghĩa - bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định dân chủ là bản chất của chế độ XHCN. Đó là nhận thức nhất quán của Đảng ta về CNXH và dân chủ XHCN. Tại Đại hội V, Đảng ta khẳng định: nhân dân lao động làm chủ tập thể là bản chất của chế độ mới, xây dựng chế độ làm chủ tập thể XHCN của nhân dân lao động là mục tiêu bao trùm của cách mạng XHCN ở nước ta. Trong tiến trình đổi mới, nhận thức ấy đã không ngừng được bổ sung, phát triển và làm sâu sắc thêm trên nhiều khía cạnh. Tại Đại hội VI, Đảng ta chỉ rõ: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra là nền nếp hằng ngày của xã hội mới, thể hiện chế độ nhân dân lao động tự quản lý Nhà nước của mình.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội, Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) đã nêu nhiều nội dung quan trọng về vị trí, vai trò của dân chủ XHCN trong công cuộc đổi mới và sự nghiệp xây dựng CNXH. Hội nghị khẳng định: Dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH. Xây dựng và phát triển nền dân chủ, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân lao động là điều kiện cơ bản bảo đảm thắng lợi cho công cuộc đổi mới.

Đại hội VII nêu 5 kinh nghiệm bước đầu về tiến hành đổi mới theo định hướng XHCN, trong đó có kinh nghiệm về thực hiện dân chủ XHCN trong tiến trình đổi mới xây dựng CNXH: Nhân dân lao động làm chủ; con người được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột, bất công, làm theo năng lực, hưởng theo lao động, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Dân chủ XHCN là 2 trong 6 đặc trưng bản chất của mô hình CNXH ở Việt Nam được khẳng định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đại hội khẳng định: Thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa là thực chất của việc đổi mới và kiện toàn hệ thống chính trị. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) nhấn mạnh: Thực hiện dân chủ XHCN, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cũng là bản chất tốt đẹp của Nhà nước pháp quyền Việt Nam; Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, quản lý mọi mặt đời sống xã hội bằng pháp luật, đưa đất nước phát triển theo định hướng XHCN. Như vậy, dân chủ XHCN được khẳng định là mục tiêu, động lực, đặc trưng, phương thức, nhiệm vụ cơ bản của CNXH.

Đại hội IX (2001) của Đảng chính thức xác định dân chủ là một trong những thành tố làm nên hệ thống mục tiêu chung của CNXH ở Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Từ Đại hội X (2006), dân chủ XHCN được khẳng định là 1 trong 5 mục tiêu chung của CNXH (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh); 4 trong 8 đặc trưng bản chất của CNXH (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân do Đảng lãnh đạo); 3 trong 8 phương hướng cơ bản để xây dựng CNXH (xây dựng nền dân chủ XHCN, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh); và là một trong những mối quan hệ lớn cần nhận thức và giải quyết tốt trong quá trình đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam (quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ).

Là một trong những đặc trưng thể hiện bản chất của chế độ XHCN, dân chủ XHCN gồm những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, thực chất của dân chủ XHCN là ở chỗ quyền lực thực tế thuộc về nhân dân, nhân dân quản lý xã hội, xã hội được quản lý bởi nhân dân và vì nhân dân mà nòng cốt là công- nông - trí thức do Đảng lãnh đạo; dân là chủ, dân làm chủ trên thực tế ở mọi lĩnh vực đời sống xã hội, ở các cấp, các ngành, bằng kết hợp dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp; dân chủ gắn với tập trung; dân chủ gắn với kỷ cương, kỷ luật, được bảo đảm bằng pháp luật; thống nhất bản chất giai cấp công nhân với tính nhân dân rộng rãi, tính nhân loại và tính dân tộc sâu sắc; bảo đảm quyền con người, quyền công dân và quyền con người, quyền công dân luôn đi liền với nghĩa vụ, trách nhiệm; dân chủ gắn với đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội; dân chủ với nhân dân và trừng trị mọi hành vi xâm phạm lợi ích của nhân dân và Tổ quốc…

Thứ hai, dân chủ XHCN được tổ chức, thực hiện chủ yếu và trước hết bằng hệ thống chính trị XHCN gồm Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được vận hành theo cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Với ý nghĩa đó, dân chủ XHCN được khẳng định là nội dung, phương thức, phương hướng, nguyên tắc và điều kiện cơ bản để đổi mới và xây dựng CNXH ở Việt Nam.

Thứ ba, dân chủ XHCN được khẳng định là những thành tố, nội dung cơ bản nhất cấu thành hệ mục tiêu, động lực và là những đặc trưng cơ bản nhất làm nên mô hình CNXH ở Việt Nam. Dân chủ XHCN, do đó là vấn đề trung tâm, cốt tử của CNXH. Theo đó, một mặt, các mục tiêu khác, các nguồn lực, động lực, đặc trưng khác phải hướng vào mục tiêu, động lực, đặc trưng dân chủ; mặt khác, dân chủ với vị trí, vai trò của mình sẽ thực hiện sứ mệnh tác động, kết hợp, thẩm thấu, lan tỏa, nâng tầm sức mạnh giá trị của tất cả các mục tiêu, động lực và đặc trưng của CNXH. Dân chủ XHCN là bản chất của chế độ XHCN, quy định sự tồn tại, phát triển của CNXH; sẽ không có CNXH nếu không xây dựng, phát triển đầy đủ dân chủ XHCN. Dân chủ XHCN là nội dung, tiêu chí hàng đầu, cơ bản nhất để CNXH chứng tỏ sự ưu việt hơn hẳn so với CNTB.

Thứ tư, với tính cách là bản chất của chế độ, dân chủ XHCN tất yếu phải trải qua quá trình cách mạng lâu dài, với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng ta nhận thức sâu sắc rằng, dân chủ bao hàm những việc, những vấn đề cụ thể, chi tiết, trước mắt, cấp bách phải làm ngay, nhưng có nội dung, có vấn đề thuộc tầm chiến lược, lâu dài, phải làm kiên trì, bền bỉ. Hiện nay, thực tiễn đổi mới, dân chủ hóa các lĩnh vực của đời sống xã hội đang tạo ra những điều kiện, đặt ra những yêu cầu khách quan cho việc thực thi dân chủ XHCN ở tầm cao mới. Theo đó, việc thực hành dân chủ XHCN càng đầy đủ và sâu sắc bao nhiêu thì CNXH càng tỏ rõ sức sống ưu việt bấy nhiêu.

Tuy nhiên, cả về lý luận và thực tiễn, vấn đề vị trí, vai trò của dân chủ XHCN trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam đã và đang đặt ra những khía cạnh cần phải được nhận thức và giải quyết một cách xứng tầm, đúng đắn, đầy đủ, sâu sắc và hiệu quả hơn.

- Là mục tiêu của CNXH, dân chủ XHCN có nhiều khía cạnh, cấp độ khác nhau, vừa là vấn đề cụ thể, trước mắt, vừa là vấn đề ở tầm chiến lược lâu dài. Hiện nay, dân chủ XHCN cần phải trở thành mục tiêu, nhiệm vụ, với những tiêu chí định lượng rất cụ thể để có thể dễ dàng đánh giá, kiểm chứng tính khả thi và tính hiệu quả thực tế của nó. Mỗi chủ trương, chính sách, mỗi quyết định chính trị từ cấp Trung ương tới cơ sở, đều phải được xây dựng, thực hiện theo tinh thần dùng tài dân, sức dân để làm lợi cho dân. Mọi chủ trương, chính sách, mọi quyết định chính trị phải hướng đến mục tiêu làm cho từng bộ phận nhân dân được thêm lợi ích cả về vật chất và tinh thần, bằng các chỉ số định lượng khách quan dễ dàng kiểm chứng. Theo đó, mọi lời nói, việc làm, mọi quyết định chính trị được đưa ra nếu gây khó khăn cho nhân dân, không phù hợp với lợi ích nhân dân và lợi ích quốc gia dân tộc thì cá nhân, tổ chức ban hành quyết định phải chịu trách nhiệm.

- Là động lực của công cuộc đổi mới, xây dựng CNXH ở Việt Nam, dân chủ XHCN cần phải được nhận thức đúng đắn, đầy đủ và sâu sắc để chủ động tạo lập, khai thác, phát huy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến; thực hành dân chủ là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn; có phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được đông đảo lực lượng của nhân dân đưa cách mạng tiến lên... Do đó, cần phải tiếp tục khẳng định một cách mạnh mẽ dân chủ XHCN là động lực cơ bản, động lực của mọi động lực trong đổi mới, phát triển và xây dựng CNXH ở Việt Nam. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, chính sách nào do toàn dân hoạch định, toàn dân thi hành và toàn dân thụ hưởng; chính sách nào được xây dựng trên cơ sở sáng kiến của nhân dân, vì lợi ích của nhân dân, bảo đảm lợi ích của nhân dân thì chính sách ấy dễ dàng đi vào cuộc sống và đem lại thành công cho cách mạng. Đó là sức mạnh của động lực dân chủ - nguồn động lực vô tận, càng khai thác, phát huy càng nhân lên sức mạnh để xóa đói, giảm nghèo, để phát triển nhanh và bền vững. Động lực dân chủ XHCN phải được nhận thức, tạo lập, thực hiện và phát huy tốt trước hết từ trong Đảng, từ tổ chức, hoạt động và phương thức lãnh đạo của Đảng vì Đảng là người tổ chức, lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, phát triển nền dân chủ XHCN ở nước ta.

Nhận thức đúng, giải quyết tốt hai vấn đề nêu trên là góp phần tiếp tục khẳng định, bổ sung, phát triển và làm sâu sắc thêm lý luận của Đảng về dân chủ XHCN trong sự nghiệp xây dựng CNXH ở Việt Nam trong điều kiện mới.

2. Dân chủ xã hội chủ nghĩa - mục tiêu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Hội nghị Trung ương 6 khóa VI (3-1989) đã nêu nguyên tắc xác định và thực hiện mục tiêu CNXH trong tiến trình đổi mới: Đi lên CNXH là con đường tất yếu của nước ta, là sự lựa chọn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta và dân tộc ta. Xây dựng nước Việt Nam XHCN là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đổi mới không phải là thay đổi mục tiêu XHCN mà là làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả bằng những quan niệm đúng đắn và phong phú về CNXH, những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp; xây dựng nền dân chủ XHCN, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vừa là mục tiêuvừa là động lực của sự nghiệp xây dựng CNXH. Theo đó, mục tiêu dân chủ trước hết phải được nhận thức đúng và thực hiện hiệu quả trên lĩnh vực kinh tế.

Tại Đại hội VII, ngoài việc xác định mục tiêu của chặng đường đầu, mục tiêu tổng quát phải đạt tới khi kết thúc thời kỳ quá độ, Đảng ta xác định mục tiêu chung, bao trùm của tiến trình đổi mới là thực hiện dân giàu, nước mạnh theo con đường XHCN; xây dựng nước Việt Nam XHCN giàu mạnh, vì hạnh phúc của nhân dân. Đảng ta khẳng định: toàn bộ tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị nước ta trong giai đoạn mới là nhằm xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Dân chủ gắn liền với công bằng xã hội phải được thực hiện trong thực tế cuộc sống trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội thông qua hoạt động của Nhà nước do nhân dân cử ra và bằng các hình thức dân chủ trực tiếp.

Đến Đại hội VIII (1996), do nhận thức dân chủ gắn liền với công bằng nên hệ mục tiêu của đổi mới và xây dựng CNXH được Đảng xác định là “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”. Đại hội khẳng định: mục tiêu chủ yếu của đổi mới hệ thống chính trị là nhằm thực hiện tốt dân chủ XHCN, phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân…

Đại hội IX (2001), Đảng ta xác định dân chủ là một trong năm thành tố làm nên hệ thống mục tiêu chung của CNXH ở Việt Nam: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Dân chủ có nội dung riêng, tương đối độc lập, không thể lồng ghép nó vào các khái niệm khác. Như vậy, sau 15 năm đổi mới, hệ thống mục tiêu chung của CNXH đã được xác định rõ hơn. Đây là dấu ấn thể hiện bước ngoặt quan trọng trong tư duy, nhận thức lý luận của Đảng về CNXH và dân chủ XHCN.

Tổng kết 20 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, tại Đại hội XI (2011) Đảng ta đã sắp xếp lại vị trí của các thành tố trong hệ thống mục tiêu; theo đó, mục tiêu tổng quát của CNXH là: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân chủ được đưa lên trước công bằng, văn minh. Đây không chỉ là vấn đề chữ nghĩamà là phản ánh logíc của sự vận động phát triển, phản ánh thứ tự ưu tiên trong thực hiện mục tiêu. Cả lý luận và thực tiễn đều chỉ rõ dân chủ là tiền đề, điều kiện quyết định đối với công bằng, văn minh và với dân giàu, nước mạnh. Dân chủ là động lực, bản chất của CNXH nên dân chủ ở vị trí trung tâm, là hạt nhân, cốt lõi, là mục tiêu cơ bản nhất tronghệ mục tiêu. Có dân chủ thật sự (đa số nhân dân là chủ, làm chủ) mới có công bằng (về phân phối lợi ích và cơ hội phát triển), nhân dân mới giàu (số đông giàu có cả vật chất và tinh thần), nước mới mạnh (lòng dân, sức dân) và mới tạo được một xã hội thật sự văn minh. Tất nhiên, vị trí, thứ tự ưu tiên này có tính tương đối, vì mỗi thành tố trong hệ mục tiêu đều có nội dung tương đối độc lập.

3. Dân chủ xã hội chủ nghĩa - động lực của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Trong tiến trình đổi mới, Đảng ta luôn xem việc xác định động lực của CNXH là vấn đề quan trọng cả về lý luận và thực tiễn. Xác định đúng động lực là một nhiệm vụ, nội dung cơ bản trong đường lối cách mạng và đó cũng là yếu tố cơ bản bảo đảm thực hiện thắng lợi đường lối ấy. Sự có mặt của dân chủ trong hệ động lực đổi mới và trở thành một trong những động lực cơ bản của CNXH là điểm mới quan trọngtrong nhận thức lý luận của Đảng ta về CNXH và dân chủ XHCN.

Dân chủ XHCN không những kết tinh trong bản thân mình toàn bộ những giá trị dân chủ đã đạt được mà còn tạo ra những giá trị dân chủ mới về chất. Dân chủ trở thành giá trị phổ biến của xã hội, thâm nhập vào mọi lĩnh vực đời sống, mọi quan hệ chính trị - xã hội, tạo ra ngày càng đầy đủ những điều kiện cho sự giải phóng mọi tiềm năng, tạo nên sức mạnh, lực đẩy, cuốn hút mọi người dân Việt Nam, từ cá nhân, cộng đồng đến các tổ chức tự giác hành động cách mạng. Với vai trò động lực đó, trong tiến trình đổi mới, dân chủ được nhận thức và giải quyết ngày càng sâu sắc và hiệu quả. Động lực dân chủ được nhìn nhận, khai thác, thực hiện, thúc đẩy, mở rộng, phát huy từ các cấp độ, các khía cạnh, các lĩnh vực đời sống xã hội như: 

Động lực dân chủ trên lĩnh vực chính trị được thể hiện và thực hiện bằng việc đổi mới, dân chủ hóa tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị. Sức mạnh, động lực của đổi mới, phát triển được tạo ra trước hết từ đường lối đổi mới, sự nêu gương thực hành dân chủ, lãnh đạo bằng phương thức dân chủ của Đảng cầm quyền. Sức mạnh tổng hợp, động lực căn bản nhất để đổi mới thành công và xây dựng CNXH thắng lợi còn được tạo bởi hợp lực từ việc thực hiện dân chủ gắn liền với đồng thuận xã hội, kết hợp dân chủ đại diện với dân chủ trực tiếp, kết hợp dân chủ từ dưới lên với dân chủ từ trên xuống, dân chủ trong Đảng với dân chủ toàn xã hội...

Động lực dân chủ trên lĩnh vực kinh tế được thể hiện và thực hiện bằng việc phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước XHCN (kinh tế thị trường định hướng XHCN). Mọi người dân được tự do, tự chủ sản xuất - kinh doanh theo pháp luật; mọi thành phần kinh tế được bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và vai trò đối với quá trình phát triển đất nước. Đây là phương thức, động lực và là con đường tất yếu để phát triển nhanh, mạnh mẽ các lực lượng sản xuất và từng bước thiết lập các quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp theo định hướng XHCN.

Động lực dân chủ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa được thể hiện và thực hiện bằng việc bảo đảm quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; xây dựng nền văn hoá thống nhất trong đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc Việt Nam. Với ý nghĩa đó, thực hiện dân chủ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa là nền tảng và động lực tinh thần to lớn của đổi mới và phát triển.

Động lực dân chủ trên lĩnh vực xã hội được thể hiện và thực hiện bằng việc kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách; phát triển hài hòa đời sống vật chất và đời sống tinh thần, không ngừng nâng cao đời sống của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất, gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến với hưởng thụ, lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể và cộng đồng xã hội. Chính sách xã hội đúng đắn vì hạnh phúc con người là động lực to lớn phát huy mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng CNXH.

________________

Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 2-2015

ThS Nguyễn Anh Tuấn

Trường Đại học Tây Nguyên

Các bài viết khác

Thông tin tuyên truyền